Thực hiện kế hoạch sinh hoạt chuyên đề của Bộ môn Địa lý - Lịch sử - Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, sáng ngày 12/11/2018, tại Văn phòng khoa, Thầy Trương Văn Phượng - Phó trưởng Bộ môn Địa lý – Lịch sử báo cáo chuyên đề về Tai biến thiên nhiên – hiện trạng và các nhân tố tác động gây tai biến thiên nhiên ở khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Khánh Hòa.
Tham dự buổi Báo cáo có giảng viên Bộ môn Địa lý - Lịch sử và toàn thể sinh viên lớp Sư phạm Địa lý – Lịch sử K42.
H1- Thầy Trương Văn Phượng giới thiệu về nhiệm vụ nghiên cứu của chuyên đề
Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, các tai biến thiên nhiên như bão, lũ lụt, xói lở bờ sông, xói lở bờ biển, hạn hán, xâm nhập mặn, mực nước biển dâng… đã xảy ra với quy mô, cường độ lớn với sức tàn phá ngày càng ác liệt, gây nên những hậu quả nặng nề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa nói chung và khu vực đồng bằng ven biển Khánh Hòa nói riêng. Từ thực tế đó, chuyên đề đã xác định nhiệm vụ nghiên cứu về hiện trạng các tai biến thiên nhiên và phân tích các nhân tố gây tai biến thiên nhiên ở khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Khánh Hòa.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, giai đoạn từ năm 2000 đến năm 2015, trên khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Khánh Hòa diễn ra 05 dạng tai biến thiên nhiên chủ yếu, bao gồm: xói lở bờ sông, xói lở bờ biển, lũ lụt, hạn hán và xâm nhập mặn. Xói lở bờ sông chủ yếu diễn ra trên dòng chính sông Cái Nha Trang và sông Cái Ninh Hòa. Cụ thể, trên sông Cái Nha Trang có 16 điểm xói lở, trên sông Cái Ninh Hòa có 12 điểm xói lở. Xói lở bờ biển chủ yếu diễn ra tại vùng bờ biển của 3 khu vực chính: Bờ Xuân Tự, Vạn Ninh, đoạn đường bờ dọc đường Trần Phú, vịnh Nha Trang và đoạn bờ Cam Lộc - Cam Phúc với tổng số các đoạn xói lở là 20 đoạn. Tình trạng ngập lụt chủ yếu diễn ra trên lưu vực sông Cái Nha Trang, tổng kết hiện trạng có 07 xã, phường bị ngập nặng, 09 xã phường bị ngập nhẹ trong mùa mưa lũ thuộc huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang. Hạn hán diễn ra cục bộ trên một số khu vực đồng bằng, trong đó nghiêm trọng nhất tập trung tại các địa phương như xã Vạn Thạnh, Xuân Sơn (huyện Vạn Ninh); Ninh Phú, Ninh Thượng, Ninh Xuân, Ninh Thân (thị xã Ninh Hòa); Vĩnh Nguyên, Vĩnh Lương (Thành phố Nha Trang); Cam Nghĩa, Cam Bình (Thành phố Cam Ranh). Xâm nhập mặn chủ yếu diễn ra trên hệ thống sông Cái Nha Trang vào mùa khô, đến chân cầu Vĩnh Phương, ở tầng sâu 2m độ mặn vượt mức cho phép sử dụng sản xuất.
Các nhân tố gây tai biến thiên nhiên ở khu vực đồng bằng ven biển tỉnh Khánh Hòa bao gồm các nhân tố tự nhiên (địa chất, địa hình – địa mạo; khí tượng; thủy văn và hải văn; lớp phủ thổ nhưỡng; lớp phủ thực vật) và các nhân tố kinh tế - xã hội (dân cư và nguồn lao động, các ngành kinh tế, các công trình nhân tạo).
H2: Thầy Trương Văn Phượng báo cáo kết quả nghiên cứu của chuyên đề
Buổi báo cáo đã giúp sinh viên Sư phạm ngành Địa lý hiểu rõ hơn về các tai biến thiên nhiên ở tỉnh Khánh Hòa, nhận thức được các nhân tố gây tai biến, đồng thời có ý thức trong việc hạn chế những tác động của tai biến thiên nhiên nói riêng, biến đổi khí hậu nói chung. Những kiến thức thực tế có tác dụng hữu ích, là hành trang cho sinh viên tự tin bước vào đợt thực tập cuối khóa của sinh viên Sư phạm Địa lý - Lịch sử.
ThS. Nguyễn Thị Kim Hằng