Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  17/10/2018 11:21        

Đổi mới phương pháp dạy học Văn học theo hướng phát triển năng lực người học

Tóm tắt: Đổi mới phương pháp dạy và học trong các ngành khoa học xã hội nói chung và văn học nói riêng đang là nhiệm vụ cấp thiết đối với giáo viên giảng dạy. Mục tiêu của việc đổi mới là hướng vào người học, phát huy vai trò và khả năng tự học, tự nghiên cứu của sinh viên. Trong chuyên đề này, chúng tôi đề xuất các phương pháp nhằm nâng cao năng lực của người học trong môn Văn học như phương pháp dạy học nêu vấn đề, phương pháp trực quan, phương pháp thực hành sáng tạo, phương pháp hướng dẫn tự học. Việc áp dụng linh hoạt các phương pháp sẽ phát huy được năng lực của người học, từng bước cải thiện các giờ dạy và học văn ở trường cao đẳng, đại học hiện nay.
Từ khóa: năng lực, đổi mới, phương pháp, văn học

1. Đặt vấn đề
Cùng với đổi mới chương trình, nội dung, đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại, phát triển năng lực người học là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng mang tính đột phá để đổi mới căn bản giáo dục và đào tạo hệ thống tính chỉ. Hiện nay thực tế việc đổi mới phương pháp dạy và học trong môn Văn học ở các trường cao đẳng, đại học còn nhiều bất cập.Thực hiện tham luận này, chúng tôi mong muốn đề xuất các phương pháp hiệu quả, thiết thực trên cơ sở kế thừa các phương pháp truyền thống, nhằm nâng cao năng lực học của sinh viên(SV), áp dụng cho học phần Văn học được giảng dạy tại khoa Sư phạm, trường Đại học Khánh Hòa.
2. Nội dung
Phương pháp sư phạm truyền thống nói chung bao gồm ba nhóm: nhóm sử dụng phương tiện lời nói để trình bày, giảng giải, thuyết trình, hỏi đáp, đàm thoại; nhóm phương pháp trực quan và nhóm phương pháp thực hành.Theo quan niệm dạy học truyền thống, nhóm phương pháp thuyết trình chiếm vị thế tối ưu, các phương pháp sau là phụ trợ. Tuy nhiên quan niệm dạy học hiện đại theo hướng lấy người học làm trung tâm khuyến khích chú trọng vào nhóm hoạt động thực hành. Với vai trò là chủ thể của hoạt động, GV cần phải tổ chức các hoạt động để sinh viên (SV) tự mình đúc rút được kinh nghiệm, từ đó hình thành tri thức của mình. Hoạt động giảng của thầy là một phương tiện dạy học, nhưng không phải là phương pháp cơ bản của việc dạy học. Trên cơ sở của lí luận dạy học hiện đại, chúng tôi đề xuất các phương pháp đặc thù trong giảng dạy Văn học, hướng vào phát triển năng lực của SV.
2.1 Phương pháp dạy học nêu vấn đề
Phương pháp dạy học nêu vấn đề rất cần thiết trong dạy học văn học theo quan niệm giáo dục hiện đại, nhằm phát huy được tính sáng tạo, tích cực của SV, phù hợp với bậc cao đẳng, đại học. Trong dạy học văn từ trước đến nay, chúng ta đã áp dụng phương pháp này tuy nhiên tần số còn hạn chế và cách thức tổ chức trên lớp học còn nhiều bất cập.
Trong các tiết học, GV nêu vấn đề của bài học, sau đó tổ chức cho các nhóm thảo luận, giải quyết vấn đề mình đưa ra. Phương pháp này đòi hỏi GV phải đầu tư vào hệ thống câu hỏi “có vấn đề”, phải có bản lĩnh điều hành lớp học, linh hoạt xử lí các tình huống “nằm ngoài dự định”, và khéo léo đưa ra những kết luận cho những ý kiến trái chiều từ các nhóm.
GV cần nắm vững quá trình dạy học nêu vấn đề với các bước cơ bản sau:
- Giúp SV xác định những vấn đề cần giải quyết.
- Gợi ý để các nhóm tự đưa phương pháp giải quyết vấn đề.
- GV xem xét các phương pháp của các nhóm (qua thuyết trình trên lớp).
- Thống nhất phương án phù hợp nhất để giải quyết vấn đề.
Với phương pháp này, SV tham gia chiếm lĩnh tri thức dưới sự dẫn dắt của GV. Đây là mô hình lớp học tương tác đa chiều giữa GV với SV, giữa các cá nhân SV với nhau. Ở một số nội dung học có tính vừa sức, GV có thể trao quyền điều hành lớp học cho các nhóm trưởng để họ tự tổ chức thảo luận, thuyết trình nhằm hình thành kiến thức, GV chỉ “can thiệp” khi cần thiết.
2.2 Phương pháp trực quan
Trực quan là một trong những nguyên tắc dạy học cơ bản và mang tính hỗ trợ hiệu quả cho giờ học.Trong các trường cao đẳng, đại học, đối với các bộ môn khoa học xã hội nói chung và văn học nói riêng, vì nhiều lí do mà phương pháp này chưa được đầu tư, thậm chí là bị lãng quên. GV cần nhận thức rõ vai trò của kênh hình trong quá trình dạy học tương tác đa chiều.Trong bộ môn Văn học, có hai hình thức sử dụng trực quan trong dạy học nhằm đạt hiệu quả cao, kích thích sự tìm tòi, suy ngẫm cũng như sự sáng tạo của SV.

2.2.1. Sử dụng tranh, phim ảnh
Con đường chiếm lĩnh một tác phẩm văn học không chỉ bằng con đường đọc, nghe mà còn nhìn, nghĩa là động tác trực tiếp vào thị giác.Việc sử dụng tranh, phim ảnh có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong giờ dạy học văn.
Ngày nay, có rất nhiều tranh ảnh, phim tài liệu về các tác giả, các giai đoạn văn học, các vấn đề thời sự xoay quanh các nội dung văn học, các bộ phim được chuyển thể từ các tác phẩn văn học… Nếu GV kịp thời nắm bắt các thông tin và sưu tầm chúng, thì dạy và học là quá trình trải nghiệm, quá trình thưởng thức đồng thời với quá trình chiếm lĩnh tri thức.Thay vì GV dành đa phần thời gian giảng bài thì hãy chọn các trích đoạn tiêu biểu, cho SV xem và tổ chức thảo luận, thuyết trình về các vấn đề liên quan đến nội dung phim. Cách dạy và học này mang tính tương tác đa chiều, sẽ thu nhận được ý kiến từ các SV. SV sẽ khắc sâu kiến thức một cách tự nguyện, giờ học trở nên nhẹ nhàng và thoải mái.
2.2.2. Sử dụng biểu bảng, mô hình
Một trong những hình thức khác của phương pháp trực quan trong giảng dạy là sử dụng sơ đồ, biểu bảng, mô hình… Với các môn khoa học xã hội, các loại biểu bảng, sơ đồ, mô hình là những hình thức trực quan cơ bản và hữu hiệu như bảng phân loại, bảng tổng kết các giai đoạn văn học, mô hình các thể loại văn học…
GV có thể chuẩn bị các biểu bảng, mô hình, sơ đồ làm phương tiện dạy học hoặc yêu cầu SV làm chúng ở nhà để phục vụ cho bài thuyết trình của nhóm. Phương pháp này sử dụng hiệu quả trong các tiết học về khái quát đặc trưng của các thể loại văn học, các tiến trình-giai đoạn văn học…Tuy nhiên, các biểu bảng, sơ đồ, mô hình phải được sử dụng kết hợp với các phương pháp khác như thuyết trình, đàm thoại…thì mới mang lại hiệu quả thiết thực.
2.3 Phương pháp thực hành sáng tạo
Phương pháp thực hành phổ biến trước nay chúng ta vẫn thường dùng là áp dụng hệ thống lí thuyết vào thực hành phân tích các tác phẩm văn học, hoặc các vấn đề văn học. Tuy nhiên đặc trưng của bộ môn Văn học mang tính sáng tạo, tính thẩm mỹ vì thế thực hành ở đây cũng mang tính sáng tạo.
Các vấn đề văn học có thể được SV thể hiện bằng các thành phẩm khác nhau, có thể được sân khấu hóa bằng các vở kịch nói hay kịch câm, hoặc các hình thức khác mang tính diễn xướng như kể chuyện, hát dân ca, diễn tuồng, chèo…
Chẳng hạn như trong việc tổ chức chuyển thể một tác phẩm văn học thành một vở kịch, SV trong lớp sẽ được chia thành các nhóm khác nhau. Mỗi nhóm chịu trách nhiệm những công việc cụ thể. Nhóm nội dung chịu trách nhiệm tìm hiểu chung về cuộc đời và sự nghiệp sáng tác của tác giả, về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của tác phẩm; phân tích, đánh giá về nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Nhóm biểu diễn có nhiệm vụ dàn dựng tiểu phẩm. Nhóm đạo cụ chuẩn bị trang phục, phông màn, trang trí…cho tiết mục. Nhóm hội thảo chịu trách nhiệm về những ý kiến tranh luận và các câu hỏi trắc nghiệm xung quanh tác giả và tác phẩm. Phương pháp này áp dụng rất thành công cho một số tiết học về thực hành phân tích các tác phẩm văn học dân gian và văn học hiện đại, đặc biệt là truyện dân gian như truyền thuyết, truyện cổ tích, truyện ngụ ngôn, truyện cười…Việc vận dụng phương pháp này giúp SV tiếp cận với tác phẩm một cách say mê, chủ động, thấu đáo. Tác phẩm văn học không còn là những văn bản khô khan trên trang giấy mà đã thực sự trở thành những “cơ thể sống”. SV thu nhận được một lượng thông tin phong phú, bổ ích về tác phẩm. GV chỉ là người định hướng tổ chức, không còn truyền giảng một cách áp đặt những suy nghĩ chủ quan của mình.
Ngoài ra, những giờ tổng kết, khái quát hóa kiến thức có thể trở thành một sân chơi đố vui đầy hào hứng dưới sự chuẩn bị công phu, kĩ lưỡng của GV. Có thể tổ chức những giờ thực hành với hình thức thực hiện như trò chơi “Rung chuông vàng”, “Đường lên đỉnh Olympia”. SV các nhóm có ý thức củng cố kiến thức ở nhà để có thể hoàn thành các cuộc thi một cách tốt nhất. Phương pháp học mà chơi, chơi mà học này mang tính tương tác cao, hiệu quả trong việc củng cố và khắc sâu hệ thống kiến thức văn học đã học.
2.4 Phương pháp hướng dẫn tự học
Dạy và học theo học chế tín chỉ chú trọng năng lực tự học của SV với tư cách là chủ thể của quá trình học tập. Vì thế dạy học văn học cho SV cũng cần dạy cách tự học. Ngoài các phương pháp truyền thống, GV cần chú trọng vào phương pháp hướng dẫn tự học cho SV, thông qua các bước cơ bản sau:
2.4.1 Hướng dẫn xây dựng kế hoạch tự học
GV cần hướng dẫn SV lên danh mục các nội dung cần tự học, khối lượng và yêu cầu cần đạt được trong môn Văn học. Để thực hiện được thao tác này, GV hướng dẫn cho SV bám sát vào hệ thống các yêu cầu của đề cương học phần, đặc biệt là các bài tập mà GV giao thực hiện ở nhà. Từ đó GV giúp SV định hướng cho mình các hoạt động cần phải tiến hành, sản phẩm cụ thể cần tạo ra, thời gian dành cho mỗi nội dung và mỗi hoạt động. Yêu cầu của bảng kế hoạch tự học là phải đảm bảo tính khoa học, tính vừa sức và tính khả thi. Xây dựng được bản kế hoạch tự học hợp lí là kĩ năng quan trọng đầu tiên đối với mỗi SV.
2.4.2 Hướng dẫn đọc
Dạy học ở bậc cao đẳng, đại học không chỉ chú trọng vào việc phân tích, giảng bình tác phẩm, mà còn dạy hệ thống lý thuyết văn học cơ bản làm tiền đề cho SV tự cảm thụ và phân tích các tác phẩm văn học. Theo chúng tôi, SV cần được phân bố thời gian đọc như là một hoạt động học nhằm chiếm lĩnh tri thức tại lớp và cả ở nhà.
Khi hướng dẫn cách đọc các văn bản văn học, GV cần hướng dẫn các quá trình đọc – hiểu văn bản cho SV, đặc biệt là SV năm thứ nhất: 1/Đọc hiểu ngôn từ (chữ, từ, câu, đoạn, văn bản); 2/Đọc hiểu hình tượng; 3/Hiểu ý nghĩa toàn văn bản. Mục đích của việc đọc – hiểu là để SV tự mình tìm ra nội dung ý nghĩa của tác phẩm, tránh tình trạng GV miễn cưỡng áp đặt quan niệm và suy nghĩ của mình lên SV.
Đối với việc đọc – hiểu hệ thống lý thuyết văn học cơ bản, cần gắn vào mục tiêu và nhiệm vụ đọc. GV nên nêu ra yêu cầu cụ thể cho SV khi đọc một nội dung kiến thức, tránh tình trạng đọc thiếu định hướng dẫn đến mơ hồ không nắm bắt được các vấn đề trọng tâm.
Sau khi hướng dẫn đọc, GV cần hướng dẫn SV hệ thống hóa lại tất cả các nội dung kiến thức đã đọc bằng mô hình, sơ đồ, bảng biểu… để tổng hợp các vấn đề học. Như thế SV sẽ khắc sâu được kiến thức một các hệ thống, hiểu được các qui luật, đặc trưng của văn học, chuyển quá trình đọc-hiểu thành quá trình vận dụng thực hành.
Tóm lại, việc GV hướng dẫn đọc sẽ giúp SV rèn luyện cách đọc tích cực, chiếm lĩnh kiến thức một cách độc lập, tự chủ. GV không cần phải thuyết giảng quá nhiều gây nhàm chán, biến SV thành người học thụ động.
2.4.3 Hướng dẫn lựa chọn tài liệu, xử lí thông tin
Trong tình hình đa dạng và phong phú về thông tin như hiện nay, việc lựa chọn tài liệu hết sức quan trọng. Tài liệu tự học có thể lấy từ các nguồn khác nhau: giáo trình, sách tham khảo ở thư viện trường, tủ sách của GV, hoặc các nguồn tài liệu trên các trang Web. GV hướng dẫn nguồn tài liệu cần sắp xếp theo danh mục ưu tiên nhằm đảm bảo SV chọn đúng, chọn đủ, chọn hợp lí các nguồn tài liệu phục vụ cho học tập.
Đặc thù của môn Văn học là chứa đựng nhiều kiến thức trừu tượng, khối lượng kiến thức lại nhiều nên GV cần hướng dẫn SV hệ thống hóa khối lượng kiến thức bằng cách tóm tắt, phân loại, xác lập các mối liên hệ, biểu diễn bằng sơ đồ tư duy…Hệ thống hóa kiến thức sẽ giúp SV lưu trữ thông tin và ghi nhớ các vấn đề trọng tâm.
2.4.4 Hướng dẫn tự kiểm tra, đánh giá
Tự kiểm tra đánh giá là một kĩ năng quan trọng trong tự học, thể hiện năng lực của SV. SV có thể tự đánh giá việc học của mình đạt mức độ nào, xác định, điều chỉnh phương pháp tự học đạt hiệu quả cao hơn. GV cần hướng dẫn SV kiểm tra, đánh giá dưới nhiều hình thức như: tự làm trắc nghiệm, tự luận, làm BT thực hành…GV giao nhiệm vụ cho nhóm tự đánh giá lẫn nhau thông qua bảng đánh giá năng lực tự học của các nhóm. GV có thể tổ chức cho các nhóm tự kiểm tra, đánh giá lẫn nhau thông qua bộ câu hỏi trắc nghiệm hoặc tự luận mà các nhóm tự biên soạn. Như vậy quá trình học tập ở đây mang tính hợp tác. Chủ thể của quá trình kiểm tra, đánh giá trong dạy học hiện đại không chỉ là GV mà còn là SV, chủ thể trực tiếp của quá trình học. Hướng dẫn SV tự kiểm tra, đánh giá sẽ giúp SV ý thức được toàn diện về quá trình học của mình, tự đo lường mức độ và khả năng học tập của bản thân.
3. Kết luận
Đổi mới phương pháp dạy và học trong Văn học không có nghĩa là phủ nhận phương pháp truyền thống, hoặc độc tôn nhóm phương pháp hiện đại nào đó một cách máy móc. Không có một phương pháp nào toàn vẹn, thõa mãn các yêu cầu dạy và học văn. Do đó, GV cần vận dụng linh hoạt các phương pháp vào hoạt động dạy học một cách phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ nhằm phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của SV. GV cần tạo ra một môi trường học tập tương tác đa chiều, hợp tác, hướng trọng tâm vào chủ thể của quá trình học là SV nhằm phát huy tối đa năng lực của người học. 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1] Trần Minh Hằng, Tự học và yếu tố tâm lí cơ bản trong tự học của SV sư phạm, NXB Giáo dục, Việt Nam, 2011.
[2] Nguyễn Thị Tính, Dạy cách học cho SV-mục tiêu quan trọng của hoạt động giảng dạy ở đại học sư phạm, Tạp chí Giáo dục, số 11, 2011.
[3] Lê Hồng Vinh, Đỗ Xuân Tiến, Tiếp cận năng lực thực hiện trong tổ chức tự học cho SV đáp ứng yêu cầu đào tạo theo học chế tín chỉ, Tạp chí Giáo dục, số 270, 2011.

 

ThS Ngũ Nhị Song Hiền - Khoa Sư Phạm

 

 
Khoa Sư Phạm