Sự gắn kết với doanh nghiệp trong hoạt động đào tạo nguồn nhân lực du lịch
Nhiệm vụ chính của khoa Du lịch là đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao đáp ứng thị trường lao động trong thời kỳ hội nhập của tỉnh Khánh Hòa và cả nước. Một trong những giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng đào tạo mà khoa xác định là “Đào tạo gắn liền với thực tế, gắn với nhu cầu của người sử dụng lao động, đề cao việc học lý thuyết đi đôi với thực hành”.
Chúng ta biết rằng, đào tạo nguồn nhân lực du lịch chất lượng cao là yếu tố cốt lõi mang tính quyết định cho sự phát triển kinh tế - xã hội, đã và đang trở thành nguồn tài sản vàng cho các cơ sở kinh doanh du lịch. Nhưng để phát triển đáp ứng trong giai đoạn tiếp theo thì nguồn nhân lực này không thể không thay đổi một cách toàn diện về trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, năng lực nghề nghiệp, giao tiếp ngoại ngữ… Trong thời kỳ hội nhập có nhiều ứng dụng của công nghiệp 4.0, nguồn nhân lực du lịch khi đào tạo cần phải trang bị thật sâu những kiến thức và kỹ năng khi vận hành vào công việc. Trong quá trình đào tạo, sinh viên cần hình thành và phát triển hệ thống những phẩm chất, năng lực, sức sáng tạo, sự chủ động, có kỹ năng và thái độ phù hợp với ngành nghề và vị trí việc làm. Sau khi đào tạo, người lao động hoàn toàn chủ động làm nghề một cách năng suất, hiệu quả và chất lượng nhất ở các công đoạn của ngành dịch vụ du lịch.
Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là khi nhu cầu công việc cao thì doanh nghiệp không dám nhận nhiều sinh viên thực tập vì thiếu người giám sát các em, dễ ảnh hưởng đến chất lượng công việc. Ngược lại, doanh nghiệp chỉ nhận sinh viên khi nhu cầu thấp, nhưng lúc đó cơ hội làm việc thực thụ với nghề của sinh viên lại rất ít. Vì vậy, phần lớn sinh viên khi được doanh nghiệp phỏng vấn thường có kỹ năng và kiến thức chuyên môn yếu, chưa kể rất mơ hồ về nghề nghiệp, trong khi kinh nghiệm luôn là ưu tiên của không ít nhà tuyển dụng… Để giải quyết vấn đề thiếu nhân lực phục vụ, nhiều doanh nghiệp du lịch vẫn sử dụng lao động thời vụ với chất lượng không cao. Vậy tại sao nhiều sinh viên đã tốt nghiệp một thời gian vẫn còn nằm trong đối tượng lao động này? Đó là vì các em chưa có thái độ tốt với nghề của mình. Nếu các em có thái độ tốt, đương nhiên sẽ có kỹ năng và kiến thức tốt, điều đó sẽ giúp các em trở thành một lao động giỏi. Do đó, việc liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp để định hướng nghề, nâng cao khả năng thực tiễn là điều cấp thiết để giảm dần những bất cập trên.
Các vấn đề chính được các doanh nghiệp luôn nhắc đến và đối thoại với nhà trường thường xoay quanh việc định hướng nghề nghiệp cho sinh viên; việc thực tập - thực tế của sinh viên; cũng như 3 thành tố hợp thành năng lực của người học gồm kiến thức, kỹ năng, thái độ. Như vậy, trong đào tạo, cần phải nhắc đến mô hình đánh giá năng lực ASK của Bloom (1956), đã chỉ ra rõ bộ 3 tiêu chí cơ bản tạo nên năng lực người lao động, bao gồm: thái độ, kỹ năng và kiến thức. Nhà trường cung cấp cho người học chủ yếu về kiến thức còn kỹ năng và thái độ lại rất cần có sự liên kết ủng hộ của các doanh nghiệp du lịch nhằm tăng cường và củng cố sự kết nối, quan hệ hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp; cung cấp cho sinh viên cơ hội được tiếp xúc gần hơn với ngành, môi trường làm việc thực tế sau khi ra trường; giúp nâng cao kỹ năng và khả năng tiếp cận thực tế các nghiệp vụ phục vụ khách du lịch cho sinh viện; củng cố cho sinh viên tính kỷ luật cao và tác phong nghiêm túc trong công việc.
Từ thực tế trên cho thấy, việc hợp tác, liên kết giữa cơ sở đào tạo chuyên sâu (Khoa Du lịch) với các đơn vị du lịch cần được tăng cường hơn nữa. Sự phối hợp giữa nhà trường với DN du lịch nhằm giúp sinh viên có vốn kiến thức thực tế, qua đó sớm bắt nhịp vào công việc sau khi tốt nghiệp.
Liên kết với DN, nhà trường có thể nắm bắt được các yêu cầu về kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ, phẩm chất của sản phẩm đào tạo. Các thông tin này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc thiết kế nội dung, chương trình đào tạo cũng như đổi mới phương pháp giảng dạy, đào tạo theo chuyên môn sâu của nhà trường. Ngược lại, nhà trường được hỗ trợ giải quyết một phần khó khăn về giảng đường, phòng thí nghiệm, thiết bị dạy học và đào tạo tại DN trong khi cơ sở vật chất và thiết bị dạy học còn thiếu, chưa chuẩn theo việc làm. Bên cạnh đó, còn được hỗ trợ nguồn tài chính thông qua cấp học bổng cho sinh viên, trả học phí dưới dạng tài trợ cho đại học để đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho DN… Điều này đã góp phần đổi mới phương pháp dạy học cho đội ngũ giảng viên và thực tập của sinh viên, đó là phải thay đổi theo hướng phục vụ người học, đảm bảo sự linh hoạt và bám sát thực tế nhu cầu công việc sau này tại cơ sở.
Các DN, các công ty lớn hay các tập đoàn quốc gia đều cho rằng trong những năm qua không có đủ nguồn nhân lực để tuyển dụng, đặc biệt là Nguồn nhân lực chất lượng cao được đào tạo với quy mô bài bản, đúng quy trình và đáp ứng được nhu cầu công việc của họ. Vấn đề trong công tác liên kết đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp, công ty du lịch đã trở nên cần thiết hơn bao giờ hết và đã thu hút một lượng lớn sự quan tâm của dư luận khi nói về mối quan hệ này. Hơn nữa, các DN du lịch lại khẳng định rằng họ bắt buộc phải tuyển dụng theo mùa vụ để đáp ứng được số nhân viên và sau khi tuyển dụng, họ lại bắt đầu công tác đào tạo lại một lần nữa theo đúng tiêu chuẩn mà họ đặt ra. Như vậy, họ làm một công đoạn liên kết cùng nhà trường ngay từ đầu cùng song hành để đến khi sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng theo yêu cầu là có ngay mà không mất nhiều chi phí cho việc củng cố chất lượng nhân viên nữa.
Đối với các DN, khi hợp tác liên kết đào tạo với các nhà đào tạo, các DN này sẽ yên tâm phần nào về nguồn nhân lực đông đảo và vững chắc, chất lượng thông qua các hợp đồng hợp tác đào tạo được kí kết. Không phải tiêu tốn những chi phí vô ích để đào tạo và đào tạo lại. DN có thể đánh giá mức độ năng lực của sinh viên thông qua những khoảng thời gian mà sinh viên đã thực tập tại DN. Từ đó, có thể dễ dàng chọn lựa ra những ứng viên tốt hơn, có chất lượng đào tạo chuyên nghiệp, có trình độ cao, kĩ năng tốt, thái độ với việc làm… và giải quyết được vấn đề lao động hay nguồn nhân lực trong xã hội. Nếu sinh viên còn có những thiếu sót hay những yếu tố bất cập, DN có thể bổ sung và trao đổi trực tiếp với trường đào tạo tại các quy chế liên kết đào tạo để trường đào tạo có phương hướng khắc phục và giải quyết ngay từ khi bắt đầu công tác tư vấn tuyển sinh đầu vào.
Các chuyên gia đào tạo và các nhà khoa học luôn đồng quan điểm với vấn đề liên kết trong đào tạo là tốt nhất để tránh việc nhân lực đào tạo ra rất nhiều nhưng không sử dụng được cho công việc. TS.Nguyễn Văn Lưu - Cố vấn phó Dự án ADB 2652 cho rằng: Đối với sinh viên sau khi tốt nghiệp, chắc chắn rằng họ sẽ có cơ hội lựa chọn những địa điểm cũng như những DN thực tập thích hợp với bản thân nhờ các hợp đồng hợp tác đào tạo nghề giữa NT và DN. Từ đó, dễ dàng phát triển bản thân và nắm bắt được những xu hướng nghề nghiệp, môi trường làm việc thực tế, và những kĩ năng giải quyết các vấn đề xã hội.
Nhận thức được tầm quan trọng của việc liên kết với doanh nghiệp đối với quá trình đào tạo, khoa Du lịch đã đầu tư nhiều công sức xây dựng mối quan hệ với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch để nhận sự hỗ trợ toàn diện cho GV và SV. Cụ thể, Khoa đã xúc tiến để thực hiện liên kết được với các doanh nghiệp lớn, có uy tín trong các lĩnh vực khách sạn – nhà hàng như Amiana Resort Nha Trang, An Lam Ninh Van Bay Villas, Evason Ana Mandara Nha Trang Resort, Havana Hotel, InterContinental Nha Trang, Mia Resort Nha Trang, Novotel Nha Trang, Sheraton Nha Trang Hotel & Spa, Vinpearl Nha Trang Resort, Sunrise Hotel Nha Trang …; lĩnh vực du lịch lữ hành như: Sài Gòn Tourist, VietTravel, Du lịch Long Phú, Nha Trang Trẻ, …để hợp tác đào tạo du lịch.
Hiện Khoa Du lịch có 3 ngành đào tạo gồm Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, QTKD NH-KS và Hướng dẫn. Đặc biệt, bắt đầu từ năm học 2020, khoa có chương trình đào tạo ngành Quản lý Bán lẻ. Với sự gắn kết trong hoạt động đào tạo hiện nay của khoa Du lịch, đối với ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành người học sẽ có cơ hội được thực hành tại các tập đoàn kinh doanh lưu trú cao cấp và tham gia các chuyến đi thực tế du lịch trong và ngoài tỉnh với các doanh nghiệp lữ hành uy tín; Đối với ngành Hướng dẫn du lịch, người học sẽ có cơ hội được đào tạo tiếp cận bộ tiêu chuẩn nghề du lịch mới nhất của Tổng cục du lịch Việt Nam (do EU tài trợ), được thực hành nghề ngay tại các doanh nghiệp lữ hành hàng đầu Nha Trang và tham gia các chuyến đi thực tế du lịch trong và ngoài tỉnh với các doanh nghiệp lữ hành uy tín; Đối với ngành QTKD NH-KS, người học không những được cung cấp những kiến thức cơ bản về quản trị kinh doanh, sự phát triển ngành du lịch và những kiến thức chuyên sâu trong lĩnh vực quản trị khách sạn - nhà hàng, các kỹ năng thực hành nghề khách sạn - nhà hàng tại các phòng thực hành nghề theo tiêu chuẩn VTOS tại trường mà còn thực tế bộ môn, thực hành nghiệp vụ tại các khách sạn cao cấp đạt tiêu chuẩn quốc tế từ 4 sao trở lên như: Sheraton & Spa Nha Trang, Amiana Resort Nha Trang, Vinpearl Golf Land Resort & Villas Nha Trang, Six Senses Ninh Vân Bay Resort, Novotel Nha Trang, Liberty Central Nha Trang, Ariyana Smart Condotel Nha Trang, InterContinental Nha Trang… Có thể nói, sự liên kết này đã tạo điều kiện thúc đẩy chất lượng đào tạo ngành Du lịch tại Trường Đại học Khánh Hòa.
Trong thời gian tới, Khoa Du lịch phấn đấu hoàn thành tốt mục tiêu trọng tâm với quyết tâm: Phát triển đội ngũ cán bộ cả về chất và lượng; Tăng cường vai trò của lãnh đạo để xây dựng Khoa Du lịch trở thành địa chỉ tin cậy cho sự lựa chọn của sinh viên, phụ huynh và doanh nghiệp.
Bài viết: Ths. Phạm Thị Hương Giang