Theo chương trình đào tạo và kế hoạch học tập năm thứ ba bậc cao đẳng ngành Việt Nam học_Hướng dẫn viên, bộ môn Quản trị kinh doanh Lữ hành (BM QTKDLH) khoa Du lịch tổ chức thực hiện chương trình thực tế tuyến điểm 3 từ ngày 21/12/2017 đến hết ngày 27/12/2017. Hoạt động thực tế tuyến điểm trên vùng đất miền Tây sông nước là hoạt động thực tế cuối cùng trong hành trình ba năm học của sinh viên và là cơ hội tiếp cận, thực hành nghiệp vụ hướng dẫn chuyên sâu về tuyến, điểm vùng Nam bộ nói chung và miền Tây nói riêng.
Kế hoạch và chương trình năm nay do BM QTKDLH xây dựng với nhiều cải tiến, đổi mới phù hợp với thực trạng tuyến điểm, nội dung mở rộng với nhiều điểm du lịch hữu ích, thực hành nghiệp vụ hướng dẫn chuyên sâu nhằm mục đích hoàn thiện về mặt kiến thức tuyến, điểm cũng như kiến thức về lưu trú và ẩm thực tại vùng, hoàn thiện và nâng cao kỹ năng nghiệp vụ hướng dẫn cho sinh viên năm cuối tự tin, vững vàng tiếp cận nghề nghiệp khi ra trường. Điểm đổi mới của chương trình là việc kết hợp học tập kiến thức với việc giáo dục ý thức dân tộc, đồng thời mở rộng thêm các kiến thức về các điểm du lịch tự nhiên hấp dẫn mà chương trình các năm trước chưa có.
“Hành trình trên đất phù sa” đi qua rất nhiều tỉnh thành của vùng miền Tây – Nam từ Thành phố Hồ Chí Minh đi qua Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu, … đến Cà Mau và tiếp cận thực tế với rất nhiều điểm du lịch hấp dẫn có trong chương trình du lịch của các đơn vị Lữ hành hiện nay của Việt Nam. Nội dung chương trình phong phú, đa dạng kết hợp nhiều kiến thức của du lịch sinh thái và du lịch văn hóa. Về điểm du lịch văn hóa bao gồm nhiều điểm du lịch về di tích lịch sử, tôn giáo, nghệ thuật, văn hóa bản địa như: Địa Đạo Củ Chi, Dinh Độc Lập, Biệt Thự Công Tử Bạc Liêu, Bảo Tàng Chứng Tích Chiến Tranh, bảo tàng Khmer, chùa Khleang, Khu lưu niệm Đờn Ca Tài Tử Nam Bộ, Chợ Nổi Cái Răng, các làng nghề truyền thống Nam bộ. Về điểm du lịch sinh thái có thể nói đến như: Cù lao sông nước miệt vườn, Vườn quốc gia Tràm Chim, các làng hoa tại Đồng Tháp, Đất Mũi Cà Mau. Trong đó, điểm đặc biệt ý nghĩa đối với sinh viên đó chính là địa điểm tận cùng của Tổ quốc - Đất Mũi Cà Mau, vừa mang ý nghĩa kiến thức học tập vừa mang ý nghĩa tự hào dân tộc khi được một lần đặt chân đến đây. Nghiệp vụ hướng dẫn được trau dồi trong cả quá trình đi của chương trình. Trên từng chặng đường tất cả sinh viên đều được thực hành thuyết minh trên xe theo chủ đề đã được phân chia, các em còn được học hỏi các kiến thức cũng như kĩ năng thuyết minh tại điểm du lịch, rèn luyện các kĩ năng hướng dẫn tại khách sạn, nhà hàng và xử lý các tình huống phát sinh khi đi tour.
Hình 1. Khám phá vườn quốc gia Tràm Chim (Đồng Tháp) và đất mũi Cà Mau.
Hình 2. Hoạt động của đoàn tại một số điểm đến.
Với “Hành trình trên đất phù sa”, sinh viên đã được rèn luyện kĩ năng cũng như kiến thức đã học trên lớp một cách tối ưu nhất, bổ sung thêm nhiều kiến thức hiểu biết thực tế cần thiết cho hướng dẫn viên cũng như cơ hội thực hành nghiệp vụ cho sinh viên. Hơn nữa, hoạt động này còn mở rộng thêm các kiến thức về lữ hành, lưu trú, văn hóa ẩm thực, rèn luyện thêm cho sinh viên về ý thức kỷ luật, tinh thần tập thể, kĩ năng làm việc độc lập. Đây là cơ hội học tập, trau dồi quý báu, hoàn thiện kiến thức trong chuỗi kiến thức tuyến, điểm từ Bắc đến Nam, hoàn thiện kỹ năng nghề hướng dẫn, đem lại nhiều ý nghĩa và những trang bị vững vàng cho sinh viên sắp tốt nghiệp nhằm phục vụ cho công việc tương lai sau khi sinh viên ra trường.
Đinh Ngọc Thanh Thủy – khoa Du Lịch.