Huỳnh Thị Hội – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật: “Phải có khát vọng và cống hiến”.
Huỳnh Thị Hội – cô sinh viên Sư phạm Ngữ văn K2, sinh ngày 12 tháng 10 năm 1999 tại “Vùng đất Trầm hương” – Vạn Ninh. Hội sinh ra trong gia đình có 5 anh chị em, và là một cô gái thuộc cung Thiên Bình.
Tiếp xúc với Hội có thể thấy được gần như 80% đặc trưng cho tính cách của những người mang cung Thiên Bình: Tính khí tươi sáng, đầu óc sắc bén tiếp thu thông tin một cách nhannh chóng; hùng hồn và lịch thiệp trong hầu hết các tình huống mà họ có xu hướng cố gắng và kiên trì với giá trị của bản thân với một cách tiếp cận khá tự tin, lạc quan vào cuộc sống.
Chức vụ:
+ Ủy viên Ban chấp hành Đoàn Khoa Sư phạm;
+ Bí thư Chi đoàn Sư phạm Ngữ Văn K2;
+ Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ thuật Đoàn trường Đại học Khánh Hòa.
Những danh hiệu tiêu biểu đạt được:
+ Sinh viên 5 tốt cấp trường và Sinh viên 5 tốt cấp tỉnh năm học 2019-2020
+ Đạt giải 3 hội thi "Cuộc đua khởi nghiệp" năm 2020 do tỉnh đoàn Khánh Hòa tổ chức;
+ Bí thư chi đoàn tiêu biểu cấp trường.
+ Bằng khen của Hội sinh viên Việt Nam Trường Đại học Khánh Hòa: Đạt thành tích xuất sắc trong công tác Hội và phong trào Sinh viên nhiệm kỳ 2017-2019.
“Bất ngờ đạt giải ba của Cuộc đua Khởi nghiệp 2020”
Nếu mà nhắc đến năm 2020 vừa qua thì cũng có nhiều điều để nói, nhưng điều làm Hội nhớ và ấn tượng đặc biệt nhất chính là cuộc thi “Cuộc đua Khởi nghiệp 2020” mà mình đã tham gia. Cuộc thi ấy mình tham gia cùng bạn Lê Phan Anh . Nhưng trong quá trình tham gia thì chúng mình xảy ra khá nhiều mâu thuẫn.
Mình và Phan Anh trước đó đã hoạt động chung trong Câu lạc bộ Nghệ thuật, thì Phan Anh có rủ mình tham gia chung cuộc thi. Lúc đầu thì mình cũng phân vân không biết có tham gia hay không? Thì Phan Anh đã ghi tên mình vào hồ sơ đăng ký. Nhưng tới ngày nộp ý tưởng thì bạn ấy lại nộp trễ, hạn ngày 10 là hoàn thành để ngày 13 gặp mặt. Thì ngày 12, Phan Anh mới gửi ý tưởng về cho Ban tổ chức vì đợt đó nhóm mình bận rất nhiều việc. Rất may là ý tưởng khá ổn nên đậu. Sáng ngày 13, mình thì họp bên chương trình còn Phan Anh họp ở Tỉnh Đoàn. Về chưa được 2 ngày thì chương trình quay vòng 1, mình còn chưa chuẩn bị gì nhiều. Cũng may có một cô bên khoa Du lịch ngày đó có lên hỗ trợ. Chúng mình may mắn lại được lọt vào chung kết. Theo sắp xếp của chương trình thì có 10 ngày để chuẩn bị cho vòng chung kết. Không biết vì sao mà sau đó thời gian bị rút ngắn xuống chỉ còn 5 ngày để chuẩn bị. Bên mình thì bị trùng lịch thi nghiệp vụ Sư phạm, mình cũng cảm thấy bực mình đăm ra khó chịu trong lòng. Lúc mà quay vòng 2, mình đã có suy nghĩ bỏ vì quá mệt và quá đuối. Phần gia đình cũng khuyên bỏ vì không phải chuyên ngành của mình. Mà mình lại là nhóm trưởng, nếu mình bỏ thì Phan Anh cũng sẽ bỏ luôn. Cho đến vòng chung kết thì bạn của Phan Anh mới xin vào là nhóm có 3 người, mà đâu mới xin vào một ngày thì bạn ấy đi tour. Cái ngày mà duyệt chương trình cho hôm chung kết, mấy ngày đó là mình bận tập văn nghệ cho CLB của mình để chuẩn bị cho phần thi hôm đó. Sáng đó là bạn đi tour vừa về, mà lên chạy sắp xếp nhận giải thì không ai lên. Đã vậy file thuyết trình giao cho Phan Anh là đúng 7h sáng là phải gửi vì anh bên Tỉnh Đoàn cũng khá là gắt. Ảnh có nói là các file phải gửi trước 10h để còn tổng hợp, mà lúc mình lên là 6h, gọi Phan Anh là lúc 8h mà bạn ấy vẫn còn…ngủ. Bạn của mình cũng bực nên làm to chuyện lên. Mình phải năn nỉ anh đó là nhận bài giúp mình, thì anh đó nói nhận bài giúp trước 1h chiều. Vì 1h là bắt đầu chương trình rồi. Thế mà lúc mình quay lại sau giờ nghỉ trưa là lúc 1h kém thì có hỏi anh kia đã nhận được file chưa? Thì ảnh nói là chưa luôn! Mà anh đó rất là cục súc và khó tính lắm luôn. Lúc mà chương trình xong, mọi người kéo nhau chụp hình. Còn mình tức bỏ vô trong để mọi người làm gì thì làm. Lúc sau, thầy mới hỏi chuyện.
Nói chung sau những điều không như ý xảy ra và có lúc muốn bỏ cuộc. Thì mình rất vui và bất ngờ khi nhận được kết quả ngoài sức tưởng tượng này. Sau cuộc thi, mình đúc kết được nhiều bài học về cách làm teamwork, cách phân chia thời gian và con người cho một chương trình, hội thi sao cho vừa sức của mình lẫn đồng đội.
Tham gia Ban chấp hành Đoàn Khoa do phân công!
Hội tự nhận xét bản thân mình là một người sống nội tâm, thích cuộc bình yên không quá sôi nổi, thích kiểu làm âm thầm không cần ai công nhận chỉ cần bản thân mình thỏa mãn với điều đó là được. Thế nên 2 năm đầu Đại học, mình rất ít tham gia các phong trào, hoạt động Đoàn - Hội trong trường. Mà bên ngoài thì mình lại tham gia nhiều hơn. Tới năm 3, mình mới tham gia hoạt động và phong trào của Đoàn trường nhiều hơn.
Vì tính cách mình khá trầm lắng và thuộc típ người sống nội tâm nên không muốn và ít tham gia công tác Đoàn. Sau đó Chi đoàn, Đoàn khoa phân công nhiệm vụ và gắn bó cho đến bây giờ.
Bị đồn là … “Cả lớp chả sợ ai chỉ sợ mình”!
Ngoài lối sống hướng nội, mình còn cảm thấy bản thân là một người khá là khó chịu và cầu toàn trong công việc. Ví dụ một tiết mục trình diễn của Câu lạc bộ của mình tập, không biết hay hay dở thì ít nhất cũng phải đảm bảo được 80% chất lượng cho mình. Mình rất ghét những người chỉ biết nói, vẽ vời mà không làm được. Anh có thể có nhiều ý tưởng hay nhưng không thể làm tốt khi chẳng thể hình dung được chi tiết các bước của mình sẽ triển khai như thế nào.
Mình còn khá là nghiêm túc trong việc giờ giấc nói 8h có mặt là phải đúng 8h chứ không được trễ. Thế nên mình bị đồn là…cả lớp chả sợ ai chỉ sợ mình! (Cười).
Nói chung trong lớp thì mình được sự tín nhiệm, tin tưởng của mọi người trong lớp, ngay cả thầy cô cũng yêu quý và xem trọng mình. Như lớp có mâu thuẫn gì là cô chủ nhiệm gọi ngay cho mình. Rồi mình còn kiêm luôn là “tổng tham mưu” cho các cô nữa. Các bạn trong lớp thường khá là sợ khi gặp mặt và nói chuyện với các cô trong khoa. Còn mình không coi trọng điểm số với hai năm đầu mình có ý định chuyển trường mà không chuyển được vì lý do khách quan nên từ đó mình đổ “lỳ” luôn, lên văn phòng khoa hay đùa với mấy cô là xin bánh nè mà chủ yếu là lấy cớ để giao tiếp với các cô thôi. Mấy cô còn còn mời mình đi ăn, đi café mà mình còn bận hơn các cô nên cũng từ chối khéo với mình cũng ít khi thích đi với các thầy cô để nói chuyện lắm (cười).
Quan điểm khi làm đoàn là: khát vọng và cống hiến!
Như Hội có chia sẻ về việc không muốn tham gia vào Đoàn khoa cũng như Đoàn trường là không phải vì mình thụ động gì mà có nhiều lý do khiến mình từ chối. Chứ hồi ở địa phương mình còn tham gia Đoàn còn nhiều hơn cả bây giờ, mình còn là Quán quân “Rung chuông vàng” cấp Xã nữa mà.
Trước hết là khi tham gia Đoàn trường thì phải luôn mang gánh nặng là thi bất cứ cuộc thi hay phong trào nào đều cũng phải có giải ít nhất là khuyến khích về cho Đoàn trường.
Rồi mình tự cảm nhận là nhiều người không thích mình. Chính Hội còn cảm thấy không thích cách làm việc ở một số bạn trong Ban chấp hành Đoàn trường thì chắc chắn cũng có người ghét ngược lại mình thôi. Bởi mình cũng là người không quá tha thiết để thân với một ai, vì khi thân với một ai đó mà trong công việc đối với mình rất khó để làm việc và mình thường có xu hướng bỏ qua cho họ theo cảm tính của mình.
Theo quan điểm cá nhân mình thì ở một tập thể luôn có người này người kia và trong tập thể Đoàn trường cũng không tránh khỏi việc những người tham gia với mục đích không trong sáng. Nhưng như thế không bao giờ phát triển được, chỉ có những người có năng lực, cống hiến hết mình mới xứng đáng với những giải thưởng và thành tích mà họ gặt được. Có khát vọng là tốt nhưng đừng để tham vọng giết chết đi bản thân và sự nghiệp của mình.
Nếu hỏi mình sau này có tiếp tục làm Đoàn nữa không thì chắc là không. Mình
thấy mình hợp với những công việc khác hơn là vị trí tại Đoàn - Hội hiện tại.
“Nhiều người nói là mình có tố chất lãnh đạo!”
Trong 2 năm đầu Đại học của Hội, Hội không mấy chuyên tâm nhiều về việc tham gia các phong trào Đoàn. Thế nên qua năm thứ 3 thì mình đã hoàn thành xong các chứng chỉ. Mình là người có thiên hướng tự học khá là tốt, nên việc mình tự học không quá là khó khăn. Mình thấy trong 2 năm đầu và năm thứ 3 các bạn cố gắng tích lũy và hoàn thành xong các chứng chỉ tiếng Anh, tin học sẽ giúp ích các bạn rất nhiều. Bởi đến năm thứ 4 các bạn sẽ làm luận văn tốt nghiệp cùng với đó là thực tập nữa nên sẽ rất ít thời gian cho các bạn để hoàn thành hết. Còn những bạn học yếu hơn thì phải cố gắng hơn gấp nhiều làn nên mình cũng không thể lấy quy chuẩn đó là quy chuẩn chung cho mọi người.
Có nhiều người nói mình có tố chất của một người lãnh đạo. Nhưng mình thì chỉ muốn sống yên bình, chỉ muốn làm xong công việc của mình thì về. Khi nào có ý tưởng hay hay thì âm thầm làm cho vui thôi. Nhưng khi có những sự kiện như Nghiệp vụ khoa, hội thảo, Đối thoại sinh viên… thì mình đều được giao trọng trách trong ban điều hành tổ chức. Có lẽ vì mình có giọng thuyết trình tốt và có khả năng quản lý con người.
Theo mình là một người lãnh đạo thì phải biết bao quát, nắm rõ tất cả thông tin chương trình mà mình làm và sẵn sàng đối mặt với những thử thách, rủi ro bất ngờ xảy ra trong trường hợp cấp bách. Như một lần tổ chức Hội thi nghiệp vụ khoa Sư phạm, mình có phân cho bạn nữ khóa dưới làm MC ngày hôm đó. Sáng mai 7h bắt đầu, tối 12h hôm trước bạn ấy báo là bị đau bụng. Thế là mình trở thành MC “bất khả kháng”. Nếu mà không nắm rõ thông tin, không bao quát được chương trình đó thì mình không thể xoay sở kịp thời và làm cho chương trình đó trơn tru.
Một điều nữa đối với người làm Leader (lãnh đạo) là dù mình có giỏi đến đâu thì cũng phải cho người khác có cơ hội để chứng tỏ năng lực của mình. Nhưng trong một tập thể hay ngay cả những người đứng đầu hay bị mắc một cái “bệnh”. Đó là thấy việc khó khăn là không ai muốn giành, mà thấy nó tốt đẹp thì ai cũng muốn giành. Có một câu chuyện là trong một chương trình mình có làm cho trường thì cũng phân công nhiệm vụ cho mỗi người. Đến lúc phân công bạn kia làm MC thì bạn không nhận, có thái độ không xem trọng chương trình. Thì lúc đó mình nghĩ, không ai làm được vị trí đó mình làm thôi. Mình cũng không ngại khó, ngại khổ. Cái gì cũng có cái giá của nó hết cả. Cho đến khi kịch bản lên hoàn chỉnh thì bạn ấy thấy nội dung hay và đặc sắc nên xin làm MC cho chương trình.
Từ khi vào Đoàn trường thì mình thấy mình kiên nhẫn và rộng lượng hơn. Nếu như hồi trước một ai đó làm tổn thương mình 1-2 lần thì mình sẽ trả lại gấp 3 hay gấp 5 lần. Bây giờ thì mình có thể bỏ qua 1 lần, nhưng lần 2 lần 3 mình sẽ làm rõ vấn đề đó. Càng lớn, càng trưởng thành mình cảm thấy mình cảm thấy mình học cách bỏ qua và rộng lượng nhiều hơn. Hồi nhỏ mình là một người rất thích dùng bạo lực để giải quyết vấn đề. Hồi đó tính mình con trai lắm không như bây giờ đâu. Ngày xưa đánh nhau là chuyện thường, nhưng mà đã vào trường vào lớp là nghiêm túc học tập. Bây giờ thay vì ngồi suy nghĩ một vấn đề mà không có thực từ miệng ai đó thì mình sẽ dùng thời gian để làm tốt hơn những việc khác. Thậm chí mình còn không có thời gian để suy nghĩ đến vấn đề đó nữa. Mình luôn tâm niệm rằng: “Những người ghét mình không xứng đáng là đối thủ của mình”. Và mình thấy có một câu cũng rất là chí lí: “Năng lực của mình là dựa vào đối thủ của mình”.
“Thích sống bình yên, nhưng lại thích được “chinh phục” người khác!”
Ngoài việc đi dạy thì mình còn có sở thích được đi phục vụ ở những quán Café hay trà sữa, là người thích đáp ứng như cầu của người khác. Mình còn là người thích chinh phục người khác. Người nào càng khó tính càng muốn được chinh phục tâm lý của họ. Nếu mà chinh phục được những vị khách khó tính ấy thì mình cảm thấy mình…giỏi (Cười).
Mình thích chinh phục những cái mới một cách âm thầm nhưng lại là người…sống nội tâm và muốn bình yên. Thế nên mình cảm thấy tự mâu thuẫn với chính bản thân mình giữa tính cách bên ngoài và bên trong.
Sau này hướng đi của mình vẫn là nghề giáo, ở đâu cũng được miễn là có nơi tuyển mình không ngại xa xôi. Nếu còn thời gian mình sẽ nhận lớp dạy gia sư.
Với vai trò là chủ nhiệm, mình mong muốn Câu lạc bộ ngày càng phát triển hơn
Đối với Hội, Hội đang muốn mình tập cho mình dễ tính hơn. Bởi vì mình nghĩ mình là người rất khó chịu và khó tính trong công việc. Như trong việc, mình rất là khó chịu với những người mà hay nói chung chung, đưa ra rất nhiều ý tưởng mà không đưa ra được các bước, không hình dung được phải làm cụ thể thế nào. Nhất là ở trong Câu lạc bộ Nghệ thuật của mình, có những cuộc họp diễn ra trong 3 tiếng đồng hồ chỉ xoay quanh một vấn đề. Và cứ 3 ngày liên tiếp, mình phải lên ngồi để nghe mọi người tìm hướng giải quyết cho vấn đề đó là 9 tiếng đồng hồ. Khi nói với cô về những khó khăn khi làm chủ nhiệm Câu lạc bộ, cô cũng hiểu cảm giác đó của mình. Thế nên nhiều khi mình cũng muốn mình dễ tính một tí để công việc bớt khó khăn hơn cho mình cũng như mọi người.
Câu lạc bộ của mình thường sinh hoạt từ 2 – 3 buổi một tuần. Đến dịp lễ hay Tết thì Câu lạc bộ sẽ sinh hoạt nhiều hơn. Từ khi mình làm chủ nhiệm Câu lạc bộ, mình cũng cố gắng liên kết các Câu lạc bộ của những trường Đại học, Cao đẳng trong khu vực, rồi mỗi năm tổ chức vài buổi du ca. Nhưng phải nói một điều hơi buồn là bên mình còn thiếu về cơ sở vật chất và điều kiện tổ chức một buổi du ca một cách hoành tráng và tốt nhất có thể. Như các buổi tổ chức của các trường khác thì cơ sở vật chất ta rất là đầy đủ, tiện nghi. Trường mình thì thiếu đàn, phòng ốc để tổ chức cho một buổi du ca. Nên mình cũng hy vọng trường sẽ tạo điều kiện cho Câu lạc bộ của mình sắp tới.
Mong được ở bên gia đình nhiều hơn!
Đối với mình, trong thời gian từ năm 2 đến năm 3 Đại học thì chuyện thức đến 2 - 3h sáng là bình thường. Thời gian mà mình có mặt ở phòng cũng chỉ để ngủ. Khoảng thời gian của mình mỗi ngày bắt đầu từ lúc 6h sáng cho đến 11h đêm mới về phòng Kí túc xá. Thế nên thời gian dành gia gia đình của mình cũng rất là ít. Chỉ có 2 - 3 lần dịp lễ, Tết thì tranh thủ về với bố mẹ vài ngày.
Có một lần sinh nhật mẹ của mình, 7h tối mình bắt xe về nhà nhưng mẹ lại không có ở nhà. Thế là mình bỏ bánh kem vào tủ lạnh, đến 5h sáng mình phải bắt xe vô lại vì có tiết sớm. Thế là mình còn chưa được ăn bánh sinh nhật cùng mẹ.
Thế nên nếu một có một ước mong, mình hy vọng sẽ được ở bên gia đình nhiều hơn một chút nữa!
Bài viết: Lê Đình Trí (CTV Truyền thông UKH)