Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  26/11/2018 19:18        

Phát triển năng lực kể chuyện cho giáo viên tiểu học

Tóm tắt: trong chương trình tiếng việt ở bậc tiểu học, kể chuyện là một phân môn quan trọng không chỉ hình thành các kĩ năng mà còn góp phần phát triển trí tuệ, tình cảm, đạo đức cho HS. Để một tiết dạy không đơn điệu, nhàm chán, lôi cuốn được HS cùng tham gia, GV cần trau dồi năng lực kể chuyện. Bài viết đưa ra các kĩ năng kể chuyện ở từng khối lớp, các yêu cầu về năng lực kể chuyện của GV để làm tiền đề cho việc đưa ra các biện pháp nhằm phát triển các năng lực kể chuyện cần có như phát huy các năng lực thiết kế và sáng tạo thủ công kĩ thuật; khơi gợi, kích thích hứng thú cho HS; xây dựng các bài tập kể chuyện sáng tạo; sân khấu hóa truyện kể…
Từ khóa: năng lực, kể chuyện, Tiếng Việt, Tiểu học

1. Mở đầu
Trong các phân môn của Tiếng Việt, Kể chuyện là một môn học quan trọng, giúp hình thành và phát triển toàn diện các kĩ năng của học sinh. Kể chuyện tạo cho học sinh tư duy phân tích tổng hợp, biết cách tóm tắt, diễn đạt; rèn kĩ năng nói, giúp học sinh mở rộng vốn từ; rèn kĩ năng kể mạch lạc, diễn cảm, biết hóa thân vào nhân vật khi kể, hiểu ý nghĩa nội dung từng câu chuyện. Kể chuyện góp phần rất lớn vào việc phát triển trí tuệ, tình cảm, đạo đức; hình thành phẩm chất, nhân cách cho trẻ.
Có thể nói, Kể chuyện là một phân môn lí thú, hấp dẫn ở trường Tiểu học. Mỗi tiết Kể chuyện đi sâu vào tâm hồn ngây thơ của trẻ, thật sự thu hút sự chú ý, lắng nghe, sự suy ngẫm hồn nhiên của trẻ. Để làm được điều đó, giáo viên cần phát huy năng lực kể chuyện của mình nhằm giúp cho các tiết dạy đạt hiệu quả cao như mong muốn.
Thực tế giáo viên tại một số trường Tiểu học hiện nay một số giáo viên tại các trường Tiểu học thiếu năng lực tổ chức giờ học, chưa phát huy hết năng lực kể chuyện: giọng kể tẻ nhạt, chưa thu hút; chưa thuộc cốt truyện, chưa thoát li văn bản; chưa thấm nhuần nội dung câu chuyện nên kể chuyện vô cảm, không truyền được cảm hứng cho học sinh; đồ dùng dạy học nghèo nàn…. Điều này đã biến tiết Kể chuyện trở nên đơn điệu, học sinh thụ động, không phát huy được tài năng, sự sáng tạo cũng như kĩ năng sử dụng tiếng Việt cho học sinh. Trước thực tế này, bài tham luận hướng đến việc phát huy năng lực kể chuyện cho giáo viên Tiểu học nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy cho bộ môn này.
2. Phát triển năng lực kể chuyện cho giáo viên Tiểu học
2.1 Phân môn Kể chuyện trong chương trình Tiểu học
Nhìn chung, quá trình dạy học là một quá trình nghệ thuật, khoa học, tinh tế và độc đáo. Đối với phân môn Kể chuyện thì đặc điểm này càng được bộc lộ rõ nét, sâu sắc.Việc sử dụng các kĩ năng để tiến hành một tiết dạy trên lớp cho hiệu quả hoàn toàn tùy thuộc vào năng lực của người giáo viên. Khác với các môn học khác, phân môn Kể chuyện mang dấu ấn cá nhân rõ nhất.
Để phát huy năng lực kể chuyện, giáo viên cần nắm vững yêu cầu chung của kể chuyện: kể một cách tự nhiên, với giọng kể và điệu bộ phù hợp với từng nhân vật trong câu chuyện, biết đưa vào câu chuyện một số câu từ của bản thân làm cho câu chuyện thêm cụ thể và hấp dẫn (kể lại câu chuyện bằng lời của mình).
Các khối lớp khác nhau thì yêu cầu của kể chuyện cũng khác nhau. Do đó giáo viên có năng lực tốt sẽ biết khai thác hiệu quả các yêu cầu ở từng khối lớp để mang lại chất lượng cho một tiết kể chuyện.
*Kĩ năng kể chuyện ở lớp 1:
Học sinh lớp 1 chỉ yêu cầu kể lại được một vài tình tiết của câu chuyện. Phương pháp chung là giáo viên kể, học sinh nghe. Ở đây, việc tập kể lại của học sinh mới chỉ yêu cầu ở một mức độ đơn giản: tập kể lại một đoạn ngắn, thậm chí từng tình tiết, tập trả lời câu hỏi dễ.
*Kĩ năng kể chuyện ở lớp 2,3:
Học sinh được yêu cầu kể lại 1 đoạn hoặc cả truyện, kèm theo ngữ điệu và nét mặt biểu cảm thích hợp. Phương pháp chung ở lớp 2,3 là giáo viên kể, học sinh nghe và kể lại từng đoạn hoặc cả truyện đối với truyện có tình tiết đơn giản.Trong khi học sinh tập kể lại, giáo viên nên khuyến khích học sinh sử dụng ngôn ngữ của bản thân mình.
*Kĩ năng kể chuyện ở lớp 4,5:
Học sinh có thể kể lại một đoạn truyện dài và cả câu chuyện. Ngoài việc nhớ tình tiết truyện, cốt truyện, học sinh lớp 4,5 cần dùng từ, diễn đạt mạch lạc, rõ ràng. Giáo viên khuyến khích các em sử dụng vốn từ của bản thân để kể lại câu chuyện. Giáo viên có năng lực sẽ hình thành và rèn luyện được cho học sinh kĩ năng diễn đạt bao gồm kĩ năng nói, kĩ năng dùng từ, lựa chọn từ, đặt câu. Nói cho rành mạch, rõ ràng, nói có ngữ điệu, có lên giọng xuống giọng ở những chỗ cần thiết, nói bằng ngôn ngữ của riêng mình. Bên cạnh đó đối với học sinh lớp 4,5, kĩ năng kể chuyện ở đây còn bao gồm cả kĩ năng truyền cảm. Kĩ năng truyền cảm ở đây là khả năng thể hiện cảm xúc qua lời kể, giọng điệu, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ…phù hợp với nội dung câu chuyện. Những cung bậc cảm xúc sẽ qua giọng kể của học sinh lan tỏa đến cho người nghe. Giáo viên cần nắm bắt các yêu cầu kĩ năng này để rèn cho học sinh và cả cho bản thân mình.
2.2. Những yêu cầu về năng lực Kể chuyện của giáo viên
Trên cơ sở nắm vững các yêu cầu của kĩ năng kể chuyện được qui định ở từng khối lớp, giáo viên cần đáp ứng các yêu cầu về năng lực kể chuyện như sau:
2.2.1 Trau dồi năng lực cảm thụ tác phẩm văn học
Tác phẩm văn học là một sáng tạo nghệ thuật độc đáo, phức tạp, có tính đa nghĩa. Các văn bản truyện kể trong phân môn Kể chuyện ở bậc tiểu học là các tác phẩm văn học đặc sắc, được chọn lọc tiêu biểu, mang tính nghệ thuật và tính nhân văn cao. Muốn thẩm thấu được linh hồn của các tác phẩm, giáo viên cần trau dồi năng lực cảm thụ văn học. Khi đọc một tác phẩm, giáo viên không chỉ hiểu mà còn biết rung động trước những giá trị nghệ thuật nổi bật, những điều sâu sắc, tế nhị và cao đẹp mà tác giả gửi gắm vào đứa con tinh thần của mình. Giáo viên cần hiểu thấu đáo văn bản truyện qua lớp ngôn từ đa nghĩa, giàu sức biểu cảm; nắm vững đặc trưng thể loại của văn bản nghệ thuật mà cụ thể ở đây là truyện, từ đó vận dụng thích hợp lời kể, sử dụng đúng ngôn ngữ kể.
Cảm thụ tốt văn bản truyện, giáo viên mới có khả năng đồng cảm, thể hiện những suy tư về số phận của từng nhân vật trong câu chuyện, từ đó lây lan những xúc cảm tích cực này đến học sinh qua lời kể truyền cảm của mình.
Cảm thụ tốt văn bản truyện còn giúp giáo viên rút ra những bài học ý nghĩa cho học sinh sau khi kể xong câu chuyện, giúp các em bồi dưỡng thế giới tâm hồn phong phú.
2.2.2 Bồi dưỡng nghệ thuật kể chuyện
Người kể chuyện có nghệ thuật sẽ có tác dụng truyền cảm tức thời. Nếu truyện có nội dung và nghệ thuật hấp dẫn, người kể có phương pháp kể chuyện truyền cảm thì tiết Kể chuyện đó thành công.
Ngôn ngữ nghệ thuật có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển tâm hồn, trí tuệ, tình cảm của học sinh. Bằng nghệ thuật ngôn từ, người kể sẽ làm cho câu chuyện cất tiếng nói, vẽ ra một thế giới như cuộc đời thực. Giáo viên cần trau dồi cách nói nghệ thuật, sử dụng từ ngữ có hình ảnh, kể mà như tả, như vẽ, như dựng lại những tình tiết của truyện. Để gây được hứng thú cho học sinh trong giờ Kể chuyện, thu hút các em say sưa lắng nghe, giáo viên cần sắp xếp hệ thống từ ngữ để diễn đạt cho hay, cho đẹp. Muốn đạt được điều này, giáo viên cần nắm các nội dung sau:
+Nắm cốt truyện:
Giáo viên cần phải thuộc truyện, nắm cốt truyện để tránh tình trạng ngập ngừng, lúng túng khi kể. Giáo viên cũng cần nhận biết các tình tiết chính và tình tiết phụ. Khi kể cần tập trung gây ấn tượng ở các tình tiết, sự kiện chính để khắc sâu vào trí nhớ học sinh. Giáo viên tránh sa đà vào các sự kiện, chi tiết phụ khiến câu chuyện lan man, dài dòng. Giáo viên cần biết khai thác hệ thống tranh trong sách giáo khoa và hướng dẫn học sinh kể tình tiết, sự kiện chính trong tranh.
+Nắm nguyên tắc ngắt giọng:
Đó là cách ngừng, nghỉ đúng chỗ, hợp lí khi kể, là phương tiện để bộc lộ ý tứ của câu chuyện. Giáo viên cần luyện ngắt giọng một cách tự nhiên, phù hợp và theo đúng ý đồ của tác giả. Giáo viên cũng cần phân biệt được 2 kĩ thuật ngắt giọng : đó là ngắt giọng biểu cảm và ngắt giọng logic.
+ Làm chủ tốc độ, cường độ:
Kể chuyện cần có một nhịp điệu phù hợp; kể nhanh hay chậm, to hay nhỏ, nhấn giọng ở các chỗ quan trọng nào là tùy vào từng nội dung câu chuyện. Giáo viên cần rèn luyện xử lí cho phù hợp. Việc điều chỉnh tốc độ, cường độ là một thủ thuật quan trọng trong quá trình kể chuyện. Đó là độ vang, độ hoàn chỉnh của giọng, là khả năng điều chỉnh giọng từ to sang nhỏ, từ nhỏ sang to cho phù hợp nội dung câu chuyện.
+ Xử lí giọng điệu cho từng câu chuyện:
Mỗi câu chuyện cần có các giọng điệu riêng, giáo viên cần nhạy bén nhận ra sự đa dạng trong giọng điệu của từng câu chuyện. Giáo viên cần giúp học sinh xác định giọng điệu riêng của nhân vật, biết cách nhập vai, hóa thân vào từng nhân vật. Làm tốt được phần này, thế giới nhân vật trong câu chuyện sẽ như hiển hiện ra đầy đủ, sinh động trước mắt các học sinh.
+ Tận dụng các yếu tố phi ngôn ngữ:
Các yếu tố phi ngôn ngữ như ánh mắt, nét mặt, cử chỉ, điệu bộ…có vai trò làm tăng không khí và cái hồn cho câu chuyện kể. Chúng giúp giáo viên có thể lan truyền tình cảm, hứng thú sang học sinh một cách trực tiếp.
Tóm lại giáo viên cần nắm bắt các yếu tố của nghệ thuật kể chuyện để nâng cao chất lượng giờ dạy, mở rộng thế giới tâm hồn, mang lại hứng thú, say mê cho học sinh.
2.3. Một số biện pháp phát triển năng lực kể chuyện cho giáo viên
2.3.1 Phát huy các năng lực thiết kế và sáng tạo thủ công kĩ thuật
Kể chuyện cần kết hợp với sử dụng đồ dùng dạy học trực quan sinh động, phong phú làm tăng sự hấp dẫn, lôi cuốn cho câu chuyện. Các đồ dùng dạy học có thể kể đến như:
*Tranh minh họa : Nếu giáo viên khai thác tốt hệ thống tranh minh họa từ SGK sẽ khơi gợi được trí tưởng tượng, óc sáng tạo của học sinh.
*Các đồ dùng trực quan khác: Các hình ảnh trên internet, tranh ảnh từ sách truyện, phục trang và đạo cụ kèm theo cho câu chuyện… giáo viên có thể tự làm nhằm góp phần phục dựng không khí, thế giới của câu chuyện kể.
Khai thác tốt đồ dùng dạy học sẽ giúp trẻ bước vào thế giới sinh động của các nhân vật trong câu chuyện, khiến các em thích thú, say mê với câu chuyện.
*Sáng tạo các đồ dùng dạy học : Bằng sự khéo léo và tài năng như vẽ, cắt, gấp giấy, may, vá…giáo viên có thể tạo ra thế giới các trang phục, đạo cụ phục vụ cho câu chuyện thêm phần sinh động, hấp dẫn.
2.3.2 Khơi gợi, kích thích hứng thú cho học sinh
Một giáo viên có năng lực sẽ biết cách khơi gợi, kích thích hứng thú nơi học sinh từ nhiều cách khác nhau như:
*Sử dụng câu hỏi gợi ý:
Sau khi nghe giáo viên kể, học sinh sẽ kể lại từng đoạn truyện và cả truyện. Nếu học sinh ngập ngừng, không kể được, giáo viên cần đặt câu hỏi gợi ý. Yêu cầu câu hỏi phải ngắn gọn, dễ hiểu, có tính gợi mở chứ không phải “trả lời thay” cho học sinh. Cũng có khi giáo viên đang kể câu chuyện, để làm tăng thêm tính tò mò, gây cấn, giáo viên đặt câu hỏi gợi mở. Học sinh sẽ như bị cuốn hút vào thế giới câu chuyện.
*Sử dụng các động tác diễn xuất:
Trong dạy Kể chuyện, sáng tạo là yếu tố hàng đầu. Đây là một thách thức lớn về chuyên môn nghiệp vụ đối với giáo viên. Giáo viên có năng lực kể chuyện cũng như một nghệ sĩ giỏi đóng vai, hóa thân. Các động tác diễn xuất kèm theo sẽ tác động vào tâm tư, tình cảm và sở thích của học sinh. Giáo viên có tài năng diễn xuất cũng sẽ bồi dưỡng, phát triển khả năng kể chuyện ở học sinh. Khả năng diễn xuất không tự nhiên mà có, giáo viên cần có ý thức thực hành, rèn luyện qua các câu chuyện. Muốn đạt được điều này, giáo viên nên luyện kể trước ở nhà, suy nghĩ các động tác kèm theo phù hợp với nội dung của từng câu chuyện.
2.3.3 Xây dựng các bài tập kể chuyện sáng tạo
Để giờ kể chuyện phát huy được khả năng sáng tạo của học sinh và cá thể hóa hoạt động của mỗi em, bên cạnh cách kể chuyện theo nội dung văn bản (cho học sinh lớp 3, 4, 5), giáo viên sẽ hướng dẫn cách kể chuyện sáng tạo: thay lời nhân vật kể lại câu chuyện, sáng tạo một kết thúc khác cho câu chuyện… Cố nhiên, để làm được điều này, giáo viên phải hiểu rõ đặc trưng nghệ thuật của tác phẩm tự sự, phải có khả năng nhận diện các thủ pháp kể chuyện để từ đó giúp học sinh phát hiện và xác định cách kể nào là phù hợp nhất. Các bài tập sáng tạo như thế này sẽ giúp học sinh phát huy trí tưởng tượng tuyệt vời nơi các em.
2.3.4. Sân khấu hóa truyện kể
Giáo viên có thể dàn dựng câu chuyện thành một vở kịch thu hút các học sinh cùng tham gia. Muốn như thế, giáo viên cần có kĩ năng xây dựng lời kể chuyện, kĩ năng tạo lập các mẩu đối thoại, kĩ năng phân vai nhân vật đến từng học sinh trong lớp. Để thực hiện được một vở kịch trên lớp, giáo viên cần lên kế hoạch chuẩn bị: từ khâu viết kịch bản thoại, đến khâu phân vai cho từng học sinh, lên ý tưởng về trang phục, đạo cụ, cảnh trí kèm theo. Giáo viên có thể phân việc cho các học sinh ở các công đoạn chuẩn bị của vở kịch để phát huy khả năng, sự sáng tạo của các em như thiết kế trang phục, cảnh trí, xây dựng lời thoại…
3. Kết luận
Kể chuyện là một môn học đầy tính sáng tạo. Giáo viên cần nắm vững đặc trưng phân môn này, trau dồi năng lực kể chuyện để góp phần đổi mới giờ dạy kể chuyện, mang lại những tiết học đầy lí thú.
Trong khuôn khổ bài tham luận ngắn, chúng tôi đưa ra các kĩ năng kể chuyện ở từng khối lớp, các yêu cầu về năng lực kể chuyện của giáo viên để làm tiền đề cho việc đưa ra các biện pháp nhằm phát triển các năng lực kể chuyện cần có ở giáo viên.
Có rất nhiều biện pháp nhằm phát huy năng lực kể chuyện cho giáo viên, tiêu biểu là: Phát huy các năng lực thiết kế và sáng tạo thủ công kĩ thuật; khơi gợi, kích thích hứng thú cho học sinh; xây dựng các bài tập kể chuyện sáng tạo; sân khấu hóa truyện kể…Tùy vào đặc điểm đối tượng học sinh, tùy vào điều kiện từng trường, giáo viên sẽ lựa chọn các biện pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng các giờ Kể chuyện ở tiểu học. 


TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

[1] Hoàng Hòa Bình, Dạy văn cho học sinh Tiểu học, NXB GD, 1998.
[2] Dương Thu Hương, Giáo trình cảm thụ văn học, NXB Đại học Sư phạm, 2009.
[3] Nguyễn Quang Ninh (chủ biên), Đào Ngọc, Bộ GD&ĐT, “Dự án phát triển giáo viên tiểu học”, Tiếng Việt thực hành, NXB GD, NXB Đại học Sư phạm, 2007.
[4] Bộ GD&ĐT, “Dự án mô hình trường học mới”, Phương pháp dạy học Tiếng Việt ở Tiểu học, Tập 2, NXB Đại học Sư phạm.
[5] Nguyễn Trí, Dạy và học môn Tiếng Việt ở Tiểu học theo chương trình mới, NXB Giáo dục, 2003.

 

Ngũ Nhị Song Hiền - Khoa Sư phạm

 

 
Khoa Sư Phạm