Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  25/11/2020 20:31        

Dùng lý thuyết tiếp cận năng lực để giảng dạy chuyên đề “Hình tượng nhân vật nhà văn trong văn xuôi Việt Nam sau 1986” ở bậc đại học

Tóm tắt. Dạy học theo hướng phát triển năng lực và phẩm chất người học được xem là một bước đổi mới căn bản của chương trình Giáo dục, và đã trở thành xu hướng giáo dục quốc tế. Bài viết này sử dụng lý thuyết tiếp cận năng lực để giảng dạy một nội dung cụ thể trong học phần Văn học Việt Nam hiện đại ở bậc Đại học: Hình tượng nhân vật nhà văn trong văn xuôi Việt Nam sau 1986.

Từ khóa: phát triển năng lực, phương pháp dạy học, nhân vật, nhà văn, tác giả 

1. Do tốc độ phát triển của xã hội với những biến đổi liên tục và sự tăng khối lượng tri thức một cách nhanh chóng, phương pháp tiếp cận nội dung trong giáo dục dần trở nên lạc hậu. Để chuẩn bị cho thế hệ trẻ đối mặt và đứng vững trước những thách thức của đời sống, giáo dục chuyển sang cách tiếp cận năng lực (còn gọi là định hướng kết quả đầu ra), và đây đã trở thành xu hướng giáo dục quốc tế. Giáo dục theo định hướng phát triển năng lực người học là xu thế chung của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới nhằm thu hẹp khoảng cách giữa đào tạo nhân lực của trường đại học và yêu cầu của thị trường lao động.                                          

Đối với giáo dục đại học Việt Nam, phát triển năng lực người học được xem là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của xã hội. Những yêu cầu cấp bách về chất lượng nguồn nhân lực phục vụ sự phát triển kinh tế  – xã hội đòi hỏi giáo dục đại  học Việt Nam cần  nhanh  chóng thoát khỏi mô hình giáo dục truyền thống, chuyển sang  mô  hình  giáo dục theo định  hướng  tiếp  cận năng  lực  người  học, chuyển  từ  việc trang  bị  kiến thức sang  phát  triển toàn  diện  phẩm  chất  và năng lực người học, giúp người học có khả năng vận dụng những kiến  thức,  kinh  nghiệm,  kỹ  năng,  thái  độ  và  hứng  thú  để hành động một cách phù hợp và có hiệu quả trong các  tình huống đa dạng của cuộc sống.   

Từ sau Đổi mới (1986), văn chương Việt Nam đã có những bước đột phá vượt bậc cả về nội dung lẫn hình thức thể hiện. Hành trình đổi mới văn chương bắt đầu từ tư duy và hoàn thiện ở hệ thống thi pháp. Trong đó nhân vật là yếu tố đầu tiên thể hiện quan niệm nghệ thuật mới về con người, phản ánh hiện thực và “dẫn dắt người đọc vào một thế giới riêng trong một thời kỳ lịch sử nhất định” [1, tr.52].

Trong giảng dạy học phần Văn học Việt Nam hiện đại, tuy đối tượng đã đổi mới, nhưng cách tiếp cận đối tượng của phần lớn giáo viên và học sinh, sinh viên hầu như không thay đổi, vẫn dùng hệ thống thi pháp cũ để soi chiếu các tác phẩm mới. Để có thể phát huy tính tích cực chủ động của người học, chú trọng rèn luyện năng lực giải quyết vấn đề gắn với những tình huống của cuộc sống và nghề nghiệp, gắn hoạt động trí tuệ với hoạt động thực hành, thực tiễn thì tất cả các học phần, trong đó có học phần Văn học Việt Nam hiện đại cần được thay đổi. Trong bài viết này, chúng tôi đề xuất một phương pháp giảng dạy một chuyên đề quan trọng của Văn học Việt Nam đương đại (hình tượng nhân vật nhà văn) theo lí thuyết tiếp cận năng lực người học.

2. Sự xuất hiện của nhân vật nhà văn trong các sáng tác văn học vốn là một hiện tượng có tính quy luật. Trước đây, không phải không có loại nhân vật này. Tuy nhiên do sự biến đổi trong đời sống xã hội, sự đổi mới trong tư tưởng, tình cảm và nhu cầu thẩm mĩ ở mỗi thời một khác nên việc xây dựng nhân vật nhà văn ở mỗi thời kì cũng có sự phân biệt với nhau ở một số điểm cụ thể.

Nếu như trong văn học giai đoạn 1930 - 1945, nhân vật nhà văn hiện diện như những con người luôn có ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp và cuộc đời, quan tâm đến sự chuyển biến của cái tôi cá nhân trong tư cách nghệ sĩ, có nhiều tìm tòi về mặt nghệ thuật theo hướng hiện đại hóa nhưng chưa có điều kiện khai thác triệt để bản lĩnh sáng tạo của mình do chịu tác động của một số nhân tố khách quan. Văn học giai đoạn 1945 - 1975 lại quan tâm đến cái ta cộng đồng trong tư cách công dân, vận động trong xu hướng cách mạng hóa, đại chúng hóa. Những tìm tòi về phương diện nghệ thuật chưa phải là yếu tố có tính chất quyết định trong văn học giai đoạn này. Nhân vật nhà văn trong văn xuôi nếu có xuất hiện trong tác phẩm cũng thường không đóng vai trò tiên phong trong truyền đạt những suy tưởng, kiến giải mang tính chất cá nhân về sáng tạo nghệ thuật. Đôi khi cá tính còn nhân vật còn bị cốt truyện và sự kiện làm lu mờ. Văn xuôi Việt Nam sau đổi mới đã dung hòa được những mặt đối lập trong tư duy văn học các thời kì bằng xu thế dân chủ hóa. Ở một phương diện nào đó, nó là sự kế thừa và tiếp nối đầy sáng tạo những ý hướng nghệ thuật mà các tác giả giai đoạn 1930-1945 đã tìm tòi. Tất nhiên, trong một tầm tư duy mới.

Điều đặc biệt trong văn xuôi Việt Nam đương đại là là sự xuất hiện ngày càng nhiều những nhân vật nhà văn, như là một nguồn cảm hứng mới của văn học khi viết về chính nó. Hàng loạt tác phẩm mới như tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Chân dung cát của Inrasara, Phố Tàu, Madein Việt Nam của Thuận, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Bùi Hoằng Vị... đã thực sự “đổi món” cho văn chương Việt Nam cả về nội dung lẫn bút pháp thể hiện, làm xoay chiều nhận thức và quá trình thụ cảm của người đọc, đưa họ vào một thế giới phức tạp đầy bí ẩn nhưng cũng rất cởi mở của chủ thể sáng tạo.  

3. Chuyên đề “Hình tượng nhân vật nhà văn trong văn xuôi Việt Nam sau 1986” nếu dạy theo phương pháp truyền thống (tiếp cận nội dung), người giáo viên sẽ rơi vào mê hồn trận của những biển kiến thức. Bởi lẽ, với sự phát triển nhanh  chóng về chất lượng và số lượng của loại tác phẩm viết về nhân vật “nhà văn”, người giáo viên khó có thể bao quát hết cũng như truyền tải hết khối lượng kiến thức đồ sộ này trong các giờ dạy học. Vì vậy, chúng tôi đề xuất phương pháp thiết kế hoạt động dạy học chuyên đề này như sau:

Bước 1: Xác định mục tiêu của bài học căn cứ vào chuẩn kiến thức (KT), kĩ năng (KN) và yêu cầu về thái độ trong chương trình. Bước này được đặt ra bởi việc xác định mục tiêu của bài học là một khâu rất quan trọng, đóng vai trò thứ nhất, không thể thiếu của mỗi giờ dạy học. Mục tiêu (yêu cầu) vừa là cái đích hướng tới, vừa là yêu cầu cần đạt của giờ học; hay nói khác đi đó là thước đo kết quả quá trình dạy học. Nó giúp GV xác định rõ các nhiệm vụ sẽ phải làm (dẫn dắt SV tìm hiểu, vận dụng những kiến thức, kĩ năng nào; phạm vi, mức độ đến đâu; qua đó giáo dục cho SV những bài học gì).

Ở bước này GV xác định mục tiêu là tìm hiểu về hình tượng nhân vật nhà văn - một loại nhân vật đặc biệt trong văn xuôi Việt Nam sau 1986. Trong mục tiêu lớn này có các mục tiêu bộ phận:

- Mục tiêu lý giải sự xuất hiện của hình tượng nhân vật nhà văn: Không phải ngẫu nhiên mà các nhà văn đương đại lại thích xây dựng hình tượng nhân vật - nhà văn trong tác phẩm của mình bởi việc tìm cho nhân vật một nghề nghiệp tương thích, có sự liên đới giữa nghề nghiệp và tư tưởng là một trong những yếu tố bản lề trong sáng tạo nghệ thuật của nhà văn. Để cho nhân vật nhà văn xuất hiện trong tác phẩm, các nhà văn muốn mở rộng đề tài, chủ đề cho tác phẩm và bày tỏ thái độ mới đối với hiện thực, bày tỏ quan niệm mới về văn học, về vai trò của độc giả... Nhà văn bây giờ không chỉ nhìn mình trong mối quan hệ với hiện thực, với công chúng mà còn phải đối diện với chính mình - một cuộc diện kiến đầy mâu thuẫn phức tạp vì vậy nhu cầu hướng nội, tự phân tích, tự nhận thức về mình của bản thân người cầm bút là một nhu cầu chính đáng.

- Mục tiêu mô tả cụ thể  đặc điểm của hình tượng nhân vật nhà văn: Trong các tác phẩm văn xuôi Việt Nam đương đại nhiều nhân vật nhà văn không xuất hiện với tư cách là người trần thuật mà trong vai trò là một nhân vật của tác phẩm, tồn tại song hành cùng các nhân vật khác. Nhà văn từ chỗ đóng vai trò là chủ thể, sáng tạo ra các nhân vật giờ lại bị chính các nhân vật của mình “hành hạ”. Nhưng cũng bởi sự gần gũi thiết thân của các kiểu nhân vật này mà mối quan hệ tác giả - tác phẩm được cải thiện một cách rõ rệt, ranh giới giữa tác giả - người kể chuyện và nhân vật hòa lẫn với nhau tạo nên một bầu không khí dân chủ trong sáng tạo và tiếp nhận văn chương.

- Mục tiêu ý nghĩa của hình tượng nhân vật nhà văn đối với đời sống văn học, từ đó giúp người học có thể liên hệ thực tế về vai trò của nhà văn đối với xã hội:  Xây dựng nhân vật nhà văn trong tác phẩm không chỉ phục vụ nhu cầu tưởng tượng mà còn tạo cơ hội bộc bạch sẻ chia những tâm sự ẩn khuất trong tâm hồn tác giả. Qua nhân vật nhà văn, những trăn trở suy tư về nghề văn và công việc viết văn không chỉ nằm yên trong suy nghĩ của tác giả nữa mà được công khai "bùng nổ" trên trang viết qua những cuộc đối thoại (có thể là giả tưởng) giữa nhà văn và nhân vật tạo nên một thứ ngôn ngữ đa âm, đa sắc. Những vấn đề nhà văn quan tâm được nhìn nhận qua nhiều lăng kính, nhiều ô cửa khác nhau. Nhà văn được giải phóng khỏi sự lệ thuộc vào một ngôn ngữ duy nhất, thống nhất và có thể hoán vị ngôn ngữ của nhà văn với ngôn ngữ nhân vật.

Một khi nhân vật là nhà văn, ý thức nghề nghiệp, ý thức làm mới văn chương trong sáng tạo nghệ thuật của tác giả được thể hiện một cách triệt để, vừa tạo ra một môi trường "hàn lâm" mang tính văn chương, vừa phát huy tính dân chủ trong sáng tạo và tiếp nhận văn học. Khi nhân vật là nhà văn, đời sống văn học càng trở nên phong phú đa dạng hơn bao giờ hết. “Các tác giả đã chứng tỏ một khả năng tưởng tượng phi thường, cho văn học thành một nghệ thuật tung hoả mù, đánh lộn sòng. Dường như với họ, trước khi là một nhu cầu, một nhiệm vụ, một giải thoát, một thách thức, viết là một cuộc chơi, một trò ảo thuật, đôi khi là một màn kịch. Cũng là lần đầu tiên, “hậu trường” của sáng tạo văn học được hé mở cho độc giả, hiện ra còn kỳ thú hơn cả chính cốt truyện đang đọc - dù có là tình yêu, chiến tranh, tôn giáo hay điều tra vụ án... Đó là khi văn học viết về văn học” [2, tr.534]         

Bước 2: Yêu cầu SV nghiên cứu giáo trình và các tài liệu liên quan để  hiểu chính xác, đầy đủ những nội dung của bài học; xác định những kiến thức, kĩ năng, thái độ cơ bản cần hình thành và phát triển ở SV; xác định trình tự logic của bài học.

Ở bước này GV yêu cầu SV đọc các tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh, Cơ hội của Chúa, Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà, Đi tìm nhân vật của Tạ Duy Anh, Chân dung cát của Inrasara, Phố Tàu, Madein Việt Nam của Thuận, truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Bùi Hoằng Vị…và tổng hợp kiến thức về hình tượng nhân vật nhà văn trong văn học Việt Nam sau 1986.

Bước 3: GV chia nhóm SV và yêu cầu các nhóm trình bày kiến thức mà nhóm mình thu lượm được về vấn đề hình tượng nhân vật nhà văn trong văn xuôi sau 1986. Sau khi trình bày, các nhóm khác có thể phản biện, trao đổi, đưa ra các ý kiến khác để tranh luận nhằm làm sáng rõ vấn đề. Cụ thể GV có thể tiến hành như sau:

Nhóm 1: Yêu cầu trình bày và bình luận về sứ mệnh, giới hạn của nhân vật nhà văn trong văn xuôi sau 1986 so với các thời kì trước.

Sau khi SV trao đổi, GV có thể đưa ra ý kiến tham khảo, gợi ý: Nhân vật nhà văn trong văn xuôi Việt Nam đương đại luôn ý thức được sứ mệnh và giới hạn của mình. Không phải là sứ mệnh cao cả, linh thiêng của những nhà cách mạng, nhà tiên tri, nhà dự báo, nhà đạo đức chính trị với những mĩ từ mà trước nay người ta kính cẩn dành cho nhà văn cũng như cho văn học là “cải tạo hiện thực”, “hàn gắn thế giới”, “văn học là tấm gương soi chiếu thời đại” và nhà văn là “người thư ký trung thành của thời đại”... mà nhà văn tồn tại như nó vốn có, thậm chí còn đối lập với những cách nghĩ, cánh nhìn nhận mang tính truyền thống về người trí thức. Văn học không chỉ ngợi ca cuộc sống mà còn phản biện lại chính cuộc sống ấy. Nhà văn Kiên trong tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh ra khỏi chiến tranh với một nỗi buồn dai dẳng. Sự thực cuộc chiến không như mọi người vẫn tưởng, nó hào hùng oanh liệt nhưng cũng rất đỗi đớn đau. Hoà vào nhịp sống đời thường Kiên như bị “khớp”, bị bỏ rơi, một mặc cảm lạc loài của một con người đi bên lề cuộc sống. Anh viết như một sự giải thoát, một sự cứu rỗi cho tâm hồn. Thế nhưng anh đã làm được gì cho lịch sử khi số mệnh của đống bản thảo lộn xộn, tơi tả vẫn âm thầm nằm trong bóng tối? Nhà văn ôm một sứ mệnh thật cao cả lớn lao nhưng lại tỏ ra bất lực ngay đối với bản thân mình nên trọn đời anh phải sống một kiếp sống lầm lũi cô đơn đầy tội nghiệp giữa dòng đời hối hả.

Nhóm 2: Yêu cầu trình bày về những triết lí nghề nghiệp mà nhà văn gửi gắm trong tác phẩm.

Sau khi SV trao đổi, GV có thể đưa ra ý kiến tham khảo, gợi ý: Trong không khí dân chủ, cởi mở, tăng cường đối thoại như hiện nay có một khuynh hướng không kém phần quan trọng làm nên chiều sâu tác phẩm đó là khuynh hướng gia tăng tính triết lý, triết luận cho các trang viết. Xu hướng kiếm tìm ý nghĩa triết học nhân sinh qua đời sống và giải thích đời sống bằng kinh nghiệm cá nhân phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Sự thức tỉnh về ý thức cá nhân và ý thức ngôn ngữ làm nảy sinh nhu cầu được nhận thức lại, chiêm nghiệm và triết lý về mọi vấn đề của đời sống xã hội. Hứng thú triết luận trong tác phẩm văn chương làm cho thành phần ngôn ngữ thêm phần khái quát, trừu tượng, mang tính đa nghĩa, đem đến cho văn xuôi ý vị triết lý và giá trị phổ quát.

Nhóm 3: Yêu cầu trình bày về  quá trình nhà văn tạo ra tác phẩm.

Sau khi SV trao đổi, GV có thể đưa ra ý kiến tham khảo, gợi ý:  Nhà văn Bạch trong tiểu thuyết Khải huyền muộn của Nguyễn Việt Hà loay hoay bất lực trước tương lai nhân vật bởi chính anh đã ý thức sâu sắc những giới hạn trong cuộc đời và cả trong sáng tạo. Dù rằng về lí thuyết vai trò của nhà văn là sáng tạo ra nhân vật, thế nhưng “Chưa có người viết văn tử tế nào dám vỗ ngực là mình sẽ sắp xếp được cho tương lai của nhân vật. Trước một trang viết mới người viết tử tế nào cũng đều tự biết là mình đang đứng trước một cái đầy bất trắc không đoán định được”[3,tr.31-32].

Nhân vật nhà văn trong truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp lại tỏ ra là một con người cực kỳ tinh tế nhạy cảm nhưng đối với thực tại cuộc đời cũng đành phải bó tay bất lực. Anh ta thậm chí không đại diện được cho ai, không đảm nhận được sứ mệnh lịch sử của mình, không có khả năng tác động đến hiện thực và cũng không hề ngộ nhận về hư danh của mình. Anh ta hiện diện trong tác phẩm bằng một vẻ nhàu nát đầy thống khổ và yếu đuối cô đơn. Cái cô đơn của một con người hiểu đời, biết mình biết ta nhưng không thể đem cái sự hiểu đó ra đối chất với hiện thực cuộc đời. Anh ta nhận thức rõ về năng lực, giới hạn của mình và chấp nhận nó như một lời “thú tội”: “Xin người đọc vì nể nang những tình cảm đã thúc đẩy tôi viết mà lượng thứ cho ngòi bút kém cỏi của tôi” [4, tr.16]. Những lời tự sự của nhân vật cũng là tâm sự của chính nhà văn và sự ý thức sâu sắc của anh ta về vai trò và chức năng của văn học cùng những hệ lụy, giới hạn mà nó phải buông xuôi bất lực vì vô số lí do dung tục đời thường. Việc để cho nhân vật nhà văn xuất hiện trong tác phẩm vừa nằm trong ý đồ sáng tạo nghệ thuật của nhà văn vừa thể hiện những nỗi niềm băn khoăn day dứt về lẽ đời và cuộc sống của chính bản thân tác giả.

Nhóm 4: Yêu cầu trình bày về các đặc điểm nghệ thuật được sử dụng để xây dựng hình tượng nhân vật “nhà văn”.

Sau khi SV trao đổi, GV có thể đưa ra ý kiến tham khảo, gợi ý: Một đặc điểm độc đáo của văn xuôi Việt Nam đương đại là cùng với việc xây dựng nhân vật nhà văn trong tác phẩm, các tác giả rất chú ý miêu tả hành trình sáng tạo và sự ra đời của những tác phẩm, từ đó tạo nên cấu trúc “truyện lồng trong truyện”, “tiểu thuyết trong tiểu thuyết”. Đây là một thủ pháp, một kỹ thuật sáng tác hậu hiện đại đối chiếu các câu chuyện và điểm nhìn lại với nhau. Bản thảo của nhân vật được lồng trong tác phẩm chính và hai văn bản đó phản chiếu lên nhau tạo hiệu quả cộng hưởng hoặc tương phản, đồng thời làm cho quá trình thụ cảm tác phẩm của người đọc xoay theo nhiều hướng khác nhau, không bám rễ với trật tự tuyến tính, theo các sự kiện gối đầu đơn điệu như xưa. Tiểu thuyết lồng trong tiểu  thuyết như phép soi gương đưa người đọc vào một “mê cung văn học” thực ảo lẫn lộn, khó lòng phân biệt được ranh giới giữa hiện thực và tiểu thuyết. Nhưng cũng chính ở đấy người đọc mới có cơ hội khám phá về công việc sáng tạo của nhà văn qua mối quan hệ giữa nhà văn và nguyên mẫu, hé lộ một hậu trường văn học, “bếp núc” văn chương vốn thường khép kín, “lôi nhà văn ra khỏi vùng đất thánh”, hoàn thiện cái nhìn nhiều chiều về một nhà văn.

Bước 4: Sau khi các nhóm đã trao đổi, thảo luận, GV đã bổ sung hoặc đề xuất các phương án giải quyết mới thì GV yêu cầu SV viết thu hoạch về vấn đề hình tượng nhà văn trong văn xuôi Việt Nam sau 1986.

Sự thành công của một giờ dạy theo định hướng tiếp cận năng lực người học phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố trong đó quan trọng nhất là sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của cả người dạy và cả người học. Những phần trình bày trên đây chỉ là những kinh nghiệm được đúc kết từ thực tiễn dạy và học một chuyên đề cụ thể. Tuy nhiên, dù dạy theo phương pháp nào, người GV dạy văn cũng cần đảm bảo đặc thù bộ môn để đem lại những giờ học có hiệu quả, bổ ích và hứng thú đối với cả người dạy, người học./.

                        TÀI  LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Minh Châu (2002), Trang giấy trước đèn, NXB Khoa học Xã hội.
  2. Nguyễn Việt Hà (2006), Cơ hội của Chúa, NXB Hội Nhà văn.
  3. Nguyễn Việt Hà (2005), Khải huyền muộn, NXB Hội Nhà văn.
  4. Bảo Ninh (2005), Nỗi buồn chiến tranh, NXB Hội Nhà văn.
  5. Nguyễn Huy Thiệp (2003), Truyện ngắn, NXB Văn học.
 
Khoa Sư Phạm