Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  24/01/2018 09:17        

Cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn của thành ngữ trong ca dao người Việt

Tóm tắt: Bài viết trình bày 3 cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn (phổ biến) của thành ngữ trong ca dao của người Việt, đó là cơ chế chuyển nghĩa ẩn dụ, cơ chế chuyển nghĩa hoán dụ và cơ chế chuyển nghĩa so sánh. Qua đó, có thể thấy có một số tầng nghĩa hàm ẩn hiện ra giống nhau ở những đối tượng khác nhau vì đã tồn tại một số phương thức chung hướng người tiếp nhận đến cùng một cái đích hàm ẩn mà tác giả dân gian muốn nói đến. Bên cạnh đó, còn đề cập đến cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn khác trong ca dao Việt Nam.

1. Đặt vấn đề
Tạo nghĩa mới bằng cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn trong ngữ cố định nói chung, trong thành ngữ nói riêng là hình thức tạo nên nghĩa mới bằng phương thức chuyển nghĩa. Khi đặt tên cho khách thể mới, chủ thể có thể sử dụng những yếu tố ở bình diện biểu hiện và bình diện nội dung đã có trong ngôn ngữ bằng cách biểu tượng hóa những hình thức, những đặc điểm, những chức năng… của sự vật, hiện tượng để biểu hiện một nội dung mới, một ý nghĩa mới (ý nghĩa mới này mang tính hàm ẩn). Nói như Nguyễn Văn Khang, sự chuyển hóa ý nghĩa hay sự cải biến ngữ nghĩa là sự chuyển từ tên gọi có cấu trúc ngữ nghĩa này sang tên gọi có cấu trúc ngữ nghĩa khác.
2. Nội dung
2.1. Khảo sát từ Kho tàng ca dao Việt Nam

Qua khảo sát 4 tập của Kho tàng ca dao người Việt, chúng tôi đã lựa chọn 500 đơn vị ca dao có chứa thành ngữ trong số 11.825 đơn vị ca dao để thuận tiện cho việc phân tích. Trong 500 đơn vị ca dao đó, tác giả đã xác định được 201 thành ngữ được dân gian sử dụng. Bằng việc lấy số lần xuất hiện của các thành ngữ trong ca dao theo từng cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn để chia cho tổng số câu ca dao có chứa thành ngữ (500 câu) và nhân với 100, sẽ cho ra tỉ lệ % xuất hiện của cơ chế đó.
2.2. Kết quả khảo sát
Có 3 cơ chế cơ bản để tạo nên các tầng nghĩa hàm ẩn của thành ngữ trong ca dao người Việt, đó là cơ chế chuyển nghĩa ẩn dụ, cơ chế chuyển nghĩa hoán dụ và cơ chế chuyển nghĩa so sánh. Số lượng và tỉ lệ các thành ngữ xuất hiện trong các cơ chế này được thể hiện cụ thể trong bảng sau:
STT Cơ chế chuyển nghĩa Tần số xuất hiện Tỉ lệ %
01 Cơ chế ẩn dụ 315/500 47,5
02 Cơ chế hoán dụ 285/500 37,5
03 Cơ chế so sánh 66/500 15,0
2.2.1. Nghĩa hàm ẩn được tạo lập theo cơ chế chuyển nghĩa ẩn dụ
Số lượng của từng cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn ẩn dụ và tần số xuất hiện của chúng được thể hiện trong bảng số liệu sau:
STT Cơ chế chuyển nghĩa ẩn dụ Tần số xuất hiện Tỉ lệ %
01 Ẩn dụ dựa vào tính chất 100/500 16,0
02 Ẩn dụ dựa vào hoạt động 80/500 12,4
03 Ẩn dụ dựa vào hình thức 65/500 8,4
04 Ẩn dụ dựa vào mức độ, số lượng 70/500 10,4
Cơ chế chuyển nghĩa ẩn dụ dựa vào tính chất của thành ngữ trong ca dao người Việt
Loại cơ chế ẩn dụ dựa vào tính chất xuất hiện nhiều nhất trong các cơ chế, chiếm tỉ lệ 16%, với tần số xuất hiện là 100 lần. Sau đây chúng tôi sẽ phân tích một số thành ngữ sử dụng cơ chế ẩn dụ dựa vào tính chất và từ đó rút ra tầng nghĩa hàm ẩn từ văn cảnh.
(306) Bực mình lên tận tiên cung
Đem ông Nguyệt Lão xuống hỏi thăm vài lời
Nỡ lòng trêu ghẹo chi tôi
Lênh đênh bèo nổi, mây trôi một thì
Biết người biết mặt nhau chi
Để đêm em tưởng, ngày thì em thương.
Thành ngữ bèo nổi mây trôi với hình ảnh “bèo, mây” kèm với tính chất trôi nổi vô định của chúng từ lâu đã trở thành một điển hình cho tầng nghĩa hàm ẩn: số phận lênh đênh vô định, lưu lạc không nơi nương tựa của con người. Trong ngữ cảnh, nhân vật trữ tình lên tiếng hờn trách ông Tơ bà Nguyệt đã xe duyên cho đôi lứa gắn bó bên nhau lại nỡ chia lìa, tan tác đôi nơi tựa như cánh bèo, ánh mây trôi nổi vô định.
Ngoài những thành ngữ trên, có thể kể ra hàng loạt thành ngữ trong ca dao người Việt có sử dụng cơ chế ẩn dụ dựa vào tính chất: dứt mối lìa tơ, đá nát vàng phai, đò đưa bến cũ, đồng chua nước mặn, đứt chỉ gãy kim, gạo châu củi quế,…
Cơ chế chuyển nghĩa ẩn dụ dựa vào hoạt động của thành ngữ trong ca dao người Việt
Trong Kho tàng ca dao người Việt, chúng ta bắt gặp hàng loạt thành ngữ sử dụng cơ chế ẩn dụ dựa vào hoạt động. Chẳng hạn:
(938) Em đừng thăm ván bán thuyền
Thủy chung như nhất đôi ta thề nguyền
Dầu cho gian khổ truân chuyên chẳng nề.
Từ hành động của người chủ thuyền vừa mới đi xem ván đóng thuyền đã bán ngay thuyền cũ, ta bắt gặp nét giống nhau giữa hoạt động thăm/bán với sự thay đổi nhanh chóng trong thái độ của người chủ thuyền và người phụ nữ vừa có tình mới đã lập tức quên duyên cũ, dẫu duyên cũ đó đã từng rất gắn bó. Lời tâm sự, nhắn nhủ của chàng trai với người mình yêu thương rằng đừng quên lời thề hẹn thủy chung như nhất dầu có trải qua bao dâu bể của cuộc đời.
Cơ chế chuyển nghĩa ẩn dụ dựa vào hình thức của thành ngữ trong ca dao người Việt
Trong đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc Việt Nam, hình ảnh miếng trầu đã trở nên hết sức quen thuộc, gần gũi. Và tục lệ mời trầu, ăn trầu là một nét văn hóa không chỉ có trong các lễ nghi văn hóa truyền thống như hội hè, cưới hỏi mà còn được phổ biến trong cuộc sống thường ngày. Trầu, cau luôn tượng trưng cho tình yêu chung thủy, nồng thắm và hạnh phúc bền chặt của lứa đôi:
(2190) Trầu này trầu tính trầu tình
Trầu têm cánh phượng, trầu mình trầu ta
Trầu này trong tráp bỏ ra
Trầu têm cánh phượng, cau vừa chạm xong
Miếng trầu có bốn chữ tòng
Xin chàng cầm lấy vào trong thăm nhà.
Ở đơn vị ca dao này xuất hiện hai lần thành ngữ trầu têm cánh phượng. Đây là miếng trầu được têm giống cánh của con chim phượng – là miếng trầu đẹp thể hiện sự khéo léo của người têm. Đây quả là miếng trầu “đặc biệt” được đưa ra mời trong một thời điểm “đặc biệt”. Nó hội tụ tất cả những điều gì đẹp đẽ, sang trọng nhất bởi miếng trầu đó được têm bằng tấm lòng chân thành, tình cảm trong sáng của cô gái. Chàng trai biết được lai lịch, giá trị của miếng trầu qua đó biết được lai lịch, giá trị của người mời trầu.
Cơ chế chuyển nghĩa ẩn dụ dựa vào mức độ, số lượng của thành ngữ trong ca dao người Việt
Qua khảo sát, chúng tôi nhận thấy, hầu hết các con số từ 1 đến 10 đều xuất hiện trong các thành ngữ của ca dao người Việt. Trong đó có khi các số xuất hiện một mình (đơn) cũng có khi xuất hiện thành từng cặp sóng đôi.
Với người phương Đông, số “năm” rõ ràng là rất bí ẩn bởi nó là mô hình các yếu tố, các thành phần cấu tạo nên vũ trụ: kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Số Năm cũng là con số trung tâm của sự hòa hợp và thăng bằng…
Dạng biến thể năm trong ca dao người Việt trong mối quan hệ nội bộ là “năm, sáu”; “năm, bảy” để chỉ quan hệ tương đồng. Các biến thể kết hợp chủ yếu của số năm khi đi vào ngôn ngữ ca dao trên trục ngữ đoạn thường là “năm canh”, “đêm năm canh”, “ngày sáu khắc” để chỉ tính tổng thể, liên tục về mặt thời gian và triền miên của tâm trạng: nỗi nhớ nhung.
(780) Đêm năm canh nghe con dế thốt
Ngày sáu khắc lần đốt ngón tay
Hỡi ai, duyên cớ ai bày?
Duyên trăm năm lại bỏ nghĩa một ngày lại theo.
Đây chính là tâm trạng đau đớn, chua xót của nhân vật trữ tình khi người mình yêu mến, tin tưởng lại rũ bỏ nghĩa tình sâu sắc, bền lâu. “Đêm năm canh” chỉ còn lại một nỗi trống trải khủng khiếp. Không gian cô quạnh vang lên tiếng dế kêu thảm thiết, não nuột hay cũng chính lòng cô đang nhức nhối, rối bời?
Những số được dùng trong cơ chế này là: “một - hai” chỉ sự khác biệt, đối lập giữa hai khía cạnh, hai đặc điểm; “năm – sáu” chỉ sự kéo dài liên tiếp đến lê thê của thời gian, số “chín – mười” biểu thị sự sung mãn, đầy đặn và trọn vẹn nhất.
Ở một khía cạnh nào đó, cơ chế ẩn dụ dựa vào mức độ, số lượng mang tính biểu cảm, giúp cho việc thể hiện tình cảm, thái độ yêu ghét rất rõ ràng của người dùng..
2.2.2.Nghĩa hàm ẩn được tạo lập theo cơ chế chuyển nghĩa hoán dụ
Hoán dụ mang đặc điểm biểu trưng hóa. Biểu trưng trong hoán dụ là lấy một thuộc tính, một bộ phận của sự vật, hiện tượng nào đó để đại diện cho sự vật, hiện tượng đó một cách tượng trưng hóa, ước lệ hóa mang tính chất khái quát, trừu tượng.
Số lượng cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn bằng phép chuyển nghĩa hoán dụ và tần số xuất hiện cũng như tỉ lệ của chúng được thể hiện trong bảng số liệu sau:
STT Cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn hoán dụ Tần số xuất hiện Tỉ lệ %
01 Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa tính chất của sự vật và bản thân sự vật 98/500 12,4
02 Hoán dụ dựa vào quan hệ giữa hoạt động của sự vật và bản thân sự vật 87/500 10,0
03 Hoán dụ dựa trên quan hệ bộ phận – toàn thể 60/500 7,96
04 Hoán dụ gắn liền với điển tích điển cố 40/500 6,46
Cơ chế chuyển nghĩa hoán dụ dựa vào quan hệ giữa tính chất của sự vật và bản thân sự vật của thành ngữ trong ca dao người Việt
Trong số các cơ chế hoán dụ thống kê được trong thành ngữ của ca dao người Việt, hoán dụ dựa vào quan hệ tính chất của bản thân sự vật được sử dụng nhiều nhất với số lượng 25 thành ngữ, có tần số xuất hiện là 98 lần/500 đơn vị ca dao, chiếm 12,4%. Ví dụ:
(257) Thuyền quyên sánh với anh hùng
Những người thục nữ sánh cùng văn nhân.
Trong trường hợp này, thành ngữ trai anh hùng gái thuyền quyên được sử dụng sáng tạo (rút gọn và tách thành ngữ). Từ “anh” trong “anh hùng” có nghĩa là tốt đẹp, kiệt xuất, tài hoa hơn người; “hùng” có nghĩa là dũng mãnh, tài giỏi, siêu quần; “anh hùng” là nhân vật phi phàm, chỉ người có kiến giải tài năng, xuất chúng. “Thuyền quyên” là (tư thế, dáng vẻ) xinh đẹp, chỉ người con gái công, dung, ngôn, hạnh. Thành ngữ trai anh hùng, gái thuyền quyên được sử dụng trong đơn vị ca dao trên để chỉ sự tương hợp, xứng đôi vừa lứa của đôi trai tài gái sắc.
Nhưng có khi trai anh hùng, gái thuyền quyên lại chịu cảnh bất tương phùng, chiụ cảnh chia lìa li tán:
(841) Ngày sầu duyên tối lại sầu tình
Nước mắt lai láng như bình nước nghiêng
Trách ai làm duyên phận đảo điên
Mình ơi!
Trai anh hùng chịu thảm, gái thuyền quyên chịu sầu.
Khi đã gửi trọn niềm yêu giành cho nhau thế nhưng tình yêu ấy không được chấp nhận thì họ chỉ biết nén lòng đau đớn, xót xa trong tiếc nuối và tuyệt vọng. Chính sự khắc nghiệt của luật lệ, lễ giáo phong kiến, hay những quan niệm lỗi thời và lạc hậu, “môn đăng hộ đối”, “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy” làm cho bao đôi lứa yêu nhau đành phải chia lìa…
Cơ chế chuyển nghĩa hoán dụ dựa vào quan hệ giữa hoạt động của sự vật và bản thân sự vật của thành ngữ trong ca dao người Việt
Ví dụ:
Đạo hiếu của phận làm con được thể hiện ở thành ngữ sau:
(2077) Thờ cha, kính mẹ đã đành
Theo đôi, theo lứa mới thành thất gia.
Về phía người con, trong chữ Hiếu bao hàm cả nội dung quy định bổn phận của họ là phải lập gia thất. Lập gia thất chính là bổn phận duy trì nòi giống, tiếp nối sự thờ tự và để thỏa ý nguyện của cha mẹ. Một anh con trai không ngần ngại khi đưa ra mục đích của mình “Anh lấy em về thờ mẹ kính cha”. Chuyện hôn nhân lứa đôi không đơn giản là một thủ tục tác hợp tình duyên mà gắn đạo lý với tinh thần vì người khác: cha mẹ, gia đình, dòng họ… Ở đây có sự gặp gỡ, hòa hợp giữa hai bổn phận: bổn phận của cha mẹ là sinh con, tròn đạo Hiếu của người con. Như vậy, việc trai lớn lấy vợ, gái lớn lấy chồng không chỉ là vấn đề tình cảm riêng tư mà còn là việc thực thi trách nhiệm của cá nhân với gia đình và xã hội. Cơ chế hoán dụ dựa vào quan hệ giữa hoạt động của sự vật và bản thân sự vật được sử dụng nhiều trong ca dao người Việt với 20 thành ngữ, xuất hiện 87 lần, chiếm tỉ lệ 10%.
Cơ chế chuyển nghĩa hoán dụ dựa vào quan hệ bộ phận – toàn thể của thành ngữ trong ca dao người Việt
(57) Ai đem em tới giữa đồng
Chân lấm tay bùn mà lòng anh say.
Đơn vị ca dao như một lời tỏ tình của chàng trai với cô gái. Không gian của cuộc gặp gỡ không phải là một đêm trăng thơ mộng nơi vườn hồng như các bài ca dao khác mà là ở “giữa đồng”. Nhân vật “em” được nói đến ở đây không có “má phấn môi son”, “chân dép chân giày” mà là chân lấm tay bùn. Cái đẹp không toát lên từ hình hài diện mạo mà từ trong lao động vất vả thường ngày. Hẳn là cô gái đã làm cho “lòng anh say” bởi chính cái sự hiền hòa, hay lam hay làm đó. Vẻ đẹp thắt đáy lưng ong của người con gái chắc hẳn cũng chính là kết quả của sự chăm chỉ, chịu thương chịu khó để thu vén cho cuộc sống gia đình.
Rất dễ để chúng ta nhận biết cơ chế hoán dụ dựa trên quan hệ bộ phận – toàn thể. Cơ chế này dựa vào sự tương cận, mối quan hệ gần gũi nhau về hình thức giữa các sự vật, hiện tượng cho nên những bộ phận được gọi tên trong thành ngữ thường là một bộ phận trên cơ thể con người, chẳng hạn: mặt, má, đầu, mắt… hoặc là phần thuộc con người như: duyên số, vận mệnh, tuổi tác, tính cách của con người,…
Cơ chế chuyển nghĩa hoán dụ dựa vào điển tích, điển cố của thành ngữ trong ca dao người Việt
Ý nghĩa của mỗi thành ngữ đều gắn chặt với một điển tích, điển cố và được cộng đồng thừa nhận. Trên cơ sở ý nghĩa hệ thống, có thể suy ra các tầng nghĩa hàm ẩn trong văn cảnh:
(498) Công cha như núi ngất trời
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển Đông
Núi cao biển rộng mênh mông
Cù lao chín chữ ghi lòng con ơi!
Thành ngữ cù lao chín chữ có nguồn gốc từ thành ngữ “cửu tự cù lao”. Trong Kinh thi, chín chữ đó gồm: Phụ hề sinh ngã, cúc ngã, phủ ngã, xúc ngã, trưởng ngã, dục ngã, cố ngã, phục ngã, xuất nhập phúc ngã. Dục báo chi đức, hiệu thiên võng cực. Có nghĩa là cha mẹ sinh ra ta, nâng đỡ ta, vỗ về ta, cho ta bú, nuôi cho ta lớn, dạy dỗ ta, trông nom ta, ra vào nâng niu ta. Bao công đức ấy cao thăm thẳm như trời lồng lộng.
Công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ đối với ta được ví von với núi cao ngất trời, biển rộng mênh mông, đồng thời được cụ thể hóa bằng thành ngữ cù lao chín chữ chính là lời dặn khắc cốt ghi tâm của con người biết bao đời.
Điển cố (từ Hán Việt) nghĩa là những tích truyện xưa được chép trong kinh sách cũ (cũng gọi là điển tích); thường là kể về các tấm gương hiếu thảo, anh hùng liệt sĩ, các tấm gương đạo đức hoặc những truyện có tính triết lý, nhân văn trong lịch sử (thường là của Trung Quốc).
2.2.3. Nghĩa hàm ẩn được tạo lập theo cơ chế chuyển nghĩa so sánh
Số lượng cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn so sánh được thể hiện qua bảng sau:
STT Cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn so sánh Tần số xuất hiện Tỉ lệ %
01 Cơ chế so sánh dạng nổi 36/500 8,9
02 Cơ chế so sánh dạng chìm 30/500 5,9
Cơ chế chuyển nghĩa so sánh dạng nổi của thành ngữ trong ca dao người Việt
(1012) Gặp nhau đưa một miếng trầu
Chẳng ăn cầm lấy cho nhau bằng lòng
Miếng trầu đã nặng như chì
Ăn thì ăn vậy lấy gì trả ơn.
Quả là một hình ảnh so sánh hết sức độc đáo và đầy tính biểu cảm! “Nặng như chì” là trạng thái hết sức nặng nề, căng thẳng, có cảm giác như đeo vật gì quá nặng (như là chì). Ở đây, “miếng trầu” được ví von, so sánh với “chì”, mà so ở tính chất “nặng” thì rõ ràng “miếng trầu” này đã vượt ra khỏi hình ảnh miếng trầu thông thường. Khi người con trai yêu một người con gái, muốn ướm thử tình cảm của cô đối với mình ra sao, anh phải nhờ đến miếng trầu để khơi chuyện. Tuy nhiên trong đơn vị ca dao này, người “mời trầu” chỉ là “đưa miếng trầu” cho cô gái, nếu cô gái từ chối không ăn trầu cũng đồng nghĩa với từ chối tình yêu ấy. Miếng trầu này quả thực rất “nặng” nghĩa “nặng” tình, chất chứa bao tâm tư của đôi lứa dù có duyên nhưng không có nợ.
“Miếng trầu” khi tình duyên trắc trở thì cay, thì đắng, thì nặng như chì, còn trong trường hợp khác:
(1355) Miếng trầu ăn ngọt như đường
Đã ăn lấy của phải thương lấy người.
Thành ngữ ngọt như đường thường dùng để so sánh với vị của món ăn, hoặc chuyển nghĩa để so sánh với giọng nói của con người. Trong đơn vị ca dao này, vị ngọt của đường kính được dùng để so sánh với vị của miếng trầu, qua đó biểu thị tình duyên thuận lợi, đẹp lứa đẹp đôi. Trong tình yêu, tình nghĩa này thể hiện ở lòng thủy chung, ở mơ ước lứa đôi được sống trăm năm. Do đó, tình yêu, tình nghĩa của vị ngọt miếng trầu hướng tới biểu đạt ý nghĩa bền vững, thủy chung và nhân nghĩa của đôi trai gái.
Cơ chế chuyển nghĩa so sánh dạng chìm của thành ngữ trong ca dao người Việt
(1420) Một yêu mắt toét ba vành
Hai yêu miệng nói cười tình hơn ma
Ba yêu cái bộ răng hà
Bốn yêu miệng nói tựa hồ lợn kêu
Năm yêu cái tính chúa điêu
Sáu yêu cơm ít quà nhiều cũng no
Bảy yêu ngủ ngáy như bò
Ăn vụng như chớp đánh con cả ngày
Tám yêu cái mắt liếc giai
Chín yêu tài ngủ suốt đời dậy trưa
Lại còn cái thói chanh chua
Mười yêu đẹp quá chẳng vừa mắt ai.
Thành ngữ ăn vụng như chớp trong đơn vị ca dao trên hàm chỉ một trong những thói xấu của phụ nữ, đó là người chuyên ăn vụng và ăn vụng rất nhanh, rất sành, khó lòng bắt quả tang.
Nếu như những đơn vị ca dao theo mô hình Một, hai, …mười – thương (yêu, lo) thường gặp trong ca dao để nhằm thể hiện cách nhìn nhận về người bạn tình của nam giới, cái đáng để yêu của người con gái như ngoại hình, phẩm chất… Thì ở đây, tác giả dân gian lại sử dụng mô hình này với một nội dung khác, nhằm mục đích hài hước, thì đó là cách đánh tráo hiện thực để tạo hiệu ứng thẩm mĩ. Sự không tương ứng giữa “yêu” và “cái để yêu”, cũng là sự không tương ứng giữa mô hình đơn vị ca dao và nội dung của nó, tạo nên sự nghịch đảo về nghĩa: nói yêu nhưng thực ra là ghét, là chán ngán. Dùng hết cả “mười điều yêu” của mô hình vẫn chưa diễn tả hết cái chán ghét, rõ là ghét cay ghét đắng rồi. Mô hình hai lần được nới ra ở bên trong (Ăn vụng như chớp, đánh con cả ngày; Lại còn cái thói chanh chua) nhằm thể hiện điều ấy.
Như đã nói, cách phân loại các cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn bằng cơ chế chuyển nghĩa ẩn dụ và hoán dụ chỉ mang tính chất tương đối, và nghĩa hàm ẩn của mỗi thành ngữ thường do nhiều cơ chế kết hợp với nhau tạo nên.
Ở mỗi thành ngữ, chúng tôi phân loại được nhiều cơ chế khác nhau, tuy nhiên chúng tôi chỉ lựa chọn cơ chế tiêu biểu nhất, nổi bật nhất và lấy đó làm cơ sở để nêu ý nghĩa hàm ẩn.
Cách phân loại các cơ chế tạo nghĩa hàm ẩn bằng cơ chế chuyển nghĩa ẩn dụ, hoán dụ và so sánh trên chỉ mang tính chất tương đối và nghĩa hàm ẩn của mỗi thành ngữ thường do nhiều cơ chế kết hợp với nhau tạo nên. Ở mỗi thành ngữ, chúng tôi lựa chọn cơ chế tiêu biểu nhất, nổi bật nhất và lấy đó làm cơ sở để tìm các tầng nghĩa hàm ẩn.
2.3. Những cách tạo nghĩa hàm ẩn khác trong ca dao
Ngoài cách thức tạo nghĩa hàm ẩn bằng cơ chế chuyển nghĩa nêu trên, nghĩa hàm ngôn trong ca dao nói riêng và trong phát ngôn nói chung có được là do người nói cố tình vi phạm các phương châm hội thoại, quy tắc lập luận và quy tắc chiếu vật, cụ thể:
2.3.1. Tạo nghĩa tạo hàm ngôn bằng cách vi phạm quy tắc chiếu vật và chỉ xuất.
Vi phạm quy tắc chiếu vật – chỉ xuất là một trong những cơ chế để tạo hàm ngôn cho phát ngôn. Theo G.Green thì thuật ngữ chiếu vật dùng để chỉ phương tiện nhờ đó người nói phát ra một biểu thức ngôn ngữ, với biểu thức này người nói nghĩ rằng nó sẽ giúp người nghe suy ra được một cách đúng đắn thực thể nào, đặc tính nào, quan hệ nào,sự kiện nào anh ta định nói đến. Nếu chiếu vật là hành động của con người thì việc tạo lập biểu thức chiếu vật như thế nào có liên quan đến ý định của người nói. Nếu người nói cố tình tạo mơ hồ về chiếu vật hoặc thay đổi ngôi bậc là họ có ý định dùng cách nói hàm ngôn. Vi phạm quy tắc chiếu vật trước hết phải kể đến việc dùng từ xưng hô.
Hệ thống từ xưng hô trong ca dao người Việt rất đa dạng, chứa đựng nhiều sắc thái biểu cảm. Đồng thời việc sử dụng từ xưng hô còn chịu ảnh hưởng của những quy ước xã hội. Việc cố tình xưng hô không theo quy ước hoặc đột ngột thay đổi cách xưng hô trong cuộc thoại là một cách để tạo ra hàm ngôn.
Ví dụ: (125) - Anh về chi nữa anh ơi
Ở đây em dạm một nơi thanh nhàn
- Anh về chẻ nứa đan sàn
Bện dây đan võng cho nàng ru con.
Ở lượt trao lời, ta có cặp xưng hô “anh- em”, nhưng ở lượt đáp lời, lại có sự thay đổi thành “anh – nàng”. Việc cố tình dùng xưng hô “nàng” là không theo quy ước nên đã chứa đựng hàm ngôn: “nàng” đây có thể hiểu là “em”, cũng có thể là người khác.
Việc dùng các từ xưng hô phiếm chỉ cũng là một cách thức tạo hàm ngôn. Bởi vì, nó tạo nên tính đa nghĩa hay mơ hồ về chiếu vật. Hình thức này được ca dao giao duyên sử dụng khá nhiều. Rất nhiều trường hợp, ca dao dùng các từ phiếm chỉ như ai, đây, đó, cô ấy, anh ấy…để xưng gọi thay vì dùng các cặp từ xác định như anh- em, thiếp – chàng…
Ví dụ:(565) - Hỡi người thăm lúa ngoài đồng
Thăm lúa, thăm mạ hay lòng thăm ai?
- Anh nay vác cuốc thăm khoai
Nào ai có dám thăm ai ngoài đồng.
Tự xưng mình bằng “ai”, gọi em bằng “ai”, làm cho đối tượng đang trò chuyện trực tiếp thành gián tiếp, đang xác định trở thành không xác định là cách nói hàm ngôn. Cách nói này giúp chúng ta chuyển tải thông tin một cách gián tiếp.
2.3.2. Tạo nghĩa hàm ngôn bằng cách vi phạm quy tắc cộng tác hội thoại
Theo nguyên tắc cộng tác hội thoại của H.P.Grice, muốn đạt được hiệu quả giao tiếp, người ta phải tuân thủ nguyên tắc cộng tác hội thoại, đó là phải đảm bảo bốn phương châm sau:
Phương châm về chất: nói đúng sự thật và có bằng chứng xác thực.
Phương châm về lượng: đảm bảo thông tin đúng như đòi hỏi, không lớn hơn đòi hỏi.
Phương châm quan hệ: nói những thông tin có liên quan và đúng chủ đề.
Phương châm cách thức: thông tin phải ngắn gọn, trật tự, rõ ràng.
Trong tình huống nói năng bình thường, tất cả quy tắc trên đều được tuân thủ. Đôi lúc vì tôn trọng phương châm này mà người nói vi phạm một cách không cố ý phương châm khác. Nhưng khi người nói muốn tạo ra cách nói hàm ngôn, thì họ cố tình vi phạm một hay một số phương châm nêu trên như một chiến thuật giao tiếp. Hay như cách nói của Đỗ Hữu Châu, ông cho rằng: “ nói một mặt phải tôn trọng các quy tắc này và giả định rằng người nghe cũng biết và tôn trọng chúng, mặt khác lại cố ý vi phạm chúng và giả định rằng người nghe cũng ý thức được chỗ vi phạm đó của mình thì sẽ tạo nên nghĩa hàm ngôn.”[3; 377].
Ví dụ: (1052)- Em đà thuận lấy anh chưa
Để anh đốn gỗ rừng nưa làm nhà.
Có lòng xin giả ơn lòng
Xa xôi cách lễ đèo bòng mần răng?
Rõ ràng người đáp lời đã cố tình vi phạm phương châm quan hệ, bởi vì câu trả lời không vào đề, tức không khớp với câu hỏi: hỏi một đàng (thuận lấy anh chưa?) nhưng lại đáp một nẻo (cám ơn anh đã có lòng nhưng xa xôi cách trở quá em nào dám mơ tưởng). Nghe câu trả lời, chàng trai đã hiểu cô gái từ chối, không chấp thuận.
Hay : Hồi hôm tôi có lại đình
Ông thần ổng biểu hai đứa mình kết đôi.
Điều nói ra trong câu ca dao là trái với tự nhiên và cũng không có bằng chứng xác thực. Không thể có chuyện “ông thần ổng biểu” mà chỉ có chuyện chàng trai mượn ông thần để nói thay cho mình. “Anh muốn hai đứa mình kết đôi” chính là hàm ngôn của câu nói.
2.3.3. Tạo nghĩa hàm ngôn bằng vi phạm quy tắc lập luận
Trong lập luận, p, q là luận cứ, r là kết luận. Giữa luận cứ và kết luận có mối quan hệ với nhau và hai thành phần này được thể hiện tường minh, tức được nói rõ ra. Nhưng trong thực tế có những lập luận không đầy đủ. Có lập luận có thể một luận cứ hoặc một kết luận không được nói ra mà người nghe phải tự suy ra từ những luận cứ đã có. Đỗ Hữu Châu cho rằng: “không hoàn tất các bước lập luận là cách thường được dùng để tạo ra các hàm ngôn. Nghĩa là sự vi phạm các quy tắc lập luận là cách thức tạo hàm ngôn.”[3; 379].
Ví dụ: (765) Chờ anh em gắng sức chờ,
Chờ hồi mười bảy, bây giờ ba mươi.
Ở ví dụ trên, thông tin miêu tả Chờ hồi mười bảy, bây giờ ba mươi được xem là những luận cứ. Ở đây, kết luận không được nói ra một cách tường minh. Người nghe phải căn cứ vào luận cứ để rút ra kết luận ngầm ẩn. Kết luận đó có thể là em đã già vì chờ đợi hoặc em không chờ đợi anh nữa.
3. Kết luận
Nói tóm lại, cơ chế tạo nghĩa hàm ngôn trong cao nói riêng và trong phát ngôn nói chung rất phong phú và đa dạng. Mỗi cơ chế được sử dụng với những đặc trưng riêng nhưng đều mang lại hiệu quả cao trong việc tạo hàm ngôn trong ca dao. Việc sử dụng linh hoạt, hợp lý các phương thức để đạt hiệu quả bày tỏ sắc thái tình cảm trong các thành ngữ xuất hiện trong ca dao người Việt đã giúp cho ngôn ngữ ca dao trở nên sinh động, uyển chuyển, tinh tế và chứa nhiều hàm ngôn trong một vỏ ngôn ngữ. Các phương thức tạo hàm ngôn hầu hết đều phù hợp và dựa vào nét đặc trưng văn hóa của người Việt Nam xưa. Chính điều này đã làm cho ca dao Việt Nam có giá trị nghệ thuật rất cao và dễ dàng đi sâu vào tiềm thức của mỗi người dân đất Việt./.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Nguyễn Nhã Bản (2003), Cuộc sống của thành ngữ, tục ngữ trong kho tàng ca dao người Việt, NXB Nghệ An.
2. Nguyễn Nhã Bản (2002), “Thành ngữ có điển tích, điển cố trong ca dao Việt Nam”, T/c Ngôn ngữ và đời sống, Số 11, Tr.37 – 41.
3. Đỗ Hữu Châu (2001), Đại cương ngôn ngữ học, tập 2: Ngữ dụng học, NXB Giáo dục.
4. Nguyễn Đức Dân (1998), Ngữ dụng học, NXB Giáo dục.
5. Vũ Dung – Vũ Thúy Anh – Vũ Quang Hào (1995), Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam, NXB Văn hóa Hà Nội.
6. Nguyễn Xuân Kính – Phan Đăng Nhật (1995), Kho tàng ca dao người Việt (4 tập), NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội.
7. Đinh Trọng Lạc – Nguyễn Thái Hòa (1995), Phong cách học, NXB Giáo dục.
8. Nguyễn Thế Lịch (2001), “Cấu trúc so sánh trong tiếng Việt”, T/c Ngôn ngữ, Số 7, Tr.62 – 71.
9. Nguyễn Thế Lịch (2009), “Yếu tố cơ sở so sánh trong cấu trúc so sánh nghệ thuật”, T/c Ngôn ngữ, Số 3, Tr.3 – 13.
10. Hà Quang Năng (2001), “Đặc trưng của phép ẩn dụ trong ca dao Việt Nam”, T/c Ngôn ngữ, Số 15, Tr.7 – 16.
11. Cù Đình Tú, Phong cách học và đặc điểm tu từ tiếng Việt, NXB Giáo dục.

 

ThS. Lê Thị Phương Chi - Khoa Sư phạm

 

 

 

 
Khoa Sư Phạm