Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
       
  07/08/2018 15:09        

Phát triển năng lực tự học qua việc rèn luyện kĩ năng đọc cho sinh viên ngành sư phạm Ngữ văn

Tóm tắt: Nâng cao năng lực tự học của người học là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học. Bài viết này bàn về việc rèn luyện kỹ năng đọc như một giải pháp để nâng cao năng lực tự học cho sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn hệ Đại học.
Từ khóa: năng lực tự học, kĩ năng đọc, Sư phạm Ngữ văn
1. Dẫn nhập
1.1. Năng lực tự học

Dạy học theo hướng tiếp cận năng lực người học là hình thức dạy học hiện đại đặt trọng tâm vào việc hình thành và phát triển toàn diện năng lực của người học. Trong đó, năng lực tự học được xác định là năng lực cần thiết của người học ở cả bậc phổ thông và bậc cao đẳng, đại học: Dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo được thông qua năm 2017 gọi đây là “năng lực tự chủ và tự học”, một trong mười năng lực cốt lõi của học sinh [1]. Đối với giáo dục cao đẳng, đại học, Luật Giáo dục sửa đổi bổ sung đã gọi tên “năng lực tự học, tự nghiên cứu” như một trong những mục tiêu đào tạo quan trọng của bậc học này [2].
Năng lực tự học được thể hiện qua việc chủ thể tự xác định đúng đắn động cơ học tập cho mình, có khả năng tự quản lý việc học của mình, có thái độ tích cực trong các hoạt động học tập và đánh giá kết quả học tập của chính mình để có thể độc lập làm việc và hợp tác với người khác [3].
1.2. Mối liên hệ giữa năng lực tự học và kĩ năng đọc đối với sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn
Trong xã hội hiện đại, khi kiến thức không ngừng được cập nhật, năng lực tự học vừa là nhu cầu vừa là yêu cầu đối với người học để nâng cao kết quả học tập, phát triển bản thân và đảm bảo năng lực học tập suốt đời. Đối với sinh viên ngành Sư phạm, năng lực tự học không chỉ có ý nghĩa như trên mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến năng lực nghề nghiệp của họ sau này, cũng như chất lượng đào tạo của hệ thống giáo dục, bởi họ chính là những người góp phần đào tạo năng lực tự học cho thế hệ tương lai của đất nước. Do đó, năng lực tự học là loại năng lực hết sức quan trọng đối với sinh viên ngành Sư phạm.
Trong quá trình tự học của mỗi cá nhân, đọc là hoạt động không thể thiếu để tiếp thu kiến thức, để tự đào tạo bản thân ngày càng tiến bộ hơn. Có thể nói rằng không có tự đọc thì không có tự học, vì vậy, để phát triển năng lực tự học, người học cần phải có kĩ năng đọc tốt. Việc xây dựng kĩ năng đọc sẽ đạt hiệu quả cao nếu kết hợp được sự rèn luyện thường xuyên của cá nhân và sự rèn luyện một cách hệ thống trong môi trường giáo dục từ phổ thông đến đại học. Đặc biệt, đối với sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn, rèn luyện kĩ năng đọc là hoạt động gắn với bản chất của môn học: toàn bộ kiến thức, kĩ năng, thái độ chỉ có thể được hiện thực hóa thông qua việc đọc tác phẩm văn học. Do đó, rèn luyện kĩ năng đọc không chỉ là giải pháp để nâng cao năng lực tự học mà còn góp phần nâng cao năng lực chuyên môn, năng lực nghề nghiệp cho sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn.
2. Một số hình thức rèn luyện kĩ năng đọc nhằm nâng cao năng lực tự học cho sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn
Ngoài việc đọc giáo trình, sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn còn cần đọc tác phẩm văn học, đọc các tài liệu chuyên ngành để có cơ sở giải mã tác phẩm văn học, để bổ trợ kiến thức, nâng cao trình độ lý luận của bản thân và đọc sách giáo khoa phổ thông để rèn luyện năng lực nghề nghiệp. Các loại sách trên có đặc điểm nội dung, hình thức và mục đích khác nhau, vì vậy đòi hỏi những cách đọc, cách tiếp cận khác nhau. Chúng tôi tổ chức các hình thức rèn luyện kĩ năng đọc cho sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn phù hợp với đặc thù của từng loại sách trên và đảm bảo phát huy tối đa năng lực tự học của sinh viên: kĩ năng đọc - tiếp nhận tác phẩm văn học; kĩ năng đọc - thể nghiệm sách giáo khoa THPT; kĩ năng đọc - nghiên cứu tài liệu chuyên ngành.
2.1. Rèn luyện kĩ năng đọc - tiếp nhận tác phẩm văn học
Quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học khởi đầu từ sự đọc và là một quá trình không hoàn kết: Khi đọc, người đọc đối thoại với văn bản tác phẩm; sau khi đọc xong, người đọc vẫn tiếp tục cuộc đối thoại đó trong ý thức, tiềm thức, trí tưởng tượng của mình; và cuộc đối thoại này có thể xảy ra ở nhiều thời điểm khác nhau, thậm chí, ở mỗi thời điểm, người đọc lại có cảm nhận, suy nghĩ khác nhau về tác phẩm do sự bồi đắp kinh nghiệm thẩm mỹ, kinh nghiệm xã hội. Nói cách khác, chính quá trình tiếp nhận của người đọc đã sáng tạo ý nghĩa cho tác phẩm văn học, và đó là lý do khiến cho đời sống của tác phẩm văn học không bao giờ chấm dứt: nó mở ra những diễn giải vô tận theo thời gian. Đó là nội dung cơ bản của lý thuyết tiếp nhận trong văn học. Lý thuyết này có ảnh hưởng rất lớn đến nội dung và phương pháp dạy học Văn ở cả bậc phổ thông và đại học trong giai đoạn gần đây. Vì vậy, khả năng nắm vững, vận dụng được lý thuyết này trong học tập cũng như trong công việc giảng dạy sau này là điều cần thiết đối với sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn. Một hình thức thực hành hiệu quả là gắn quá trình tự học với quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học, tức rèn luyện kĩ năng đọc - tiếp nhận.
Tuy nhiên, trên thực tế, có một bộ phận không nhỏ sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn không đọc tác phẩm mà chỉ lấy thông tin được cung cấp sẵn trong những bài báo, chuyên luận có nội dung tóm tắt hay bình luận về tác phẩm để thực hiện các nhiệm vụ học tập được giao. Hành động này hoàn toàn đi ngược lại với bản chất của môn Văn, là biểu hiện của thái độ thiếu khoa học, thiếu nghiêm túc, thiếu trung thực. Tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến việc người học hoàn toàn không có kĩ năng đọc, do đó không có những rung động thẩm mỹ thực sự với tác phẩm văn học, không có chủ kiến khi tiếp cận một tác phẩm, không biết cách thể hiện quan điểm và bảo vệ quan điểm cá nhân về tác phẩm. Khi trở thành giáo viên Ngữ văn ở trường phổ thông, họ sẽ không biết cách bồi dưỡng kĩ năng đọc cho học sinh, và có thể sẽ xem việc học sinh sao chép “văn mẫu” là bình thường.
Do tình hình trên, chúng tôi xác định việc rèn luyện kĩ năng đọc - tiếp nhận cho sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn phải đáp ứng các tiêu chí sau: Thứ nhất, phải đảm bảo sinh viên tự lực đọc tác phẩm. Thứ hai, sinh viên phải nắm được những vấn đề cốt lõi của tác phẩm và có khả năng diễn đạt được những vấn đề đó. Thứ ba, kết quả của quá trình đọc phải cụ thể, dễ đo lường, dễ kiểm tra, đánh giá.
Trên cơ sở đó, chúng tôi đề xuất hình thức rèn luyện kĩ năng đọc - tiếp nhận như sau với những yêu cầu về mục đích, kết quả cần đạt và hình thức kiểm tra, đánh giá như sau:
2.1.1. Mục đích và kết quả cần đạt
Để giúp sinh viên xác định được giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ của tác phẩm và định hướng được thế nào là một tác phẩm có giá trị, chúng tôi yêu cầu sinh viên đọc tác phẩm và trả lời những vấn đề xoay quanh nội dung, nghệ thuật của tác phẩm tự sự một cách ngắn gọn trong vòng từ 5 – 10 câu:
(1) Tác phẩm viết về điều gì? Sơ đồ hóa đường dây cốt truyện của tác phẩm.
(2) Nội dung của tác phẩm có gì đặc sắc?
(3) Cách viết của tác phẩm có gì độc đáo?
Chúng tôi cho rằng để có thể rèn luyện kĩ năng đọc - tiếp nhận, sinh viên phải thực sự đọc kỹ, nghiền ngẫm, ghi chép, phải “làm việc” với tác phẩm rất vất vả mới có thể hiểu sâu sắc tác phẩm và đưa ra những nhận định khái quát về tác phẩm bằng ngôn ngữ của mình một cách ngắn gọn, súc tích nhất. Việc giới hạn phạm vi cho mỗi câu trả lời trong 5 – 10 câu như một “áp lực” buộc sinh viên phải hiểu được ý nghĩa, giá trị cốt lõi của tác phẩm, có năng lực tổng thuật, nắm bắt nội dung cơ bản, có sự tinh tế, nhạy bén trong việc phát hiện các tín hiệu thẩm mỹ và có thể khái quát vấn đề, đưa ra những đánh giá độc lập của bản thân về tác phẩm. Đây cũng là năng lực rất cần thiết đối với người giáo viên tương lai, bởi năng lực giải thích vấn đề một cách ngắn gọn, đúng trọng tâm là một trong những yếu tố tạo nên một bài giảng có chất lượng.
Theo quan sát của chúng tôi, khi áp dụng hình thức rèn luyện kĩ năng đọc theo các yêu cầu trên, ban đầu hầu hết những sinh viên có học lực trung bình sẽ cảm thấy lúng túng vì khó lòng dựa vào giáo trình hay các tài liệu chuyên ngành để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, sau một thời gian rèn luyện kĩ năng đọc tác phẩm, sinh viên dần dần có thể khắc phục khó khăn này và bước đầu đưa ra được những đánh giá của bản thân về tác phẩm. Những đánh giá của sinh viên có thể còn chủ quan, phiến diện, trực cảm nhưng kết quả lớn nhất mà sinh viên đạt được thông qua việc rèn luyện kĩ năng đọc tác phẩm theo hình thức trên là sinh viên có thể nói lên chủ kiến của mình - điều mà chúng tôi cho là vô cùng quan trọng trong hoạt động tiếp nhận tác phẩm văn học.
2.1.2. Hình thức kiểm tra, đánh giá
Chúng tôi kiểm tra, đánh giá việc rèn luyện kĩ năng đọc - tiếp nhận tác phẩm văn học của sinh viên qua hai hoạt động: kiểm tra đọc sách và chuyển thể kịch bản.
2.1.2.1. Kiểm tra đọc sách
Ngay từ đầu học phần, cùng với việc công bố đề cương chi tiết, giảng viên sẽ cung cấp danh mục những tác phẩm văn học cần đọc cho sinh viên.
Đề kiểm tra đọc sách đối với mỗi tác phẩm có khoảng từ mười đến hai mươi đề khác nhau, mỗi đề có từ một đến ba câu hỏi, thời gian để trả lời tất cả những câu hỏi này chỉ từ hai đến ba phút. Đây là những câu hỏi nhỏ xoay quanh những sự kiện, chi tiết trong tác phẩm mà phải thật sự đọc kỹ tác phẩm sinh viên mới có thể trả lời ngay. Bằng việc kiểm tra đọc sách, giảng viên có thể đánh giá được khả năng ghi nhớ, khả năng phân tích và sự nhanh nhạy của sinh viên khi đọc. Sau khi sinh viên làm bài xong, giảng viên công bố đáp án ngay tại lớp bằng hình thức hỏi đáp nhanh. Như vậy, không chỉ có giảng viên tham gia vào hoạt động kiểm tra và đánh giá mà sinh viên cũng có thể tự kiểm tra và đánh giá khả năng đọc của bản thân, từ đó rút kinh nghiệm và tìm hướng khắc phục. Trong đề kiểm tra, giảng viên cũng đưa ra một số câu hỏi “bẫy” mà thường chỉ có những sinh viên đã nghiền ngẫm và suy nghĩ về tác phẩm thật kỹ mới có thể trả lời được. Những câu hỏi này cũng có tác dụng phân hóa năng lực tự học của sinh viên.
2.1.2.2. Chuyển thể kịch bản
Để kiểm tra, đánh giá kĩ năng đọc - tiếp nhận của sinh viên, giảng viên có thể chia lớp thành nhiều nhóm và yêu cầu các nhóm thực hiện hai công việc sau:
Thứ nhất, các nhóm phải chuyển thể một đoạn trích từ một tác phẩm văn học thành một kịch bản sao cho vừa bảo đảm giữ lại được những sự kiện, tình tiết quan trọng, bảo đảm tinh thần của nguyên tác vừa thể hiện được đặc trưng thể loại kịch. Để chuyển thể một đoạn trích thành kịch bản, sinh viên phải đọc kỹ bản dịch tác phẩm, tìm những trường đoạn, những sự kiện, chi tiết quan trọng, tiêu biểu và lý giải được ý nghĩa, giá trị của những trường đoạn, chi tiết đó. Sinh viên cũng phải quan tâm đến các vấn đề: Một kịch bản chuyển thể tốt cần có những yếu tố nào? Phải làm gì để nâng cao chất lượng kịch bản đã thực hiện? v.v... Tất cả những vấn đề trên chỉ có thể được giải quyết khi sinh viên đã thực sự đọc, nghiền ngẫm tác phẩm. Hình thức này có thể kết hợp hoạt động sân khấu hóa tiết học hoặc ngoại khóa để đạt hiệu quả cao nhất.
Thứ hai, thuyết trình về giá trị nội dung và nghệ thuật của đoạn trích đã chọn.
Những nhận xét, đánh giá của giảng viên cũng bao gồm hai mảng: nhận xét, đánh giá về quá trình hoạt động và kết quả chuyển thể của sinh viên; nhận xét, đánh giá về nội dung thuyết trình.
2.2. Rèn luyện kĩ năng đọc - nghiên cứu tài liệu chuyên ngành
Việc tiếp xúc với tài liệu chuyên ngành là yêu cầu bắt buộc đối với sinh viên đại học, bởi chương trình và phương pháp dạy học ở đại học đòi hỏi sinh viên phải tự học, tự nghiên cứu để chiếm lĩnh tri thức. Vì thế, chúng tôi gọi hình thức rèn luyện kĩ năng đọc tài liệu chuyên ngành cho sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn là kĩ năng đọc - nghiên cứu, một kĩ năng không chỉ giúp nâng cao năng lực tự học mà còn góp phần hình thành thế giới quan khoa học, phương pháp nghiên cứu khoa học cho sinh viên.
2.2.1. Mục đích và kết quả cần đạt
Để hỗ trợ cho hoạt động đọc - tiếp nhận những tác phẩm văn học liên quan đến những lý thuyết văn học hiện đại, phức tạp đồng thời phát triển năng lực nghiên cứu khoa học cho sinh viên, vào đầu học phần, giảng viên cung cấp một danh mục tài liệu chuyên ngành bao gồm những chuyên luận, bài báo khoa học chọn lọc, có giá trị khoa học cao. Lớp được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm đọc tài liệu được chỉ định. Mục đích của hoạt động này là thông qua hoạt động đọc tài liệu chuyên ngành, sinh viên tiếp cận được nhiều góc nhìn, nhiều cách đánh giá cũng như những phương pháp nghiên cứu văn học đa dạng đối với cùng một vấn đề khoa học. Nhiệm vụ của các nhóm là so sánh, phân tích, nhận xét cách giải quyết vấn đề của các nhà nghiên cứu, từ đó chọn lựa các quan điểm, các cánh đánh giá vấn đề hợp lý nhất, hoặc tự đề xuất cách tiếp cận vấn đề phù hợp theo quan điểm của nhóm. Trong quá trình làm việc, sinh viên cần tích cực tương tác với giảng viên để nhận được những hướng dẫn, góp ý, nhằm bảo đảm triển khai công việc đúng hướng.
Đối với hình thức rèn luyện kĩ năng đọc trên, giảng viên khuyến khích sinh viên duy trì thói quen ghi chép những vấn đề đã đọc được và những quan điểm, ý tưởng của cá nhân về những vấn đề đó trong một cuốn sổ học tập gọi là sổ tích lũy văn học. Thường xuyên đọc lại những gì đã ghi chép cũng là một cách để sinh viên tự đánh giá việc đọc của bản thân cả về tốc độ, số lượng, mật độ, chất lượng, từ đó có ý thức và biện pháp cải thiện kĩ năng đọc của mình một cách chủ động, tích cực hơn.
Bên cạnh đó, giảng viên có thể đưa ra hình thức đọc tài liệu chuyên ngành tự chọn như một bài tập tự học dành cho cá nhân. Với hình thức này, giảng viên sẽ giới thiệu cho sinh viên danh sách những bài báo có ý nghĩa và giá trị khoa học cao để sinh viên có thêm cơ hội lựa chọn. Sinh viên được tự do chọn đọc những cuốn sách mà họ thấy là bổ ích, hữu dụng, sâu sắc, đột phá… trong danh sách trên. Giảng viên có thể yêu cầu sinh viên thuyết trình và thảo luận trên lớp về bài báo đó trong khoảng mười lăm phút, viết báo cáo, đồng thời nêu lên những khúc mắc, những vấn đề cần tranh luận và gửi lên email chung của lớp để cả lớp cùng tham khảo, thảo luận, sau đó giảng viên sẽ đưa ra những góp ý, nhận xét cũng trên email này.
2.2.2. Hình thức kiểm tra, đánh giá
Các nhóm sẽ báo cáo về lý thuyết văn học đã đọc trong tài liệu chuyên ngành bằng một bài thuyết trình trước lớp, chủ yếu đi vào các chương, mục tiêu biểu trong tài liệu và xác định phương hướng vận dụng lý thuyết vào việc phân tích tác phẩm. Sau đó, giảng viên tổ chức cho lớp thảo luận và chốt lại vấn đề.
Thông qua hoạt động này, sinh viên không chỉ có thể nâng cao năng lực tự học mà còn có thể nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học.
2.3. Rèn luyện kĩ năng đọc - thể nghiệm sách giáo khoa Ngữ văn THPT
Chúng tôi gọi tên hình thức rèn luyện kĩ năng đọc sách giáo khoa Ngữ văn THPT là kĩ năng đọc - thể nghiệm vì sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn không chỉ đọc bộ sách này với tâm thế của người học mà còn thể nghiệm vai trò của giáo viên phổ thông tương lai, tức là họ phải khảo sát, nghiên cứu bộ sách này và định hướng chiến lược dạy học phù hợp.
2.3.1. Mục đích và kết quả cần đạt
Hệ thống tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn THPT được cấu trúc theo thể loại, do đó, giáo viên phổ thông không chỉ cần nắm vững kĩ năng đọc tác phẩm văn học theo đặc trưng thể loại mà còn phải hướng dẫn kĩ năng đó cho học sinh của mình: “Dạy văn là dạy cho học sinh năng lực đọc, kĩ năng đọc để học sinh có thể đọc - hiểu bất cứ văn bản nào cùng loại” [4].
Trên thực tế, nhiều sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn học sinh phổ thông thường không nắm chắc kiến thức về thể loại văn học và không biết cách vận dụng kiến thức thể loại khi tiếp cận tác phẩm văn học, chẳng hạn như chú ý đến hình tượng nhân vật, không gian, thời gian trong tiểu thuyết; chủ thể trữ tình, hình ảnh, biểu tượng, mạch ngầm văn bản… trong thơ; hành động kịch, xung đột kịch, lời thoại, chỉ dẫn sân khấu… trong kịch; những chi tiết đặc sắc và kết cấu tương phản, liên tưởng… trong truyện ngắn. Chính vì vậy, họ không biết cách phân tích một bài thơ theo đặc trưng thể loại, dẫn đến việc “diễn xuôi” bài thơ; không hiểu sự khác biệt giữa cách tiếp cận một văn bản truyện ngắn với một văn bản tiểu thuyết, hoặc đánh đồng việc phân tích một văn bản kịch với một văn bản tự sự (chỉ quan tâm đến đường dây cốt truyện mà không quan tâm đến những yếu tố nghệ thuật đặc trưng của kịch như hành động kịch, xung đột kịch, lời thoại, chỉ dẫn sân khấu...).
Việc rèn luyện kĩ năng đọc tác phẩm theo đặc trưng thể loại sẽ giúp sinh viên có được “kinh nghiệm thể loại”, tức là nắm được điểm chung giữa các tác phẩm cùng thể loại, từ đó có thể định hướng khai thác tác phẩm dựa vào đặc trưng thể loại và định hướng cho học sinh tương lai của mình kĩ năng đọc tác phẩm theo đặc trưng thể loại. Qua sự so sánh, đối chiếu giữa những tác phẩm cùng thể loại, giữa phong cách sáng tác của những tác giả viết cùng một thể loại, sinh viên còn có thể phát hiện ra những cách tân khiến cho tác phẩm vượt ra khỏi cái “khung” thể loại, đánh dấu những đổi mới về mặt tư duy nghệ thuật, thậm chí là sự chuyển biến của hệ hình văn học.
Ngoài ra, việc rèn luyện kĩ năng đọc tác phẩm theo đặc trưng thể loại cũng góp phần bồi dưỡng năng lực nghiên cứu khoa học của sinh viên, vì tiếp cận tác phẩm theo đặc trưng thể loại là một hướng đi nhiều triển vọng trong nghiên cứu văn học hiện nay.
2.2.2. Hình thức kiểm tra, đánh giá
Để hướng dẫn sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn kĩ năng đọc tác phẩm văn học theo đặc trưng thể loại, giảng viên cần đưa vấn đề thể loại vào nội dung các học phần cũng như trong các bài tập tự học, đồng thời, cần có hình thức thực hành gắn với việc dạy học văn trong nhà trường THPT để phát huy kĩ năng đọc - thể nghiệm của sinh viên. Đồng thời, vì hình thức thực hành này hướng tới năng lực nghề nghiệp của sinh viên nên hình thức kiểm tra, đánh giá tốt nhất ở đây là tự kiểm tra, tự đánh giá, tức là tạo tình huống để sinh viên thể nghiệm vai trò giáo viên tương lai.
Lớp học được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm được phân công đọc, khảo sát các tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn THPT theo đặc trưng thể loại và rút ra nhận xét chung, từ đó dự kiến mục tiêu cần đạt và phương pháp dạy học chung đối với từng thể loại. Tiếp theo, mỗi nhóm sẽ được phân công định hướng giảng dạy cho một nhóm tác phẩm của một thể loại, gồm những công việc cụ thể sau: Thứ nhất, xác định mục tiêu cần đạt, phương pháp dạy học theo đặc trưng thể loại đối với từng tác phẩm. Thứ hai, thiết kế hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài để khai thác tác phẩm theo đặc trưng thể loại và câu trả lời dự kiến tương ứng. Thứ ba, thuyết trình và tự đánh giá hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài để khai thác tác phẩm theo đặc trưng thể loại và câu trả lời dự kiến tương ứng của nhóm mình theo các mức độ: tốt, khá, trung bình, chưa đạt; phân tích nguyên nhân và đề ra hướng khắc phục. Thứ tư, phản biện, đánh giá hệ thống câu hỏi tìm hiểu bài để khai thác tác phẩm theo đặc trưng thể loại và câu trả lời dự kiến tương ứng của nhóm khác theo phân công.
Như vậy, qua hình thức thực hành trên, sinh viên có thể tự kiểm tra, tự đánh giá kĩ năng đọc, nghiên cứu sách giáo khoa Ngữ văn THPT của bản thân, qua đó nâng cao năng lực tự học và năng lực nghề nghiệp.
3. Kết luận
Việc nắm vững những kĩ năng đọc trên sẽ giúp sinh viên ngành Sư phạm Ngữ văn nâng cao năng lực tự học, trở thành chủ thể trong quá trình chiếm lĩnh tri thức. Bên cạnh đó, sinh viên còn có thể tự bồi dưỡng văn hóa đọc cho bản thân và rèn luyện tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học.

Tài liệu tham khảo


[1] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2017), Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, Hà Nội.
[2] Bộ Giáo dục và Đào tạo (2007), Quy chế đào tạo đại học và cao đẳng hệ chính quy theo hệ thống tín chỉ, 2007.
[3] Trịnh Quốc Lập (2008), “Phát triển năng lực tự học trong hoàn cảnh Việt Nam”, Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ.
[4] Trần Đình Sử (2003), “Đọc hiểu văn bản - một khâu đột phá trong nội dung và phương pháp dạy văn hiện nay”, Tạp chí Văn nghệ, Hà Nội.

 

ThS Phan Thị Thùy Nhung - Khoa Sư phạm
 

 

 
Khoa Sư Phạm