Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Du lịch ❯ Chi tiết
       
  03/02/2020 01:41        

CƠ HỘI PHÁT TRIỂN NGÀNH BÁN LẺ TẠI VIỆT NAM

CƠ HỘI PHÁT TRIỂN NGÀNH BÁN LẺ TẠI VIỆT NAM

 

1. Giới thiệu chung về Ngành Bán lẻ

Ngành Bán lẻ là một trong những ngành có tốc độ tăng trưởng liên tục và ấn tượng trong nhiều năm qua ở Việt Nam. Tốc độ tăng trưởng của ngành bán lẻ trong giai đoạn 2013-2018 là 10,97%. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 tăng 11,8% so với năm 2018 (Tổng cục thống kê, 2020). Thị trường bán lẻ Việt Nam nằm trong nhóm những thị trường mới nổi hấp dẫn nhất; hệ thống bán lẻ của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, kết hợp được cả yếu tố truyền thống và hiện đại với sự tham gia của hầu hết các khu vực kinh tế. Điều này cho thấy ngành Bán lẻ thực sự là một ngành dịch vụ nhiều tiềm năng phát triển, mang lại lợi ích đáng kể cho nền kinh tế; và tạo ra số lượng lớn công ăn việc làm cho xã hội.
Ngày nay, toàn cầu hóa kinh tế diễn ra ngày càng sâu rộng. Việt Nam đã tham gia và là thành viên của nhiều tổ chức và diễn đàn kinh tế lớn trong khu vực cũng như trên thế giới như Tổ chức thương mại thế giới (WTO), diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương (APEC), diễn đàn hợp tác Á – Âu (ASEM), Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC)… Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng này cùng với sự phát triển của nền kinh tế, thị trường bán lẻ Việt Nam đã có sức bật lên nhanh chóng cả về tổng lượng bán lẻ, số lượng và quy mô của các chủ thể gia nhập thị trường bán lẻ. Đặc biệt sự bùng nổ của các mô hình bán lẻ hiện đại như như cửa hàng bách hóa, trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm và hệ thống siêu thị dần trở nên phổ biến làm thay đổi diện mạo, tạo nên sức cạnh tranh trong ngành bán lẻ.
Chuyên đề này sẽ đánh giá hiện trạng của ngành bán lẻ Việt Nam cũng như nhận diện các cơ hội đối với hoạt động của ngành bán lẻ trong thời gian tới.
2. Ngành bán lẻ và vai trò của ngành bán lẻ
2.1. Ngành Bán lẻ
Ngành Bán lẻ chính là tập hợp có tổ chức các thành phần với những mối liên hệ về cấu trúc và chức năng xác định nhằm thực hiện những mục tiêu xác định là đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng cuối cùng nhằm phục vụ cho mục đích tiêu dùng cá nhân và hộ gia đình (Hồ Kim Hương, 2015)
Ngành Bán lẻ bao gồm tất cả các chủ thể kinh doanh (doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, các cơ sở kinh doanh cá thể…) có hoạt động cung cấp/bán trực tiếp hàng hóa tới người tiêu dùng, không phụ thuộc vào hình thức kinh doanh (siêu thị, chợ, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh…) (VCCI, 2016).
Căn cứ vào hình thức tổ chức bán lẻ, Ngành Bán lẻ được phân thành hai loại, gồm tổ chức bán lẻ truyền thống (bán lẻ truyền thống) và tổ chức bán bán lẻ hiện đại (bán lẻ hiện đại) (Hồ Kim Hương, 2015). Hình thức bán lẻ truyền thống là phương thức bán lẻ trong đó chủ yếu sử dụng phương thức bán hàng thủ công, trực tiếp. Hình thức bán lẻ truyền thống gồm: chợ, các cửa hàng bán lẻ truyền thống và buôn bán hàng rong,… Hình thức bán lẻ hiện đại là hình thức bán hàng theo phương thức tự phục vụ hoặc kết hợp chọn lấy hàng trên giá cho khách hàng và để khách hàng tự lựa chọn hàng trên giá trưng bày với sự hỗ trợ của nhân viên bán hàng. Hình thức bán lẻ hiện đại gồm: trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng hiện đại…
2.2. Vai trò của Ngành Bán lẻ
Ngành bán lẻ thúc đẩy ngành sản xuất phát triển: với vai trò là đầu ra cho sản xuất, ngành bán lẻ, đặc biệt là mảng bán lẻ hàng hóa còn là khâu quan trọng của toàn bộ chuỗi sản xuất nói chung của tất cả các ngành sản xuất. Do đó sự phát triển của ngành bán lẻ cũng đồng thời quyết định một phần không nhỏ hiệu quả, lợi nhuận và sự phát
triển của các ngành sản xuất trong nền kinh tế.
Ngành bán lẻ cung ứng đầy đủ và kịp thời hàng hóa đến người tiêu dùng: Ngành bán lẻ phát triển sẽ đem lại lợi ích cho người tiêu dùng. Thông qua hệ thống bán lẻ, người tiêu dùng được cung ứng đầy đủ, kịp thời và đúng chủng loại hàng hóa mà họ cần, đúng thời gian, tại một địa điểm và ở mức giá mà người tiêu dùng chấp nhận.
Ngành bán lẻ tạo ra việc làm cho một số lượng lớn lao động trong xã hội và mang lại thu nhập cho một bộ phận dân cư quan trọng. Bán lẻ là ngành kinh tế lớn, với số lượng chủ thể kinh doanh đông đảo, đang tạo ra việc làm cho một số lượng lớn lao động trong xã hội. Do đó, sự phát triển của ngành này có thể ảnh hưởng tới thu nhập cũng như cuộc sống của một bộ phận dân cư tương đối lớn trong xã hội.
3. Thực trạng ngành bán lẻ tại Việt Nam
Thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển khá mạnh trong những năm gần đây. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng có mức tăng trưởng nhanh qua các năm 2016 - 2019. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng năm 2017 đạt 3.956 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2016. Trong khi đó, năm 2018, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt gần 4.417 nghìn tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2017. Lượng cung hàng hóa trên thị trường dồi dào, đáp ứng đầy đủ, kịp thời cho nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2019 đạt 4.940 nghìn tỷ đồng, tăng11,8% so với năm 2018, mức tăng cao nhất giai đoạn 2016-2019.

Bảng 1 . Doanh thu hàng hóa bán lẻ Việt Nam giai đoạn 2016-2019

 

 

 

 Năm Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng (tỷ đồng) Doanh thu bán lẻ hàng hóa (tỷ đồng)  Tỷ trọng trong
tổng bán lẻ tiêu dùng (%)
Mức độ tăng trưởng bán lẻ  hoàng hóa (%) 
 2016  3.546.268,6 2.648.856,7  74,7   
 2017  3.956.599,1 2.967.484,7   75,0  12,0
 2018  4.416.620,7 3.329.049,0   75,4 12,2
 2019  4.940.399,0 3.749.763,6   75,9  12,6

(Nguồn: Tổng cục thống kê, 2020)

 

Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2019 đạt gần 3.750 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng và tăng 12,6% so với năm 2018. Trong đó, ngành hàng vật phẩm văn hoá, giáo dục tăng 14,4%; lương thực, thực phẩm tăng 13,2%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 11,3%; may mặc tăng 10,9%; phương tiện đi lại tăng 7,8%.

Bảng 2. Số lượng chợ, siêu thị, trung tâm thương mại qua các năm 2016-2018

 

 Loại hình  Năm 2016 Năm 2017   Năm 2018   
   Số lượng   Số lượng  So với 2016  Số lượng So với 2017 
 Chợ  8.591  8.580  -0,13%  8.475  -1,2%
 Siêu thị  865  958  10.8%  1.009  5,3%
 Trung tâm thương mại  168  189  12,5%  210  11,1%

Nguồn: Tổng cục thống kê, 2020)

 
Bên cạnh đó, số lượng các cơ sở bán lẻ đang tăng trưởng rất nhanh trong thời gian qua với sự phát triển của hoạt động thương mại, quy mô tiêu dùng, dòng đầu tư nước ngoài vào thị trường bán lẻ và việc gia nhập thị trường bán lẻ của một số doanh nghiệp lớn trong nước. Cuối năm 2018 cả nước có 8.475 chợ các loại, khoảng 1.009 siêu thị và 210 trung tâm thương mại. Các mô hình bán lẻ hiện đại như siêu thị cỡ vừa và nhỏ, cửa hàng tiện lợi sẽ tiếp tục đà phát triển mạnh trong năm 2019.
Các doanh nghiệp trong nước chiếm phần lớn thị trường bán lẻ Việt Nam như Vincommerce, với hệ thống siêu thị VinMart và cửa hàng tiên lợi VinMart+; Thế giới di động, gắn liền với thương hiệu Điện máy xanh, và cửa hàng Bách hóa xanh; Saigon Co.op với hệ thống siêu thị Co.opmart, đại siêu thị Co.opXtra, cửa hàng Co.op Smile, Co.op Food,… Ngoài ra, thị trường còn có sự tham gia của các nhà bán lẻ nổi tiếng nước ngoài như: Seven & i Holdings của Nhật Bản gắn liền với chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven; chuỗi cửa hàng tiện lợi B’s Mart của Thái Lan; Big C với hệ thống siêu thị; MM Mega Market (Thái Lan); Lotte Mart (Hàn Quốc) với hệ thống siêu thị và đại siêu thị...
4. Cơ hội phát triển ngành bán lẻ tại Việt Nam.
Quy mô dân số, tăng trưởng thu nhập đầu người cùng với độ mở của nền kinh tế đã tạo cơ hội cho Việt Nam trở thành một trong những thị trường đang phát triển hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quy mô tiêu dùng ở Việt Nam với dân số năm 2019 là 96,48 triệu người, tăng 1.098,8 nghìn người, tương ứng tăng 1,15% so với năm 2018, cơ cấu dân số vàng cho tiêu dùng (55,8 triệu người trong độ tuổi từ 15 trở lên, tăng 417,1 nghìn người so với năm 2018). Đồng thời, tốc độ đô thị hóa tại các đô thị khá cao, Việt Nam có 33,46 triệu người, sống ở khu vực thành thị chiếm 34,7%; tổng dân số.
Bên cạnh đó, tình hình việc làm năm 2019 của cả nước có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm giảm, số người có việc làm tăng, thu nhập của người lao động làm công hưởng lương có xu hướng tăng. Tỷ lệ tham gia lực lượng lao động năm 2019 ước tính đạt 76,5%; thu nhập bình quân 1 người 1 tháng năm 2019 theo giá hiện hành đạt khoảng 4,2 triệu đồng, tăng 0,3 triệu đồng năm 2018, tương ứng tăng 7,9% (Tổng cục thống kê, 2020). Đời sống dân cư cả nước tiếp tục được cải thiện. Đây là cơ sở cho thấy nhu cầu tiêu dùng sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới, đẩy triển vọng thị trường bán lẻ Việt Nam đi lên. Hơn nữa, cách mạng công nghiệp 4.0 đang hiển hiện rõ trong việc thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng. Người tiêu dùng không chỉ mua sắm ở các cửa hàng, sạp hàng hiện hữu tại kênh bán lẻ truyền thống cũng như bán lẻ hiện đại mà còn có thể thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình qua các kênh bán lẻ trực tuyến và thương mại điện tử. Xu hướng này kích thích cũng như tạo ra cơ hội cho các nhà bán lẻ có nhiều hình thức để tiếp cận nhanh và tiện lợi với thị trường tiêu dùng.
Ngoài ra, đối với ngành bán lẻ, nguồn hàng là giữ vai trò đặc biệt quan trọng, quyết định phần lớn tới giá cả và lựa chọn cho người tiêu dùng, do đó ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả sản xuất kinh doanh của các nhà kinh doanh bán lẻ. Song song với cam kết gia nhập WTO, Việt Nam thực hiện đồng thời các cam kết trong khuôn khổ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) khu vực và song phương khác (như AFTA với các nước ASEAN, các FTAs giữa ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc-New Zealand, FTA Việt Nam – Nhật Bản và FTA Việt Nam – Hàn Quốc); cam kết mở cửa thị trường bán lẻ với hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với việc gia nhập WTO và thực hiện các cam kết trên, Việt Nam đã thực hiện việc loại bỏ thuế quan dần dần và hiện đã đang mở cửa thị trường hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam. Nhờ đó, ngành bán lẻ sẽ có được nguồn cung cấp hàng hóa phong phú, với chất lượng tốt hơn, giá cả hợp lý hơn cho thị trường bán lẻ Việt Nam. Điều này sẽ tạo ra động lực rất tích cực thúc đẩy sự sôi động của thị trường bán lẻ, tạo thời cơ to lớn cho ngành bán lẻ Việt Nam.
Như vậy, thị trường bán lẻ Việt Nam được đánh giá là thị trường hấp dẫn, cùng với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội để phát triển ngành bán lẻ.
5. Kết luận
Sự phát triển của ngành bán lẻ không chỉ có ý nghĩa với riêng ngành này mà còn kéo theo sự phát triển của các ngành sản xuất trong nền kinh tế. Với vai trò là ngành kết nối giữa sản xuất với tiêu dùng, sự vận hành của hệ thống bán lẻ có ý nghĩa quan trọng đối với các ngành sản xuất hàng hóa phục vụ tiêu dùng cả ở góc độ sản phẩm đầu ra, các yếu tố đầu vào và tỷ suất lợi nhuận. Trong những năm gần đây, thị trường bán lẻ Việt Nam phát triển khá mạnh. Điều này sẽ tạo ra các cơ hội và tiềm năng lớn cho ngành bán lẻ tại Việt Nam. Hơn nữa, hiện nay Bán lẻ đang được tích hợp vào các chuỗi dự án bất động sản, condotel… như một phần không thể thiếu để phục vụ cư dân và các khách thăm quan du lịch. Vì vậy, Nhà nước nên có các chính sách phát triển ngành bán lẻ như các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển thương hiệu, hỗ trợ đào tạo nhân lực, cung cấp thông tin thị trường... Các doanh nghiệp bán lẻ cần có chiến lược mạnh mẽ và phù hợp, tận dụng các cơ hội tiềm năng từ hội nhập quốc tế như tăng cường liên kết, kết nối từ sản xuất - phân phối đến người tiêu dùng. 

Tài liệu tham khảo
1. Hồ Kim Hương (2015), Phát triển hệ thống bán lẻ Việt Nam thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, luận án Kinh tế Chính trị, Trường Đại học Kinh tế, ĐHQGHN
2. Tổng cục Thống kê (2020), tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2019
3. VCCI (2016). Rủi ro đối với ngành bán lẻ Việt Nam trong bối cảnh hội nhập TPP và các FTA. 
 

Bài viết: NCS. Nguyễn Hữu Thái Thịnh

 
Tên
Email *
Tiêu đề
Nội dung
Mã code    

 

Khoa Du lịch