Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  13/04/2019 11:04        

Chuyên đề: Hình tượng người kể chuyện trong văn xuôi Bùi Ngọc Tấn

                                            HÌNH TƯỢNG NGƯỜI KỂ CHUYỆN TRONG VĂN XUÔI BÙI NGỌC TẤN

                                                                                                                Ths. Phan Thúy Hằng

Tóm tắt: Theo lí thuyết tự sự học, vấn đề người kể chuyện là một phương diện cơ bản để cấu trúc lại truyện kể. Nghiên cứu người kể chuyện trong Văn xuôi Bùi Ngọc Tấn nhằm tìm hiểu các hình thức chủ thể kể chuyện, hình tượng người kể chuyện và mối quan hệ giữa người kể chuyện và tác giả. Qua đó thấy được những đóng góp của Bùi Ngọc Tấn trong việc kế thừa và cách tân hình thức người kể chuyện trong văn xuôi tự sự.
1. Bùi Ngọc Tấn là một gương mặt của văn học hiện đại. Hành trình văn học của Bùi Ngọc Tấn bắt đầu vào năm 1954 và cho đến nay ông đã để lại nhiều dấu ấn đáng lưu ý cả về tiểu thuyết, truyện ngắn và bút kí. Mặc dù sáng tác của ông không phải là đồ sộ nhưng đã gây được tiếng vang lớn, đặc biệt ở hải ngoại và từng đoạt được nhiều giải thưởng. Bằng sự nỗ lực không ngừng, Bùi Ngọc Tấn đã từng bước khẳng định được mình trên văn đàn. Bùi Ngọc Tấn là một nhà văn có một “phận người và phận văn” đặc biệt. Có những lúc ông vắng bóng trên văn đàn và tưởng chừng như không thể cầm bút trở lại, song được sự động viên từ bạn bè và đặc biệt chính niềm đam mê văn chương đã đưa ông trở lại để văn học có một tên tuổi Bùi Ngọc Tấn như ngày hôm nay. Nghiên cứu văn xuôi Bùi Ngọc Tấn, theo chúng tôi, không chỉ dừng ở tìm hiểu nội dung cốt truyện mà phải gắn liền với việc tìm hiểu nghệ thuật của tác phẩm, đặc biệt là nghệ thuật trần thuật. Tuy vậy, ở bài viết này, chúng tôi chỉ đi sâu vào làm rõ vấn đề người kể chuyện. Đề cập đến vấn đề này chúng tôi làm rõ nghệ thuật kể chuyện của nhà văn thông qua các ngôi kể.
Người kể chuyện hay người trần thuật là một khái niệm trung tâm của lí thuyết tự sự học. Bởi nó là “yếu tố tích cực trong việc kiến tạo thế giới tưởng tượng...không thể có người trần thuật nếu thiếu người kể chuyện” [5, tr.116]. Theo lí thuyết tự sự học, trong nghệ thuật kể chuyện, người trần thuật chỉ là vai trò nhà văn sáng tạo ra nhằm đảm nhiệm chức năng kể chuyện. Tuy nhiên, trong một chừng mực nhất định, chúng tôi cho rằng, người kể chuyện vẫn có quan hệ với nhà văn và mang quan niệm của nhà văn thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau thông qua hệ thống điểm nhìn trần thuật. Có thể coi người trần thuật là một hình tượng có tính cách, biểu hiện ở thái độ đối với thế giới câu chuyện mà anh ta kể lại, dưới sự dẫn dắt của nhà văn. Lí thuyết tự sự học hiện đại càng khẳng định vai trò quan trọng của người trần thuật trong cấu trúc tự sự, “nó cho người ta thấy người trần thuật đã can dự vào tiến trình tự sự như thế nào, từ hình thức đến bình luận” [4, tr.18].
2. Khảo sát hình tượng người kể chuyện trong văn xuôi Bùi Ngọc Tấn, chúng tôi nhận thấy: có khi câu chuyện đ¬ược trần thuật bởi người kể chuyện ngôi thứ nhất, có khi là ngôi thứ ba nhưng cũng có khi sử dụng kiểu trần thuật đánh tráo ngôi kể trong quá trình trần thuật.
2.1. Người kể chuyện ngôi thứ nhất
Theo Trần Đình Sử “người trần thuật trong văn bản văn học là một hiện tượng nghệ thuật phức tạp nhất mà ngôi kể là hình thức biểu hiện ước lệ” [4, tr.17]. Bởi “mọi trần thuật đều xuất phát từ một cái tôi hiểu biết sự việc, đều là ngôi thứ nhất cả, chỉ khác nhau ở mức độ ẩn hiện” [3, tr.187]. Văn xuôi muốn sử dụng phương thức trần thuật ngôi thứ nhất khi tác giả muốn để cho người kể chuyện trực tiếp thể hiện cái tôi của mình. Theo G.Genette “trong trần thuật ở ngôi thứ nhất, câu chuyện được kể bởi một người kể chuyện hiện diện như một nhân vật trong truyện. Đặc trưng của trần thuật ngôi thứ nhất là người kể chuyện nào cũng có mặt trong thế giới câu chuyện của anh hoặc cô ta” [5, tr.38]. Như thế, với hình thức trần thuật chủ quan hóa, người kể chuyện có vai trò to lớn trong việc quyết định cấu trúc tác phẩm cũng như toàn quyền miêu tả những nhân vật khác từ điểm nhìn của bản thân.
Trong văn xuôi Bùi Ngọc Tấn, chúng ta nhận thấy, trần thuật ngôi thứ nhất chiếm một số lượng khá khiêm tốn. Đây là dạng thức dễ dàng được nhà văn bộc lộ có phần riêng tư những suy tư, trăn trở, những chiêm nghiệm về cuộc sống, con người, giãi bày khát vọng của nhân vật trần thuật cũng như cái tôi trải nghiệm của nhà văn.

 Với quan niệm “Tôi chỉ muốn thật trung thực trong khi viết để góp phần vào việc lưu giữ kí ức của dân tộc”, nhà văn Bùi Ngọc Tấn bằng những trang viết của mình đã “lật lại kí ức về một thời kì (...) thời đại đầy biến động ngấm ngầm và dữ dội mà mình đã sống qua, còn đem lại nhiều ngẫm ngợi, day dứt”. Trong nhiều sáng tác của mình, khi viết ông dùng hình thức trần thuật ngôi thứ nhất tự thuật để thể hiện một cách chân thực và đáng tin cậy về thế giới tâm hồn bên trong của nhân vật. “Tôi hoang mang quá. Không hình dung được cả tàu lại bán cá như vậy...Rất công khai. Chẳng phải suy nghĩ đắn đo...Nhận tiền cũng vậy. Bây giờ tôi đã hiểu những đông tiền bố đưa cho mẹ là thế nào rồi. Không phải tất cả là đồng tiền mồ hôi, đồng tiền lương thiện” (Biển và chim bói cá). Với hình thức trần thuật từ ngôi thứ nhất, nhân vật thoải mái kể chuyện mình từ cái nhìn của người trong cuộc. Vì thế, người đọc cũng dễ dàng thâm nhập vào thế giới nội tâm đầy phức tạp của nhân vật qua lời kể trung thực và chân thành của họ. Hơn thế nữa, trần thuật từ ngôi thứ nhất là cách để nhà văn bộc lộ tư tưởng của mình qua nhân vật tôi người kể chuyện một cách thầm kín và sâu sắc nhất. Đến với thế giới nghệ thuật của Bùi Ngọc Tấn, người đọc còn bắt gặp nhân vật xưng “tôi” - người kể chuyện kể về người khác bằng những điều mình cảm nhận hoặc bắt gặp trong cuộc sống “Không được chọn thời, Cún sinh vào những năm gian khổ nhất của nước ta. Không được lực chọn chủ, Cún sống với người hàng xóm của tôi. Mà trái tim Cún lại mang một tình yêu lớn. Những yếu tố đó khiến Cún là một con chó bất hạnh” (Cún). Tuy nhiên, người kể chuyện không phải lúc nào cũng kể những câu chuyện cũng mang màu sắc ảm đạm. Cũng có khi xuất hiện một âm thanh trong trẻo, rất khác với cách viết thông thường của nhà văn“Làng tôi nghèo nhưng địa thế rất đẹp. Con sông Kim nhỏ chảy qua làng lững lờ êm ả trôi...Người giặt, người tắm, người rửa rau, tiếng chiếu đập xuống mặt nước, tiếng người trò chuyện, tiếng trẻ con nô nghịch...” (Làng có 99 cái ao, cây đa 99 cành và ông đại tá về hưu). Trần thuật ngôi thứ nhất trong văn xuôi Bùi Ngọc Tấn còn xuất hiện hình thức trần thuật “kép” của những nhân vật đồng đẳng xưng tôi kể chuyện mình hoặc người khác, Trung sĩ là truyện như thế. Nhân vật xưng “tôi” kể chuyện về Hiếu, sau đó đến lượt mình, Hiếu xưng “tôi” kể về một người bạn cũ: “Trong những ngày đau khổ nhất của tôi ở Trường Sơn, Lan Anh đã động viên tôi rất nhiều...Bởi vậy sếp ạ. Thấy Lan Anh làm tiếp viên tôi rất buồn. Nhưng rồi tôi hiểu. Đó là cơn lốc của cuộc sống” (Trung sĩ). Với cách kể này, thế giới tâm hồn bên trong con người được hiện lên chân thực, xót xa. Những cảm quan của nhà văn về thời cuộc, về số phận con người cũng được bộc lộ một cách sâu sắc, chân thực.
Với hình thức trần thuật ngôi thứ nhất, người kể chuyện trong văn xuôi Bùi Ngọc Tấn đứng ngang hàng, bình đẳng với nhân vật. Sự việc được trần thuật theo cái nhìn của nhân vật nên nhiều khi người kể chuyện không kiểm soát được hành động và suy nghĩ của nhân vật. Tuy nhiên, cũng chính vì thế mà người đọc tin vào câu chuyện, tin vào những điều mà người kể chuyện xưng “tôi” trần thuật. Và người đọc sẽ dễ tiếp nhận hơn. Với nhân vật “tôi”, người viết dễ xóa đi ấn tượng câu chuyện bị hư cấu, bị sắp xếp. Hình thức trần thuật này có ưu điểm đó là người đọc dễ bị hút vào những chi tiết có vể rất thực và đậm chất tự truyện với việc tiếp xúc câu chuyện qua sự dẫn dắt của nhân vật “tôi”. Ngoài ra, người đọc còn nhận thấy tác giả ẩn tàng sâu câu chuyện bởi “Quan điểm, thái độ, giọng điệu của người trần thuật trong tác phẩm là cơ sở để người đọc kết luận: nhà văn đang đứng về ai, bênh vực cho ai, nói lên khát vọng gì?” [1, tr.271].
2.2. Người kể chuyện ngôi thứ ba
Trần thuật ngôi thứ ba là dạng thức phổ biến trong văn học Việt Nam. Với kiểu trần thuật này câu chuyện được kể lại bởi một người không phải là một nhân vật trong truyện. Người trần thuật nằm ngoài những biến cố, sự kiện của câu chuyện mà nó được kể lại. Đây là kiểu trần thuật dấu mặt, không công khai, lộ diện. Người kể chuyện đứng đằng sau nhân vật để “bài trí, tổ chức, sắp xếp” câu chuyện (...) Phương thức trần thuật với ngôi kể thứ ba có ưu thế rất mạnh trong việc phản ánh hiện thực khách quan. Người kể chuyện có một năng lực vô song, nó phản ánh mọi vấn đề, mọi sự kiện của lịch sử, chính trị, đời sống văn hóa và tôn giáo” [1, tr.264]. Việc sử dụng phương thứ này tác giả nhằm nhấn mạnh khoảng cách giữa các nhân vật và người kể chuyện, mang lại màu sắc khách quan cho tác phẩm. Lối kể chuyện này được nhiều nhà văn quan tâm. Thành công với lối trần thuật này phải kể đến Nguyễn Công Hoan, Vũ Trọng Phụng. Các bậc thầy truyện ngắn và tiểu thuyết này đã quan sát nhìn nhận cuộc sống bằng con mắt khách quan, lạnh lùng phân tích mổ xẻ tất cả để rút ra những kết quả mang giá trị chân lí. Giai đoạn sau này đánh dấu bằng tên tuổi như Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu,...Và có thể nói các nhà văn này đã sử dụng rất thành công phương thức trần thuật ngôi thứ ba có biến tấu, đặc biệt là Nguyễn Minh Châu với Phiên chợ Giát, Khách ở quê ra, Hạng... Hình thức trần thuật này đến nay đã có nhiều thay đổi: người kể chuyện ngôi thứ ba với sự hòa nhập song trùng chủ thể. Khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật được rút ngắn, thậm chí xóa nhòa. Tức là “ở đây, vẫn sử dụng hình thức trần thuật ngôi thứ ba, nhưng không đóng vai trò thượng đế. Người kể chuyện bị hạn chế tầm nhìn...Ở đây, sự hiểu biết của nhân vật quy chiếu sự hiểu biết của người trần thuật, quy chiếu sự hiểu biết của nhân vật” [1, tr.265]. Trong truyện ngắn hiện đại, hình thức này được các nhà văn sử dụng linh hoạt.
Văn xuôi Bùi Ngọc Tấn phần lớn sử dụng kiểu trần thuật từ ngôi thứ ba. Với ưu thế của phương thức trần thuật này, nhà văn có cơ hội quan sát toàn diện về cuộc sống cũng như số phận của con người, đặc biệt là những người bị thân phận tù đày và những ám ảnh sau khi ra tù. Chính việc sử dụng trần thuật ngôi thứ ba đã giúp nhà văn hướng ngòi bút của mình vào việc phát hiện các hiện tượng đời sống, thể hiện nhu cầu chiêm nghiệm, tự thoại đối với chính mình nhưng vẫn giữ được thái độ khách quan. Vì thế, cuộc sống trong truyện của ông không diễn ra theo sự quy định của những động cơ, ý muốn chủ quan, mà là kết quả của sự tác động khách quan nhiều mặt. Câu chuyện được kể từ ngôi thứ ba nhưng khoảng cách giữa người trần thuật và nhân vật đã bị rút ngắn hoặc xóa bỏ. “Nó dồn toàn bộ chức năng cung cấp thông tin, chức năng chứng thực sự kiện, cũng như khả năng bộc lộ tư tưởng tác giả vào nhân vật chính. Vì vậy hầu như điểm nhìn hướng nội, các hành động, sự kiện bộc lộ qua việc miêu tả tâm lí nhân vật, nhiều hơn là kể lại sự kiện” [1, tr.265]. Có thể thấy rõ đặc điểm này trong Chuyện kể năm 2000. Người trần thuật chỉ kể những điều mà “hắn” biết, hoặc liên quan đến câu chuyện của của “hắn” từ trước, trong và sau khi ra tù. Người kể chuyện dường như “men theo” ký ức của “hắn” để thuật lại bi kịch của nhân vật nhiều hơn là đứng ngoài kể lể. Ngày từ những dòng đầu tiên của tiểu thuyết, lời người trần thuật như hòa lẫn với lời của nhân vật: “Làm sao quên được những điều đáng nhớ như thế. Đó là những niềm vui hiếm hoi. Là những sự đau khổ đến tê dại. Không. Không thể nào quên được. Thế mà hắn quên...Kinh nhất là những đau khổ tột cùng mà cũng quên luôn”. Cũng có những lúc người kể chuyện đứng ngoài nhân vật để quan sát, để kể lại câu chuyện của “hắn” và những người bạn bằng giọng khách quan, điềm tĩnh, pha lẫn sự chua chát. Theo bước chân người kể chuyện, số phận của hắn và những người bạn tù hiện lên rõ nét “Hắn đi làm cùng anh em tù, mệt mỏi, buồn bã và không nghĩ tới ngày về. Họ là những tù không án. Họ đi tập trung cải tạo...Ngày về của anh tù tập trung cải tạo nào ai biết được”. Bằng giọng kể khách quan, người trần thuật không chỉ tập trung miêu tả cuộc đời và số phận của “hắn” mà còn tập trung khắc họa nhiều mảnh đời khác trong chốn lao tù và những ám ảnh dai dẳng đối với họ sau khi trở về với đời thường. Câu chuyện dù được kể từ ngôi thứ ba bằng giọng kể khách quan song người đọc vẫn thấy ẩn đằng sau những câu chữ tưởng chừng như lạnh lùng ấy là cả một niềm xót thương và tôn trọng của nhà văn với những người đồng cảnh ngộ. Bằng kiểu trần thuật tiêu cự hóa ngoại tại, nhiều tác phẩm của Bùi Ngọc Tấn đã tái hiện chân thực cuộc sống, con người một cách khách quan, đa diện. Qua lời người kể chuyện mọi vấn đề của đời sống đã được tái hiện thành công diện mạo tinh thần một thế hệ, một thời đại, với những bi kịch của lòng tốt, sự chân thiện chất phác, những khát vọng đẹp đẽ trước hiện thực tàn nhẫn và lạnh lùng, vượt xa khỏi sự hình dung về những quy phạm luân lý và ranh giới tình người. Người trần thuật không trực tiếp bày tỏ sự đồng tình hay phê phán, chỉ lặng lẽ quan sát và kể lại bằng giọng văn hài hước pha lẫn sự giễu nhại của một người từng trải. Và cũng chính từ đó, người đọc thấy cả một bức tranh về một thời kì đã qua của dân tộc, một thời kì đầy những biến động ngấm ngầm và dữ dội. Thế giới truyện ngắn Bùi Ngọc Tấn còn vô vàn câu chuyện nữa xoanh quanh số phận con người cùng với những trái ngang trong cuộc sống (Biển và chim bói cá, Truyện không tên), hoặc kể về những điều mình chứng kiến, những điều mình nghe thấy (Khói, thói quen, Sức khỏe của bố, Người ở cực bên kia). Với phương thức trần thuật từ ngôi thứ ba với sự hòa nhập song trùng chủ thể, người trần thuật không chỉ đơn thuần kể lại câu chuyện mà nhiều khi chuyển điểm nhìn vào trong nhân vật, đan xen trong đó là những lời phẩm bình đánh giá. Lúc này điểm nhìn tác giả gần như trùng với điểm nhìn của nhân vật. Điều này đã rút ngắn thậm chí xóa nhòa khoảng cách giữa người kể chuyện và nhân vật, làm cho sự việc diễn ra trong câu chuyện có độ tin cậy lớn hơn.
2.3. Kiểu trần thuật “đánh tráo” ngôi kể
Kiểu trần thuật “đánh tráo” chủ thể trần thuật là một đặc tính mới của tiểu thuyết hậu hiện đại. Đặc tính thú vị của kiểu trần thuật này là:“Bằng việc “đánh tráo” chủ thể trần thuật, nó vẫn giữ được tính chất trần thuật, gần như cơ bản của thể loại tiểu thuyết tự truyện, nhưng hình thức “xưng danh” trần thuật không phải ngôi thứ nhất, mà là ngôi thứ ba. Kiểu trần thuật này tạo ra tính chất lưỡng phân, rất khó nắm bắt, giữa tính chất trần thuật chủ quan và khách quan trong cấu trúc văn bản” [5, tr.223]. Thủ pháp “đánh tráo” này sẽ giúp tác giả ẩn giấu được cái tôi tự thuật. Cái tôi đó không cần phô bày trực diện, không cần “lột mặt nạ” như trong thể loại tiểu thuyết tự thuật, hay thể loại kí. Kiểu trần thuật này tạo ra một đặc tính lưỡng phân rất thú vị, mà lí thuyết trần thuật học khó nắm bắt để phân định chức năng trần thuật cũng như quan điểm trần thuật của tác giả.
Đến với văn xuôi Bùi Ngọc Tấn, chúng tôi đã phát hiện ra một số tác phẩm của nhà văn có sử dụng kiểu trần thuật thuật này. Câu chuyện được kể ở ngôi thứ ba, nhưng toàn bộ trung tâm trần thuật lại được tổ chức thông qua một nhân vật duy nhất. Tất cả những sự kiện, tình tiết nhân vật trong câu chuyện đều được kể qua kí ức đan xen hiện tại và quá khứ của nhân vật này. Tác giả hướng nhân vật vào những “vùng xoáy” của kí ức – tâm trạng, và thông qua đó thể hiện bi kịch của một cá nhân hay bi kịch của xã hội trong một giai đoạn của lịch sử dân tộc. Thời gian trong tác phẩm bị xáo trộn, vụn ra trong chuỗi kí ức. Và trên hết, giọng điệu trần thuật mang tính chất của một cuốn tiểu thuyết tự truyện: tự thuật, hồi nhớ thông qua sự chiêm nghiệm, nếm trải của một chủ thể duy nhất. Câu chuyện được dồn nén vào bi kịch tâm trạng của nhân vật “hắn”sau khi trở về từ quá khứ tù ngục, những ám ảnh khôn nguôi của những ngày tháng đã qua luôn hiện hữu và song hành trong cuộc đời hiện tại của “hắn” (Chuyện kể năm 2000, Người ở cực bên kia). Không như cách trần thuật thông thường của người kể chuyện ngôi thứ ba, ngòi bút của Bùi Ngọc Tấn hướng vào chiều sâu nội tâm, đầy thầm kín của cá nhân, hơn là những vấn đề ở phương diện xã hội. Nhân vật chính luôn tồn tại khép kín trong tâm trạng cá thể, các mối quan hệ với các nhân vật khác cũng chỉ nhằm làm sáng tỏ và tô đậm thêm những khát vọng thầm kín, riêng tư. Trung tâm trần thuật của tác phẩm được tổ chức thông qua kí ức nếm trải của nhân vật. Hình tượng nhân vật trung tâm trong tác phẩm ám ảnh người đọc ngay từ những dòng đầu tiên. Nhân vật hiện diện với nhiều tư cách khác nhau trong tác phẩm, quá khứ là một nhà báo, nhà văn có tiếng; tiếp đến là một người tù không án và hiện tại là một người được tự do nhưng luôn sống trong ám ảnh của quá khứ. Nội tâm nhân vật được khai thác ở nhiều khía cạnh khác nhau: đau khổ, tuyệt vọng, hi vọng...Toàn bộ tác phẩm là một dòng kí ức tâm trạng dai dẳng, dằn vặt triền miên của nhân vật. Bị “đánh tráo” bởi hình thức trần thuật khách quan, cái tôi tự thuật luôn bị kìm hãm, và đôi lúc nó bật ra như một phản xạ, không kìm nén được của một người nếm trải, nhất là những trang viết về sự đau khổ, mất mát của con người: “Ôi! Đời một con người. Tuổi ba mươi đang là tuổi chín nhất của người phụ nữ. Tuổi của yêu đương và đòi hỏi yêu đương...Hắn rỏ những giọt nước mắt trong lòng khóc thương vợ hắn đang ở tuổi chín ấy, phải góa sống, phải vật lộn, đè bẹp, giết chết lòng mình, giết chết tuổi trẻ, giết chết những đòi hỏi yêu đương, sống trong cô đơn và nhục nhã” (Chuyện kể năm 2000). Cảm giác này chỉ có thể trần thuật từ bên trong, từ chính sự trải nghiệm nỗi đau của nhân vật, mà tác giả đã chuyển hóa trực tiếp vào người trần thuật, không cần phải mượn lời hoặc sắm vai nhân vật. Xét về đặc điểm trần thuật, nhân vật “hắn” – ngôi 3, thực ra là nhân vật xưng “tôi”– ngôi 1. Và nếu chúng ta thay đổi ngôi trần thuật từ ngôi 3 sang ngôi 1, thì điểm nhìn trần thuật và giọng điệu trần thuật vẫn không có gì thay đổi. Bởi vì, tất cả thế giới nghệ thuật trong câu chuyện đều đặt dưới cái nhìn, sự đánh giá, phán xét trực tiếp của nhân vật chứ không hề bị chi phối bởi nhân vật kể chuyện toàn tri. Chúng ta chọn ngẫu nhiên, bất kì một đoạn văn nào trong tác phẩm, và hãy hoán đổi ngôi trần thuật từ (3) sang (1), chúng ta nhận thấy: điểm nhìn và giọng điệu trần thuật vẫn giữ nguyên, không hề bị biến chuyển về sắc thái trần thuật và nội dung trần thuật. Chúng ta chọn ngẫu nhiên một đoạn văn nào đó trong tác phẩm và hoán đổi ngôi trần thuật từ (3) sang (1) sẽ thấy rõ điều này:
Sau đây là đoạn văn tôi đã hoán đổi ngôi trần thuật. Đoạn nói về cảm xúc của “hắn” khi buổi gặp mặt bạn bè và thầy cô giáo cũ kết thúc: (... ) Như một phép màu, những người bạn của tôi đã mất hút, đã hòa tan trong phố phường Hà Nội. Tôi đứng lại trò chuyện với đám bạn trí thức nông thôn, phần lớn làm nghề dạy học...Bỗng nhiên tôi hiểu ra rằng: Người nào sẽ lại về với vị trí người ấy, trong cái xã hội khổng lồ và chặt chẽ này. Những điều tốt đẹp bốn mươi năm về trước vừa sống lại đã bị cuộc sống hôm nay nuốt chửng mất rồi” (Người ở cực bên kia). Nhân vật “hắn” trong tác phẩm mà tôi đã thử hoán đổi ở trên, chính là người tự thuật, hướng nội, nói lên nhứng cảm xúc trái chiều của bản thân khi vừa bước qua lằn ranh của quá khứ để trở về với cuộc sống đời thường. Theo lí thuyết của Genette thì ông gọi người trần thuật ở trong những tác phẩm như thế này là người kể chuyện dị sự - hạn định. Tức là ở đây vẫn sử dụng hình thức trần thuật ngôi thứ ba, giấu mặt nhưng không đóng vai trò thượng đế. Ở đây sự hiểu biết của nhân vật quy chiếu sự hiểu biết của người trần thuật. Chủ thể trần thuật luôn cất lên giọng điệu tự thuật, hướng nội, với lời thì thầm, luyến láy như một điệp khúc ám ảnh về quá khứ của “hắn”. Nhân vật “hắn” nếu chúng ta hoán đổi thành nhân vật “tôi” chính là người tự thuật, và nó hiện diện đầy đủ đặc tính của kiểu nhân vật trung tâm trong thể loại tự truyện. Đặc tính này giúp tác giả chuyển tải một cách tối ưu nỗi đau từng nếm trải, những ước muốn, thất vọng và hi vọng của chính mình. Đặt bi kịch tâm trạng vào vị trí trung tâm trong tác phẩm, nhân vật đã vào vai với tư cách một người tự thuật. Và như vậy, tác giả có khả năng gợi ra một cách cạn kiệt nhất, tận cùng nhất nỗi đau và những khát khao mãnh liệt, thầm kín của con người. Với đặc tính trần thuật này, bi kịch cá nhân của con người: giữa sự bất lực, tuyệt vọng của những giới hạn đời thường và khả năng vươn lên để nắm bắt ý nghĩa đích thực của cuộc sống, được tác giả thể hiện một cách trọn vẹn và sinh động. Không như cách trần thuật ngôi thứ ba thông thường chỉ kể một cách khách quan về câu chuyện. Ở đây người kể chuyện hàm ẩn đi sâu vào thế giới nội tâm của nhân vật, khai thác, mổ xẻ những tầng ngầm khuất lấp những trải nghiệm, những đớn đau, hụt hẫng của nhân vật.
Như vậy, có thể nói kiểu trần thuật “đánh tráo” chủ thể trần thuật là một hiện tượng mới mẻ, thú vị của văn xuôi những năm đầu thế kỉ đến nay, bộc lộ sự biến đổi đa dạng về phương diện trần thuật. Thủ pháp “đánh tráo” chủ thể trần thuật, đã cho phép tác giả khám phá được chiều sâu của cuộc sống, đặc biệt là những đối cực của giá trị con người. Nếu không nhận ra thủ pháp ngầm ẩn này, chúng ta không thể khai mở nhưng thông điệp đích thực của tác phẩm.
3. Có thể nói, nỗ lực đổi mới không ngừng là hướng đi chủ yếu của văn học Việt Nam sau 1975. Các thể loại văn xuôi đã nhanh chóng phát triển, thăng hoa, đáp ứng nhanh nhạy và sắc bén những vấn đề nóng hổi của xã hội. Đặc biệt, văn xuôi đã mạnh dạn thể nghiệm những đổi mới nhất là về mặt nghệ thuật, tạo nên diện mạo mới cho văn học nước nhà. Đối với các nhà văn hiện đại và đương đại, trong đó có Bùi Ngọc Tấn, vấn đề quan tâm lớn nhất không còn là viết cái gì mà viết như thế nào. Xuất phát từ lí thuyết tự sự học về vấn đề người kể chuyện là phương diện cơ bản để cấu trúc lại truyện kể nhằm thể hiện quan niệm nghệ thuật của nhà văn. Ở phương diện người kể chuyện, nét đặc sắc được thể hiện trong việc đa dạng hóa phương thức trần thuật đã giúp nhà văn cảm nhận và phản ánh hiện thực ở những tầng sâu nhất. Với các kiểu trần thuật: ngôi thứ nhất, ngôi thứ ba và phương thức trần thuật “ đánh tráo” ngôi kể. Thành công này đã góp phần to lớn làm nên giá trị văn xuôi Bùi Ngọc Tấn, giúp ông thực sự khẳng định đ¬ược vị trí, tên tuổi của mình trên văn đàn trong và ngoài nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trần Huyền Sâm (biên soạn) (2010), Những vấn đề lí luận văn học phương Tây hiện đại, NXB Văn học, Hà Nội.
2. Trần Huyền Sâm (2008), “Kiểu tự thuật “đánh tráo” chủ thể trần thuật trong tiểu thuyết hiện đại”, Tự sự học – Một số vấn đề lí luận và lịch sử, phần 2, NXB ĐHSP, Hà Nội.
3. Trần Đình Sử (2005), Tuyển tập 2, NXB Giáo dục, Hà Nội.
4. Trần Đình Sử (chủ biên) (2004), Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử, phần 1, NXB ĐHSP, Hà Nội.
5. Trần Đình Sử (chủ biên) (2008), Tự sự học - Một số vấn đề lí luận và lịch sử, phần 2, NXB ĐHSP, Hà Nội. Trần Đình Sử (2008), “Tự sự học kinh điển đến hậu kinh điển”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (10), tr.3-12.
6. Trần Đình Sử (2002), “Mấy vấn đề trong quan niệm con người của văn học Việt Nam thế kỉ XX”, Nhìn lại văn học Việt Nam thế kỉ XX, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
7. Lê Hương Thủy (2006), “Truyện ngắn sau 1975, một số đổi mới về thi pháp”, Tạp chí Nghiên cứu văn học (11), tr.59-69.

 
Khoa Khoa học XH&NV