Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Du lịch ❯ Chi tiết
       
  29/01/2019 21:24        

Quản trị kinh doanh (Khách sạn – nhà hàng): Chọn đúng ngành tiềm năng

1. Tiềm năng việc làm của ngành quản trị kinh doanh (Khách sạn - Nhà hàng)

 

Ngành Quản trị kinh doanh (Khách sạn – Nhà hàng) được coi là không bao giờ ''lỗi thời'', nhất là khi xã hội ngày càng phát triển, vì vậy sinh viên theo học ngành này thường có nhiều cơ hội tìm được việc làm mơ ước ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tiềm năng việc làm của ngành Quản trị kinh doanh (Khách sạn – Nhà hàng) bởi những lý do sau:

Thứ nhất, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước, kéo theo kinh doanh khách sạn – nhà hàng ngày càng phát triển.

 

 

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI (1986), đất nước thực hiện công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành Du lịch có nhiều điều kiện phát triển. Giai đoạn 1990 - 2017, khách du lịch quốc tế tăng 52 lần, tăng trung bình 16%/năm. Khách du lịch nội địa tăng mạnh, đặc biệt trong giai đoạn 2010 - 2017 tăng 2,6 lần, trung bình 15%/năm. Hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất kỹ thuật, sản phẩm du lịch có bước phát triển mạnh mẽ về số lượng và chất lượng, năng lực cạnh tranh quốc tế ngày càng cao, nhất là ở các địa bàn du lịch trọng điểm. Du lịch góp phần thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, đóng góp ngày càng quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Nhận thức của xã hội về du lịch chuyển biến rõ rệt.

 

Theo số liệu thống kê của Tổng cục du lịch Việt Nam, năm 2017, du lịch Việt Nam tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng: đón hơn 12,92 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với năm 2016, phục vụ 73,2 triệu lượt khách nội địa, tăng 18,1%. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt hơn 541.000 tỷ đồng, đóng góp trực tiếp của ngành Du lịch ước đạt 7,9% GDP. Hệ thống doanh nghiệp du lịch ngày càng phát triển, đến nay cả nước có gần 2.000 doanh nghiệp lữ hành quốc tế và hơn 25.600 cơ sở lưu trú du lịch với hơn 550.000 buồng phòng, trong đó từ 3 sao đến 5 sao có gần 900 cơ sở với hơn 100.000 buồng phòng. Ngành công nghiệp không khói cũng tạo ra việc làm và thu nhập trực tiếp cho khoảng 2,5 triệu người. Du lịch đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và có những đóng góp trực tiếp vào GDP của quốc gia.

Năm 2017 cũng là năm có nhiều dấu ấn đáng nhớ trong lịch sử ngành Du lịch Việt Nam: Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; Quốc hội thông qua Luật Du lịch 2017. Những thành tựu và dấu ấn của Du lịch Việt Nam đã được các cơ quan, tổ chức uy tín quốc tế ghi nhận. Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), Việt Nam xếp hạng 6 trong số 10 quốc gia đạt tốc độ tăng trưởng khách du lịch hàng đầu thế giới năm 2017. Bên cạnh các giải thưởng dành cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, Giải thưởng Golf châu Á 2017 bình chọn Việt Nam là “Điểm đến du lịch golf hấp dẫn nhất khu vực châu Á Thái Bình Dương năm 2017”; Hiệp hội phóng viên du lịch Thái Bình Dương bình chọn Việt Nam là “Điểm đến đang nổi đối với du lịch sang trọng”.

Với sự phát triển nhanh chóng và tiềm năng của ngành du lịch đối với đất nước, ngày 16/01/2017 Bộ chính trị ra Nghị quyết số 08-NQ/TW về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn đã đề ra các mục tiêu đối với ngành Du lịch như sau:

Một là, đến năm 2020 đón được 17 - 20 triệu lượt khách du lịch quốc tế, đóng góp trên 10% GDP, tổng thu từ khách du lịch đạt 35 tỷ đô-la Mỹ, giá trị xuất khẩu thông qua du lịch đạt 20 tỷ đô-la Mỹ.

Hai là, góp phần giải quyết các vấn đề lớn về việc làm và văn hóa-xã hội, đến năm 2020 tạo ra 4 triệu việc làm, trong đó có 1,6 triệu việc làm trực tiếp, góp phần thực hiện các mục tiêu khác về văn hóa, đối ngoại…

Ba là, lan tỏa, thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các ngành, lĩnh vực khác.

Nghị quyết cũng chỉ rõ 08 nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để đẩy mạnh phát triển du lịch trong tình hình mới với nhiều nội dung vừa mang tính chỉ đạo định hướng, vừa mang tính tháo gỡ vướng mắc tồn tại từ nhiều năm để tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch phát triển, bao gồm: (1) Đổi mới nhận thức, tư duy về phát triển du lịch; (2) Cơ cấu lại ngành Du lịch đảm bảo tính chuyên nghiệp, hiện đại và phát triển bền vững theo quy luật kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế; (3) Hoàn thiện thể chế, chính sách; (4) Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; (5) Tăng cường xúc tiến quảng bá du lịch; (6) Tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp và cộng đồng phát triển du lịch; (7) Phát triển nguồn nhân lực du lịch; (8) Tăng cường năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước.

Theo đà phát triển của năm 2017, trong năm 2018 số lượt khách quốc tế đạt 15.497.791 lượt khách, tăng 19,9% so với năm 2017. Sự kiện đón vị khách quốc tế thứ 15 triệu vào ngày 19/12/2018, cũng là một dấu ấn quan trọng của ngành du lịch Việt Nam, góp phần khẳng định Việt Nam đang và sẽ là một điểm đến hấp dẫn, an toàn và thân thiện trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đây cũng là tiền đề để du lịch Việt Nam phấn đấu mục tiêu định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Những thành tựu của ngành Du lịch nói trên là rất quan trọng, nó góp phần giải quyết công ăn việc làm rất lớn cho người dân. Với tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, ngành du lịch Việt Nam đang còn nhiều hứa hẹn phát triển trong tương lai.

Thứ hai, nền kinh tế đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu, rộng.

Hiện nền kinh tế nước ta đang trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Cụ thể, Việt Nam đã tham gia tổ chức thương mại thế giới WTO (2006), hoạt động của WTO nhằm mục đích loại bỏ hay giảm thiểu các rào cản thương mại để tiến tới tự do thương mại; Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương – CP TPP (2018), đây là hiệp định khu vực toàn diện phục vụ thúc đẩy hội nhập kinh tế nhằm tự do hóa thương mại và đầu tư, đem lại tăng trưởng kinh tế và lợi ích xã hội, tạo ra những cơ hội mới cho người lao động và doanh nghiệp; Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, một trong những thỏa thuận giữa các quốc gia là công nhận lẫn nhau về lao động trong đó có lao động du lịch (MRA-TP) (2015). Theo thỏa thuận này, các chứng chỉ của lao động được cấp tại một số quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên và lao động được quyền dịch chuyển trong khu vực. Mục đích của MRA-TP là tạo thuận lợi cho việc dịch chuyển lao động và cân bằng cung-cầu nguồn nhân lực du lịch trong khu vực.

Như vậy, việc Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc tế đã tạo rất nhiều cơ hội cho lao động trong nước, trong đó có lao động ngành du lịch. Thứ nhất, tạo điều kiện thuận lợi phát triển thị trường lao động Việt Nam nói chung và du lịch nói riêng, hoàn thiện quá trình đào tạo và nâng cao nguồn lực lao động. Tạo điều kiện cho nguồn nhân lực có trình độ, có chất lượng nhất là thanh niên có cơ hội mở rộng sự nghiệp, thăng tiến. Thứ hai, nguồn nhân lực du lịch nước ngoài đến làm việc tại Việt Nam hoặc nhân lực người Việt Nam ra nước ngoài làm việc là một trong những cơ hội tạo điều kiện để nguồn nhân lực trong nước hội nhập, nâng cao kỹ năng và tác phong lao động phù hợp yêu cầu đất nước trong giai đoạn phát triển công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Thứ ba, thời kỳ hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội việc làm cho người lao động.

Đáng chú ý, sự kiện AEC ra đời được các chuyên gia hàng đầu dự đoán sẽ có những tác động đáng kể đến thị trường lao động Việt Nam, đặc biệt với quyết định cho phép lao động thuộc 8 ngành: du lịch, kiểm toán, kiến trúc, kỹ sư, nha sỹ, bác sỹ, y tá, điều tra viên được quyền tự do di chuyển tìm việc làm – khiến thị trường lao động trở nên rộng mở hơn bao giờ hết. Việc lựa chọn ngành nghề trở thành yếu tố quan trọng đầu tiên trong quá trình nắm bắt cơ hội nghề nghiệp. Khách sạn – nhà hàng vẫn được đánh giá cao nhất trong những ngành tiềm năng ở Việt Nam nói riêng và trên toàn khối ASEAN nói chung. Với nhiều số liệu khả quan, như tốc độ tăng trưởng chung hàng năm (CAGR) trên toàn Châu Á được dự đoán đạt mức kỷ lục là 7,0% trong khoảng thời gian từ năm 2012-2016, và Việt Nam đang ở vị trí dẫn đầu trong mảng khách sạn- nhà hàng với tỉ lệ 15%.

Bên cạnh đó, những việc liên quan đến ngành khách sạn - nhà hàng hiện nay, như quản lý khách sạn, hay đầu bếp chuyên nghiệp còn mang lại mức lương – thưởng hấp dẫn, cùng cơ hội phát triển và thăng tiến rất tốt. Thu nhập của nghề quản lý khách sạn – nhà hàng và đầu bếp thường rơi vào 10-18 triệu/tháng đối với những khách sạn cỡ trung, còn ở những khách sạn – nhà hàng hạng 03-05 sao, thu nhập có thể đạt từ 2.000 USD/tháng trở lên.

Thứ ba, nguồn nhân lực trong ngành du lịch đang thiếu hụt nghiêm trọng, đặc biệt là nguồn nhân lực có chất lượng cao.

 

Xã hội càng phát triển, nền kinh tế đang chuyển dịch sang các ngành dịch vụ, du lịch là một trong những ngành dịch vụ được chú ý nhất hiện nay, các khách sạn, nhà hàng ngày càng tăng nhanh về cả số lượng và quy mô.

 

Hiện tại, cả nước mới có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước. Trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.

Theo Báo cáo về thực trạng chất lượng nguồn nhân lực du lịch của Tổng cục Du lịch, tại Việt Nam, tỷ lệ lao động có chuyên môn, nghiệp vụ về du lịch còn thấp, chỉ chiếm 43% tổng số lao động du lịch, trong đó có hơn một nửa không biết ngoại ngữ. Năng suất lao động trong ngành du lịch nước ta chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 của Nhật Bản và 1/5 của Malaysia…

Theo Tổng cục Du lịch, với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, yêu cầu mỗi năm phải đào tạo thêm 25.000 lao động mới và phải đào tạo lại số lượng tương tự. Thực tế, mỗi năm, các trường đào tạo chuyên ngành về du lịch chỉ đáp ứng được 60% nhu cầu của ngành, dẫn đến tình trạng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực du lịch.

Theo kết quả khảo sát của tạp chí Times trên 1.310 người lao động trong ngành cho thấy, có tới 53% nhân sự làm việc trong ngành này không có bằng cấp chuyên ngành. Điều này cho thấy sự chênh lệch giữa cung và cầu, đặc biệt là nguồn cung ứng lao động chất lượng cao, khiến cho công tác tuyển dụng của giới nhân sự ngành này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nguồn nhân lực du lịch còn yếu, khi phát triển nhiều cơ sở vật chất đặc biệt là các khu nghỉ dưỡng chất lượng cao, khách sạn 4-5 sao, các khu vui chơi giải trí thì lại chưa có người quản lý chuyên nghiệp mà đội ngũ này thường phải thuê người nước ngoài. Sự yếu kém trong nguồn nhân lực khiến việc phát huy giá trị của những đầu tư đó chưa cao. Việc thiếu hụt nhân lực là thực trạng chung tại nhiều khách sạn nhà hàng hiện nay, đặc biệt tại những khách sạn 4 - 5 sao, các vị trí quản lý cấp trung, cao, cùng đội ngũ nhân viên có kỹ năng nghiệp vụ và khả năng ngoại ngữ hiện đang thiếu hụt nghiêm trọng.

Trước thực trạng này, nhiều khách sạn, nhà hàng vẫn còn loay hoay trong việc lấp đầy các vị trí nhân sự, đặc biệt là nhân sự cấp cao ở vị trí quản lý. Mặc dù số lượng sinh viên tốt nghiệp hàng năm khá lớn nhưng đồng thời tỷ lệ thất nghiệp cũng tăng đáng kể. Trong đó, những điểm yếu có thể kể đến của đội ngũ nhân lực trong ngành khách sạn – nhà hàng hiện nay chính là kỹ năng mềm hạn chế dẫn đến quá trình phục vụ khách hàng không mang lại hiệu quả cao, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Hơn nữa, khả năng ngoại ngữ hạn chế tạo thành rào cản ngăn sự thăng tiến của người lao động. Tại nhiều nhà hàng - khách sạn chuẩn sao nổi tiếng, những vị trí quản lý thường phải mất một khoảng thời gian dài mới tuyển dụng được ứng viên phù hợp. Trong khi đó, ở các vị trí nhân viên, nhà hàng khách sạn phải mất một thời gian để đào tạo và thử thách những nhân viên mới.

2. Ngành Quản trị kinh doanh (Khách sạn – Nhà hàng) của khoa Du lịch, trường Đại học Khánh Hòa

 

Ngày 03 tháng 8 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1234/QĐ-TTg thành lập Trường Đại học Khánh Hòa trên cơ sở Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang và Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật và Du lịch Nha Trang. Cả hai trường tiền thân của Trường Đại học Khánh Hòa đã có những thành tích to lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực du lịch. Hàng năm, cung cấp một số lượng lớn nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao cho Khánh Hòa và các tỉnh lân cận, đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng khắt khe của các doanh nghiệp du lịch có dịch vụ cao cấp. Nối tiếp truyền thống đó, đào tạo nguồn nhân lực du lịch cũng đang là thế mạnh của Trường Đại học Khánh Hòa hiện nay.

 

Khoa Du lịch, Trường Đại học Khánh Hòa, được thành lập từ năm 2006, tiền thân là Khoa Du lịch của trường CĐ VHNT&DL Nha Trang, được đánh giá là một trong những khoa thế mạnh. Hiện, Khoa đang đào tạo 6 mã ngành liên quan đến du lịch, trong đó có ngành Quản trị kinh doanh (Khách sạn – Nhà hàng) bậc cao đẳng và đặc biệt bậc đại học dự định bắt đầu tuyển sinh khóa đầu tiên vào năm học 2019 – 2020.

Sinh viên theo học ngành Quản trị kinh doanh (Khách sạn – Nhà hàng) sẽ được đào tạo kiến thức chuyên ngành về khách sạn - nhà hàng, cụ thể:

Ngành học cung cấp cho người học kiến thức cơ bản trong quản trị kinh doanh, những kiến thức tổng quát đến sự phát triển ngành du lịch và những kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực quản trị Khách sạn – Nhà hàng. Rèn luyện cho người học các kỹ năng thực hành nghề khách sạn – nhà hàng tại các phòng thực hành nghề theo tiêu chuẩn VTOS tại Trường Đại học Khánh Hòa và các khách sạn cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 4 – 5 sao. Đồng thời trau dồi phẩm chất chính trị, tư tưởng tốt, có ý thức tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và trách nhiệm với xã hội đối với người học. Người học rất tự tin, năng động nhanh chóng thích nghi trong môi trường làm việc công nghệ và hội nhập ngày nay. Ngoài ra, sinh viên được đào tạo các kỹ năng lập luận phân tích và giải quyết vấn đề; kỹ năng giao tiếp và thiết lập các mối quan hệ với khách hàng; kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sử dụng ngoại ngữ, …

Sinh viên tốt nghiệp ngành Quản trị kinh doanh Khách sạn-Nhà hàng có thể đảm nhiệm tốt các công việc như: Quản lý hoặc chuyên viên các bộ phận lễ tân tiền sảnh, phòng, ẩm thực, bếp, hội nghị yến tiệc, nhân sự, tài chính - kế toán, kinh doanh doanh - tiếp thị, hành chính, nhân lực, marketing… tại các khu nghỉ dưỡng, khu du lịch. Ngoài ra, người học có thể làm việc tại các sở, ban ngành, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ, các cơ quan nghiên cứu trong và ngoài nước hay tự khởi nghiệp thành lập và điều hành công ty riêng, … và có thể học bậc cao hơn. Bên cạnh đó, các vị trí như cán bộ điều hành, kinh doanh du lịch trong và ngoài nước, giảng dạy nghiên cứu về nhà hàng khách sạn tại các trường đại học cao đẳng…sinh viên học ngành Quản trị kinh doanh Khách sạn - Nhà hàng đều có thể thử sức.

* Điểm mạnh của ngành Quản trị kinh doanh Khách sạn – Nhà hàng ở Trường Đại học Khánh Hòa

 

- Đội ngũ giảng viên trẻ năng động, sáng tạo, đầy nhiệt huyết, và là các đào tạo viên đạt chuẩn do EU công nhận, có kinh nghiệm làm việc thực tế tại các doanh nghiệp du lịch, khách sạn và khu du lịch nổi tiếng trong nước và quốc tế. Hiện tại, tổng số cán bộ giảng viên của khoa gồm: 30 thạc sĩ trong đó có 04 nghiên cứu sinh.

 

- Chương trình đào tạo luôn tiếp cận với các kiến thức và chuẩn mực hiện đại nhất, hướng về người học, lấy người học làm trung tâm, và đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp. Với phương châm đào tạo vững lý thuyết - chắc thực hành, sinh viên Khoa Du lịch luôn đáp ứng tốt nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh với các nghề như: Lễ Tân, Bàn, Bar, Buồng, ...

- Khoa có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều doanh nghiệp du lịch. Sinh viên được tiếp cận với công việc thực tế ngày từ năm nhất với các Khách sạn – Nhà hàng từ 4 đến 5 sao: Khách sạn Sheraton & Spa Nha Trang, Amiana Resort Nha Trang, Vinpearl Golf Land Resort & Villas Nha Trang, Six Senses Ninh Vân Bay Resort, Khách sạn Novotel Nha Trang, Khách sạn Liberty Central Nha Trang, Ariyana Smart Condotel Nha Trang, khách sạn InterContinental Nha Trang… nhằm phối hợp trong việc đào tạo kiến thức chuyên sâu về quản trị tác nghiệp các bộ phận trong khách sạn – nhà hàng, thực tế bộ môn, thực hành nghiệp vụ. Ngoài ra, các lãnh đạo cao cấp của ngành còn tham gia tư vấn, định hướng nghề nghiệp nhằm tạo động lực yêu nghề và có cơ hội phát triển nghề trong tương lai cho người học.

- Trong thời gian học tập tại trường học, sinh viên sẽ được học nghiệp vụ khách sạn, nhà hàng tại phòng thực hành chuyên ngành và tại doanh nghiệp có tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên; tham quan, tìm hiểu môi trường làm việc chuyên nghiệp của các cơ sở kinh doanh lưu trú như: khách sạn, khu nghỉ dưỡng, trung tâm hội nghị… Ngoài ra, sinh viên sẽ được thực hành các kỹ năng thông qua các kỳ thực tập hay chương trình mô phỏng tại các doanh nghiệp du lịch, khách sạn nhà hàng trong suốt quá trình đào tạo..

- Sinh viên có việc làm đúng ngành nghề được đào tạo ngay trong quá trình tham gia thực tập. Hỗ trợ sinh viên việc làm bán thời gian đúng chuyên ngành học ngay từ khi mới vào trường. Sinh viên theo học ngành này, năm nhất có thể làm việc bán thời gian tại các khách sạn quốc tế 3 sao trở lên. Sinh viên tốt nghiệp làm việc chính thức tại các khách sạn, nhà hàng quốc tế cao cấp và đủ khả năng để thăng tiến lên cấp độ quản lý bậc trung sau 3 - 5 năm làm việc

- Tọa lạc tại thành phố Nha Trang nơi có tiềm năng phát triển du lịch rất lớn, Trường Đại học Khánh Hòa mang lại rất nhiều điều kiện thuận lợi cho các em sinh viên học chuyên ngành về du lịch nói chung và Khách sạn – Nhà hàng nói riêng. Theo thống kê của Sở Du lịch tỉnh Khánh Hòa trong năm 2017, tổng số cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 650 cơ sở lưu trú du lịch với 28.353 buồng. Trong đó, tổng số cơ sở 3-5 sao với 13.906 buồng đạt tỷ lệ 49,1%, tổng số cơ sở từ 2 sao trở xuống là 6.710 buồng, đạt tỷ lệ 23,7%. Tổng số doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn tỉnh hiện có 230 doanh nghiệp lữ hành; Trong đó, lữ hành quốc tế gồm 48 Doanh nghiệp, 15 Chi nhánh, 02 Văn phòng đại diện; lữ hành nội địa 165 doanh nghiệp. Hướng dẫn viên do Sở Du lịch Khánh Hòa cấp thẻ: 842 Hướng dẫn viên, trong đó: 379 Hướng dẫn viên nội địa, 463 Hướng dẫn viên quốc tế (193 tiếng Anh, 09 tiếng Pháp, 05 tiếng Đức, 169 tiếng Trung, 03 tiếng Nhật, 84 tiếng Nga).

- Ngoài chương trình học, sinh viên khoa Du lịch thường xuyên có cơ hội tham gia các hoạt động văn thể mỹ, rèn luyện các kỹ năng mềm; tham gia các hoạt động do Đoàn trưởng tổ chức; Chi đoàn khoa cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, từ thiện. Sinh viên khoa Du lịch ngoài ra còn được tham gia vào các chương trình sự kiện lớn của địa phương; được thường xuyên tiếp cận với doanh nghiệp ngay từ ghế nhà trường thông qua các buổi hướng nghiệp; được tạo nhiều cơ hội việc làm ngay trước và sau khi tốt nghiệp.

ThS. Nguyễn Thị An

Khoa Du lịch-Trường Đại học Khánh Hòa.

 
Khoa Du lịch