Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  18/05/2019 09:53        

Dấu ấn Văn họa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 nhìn từ đề tài phản ánh

                           DẤU ẤN VĂN HỌC DÂN GIAN TRONG TIỂU THUYẾT VIỆT NAM SAU 1986 NHÌN TỪ ĐỀ TÀI PHẢN ÁNH
                               IMPRINT OF FOLKLORE IN THE VIETNAMESE NOVEL AFTER 1986 LOOK AT REFLECTIVE THEMES

                                                                                                              Ths.Phan Thúy Hằng – Khoa KHXH &NV

Tóm tắt: Những đề tài từ văn học dân gian đã trở thành nguồn suối trong mát, chất liệu thẩm mỹ và làm phát lộ những cách thức tiếp cận hiệu quả cuộc sống và con người. Từ đó, rút ngắn khoảng cách giữa duy cảm và duy lý, tạo ra cái nhìn đa diện về hiện thực. Việc tiếp biến một cách linh hoạt những đề tài từ kho tàng văn học dân gian làm tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 vừa mang “hồn dân gian” vừa diễn đạt tinh thần thời đại. Cùng đề cập đến những vấn đề của cuộc sống, song các đề tài về gia đình, xã hội, đạo đức dưới ngòi bút của các nhà văn thời hiện đại không đơn thuần chỉ phản ánh. Sâu sắc hơn, qua những đề tài ấy, không chỉ hàng loạt vấn đề của cuộc sống được khai thác triệt để ở nhiều khía cạnh, các nhà văn còn gửi gắm vào đó những thông điệp nhức nhối lay gọi người đọc về những vấn đề của con người và đời sống thời hiện đại.

Từ khóa: Văn học dân gian, đề tài, gia đình, xã hội, đạo đức, tiểu thuyết Việt Nam sau 1986

Abstract: Themes from folklore have become a source of refreshing, aesthetic material and reveal effective ways of reaching life and people. From there, shorten the distance between sensibility and rationality, creating a multi-faceted view of reality. The flexible adaptation of the themes from the folk literature treasures makes the Vietnamese novel after 1986 a "folk soul" and expresses the spirit of the times. The same refers to the problems of life, but the themes of family, society, ethics under the pen of modern writers do not simply reflect. More deeply, through these themes, not only the series of issues of life are exploited thoroughly in many aspects, writers have also sent out sordid messages that call readers to the problems of man and modern life.
  Key words: Folklore, themes, family, society, morals, Vietnamese novels, after 1986

1. Đặt vấn đề
Những thay đổi trong đời sống xã hội, sự mở rộng trong quan niệm về hiện thực, con người, đối tượng phản ánh, phương pháp sáng tác, cách tiếp cận hiện thực kết hợp với bệ đỡ của truyền thống văn hóa, văn học dân tộc… là những nguyên nhân chủ yếu kích gợi cho sự hồi sinh mạnh mẽ của văn học dân gian trong văn xuôi đương đại nói chung, tiểu thuyết 15 năm cuối thế kỷ XX nói riêng.
Sự kế thừa yếu tố văn hóa dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 trước hết được tạo đà từ những cơ sở xã hội nhất định. Là bước tiếp nối, sáng tạo và bổ sung, việc hấp thu các nền văn nghệ đi trước để phát triển văn học dân tộc, theo Phương Lựu, là “quy luật phổ biến vô cùng quan trọng”, bởi “sự tiếp thu đích thực không bao giờ là sự sao chép nô lệ, mà là một sáng tạo” [2, tr.121]. Việc mở rộng trong quan niệm về hiện thực và đối tượng phản ánh của văn học dẫn đến sự bùng phát về đề tài, phá vỡ cái gọi là “chủ nghĩa đề tài” của văn xuôi giai đoạn trước. Đề tài của văn học không chỉ dừng lại ở hiện thực khách quan mà đã chuyển dần sang địa hạt tâm linh, những trăn trở uẩn khúc đang diễn ra quyết liệt trong tâm hồn con người - đặc biệt là những số phận vừa đi qua cuộc chiến. Những diễn biến tâm lý rất khó nắm bắt, những hiện tượng con người không tự lý giải được bằng hình thức suy lý một thời là những nhân tố quyết định hướng các nhà văn đến với địa hạt của những yếu tố dân gian.
Trước sự chuyển mình của thời đại, văn học sau 1986 nói chung và tiểu thuyết nói riêng được tắm trong một môi trường thuận lợi cho sự nảy nở các dạng thức khái quát, các thủ pháp nghệ thuật tiếp cận và tái hiện cuộc sống, sự đa dạng trong phong cách của nhà văn. Điều đó cắt nghĩa vì sao trong đời sống văn học hôm nay, việc sử dụng các motif dân gian, thủ pháp nghịch dị, biện pháp lạ hóa khác nhằm mở rộng, đổi mới ước lệ đang được xem là bình thường.
Ngoài cơ sở xã hội, sự xuất hiện và ảnh hưởng của các yếu tố vảu văn học dân gian trong tiểu thuyết sau 1986 còn chịu sự chi phối của các cơ sở tâm lý cụ thể. Trong con người luôn tồn tại hai thế giới, chúng giao thoa, đối thoại, thậm chí đối chọi nhau, vì vậy luôn có hai bản thể trong một “cái tôi”. Cơ sở cho các yếu tố dân gian hồi sinh ẩn chứa ở cái bản thể dấu mặt, đó là sự tưởng tượng của con người. Nếu giai đoạn đầu (trong văn học dân gian), tưởng tượng là sự hoang đường của những câu chuyện thần thoại, cổ tích, truyền thuyết, sử thi, thì ở những giai đoạn tiếp sau nó mang một khuôn mặt, hình hài, bản chất mới gắn với hiện thực hơn. Yếu tố của dân gian (kỳ ảo, siêu nhiên, thần bí, diệu kì, hoang đường, ma quái…) không phải là cái gì hư vô, không tưởng bên ngoài con người mà nó được bắt nguồn từ chính thế giới tinh thần, từ vô thức và thế giới nội tâm bí ẩn của chính mỗi cá thể. Tất cả những cái đó đã kích cầu cho sự trỗi dậy mạnh mẽ của các yếu tố dân gian, đặc biệt là những yếu tố “phi thực” nhằm thoả mãn cái lý tưởng đạo đức đang mâu thuẫn với một môi trường xã hội thời hiện đại, mở lối đi sâu vào thế giới tâm linh đang dậy sóng nơi mỗi bản thể.
Xuất phát từ những tiền đề về tâm lý, xã hội, chúng tôi thấy qua việc sử dụng các yếu tố dân gian trong sáng tạo, các nhà văn bộc lộ quan niệm về một thế giới đa chiều, đa đoan, đa sự. Thế giới đó tồn tại song song những yếu tố khả giải - bất khả giải, duy lý - phi lý, tất nhiên - ngẫu nhiên, hoang đường - chân thực, siêu nhiên - trần thế. Những điều đó làm cho yếu tố dân gian hồi sinh với tất cả sinh lực mạnh mẽ và tràn trề nhất.
Hướng tới sáng tạo những hình tượng nghệ thuật gián tiếp, có sức khái quát lớn, yếu tố dân gian làm gia tăng khả năng khám phá, chiếm lĩnh thế giới nội tâm con người. Bằng chất liệu dân gian, các nhà văn đã tạo ra trong tiểu thuyết giai đoạn này một hiện thực không chỉ thể hiện logic đời sống mà còn tạo ra một hiện thực khác nhằm khẳng định mục đích cuối cùng của nghệ thuật trên con đường nhận thức chân lý. Nhiều nhà văn đã sử dụng các yếu tố văn học dân gian như: đề tài, ngôn ngữ, cốt truyện, cách thức xây dựng nhân vật, không - thời gian, motif… vào quá trình phản ánh hiện thực. Bằng bút lực của mình, họ đã tạo ra những hình tượng, biểu tượng, những thế giới nghệ thuật đặc thù để chuyên chở giá trị chân - thiện - mỹ.
Việc sử dụng các yếu tố văn học dân gian không đơn thuần như một thủ pháp nghệ thuật để chuyển tải nội dung, chủ đề tư tưởng mà còn là “chất keo” để “ghép nối” những mảnh vỡ của bức tranh cuộc sống với vô vàn “đường vân” mang hình thế giới hiện thực. Đồng thời, nó còn là cây cầu cho những ước mơ, khát vọng cuộc sống của con người biến thành sự thực cho dù điều đó không dễ. Cùng với đó, các yếu tố văn học dân gian còn giải phóng cho nhà văn khỏi cái khung lý tính nhiều khi máy móc, nông nổi, đưa lại những cảm nhận bên ngoài và tâm hồn sâu kín bên trong một cách tinh tế, gợi mở, giúp người đọc nhận thức con người và cuộc đời với một sự thoả mãn về thẩm mỹ. Chính vì vậy, những trầm tích văn hóa, văn học dân gian theo thời gian đã trở thành nguồn dưỡng chất tinh thần không thể thiếu, ngấm vào con người như một niềm ám thị.
Đề tài là nhân tố chủ yếu thể hiện phương diện khách quan của nội dung tác phẩm. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1986, bên cạnh những hệ đề tài nảy sinh từ thời hiện đại, có không ít nhân tố được di chuyển từ quá khứ, từ nguồn sữa trong mát, ngọt lành của văn học dân gian. Nhưng dù mang cái “mác” nào thì tất cả đều góp mặt nói về thời hiện tại, thời của những điều “chưa hoàn kết”. Đó là nét mới mà tiểu thuyết thời kì này mang lại. Trong giới hạn bài viết, chúng tôi chỉ đi vào tìm hiểu một số đề tài mang dấu ấn văn học dân gian trong tiểu thuyết Việt Nam sau 1986.
Đề tài là “khái niệm chỉ loại các hiện tượng đời sống được miêu tả, phản ánh trực tiếp trong sáng tác văn học”[1, tr.110]. Đó là đối tượng đã được nhận thức, là sự khái quát về phạm vi xã hội, lịch sử đời sống và con người trong tác phẩm.Nền văn học viết đã tiếp nhận, sáng tạo một số lượng lớn đề tài từ văn học dân gian trên hành trình phát triển và hiện đại. Tiểu thuyết Việt Nam sau 1986 không chỉ chứng minh khả năng tồn tại, mang lại nguồn cảm hứng cho các cây bút mà còn phát huy tối đa hiệu lực phản ánh và tiếp cận thực tại. Những đề tài chủ lực của văn học dân gian như: đề tài lịch sử; mâu thuẫn, xung đột trong xã hội và gia đình; đề tài về đạo đức; số phận con người… được đẩy lên một chiều kích mới: đa diện và sâu sắc hơn với những góc khuất nhân thế tế vi. Tiếp tục mạch cảm xúc từ dân gian, trên con đường kiếm tìm và phản ánh hiện thực, đề tài trong tiểu thuyết sau 1986 thường ghi đậm dấu ấn về sự khủng hoảng niềm tin của con người trong bối cảnh đổ vỡ các thang bậc giá trị, sự hỗn loạn của trật tự thường hằng.
2. Giải quyết vấn đề
2.1. Đề tài xã hội
Với đề tài này, những bất công, xung đột trong truyện dân gian thường gắn liền với mâu thuẫn giữa kẻ bóc lột và người bị bóc lột xung quanh cái được gọi là “quyền lợi”. Người ta có thể rạch ròi phân định mọi thứ sau khi mở nút thắt khởi nguyên. Nhưng trong xã hội hiện đại, mọi thứ không đơn giản như vậy. Cuộc sống với nhiều đường vân dị hình, thể hiện tinh vi nỗi hoang mang, khắc khoải, đánh mất phương hướng, bản ngã của con người khi đứng trước xã hội lộn xộn và đầy rẫy những bất công không tưởng.
Có thể nói, chưa bao giờ những vấn đề thuộc về đời sống xã hội mà văn học quan tâm hiện lên chân thực, sống động mà xót xa nhức nhối như thế trong tiểu thuyết. Bởi các nhà văn đã khai thác đến các “tầng vỉa” của hiện thực đời sống qua số phận con người, có khi qua những mảnh vỡ từ bi kịch làm người của con người. Vì vậy, ta gặp trong tiểu thuyết hôm nay cái chật hẹp của “cõi nhân gian” rộng lớn và cái mênh mông, thăm thẳm sâu của cõi lòng bé nhỏ, qua số phận của những con người (Hưng, Hương, ông Tám trong Cõi nhân gian; “vua Biển” Hai Thìn, Lài, cô Tám, Năm Mộc trong Lời nguyền hai trăm năm; bà Son với những “tông chi họ hàng” của dòng Trịnh Bá và Vũ Đình trong Mảnh đất lắm người nhiều ma; ông Bằng, Lý, Cần trong Mùa lá rụng trong vườn; bà Đất, Lưu Minh Hiếu trong Chuyện làng Cuội...Nhân vật trong tiểu thuyết tìm mọi thủ đoạn để tồn tại, thăng tiến, dẫm đạp lên nhau hòng đạt mục đích. Hiện thực hỗn loạn, trớ trêu, bê tha và tất cả được bày ra trần trụi. Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Vòng tròn bội bạc (Chu Lai), Mặt thật mặt giả (Mai Ngọc Tuyền)...Mỗi tiểu thuyết là một khuôn hình cuộc sống được chọn lọc, thể nghiệm. Ở đó, vẫn là xã hội Việt Nam với những hoạt động sinh tồn, là con người trên hành trình khẳng định bản thể như trong bao câu chuyện cổ. Nhưng phải chăng xã hội và con người hiện thời được hấp thu không khí dân chủ, công bằng nên có những khởi sắc và tiến lên chiếm lĩnh vị thế cao của lịch sử nhân loại. Vậy mà đâu đó, không chỉ ẩn khuất mà còn lộ thiên rất nhiều bất công, sai trái, phi lý và nghịch dị. Một hiện trạng xã hội quá ư lộn xộn, bất ổn đến không tưởng. Nó đã lấp vùi đi những gì tốt đẹp mà dân tộc mỗi ngày cố gắng “mài cho sắc”, “đánh cho bóng”, “luyện cho vững”, “tôi cho bền”. Để rồi sau mỗi hiện thực ấy là những day dứt, xót xa, những “hố đen” không thể lấp đầy khi cuộc sống bị chi phối bởi đồng tiền, địa vị, sự xấu xa. Độc ác vẫn đang hiện hữu, bành trướng sức mạnh, tha hóa con người, đưa họ xa rời những giá trị đạo đức tốt đẹp, khiến cuộc sống bị cuốn vào vòng xoáy của quy luật mạnh được yếu thua: Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Sức mạnh của quyền uy (Lê Minh Quốc), Lão khổ (Tạ duy Anh), Ma làng (Trịnh Thanh Phong)…Mâu thuẫn, xung đột vì vậy thật khó hòa giải giữa thực tế cuộc sống vần vũ đến chóng mặt với mọi giá trị bị biến đổi méo mó, tha hóa và khát vọng bay cao; giữa sự mù mờ, bất định về mục đích, ý nghĩa tồn tại và sự phi nghĩa của cuộc đời; giữa ý nguyện muốn tìm hiểu, chinh phục, làm chủ thế giới và sự u tối về thế giới đó, để rồi trở thành nô lệ của nó; giữa sự tự nhận thức và tự ý thức; giữa những nỗ lực tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống và kết quả vô nghĩa đạt được… Đó là những băn khoăn, âu lo của các nhà văn cho những giá trị chân - thiện - mỹ truyền thống đã và sẽ tiếp tục bị bóp méo, thậm chí bị hủy diệt khi viết về đề tài xã hội với nỗi niềm thế sự đa đoan.
Nếu những chủ đề xã hội trong các tự sự dân gian có thể nhận mặt đặt tên dễ dàng thì trong tiểu thuyết sau 1986 không đơn giản như vậy. Vẫn là những vấn đề xã hội ấy nhưng nó biểu hiện vô cùng tinh vi và khó đoán định. Mỗi nhà văn qua tác phẩm của mình mang tới một cảm nhận, suy ngẫm, cách tái hiện, thông điệp, một miếng ghép về bức tranh xã hội Việt Nam thời mở cửa, giao lưu và hội nhập. Nhận thức đầu tiên của nhà văn về vấn đề này là sự phơi bày những tiêu cực xã hội nhằm làm nổi rõ một hiện thực phân rã, phi trật tự của đời sống đương đại. Ma Làng (Trịnh Thanh Phong), Giã biệt bóng tối (Tại Duy Anh), Sóng ở đáy sông, Chuyện làng Cuội (lê Lựu)... Cùng với đó là những mối quan hệ xã hội của thời hiện đại, những thủ đoạn, âm mưu, toan tính, sự soi mói, ghen tị. Người ta sẵn sàng bán rẻ lương tâm, nghĩ ra trăm phương nghìn kế để đạt được mục đích tiến thân. Sự hỗn loạn và bất ổn của trật tự đời sống trong thời công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng vì vậy được nhà văn quan tâm. Đi sâu vào hiện thực, người viết không thảng thốt, giật mình trước những quái trạng của hiện tồn: một xã hội đồng tiền làm bá chủ, tha hóa con người (Giữa ba ngôi chúa) xã hội ai mạnh người đó thắng, ai có lực người đó lên, ai có tiền người đó tiến (Ma làng, Mảnh đất lắm người nhiều ma), xã hội với chất chồng sự vô lương, vật dục tầm thường, hưởng lạc, nghịch dị (Lão Khổ, Chuyện làng cuội)... Dù nhói đau như vừa đánh mất cái gì quan trọng giữa hiện thực xô bồ nhưng người cầm bút vẫn tiếp tục hành trình tìm kiếm không mệt mỏi những giá trị chân thực còn rơi rớt lại nơi cuộc sống còn nhiều góc khuất, những mảnh cuộc sống tốt đẹp chưa bị cám dỗ, biến chất; tiếp tục gieo vào hiện thực nghiệt ngã những mầm non niềm tin, khát vọng.
Cùng với đó, một kiến giải mới về lối sống cộng đồng được đặt ra. Cộng đồng là một đặc tính nổi trội của người Việt, hình thành từ nền nông nghiệp lúa nước, mang đậm bản sắc phương Đông. Tính chất quần cư ấy còn in đậm trong đời sống văn hóa Việt cho tới ngày nay và được phản ánh rõ nét trong nhiều tác phẩm. Đó là sự đoàn kết, đùm bọc, chia ngọt sẻ bùi của người dân ở những làng quê Việt (Chuyện làng Cuội, Nước mắt một thời, Ba người khác, Thời của thánh thần, Giời cao đất dày, Đồng làng đom đóm). Chủ đề ngợi ca những nông dân điển hình, những cán bộ xã, thôn tâm huyết, có tầm nhìn xa, có ý thức tự lực, có lòng tự trọng, khát khao dân chủ và nhân văn và có sự đột phá trong quản lý, trong kinh tế đã góp phần mang lại cho nông thôn sắc diện mới như Lại Tiến Thịnh, Nguyễn Mạnh Quang trong Dòng chảy đất đai, Thương Huyền trong Dưới chín tầng trời... Tất cả chủ đề này làm cho biên độ đề tài về xã hội co giãn đến vô tận. Nó không còn bó hẹp trong những mâu thuẫn về “quyền lợi” như trong các tác phẩm dân gian. Qua đó cho thấy, lối sống, cách hành xử, thái độ nhận thức lịch sử và xã hội của con người thời hiện đại. Đồng thời, bộ mặt thật của xã hội Việt Nam với những cơn sóng ngầm, sóng dữ và có lẽ cả “sóng thần” được tái hiện chân thực.
2.2. Đề tài gia đình
Đề tài này đã tạo ra thành tựu lớn cho nền văn học dân gian. Phần lớn truyện cổ tích tiêu biểu và quen thuộc đều xoay quanh đề tài sinh hoạt gia đình, phản ánh, lý giải những xung đột, mâu thuẫn riêng tư nhưng mang tính chất phổ biến: giữa anh em trai (Cây khế); chị em gái (Sọ Dừa); giữa gì ghẻ con chồng và chị em cùng cha khác mẹ (Tấm Cám)…Hoặc những xung đột mang tính chất hôn nhân gia đình (Trầu Cau, Ba Ông bếp, Đá Vọng Phu…)…
Sau 1975, trong hoàn cảnh bình thường, văn học nước ta chuyển từ cảm hứng sử thi hào sảng sang cảm hứng đời tư, thế sự. Vấn đề cá nhân, cá thể được đặt lên hàng đầu. Gia đình trở thành một đề tài lớn trong văn học Việt Nam đương đại. Tiểu thuyết 15 năm cuối thế kỷ XX xuất hiện với mật độ dày đặc tác phẩm viết về đề tài gia đình hoặc có liên quan đến vấn đề gia đình với những trăn trở được các nhà văn khai thác: Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn kháng), Thời xa vắng, Hai nhà, Sóng ở đáy sông (Lê Lựu), Lão Khổ (Tạ Duy Anh), Mảnh đất lắm người nhiều ma (Nguyễn Khắc Trường), Bến không chồng (Dương Hướng), Dòng sông mía (Đào Thắng), Tiễn biệt những ngày buồn (Trung Trung Đỉnh), Phố, Ăn mày dĩ vãng (Chu Lai)… Viết về đề tài này, các tác phẩm đã đi sâu khai thác những mối quan hệ phức tạp của gia đình Việt trong thời mở cửa. Nhà văn tập trung phản ánh cuộc sống cá nhân trong mối quan hệ với gia đình và xã hội. Hai chữ “gia đình” không giữ được giá trị nguyên bản. Nó bị bóp méo, nhào nặn, bồi đắp bởi những dục vọng, tham tàn, độc ác dưới muôn ngàn bộ mặt tinh vi. Đau đáu với những đổ vỡ, các nhà văn không khỏi xót xa khi lật mặt tất cả biến trạng trớ trêu của biết bao gia đình Việt hiện đại, từ đó mang đến thông điệp nhân văn để bảo vệ mỗi mái ấm trước mọi cám dỗ của vật chất nhỏ nhen, lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, danh vọng mà bán đi cái “huyết thống” linh thiêng…
Nằm trong chiều sâu phản ánh, người viết cũng không nguôi tìm kiếm câu trả lời cho những vấn đề gia đình nhức nhối hiện nay. Rất nhiều câu hỏi được nhà văn quan tâm tìm lời đáp: Gia đình Việt sẽ đi về đâu trước thách thức của nền kinh tế thị trường? Liệu những mối quan hệ tốt đẹp của lối văn hóa trọng tình còn có thể tồn tại trước cơn “kịch phát” không thể kiểm soát của hiện thực? Sự cách biệt về quan niệm sống giữa các thế hệ chung một mái ấm có thể dung hòa? Gia đình có còn là chốn đi về, bến đỗ, nơi khởi nguồn cho mọi tình thương?... Đó là nỗi lo âu trước sự băng hoại những giá trị gia đình truyền thống tốt đẹp. Tiếp cận tiểu thuyết sau1986, chúng ta không khỏi ngỡ ngàng trước những biến tướng của gia đình bị tha hóa bởi axít của thời kinh tế mới, những đỏ đen tầm thường của cuộc sống, bởi con người cá nhân ích kỷ: cảnh chồng bội bạc, bạo hành, vợ cam chịu, héo mòn, con bất mãn, hận thù (Thời xa vắng, Hai nhà, Sóng ở đáy sông); sự phụ bạc, bỏ tình theo của (Tiễn biệt những ngày buồn, Phố); sự thờ ơ, bàng quan, chai lì trước nỗi đau của người thân, bất hiếu của những người con (Chuyện làng Cuội); Sự đau đớn giàng xé vì không giữa được mái ấm hạnh phúc cho con cái vì cuộc hôn nhân cằng cỗi không tình yêu (Gia đình bé mọn); sự nhu nhược, hèn kém của những kẻ không thể trả lời câu hỏi vì sao đánh mất hạnh phúc, và làm cách nào để níu giữ gia đình (Thời xa vắng)
Song tồn với âu lo đổ vỡ, nỗ lực gìn giữ những truyền thống gia đình cũng được các nhà văn đặt ra. Sợi dây nối kết các thành viên được đan bện bằng những yêu thương, đồng cảm, sẻ chia, tôn trọng đã thể hiện rõ nét nỗ lực ấy. Đó là nỗi xót xa, thương nhớ vì cảnh chia ly, mất mát; là niềm tin, hy vọng, tình yêu vĩnh cửu dù cho cái chết cũng không thể chia lìa (Mùa lá rụng trong vườn). Gia đình còn là chốn đi về, là bến đỗ cho con người đã trải qua quá nhiều khổ đau; là khát khao hạnh phúc, là mái ấm, sẻ chia, hiếu kính, và cả sự hy sinh cao thượng (Sóng ở đáy sông, Bến không chồng)… Như vậy, sự phong phú và những biến tấu khác nhau về chủ đề gia đình đã mang đến gương mặt đa diện, nhiều ngã rẽ của xã hội cũng như văn học đương đại Việt Nam.
2.3. Đề tài đạo đức
Đây là đề tài gắn liền với cuộc chiến Thiện - Ác trong văn học dân gian có vai trò quan trọng. Đề tài này tạo ra giá trị nhân văn cho tác phẩm, phản ánh ước mơ, khát vọng cũng như lý tưởng sống của nhân dân lao động. Triết lý “ở hiền gặp lành” vẫn không đổi thay giá trị qua mọi thời đại. Và trong môi trường mới, những tình huống bi hài, nghịch dị trở nên phổ biến. Cái đẹp, cái thiện dần vắng bóng, thay vào đó là cái xấu, cái ác, cái thô kệch… Trong thế giới ấy có sự tồn tại đan xen đồng thời những phạm trù đối lập, cái nhân bản buộc phải chung sống với sự tha hóa, băng hoại. Những tác giả và tác phẩm tiêu biểu thuộc đề tài này có thể kể đến: Hồ Anh Thái với Cõi người rung chuông tận thế; Nguyễn Khắc Trường với Mảnh đất lắm người nhiều ma, Trịnh Thanh Phong với Ma làng; Đào Thắng với Dòng sông mía; Tạ Duy Anh với Giã biệt bóng tối…Với việc phát triển đề tài thế sự, đời tư, tiểu thuyết có thể đi sâu vào những nơi sâu kín của tâm hồn con người, suy nghĩ cặn kẽ về các trạng thái nhân thế, nhất là trong hoàn cảnh một xã hội từ trong chiến tranh kéo dài bước sang đời sống hòa bình đầy phức tạp và thử thách. Con người bình thường, đời thường được chú ý và thể hiện sâu sắc với những số phận bất hạnh, những thân phận bi kịch. Bức tranh cuộc sống không phải lúc nào cũng lung linh, tươi tắn mà nói như Nguyễn Khải “Bên cạnh Chúa có Quỷ, bên cạnh Phật có Ma. Ma quỷ cũng dự phần bất tử để làm mặt đối lập, để thế giới này tiếp tục vận động và tồn tại” (Thời gian của người). Từ hiện thực ấy, hai cuộc chiến khắc nghiệt: chống tiêu cực xã hội và chống lại “ma quỷ trong lòng mình” không chỉ trực diện mà ẩn sâu trong tâm hồn mỗi bản thể. Trên hành trình đấu tranh không thỏa hiệp về những vấn đề đạo đức, thì “phép lai” giữa “mã gien” văn học dân gian và văn học viết đã tạo ra những “nhiễm sắc thể” đa bội: “phê phán cái sai”, “lên án cái xấu”, “tiêu trừ cái ác”, “nhân giống cái thiện”, “cổ vũ cho cái mới thắng lợi”… từ đó, tác động tích cực tới đời sống. Đó là những điều mới mẻ xoay quanh đề tài đạo đức mà tiểu thuyết giai đoạn này mang lại.
Trong quá trình xây dựng biểu tượng, tìm tòi, thể nghiệm cái mới, nhà văn tiến hành khái quát hóa đời sống, con người dựa trên sự nối kết các quan hệ tương đồng, đối lập trong khát vọng thể hiện một thế giới đa chiều. Điều đó có nghĩa, người viết vừa vẽ, vừa làm mờ nhòe làn ranh giữa thiện - ác, tốt - xấu, cái đáng trân trọng - đáng lên án... để bộc bạch lập trường tư tưởng bảo vệ lẽ phải, lẽ công bằng cho quyền được làm người đích thực, cổ vũ tinh thần “cứu chuộc” dẫu không thể lường trước kết quả. Vì vậy, tính nhân quả với triết lý “ác giả ác báo”, “thiện giả thiện báo” trong tiểu thuyết sau 1986 không đơn thuần nhằm mục đích chuyển tải các vấn đề đạo đức theo kiểu “phạt ác, thưởng thiện” của ông Bụt, bà Tiên mà còn cho thấy những hoang mang, đổ vỡ, cảm nhận, trăn trở, suy ngẫm khó định hình của con người về chính hiện thực ấy. Một khối lượng lớn tác phẩm riết róng, đau đáu, dày đặc, xếp lớp, chồng chất chuyện vô lương tâm, tàn ác, hãi hùng, khủng khiếp, bạo lực, nghịch dị, quái đản, xấu xa, bản năng... Cái Ác hiện diện với hàng trăm khuôn mặt là nỗi bàng hoàng, kinh sợ của con người. Có cái ác hiện nguyên hình, công khai thách thức (Mảnh đất lắm người nhiều ma, Ma Làng, Cõi người rung chuông tận thế). Có cái ác ẩn tàng, luồn lách khó nhận diện nhưng giác bám của nó lại rộng và sâu. Nó bám vào trong bản lai của con người, dần dần đầu độc cái thiên tính tốt đẹp của họ (Lão Khổ, Bước qua lời nguyền, Thiên thần sám hối). Dành nhiều tâm sức theo đuổi chủ đề phức tạp này, người nghệ sĩ từ ước vọng mang đến nhận thức về những quy luật cuộc sống đã bộc lộ khá rõ quyết tâm thách đấu với bóng tối và cái ác. Cuộc đời đầy rẫy những bất công, bản thân con người cũng chất chứa những việc làm, suy nghĩ khó có thể tha thứ, thế nhưng điểm chung nhất mà các tác giả hướng đến là để nhân vật nghiêng về phía cái thiện, thấu cảm được những việc làm sai trái trong quá khứ. Bên cạnh những cái chết vẫn có cái ác được cảm hóa, và con người được sám hối để tiếp tục sống tốt hơn (Yên Thanh – Cõi người rung chuông tận thế; Tư Vọc – Lão khổ…). Đặt mình trong vùng nhiễu tâm của cái ác và nỗi sợ, nếm trải đến tận cùng cảm giác tội lỗi, xấu xa, thế nhưng bản lĩnh con người hướng thiện đã chiến thắng. Kết thúc hành trình, nhân vật đã đạt đến độ thăng bằng nhất định dù được sống hay chết, bởi họ đã tìm lại được chính mình. Những con người nhân tính mang khát vọng tự do, dân chủ thấm đẫm tinh thần thời đại với muôn ngàn ngóc ngách sâu kín nhất đang ẩn tàng trong mỗi bản thể.
Các nhà văn bằng lương tâm, trách nhiệm đã không ngừng lên tiếng cảnh tỉnh con người trước những thảm trạng thể xác và tinh thần bị nhiễm độc trong thời kinh tế thị trường, nguy cơ huỷ diệt của ý thức ở mọi cơ tầng của nó dưới áp lực sinh tồn. Những biểu tượng, hình tượng của tác phẩm tập trung thể hiện một thế giới bất định, ở đó cái xấu, cái ác lại có phần lấn lướt. Tác giả đã dùng thủ pháp đòn bẩy, nghĩa là càng thể hiện sâu, đậm cái bất thiện, thì khao khát hướng thiện càng mãnh liệt, và kéo theo nó là bi kịch bị cự tuyệt quyền được sống thiện càng dai dẳng, nhức nhối. Đó chính là bình diện ý nghĩa ở bề sâu, nghĩa phái sinh của những tiểu thuyết viết về vấn đề đạo đức.
Từ câu chuyện về hiện thực cuộc sống, các nhà văn đã miêu tả sự đau đớn, day dứt trước những kiếp người bằng tất cả tình yêu thương. Một thế giới với số phận riêng đặt trong mối quan hệ phong phú và phức tạp của nó đối với toàn xã hội, trở thành mối quan tâm hàng đầu của sáng tác viết về đề tài thân phận con người. Nối dài mạch cảm xúc từ trong sáng tác dân gian, tiểu thuyết sau 1986 đã xây dựng nên những hình tượng mang gương mặt của thời đại mới. Xã hội hiện đại với một đời sống ngổn ngang, bất trắc, nơi lý tưởng và các giá trị truyền thống bị đổ vỡ, nơi con người chỉ là những mảnh số phận, những cá thể đơn lập chẳng đại diện cho ai. Với cảm thức đó kiểu con người bé mọn, bất hạnh, xấu xí, cô đơn một lần nữa được tái hiện sống động. Nhưng đó không phải là con người thuần nhất, được lập trình sẵn một con đường đi kiểu cổ tích, thần thoại mà là con người đa diện với muôn ngàn ngã rẽ và vô vàn cách kết thúc.
Cùng với đó, các nhà văn đương đại còn hướng sự quan tâm đến con người mang trong mình những chấn thương do áp lực của gia đình và đời sống. Khơi sâu vào thế giới đầy bất trắc, lạc lõng và hoài nghi, chúng ta không khỏi xót xa, thương cảm trước những phận người mang trên mình vết sẹo hình hài và tâm hồn: ám ảnh về ấu thơ đầy khổ ải, mặc cảm bị bỏ rơi, thiếu tình thương (Núi – Sóng ở đáy sông), những sang chấn tinh thần trong hiện tại và nỗi đau không thể nói thành lời trong quá khứ ( Kiên – Nỗi Buồn chiến tranh, Hai Hùng – Ăn mày dĩ vãng; Nguyễn Vạn – Bến không chồng), những nỗi đau, bất hạnh, đắng cay của người phụ nữ (Hạnh – Bến không chồng, bà Son – Mảnh đất lắm người nhiều ma)… Một cách có ý thức, người viết đã lột tả nỗi đau, sự mất hướng của con người trong xã hội đương đại. Nỗi hoang mang, lo sợ, cùng những mất mát, ám ảnh… khiến ước muốn thật sự của họ luôn bị xô dạt về một hướng khác hẳn. Và người đọc không khó nhận ra những mảnh vỡ, sự cằn cỗi, trống vắng trong đời sống tinh thần, vật chất của con người trong thời hiện tại. Với cái nhìn trực diện vào cái ác, cái xấu, vào những mặt trái của xã hội, người cầm bút hôm nay đã thật sự đặt ra những vấn đề “nổi cộm” của thời đại và chúng trở thành những thông điệp có ý nghĩa sâu sắc.
3. Kết luận
Tóm lại, sự tiếp nhận và sáng tạo những đề tài trong văn học dân gian đã tạo ra những hạt nhân quan trọng trong việc phát triển nền văn học Việt Nam nói chung và tiểu thuyết sau 1986 nói riêng. Qua các thang giá trị, quan niệm văn hóa dân gian về đạo đức, thẩm mỹ, cuộc sống và con người hiện tồn được soi xét, đánh giá, đồng thời được cứu rỗi. Việc thay đổi trong quan niệm về hiện thực đã dẫn đến sự bùng phát về đề tài trong văn học, phá vỡ cái gọi là "chủ nghĩa đề tài" của văn xuôi giai đoạn trước như nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra. Sự bùng nổ đề tài như vậy giúp nhà văn có điều kiện khám phá mọi phương diện của cuộc sống, đi sâu vào những góc khuất của hiện thực khách quan và hiện thực tâm hồn với bao chiêm nghiệm và dự cảm về nhân thế, mở ra một chân trời thoáng rộng cho sự liên tưởng và suy ngẫm của người đọc.
Tài liệu tham khảo
[1] Lê Bá Hán (chủ biên) (1992), Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[2] Phương Lựu (chủ biên) (1997), Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.





 

 
Khoa Khoa học XH&NV