Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  19/06/2018 11:05        

Tổ chức hoạt động dạy học môn Lý thuyết dinh dưỡng thông qua ứng dụng phần mềm Vietnam Eiyokun

Tóm tắt: Bài viết mô tả quy trình tổ chức hoạt động dạy học môn Lý thuyết dinh dưỡng có ứng dụng phần mềm Vietnam Eiyokun và quá trình dạy và cho đối tượng là SV ngành Kinh tế gia đình. Kết quả nghiên cứu và qua quá trình thực nghiệm quy trình tổ chức DH được thiết kế đã tỏ ra có hiệu quả trong việc hấp dẫn, lôi cuốn SV vào các hoạt động học tập làm cho kết quả và năng lực học tập của các em được nâng cao. SV không chỉ biết khai thác những kiến thức trong giáo trình mà còn biết vận dụng những kiến thức đã học, từ đó phân tích, so sánh, tổng hợp những dữ kiện thể hiện trên phần mềm, dưới sự định hướng của GV từ đó tự rút ra kiến thức cần lĩnh hội. Vì thế SV có sự chủ động hơn trong việc nắm bắt kiến thức bài học.
Từ khóa: tổ chức dạy học, lý thuyết dinh dưỡng, phần mềm dinh dưỡng, Kinh tế gia đình

1. Mở đầu
Học dinh dưỡng qua phần mềm máy tính là điểm mới trong hoạt động giảng dạy đang được áp dụng ở một số trường Cao đẳng, Đại học trên cả nước. Với hình thức tổ chức dạy học có ứng dụng phần mềm dinh dưỡng Vietnam Eiyokun, cả thầy và trò đều cảm thấy rất thích thú với hình thức dạy, học mới lạ này người học không chỉ có được nền tảng kiến thức về dinh dưỡng để tự chăm sóc bản thân mà còn được trang bị thêm về kỹ năng tư vấn, phân tích dinh dưỡng và xây dựng thực đơn…. Hiện nay chưa có một nghiên cứu nào tương tự được tiến hành cho môn học Lý thuyết dinh dưỡng ở các trường Cao đẳng Sư phạm, Đại học Sư phạm có ngành Kinh tế gia đình.
2. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
2.1. Hoạt động dạy học
2.1.1. Hoạt động dạy
Hoạt động dạy được hiểu là một hình thức đặc biệt của giáo dục (nghĩa rộng), xem như là một trường hợp riêng của nó (của giáo dục). Dạy học là con đường đặc biệt quan trọng trong mối quan hệ biện chứng và phối hợp với các con đường, các hoạt động khác trong quá trình giáo dục để thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục đặt ra.
Dạy học là một quá trình truyền thụ, tổ chức nhận thức kiến thức, kinh nghiệm xã hội và nghề nghiệp cho người học nhằm hình thành và phát triển nhân cách nói chung và nhân cách nghề nghiệp nói riêng. Dạy học bao hàm trong nó sự học và sự dạy gắn bó với nhau, trong đó sự dạy không chỉ là sự giảng dạy mà còn là sự tổ chức, chỉ đạo và điều khiển sự học.
Dạy học là một mặt của quá trình dạy và học do người giáo viên thực hiện theo nội dung, chương trình đã định nhằm giúp người học đạt được các mục tiêu theo từng bài học hoặc toàn khóa đào tạo. Hoạt động dạy học không chỉ hướng đến yêu cầu truyền thụ kiến thức, hình thành kỹ năng, kỹ xảo và thái độ nghề nghiệp đúng đắn ở người học mà còn góp phần phát triển tính tích cực và tổ chức các hoạt động học tập của học viên.
2.1.2. Hoạt động học
Học, theo nghĩa rộng nhất, được hiểu là quá trình cơ bản của sự phát triển nhân cách trong hoạt động của con người, là sự lĩnh hội những “sức mạnh bản chất người” đã được đối tượng hóa trong các sản phẩm của hoạt động con người. Đó là hoạt động phản ánh những mặt nhất định của hiện thực khách quan vào ý thức người học. Tuy nhiên nó chủ yếu hướng người học vào lĩnh hội những chân lí đã được loài người phát hiện nhưng chúng lại là mới đối với họ.
Hoạt động học là một hoạt động nhận thức độc đáo của người học, thông qua đó người học thay đổi chính bản thân mình và ngày càng có năng lực hơn trong hoạt động tích cực nhận thức và cải biến hiện thực khách quan.
2.1.3. Hình thức tổ chức dạy học
Có nhiều quan niệm và cách phân loại các HTTCDH khác nhau. Theo tác giả Thái Duy Tuyên trong Giáo dục học hiện đại: HTTCDH là hình thái tồn tại của quá trình dạy học. Ta cũng có thể hiểu HTTCDH là yếu tố bên ngoài của PPDH. Đó là những cấu trúc có mục đích, có kế hoạch của sự cộng tác làm việc của GV và SV. Chúng chi phối các mối quan hệ trong quá trình dạy học thông qua việc đưa ra những khuôn khổ bên ngoài.
Cũng như PPDH, việc lựa chọn các HTTCDH phụ thuộc chủ yếu vào mục đích, nội dung và điều kiện dạy học (cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật, số lượng SV, thời gian, môi trường kinh tế xã hội...) Trong quá trình dạy học Đại học và Phổ thông hình thức dạy lý thuyết và thực hành theo bài học, tiết học, lớp học vẫn là hình thức phổ biến, có tính truyền thống. HTTCDH này gọi là bài lên lớp. Ngoài hình thức này còn có các HTTCDH chủ yếu hiện nay như: hoạt động tự lực của SV, hoạt động ngoại khóa, tham quan....
2.2. Phần mềm Vietnam Eiyokun
Một số nguyên tắc khi sử dụng phần mềm Vietnam Eiyokun trong DH môn LTDD:
Nguyên tắc 1: sử dụng phần mềm Vietnam Eiyokun trong tổ chức dạy học môn LTDD phải đáp ứng mục đích và yêu cầu của DH môn LTDD.
Nguyên tắc 2: phải đảm bảo sự tôn trọng và tính kế thừa chương trình sách giáo trình hiện hành của môn LTDD cho ngành KTGĐ.
Nguyên tắc 3: phải dựa trên định hướng đổi mới PPDH hiện nay, đặc biệt phải tạo cho SV một môi trường học tập đặc biệt.
Nguyên tắc 4: phải chú trọng đến tổ chức các hoạt động để SV tìm tòi, nghiên cứu hướng giải quyết coi trọng quan điểm DH thực nghiệm.
Học tập diễn ra trong hoạt động đặc biệt SV được thực nghiệm ở đây là làm trực tiếp trên máy vi tính. Điều đó giúp cho hệ thống tri thức, kỹ năng, kỹ xảo được hình thành và phát triển. Vì vậy sử dụng phần mềm Vietnam Eiyokun để SV tham gia thực hiện và tập luyện những hoạt động tương thích với nội dung và mục đích DH, trong điều kiện chủ thể được gợi động cơ, có hướng đích, có ý thức về phương pháp tiến hành và có trải nghiệm thành công. Điều đó cũng có tác dụng thực hiện sự thống nhất giữa tính vững chắc của tri thức, kỹ năng, kỹ sảo với tính mềm dẻo của tư duy.
Nguyên tắc 5: phải phù hợp với trình độ nhận thức của SV.
Dựa trên những nguyên tắc sư phạm ở trên, người nghiên cứu cho rằng nguyên tắc chủ đạo trong dạy học môn LTDD có ứng dụng phần mềm Vietnam Eiyokun là: Xây dựng tình huống có vấn đề trong môi trường phần mềm Vietnam Eiyokun để SV khám phá và lĩnh hội kiến thức thông qua thực hành trên máy vi tính.
2.3. Cơ sở thực tiễn trong tổ chức hoạt động dạy học môn lý thuyết dinh dưỡng
Trong các giờ học môn Lý thuyết dinh dưỡng, giảng viên giữ vai trò là người hướng dẫn, tổ chức cho sinh viên thu nhận kiến thức, hình thành kỹ năng thông qua việc tổ chức giờ học dưới nhiều hình thức tích cực như: thảo luận theo nhóm, học trên lớp, học ngoài thực tế, kết hợp học kiến thức với rèn luyện kĩ năng, lí thuyết với thực hành, làm việc với sách giáo trình,…để sinh viên phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo trong học tập. Chú trọng hướng dẫn những vấn đề có tính ứng dụng cao để sinh viên có thể vận dụng những kiến thức, kĩ năng đã học giải quyết các vấn đề trong quá trình học hoặc trong cuộc sống hằng ngày.
Phương pháp giảng dạy ở các nội dung của môn học theo phương pháp truyền thống. Các bài tập về xây dựng thực đơn, kiến thức dinh dưỡng chủ yếu là tính toán theo công thức cho sẵn, tính tay, mỗi thực đơn xây dựng người học thực hiện nhanh nhất là hơn 60 phút, khả năng lưu trữ giữ liệu thấp, chủ yếu lưu trên giấy. Khi có các nguyên liệu mới thì không thể cập nhập được. Với hình thức này, người học gặp nhiều khó khăn trong việc tính toán và lưu trữ. Mặt khác việc tiếp cận kiến thức dinh dưỡng, xây dựng thực đơn cũng không được thuận lợi. Với thực tế đó, làm cho sinh viên không hứng thú với giờ học, không phát huy được tính sáng tạo, tìm tòi học hỏi của Sinh viên.
Phương pháp kiểm tra đánh giá môn Lý thuyết dinh dưỡng.
Bộ môn Kinh tế gia đình có nhiệm vụ tổ chức dạy và kiểm tra định kỳ theo qui chế và kế hoạch đào tạo.
Giảng viên phụ trách giảng dạy môn học tự biên soạn nội dung kiểm tra đánh giá dựa theo phần nội dung đảm nhiệm. Kiểm tra giữa kỳ, thi kết thúc môn vào cuối các học kỳ theo hình thức đề tự luận, đề trắc nghiệm, vấn đáp.
2.4. Thực nghiệm sư phạm
Thực nghiệm sư phạm nhằm đánh giá tính đúng đắn và hiệu quả đã đề ra trong giả thiết nghiên cứu: “ Nếu xây dựng được quy trình tổ chức DH môn Lý thuyết dinh dưỡng thông qua việc ứng dụng phần mềm Vietnam Eiyokun hoàn chỉnh thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho giảng viên trong quá trình giảng dạy môn học, người học tiếp thu và ứng dụng kiến thức có hiệu quả. Góp phần nâng cao chất lượng dạy và học môn Lý thuyết dinh dưỡng. Kiểm tra tính khả thi của tiến trình dạy học để từ đó chỉnh sữa hoàn thiện quy trình dạy học.
2.5. Kết quả thực nghiệm sư phạm
2.5.1. Phân tích kết quả về mặt định lượng trong thực nghiệm sư phạm
* Phân tích kết quả các bài kiểm tra trong TN
* Phân tích kết quả bài kiểm tra sau TN
2.5.2. Phân tích kết quả về mặt định tính trong thực nghiệm
Bên cạnh việc xử lý kết quả về mặt định lượng, người nghiên cứu cũng tiến hành phân tích chất lượng bài làm của SV đối với từng câu hỏi trong các đề kiểm tra để có thể đánh giá được về mức độ hiểu sâu sắc và khả năng vận dụng kiến thức đã học vào những tình huống khác nhau, đồng thời đánh giá được mức độ thành thạo các thao tác tư duy như phân tích, tổng hợp, so sánh của SV. Kết quả cho thấy rằng, đối với những câu hỏi, bài tập chỉ đòi hỏi mức độ tư duy thấp (nhớ, hiểu) thì tỷ lệ điểm của 2 nhóm TN và ĐC không chênh lệch nhau đáng kể, nhưng đặc biệt với những câu hỏi đòi hỏi SV phải vận dụng thao tác tư duy bậc cao hơn (vận dụng, phân tích, tổng hợp) thì tỷ lệ trả lời đúng của SV ở nhóm TN cao hơn nhiều so với SV ở nhóm ĐC.
Ngoài ra, khi quan sát, theo dõi tinh thần, thái độ học tập của SV ngay trong quá trình dạy TN, nhận thấy nhóm TN hơn hẳn nhóm ĐC về lòng say mê, sự nhiệt tình, tích cực trong học tập, khả năng khai thác, tích lũy kiến thức cũng như năng lực tư duy, vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các tình huống mới
* Về hứng thú và mức độ tích cực học tập:
Các quy trình tổ chức DH được thiết kế đã tỏ ra có hiệu quả trong việc hấp dẫn, lôi cuốn SV vào các hoạt động học tập làm cho kết quả và năng lực học tập của các em được nâng cao. Ở lớp TN không khí học tập luôn sôi nổi, hào hứng do các em thích được phát biểu ý kiến, được tranh luận, trả lời câu hỏi khi được khai thác những kiến thức trên phần mềm Điều này được biểu hiện rõ hầu hết ở những bài TN. Những bài này ở lớp ĐC thường khó tạo được sự hào hứng của SV khi các em khai thác những kiến thức trong sách giáo trình.
* Về kỹ năng khai thác, lĩnh hội kiến thức:
Kết quả các bài kiểm tra cho thấy kỹ năng khai thác, lĩnh hội kiến thức của SV ở lớp TN nổi trội hơn so với lớp ĐC. Để lĩnh hội được kiến thức, SV lớp TN không chỉ biết khai thác những kiến thức trong giáo trình mà còn biết vận dụng những kiến thức đã học, từ đó phân tích, so sánh, tổng hợp những dữ kiện thể hiện trên phần mềm, dưới sự định hướng của GV từ đó tự rút ra kiến thức cần lĩnh hội. Vì thế SV có sự chủ động hơn trong việc nắm bắt kiến thức bài học.
* Về mức độ hiểu, ghi nhớ và độ bền kiến thức:
Khi thiết kế quy trình tổ chức DH có ứng dụng phần mềm, người nghiên cứu đã cố gắng xây dựng và tìm những quy trình sắp xếp sao cho SV biết khai thác và xử lý thông tin để tự tìm ra kiến thức bài học dưới sự hướng dẫn của GV. Vì vậy, so với lớp ĐC, các bài kiểm tra của SV lớp TN đã chứng tỏ hơn về mức độ hiểu bài và khả năng ghi nhớ kiến thức cơ bản của bài học ngay trên lớp. Điều đó cũng chứng tỏ rằng độ bền kiến thức ở lớp TN cũng cao hơn so với lớp ĐC. Cụ thể sau 5 tuần TN khi cho làm bài kiểm tra lại để đánh giá mức độ hiểu và nhớ kiến thức của SV (kết quả đã được phân tích và kiểm định ở phần phân tích kết quả về mặt định lượng). Vậy ta có thể khẳng định ở nhóm TN các em SV đã hiểu rõ bản chất của các cơ chế và quá trình đã được thiết kế động nên kiến thức được các em ghi nhớ lâu bền hơn so với nhóm ĐC.
3. Kết luận
Từ bối cảnh quốc tế và bối cảnh trong nước đã dẫn đến việc đổi mới PPDH là một vấn đề bức xúc hiện nay của ngành giáo dục nước ta. Mặt khác, sự phát triển mạnh mẽ của KH-CN đặc biệt là CNTT- với nhiều vai trò tích cực đối với QTDH - đã cho thấy việc đưa CNTT vào trong dạy học ở các cấp, nhất là ở ĐH và CĐ là một đòi hỏi, một xu thế tất yếu để phát triển giáo dục và đạt được mục đích tích cực hóa hoạt động học tập của người học, nâng cao hiệu quả và chất lượng đào tạo. Không ngoài mục đích trên, vấn đề “Tổ chức dạy học môn Lý thuyết dinh dưỡng thông qua việc ứng dụng phần mềm Vietnam Eiyokun cho sinh viên ngành kinh tế gia đình nhằm nâng cao năng lực người học” cũng nhằm mục đích góp phần từng bước nâng cao chất lượng giảng dạy theo phương pháp tích cực hiện nay.

TÀI LIỆU THAM KHẢO


[1] Vietnam Eiyokun, Phần mềm tính toán khẩu phần dinh dưỡng cho người Việt Nam.
[2] Lương Thị Kim Tuyến, Lý thuyết dinh dưỡng, NXB đại học Sư phạm, 2004.
[3] Nguyễn Thị Diệu Thảo, Giáo trình phương pháp dạy học kinh tế gia đình, NXB Đại học sư phạm, 2007.
[4] Nguyễn Thị Diệu Thảo, Giáo trình lý luận dạy học kinh tế gia đình, NXB Đại học sư phạm, 2007.

 

ThS. Ngô Thị Hồng Cẩm - Khoa Sư phạm

 

 

 
Khoa Sư Phạm