Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Du lịch ❯ Chi tiết
       
  17/07/2017 16:15        

Liên kết đào tạo: NỀN TẢNG CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO SINH VIÊN NGÀNH KHÁCH SẠN - NHÀ HÀNG

Tốt nghiệp, có việc làm đúng với ngành nghề đào tạo luôn là mơ ước không chỉ của các sinh viên mới tốt nghiệp mà ngay cả đối với các em còn ngồi trên giảng đường. Hiện nay, nhu cầu trẻ hóa lực lượng lao động được thể hiện rất rõ ràng thông qua số liệu thống kê số lượng các doanh nghiệp du lịch ngày càng tăng. Đây chính là cơ hội lớn cho các bạn sinh viên khi tốt nghiệp, tìm thấy những mảnh đất để thể hiện và phát huy khả năng bản thân.

 

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam, ngành du lịch sẽ trở thành nền kinh tế trọng điểm, đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển và có chỗ đứng trong khu vực. Riêng tỉnh Khánh Hòa được tỉnh đề cao phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, điều này sẽ góp phần tạo nhiều cơ hội cho sinh viên học du lịch. Nhằm giúp các em có hành trang kiến thức, môi trường phù hợp để phát triển năng lực của mình, không thể không kể đến vai trò quan trọng của cơ sở đào tạo. Hiện nay, các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực du lịch tại Khánh Hòa đã có sự phối hợp giữa ba nhà: Nhà nước – nhà trường – xã hội, giúp các em thích nghi nhanh với công việc khi ra trường. Thực tế toàn tỉnh Khánh Hòa đã có 11 cơ sở đào tạo về nghiệp vụ nghề du lịch. Riêng Khoa Du Lịch, trường ĐH Khánh Hòa luôn hướng đến mục tiêu gắn kết đào tạo với sử dụng nguồn nhân lực đáp ứng đúng nhu cầu xã hội. Ban Giám hiệu Trường đã xúc tiến việc ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác đào tạo giữa Trường và các đối tác là các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo du lịch Việt Nam và Quốc tế. Việc hợp tác giữa hai bên sẽ đem lại cho sinh viên Du lịch cơ hội được thực tập, tìm hiểu thực tế về nghề tại cơ sở lưu trú, được đào tạo kỹ năng và nghiệp vụ nghề nghiệp từ các chuyên gia trong lĩnh vực du lịch, tạo thêm nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp trong tương lai.
Nhằm giúp các em sau khi ra trường có thể đáp ứng tốt các yêu cầu của doanh nghiệp về thái độ, kỹ năng, và kiến thức, chương trình khung đào tạo của nhà trường luôn được cập nhật, điều chỉnh giúp sinh viên có được nền tảng vững chắc về kiến thức và kỹ năng để hòa nhập và thích nghi với môi trường làm việc thực tế. Bên cạnh đó là đội ngũ cán bộ giảng viên trẻ của Khoa, đầy năng động, nhiệt huyết, thường xuyên tham gia những khóa đào tạo nâng cao trình độ tay nghề, chuyên môn, cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục. Như vậy, môi trường đào tạo tốt sẽ tạo ra cơ hội giúp các em có thể bắt tay vào công việc dễ dàng và phát triển năng lực của bản thân. Tại Khánh Hòa các khách sạn, resort tăng trưởng nhanh chóng. Đến năm 2016 Khánh Hòa đã có 643 cơ sở lưu trú lưu lịch, với hơn 25.000 phòng, mỗi năm thu hút thêm khoảng 10.000 lao động (Theo thống kê của Sở Du lịch Khánh Hòa). Ngoài việc làm tại địa phương, sinh viên còn có nhiều cơ hội việc làm ở các nước khác nhau trên thế giới. Cụ thế, nước ta đã tham gia tổ chức thương mại thế giới WTO (2006); Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương – TPP (2016); Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, một trong những thỏa thuận giữa các quốc gia là công nhận lẫn nhau về lao động trong đó có lao động du lịch (MRA-TP) (2015). 

Tóm lại, sinh viên nói chung và sinh viên du lịch nói riêng khi rời khỏi ghế nhà trường, các em sẽ bước sang một trang mới. Hành trang đó có rất nhiều cơ hội và cũng không ít thách thức đối với các em, nhất là trong thời kỳ hội nhập này. Việc các em phải cố gắng làm đó là biến các thách thức thành cơ hội của mình, và tận dụng các cơ hội đó. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp là yếu tố quan trọng quyết định đến việc nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực du lịch, góp phần đưa ngành du lịch ngày càng phát triển tương xứng với tiềm năng và vị trí.

 

 

 

 

Đỗ Bạch Yến

 
Khoa Du lịch