Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  09/10/2019 10:54        

Phát triển năng lực thẩm mĩ cho sinh viên qua hoạt động thực tế bộ môn Ngữ văn

Tóm tắt: Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học là cốt lõi của đổi mới giáo dục hiện nay. Trên tinh thần đó, bài viết khai thác, nhấn mạnh về những cách thức tác động của giảng viên nhắm phát triển năng lực thẩm mỹ cho sinh viên Ngữ văn. Bằng các phương pháp phân tích, tổng hợp, minh chứng cụ thể, bài viết làm sáng tỏ sự hình thành và phát triển hai loại năng lực thẩm mỹ: năng lực khám phá cái đẹp và năng lực thưởng thức cái đẹp qua học phần rất đặc biệt - Hoạt động thực tế bộ môn Ngữ văn.
Từ khóa: năng lực thẩm mỹ, thực tế bộ môn, sinh viên, ngữ văn

I. MỞ ĐẦU
Nghị quyết 29 của Ban chấp hành trung ương Đảng lần thứ 8 (khóa XI) đã nêu rõ yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, trong đó, xác định việc đổi mới giáo dục phổ thông được xem là khâu đột phá. Nội dung trọng tâm của việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông là sự phát triển năng lực của người học.
Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực tập trung vào kết quả học tập, khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế của người học. Điều này đã làm thay đổi hướng tiếp cận của giáo dục, từ tiếp cận mục tiêu (kiến thức) đến chuẩn đầu ra của người học.
Đối với đào tạo sinh viên chuyên ngành Ngữ văn, sinh viên được hình thành rất nhiều loại năng lực khác nhau như năng lực tự học, năng lực nghiên cứu, năng lực nhận thứ, năng lực thẩm mỹ, năng lực giảng dạy,…Trong số những năng lực mà môn học hướng đến thì năng lực thẩm mỹ vừa là năng lực cốt lõi vừa là năng lực đặc thù, chính nó làm nên đặc trưng khu biệt về chất nhân văn của bộ môn Ngữ văn, làm nên chất văn trong mỗi người học. Đó là tổ hợp các loại năng lực khác nhau như năng lực khám phá cái đẹp (bao gồm phát hiện cái đẹp và những rung động thẩm mỹ), năng lực thưởng thức cái đẹp (bao gồm cảm thụ và đánh giá cái đẹp). Điều này cho thấy các yếu tố cảm xúc và tư duy lý trí đều góp phầm quan trọng trong việc hình thành năng lực thẩm mỹ ở học sinh. 

II. NỘI DUNG
1. Hoạt động thực tế bộ môn trong chương trình sư phạm Ngữ văn
Thực tế bộ môn Ngữ văn là hoạt động thường niên tại các trường cao đẳng, đại học đào tạo sư phạm ngành Ngữ văn nhằm đảm bảo phương châm học đi đôi với hành, lý thuyết gắn liền với thực tiễn. học phần mang đến cho sinh viên những trải nghiệm thực tế nhằm trang bị cho sinh viên những tri thức đa dạng về tác giả tác phẩm, di tích, danh thắng, văn hóa địa phương phục vụ thiết thực cho công tác dạy học, nhất là dạy học tích hợp; Thông qua các hoạt động tìm hiểu bối cảnh văn học, văn hóa, lịch sử của tác phẩm văn học, học phần rèn luyện cho sinh viên khả năng ứng dụng kiến thức chuyên ngành vào thực tế; góp phần giáo dục cho sinh viên tình yêu nghề nghiệp, yêu văn chương; tự hào về truyền thống văn hóa, văn học của dân tộc; có tinh thần chủ động, sáng tạo trong học tập, nghiên cứu.
Hiện nay chương trình thực tế Ngữ văn tại các trường chuyên nghiệp khá đa dạng, tùy theo điều kiện của mỗi trường cũng như tiềm năng văn hóa văn học của địa phương, vùng miền mà các trường xây dựng nội dung thực tế khác nhau, tuy nhiên Với mục tiêu mang tính mở như trên, nội dung học phần khá đa dạng, gồm:
- Khảo sát thực tế các vấn đề: tác giả, tác phẩm; danh thắng; di tích, bảo tàng, tượng đài; văn hóa địa phương
- Thực hiện các hoạt động chuyên môn:
+Về tác giả, tác phẩm: Quan sát về quang cảnh, khảo sát hệ thống tư liệu, hiện vật có liên quan đến cuộc đời, tài năng, sự nghiệp sáng tác và phong cách tác giả.
+ Tìm hiểu về danh thắng: Quan sát, tìm hiểu đặc điểm danh thắng; thu thập các tác phẩm văn chương có liên quan tại danh thắng; theo dõi, nhận diện về kỹ thuật thuyết minh danh thắng.
+ Tìm hiểu hệ thống di tích, bảo tàng, tượng đài: Thu thập các thông tin về các vị anh hùng dân tộc, bà mẹ Việt Nam anh hùng; quan sát đặc điểm hệ thống di tích, bảo tàng, tượng đài; theo dõi, nhận diện về kỹ thuật thuyết minh di tích.
+ Tìm hiểu về văn hóa địa phương: Trải nghiệm đặc sản ẩm thực, lắng nghe, tìm hiểu ngôn ngữ giao tiếp, hiểu về một số phong tục địa phương, văn hóa Chăm pa.
Với những mục tiêu và nội dung tổ chức đa dạng, phong phú, là một học phần mang tính thực hành, do đó để hình thành và phát triển năng lực thẩm mỹ cho sinh viên giảng viên cần có những tác động cụ thể như:
2. Phát triển năng lực khám phá và thưởng thức cái đẹp qua hoạt động Thực tế bộ môn
2.1 Phát triển năng lực khám phá cái đẹp qua hoạt động thực tế bộ môn
Thông thường, năng lực khám phá cái đẹp được hình thành trong giờ lên lớp truyền thống, qua hoạt động dạy học của thầy và trò. Đó là hệ thống những xúc cảm, rung động thẩm mỹ và sự phát hiện cái đẹp qua hình tượng, ngôn từ, thủ pháp nghệ thuật,…Tuy nhiên, năng lực này lại thể hiện rất rõ trong hoạt động thực tế bộ môn – nơi mà hoạt động dạy học không diễn ra tại trường học, và đồng thời sinh viên chính là chủ thể của hoạt động khơi gợi, khám phá chính cái đẹp diễn ra xung quanh.
Đó có thể là cái đẹp được cảm nhận trực tiếp từ các giác quan thông qua sự quan sát, nhìn ngắm, tiếp xúc, lắng nghe từ thực tế. Đó cũng có thể là cái đẹp từ những rung động của cảm xúc cảm giác xảy ra trong sự tưởng tượng, liên tưởng. Có khi sự khám phá cái đẹp lại bắt nguồn từ sự hứng thú được trải nghiệm, được thưởng thức. Do vậy, để phát triển loại năng lực này cho sinh viên qua hoạt động thực tế bộ môn, giảng viên phải có rất nhiều sự đầu tư và tác động khác nhau như:
- Xây dựng kế hoạch thực tế cụ thể, rõ ràng, trong đó chỉ rõ các nội dung tham quan, trải nghiệm, các địa điểm thực tế gắn với di tích, danh thắng, tác giả tác phẩm hay những nhân vật, sản vật nổi tiếng.
- Tổ chức đa dạng các hoạt động không chỉ trong các điểm tham quan mà ngay cả trên các chặng đường di chuyển. Thời gian tham quan dài , từ 5-7 ngày, các đia điểm tham quan đa dạng, thuộc nhiều địa phận khác nhau, do vậy thời gian sinh viên có mặt động đủ trên xe cũng rất nhiều. Lúc này, giảng viên đóng vai trò là người hướng dẫn, giới thiệu các điểm đến, thổi nguồn cảm hứng đến các em, khơi gợi sự tò mò khám phá. Ngoài ra các trò chơi về tìm từ, giải nghĩa từ, , sáng tác thơ văn …cũng được huy động để các quên đi mệt mỏi, dồn sự chú ý đến hoạt động tìm tòi, khám phá, nhận thức cái đẹp.
- Tại các điểm tham quan, để các em có cái nhìn vừa bao quát vừa chi tiết cách tốt nhất là nên tìm hướng dẫn viên. Sự rành rọt về địa bàn, linh hoạt trong kỹ năng thuyết minh giúp các em có thêm cơ hội khám phá các địa danh, di tích, nhân vật lịch sử hay tác giả tác phẩm,…
- Viết nhật ký thực tế mỗi ngày cũng là một cách giúp các em có cơ hội để thể hiện nghiêm túc, khách quan những cảm nhận, trải nghiệm của bản thân về các hoạt động thực tế. Nhật ký là nơi các em được trải lòng thể hiện những xúc cảm, rung động rất chân thực của cá nhân mình.
Đơn cử hoạt động khám phá trại phong Quy Hòa, nơi Hàn Mặc Tử sống và chữa bệnh những năm tháng cuối đời, cũng là nơi đặt phần mộ đầu tiên của anh. Những hoạt động như tham quan toàn cảnh trại phong, thăm mộ Hàn Mặc Tử, thăm nhà lưu niệm Hàn Mặc Tử, nhà thờ, ngắm bãi biển Quy Hòa, gặp gỡ những bệnh nhân phong…giúp các em phát hiện ra rất nhiều vẻ đẹp: vẻ đẹp hiền hòa, khoáng đạt của biển, vẻ đẹp khuất kín của đồi núi Quy Hòa, vẻ đẹp hoang sơ của quang cảnh trại phong; vẻ đẹp của tình người gắn bó, vẻ đẹp lạ lùng thoát ra từ thơ Hàn Mặc Tử,… Tất cả tạo cho các em một ấn tượng sâu đậm về tác giả, tác phẩm. Những vỡ òa về hình ảnh trăng, biển, đức mẹ đầy ám gợi trong thơ anh, hay những liên tưởng về sự giằng xé thịt da của căn bệnh phong quái ác,…từ đó được hình thành.
2.2 Phát triển năng lực thưởng thức cái đẹp qua hoạt động thực tế bộ môn
Năng lực này bao gồm khả năng cảm thụ và đánh giá cái đẹp, là sự tiếp nối theo chiều sâu sau năng lực khám phá cái đẹp. Các cung bậc cảm xúc và tư duy đã bước đầu được hình thành, thúc đẩy đà tiếp nhận tác phẩm trong trong và sau các buổi tham quan. Có thể thấy loại năng lực thẩm mỹ này mang tính tổng hợp hơn, từ những rung động cảm xúc đến cảm thụ và đánh giá, thậm chí năng lực này được nâng lên ở mức độ cao là có sự đồng sáng tạo
Để phát triển năng lực này, giảng viên chủ yếu tác động vào khâu giới thiệu, hướng dẫn các đề tài viết báo cáo để lượng giá sinh viên. Thông thường cuối đợt thực tế, sinh viên sẽ nộp bài thu hoạch bằng hình thức viết báo cáo. Báo cáo giúp người học nhìn nhận quá trình thực tế một cách tổng thể, đa diện mà vẫn mang tính vận dụng thực tiễn cao. Người học thực sự được đánh giá một cách chính xác về các tiêu chí kiến thức, kỹ năng, thái độ tham gia thực tế. Vấn đề là phải có những hướng dẫn, chỉ dẫn cụ thể để có thể vừa dễ dàng đánh giá phân loại, vừa định hướng được cho người học trong quá trình tham gia và tổng kết.
Đơn cử sinh viên lựa chọn thực hiện báo cáo về Ca Huế trên sông Hương. Báo cáo này sẽ cho thấy năng lực thưởng thức cái đẹp ở các mức độ sau:
- Biết cảm thụ cái hay của ca Huế ở các cung bậc cảm xúc trữ tình, các loại hình dân ca đa dạng, các loại nhạc cụ phong phú, sinh động.
- Biết đánh giá ca Huế so với các loại hình dân ca ở các vùng miền khác nhau, nét độc đáo riêng biệt của ca Huế
- Biết vận dụng trong giảng dạy, nhất là giảng dạy bài Ca Huế trên sông Hương thuộc chương trình Ngữ văn THCS; thiết kế được bài giảng riêng, phù hợp với mục tiêu bài dạy,..
- Thậm chí, sinh viên còn có thể hát được một vài làn điệu hấp dẫn của ca Huế.
Ngoài ra, để phát triển năng lực thưởng thức cái đẹp, giảng viên còn có thể thiết kế hệ thống bài tập phù hợp với đề cương môn học và tài liệu tham khảo để yêu cầu sinh viên thực hiện; cũng có thể yêu cầu sinh viên thực hiện các sản phẩm nghề nghiệp bằng các video tự thực hiện tại các điểm tham quan mà các em yêu thích.
III. KẾT LUẬN
Năng lực thẩm mỹ là loại năng lực có sự tham gia của cả yếu tố cảm xúc lẫn tư duy, nó cũng có các mức độ khác nhau, từ thấp đến cao, từ đơn giản đến phức tạp, từ rung động thẩm mỹ đến đánh giá và sáng tạo thẩm mỹ. Các loại năng lực thẩm mỹ tồn tại đan xen, hỗ trợ lẫn nhau.
Giảng viên căn cứ vào các mức độ của năng lực thẩm mỹ để có những cách tác động nhằm phát triển và nâng cao loại năng lực này cho sinh viên trong hoạt động thực tế bộ môn. Sự tác động của giảng viên là không giới hạn, giảng viên có trình độ, kỹ năng sư phạm, kinh nghiệm càng nhiều thì càng thuận lợi trong việc hình thành, phát triển, nâng cao năng lực thẩm mỹ cho sinh viên.


TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Ban chấp hành TW8 (khóa XI), Nghị quyết số 29 về đổi mới giáo dục căn bản, toàn diện.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2006), Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn, Nxb Giáo dục, Hà Nội
[3] Nguyễn Thành Thi, 2014, “Dạy học Ngữ văn theo hướng phát triển năng lực và yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông”, Kỷ yếu hội thảo khoa học dạy học Ngữ văn trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông.
[4] http://khoaspnv.vinhuni.edu.vn/tin-tuc-su-kien/seo/nhung-trai-nghiem-thu-vi-qua-chuyen-di-thuc-te-cua-sinh-vien-khoa-54-66303
[5] http://tailieu.vn/tag/bao-cao-thuc-te.html.


ThS. Nguyễn Thị Tình - GV Khoa Sư phạm

 
Khoa Sư Phạm