Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  21/01/2019 04:57        

Báo cáo chuyên đề: “Rèn luyện kỹ năng sử dụng tranh ảnh, lược đồ lịch sử cho sinh viên”

Thực hiện mục tiêu đào tạo và kế hoạch năm học 2018-2019, sáng ngày 18/01/2019, tại phòng học 406B - Trường Đại học Khánh Hòa, cô Nguyễn Thị Kim Hằng – Phụ trách Bộ môn Địa lý - Lịch sử báo cáo chuyên đề: "Rèn luyện kỹ năng sử dụng tranh ảnh, lược đồ lịch sử cho sinh viên". Tham dự buổi báo cáo gồm các thầy cô giảng viên trong Bộ môn và tập thể lớp Sư phạm Địa - Sử K42.
Buổi báo cáo tập trung vào các nội dung chính: Vai trò của đồ dùng trực quan trong dạy học lịch sử; Nhiệm vụ của giáo viên - sinh viên thực tập; Rèn luyện kỹ năng sử dụng tranh ảnh, lược đồ lịch sử.
Trong dạy học hiện nay, không ai phủ nhận vai trò to lớn của đồ dùng trực quan. Tuy nhiên, sử dụng như thế nào để có hiệu quả dạy học nói chung, phát triển tư duy cho học sinh nói riêng là vấn đề không đơn giản. Đối với bộ môn lịch sử, không ít giáo viên vẫn coi đồ dùng trực quan như tài liệu minh họa mang tính hình thức mà chưa biết khai thác kiến thức lịch sử thông qua đồ dùng trực quan, khiến giờ học trở nên nhàm chán, nặng nề và khó nhớ. Vì vậy, rèn luyện kỹ năng sử dụng đồ dùng trực quan cho sinh viên Sư phạm là một trong những hoạt động thường xuyên của Tổ bộ môn nhằm nâng cao trình độ của sinh viên, đáp ứng nguyên tắc dạy học “từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng và từ tư duy trừu tượng trở về thực tiễn” (Lênin). 

H1: Cô Nguyễn Thị Kim Hằng hướng dẫn sinh viên kỹ năng sử dụng bản đồ lịch sử.
 Đồ dùng trực quan được sử dụng tốt sẽ góp phần tạo biểu tượng, giúp học sinh hình thành khái niệm, nhận thức quy luật lịch sử; phát triển năng lực quan sát, tư duy, ngôn ngữ, thực hành bộ môn và giáo dục tư tưởng, tình cảm, đạo đức và tính thẩm mỹ cho học sinh. Trong dạy học lịch sử, đồ dùng trực quan có nhiều loại như: hiện vật, tạo hình, quy ước, kỹ thuật hiện đại. Mỗi loại có cách sử dụng riêng. Vì vậy, nhiệm vụ của giáo viên là: phân loại, sắp xếp đồ dùng trực quan; tích lũy, bổ sung đồ dùng trực quan; tổ chức cho học sinh làm việc với đồ dùng trực quan và linh hoạt sử dụng kênh hình trong các hình thức dạy học.
Ví dụ: ở bài 20 (Lịch sử 7): Nước Đại Việt thời Lê sơ, mục IV. Một số danh nhân văn hóa xuất sắc của dân tộc - GV sẽ tổ chức cho HS tìm hiểu hình 47 (Nguyễn Trãi) thông qua hệ thống câu hỏi - Các em hãy quan sát và mô tả chân dung Nguyễn Trãi?
- Em biết gì về Nguyễn Trãi?
- Nguyễn Trãi có đóng góp gì cho đất nước?
- Nhân dân ta đã làm gì để tỏ lòng biết ơn, kính trọng Nguyễn Trãi?
Nhờ vậy, học sinh không chỉ được rèn kỹ năng quan sát, mô tả chân dung bên ngoài mà còn chú ý phân tích vai trò, đóng góp của nhân vật lịch sử, đồng thời nảy sinh lòng kính trọng, biết ơn anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi.      

H2: Sinh viên thực hành kỹ năng sử dụng tranh, ảnh lịch sử.
 Để phát huy hiệu quả sử dụng đồ dùng trực quan tranh ảnh, giáo viên cần thực hiện các bước: Thứ nhất, cho học sinh quan sát và mô tả tranh ảnh; Thứ hai, sử dụng câu hỏi nêu vấn đề, tổ chức hướng dẫn học sinh tìm hiểu nội dung tranh ảnh; Thứ ba, học sinh trình bày kết quả tìm hiểu nội dung tranh ảnh, học sinh khác bổ sung, giáo viên nhận xét, hoàn thiện nội dung. Đối với bản đồ, giáo viên cần lưu ý: Giới thiệu các ký hiệu có trên lược đồ trước khi trình bày diễn biến trên lược đồ; Đặt câu hỏi để học sinh tìm hiểu nội dung thể hiện trên lược đồ; Tường thuật và tích hợp các kiến thức liên môn để phần giảng sinh động; Hướng dẫn học sinh trình bày diễn biến trên lược đồ.
Buổi báo cáo đã mang lại không khí sôi nổi, hứng thú đối với sinh viên lớp Địa - Sử. Đây là hoạt động nhiều ý nghĩa của Tổ bộ môn nhằm củng cố, bổ sung cho các em những kiến thức, những kỹ năng cần thiết trong việc soạn giảng, thực hành nghề nghiệp trước khi bước vào đợt thực tập cuối khóa./.

                                                                               ThS. Nguyễn Văn Tuấn

 
Khoa Khoa học XH&NV