Tiếp nối những bước chân phiêu bồng trong sự vỗ về của các cơn sóng tại Gành Đá Đĩa, khách lữ hành lại đặt chân đến nơi thời gian dường như ngừng trôi, để cùng chạm vào quá khứ trên Con đường di sản miền Trung: Thánh Địa Mỹ Sơn.
Hình 1. Thánh Địa Mỹ Sơn.
Mỹ Sơn là điểm duy nhất của nghệ thuật Chăm có quá trình phát triển liên tục từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 13, được kết nối bằng những vật liệu bền vững và trường tồn cho đến tận ngày nay. Được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới từ năm 1999, Thánh Địa Mỹ Sơn là một bảo tàng kiến trúc điêu khắc nghệ thuật vô giá của nhân loại, ẩn chứa vô vàn bí ẩn về lịch sử, văn hoá cùng những khúc hùng ca đầy tự hào của dân tộc Chăm vẫn đang thách thức những nỗ lực khám phá của thế hệ mai sau. Ngoài chức năng hành lễ, giúp các vương triều tiếp cận với các thánh thần, Mỹ Sơn còn là trung tâm văn hóa và tín ngưỡng của các triều đại Chămpa và là nơi chôn cất các vị vua, thầy tu nhiều quyền lực.
Hình 2. Sinh viên khoa Du Lịch thực tế tuyến điểm.
Ngày nay, Thánh Địa Mỹ Sơn tuy không còn nguyên vẹn, song tất cả vẫn còn đượm màu văn hoá cổ xưa, vẫn còn đó những hình ảnh và âm thanh vang vọng từ quá khứ thể hiện qua những giai điệu và vũ điệu của dân tộc còn gìn giữ đến tận ngày nay. Đừng bỏ qua cơ hội một lần được chạm tay vào quá khứ, cùng hoà mình vào những điệu múa Siva đầy huyền bí để tâm hồn được lắng lại và bình an.
Khoa Du Lịch.