Vai trò của nguồn tư liệu lịch sử địa phương Khánh Hòa trong việc xây dựng bài giảng tuyến điểm du lịch
Tóm tắt: Mục tiêu bài giảng tuyến điểm du lịch Khánh Hòa là truyền tải đến sinh viên hai khối kiến thức: kiến thức chung (địa lý, lịch sử vùng đất, lịch sử dân cư, đặc trưng văn hóa) và kiến thức chuyên sâu về tài nguyên du lịch (bao gồm: di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh, di tích khảo cổ, văn hóa ẩm thực, địa danh lịch sử, danh nhân, nghệ thuật truyền thống, làng nghề…), thông tin cấu thành hai khối kiến thức này đều được phản ánh trong các nguồn tư liệu lịch sử địa phương (TLLSĐP). Việc sử dụng hiệu quả các nguồn TLLSĐP để thiết kế bài giảng tuyến điểm du lịch không chỉ giúp giảng viên phát triển nội dung kiến thức cần truyền tải và thuận lợi hơn khi sử dụng kết hợp nhiều phương pháp giảng dạy; mà còn giúp sinh viên có những hiểu biết sâu sắc về lịch sử, văn hóa vùng đất nơi mình sinh sống; TLLSĐP cũng là nguồn thông tin phong phú làm cơ sở rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho sinh viên du lịch. Trong bài viết này tác giả tập trung làm rõ vai trò và tầm quan trọng của các nguồn TLLSĐP trong việc thiết kế bài giảng tuyến điểm du lịch Khánh Hòa.
Từ khóa: Địa phương, Tư liệu lịch sử, Tuyến điểm du lịch.
1. Giới thiệu vấn đề nghiên cứu
Khánh Hòa là địa phương có lịch sử phát triển lâu đời do đó nguồn TLLSĐP vô cùng phong phú và đa dạng (tư liệu thành văn, tư liệu vật chất, tư liệu dân tộc học...). Nguồn tư liệu quý giá ấy đang được gìn giữ và phát huy dưới nhiều cách thức, qua nhiều phương tiện khác nhau, trong đó có sự tham gia tích cực và khá hiệu quả của ngành du lịch tỉnh.
Ngành du lịch tỉnh Khánh Hòa hiện đang phát triển mạnh cả hai lĩnh vực kinh doanh dịch vụ lưu trú và kinh doanh dịch vụ lữ hành; riêng chất lượng của sản phẩm lữ hành phụ thuộc phần lớn vào kiến thức và kỹ năng nghề của hướng dẫn viên du lịch. Kỹ năng nghề được rèn luyện qua chương trình kiến tập, thực hành, thực tập; còn kiến thức nghề sẽ được trang bị qua lớp học lý thuyết của nhiều môn học, nhưng quan trọng hơn cả là kiến thức từ môn tuyến điểm du lịch.
Nội dung bài giảng tuyến điểm du lịch về một địa phương được cấu trúc bởi hai phần: thông tin khái quát về địa phương, thông tin về tài nguyên du lịch. Để xây dựng bài giảng tuyến điểm tại trường Đại học Khánh Hòa, giảng viên cần sử dụng thành tựu tri thức liên ngành bao gồm: địa lý học, lịch sử học, dân tộc học, ngôn ngữ học, khảo cổ học, du lịch học… Trong số đó, lượng tri thức lịch sử được lồng ghép vào bài giảng tuyến điểm du lịch chiếm tỷ lệ khá lớn, chỉ xếp thứ 2 sau tri thức du lịch.
Nghiên cứu khai thác và sử dụng các nguồn TLLSĐP Khánh Hòa vào bài giảng tuyến điểm du lịch là công việc hết sức cần thiết, đồng thời cũng là nhiệm vụ cấp thiết hiện nay đối với giảng viên khoa Du lịch trường Đại học Khánh Hòa. Bởi lẽ, thông tin giới thiệu về Khánh Hòa nói chung và các điểm du lịch chủ yếu được cấu thành từ các nguồn tư liệu lịch sử (TLLS); quá trình sưu tầm, phân loại, chọn lọc và đưa TLLS vào bài giảng sẽ giúp giảng viên tăng cường sự hiểu biết, nội dung bài giảng tuyến điểm phong phú và chuẩn xác hơn; bài giảng tuyến điểm được khai thác từ nhiều nguồn TLLS sẽ tạo hứng thú, ấn tượng mạnh, giúp tăng khả năng ghi nhớ cho sinh viên. Bên cạnh đó, nguồn tư liệu vật chất (di tích, hiện vật…) tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên lĩnh hội tri thức và rèn kỹ năng hướng dẫn khi tham gia các đợt thực hành, ngoại khóa. Nói cách khác để bài giảng tuyến điểm du lịch phát huy hiệu quả cao nhất cần phải khai thác và sử dụng chính xác các nguồn TLLSĐP.
Từ những lý do nêu trên chúng tôi muốn làm rõ hơn “Vai trò của nguồn tư liệu lịch sử địa phương Khánh Hòa trong việc xây dựng bài giảng tuyến điểm du lịch” thông qua chuyên đề nghiên cứu này.
2. Kết quả nghiên cứu và bàn luận
2.1. Tư liệu lịch sử địa phương Khánh Hòa
2.1.1. Các nguồn tư liệu lịch sử
Hiện nay, các nhà khoa học lịch sử cơ bản đã thống nhất và chia TLLS thành sáu nhóm dựa theo nội dung phản ánh và tính chất của sử liệu:
Một là, sử liệu thành văn (chữ viết): ghi chép các sự kiện bằng chữ viết qua các kênh thông tin. Nguồn tư liệu này chiếm khối lượng lớn, phong phú và đặc biệt quan trọng, có lúc chiếm vị trí chủ yếu trong các nguồn TLLS. Đó là những TLLS đích thực như: các bộ sử biên niên, thông sử, hồi ký, các ghi chép lịch sử, văn bia, gia phả.... Nhìn chung, ưu điểm nổi bật của nguồn TLLS này là phản ánh tương đối toàn diện và chi tiết các sự kiện, nhất là về đời sống chính trị, xã hội.
Hai là, sử liệu vật chất: là những di tích vật chất hình thành trong quá trình hoạt động sống của con người. Nguồn sử liệu này cho chúng ta nhận thức trực tiếp những sự kiện trong quá khứ mà nó tham gia với vai trò là một mảng, một bộ phận của sự kiện. Ưu điểm vượt trội của TLLS vật chất là khả năng phản ánh khá trung thực và khách quan một mặt cụ thể của cuộc sống. Do đó, khi có tài liệu thành văn nhà nghiên cứu vẫn không thể bỏ qua nguồn sử liệu này, vì TLLS vật chất có thể bổ sung hoặc kiểm tra các tư liệu thành văn. Tuy vậy nhược điểm lớn nhất là bản thân sử liệu vật chất không thể tự bộc lộ nội dung nếu như nhà nghiên cứu không có phương pháp khai thác phù hợp.
Ba là, sử liệu truyền miệng dân gian: là loại sử liệu được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, có thể tồn tại dưới dạng những câu chuyện kể dân gian (truyền thuyết, thần thoại, truyện cổ tích…), trường ca, ca dao, dân ca, vè, hò, truyện kể của các cụ già, truyện kể của những người đã từng tham gia cách mạng,... Nguồn sử liệu này thường bị biến dạng qua nhiều thế hệ, thiếu tính chính xác về không gian, thời gian và những sự kiện được phản ánh trong đó. Tuy vậy, từ trong nội dung những câu chuyện dân gian luôn chứa đựng cốt lõi lịch sử.
Bốn là, sử liệu ngôn ngữ học:
TLLS ngôn ngữ học gồm hai loại:
Phương ngôn học, là tài liệu ghi chép về ngôn ngữ của địa phương với những sắc thái riêng biệt do lịch sử và môi trường thiên nhiên tác động. Tìm hiểu quá trình ngôn ngữ chuyển biến về mặt từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp sẽ bắt gặp những sự kiện hay quá trình lịch sử được phản ánh trong đó.
Địa danh học, là những tài liệu giúp giải mã nguồn gốc và ý nghĩa tên gọi của vùng đất nhất định, từ đó hiểu được nguồn gốc sự hình thành và phát triển của xóm làng, nghề nghiệp của cư dân địa phương.
Năm là, sử liệu dân tộc học: là đối tượng của ngành dân tộc học, bao gồm những vật thật, chữ viết, những câu chuyện truyền miệng thu được qua các cuộc khảo sát dân tộc học. Nghiên cứu những tàn dư trong hoạt động để nhận thức được quá khứ. TLLS dân tộc học có thể cung cấp những đặc điểm sinh hoạt văn hoá của dân tộc, từ đó tìm hiểu lịch sử văn hoá; hay cung cấp thông tin về mối quan hệ giữa các dân tộc, giúp tái hiện hoạt động giao thoa văn hoá và sự kiện kinh tế.
Sáu là, sử liệu tranh ảnh, phim ảnh, ghi âm, ghi hình: là loại TLLS quan trọng, cho phép nhà nghiên cứu nhận thức trực tiếp về quá khứ thông qua việc nghiên cứu hình ảnh được ghi lại trên sử liệu. Trong thời đại hiện nay, nguồn sử liệu này càng được sử dụng nhiều trong nghiên cứu, giúp ích rất nhiều đối với việc nghiên cứu lịch sử hiện đại.
Tuy nhiên, trong thực tế các nguồn TLLS của mỗi địa phương thường tồn tại 5 nhóm TLLS, đó là: sử liệu thành văn, sử liệu hiện vật, sử liệu truyền miệng, sử liệu ngôn ngữ học và sử liệu dân tộc học. Riêng nguồn sử liệu tranh ảnh, phim ảnh, ghi âm, ghi hình thường chiếm số lượng rất nhỏ nên ít được nhà nghiên cứu sử dụng phục vụ các công trình khoa học.
2.1.2. Nguồn tư liệu lịch sử địa phương Khánh Hòa
Cũng như các địa phương khác, nguồn TLLSĐP Khánh Hòa hiện nay khá phong phú. Trong đó nguồn TLLS thành văn vẫn chiếm tỉ lệ lớn nhất và được khai thác nhiều nhất phục vụ ngành sử học và nhiều ngành khoa học khác, trong đó có ngành du lịch.
Nguồn tư liệu thành văn ra đời có thể coi là sớm hơn cả phải kể đến tài liệu của Quốc sử quán triều Nguyễn (phần viết về Khánh Hòa); tiếp đến là những sắc phong của các triều vua. Trước năm 1975, một số tác phẩm nổi tiếng được coi như “địa chí” Khánh Hòa là Xứ trầm hương (Quách Tấn); Non nước Khánh Hòa (Nguyễn Đình Tư);…. Tư liệu viết chung về lịch sử tỉnh gần đây có: Địa chí tỉnh Khánh Hòa (viết 2002, 2013); về lịch sử vùng, miền có: Hồn quê xứ Vạn (Nguyễn Khoa Châu, Nguyễn Viết Trung), Ninh Hòa, những mảnh ghép văn hóa dân gian (Đỗ Công Quý); về lịch sử ngành có: Lịch sử giáo dục cách mạng ở Khánh Hòa (1945-1975), Giao thông vận tải Khánh Hòa (1945-2005), Lịch sử lực lượng vũ trang Khánh Hòa (1945-2005), Lịch sử phong trào phụ nữ Khánh Hòa (1930-1975), Lịch sử Đảng bộ Khánh Hòa các cấp. Ngoài ra có nhiều chuyên khảo nghiên cứu về Văn hóa dân gian Khánh Hòa (Lê Thị Khánh Mai), Văn hóa Dân gian Raglai ở Khánh Hòa (Nguyễn Hữu Bài, Trần Kiêm Hoàng…), Văn hóa tiền sơ sử Khánh Hòa (Bảo tàng Khánh Hòa), Lịch sử mặt trận Nha Trang - Khánh Hòa những ngày đầu kháng chiến… và nhiều tư liệu hồi ký, bút ký cá nhân.
Tư liệu bia ký liên quan đến văn hóa Chămpa nổi bật nhất là tấm bia đá granite khắc chữ Phạn cuối thế kỷ 2 sau công nguyên và được các nhà nghiên cứu nhận định tấm bia ký này có niên đại “sớm nhất Đông Nam Á” ở làng Võ Cạnh (thành phố Nha Trang); bia ký tại Tháp Bà Pônagar (thành phố Nha Trang)…
Vùng đất Khánh Hòa cũng được các nhà nghiên cứu khảo cổ học xác định là một trong những chiếc nôi hình thành và phát triển của nền văn hóa cổ thời Tiền sử và Sơ sử. Do đó, sử liệu vật chất dưới dạng di chỉ khảo cổ của Khánh Hòa là vô cùng phong phú minh chứng sự tồn tại của con người và quá trình giao lưu văn hóa với các nền văn hóa phía bắc, phía nam và cả bên ngoài lãnh thổ từ thời kỳ chưa có chữ viết. Kho tàng tư liệu quý giá này luôn được các nhà khảo cổ học, địa chất học, lịch sử học, nhân chủng học trong và ngoài nước quan tâm nghiên cứu từ đó đúc kết thành nhiều tác phẩm khoa học góp phần làm sáng tỏ những giá trị tiềm ẩn của mỗi loại hình TLLS hiện vật.
Theo báo cáo thống kê của Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa, tính đến năm 2015 trên địa bàn tỉnh có 59 địa điểm khảo cổ học, phần lớn thuộc thời tiền – sơ sử. Đến năm 2016, trên địa bàn Khánh Hòa đã phát hiện 39 địa điểm di tích khảo cổ và khu vực có dấu hiệu di tích khảo cổ giai đoạn tiền sử - sơ sử, địa bàn phân bổ cụ thể như sau: 15 địa điểm ở thành phố Cam Ranh, 11 địa điểm ở huyện Cam Lâm, 2 địa điểm ở huyện Khánh Sơn, 1 địa điểm ở huyện Diên Khánh, 3 địa điểm ở thành phố Nha Trang, 6 địa điểm ở huyện Vạn Ninh, 1 địa điểm ở huyện Trường Sa.
Nguồn TLLS vật chất Khánh Hòa còn được thể hiện qua hệ thống di tích lịch sử văn hóa (đền, tháp, đình, chùa, miếu, thành cổ, căn cứ cách mạng)… với những hiện vật có giá trị phục vụ cho khai thác du lịch thuộc phạm vi của hàng ngàn di tích trên toàn tỉnh; trong đó đã có 16 di tích, danh thắng xếp hạng cấp quốc gia và 171 di tích xếp hạng cấp tỉnh.
Khi tìm hiểu về sử liệu truyền miệng dân gian Khánh Hòa có thể tập trung vào các đầu sách: Xứ trầm hương (Quách Tấn), Truyện cổ dân gian Phú Khánh (Trần Trung Thành, Trần Việt Kỉnh, Chu Thị Thanh Hằng, Nguyễn Thành Thi), Văn hóa dân gian Khánh Hòa (Trần Việt Kỉnh), Truyền thuyết dân gian Khánh Hòa (Trần Việt Kỉnh), Thơ ca dân gian Phú Khánh (Trần Việt Kỉnh, Hà Nam Tiến, Nguyễn Chí Trang), Lịch sử văn hóa Khánh Hòa, những ghi chép (Ngô Văn Ban).
Các nguồn tư liệu khác như: tư liệu ngôn ngữ, tư liệu dân tộc học cũng góp phần rất lớn để tái hiện bức tranh lịch sử Khánh Hòa. Các tư liệu tranh ảnh, phim ảnh, ghi âm, ghi hình, một số đã viết thành văn, số khác cần có sự đầu tư thêm để sử dụng.
Như vậy, Khánh Hòa là địa phương giàu có về TLLSĐP với đầy đủ 6 nhóm sử liệu. Tuy số lượng của mỗi nhóm sử liệu khác nhau, số công trình nghiên cứu đã công bố nhiều nhất thuộc về nhóm sử liệu thành văn (chữ viết) nhưng tất cả đều góp phần quan trọng vào việc lưu truyền và phản ánh mảnh đất và con người hào hùng – Khánh Hòa. Hơn thế nữa, cả 6 nhóm sử liệu thuộc Khánh Hòa đều có giá trị cao và đóng vai trò quan trọng đối với công tác nghiên cứu và ứng dụng trong ngành khoa học xã hội nói chung, ngành du lịch học nói riêng.
2.2. Vai trò của nguồn tư liệu lịch sử địa phương Khánh Hòa trong việc thiết kế bài giảng tuyến điểm du lịch
2.2.1. Đối với bài “Khái quát chung về Khánh Hòa”
Mục tiêu bài giảng “Khái quát chung về Khánh Hòa” nhằm trang bị cho người học những kiến thức tổng quan về tỉnh Khánh Hòa: vị trí địa lý, các yếu tố tự nhiên nổi bật, lịch sử hình thành và phát triển, lịch sử dân cư, những nét văn hóa truyền thống tiêu biểu.
Trước đây, giảng viên sử dụng hai tài liệu để soạn bài giảng này là: Non nước Việt Nam và Địa chí Khánh Hòa. Tuy nhiên, thời gian gần đây chúng tôi nhận thấy thông tin khai thác từ hai tài liệu trên chưa đủ phản ánh tổng quát và đầy đủ thông tin chung về Khánh Hòa để giảng dạy Tuyến điểm du lịch thuộc địa phương. Vì vậy, chúng tôi tìm hiểu và nghiên cứu cách thức để khai thác các nguồn TLLSĐP Khánh Hòa vào bài giảng.
Nguồn TLLSĐP có vai trò chủ đạo trong quá trình giảng viên nghiên cứu và soạn bài giảng “Khái quát chung về Khánh Hòa”, việc khai thác nguồn TLLSĐP trong bài giảng du lịch hoàn toàn tách biệt với nội dung và cách soạn các bài giảng lịch sử địa phương. Bởi lẽ, bài giảng du lịch chỉ khai thác các mốc lịch sử lớn, những dấu tích điển hình và đặc trưng giúp nhận diện ra vùng đất Khánh Hòa chứ không đi theo tiến trình lịch sử từ cổ chí kim. Về tính chất thông tin sử liệu, bài giảng du lịch chỉ khai thác dưới dạng nhắc sự kiện và tóm lược mà không đi vào chi tiết và phân tích sự kiện.
Trong bài giảng “Khái quát chung về Khánh Hòa” chủ yếu khai thác bốn nguồn TLLS địa phương gồm: tư liệu thành văn; tư liệu truyền miệng dân gian; tư liệu dân tộc học; tư liệu tranh ảnh, phim ảnh, ghi âm, ghi hình.
TLLS thành văn giúp giảng viên triển khai nội dung về lịch sử vùng đất, lịch sử dân cư một cách lô gic và khoa học; giúp sinh viên lĩnh hội được kiến thức chính xác. Ví dụ: đối chiếu các ấn phẩm TLLS thành văn để soạn các nội dung – mốc khai nguyên Khánh Hòa, sự kiện 23/10, sự kiện 2/4, trận chiến Gạc Ma, nhân vật lịch sử (Trịnh Phong, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Trần Quý Cáp…), …
TLLS truyền miệng dân gian được khai thác trong phần phản ánh nét đẹp văn hóa điển hình tại Khánh Hòa. Thông qua những câu chuyện kể, ca dao, tục ngữ, thành ngữ… giúp giảng viên phát huy được khả năng sáng tạo trong giảng dạy, giúp sinh viên vừa tích lũy kiến thức vừa có thể ghi nhớ nội dung bài học nhanh và lâu hơn. Ví dụ: Lồng ghép các câu ca dao vào bài học từ đó lý giải các địa danh, giá trị văn hóa- “Mây hòn Hèo, heo Đất Đỏ, mưa ĐồngCọ, gió Tu Bông”, “Cọp Khánh Hòa, ma Bình Thuận”,…
TLLS dân tộc học là nguồn thông tin cần thiết và quý giá để giảng viên chỉ dẫn sinh viên giải mã các hằng số giá trị văn hóa của cộng đồng cư dân tại Khánh Hòa: văn hóa người Việt, văn hóa người Raglai, văn hóa người Chăm. Nguồn sử liệu này không chỉ làm phong phú bài giảng mà còn tạo cho sinh viên một nền tảng kiến thức sâu rộng khi thuyết minh cho du khách.
TLLS tranh ảnh, phim ảnh, ghi âm, ghi hình chỉ chiếm khối lượng nhỏ trong bài giảng nhưng góp phần hỗ trợ đắc lực cho giảng viên khi tái hiện các sự kiện, nhân vật, địa danh; tạo điều kiện tối ưu trong việc sử dụng các thiết bị hỗ trợ giảng dạy; tạo cơ hội áp dụng các phương pháp dạy học hiện đại. Đối với người học: giảm sự nhàm chán của giáo án, tăng sự hứng thú và khả năng ghi nhớ thông tin nhờ ấn tượng mạnh mà hình ảnh tạo ra.
2.2.2. Đối với bài “Tài nguyên du lịch tỉnh Khánh Hòa”
Mục tiêu bài giảng “Tài nguyên du lịch tỉnh Khánh Hòa” nhằm trang bị cho người học những kiến thức về các điểm du lịch, tuyến du lịch thuộc địa bàn tỉnh Khánh Hòa, thực hành kỹ năng đánh giá tài nguyên du lịch.
Đối với việc thiết kế bài giảng này, giảng viên đã tham khảo từ ba tài liệu chính: Non nước Việt Nam, Địa chí Khánh Hòa, Khánh Hòa, Nha Trang: một tiềm năng, một hiện thực; cùng với sự quan sát và kinh nghiệm thu nhận thông tin thực tế của mỗi giảng viên mà hầu như không tiếp cận các nguồn TLLSĐP khác.
Qua nghiên cứu chúng tôi nhận thấy, để nội dung bài giảng “Tài nguyên du lịch tỉnh Khánh Hòa” toàn diện hơn, giảng viên cần khai thác năm nguồn TLLS địa phương: tư liệu thành văn; tư liệu truyền miệng dân gian; tư liệu tranh ảnh, phim ảnh, ghi âm, ghi hình; tư liệu vật chất; tư liệu ngôn ngữ học.
TLLS thành văn là cơ sở khoa học giúp giảng viên xây dựng thông tin về lịch sử hình thành, đặc trưng kiến trúc, giá trị văn hóa vật chất, giá trị văn hóa tinh thần, lịch sử kiến tạo… của mỗi điểm du lịch. Những kiến thức đã được giảng viên kiểm chứng, chọn lọc sẽ tạo cho sinh viên sự tin tưởng vào trị thức trong quá trình tiếp nhận bài giảng.
Khi xây dựng nội dung dạy về tài nguyên du lịch ở Khánh Hòa, hầu hết điểm du lịch tự nhiên và đặc biệt là những điểm du lịch nhân văn đều chứa đựng các câu chuyện kể dân gian, ví như khi thuyết minh về Tháp bà Pônagar cần biết câu chuyện kể của người Chăm và người Việt về mẹ xứ sở, hay truyền thuyết về Hòn Chồng khi thuyết minh danh thắng Hòn Chồng – Hòn Đỏ…; chính vì vậy TLLS truyền miệng dân gian giữ vai trò thường xuyên và khá quan trọng đối với bài giảng về tài nguyên du lịch. Giúp cho bài giảng phong phú và phản ánh toàn diện các khía cạnh của điểm du lịch, giúp giảng viên đan xen phương pháp kể chuyện vào quá trình dạy góp phần tạo hứng thú cho sinh viên. TLLS truyền miệng dân gian tuy không phải là nội dung chính khi giảng về điểm du lịch, nhưng lượng thông tin này là không thể thiếu vì nó bổ trợ cho nội dung thuyết minh phục vụ khách du lịch.
TLLS tranh ảnh, phim ảnh, ghi âm, ghi hình đóng vai trò minh họa cho bài giảng, đó là phương tiện trực quan hữu hiệu nhất khi giảng viên dạy về điểm du lịch. Sử dụng tư liệu này sẽ tạo hứng thú mới cho người học, dễ tiếp nhận kiến thức; các hình ảnh, đoạn phim về tài nguyên du lịch giúp sinh viên hiểu sâu sắc bản chất kiến thức và tăng khả năng hình dung, khả năng ghi nhớ; đồng thời giảm sự bỡ ngỡ của sinh viên khi thực địa điểm du lịch. Ví dụ: khi truyền tải thông tin về vịnh Nha Trang, thay vì thuyết giảng kết hợp những dòng chữ trên bảng hoặc trên slide thì việc chiếu slide hình ảnh hoặc đoạn phim về điểm du lịch kết hợp thuyết giảng sẽ đem lại hiệu quả giảng dạy cao hơn nhiều.
TLLS vật chất cũng đem lại những lợi ích đáng kể cho việc giảng dạy du lịch: là công cụ giúp thực tế hóa kiến thức lý thuyết, góp phần không nhỏ vào việc đổi mới phương pháp dạy học với mục tiêu “học đi đôi với hành”, giúp sinh viên nâng cao khả năng ứng dụng các thao tác hướng dẫn tại điểm du lịch, biết cách thu thập thông tin, xử lý và đánh giá thông tin về tài nguyên du lịch, tạo hứng thú học tập, tăng cường thói quen tự học và tự nghiên cứu trong sinh viên. Một vai trò đặc biệt của nguồn TLLS này cần phải đề cập, đó là khả năng mang lại cho sinh viên những khám phá mới và tăng cường ý thức trách nhiệm công dân trong việc bảo tồn và phát huy hơn nữa các giá trị di sản văn hóa địa phương.
Lồng ghép TLLS ngôn ngữ học Khánh Hòa vào bài giảng tài nguyên du lịch giúp làm sáng tỏ những giá trị văn hóa riêng biệt của địa phương. TLLS ngôn ngữ giải thích về những địa danh cần thuyết minh như: Hòn Tre, Xóm Cồn, Hòa Diêm, Cổ Mã, Dốc Thị, Hòn Khói, Cù Huân, Trại Thủy, thành Diên Khánh, Đồng Bò, Đá Bàn, Hòn Hèo, Hòn Lớn, Trại Thủy…; TLLS này cũng trang bị cho sinh viên du lịch kho tàng phương ngôn Khánh Hòa: cách phát âm không phân biệt dấu hỏi với dấu ngã; phát âm giống nhau đối với các từ tận cùng có “g” hoặc không có “g”, các từ tận cùng là “c” và “t”; đọc chệch chữ “v” thành “d”; một số từ bị biến âm - “về” thành “vờ”, “khuya” thành “phia”, “nói” thành “noái”, “má” thành “mé”…; các từ đặc trưng - “đi dìa”, “ăn cuôm”, “tời quơi”, “thơi rời/ thâu rầu”, “chố”, “dị…hửng”... Nguồn tư liệu này không chỉ góp phần tăng sự hiểu biết cho sinh viên, mà còn là công cụ kết nối hướng dẫn viên với cư dân bản địa, giúp hướng dẫn viên tạo ấn tượng với khách du lịch.
Kết luận
TLLSĐP Khánh Hòa đã được giảng viên nghiên cứu, chọn lọc để sử dụng vào việc soạn giảng đối với hai bài giảng: Khái quát chung tỉnh Khánh Hòa, Tiềm năng du lịch tỉnh Khánh Hòa. Qua quá trình ứng dụng, chúng tôi rút ra được vai trò của các nguồn TLLSĐP đối với việc thiết kế bài giảng như sau:
Thứ nhất, TLLSĐP đóng vai trò nâng cao chất lượng bài giảng. Nếu giảng viên ít khai thác TLLSĐP sẽ làm nội dung bài giảng tuyến điểm nghèo nàn, không phản ánh được các trị thức điển hình về địa phương; nếu giảng viên không khai thác TLLSĐP thì bài giảng không đạt mục tiêu; nếu giảng viên sử dụng nguồn tư liệu khác thay thế có thể dẫn đến sự sai lệch, thông tin không đáng tin cậy.
Thứ hai, TLLSĐP đóng vai trò quan trọng trong đổi mới phương pháp dạy học.
Nguồn TLLSĐP phong phú cho phép giảng viên dễ dàng đổi mới phương pháp dạy học. Thay vì lý thuyết suông, một chiều với lượng tri thức giới hạn trong bài giảng của giảng viên, người dạy có thể giới thiệu các ấn phẩm của nhiều nguồn TLLSĐP để sinh viên tham khảo. Thay vì chỉ cung cấp thông tin về những điểm du lịch sinh viên chưa từng đi đến, sẽ làm cho người học khó hình dung; người dạy sẽ sử dụng hình ảnh, phim ảnh, mô hình của địa phương giúp sinh viên có thể tiếp cận dễ dàng. Hơn thế nữa, khi giảng viên triển khai bài giảng bằng việc tổ chức buổi học ngoại khóa ngay tại điểm du lịch hoặc đi khảo sát các tuyến du lịch tại địa phương sẽ giúp sinh viên nhanh hiểu bài, dễ ghi nhớ kiến thức, rèn luyện kỹ năng quan sát, đánh giá, tự nghiên cứu... Và điều cuối cùng, dựa vào nguồn TLLSĐP giúp bài học trở nên sinh động, tăng hiệu quả giảng dạy; công tác giáo dục tình yêu quê hương, ý thức bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vùng đất trong sinh viên du lịch cũng hiệu quả hơn.
Thứ ba, TLLSĐP tạo cơ sở để sinh viên ngành hướng dẫn viên rèn luyện kỹ năng thực hành. Bởi TLLSĐP gần gũi về tên người, tên đất, tên đường, sự kiện giúp sinh viên dễ tiếp cận để nghiên cứu và tự tin khi giới thiệu về địa phương. Phần quan trọng hơn nữa, Khánh Hòa là địa bàn sinh viên có khả năng tìm việc làm nhiều nhất sau khi tốt nghiệp. Do đó, việc giảng viên tăng cường ứng dụng nhiều nguồn TLLSĐP Khánh Hòa vào bài giảng, sinh viên tích cực sưu tầm và tự nghiên cứu TLLSĐP sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên tích lũy tri thức và thực hành kỹ năng nghề hiệu quả hơn; đồng nghĩa với việc nhà trường và bản thân sinh viên đang tạo cơ hội việc làm cho sinh viên ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường (thông qua hình thức phụ tour, kiến tập, thực tập), cơ hội được tuyển dụng ngày sau khi tốt nghiệp.
Mỗi nguồn TLLSĐ đều có cách phản ánh khác nhau về lịch sử: có tư liệu phản ánh được những quy luật, nét cơ bản, nét điển hình; có tư liệu chỉ phản ánh được cái riêng, điểm đặc thù. Do đó, TLLSĐP không chỉ đóng vai trò quan trọng trong nghiên cứu soạn giảng và học tập môn học Tuyến điểm du lịch Việt Nam; mà còn rất cần thiết đối với nghề du lịch vì khi hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho du khách về vùng đất Khánh Hòa cần phải có kiến thức từ nhiều nguồn TLLSĐP. Tùy vào mục tiêu của từng bài giảng tuyến điểm du lịch Khánh Hòa mà giảng viên sẽ lựa chọn sử dụng những nguồn TLLSĐP phù hợp để thiết kế bài. Khi khai thác thành công các nguồn TLLSĐP Khánh Hòa vào bài giảng tuyến điểm du lịch Khánh Hòa sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho cả việc dạy và việc học. /.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Văn Ban (2013), Lịch sử văn hóa Khánh Hòa, những ghi chép, Nxb. Đà Nẵng.
2. Trần Việt Kỉnh (2008), Truyền thuyết dân gian Khánh Hòa, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
3. Phan Ngọc Liên (Chủ biên) (2009), Phương pháp luận sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
4. Phan Ngọc Liên, Trịnh Đình Tùng (1999), Nhập môn sử học, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.
5. Nguyễn Cảnh Minh (Chủ biên) (1999), Lịch sử địa phương, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
6. Nghị quyết số 29-NQ/TW, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI, ký ngày 4/11/2013.
7. Chu Đình Lộc (Chủ biên), Nguyễn Thị Kim Hoa, Nguyễn Thị Kim Hằng, Nguyễn Thị Thân (2015), Giáo trình lịch sử địa phương, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, Hà Nội.
8. Quách Tấn, Xứ Trầm Hương (1970), Nxb Lá Bối, Sài Gòn.
9. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch (2015), Dấu ấn gửi lại, Nxb Hồng Đức, Tp. Hồ Chí Minh.
Bài viết: Ths. Đỗ Phương Quyên