Chuyên đề: "Sự cần thiết của việc thường xuyên hướng nghiệp cho sinh viên"
Hướng nghiệp (career mentoring) là các hoạt động nhằm hỗ trợ mọi cá nhân chọn lựa và phát triển chuyên môn nghề nghiệp phù hợp nhất với khả năng của cá nhân, đồng thời thỏa mãn nhu cầu nhân lực cho tất cả các lĩnh vực nghề nghiệp (thị trường lao động) ở cấp độ địa phương và quốc gia. Hướng nghiệp là một quá trình liên tục tác động từ khi người học còn ngồi học ở bậc phổ thông, qua quá trình trao dồi chuyên môn nghề nghiệp và tìm được nơi lao động phù hợp. Trong đó lựa chọn nghề nghiệp yêu thích, chọn một trường đại học phù hợp chỉ là một giai đoạn đầu trong tiến trình hướng nghiệp của mỗi người. Vì vậy, hướng nghiệp cho sinh viên cần phải tiến hành liên tục ngay từ những ngày đầu tiên bước vào đại học đến khi tốt nghiệp ra trường. Mục đích là giữ sinh viên ở lại với Trường, Khoa, lớp, muốn vậy hướng nghiệp phải tiến hành từ năm một đến năm thứ tư, thông qua các kênh: giảng dạy, tọa đàm, seminar và hội thảo, những chuyến đi thực tế, chia sẻ với chuyên gia, chia sẻ với cựu sinh viên nhằm trang bị cho sinh viên kiến thức chuyên ngành, kiến thức ngoài ngành, kỹ năng mềm, thái độ đối với nghề nghiệp, qua đó đáp ứng đúng nhu cầu của sinh viên.
Hiện nay, trong tất cả các trường phổ thông trung học công tác hướng nghiệp cho học sinh luôn được chú trọng, nhà trường đã làm tốt điều này để học sinh của mình lựa chọn đúng ngành nghề mình yêu thích. Đặc biệt là xác định rõ được năng lực, kết quả học tập của bản thân để đăng ký xét tuyển vào trường đại học phù hợp. Tuy nhiên, khi thực hiện bước chuyển từ học sinh thành sinh viên, rất nhiều em gặp phải khó khăn, sinh viên phải chủ động hoàn toàn trong học tập, phải tự tìm ra phương pháp học tập thích hợp cho mình, sinh viên tiếp cận các phương pháp giảng dạy mới, các môn học mới mang tính chất chuyên sâu, chương trình học dày, khối lượng kiến thức lớn, số lượng giảng viên nhiều, dạy đông và mỗi môn là một giảng viên, có khi chưa kịp quen với phong cách giảng dạy của giảng viên thì môn học đã kết thúc. Bên cạnh đó, ở Đại học, cần làm việc chung với nhiều bạn bè, rồi bạn bè mới, mỗi người đến từ một tiểu vùng văn hóa khác nhau, phong cách sống khác nhau… những điều này khiến sinh viên có nhiều khó khăn để thích ứng với môi trường học tập mới. Cho nên, rất nhiều sinh viên sau học kỳ I năm thứ nhất cảm thấy chán nản, bỏ học giữa chừng hoặc bảo lưu kết quả.
Năm 2017, Đại học Nông Lâm TP.HCM có khoảng 600 sinh viên bị cảnh cáo học vụ, dẫn đến bị buộc thôi học. Đại học Luật TP.HCM cũng đưa ra danh sách 112 em bị buộc thôi học và cảnh cáo 66 trường hợp khác do học lực quá kém. Tương tự, tại Đại học Bách khoa TP.HCM, năm học 2016 - 2017 đã buộc thôi học hơn 500 sinh viên, cảnh báo học vụ khoảng 600 em. Đối với trường Đại học Khánh Hòa, năm học 2017-2018 đã buộc thôi học, cảnh báo học vụ hơn 200 sinh viên, chưa tính số lượng sinh viên xin bảo lưu kết quả học tập, xin nghỉ học giữa chừng. Trong điều kiện tuyển sinh khó khăn như hiện nay, rất nhiều sinh viên thôi học ảnh hưởng lớn đến nguồn thu, công tác đào tạo và thương hiệu của Trường.
Hiện nay, tất cả các trường đại học đang rất chú trọng đến 2 vấn đề: một là, đào tạo các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết nhằm trang bị cho sinh viên để khi ra trường sinh viên không bị bỡ ngỡ trong môi trường lao động; hai là, nâng cao chất lượng các kỳ thực tế, thực tập tại doanh nghiệp, địa phương và các trường phổ thông cho sinh viên. Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu hiện nay cho thấy, đến khi gần hết năm thứ tư, sinh viên chuẩn bị bước vào môi trường lao động thì một bộ phận lớn sinh viên thiếu hẳn định hướng nghề nghiệp, ra trường thì bị thất nghiệp, nên một số sinh viên sau khi ra trường thì quay lại học trung cấp, cao đẳng, một số thì học lại một đại học khác, một số học lên cao học nhưng cuối cùng cũng không biết làm gì.
Khi tiến hành khảo sát tại Khoa Du lịch – Đại học Khánh Hòa, sinh viên năm thứ nhất đã trải qua học kỳ đầu tiên của đại học, trong lớp, khoa của các em đã có bạn nghỉ học giữa học kỳ, học xong học kỳ 1 thì nghỉ hoặc bảo lưu kết quả để tìm kiếm cho mình một cơ hội khác tại một trường đại học khác, điều này ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý sinh viên, làm sinh viên giao động.
Đối với câu hỏi “Lý do nào bạn chọn Trường Đại học Khánh Hòa là nơi học tập của mình?” có 24 sinh viên lựa chọn vì điểm đầu vào thấp, 28 sinh viên lựa chọn vì gần nhà và 18 sinh viên lựa chọn vào học để có bằng đại học, còn vấn đề học phí thì ít sinh viên quan tâm. Như vậy, đối với một trường đại học địa phương với chính sách tuyển sinh hợp lý, tận dụng tốt khoảng cách địa lý, nguồn học sinh tại Khánh Hòa đã thu hút các em khi chọn trường đại học.
Đối với câu hỏi “Tại sao bạn chọn ngành nghề bạn đang học?” yếu tố gia đình, bạn bè ít được lựa chọn, thay vào đó có tới 54 sinh viên lựa chọn yếu tố đam mê và nhu cầu xã hội, điều này chứng tỏ khi các em lựa chọn ngành nghề mình theo học thì đã được tư vấn, hướng nghiệp rất tốt từ lúc còn trên ghế nhà trường phổ thông, qua đó chứng minh được sinh viên rất nghiêm túc trong việc chọn nghành nghề, nắm bắt rõ các thông tin liên quan về nhu cầu của xã hội đối với ngành nghề mình đang theo học, đây là điều hết sức quan trọng để sinh viên gắn bó lâu dài với ngành nghề của mình.
Tuy nhiên, khi nói đến cảm nhận của sinh viên khi học ở trường đại học thì tỷ lệ đánh giá rất tốt, tốt của sinh viên rất thấp, chủ yếu rơi vào khu vực đánh giá bình thường, sau đó là thất vọng và rất thất vọng. Có tới 33 sinh viên cảm nhận bình thường khi học tập tại môi trường đại học, bình thường ở đây có nghĩa là không tốt, không xấu, sinh viên vẫn đến trường học tập bình thường, vẫn tham gia các hoạt động của lớp, khoa, trường và không có ý kiến gì khác. Đối với sự lựa chọn thất vọng có tới 21 sinh viên, rất thất vọng có 11 sinh viên lựa chọn. Khi đi vào phỏng vấn sâu tại sao các em cảnh thấy thất vọng, rất thất vọng khi học đại học thì nhận thấy sinh viên kỳ vọng rất lớn khi bước vào đại học, được học ở môi trường mới, năng động, sáng tạo, chuyên nghiệp và gắn liền với ngành nghề mình lựa chọn nhưng khi đi học thì lại nặng về lý thuyết, ít thực hành các em mong muốn được gắn với thực hành nhiều hơn ngay từ năm thứ nhất; giảng viên lên lớp ít lồng ghép các kiến thức, kinh nghiệm sống, kinh nghiệm về nghề cho sinh viên, trong khi đó sinh viên rất mong muốn lắng nghe những chia xẻ từ phía giảng viên, với tư các là người thầy, người đi trước trong công sống. Đôi lúc sự thất vọng của sinh cũng đến từ việc xắp xếp lịch học chưa hợp lý, cơ sở vật chất của trường chưa được đảm bảo, việc gắn kết giữa các thành viên trong lớp không được như thời phổ thông hay là chính sách học bổng, hỗ trợ cho sinh viên còn thấp. Đứng từ góc độ người thầy, tác giả nghiên cứu có giải thích cho sinh viên là các em phải đọc về các môn học được công khai trên website của trường để sinh viên hiểu rõ hơn về mức độ tăng dần lượng kiến thức, từ lý thuyết cho đến kỹ năng nghề, dần dần được tiếp xúc với thực tế, thực tiễn nhiều hơn, sinh viên nên ổn định tư tưởng và an tâm học tập. Còn đối với nhóm sinh viên đánh giá bình thường thì khi phỏng vấn sâu một số sinh viên có tâm lý chưa ổn định khi học tập, nếu có vấn đề gì xảy ra trong quá trình học thì sẵn sàng chuyển đổi ngành học hoặc nghỉ học để chuyển trường khác.
Điều này chứng tỏ sinh viên chưa thực sự ổn định tâm lý, chưa coi trường đại học là ngôi nhà thứ hai của mình, một bộ phận sinh viên mang tâm lý chán nản khi đến lớp. Vì vậy, đối với câu hỏi mong muốn của sinh viên như thế nào từ phía giảng viên, khoa, nhà trường trong công tác hướng nghiệp, hầu hết 80 sinh viên đều thống nhất bỏ qua các yếu tố liên quan đến cơ sở vật chất, lịch học chưa hợp lý, chính sách hỗ trợ sinh viên. Sinh viên mong muốn ngay từ năm thứ nhất được tiếp xúc ngay với môi trường thực tế của nghề, được các giảng viên trong khoa, trong trường chia xẻ những kinh nghiệm đi trước, được khoa, trường tổ chức các buổi hướng nghiệp để hun đúc tình yêu nghề, gắn bó chặt chẽ với trường lớp. Sinh viên cũng mong muốn thường xuyên được gặp gỡ các doanh nghiệp, các nhà quản lý là các cựu sinh viên của trường để lắng nghe những kinh nghiệm, những khó khăn của họ đã trải qua khi còn là sinh viên, đến khi tốt nghiệp, ra đi làm, trưởng thành, phát triển đến ngày hôm nay. Quan trọng nhất là sự chia xẻ của các cựu sinh viên vì sao đã lựa chọn ngôi nhà Đại học Khánh Hòa là nơi học tập của mình, tại đây đã được các thầy cô giảng dạy, dìu dắt ra sao để sinh viên an tâm, hơn nữa khắc phục được tâm lý chán nản trong sinh viên, qua đó, giảm tối đa việc nghỉ học giữa chừng của sinh viên.
Trong trường trung học phổ thông công tác hướng nghiệp cho học sinh luôn được chú trọng, nhất là học sinh lớp 12 đứng trước ngưỡng của chọn trường, chọn nghề để học ở đại học. Tuy nhiên, khi bước vào đại học, trở thành sinh viên năm thứ nhất, nhiều sinh viên nảy sinh tâm lý chán nản, hụt hẫng, thất vọng về nghành học mình đang theo đuổi, thậm chí hiện tượng “ngồi nhầm lớp” của sinh viên năm thứ tư diễn ra phổ biến. Một trong những nguyên nhân chính là các trường đại học hiện nay chưa làm tốt công tác hướng nghiệp, mặc dù đã đưa vào chương trình giảng dạy các môn kỹ năng mềm, đi thực tế nghề nghiệp ngay từ năm thứ nhất.
Bản chất của hướng nghiệp trong trường đại học là chỉ cho sinh viên thấy được khi gắn bó với nghề, khi yêu nghề, vượt qua mọi khó khăn thử thách thì sinh viên sẽ đạt được thành công như thế nào, nhưng trước khi đạt đến thành công thì bản thân sinh cần tự phải trang bị cho mình những kiến thức, kỹ năng gì và những điều đó đến từ đâu trong trường đại học. Do đó, cần xác định công tác hướng nghiệp là công việc chung của từng giảng viên, của khoa và của toàn trường. Ngay từ những ngày đầu tiên đón sinh viên vào giảng đường đại học, chúng ta cần quan tâm ngay đến công tác hướng nghiệp cho sinh viên, trợ giúp các em về mặt tâm lý để sẵn sàng đón nhận những thay đổi lớn, có tính bước ngoặt trong cuộc đời các em, định hướng cho sinh viên những việc cần làm, nên làm, giữ được sinh viên gắn bó với trường, với lớp, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường.
Vì vậy, đối với giảng viên trong trường đại học, dù đang giảng dạy, nghiên cứu các môn khoa học cơ bản nhưng khi đứng trước sinh viên chuyên ngành của các khoa khác thì giảng viên cũng nên nghiên cứu những kiến thức chung nhất về ngành nghề của sinh viên đang theo học, thông qua sách, báo, bạn bè sưu tầm các câu chuyện liên quan đến nghành nghề của sinh viên, ra những bài tập nhóm có liên quan đến nghành nghề của sinh viên để lồng ghép vào bài giảng, tạo nên hứng thú cho sinh viên. Đây là điều cần thiết khi sinh viên năm thứ nhất chủ yếu tiếp xúc với giảng viên các môn khoa học cơ bản. Đối với giảng viên chuyên ngành bên cạnh việc nâng cao trình độ, cần mở rộng các mối quan hệ xã hội, các quan hệ với doanh nghiệp để lắng nghe, học hỏi, trao đổi những kinh nghiệm xử lý tình huống của doanh nghiệp, sau đó tiến hành đưa vào bài giảng để tăng thêm phần sinh động. Đội ngũ chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập cần nâng cao việc nắm bắt tình hình, tâm lý sinh viên, kịp thời tìm hiểu, giải đáp những khó khăn, vướng mắc của sinh viên trong quá trình học tập tại trường, thực tế tại doanh nghiệp.
Đối với các khoa, ngay từ buổi đón tiếp tân sinh viên, nên đưa thời lượng hướng nghiệp nhiều hơn nữa, rồi triển khai việc hướng nghiệp đến từng chủ nhiệm lớp, cố vấn học tập, từng giảng viên trong khoa để ngay buổi tiếp xúc đầu tiên tại lớp thì có thể tiến hành hướng nghiệp cho sinh viên. Các khoa cần tổ chức nhiều hơn nữa các buổi giao lưu, tọa đàm, chia xẻ kinh nghiệm, kiến thức thực tế với các nhà quản lý, các doanh nghiệp, đặc biệt là cựu sinh viên thành đạt. Song song với đó, thường xuyên đánh giá chính xác chất lượng các chuyến đi thực tế, thực tập, nắm bắt rõ tâm lý của sinh viên để có sự điều chỉnh trong công tác tổ chức các chuyến đi này.
Trong thực tế, không ai sinh ra có thể phù hợp hoàn toàn với nghề nào đó một cách tự nhiên mà phải có sự rèn luyện để hình thành những tố chất mà nghề nghiệp đòi hỏi. Vì vậy, sinh viên khi tốt nghiệp ra trường đi làm, bên cạnh việc tìm được công việc phù hợp với đúng ngành nghề mình đào tạo thì rất nhiều sinh viên làm trái nghề. Vì thế, trường đại học đóng vai trò là cơ sở đào tạo cần trang bị cho sinh viên đạo đức nghề nghiệp, ý thức nghề nghiệp, kỹ năng nghề nghiệp, ba vấn đề này không thể bỏ sót bất kỳ vấn đề nào. Nên khi sinh viên ra trường có đầy đủ đạo đức, ý thức, kỹ năng thì dù có làm ở bất kỳ ngành nghề, môi trường, doanh nghiệp nào cũng được đánh giá cao, góp phần nâng cao uy tín của nhà trường với xã hội./.
Tác giả: Mộc Trà