Với phương châm đào tạo gắn liền rèn luyện sinh viên theo các đợt thực tế bộ môn Tuyến điểm du lịch, trong tháng 3 và tháng 4/2017 vừa qua các sinh viên chuyên ngành hướng dẫn viên của khoa Du lịch, trường ĐH Khánh Hòa đã có những chuyến đi thực tế, và trải nghiệm công việc của một hướng dẫn viên thật sự trong suốt hành trình khám phá Tây Nguyên và con đường di sản Miền Trung.
Sinh viên thực hành thuyết minh trên tuyến miền Trung
Trước khi tham gia chương trình thực tế bộ môn, sinh viên đã được trang bị kiến thức về tuyến điểm các vùng du lịch và thực hành thuyết minh điểm du lịch, xây dựng tuyến du lịch truyền thống, xây dựng tuyến du lịch tiềm năng trên lớp. Sau khi giảng viên bộ môn Tuyến điểm đánh giá về lượng kiến thức mỗi sinh viên đã tích lũy đạt yêu cầu, các em được hướng dẫn công tác chuẩn bị cho chương trình thực tế bộ môn.
Sinh viên thực hành sinh hoạt giao lưu văn hóa với đồng bào thiểu số ở Tỉnh Lâm Đồng
Đối với sinh viên năm thứ nhất qua hành trình 3 ngày 2 đêm khám phá Tây Nguyên, yêu cầu thực hành kỹ năng nghề theo tuyến chỉ ở mức độ làm quen nghề và ghi nhận, mô phỏng hình mẫu từ giảng viên hướng dẫn ngay trên xe trong suốt hành trình. Bên cạnh đó, sinh viên còn được rèn kỹ năng quan sát, kỹ năng đánh giá tài nguyên tại điểm du lịch, các dịch vụ du lịch. Điểm nhấn trong chương trình thực tế năm nhất là sinh viên tập kỹ thuật thuyết minh trên xe, dẫn khách tại điểm và hình thành kỹ năng nhớ cung đường theo tuyến du lịch; tập viết báo cáo thực tế bộ môn sau chuyến đi theo hình dung của một bản báo cáo tour sau khi hướng dẫn viên kết thúc nhiệm vụ.
Đối với sinh viên năm thứ hai, tất cả các kỹ năng thừa hưởng từ chương trình thực tế 1 đều đòi hỏi ở mức độ hoàn thiện hơn; tiếp đó là rèn luyện các kỹ năng khác cần thiết cho nghiệp vụ hướng dẫn du lịch: Hoạt náo trên xe, hoạt náo tại điểm, xây dựng và thực hiện chương trình gala, xử lý tình huống du lịch, kỹ năng xây dựng mối quan hệ với tài xế, với hướng dẫn viên tại điểm, kỹ năng làm việc nhóm. Hàng trình 7 ngày 6 đêm trải dài miền Trung còn là thử thách lớn về khả năng thu nhận thông tin, mức độ di chuyển và tần suất làm việc cho các em môi trường rèn luyện khả năng chịu đựng về thể lực. Đây là yếu tố này vô cùng cần thiết để sinh viên thực sự thấu hiểu được sự nghiêm túc cống hiến của nghề và tất cả nỗ lực sẽ đem lại không chỉ là tương lai mà là tri thức và kinh nghiệm cuộc sống khi được đặt chân đến những vùng đất lạ.
Hành trình nào cũng vậy, lúc mới khởi hành có nhiều sinh viên do chưa quen đi xe đường dài nên có cảm giác lo lắng và phân vân; nhưng càng trải nghiệm sinh viên càng hào hứng không chỉ bởi những điểm du lịch đẹp, những vùng đất lạ mà còn là những giây phút hòa chung không khí hoạt náo tinh nghịch trên xe. Đến ngày khép lại tour các sinh viên lại bồi hồi và chỉ mong nhanh đến chương trình thực tế tiếp theo, mong đến ngày thực sự đeo thẻ Hướng dẫn viên du lịch để thả sức vùng vẫy với nghề đã chọn.
Thạc sĩ Đỗ Phương Quyên