Khai thác hiệu quả dịch vụ vận chuyển tham quan đêm tại Thành Phố Nha Trang
Trong cơ cấu dịch vụ của ngành kinh doanh du lịch bao gồm 2 nhóm: nhóm dịch vụ cơ bản (lưu trú, ăn uống, vận chuyển, hướng dẫn) và nhóm dịch vụ khác (vui chơi giải trí, mua sắm, tư vấn thông tin…). Khi khách du lịch theo đoàn đi tham quan một điểm đến thường đặt các dịch vụ cơ bản thông qua doanh nghiệp lữ hành, trong trường hợp khách du lịch lẻ hoặc đi tự do cũng có nhu cầu thuê dịch vụ vận chuyển (DVVC). Như vậy, dù khách nội địa hay quốc tế, dù khách đi theo đoàn hay khách lẻ và dù lộ trình tham quan ngắn hay dài thì khách du lịch luôn luôn có nhu cầu sử dụng DVVC. DVVC tham quan đêm là một bộ phận của DVVC du lịch, nó đóng vai trò to lớn đối với việc thỏa mãn nhu cầu di chuyển trong thời gian rảnh rỗi vào ban đêm của khách du lịch, đồng thời góp phần vào quá trình kết nối du khách với các điểm tham quan, mua sắm, ẩm thực, vui chơi giải trí đêm của Nha Trang. Khi hoạt động vận chuyển du lịch đêm ở thành phố Nha Trang được tổ chức thực hiện một cách tối ưu, chất lượng tốt sẽ góp phần đáng kể vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch vào ban đêm và cải thiện hình ảnh điểm đến của thành phố.
Dịch vụ vận chuyển tham quan đêm tại thành phố Nha Trang
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có đầy đủ bốn loại hình giao thông phục vụ du lịch: đường thủy nội địa, đường bộ, đường sắt, đường hàng không. Tuy nhiên, đối với DVVC ban đêm tại thành phố Nha Trang chỉ mới khai thác được hai loại hình phục vụ du khách là đường bộ và đường thủy nội địa với doanh thu khá khiêm tốn.
Theo số liệu công bố của Cục Thống kê tỉnh Khánh Hòa, doanh thu vận tải hành khách đường bộ và đường thủy từ năm 2011 đến năm 2015 tăng đều: 654,6 tỷ đồng (2011), 796,3 tỷ đồng (2012), 825,7 tỷ đồng (2013), 932,3 tỷ đồng (2014), 956 tỷ đồng (2015); chứng tỏ nhu cầu của hành khách luôn tăng. Nhưng thực tế ngành vận tải chưa đáp ứng đúng nhu cầu của khách du lịch về chất lượng DVVC, vấn đề quản lý mức độ an toàn của phương tiện thiếu sự chặt chẽ; điều này ảnh hưởng rất lớn đến quyết định lựa chọn DVVC khi du khách đến Nha Trang – Khánh Hòa.
DVVC tham quan đêm là một bộ phận quan trọng của DVVC du lịch. Khi kết thúc lịch trình du lịch chính thức của ban ngày, du khách có thời gian rảnh rỗi và tự do vào ban đêm, thông thường khách du lịch có các nhu cầu như: đi dạo phố, mua sắm, chăm sóc sắc đẹp, đến các địa điểm vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, thưởng thức đặc sản địa phương, đến các điểm biểu diễn nghệ thuật truyền thống. Tùy vào mục đích của chuyến đi du khách sẽ lựa chọn phương tiện di chuyển phù hợp, đây là cơ sở để ngành du lịch Nha Trang phát triển các DVVC vào ban đêm.
Với lợi thế là một thành phố nằm bên bờ biển, Nha Trang về đêm có khung cảnh thơ mộng và khí hậu mát mẻ quanh năm; vị trí địa lý cùng điều kiện tự nhiên cũng là ưu điểm để Nha Trang phát triển nhiều loại hình vận chuyển khách du lịch. Ban đêm ở Nha Trang, du khách có thể dễ dàng tìm cho mình một PTVC ưng ý để ngắm nhìn thành phố hoặc đi mua sắm như: xe đạp, xích lô, xe máy, taxi điện, du thuyền.
Để có cơ sở xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng DVVC khách vào ban đêm tại Nha Trang góp phần tăng doanh thu cho kinh doanh vận chuyển Khánh Hòa, tác giả đã xây dựng mẫu điều tra và tiến hành khảo sát hai nhóm khách theo phương pháp chọn mẫu chủ định, bao gồm: 100 khách nội địa, 100 khách quốc tế. Kết quả thu được như sau:
Bảng 1. Sự lựa chọn của khách du lịch đối với phương tiện vận chuyển vào ban đêm ở Nha Trang
Tiêu chí
Khách
|
Tỷ lệ lựa chọn
|
Xích lô
|
Taxi
|
Taxi điện
|
Du thuyền
|
Xe thồ
|
Nội địa
|
26%
|
21%
|
51%
|
2%
|
0%
|
Quốc tế
|
8%
|
59%
|
30%
|
1%
|
2%
|
Nguồn: Tác giả điều tra
Đối với hai DVVC vào ban đêm mới kinh doanh ở Nha Trang là taxi điện và du thuyền: du khách đã yêu thích và lựa chọn đối với taxi điện (51% đối với khách nội địa và 30% đối với khách quốc tế), điều này cho phép kết luận kinh doanh DVVC taxi điện đang đi đúng hướng và cần tiếp tục hoàn thiện. Riêng DVVC ban đêm du thuyền trên vịnh Nha Trang chưa có chỗ đứng trong lòng du khách, tỷ lệ lựa chọn chỉ từ 1% đến 2%, trên thực tế các doanh nghiệp ở Nha Trang kinh doanh DVVC này đang bị áp lực về lượng khách và doanh thu kéo theo thách thức lớn đối với việc làm thế nào để tồn tại. Qua điều tra khách quốc tế cũng cho kết quả về sự tin tưởng lớn của khách đối với DVVC truyền thống là taxi, 59% du khách lựa chọn. Vì vậy, các nhà kinh doanh DVVC taxi ban đêm và cơ quan quản lý nhà nước cần chú ý đến các yêu cầu của khách quốc tế về chất lượng dịch vụ này để phục vụ tốt hơn.
Khi đến Nha Trang đi tham quan ban đêm, du khách có nhiều PTVC để lựa chọn với tốc độ và tiện nghi khác nhau. Tuy nhiên, nếu như 5 năm trước khách quốc tế rất yêu thích PTVC xích lô thì hiện nay giảm nhiều – chỉ có 8% khách lựa chọn; đối với PTVC là xe thồ chỉ 2%, thậm chí nhóm khách nội địa không chọn PTVC này. Nguyên nhân một phần do chất lượng các DVVC không nâng cấp, nguyên nhân lớn hơn chính là thái độ phục vụ của lái xe: luôn chèo kéo, không có giá đồng nhất, đi sai lộ trình để thu phí, cố tình đưa khách đến các cơ sở mua sắm kém chất lượng.
Bảng 2. Yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn phương tiện vận chuyển vào ban đêm
|
Tiêu chí
Khách
|
Tỷ lệ lựa chọn
|
|
Chất lượng dịch vụ
|
Thái độ phục vụ
|
Giá cả
|
Sự an toàn và thoải mái
|
Thuận tiện cho tham quan
|
Nội địa
|
23%
|
10%
|
20%
|
25%
|
22%
|
|
Quốc tế
|
10%
|
3%
|
48%
|
31%
|
2%
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Nguồn: Tác giả điều tra
Tìm hiểu về các yếu tố ảnh hưởng đến quyết định lựa chọn PTVC vào ban đêm của du khách khi du lịch ở Nha Trang, kết quả cho thấy:
Khách du lịch nội địa ít bị ảnh hưởng bởi tiêu chí về Thái độ phục vụ - chiếm 10%, 4 tiêu chí còn lại từ 20% đến 25%. Cao nhất là Sự an toàn và thoải mái khi sử dụng PTVC vào ban đêm. Như vậy, cả 5 tiêu chí tác giả đưa ra đều nằm trong sự quan tâm của khách nội địa, tùy vào mức độ quan trọng của các nhân tố này giúp nhà kinh doanh DVVC ban đêm định hướng đầu tư và xây dựng sản phẩm vận chuyển.
Khách quốc tế có sự quan tâm khác hơn: ít bị ảnh hưởng bởi yếu tố Thuận tiện cho tham quan – chiếm 2%, Thái độ phục vụ - chiếm 3%, Chất lượng dịch vụ - chiếm 10%; đặc biệt chú ý đến vấn đề Giá cả - chiếm 48%, Sự an toàn và thoải mái – chiếm 31%. Việc khách quốc tế quan tâm nhiều nhất với hai tiêu chí giá cả, sự an toàn và thoải mái; chứng tỏ thực tế đang có bất ổn về các vấn đề này ở DVVC đêm.
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả khai thác dịch vụ vận chuyển tham quan đêm tại thành phố Nha Trang
Để khai thác hiệu quả dịch vụ vận chuyển tham quan du lịch vào ban đêm tại thành phố Nha Trang góp phần cải thiện chất lượng DVVC, cải thiện niềm tin của khách du lịch thì tỉnh Khánh Hòa nên tập trung vào một số giải pháp sau:
+ Nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông tại thành phố Nha Trang
Khi xử lý các vấn đề về giao thông như: ùn tắc, ô nhiễm môi trường, tai nạn,... thường kết luận nguyên nhân là do cơ sở hạ tầng giao thông không bắt kịp với sự phát triển của nhu cầu giao thông. Tuy nhiên, trên thực tế không chỉ riêng ở Nha Trang hay các đô thị lớn ở Việt Nam mà ngay cả các quốc gia tiên tiến trên thế giới cũng không thể thường xuyên mở rộng cở sở hạ tầng giao thông theo nhu cầu thực tế. Vì vậy, muốn nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông của thành phố Nha Trang nên bắt đầu từ việc lựa chọn và phát triển cơ sở hạ tầng giao thông thích hợp.
Cần đánh giá “năng lực” của cơ sở hạ tầng giao thông bằng các tiêu chí: lưu lượng xe, vận tốc, mức độ ô nhiễm không khí, mức độ ô nhiễm tiếng ồn, điểm dừng, điểm đỗ, sức chứa điểm đỗ. Cần khuyến khích phát triển giao thông công cộng như: xe máy điện, tàu điện ngầm, xe bus góp phần bảo vệ môi trường thông qua cải tiến công nghệ, đồng thời siết chặt các tiêu chuẩn khí thải.
Khai thác cơ sở hạ tầng giao thông một cách linh hoạt, cụ thể: điều khiển tín hiệu giao thông theo lưu lượng xe, gắn các biển báo lộ trình động, có kênh radio cập nhật các vấn đề ùn tắc hoặc ngập lụt trên tuyến đường.
Xây dựng các điểm đỗ, điểm chờ đón khách cho xe taxi điện, xe xích lô; quy hoạch điểm kinh doanh dịch vụ cho thuê phương tiện vận chuyển thô sơ vào ban đêm. Mở bến du thuyền ngay bờ biển Trần Phú, nâng cấp chất lượng mặt đường xuống bến tàu du lịch tại cảng Cầu Đá, chất lượng cầu cảng xuống Sun Dream Cruise. Gắn các bảng chỉ dẫn đến vị trí có DVVC đêm tại nút giao thông, trung tâm mua sắm, công viên, bến cảng, nhà gia, bến xe, trạm xe bus.
+ Chính sách của địa phương
Chính quyền cần có các chính sách khuyến khích cá nhân và tổ chức tham gia kinh doanh DVVC du lịch ban đêm tại Nha Trang như: tư vấn loại hình dịch vụ, giảm thủ tục đăng ký kinh doanh, hỗ trợ cho vay vốn, tư vấn đảm bảo chất lượng dịch vụ, xây dựng lộ trình tham quan đêm có sử dụng các loại hình vận chuyển du lịch đêm, nối kết cơ sở kinh doanh DVVC đêm với các doanh nghiệp lữ hành, khách sạn, nhà hàng.
Thường xuyên mở các khóa đào tạo ngắn hạn và cấp chứng nhận cho nhân viên trực tiếp phục vụ khách du lịch trên các phương tiện vận chuyển du lịch đêm.
Thành lập cơ quan hoặc đội chuyên kiểm tra, giám sát, đánh giá, xử phạt về các vấn đề DVVC du lịch đêm, cụ thể: chất lượng dịch vụ, giá cả dịch vụ, kỹ năng và thái độ phục vụ của nhân viên.
Nhà nước cần tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá các DVVC vào ban đêm ở thành phố Nha Trang trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên internet và đặc biệt là các diễn đàn du lịch trong tỉnh hoặc hội chợ du lịch trong và ngoài nước. Đối với nhân viên phục vụ DVVC và nhà kinh doanh DVVC cần chú ý làm hài lòng du khách để họ tham gia vào quá trình quảng bá DVVC du lịch đêm Nha Trang bằng hình thức truyền miệng.
+ Quản lý và phân luồng giao thông
Quản lý giao thông phải đạt được các mục tiêu: thỏa mãn nhu cầu di chuyển, nâng cao sự an toàn cho người tham gia giao thông, bảo vệ môi trường và tăng hiệu quả kinh tế. Để đạt được các mục tiêu trên có thể áp dụng một số giải pháp cụ thể sau:
Trong quản lý giao thông vào ban đêm tại thành phố Nha Trang nên sớm ứng dụng giao thông thông minh (ITS), ITS có thể giúp cải thiện dòng xe, nâng cao an toàn, an ninh, giảm vi phạm, cải thiện chất lượng giao thông công cộng, nâng cao hiệu quả vận tải hàng hóa và giảm thiểu tác động môi trường.
Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý giao thông, công nghệ thông tin (Internet, điện thoại thông minh, định vị vệ tinh toàn cầu GPS) đã và đang làm thay đổi hành vi đi lại của du khách. Nó cho phép người dùng truy cập nhanh chóng, chính xác các thông tin về dịch vụ giao thông công cộng đa phương thức, cho thuê DVVC, sử dụng chung xe, chia sẻ taxi, dẫn hướng cho người đi bộ.
Nút giao thông tại khu vực Quảng trường 2/4 và nhà Hội nghị 46 Trần Phú (từ đoạn giao Trần Phú với Lê Thánh Tôn đến đoạn giao Trần Phú với Nguyễn Thị Minh Khai) nên cấm các loại phương tiện nhằm tạo không gian đi bộ an toàn cho du khách, an toàn cho DVVC đêm như: taxi điện, xích lô, xe máy, xe đạp tập kết chờ và đón khách tại hai đầu nút giao thông này.
Hiện nay xe taxi điện chạy với tốc độ nhanh và không theo một luồng, vậy cần có sự phân luồng cụ thể cho loại phương tiện này kết hợp với quản lý và xử phạt nghiêm túc.
Lập đường dây nóng tiếp nhận phản hồi của khách sau khi sử dụng DVVC vào ban đêm, tiếp nhận đề nghị giúp đỡ khi khách gặp sự cố hoặc rủi ro trong quá trình sử dụng DVVC vào ban đêm tại Nha Trang.
+ Phát triển du lịch đường thủy nội địa
Nha Trang là thành phố biển vì vậy trong DVVC khách du lịch có sự góp mặt của DVVC đường thủy nội địa từ rất sớm, tuy nhiên để kinh doanh tốt loại hình DVVC này và tạo được niềm tin cho du khách cần quan tâm đến vấn đề đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa (GTĐTNĐ) và nâng cấp loại hình DVVC.
Trước hết cần xác định công tác đảm bảo an toàn GTĐTNĐ là trách nhiệm của toàn xã hội, cụ thể: chính quyền các cấp, cơ quan quản lý du lịch, cơ quan quản lý giao thông, cơ sở kinh doanh DVVC du lịch đường thủy, khách du lịch sử dụng DVVC đường thủy và người tham gia giao thông.
Tăng cường trang bị phương tiện cứu sinh trên tàu: chủ phương tiện phải trang bị đủ số lượng áo phao theo số khách đăng ký chuyên chở, áo phao trong tình trạng đảm bảo vệ sinh và chất lượng tốt. Ngay khi khởi hành phải có nhân viên yêu cầu khách mặc áo phao, hướng dẫn sử dụng phương tiện cứu sinh, cứu hộ; hướng dẫn khách xử lý khi có tình huống khẩn cấp.
Tăng cường công tác đăng ký và đăng kiểm, vừa tạo điều kiện thuận lợi vừa tuyên truyền để chủ phương tiện thấy được lợi ích của việc đăng lý, đăng kiểm phương tiện vận chuyển khi tham gia kinh doanh vận tải.
Thực hiện thường xuyên công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của Luật GTĐTNĐ đối với những tổ chức, cá nhân kinh doanh và tham gia giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt tại cầu cảng, bến khách dọc vịnh Nha Trang,… Bên cạnh việc thực hiện nhiệm vụ theo quy định, các lực lượng chức năng liên quan cần phối hợp chặt chẽ trong việc xử lý những vi phạm mang tính chất phức tạp để giải quyết có hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện những quy định pháp luật về GTĐTNĐ.
Tiếp tục thực thi các chính sách, cơ chế của Chính phủ và địa phương nhằm thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển giao thông đường thủy nội địa như: hỗ trợ vay vốn đối với dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đóng mới phương tiện vận chuyển thủy, miễn phí trước bạ, giảm thuế thuê mặt nước đầu tư xây dựng cảng mới.
Thành phố Nha Trang cần quan tâm mở rộng quy mô đào tạo, đầu tư phương tiện, trang thiết bị thực hành và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên cho các cơ sở đào tạo chuyên ngành đường thủy nội địa; nâng cao chất lượng đội ngũ thuyền viên, người điều khiển phương tiện; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể tham gia học, thi, lấy bằng, chứng chỉ chuyên môn.
KẾT LUẬN
Dịch vụ vận chuyển tham quan đêm là sự kết hợp của nhiều phương thức vận chuyển, chất lượng của nó phụ thuộc vào nhiều nhân tố chủ quan và khách quan. Do đó, các nhà cung ứng DVVC tham quan du lịch vào ban đêm cần nhận thức rõ điều này, từ đó đưa ra phương án kinh doanh loại hình vận chuyển du lịch đêm hợp lý, khai thác công suất phương tiện phù hợp, xây dựng tuyến đường tối ưu và phải có sự phối kết hợp chặt chẽ với các yếu tố liên quan: cảng, ga, các nhà cung ứng DVVC khác, khách du lịch, doanh nghiệp lữ hành, nhà hàng, khách sạn, điểm tham quan, điểm biểu diễn nghệ thuật, điểm mua sắm…; mặt khác, phải trung thành với mục tiêu thỏa mãn nhu cầu của khách hàng và kiếm lợi nhuận.
Trước thực trạng kinh doanh DVVC tham quan đêm tại thành phố Nha Trang còn nhiều bất cập, các cơ quan ban ngành của thành phố Nha Trang và tỉnh Khánh Hòa cần quan tâm nhiều hơn, nhanh chóng đưa ra những quyết sách hợp lý tạo điều kiện cho sản phẩm du lịch này phát triển có chất lượng và đúng hướng.
ThS. Đỗ Phương Quyên – Khoa Du lịch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nghị định 110/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014, Quy định điều kiện kinh doanh vận tải đường thủy nội địa, Hà Nội.
2. Luật giao thông đường bộ (2008), Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
3. Phạm Trung Lương, Đặng Duy Lợi, Vũ Tuấn Cảnh (2001), Tài nguyên và môi trường du lịch, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Thông tư liên tịch số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL ngày 10/5/2012, Quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải hành khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa, Hà Nội.
5. Huỳnh Ngọc Phương, Đỗ Phương Quyên (2016), đề tài cơ sở: Phát triển một số dịch vụ du lịch vào ban đêm tại thành phố Nha Trang, UBND tỉnh Khánh Hòa.
Wedsite
5. http://www.mt.gov.vn
6. http://www.khanhhoa.gov.vn
7. http://www.sgtvt.khanhhoa.gov.vn
8. https://vi.wikipedia.org/wiki/Du_thuy%E1%BB%81n
9. http://www.haremscruise.com/
|