Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  09/01/2019 15:33        

Nâng cao năng lực tự học của sinh viên Ngữ văn qua học phần Ngữ pháp Tiếng Việt

Tóm tắt: Bước sang thế kỉ 21, do tốc độ phát triển của xã hội hết sức nhanh chóng với những biến đổi liên tục và sự tăng khối lượng tri thức, phương pháp tiếp cận nội dung dần trở nên lạc hậu. Để chuẩn bị cho thế hệ trẻ đối mặt và đứng vững trước những thách thức của đời sống, vai trò của giáo dục ngày càng trở nên quan trọng. Thông qua phương pháp tự học, tự nghiên cứu, sinh viên sau khi ra trường mới có đủ khả năng để tự mình làm giàu vốn tri thức của mình, phục vụ tốt hơn cho hoạt động thực tiễn. Bài viết trình bày một số giải pháp nhằm phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu cho sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn qua học phần Ngữ pháp Tiếng Việt.
Từ khóa: Ngữ pháp tiếng Việt, tự học, tự nghiên cứu, tiếp cận năng lực.

1. Đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học - một xu thế tất yếu
Với triết lý giáo dục “lấy việc hình thành năng lực người học làm trung tâm, làm mục tiêu đào tạo thay cho truyền thụ kiến thức”, ngày 4/11/2013, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI (Nghị quyết số số 29-NQ/TW) về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Như vậy, đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục chính là chuyển giáo dục sang hướng tiếp cận năng lực.
Tiếp cận năng lực chủ trương giúp người học không chỉ biết học thuộc, ghi nhớ mà còn phải biết làm thông qua các hoạt động cụ thể, sử dụng những tri thức học được để giải quyết các tình huống do cuộc sống đặt ra. Nói cách khác phải gắn với thực tiễn đời sống. Nếu như tiếp cận nội dung chủ yếu yêu cầu người học trả lời câu hỏi: Biết cái gì, thì tiếp cận theo năng lực luôn đặt ra câu hỏi: Biết làm gì từ những điều đã biết. Nói cách khác, nói đến năng lực là phải nói đến khả năng thực hiện, là phải biết làm , chứ không chỉ biết và hiểu.
Xây dựng, thiết kế chương trình giáo dục và đổi mới phương pháp dạy – học theo hướng tiếp cận năng lực người học là một xu thế tất yếu. Nó giúp người học có khả năng giải quyết các vấn đề thực tiễn ngay khi rời ghế nhà trường. Nói cách khác, đào tạo phù hợp với nhu cầu xã hội. Ngoài ra, với tiếp cận năng lực, người học sẽ được trang bị kỹ năng để có thể học cả đời. Đây là điều bắt buộc trong bối cảnh khối lượng tri thức tăng lên nhanh chóng như hiện nay.
2. Vai trò tự học của sinh viên để đáp ứng những năng lực cần thiết
Tự học là tự suy nghĩ, sử dụng năng lực tư duy của bản thân để đạt được sự hiểu biết về một tri thức nào đó. Đây là một quá trình học tập tự giác, tích cực nhằm tự chiếm lĩnh tri thức khoa học để tự hướng tới những mục đích nhất định. Tự học ở đây không phải là tự học không có thầy, mà ở đây, vai trò của thầy là tổ chức, hướng dẫn SV phát huy khả năng tự tìm tòi, tự phát hiện vấn đề.
Tự học không có nghĩa chỉ là việc học ngoài giờ lên lớp, mà còn là hoạt động học diễn ra trên lớp dưới sự hướng dẫn, tổ chức, chỉ đạo của người thầy, người học phải động não, tìm tòi, phát hiện, phân tích, khái quát để chiếm lĩnh tri thức khoa học bằng chính tư duy của mình.
Tự học giữ vai trò quan trọng trong việc nâng cao khả năng hiểu biết và tiếp thu tri thức mới của sinh viên (SV), nhiều nhà giáo dục nổi tiếng đã nêu lên sự cấp thiết phải khéo léo tổ chức việc tự học cho SV. Tự học với sự nỗ lực, tư duy sáng tạo đã tạo điều kiện cho việc tìm hiểu tri thức một cách sâu sắc, hiểu rõ bản chất của chân lý.Trong quá trình tự học, SV sẽ gặp nhiều vấn đề mới và việc đi tìm giải đáp cho những vấn đề ấy là cách tốt nhất để kích thích hoạt động trí tuệ cho SV. Nếu thiếu đi sự nỗ lực tự học của bản thân SV thì kết quả không thể cao cho dù có điều kiện ngoại cảnh thuận lợi đến mấy.
Không chỉ có vậy, tự học còn có vai trò to lớn trong việc giáo dục, hình thành nhân cách cho sinh viên. Việc tự học rèn luyện cho SV thói quen độc lập suy nghĩ, độc lập giải quyết vấn đề khó khăn trong nghề nghiệp, trong cuộc sống, giúp cho họ tự tin hơn trong việc lựa chọn cuộc sống cho mình. Hơn thế, tự học thúc đẩy SV lòng ham học, ham hiểu biết, khát khao vươn tới những đỉnh cao của khoa học, sống có hoài bão, ước mơ. Qua đó có thể nói rằng tự học của SV không chỉ là một nhân tố quan trọng trong lĩnh hội tri thức mà còn có ý nghĩa to lớn trong việc hình thành nhân cách SV.
Ngoài ra tự học còn giúp cho SVcó thể chủ động học tập suốt đời, học tập để khẳng định năng lực phẩm chất và để cống hiến. Tự học giúp con người thích ứng với mọi biến cố của sự phát triển kinh tế - xã hội. Bằng con đường tự học mỗi cá nhân sẽ không cảm thấy bị lạc hậu so với thời cuộc, thích ứng và bắt nhịp nhanh với những tình huống mới lạ mà cuộc sống hiện đại mang đến, kể cả những thách thức to lớn từ môi trường nghề nghiệp. Do đó, việc tự học không nên chỉ giới hạn trong các giờ học trên lớp, với sự hướng dẫn trực tiếp của giáo viên. Nếu rèn luyện cho người học có được phương pháp, kĩ năng tự học, biết linh hoạt vận dụng những điều đã học vào thực tiễn thì sẽ tạo cho họ lòng ham học, nhờ đó kết quả học tập sẽ ngày càng được nâng cao.
Đối với SV sư phạm, việc định hình phương pháp tự học mang một ý nghĩa rất quan trọng bởi kết quả học tập chưa phải là đích cuối cùng, kiến thức và các kĩ năng đạt được trong quá trình tự học sẽ là hành trang cho SV trong suốt cuộc đời giảng dạy.
Học sinh ở các trường phổ thông ngày nay rất nhanh nhạy trong việc cập nhật thông tin, đòi hỏi giáo viên phải không ngừng trau dồi kiến thức của mình mới đáp ứng được yêu cầu nghề nghiệp. Do đó, SV sư phạm đang trong giai đoạn học tập để trở thành giáo viên thì việc tự tích góp kiến thức cho bản thân thông qua tự học là một việc làm tất yếu.
3. Học phần Ngữ pháp tiếng Việt trong chương trình Ngữ văn bậc đại học
Ngữ pháp là một trong ba bộ phận cấu thành của một ngôn ngữ. Việc nghiên cứu ngữ pháp của một ngôn ngữ bao gồm cụ thể hai phân ngành:
Từ pháp học: đối tượng nghiên cứu là các từ, với mục đích là xác định các quy tắc cấu tạo từ, đặc điểm ngữ pháp của các từ loại.
Cú pháp học: nghiên cứu các quy tắc cấu tạo cụm từ và cấu tạo câu, kết hợp các từ, cụm từ thành câu, tổ chức các thành phần câu và các kiểu câu).
Các kiến thức về Ngữ pháp tiếng Việt được dạy liên tục từ bậc Tiểu học đến THPT. Điều này cho thấy vai trò quan trọng của Ngữ pháp trong hệ thống ngôn ngữ nói chung và trong hoạt động giao tiếp bằng ngôn ngữ nói riêng. Dạy Ngữ pháp phải giúp người học đạt được những mục tiêu cơ bản sau:
Thứ nhất, cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản và có hệ thống về ngữ pháp tiếng Việt như: từ loại tiếng Việt, cụm từ tiếng Việt, câu tiếng Việt, đồng thời sinh viên có thể vận dụng kiến thức để giải quyết tốt hệ thống bài tập về ngữ pháp tiếng Việt.
Thứ hai, học phần giúp cho sinh viên phát triển kĩ năng giao tiếp như nghe, nói, đọc, viết đúng ngữ pháp; vận dụng được những kiến thức về ngữ pháp tiếng Việt vào việc rèn luyện và nâng cao năng lực sử dụng tiếng Việt trong các hoạt động dạy học giap tiếp.
Thứ ba, học phần giúp sinh viên hiểu được ý nghĩa và tầm quan trọng của ngữ pháp tiếng Việt, sinh viên biết yêu quý, thấy được cái hay, cái đẹp của tiếng Việt – cộng cụ giao tiếp quan trọng. Bên cạnh đó các em biết yêu quý văn hóa dân tộc được thể hiện qua ngôn ngữ và giao tiếp. Từ đó, sinh viên có thái độ dạn dĩ, tự tin vì dùng câu đúng ngữ pháp khi giao tiếp.
Trong chương trình phổ thông hiện nay, học sinh được học các kiến thức Ngữ pháp theo quan điểm tích hợp dọc (cấu trúc đồng tâm). Từ tiểu học, học sinh đã làm quen và nhận diện các khái niệm ngữ pháp. Ở bậc THCS, học sinh tiếp tục tìm hiểu đầy đủ hơn việc phân tích và thực hành các khái niệm, các quy tắc ngữ pháp.
Do vậy, đến bậc THPT, học sinh không tìm hiểu các khái niệm ngữ pháp cơ bản và các từ loại nữa mà chủ yếu đi vào thực hành việc sử dụng câu như thế nào cho đạt hiệu quả giao tiếp. Mặt khác, những bài học ở chương trình THPT còn chú trọng các bình diện khác của câu, đó là bình diện nghĩa học và dụng học (Nghĩa của câu, Ngữ cảnh).
Với quan điểm tích hợp xuyên suốt trong quá trình xây dựng chương trình, sách giáo khoa như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho để giáo viên có thể phát triển năng lực tự học cho sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn hiện nay.
4. Một số giải pháp nhằm phát triển năng lực tự học, tự nghiên cứu cho SV qua phân môn Ngữ pháp Tiếng Việt
4.1. Để hướng dẫn SV tự học có hiệu quả, GV cần tổ chức các hoạt động như sau:
Hoạt động làm mẫu: Trước khi giao cho SV tự học một bài học hay một vấn đề nào đó, nên lưu ý SV cách GV ghi chép, khai thác kiến thức, vận dụng các thao tác tư duy… trong các giờ dạy trước đó để SV có ý thức đó là những hoạt động mẫu mà sau này mình sẽ vận dụng khi tự học.
Hướng dẫn SV tự học: giới thiệu phương tiện nhận thức (nguồn ngữ liệu, tư liệu tham khảo…), hướng dẫn cách khai thác tài liệu bằng cách đặt ra cho SV một hệ thống câu hỏi để SV tự suy nghĩ, tóm tắt tài liệu, khái quát vấn đề.
Hướng dẫn SV thảo luận nhóm.
Hướng dẫn SV tự đánh giá kiến thức mà mình tự học và quá trình tự làm việc của bản thân cũng như đánh giá phần kiến thức mà nhóm bạn trình bày.
Bổ sung những kiến thức SV còn thiếu hoặc điều chỉnh những kiến thức sai lệch của SV, nhận xét, đánh giá về quá trình tự học của SV.
4.2. Một số giải pháp hướng dẫn SV tự học hiệu quả
- Hướng dẫn SV tự học qua các giáo trình Ngữ pháp tiếng Việt ( Giáo trình bắt buộc và tham khảo)
+ Mục đích: Giúp SV có ý thức tìm hiểu và nắm được khái quát nội dung bài học trước khi đến lớp, rút ngắn thời gian đọc tài liệu tại lớp cũng như thời gian GV thuyết giảng, SV được củng cố kiến thức nhiều lần.
Phương pháp đọc sách này không chỉ có tác dụng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong việc chiếm lĩnh tri thức của SV, mà còn góp phần rèn luyện cho họ kĩ năng tổng thuật các tài liệu khoa học trên cơ sở có phân tích, đánh giá - đây là một trong những kĩ năng cần phải có, cần phải trang bị cho SV để họ có thể tập dượt làm công tác nghiên cứu khoa học.
Quá trình hướng dẫn bao gồm các bước sau:
+ Bước 1: GV cung cấp tài liệu, nêu yêu cầu của việc đọc, xác định kiến thức trọng tâm, nêu câu hỏi cụ thể về kiến thức. (Những câu hỏi gợi mở có thể rút ra từ những câu hỏi ôn tập ở cuối mỗi chương. Song hệ thống câu hỏi đưa ra phải hướng tới rèn luyện năng lực khái quát, năng lực phân tích nắm bắt một vấn đề cụ thể, và đặc biệt là phải tạo ra được những câu hỏi hướng SV vào việc vận dụng những tri thức đã có, đã được học như là một công cụ để tiếp thu tri thức mới, giải quyết vấn đề mới.)
+ Bước 2: SV đọc tài liệu theo yêu cầu, trả lời các câu hỏi, rút ra các quy tắc ngữ pháp hoặc khái niệm ngữ pháp.
+ Bước 3: Tại lớp, SV trình bày kết quả tự học, các SV khác bổ sung, GV tổng kết, đánh giá.
Lưu ý: Khi đọc sách tham khảo cần phải có sự so sánh, phân tích, nhận xét, đánh giá cách giải quyết vấn đề của từng tác giả, từ đó lựa chọn cho mình một quan điểm mà mình cho là hợp lí, và khi đọc cần phải tiến hành ghi chép, đặc biệt là ghi lại những điều bản thân còn băn khoăn, chưa hiểu để có thể đưa ra trao đổi với giáo viên và bạn bè trong các giờ lên lớp, hoặc ở các buổi xêmina. Và GV cũng cần nói rõ cho SV biết: khi đọc sách tham khảo Ngôn ngữ học về tiếng Việt thì hiện tượng cùng một đơn vị, cùng một cấu trúc ngôn ngữ, ... nhưng giữa các tác giả lại dùng những tên gọi, những cách hiểu, cách lí giải khác nhau là một hiện tượng mang tính phổ biến. Đồng thời lí giải cho SV biết sở dĩ có hiện tượng đó là vì: trong quá trình nghiên cứu các hiện tượng ngôn ngữ cụ thể, các nhà nghiên cứu cũng có lúc băn khoăn, lúng túng trước những hiện tượng trung gian trong ngôn ngữ gây ra.
- Hướng dẫn SV tự học Ngữ pháp tiếng Việt qua việc khảo sát ngữ liệu (chuẩn bị trước và trong khi học tại lớp)
+ Mục đích: giúp SV thấy được vai trò quan trọng của ngữ liệu khi học Ngữ pháp, nhận thấy mối liên hệ mật thiết giữa kiến thức ngữ pháp với thực tế giao tiếp.
Quá trình hướng dẫn bao gồm các bước sau:
+ Bước 1: GV cung cấp ngữ liệu hoặc nêu yêu cầu và phạm vi về ngữ liệu để SV tự tìm, đồng thời nêu các yêu cầu về khảo sát ngữ liệu bằng những câu hỏi cụ thể.
+ Bước 2: SV tìm và khảo sát ngữ liệu, rút ra những quy tắc ngữ pháp hoặc khái niệm ngữ pháp.
+ Bước 3: SV trình bày kết quả tự học, các SV khác bổ sung, GV đánh giá kết quả của quá trình tự học.
Lưu ý: Ngữ liệu được sử dụng để học Ngữ pháp tiếng Việt nên lấy từ các văn bản đọc văn ở SGK của các bậc học, cụ thể là các văn bản được sắp xếp trong hoặc gần những tuần học của các bài học về tiếng Việt, thì sẽ phát huy cao độ tinh thần tích hợp.
- Hướng dẫn SV tự học Ngữ pháp tiếng Việt qua việc làm bài tập thực hành (sau khi học)
+ Mục đích: giúp SV ôn luyện, củng cố kiến thức, từ đó có thể tự rút ra những kỹ năng làm bài còn thiếu để chú ý rèn luyện, bổ sung thêm.
Quá trình hướng dẫn bao gồm các bước sau:
+ Bước 1: GV nêu bài tập và yêu cầu cụ thể của từng bài tập.
+ Bước 2: SV xác định những kiến thức cần huy động và vận dụng để giải bài tập.
+ Bước 3: SV trình bày kết quả làm bài, SV khác và GV nhận xét .
- Hướng dẫn SV đọc SGK Ngữ Văn từ lớp 10 đến lớp 12
+ Mục đích: Việc đọc và nghiên cứu SGK Ngữ Văn từ lớp 10 đến lớp 12 trở thành một yêu cầu bắt buộc đối với SV ngành Sư phạm Ngữ Văn. Bởi vì, sau khi ra trường, họ là người trực tiếp dạy Tiếng Việt cho học sinh THPT.Vì vậy, việc nắm bắt được nội dung chương trình Tiếng Việt được đưa vào giảng dạy ở bậc THPT sẽ giúp SV chủ động hơn trong kế hoạch học tập và rèn luyện. Từ đó, SV sẽ dễ dàng xác định được bài học có nội dung liên quan tới học phần Ngữ pháp tiếng Việt nằm ở SGK lớp mấy, tập nào. Đồng thời tạo ra sự hứng thú cho SV trong bước đầu hướng nghiệp.
+ Giúp SV có kế hoạch bổ sung những kiến thức mới của Việt ngữ học đã được đưa vào chương trình THPT, nhưng lại chưa được chú trọng ở chương trình Đại học.
Quy trình hướng dẫn bao gồm các bước sau:
Bước 1:
+ Ngay từ buổi học đầu tiên, GV đã yêu cầu SV tìm hiểu bảng phân phối chương trình Ngữ Văn THPT và lọc ra những bài học thuộc phần Tiếng Việt.
+ Yêu cầu SV so sánh nội dung chương trình Tiếng Việt được học ở Đại học được đưa vào giảng dạy như thế nào ở bậc THPT (dung lượng kiến thức, tên gọi, cách phân loại các đơn vị tiếng Việt… có gì giống và khác nhau. Và nếu có sự khác biệt, yêu cầu SV lí giải những sự khác biệt đó).
Bước 2: SV đọc kĩ nội dung phần tiếng Việt được triển khai ở SGK, từ đó so sánh, tìm ra những điểm giống và khác nhau với chương trình Ngữ pháp tiếng Việt ở bậc Đại học.
Bước 3: SV trình bày kết quả tự học, SV khác nhận xét và GV chốt lại kiến thức.
- Hoạt động khuyến khích và hướng dẫn SV làm nghiên cứu khoa học
Để việc này trở nên thiết thực, trong quá trình giảng dạy, GV phải khơi gợi được SV niềm yêu thích đối với tiếng Việt. Điều này phụ thuộc rất lớn vào trình độ, nghệ thuật phân tích cái hay, cái đẹp, cái lí thú về tiếng Việt của GV. Đồng thời, GV phải là người có khả năng phát hiện ra tính có vấn đề của các hiện tượng ngôn ngữ cần nghiên cứu để hướng SV vào việc tham gia giải quyết vấn đề.
Quá trình làm NCKH của SV được rèn luyện một cách toàn diện nhất năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề và năng lực tư duy sáng tạo.
5. Kết luận
Tự học là một trong những yếu tố quyết định chất lượng học tập, chất lượng đào tạo. Nó là con đường tối ưu để sớm đưa sự nghiệp giáo dục và nền kinh tế nước ta tiến kịp các nước trong khu vực và trên thế giới.
Hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu cho SV giúp các em tự tạo ra cho mình nhu cầu, động cơ, hứng thú trong học tập, nâng cao ý chí và huy động sức lực vượt qua những khó khăn để tiếp thu tri thức, rèn luyện kĩ năng và điều cốt yếu là rèn luyện cho các em thói quen làm việc độc lập. Thói quen này sẽ giúp các em khi rời giảng đường vẫn có khả năng tự học tập và nghiên cứu suốt đời để không ngừng nâng cao kiến thức của mình.

Tài liệu tham khảo

 

[1] Diệp Quang Ban (1989), Ngữ pháp tiếng Việt phổ thông, tập 2, NXB ĐH và THCN.
[2] Đinh Quang Báo (2013), Mục tiêu và chuẩn trong Chương trình giáo dục phổ thông sau năm 20015 (Dự thảo), Tài liệu lưu hành nội bộ.
[3] Đỗ Việt Hùng (2010), Quan hệ ngôn ngữ – văn hoá và việc dạy học bản ngữ ở bậc phổ thông, Ngôn ngữ và Đời sống, số 11.
[4] Đỗ Ngọc Thống (2013), Định hướng đổi mới Chương trình, Sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau năm 2015 (Dự thảo), Tài liệu sử dụng nội bộ.
[5] Bùi Minh Toán (2010), Tiếng Việt ở Trung học phổ thông, NXB ĐHSP.
[6] Phân phối chương trình môn Ngữ văn THPT (2009), Bộ Giáo dục và Đào tạo.

ThS. Lê Thị Phương Chi - Khoa Sư phạm

 

 
Khoa Sư Phạm