Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Du lịch ❯ Chi tiết
       
  10/05/2019 10:02        

Nâng cao chất lượng giảng dạy môn Nghiệp vụ Lễ tân tại Trường Đại Học Khánh Hòa

1. Đặt vấn đề
Đổi mới giáo dục đang diễn ra trên quy mô toàn cầu. Bối cảnh trên tạo nên những thay đổi sâu sắc trong giáo dục, từ quan niệm về chất lượng giáo dục, xây dựng nhân cách người học đến cách tổ chức quá trình và hệ thống giáo dục. Các quốc gia, từ những nước đang phát triển đến những nước phát triển đều nhận thức được vai trò và vị trí hàng đầu của giáo dục, đều phải đổi mới giáo dục để có thể đáp ứng một cách năng động hơn, hiệu quả hơn, trực tiếp hơn những nhu cầu của sự phát triển đất nước. Trong giáo dục, quy trình đào tạo được xem như là một hệ thống bao gồm các yếu tố: mục tiêu, chương trình đào tạo, nội dung, hình thức tổ chức dạy học, phương pháp dạy học. Phương pháp dạy học là khâu rất quan trọng bởi lẽ phương pháp dạy học có hợp lý thì hiệu quả của việc dạy học mới cao, phương pháp có phù hợp thì mới có thể phát huy được khả năng tư duy, sáng tạo của người học. Bởi vậy, việc đổi mới giáo dục trước hết là đổi mới phương pháp dạy học.
Môn nghiệp vụ Lễ tân là một môn học chuyên ngành của sinh viên khoa Du lịch Trường Đại học Khánh Hoà. Trong môn học này, để đạt được hiệu quả cao bên cạnh việc tiếp thu kiến thức chuyên môn còn đòi hỏi sinh viên phải có một nền tảng kiến thức tổng hợp của các môn học khác như: Kĩ năng giao tiếp, tin học, ngoại ngữ, tiếp thị và bán sản phẩm, tâm lý khách hàng. Ngoài ra sinh viên còn phải trang bị cho mình những kiến thức tổng hợp về tình hình kinh tế, chính trị, văn hoá và xã hội. Để vận dụng nhuần nhuyễn các kiến thức chuyên môn cùng với kiến thức bổ trợ, đòi hỏi sinh viên phải được thực hành nhiều lần, lặp đi lặp lại. Tuy nhiên, thời gian thực hành trên lớp có hạn, việc tự thực hành là không thể vì không có trang thiết bị hỗ trợ nên sinh viên gặp khó khăn trong vấn đề ghi nhớ và thành thục động tác cũng như giao tiếp với khách. Vì vậy nghiên cứu “Các yếu tố bên trong ảnh hưởng đến việc sử dụng phương pháp giảng dạy môn nghiệp vụ lễ tân tại Trường Đại học Khánh Hoà” sẽ chỉ ra các vấn đề đang chi phối, tác động đến việc sử dụng các phương pháp giảng dạy, từ đó đưa ra những giải pháp khắc phục những điểm hạn chế, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy cho môn học.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1 Phương pháp điều tra thu thập dữ liệu.
Để tìm ra mức độ hài lòng của giảng viên về các vấn đề liên quan đến công tác giảng dạy, tác giả đã tiến hành điều tra đối với toàn bộ 04 giảng viên giảng dạy bộ môn lễ tân theo các tiêu chí khác nhau. Tất cả các giảng viên được điều tra đều là những người có kinh nghiệm giảng dạy và có thâm niên công tác tại tổ bộ môn.
2.2 Phương pháp phỏng vấn sâu.
Ngoài những vấn đề được đề cập trong bảng hỏi, tác giả còn tiếp xúc với giảng viên để tìm hiểu sâu hơn về những nguyên nhân, nguyện vọng của bản thân mỗi giảng viên để có thể đưa ra giải pháp khắc phục cho những vấn đề còn tồn tại.
2.3 Phương pháp thực nghiệm, phân tích tổng kết kinh nghiệm.
Thông qua quá trình giảng dạy của bản thân về môn nghiệp vụ lễ tân, cũng như hoạt động dự giờ của các giảng viên khác, tác giả đã rút ra những yếu tố chi phối tới việc sử dụng các phương pháp giảng dạy. Những yếu tố này bao gồm cả khách quan và chủ quan, trong đó yếu tố chủ quan thuộc về trình độ năng lực chuyên môn của mỗi giảng viên đã được khoa, nhà trường kiểm chứng và công nhận nên tác giả không đề cập ở trong nghiên cứu nữa.
3. Giải quyết vấn đề
Theo số liệu thống kê mới nhất 03/2017 Bộ môn quản trị kinh doanh (Khách sạn - Nhà hàng khách) khoa Du lịch - Trường Đại học Khánh Hoà có 13 giảng viên, đào tạo khoảng 450 sinh viên chính quy. Như vậy tính trung bình số lượng giảng viên/sinh viên xấp xỉ 1/35, đó là chưa bao gồm số sinh viên liên thông, đào tạo từ xa và hoàn chỉnh kiến thức. Số lượng sinh viên toàn trường tăng trong năm 2016-2017, số lượng giảng viên không những không tăng mà còn giảm đáng kể. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng trên đòi hỏi giảng viên không ngừng nâng cao chất lượng mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Ngoài ra, một trong những nguyên nhân dẫn tới số lượng giảng viên giảm là mục đích động cơ giảng dạy của họ chưa được quan tâm thoả đáng. Vì vậy việc xác định các yếu tố ảnh hưởng tới phương pháp giảng viên đã và đang sử dụng phản ánh được động lực giảng dạy của giảng viên là việc làm có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn.
3.1 Thực trạng của các yếu tố ảnh hưởng đến việc sử dụng phương pháp giảng dạy môn nghiệp vụ lễ tân tại Trường Đại học Khánh Hoà.
Để đánh giá đúng bản chất vấn đề, tác giả đã tiến hành thu thập ý kiến của 04 giảng viên đang giảng dạy môn nghiệp vụ lễ tân tại trường. Thông qua bảng hỏi, tác giả tiến hành gán điểm từ 1- 4 điểm cho các tiêu chí đánh giá như sau:
Rất tốt: 4 điểm
Tốt: 3 điểm
Trung bình: 2 điểm
Kém: 1 điểm
3.1.1 Môi trường làm việc.
Môi trường làm việc của giảng viên rất đa dạng, phong phú bao gồm mối quan hệ giữa giảng viên với sinh viên, với lãnh đạo nhà trường… Trong đó môi trường gắn bó, gần gũi nhất đối với giảng viên đó chính là môi trường làm việc tại Khoa Du lịch, nơi mà mỗi giảng viên bộ môn nghiệp vụ lễ tân là một thành viên. Theo điều tra đối với 04 giảng viên bộ môn nghiệp vụ lễ tân cho thấy đánh giá tích cực về môi trường làm việc của mình (bảng 1.1), điểm trung bình chung của toàn thang đo là 3,5 xếp ở mức 4. Các yếu tố liên quan đến môi trường làm việc của Khoa được khảo sát bao gồm: bầu không khí tâm lý, tinh thần tranh luận khoa học, sự chia sẻ công việc giữa các thành viên và phong cách lãnh đạo của lãnh đạo Khoa.

Các tiêu chí

Điểm TB

Mức độ

1. Bầu không khí làm việc trong Khoa rất thoải mái

4

4

2. Có sự tranh luận dân chủ trong sinh hoạt khoa học tại Khoa

3,0

3

3. Giảng viên trẻ trong Khoa được hướng dẫn về chuyên môn mà họ sẽ đảm nhiệm giảng dạy

3,0

3

4. Các thành viên trong Khoa chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc

3,5

4

5. Lãnh đạo Khoa tạo mọi điều kiện cho giảng viên làm việc

4

4

Tổng

3,5

4

Bảng 1.1. Đánh giá của giảng viên về môi trường làm việc của họ.

Trên thực tế, Khoa Du lịch là Khoa có phong trào Công đoàn rất mạnh với các hoạt động xây dựng văn hóa, nề nếp làm việc đã đi vào chiều sâu trong nhiều năm qua. Chính truyền thống của Khoa và phong trào xây dựng văn hóa công sở ở nơi làm việc đã góp phần tạo dựng môi trường làm việc ở Khoa thực sự thoải mái, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau. Trong số các mệnh đề được khảo sát, mệnh đề “Bầu không khí làm việc trong Khoa rất thoải mái” và “Lãnh đạo Khoa tạo mọi điều kiện cho giảng viên làm việc” nhận được ý kiến đồng tình mạnh mẽ nhất từ các giảng viên, điểm trung bình của tiêu chí này là 4. Có thể nhận thấy, tất cả các giảng viên trong diện khảo sát đã đánh giá tích cực môi trường làm việc của mình. Những đánh giá tích cực này là tiền đề quan trọng để giảng viên có thể cống hiến cho công việc, hăng say với công việc giảng dạy, nghiên cứu khoa học.
3.1.2 Cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy.
Hoạt động giảng dạy của giảng viên sẽ không thể diễn ra nếu không có một hệ thống cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy đáp ứng ở mức độ nhất định. Các yếu tố liên quan đến cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy được khảo sát (bảng 1.2) bao gồm: máy móc, trang thiết bị phục vụ giảng dạy, cơ sở học liệu, phòng thực hành lễ tân, hệ thống mạng internet, máy vi tính và phần mềm quản lý khách sạn…

Các tiêu chí đánh giá

Điểm TB

Mức độ

1. Máy móc, trang thiết bị phục vụ giảng dạy – NCKH của Khoa, trường.

2,5

3

2. Cơ sở học liệu phục vụ giảng dạy- NCKH của Khoa, trường.

2,25

2

3. Phòng học, phòng thực hành phục vụ giảng dạy

2,5

3

4. Hệ thống mạng internet phục vụ giảng dạy

2,0

2

5. Phần mềm quản lý khách sạn (SMILE) hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu giảng dạy

2,0

2

Tổng

2,25

2

Bảng 1.2. Đánh giá của giảng viên về cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy.

Trong các vấn đề liên quan đến cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy được khảo sát, theo đánh giá của giảng viên, “Hệ thống mạng internet phục vụ giảng dạy” và “Phần mềm quản lý khách sạn (SMILE) hoạt động ổn định, đáp ứng nhu cầu giảng dạy” còn nhiều hạn chế. Cả hai tiêu chí này đều có điểm TB là 2.0, xếp ở mức 2. Tại phòng thực hành nghiệp vụ lễ tân đã trang bị hệ thống internet để chạy phần mềm quản lý khách sạn (SMILE) từ năm 2004. Tuy nhiên do thời gian lắp đặt khá lâu, lại không được nâng cấp, hệ thống máy vi tính xuống cấp làm cho hiệu quả sử dụng không cao. Trong năm 2017 toàn Trường Đại học Khánh Hòa (cơ sở 1 và 2) đã lắp đặt hệ thống mạng Internet không dây (wifi) phục vụ giảng dạy tại các khu giảng đường và các khu làm việc của giảng viên. Tuy nhiên, tốc độ đường truyền quá kém và giảng viên phải tiến hành nhiều thao tác kỹ thuật phức tạp mới có thể sử dụng được khiến nhiều giảng viên gặp khó khăn trong việc sử dụng và gián đoạn giảng dạy. Đó là lý do khiến nhiều giảng viên đánh giá hệ thống mạng internet và phần mềm SMILE không tốt. Bên cạnh đó, các tiêu chí máy móc, trang thiết bị cũng như cơ sở học liệu được các giảng viên đánh giá ở mức kém (2 điểm). Điều này phản ánh thực trạng xuống cấp của các trang thiết bị máy móc và học liệu không được quan tâm, một số không đáp ứng kịp thời hoặc đã hết do đã được trang bị từ rất lâu (năm 2004). Hiện nay, tất cả các trang thiết bị này hoặc là đã xuống cấp, hoặc không còn phù hợp với tình hình phát triển của ngành nghề. Tóm lại, kết quả khảo sát ở bảng số liệu 1.2 cho thấy, nhìn chung giảng viên đánh giá cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy hiện nay ở mức độ kém, chưa đáp ứng được yêu cầu giảng dạy của giảng viên, điểm trung bình của thang đo này đạt 2,25 xếp ở mức độ 2.
3.1.3 Chính sách lương, thưởng đãi ngộ đối với giảng viên.
Các vấn đề liên quan đến chính sách lương, thưởng đãi ngộ vật chất đối với giảng viên được khảo sát bao gồm: cơ chế trả lương, mức lương trả cho giảng viên, cơ chế trả thu nhập tăng thêm và chính sách khen thưởng vật chất đối với các giảng viên… Kết quả khảo sát về những vấn đề trên được phản ánh ở bảng số liệu 1.3.

Các tiêu chí đánh giá

Điểm TB

Mức độ

1. Cơ chế trả lương hiện nay không khuyến khích được giảng viên tích cực làm việc

3,5

4

2. Lương trả cho giảng viên hiện nay quá thấp khiến giảng viên không có động lực làm việc

3,75

4

3. Trả thu nhập tăng thêm, thưởng cần dựa trên sự đóng góp của từng giảng viên

3,5

4

4. Chính sách khen thưởng đối với các giảng viên có thành tích xuất sắc có tác dụng kích thích giảng viên làm việc tốt hơn

4,0

4

Tổng

3,68

4

Bảng 1.3. Chính sách lương thưởng, đãi ngộ đối với giảng viên.

Các số liệu ở bảng 1.3 cho thấy về cơ bản giảng viên chưa được thoả mãn với cơ chế, chính sách trả lương, thưởng và thu nhập tăng thêm như hiện nay đối với giảng viên. Ở tiêu chí “Cơ chế trả lương hiện nay không khuyến khích được giảng viên làm việc tích cực” có tới 02 giảng viên đánh giá ở mức 4 và 02 giảng viên đánh giá ở mức 3. Hoặc “Lương trả cho giảng viên quá thấp khiến giảng viên không có động lực làm việc” có tới 03 giảng viên đánh giá ở mức 4 và 01 giảng viên ở mức 3. Như vậy, về cơ bản giảng viên không đồng ý với cơ chế trả lương, số lương được trả và thu nhập tăng thêm theo kiểu bình quân và theo thâm niên công tác hiện nay. Họ đánh giá cao các hình thức trả lương ,thưởng dựa trên sự đóng góp của từng giảng viên và trả lương/thưởng dựa trên hiệu quả công việc. Việc “Trả thu nhập tăng thêm, thưởng cần dựa trên sự đóng góp của từng giảng viên” nhận được sự đồng tình rất mạnh mẽ của giảng viên. Tất cả các giảng viên được hỏi đều đồng ý rằng chính sách khen thưởng có vai trò lớn trong việc tạo động lực để mọi người làm việc hiệu quả hơn.
3.1.4 Tập thể sinh viên.
Giảng dạy là hoạt động hai chiều giữa giảng viên và sinh viên. Động cơ, mục đích giảng dạy của giảng viên trong trường nói chung và khoa Du lịch nói riêng cũng bị ảnh hưởng, chi phối bởi bởi tập thể sinh viên. Các khía cạnh liên quan đến tập thể sinh viên được khảo sát bao gồm: tinh thần, thái độ học tập, hứng thú, ý thức kỷ luật trong học tập của sinh viên… Các kết quả khảo sát về đánh giá của giảng viên đối với tập thể sinh viên được thể hiện ở bảng số liệu 1.4 chỉ ra rằng, về cơ bản giảng viên đã có đánh giá tích cực về tập thể sinh viên nơi họ giảng dạy, điểm trung bình chung của toàn thang đo = 3,5 xếp ở mức 4.

Các tiêu chí

Điểm TB

Mức độ

1. Sự ham học hỏi của sinh viên kích thích giảng viên tích cực đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy

4.0

4

2. Phong trào học tập của sinh viên rất tốt khiến giảng viên có hứng thú trong giảng dạy

3,75

4

3. Ý thức tổ chức kỷ luật của sinh viên rất nghiêm túc khiến giảng viên có tinh thần trách nhiệm hơn trong giảng dạy

3,25

3

4. Sinh viên hứng thú với môn học nghiệp vụ lễ tân

3,25

3

Tổng

3,5

4

Bảng 1.4. Đánh giá của giảng viên về tập thể sinh viên.

Qua phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm, nhiều giảng viên cho rằng động cơ, tâm huyết giảng dạy của họ chịu sự tác động nhất định bởi tập thể sinh viên. Sự ham hiểu biết, hứng thú của sinh viên đối với môn học đã trở thành động lực thúc đẩy giảng viên vượt qua những khó khăn thử thách gặp phải, vươn lên giảng dạy tốt hơn. Với câu hỏi: “Yếu tố nào ảnh hưởng mạnh mẽ nhất đến động cơ giảng dạy của thầy/cô?”, nhiều giảng viên cho rằng, đó chính là hứng thú học tập của sinh viên.
Từ những điều phân tích ở trên, có thể rút ra kết luận về tác động của các yếu tố khách quan đến động cơ giảng dạy của giảng viên. Nhìn chung, giảng viên trong diện khảo sát đánh giá tích cực các yếu tố khách quan như môi trường làm việc; mối quan hệ giữa giảng viên với tập thể sinh viên. Tức là hầu hết các giảng viên cho rằng họ đã và đang làm việc trong môi trường thuận lợi cùng với ý thức học tập của sinh viên khá cao. Điều này dẫn tới chất lượng giảng dạy các môn nghiệp vụ ở mức tương đối. Thực tế chứng minh rằng trong công tác đào tạo nghiệp vụ du lịch nói chung, nghiệp vụ lễ tân nói riêng trường Đại học Khánh Hoà chiếm một vị trí quan trọng và được hầu hết các doanh nghiệp tuyển dụng tin tưởng và đánh giá khá cao khả năng và trình độ tay nghề của sinh viên tốt nghiệp ra trường. Tuy nhiên bên cạnh đó còn có những mặt còn hạn chế về cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ cho công tác giảng dạy và chính sách lương thưởng. Để nâng cao được chất lượng đào tạo nghiệp vụ lễ tân hơn nữa cần phải có những biện pháp khắc phục tình trạng này.
4. Kiến nghị
Nâng cao chất lượng giảng dạy của giảng viên là việc làm có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc tạo ra đội ngũ nguồn lao động chất lượng của xã hội nói chung và củaTrường Đại học Khánh Hoà nói riêng. Trong khuôn khổ nghiên cứu này, tác giả đánh giá các yếu tố tác động để giảng viên bộ môn có động lực đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nghề lễ tân. Trên cơ sở đó tác giả xin đưa ra một số kiến nghị nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng giảng dạy môn học đáp ứng được yêu cầu thực tế của ngành.
Một là, nhà trường cần có chính sách để xây dựng nên quỹ đầu tư dành riêng cho các hạng mục cơ sở vật chất phòng thực hành của các nghiệp vụ nói chung và nghiệp vụ lễ tân nói riêng. Bởi hiện nay khoa du lịch là một trong những khoa quan trọng, chủ chốt của nhà trường. Nếu chất lượng đào tạo các nghiệp vụ không được nâng cao thì chất lượng của khoa du lịch sẽ bị tụt hậu với thực tế ngành. Do vậy việc đầu tư cho cơ sở vật chất là vấn đề mang ý nghĩa vô cùng thiết thực, là điều kiện tiên quyết để giảng viên có thể áp dụng những phương pháp giảng dạy hiện đại nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy hơn nữa đáp ứng được nhu cầu phát triển của xã hội.
Hai là, nhà trường cần có những biện pháp để động viên khen thưởng những giảng viên có thành tích cao trong giảng dạy, thay đổi chính sách trả lương, thu nhập thêm để từ đó giảng viên có động lực làm việc hiệu quả hơn.
Ba là, các trang thiết bị máy móc trang bị trong phòng thực hành lễ tân được sử dụng với công suất lớn vì có rất nhiều lớp khác nhau giảng dạy trong tuần. Do vậy, nhà trường cần có chính sách bảo trì bảo dưỡng các máy móc, phương tiện theo định kỳ hàng tháng để đảm bảo các phương tiện này hoạt động ổn định, không gây gián đoạn cho quá trình giảng dạy.
Bốn là, có cơ sở vật chất tốt, hệ thống trang thiết bị của phòng thực hành hiện đại nhưng đội ngũ giảng viên không biết vận hành, hoặc vận hành sai quy trình thì sẽ dẫn tới lãng phí cơ sở vật chất hoặc các trang thiết bị không có độ bền. Chính vì vậy, nhà trường cần cho các giảng viên đi học tập bài bản về các tính năng cũng như quy trình vận hành máy móc, trang thiết bị nhằm đảm bảo cho việc sử dụng lâu dài, ổn định.
Năm là, cần nâng cao ý thức của sinh viên trong việc sử dụng, bảo quản các trang thiết bị máy móc, vật dụng được sử dụng trong quá trình thực hành trên lớp. Từ đó sinh viên có ý thức tốt hơn trong việc bảo vệ tài sản chung cũng như nâng cao ý thức nghề nghiệp của bản thân.

ThS Vũ Thị Trinh – Khoa Du lịch.

Tài liệu tham khảo
1. Lê Đình (2008), Đánh giá giảng dạy- một nhân tố quan trọng trong đảm bảo và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, NXB Đại học Huế.
2. Lê Đức Luận, Những yếu tố tác động đến chất lượng giáo dục đại học.
3. Nguyễn Văn Lượt, Một số yếu tố khách quan tác động đến động cơ giảng dạy của giảng viên đại học, tạp chí khoa học Đại học QGHN, Khoa học xã hội và nhân văn, số 28 (2012) 35-38.
4. Nguyễn Thị Tình, Những yếu tố ảnh hưởng đến tính tích cực giảng dạy của giảng viên đại học, tạp chí Tâm lí học số 2 (2011) 80-88.

 
Khoa Du lịch