Ngày 30/01/2021, Hội đồng khoa học chuyên ngành Văn học đã nghiệm thu giáo trình Văn học Khánh Hòa do TS. Trần Viết Thiện (Chủ biên) cùng các cộng sự ThS. Phan Thị Thùy Nhung – Khoa Sư phạm, ThS. Nguyễn Thị Bé, ThS. Trần Thị Kim Thu, ThS. Tăng Thị Nguyệt Nga – Khoa KHXH - NV phối hợp thực hiện.
Hình 1: TS. Trần Viết Thiện đại diện nhóm nghiên cứu trình bày báo cáo tóm tắt
Đây là giáo trình đầu tiên phục vụ cho việc dạy học Văn học Khánh Hòa ở Trường Đại học Khánh Hòa. Kết quả của công trình là sự nỗ lực bền bỉ của nhóm nghiên cứu do TS. Trần Viết Thiện làm trưởng nhóm trong suốt nhiều năm với tiền đề là các công trình trước đó về: Văn học viết Khánh hòa từ đầu thế kỉ XX đến nay, Văn xuôi yêu nước, tiến bộ vùng tạm chiếm Khánh Hòa giai đoạn 1954 – 1975 (02 đề tài cấp cơ sở đều đã được nghiệm thu đạt loại xuất sắc) cùng nhiều bài báo được công bố trên các tạp chí khoa học trong cả nước. Trên cơ sở sự chuẩn bị công phu đó, nhóm nghiên cứu đã tiến hành biên soạn giáo trình Văn học Khánh Hòa gồm hai phần: Văn học dân gian (04 chương), Văn học viết (07 chương).
Hình 2: Các thành viên Hội đồng thẩm định giáo trình
Hội đồng khoa học đã đánh giá cao sản phẩm của đề tài. Công trình đã tuân thủ các nguyên tắc biên soạn giáo trình, vừa đảm bảo tính chuẩn mực, hiện đại về nội dung vừa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn của một giáo trình dạy học, đặc biệt là dạy học theo năng lực. Sau khi Hội đồng thẩm định thông qua, nhà trường sẽ xuất bản thành giáo trình có chỉ số ISBN áp dụng vào việc giảng dạy cho các chuyên ngành: Sư phạm Ngữ văn, Văn học – Báo chí, Truyền thông, Văn hóa Du lịch. Giáo trình bao gồm cả phần chính văn và phụ lục có dung lượng gần 500 trang khổ 16x24cm. Đây là một công trình thực sự có nhiều đóng góp về mặt khoa học và thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi nội dung giáo dục của địa phương đã chiếm thời lượng thích đáng trong chương trình Giáo dục phổ thông từ lớp 1 đến lớp 12.
Hình 3: Hội đồng chụp ảnh lưu niệm cùng nhóm biên soạn
Với những kết quả đạt được, Giáo trình đã được Hội đồng thẩm định đánh giá đạt kết quả xuất sắc. Hội đồng đề nghị Nhà trường tiến hành xuất bản để chuyển giao ứng dụng vào việc đào tạo trong thời gian sớm nhất. Với 11 chương chính văn, hệ thống hóa kiến thức về văn học Khánh Hòa từ văn học dân gian đến văn học Viết (cùng với phần Phụ lục trích in các bài viết đã công bố về văn học, văn hóa Khánh Hòa và các tác phẩm văn học Khánh Hòa tiêu biểu); có thể nói rằng, cho đến nay, đây là công trình bao quát đầy đủ nhất, toàn diện nhất và cũng chuyên sâu nhất về văn học địa phương Khánh Hòa.
Khi được xuất bản, cuốn Giáo trình không chỉ trở thành tài liệu giảng dạy chính về Văn học địa phương, Ngữ văn địa phương ở Trường Đại học Khánh Hòa mà còn là tài liệu tham khảo hữu ích cho giáo viên phổ thông và những ai quan tâm đến văn học Khánh Hòa. Chúng ta cùng theo dõi và chờ đợi công trình này trước thềm năm học 2021-2022.
Bài viết, hình ảnh: TS. Phan Thúy Hằng