Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  08/11/2019 19:38        

Phương pháp học tập chủ động ở bậc đại học

1. Đặt vấn đề

1.1. Học tập ở bậc đại học có gì khác với bậc trung học phổ thông?

Khác thứ nhất là từ cách dạy.

Đối với cấp học phổ thông, phương pháp thường thấy là chủ yếu thầy cô giảng bài kết hợp vấn đáp, học sinh trả lời các câu hỏi, đôi khi có một ít thảo luận, thuyết trình trên lớp và thậm chí GV còn đọc cho học sinh ghi chép, chiếu cho HS nhìn chép.

Ở bậc đại học, giảng viên chỉ đóng vai trò là người hướng dẫn sinh viên tìm kiếm tài liệu, thảo luận và nghiên cứu các nội dung GV đưa ra, giải đáp các thắc mắc, tổng kết các nội dung của môn học. Những lời giảng của GV chỉ mang tính chất đề dẫn, gợi ý, còn chủ yếu dựa vào khả năng tự tiếp thu, tự nghiên cứu và xử lý kiến thức của sinh viên đối với bài học đó.

Khác thứ hai là cách học.

Từ cách dạy thay đổi đã buộc cách học đại học cũng thay đổi. SV người tự chủ, tự giác và tự chịu trách nhiệm với việc học của mình. SV thường xuyên sử dụng các phương pháp học tập chủ động để phát huy năng lực bản thân như tự học, học với nhóm, tăng cường thảo luận, thuyết trình, mở rộng phạm vi học tập, không những học trong giáo trình mà còn nhiều tài liệu khác, không những học trên lớp mà còn ở thư viện, ở nhà, thực tế đời sống... 

1.2. Để thay đổi được cách học bản thân SV cần chuẩn bị điều gì trước tiên?

Chính vì sự thay đổi đó khiến cho rất nhiều bạn sinh viên rất bỡ ngỡ trong việc học và mong muốn tìm ra cách học hiệu quả. Việc đầu tiên SV cần phải có mục tiêu học tập. Đó là vì mục tiêu chính là động lực thúc đẩy chúng ta đến thành công. Khi không có mục tiêu, chúng ta không biết tập trung vào việc gì và chỉ làm như bản năng, chạy vòng vòng rồi quay lại chỗ cũ.

Có rất nhiều mục tiêu các em có thể tự đặt ra cho mình. Học lấy bằng giỏi để khi tốt nghiệp xin được việc làm đúng với nguyện vọng. Học tốt để sau này ra làm nghề giỏi, kiếm nhiều thu nhập, có cuộc sống khá giả. Chỉ học tốt những kĩ năng, kiến thức thuộc thế mạnh hoặc đam mê của bản thân như chuyên viên văn phòng, nghiên cứu văn học, nhà báo mạng, phóng viên truyền hình, phát thanh viên, một điều phối viên truyền thông hay một cán bộ văn hóa ở Sở, một nhân viên bảo tàng, hay hướng dẫn viên du lịch…Học để thỏa mãn đam mê của bản thân. Học để báo hiếu cha mẹ. Học để nối nghiệp gia đình …Có rất nhiều mục tiêu học tập, tuy nhiên hãy lựa chọn mục tiêu vì sự phát triển của bản thân mình. Đó là những mục tiêu vượt xa ngoài khả năng hiện tại của chúng ta và điều quan trọng nhất là ý nghĩ đạt được những mục tiêu ấy thật sự làm chúng ta cảm thấy hết sức hạnh phúc, phấn khởi. Chính cảm giác vui sướng đặc biệt này thúc đẩy ta chịu khổ chịu khó, thức đêm thức hôm học hành chăm chỉ, tạo ra quyết tâm, động lực để hành động kiên trì trong 4 năm và có thể hơn nữa.

2. Một số phương pháp học tập chủ động ở bậc đại học

Tháp học tập (Learning Pyramid hay Cone of Learning) trong những năm 1960 - được phổ biến rộng rãi bởi Viện Nghiên cứu Giáo dục Mỹ - đã chỉ ra cách thức mà nhân loại học tập. Theo đó, chúng ta chỉ nhớ được 5% những gì mình đã nghe giảng, nhưng có thể nhớ tới 90% những gì mình dạy cho người khác.

 

Điều này có nghĩa là bạn càng chủ động tham gia phân tích thông tin thì càng có khả năng ghi nhớ tốt hơn. Sách vở, các bài giảng trên lớp, video... đều là những phương pháp học tập không có sự tương tác và kết quả là 80 - 95% kiến thức đi vào tai này nhưng lại rơi rụng ở tai kia. Thay vì bắt ép não bộ phải ghi nhớ thông tin qua những phương thức thụ động như vậy thì chúng ta nên tập trung thời gian, năng lượng và nguồn lực vào những phương pháp mang tính chất thực hành nhiều hơn, mang lại hiệu quả cao hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn.

SV cần hiểu về nó để chủ động học tập và thay đổi thái độ học tập. SV Việt Nam hiện nay vẫn còn quen thuộc với phương pháp dạy học truyền thống, tức là GV giảng, trò nghe và chép. Có một nghịch lý là khi cô giảng thì có thể trò không tập trung lắng nghe mà nói chuyện riêng trong lớp, nhưng đến lúc giáo viên cho thời gian để thảo luận, thì lớp học lại vô cùng yên tĩnh. Việc trao đổi, thảo luận nhóm sẽ giúp bạn củng cố tới 50% kiến thức, vì thế đừng bỏ lỡ những cơ hội như vậy để không phải hối tiếc.

Dạy và học theo phương pháp tháp học tập có thể thực hiện theo ba bước sau:

- Giới thiệu khái niệm (Introduction): Bằng lời giảng của giáo viên, bằng việc yêu cầu học sinh đọc thành tiếng thông tin trong bài và học qua thiết bị nghe nhìn với hình ảnh và âm thanh minh họa sống động (20%)

- Dạy khái niệm (Teaching): Sau khi học sinh đã đọc thông tin, có thể yêu cầu học sinh trình bày lại theo trí nhớ, sau đó giáo viên đưa ra ví dụ để học sinh cùng thảo luận để đạt mục tiêu 'thảo luận nhóm' (50%)

- Áp dụng khái niệm (Application): Sau khi nắm lý thuyết, học sinh phải tự giải thích đúng sai, giảng giải lại kiến thức cho bạn khác và thực hành (90%)

Cụ thể, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm với bạn bè. Muốn nhớ lâu, học sinh phải được tự tay thực hiện và trải nghiệm. Có thể học sinh sẽ làm sai, nhưng quá trình đó giúp củng cố kiến thức cho các em nhớ lâu hơn và tránh sai lầm khi gặp các hiện tượng tương tự ở những lần sau.

Mức độ cao hơn của phương pháp tiếp thu kiến thức chủ động là dạy lại cho người khác. Giáo viên có thể tổ chức những buổi học nhóm cho học sinh. Các em thay phiên nhau giảng lại kiến thức đã được học. Cách này đảm bảo học sinh nhớ đến 90% và sẽ nhớ rất lâu.

Như vậy, muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả trong học tập, phải học có phương pháp trong tất cả các khâu: từ nghe giảng, ghi chép, làm bài và chú tâm tự học, thuyết trình, học nhóm, tự trải nghiệm và dạy được cho người khác. Vậy SV phải làm thế nào để vận dụng hiệu quả cách học mô hình Kim tự tháp này? Chuyên đề sẽ giới thiệu 2 nhóm phương pháp học tập cá nhân và học nhóm để đáp ứng nhu cầu trên.

2.1. Các phương pháp học tập cá nhân

2.1.1. Phương pháp nghe, xem giảng kết hợp ghi chép

Bậc đại học, GV không chấm vở ghi của SV, SV không thi đua vở sạch chữ đẹp, mỗi SV có cách ghi bài riêng của mình để mình có thể dựa vào đó tái hiện và vận dụng kiến thức một cách hiệu quả nhất là được. Vì vậy, Sv có thể ưu tiên các thao tác như:

- Tập trung theo dõi bài giảng, nghe, xem GV giảng theo hệ thống vấn đề và có trọng tâm. Nếu chú tâm nghe giảng, hiệu suất tiếp thu đạt tới 50 %.

- Ghi chép các ý chính theo hệ thống dàn bài, ghi chép theo ý hiểu của mình, chỉ ghi kĩ những gì GV nhấn mạnh, mở rộng, nâng cao, những gì ta chưa biết và sách chưa có.

- Chú ý đến các bảng tóm tắt, các sơ đồ và các tài liệu trực quan khác giảng viên giới thiệu, vì đây là lúc người thầy hệ thống hóa, so sánh, phân tích... để nắm được trình tự tiến dần đi đến kết luận và rút ra nội dung mới.

- Khi gặp chỗ khó, không hiểu, không ghi kịp hãy tạm thời gác lại và sẽ cố gắng tìm hiểu những điều đó sau để quá trình nghe giảng không bị gián đoạn.

- Cần phải có tốc độ viết nhanh hơn, dùng nhiều ký tự viết tắt hơn.

Như vậy, trong cùng một lúc SV phải tập trung các giác quan như Mắt nhìn, tai nghe, tay ghi, óc suy nghĩ.

2.1.2. Phương pháp tự học

- Tư học là quá trình chủ động, tích cực, độc lập tìm hiểu, lĩnh hội tri thức và hình thành kỹ năng cho mình. Tự học là tự mình tìm hiểu nghiên cứu, thu nhặt các kiến thức tự luyện tập để có kỹ năng. Tự học có thể không cần sự hướng dẫn của người khác.

Tự học là làm những gì? SV có thể nghiên cứu trước bài sẽ học hay ôn lại bài đã học trên lớp. Thực hiện các nhiệm vụ học tập cá nhân, nhóm GV giao về nhà: làm bài, thực hành để nhớ kĩ, nhớ lâu kiến thức và biết cách vận dụng kiến thức. Đọc sách (ngoài giáo trình bắt buộc còn rất nhiều sách tham khảo), đọc báo, vào google xem tin tức, lướt web, qua youtube … để mở rộng, nâng cao về vấn đề đã, sẽ học.

Trong quá trình tự học SV nên hết sức tập trung, đặt ra cho mình một thói quen về giờ giấc và không gian tự học trong ngày, chẳng hạn 2 tiếng/ngày, khi tự học phải kết hợp các kĩ năng ghi chép, tải, lưu tài liệu để sử dụng cho bài học hoặc sử dụng khi cần.

Vậy SV có thể sắp xếp việc tự học ra sao?

- Tự sắp xếp thời gian phù hợp với mình nhất, học bất cứ lúc nào, nơi đâu bạn thấy tiện lợi và hứng thú.

- Tự khám phá ra điểm mạnh và sở thích của bản thân, lợi dụng điều đó để khiến việc tự học trở nên dễ thở. Đơn giản nhất là học tiếng Anh qua việc đọc sách, nghe nhạc chẳng hạn.

- Học với tốc độ phù hợp với mình, không phải lo cô giảng nhanh quá, cả lớp hiểu mà mình hỏi lại thì tự nhận là dốt(?!), cũng chẳng lo mình tốn thời gian với mấy món biết rồi, tự học những gì bạn còn yếu, quá hiệu quả và tiết kiệm thời gian.

-Tìm thấy điều bạn say mê trong môn học, và biến việc học thành điều bạn thích, chứ không chỉ là nghĩa vụ.

- Học với bất kỳ ai bạn thích, kết hợp với các hoạt động khác nữa.

Những gì chúng ta biết ngày hôm nay sẽ lỗi thời vào ngày hôm sau. Nếu chúng ta ngừng học thì chúng ta sẽ ngừng phát triển. Vậy nên tự học, tự rèn luyện là hoạt động suốt đời của mỗi bản thân.

2.1.3. Phương pháp thuyết trình

Thuyết trình là quá trình phát ngôn chính thức nhằm giới thiệu, cung cấp hoặc làm sáng tỏ một hiện tượng, sự kiện, nguyên tắc. Thuyết trình là một phương pháp dạy học thường được các SV áp dụng. Hiệu quả của phương pháp này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm, nghệ thuật diễn giải và thuyết phục của SV. Tuy có nhiều nhược điểm, nhưng nếu SV biết cách sử dụng đúng và biết phối hợp với các phương pháp khác nhất là sử dụng thêm một số công cụ nghe nhìn hỗ trợ để minh hoạ bài trình bày, hoặc cải tiến để tăng cường sự tham gia của người học thì phương pháp thuyết trình vẫn đem lại được hiệu quả.

Phương pháp thuyết trình phù hợp với những nhiệm vụ học tập nào?  

- Giới thiệu một chủ đề, hoạt động, hoặc nhiệm vụ mới.

- Giải thích và làm sáng tỏ các thuật ngữ, khái niệm, nguyên tắc, hoặc cơ chế...

- Cập nhật thêm các thông tin hoặc các kinh nghiệm thực tế không có trong tài liệu.

- Ôn lại bài cũ trước khi vào bài mối hoặc tóm tắt bài ở cuối buổi học.

Vậy muốn thuyết trình hiệu quả SV cần chú ý đến những điều gì?

- Bài thuyết trình có 3 phần: phần mở đầu giới thiệu họ tên, nhóm, vấn đề thuyết trình; phần nội dung trình bày tập trung vào thông điệp cốt lõi; phần kết đưa ra tín hiệu kết thúc và gửi lời cảm ơn đến người hướng dẫn, người nghe.

Thuyết trình là nói, trình bày một cách tự nhiên mà không phụ thuộc quá nhiều vào tài liệu (không phải cầm giấy đọc hoặc chiếu bài trên màn hình và đọc theo), chỉ nhìn tài liệu để biết dàn ý của mình mà diễn đạt một cách tự nhiên.

- Ngôn ngữ trong sáng, rõ ràng, cảm xúc, có ngữ điệu, nhấn nhá, điều chỉnh tốc độ nói.

- Trang phục lịch sự, vẻ mặt tươi tắn, sử dụng điệu bộ, cử chỉ, ánh mắt, nụ cười để hỗ trợ tăng thêm sức hấp dẫn, thỉnh thoảng nhìn vào mắt người nghe khoảng 2-3 giây, đôi khi di chuyển một chút để tạo sự tương tác.

- Thêm yếu tố hài hước hoặc đặt các câu hỏi, câu chuyện để tăng thêm tính sinh động và thu hút người theo dõi tập trung v ào bài nhiều hơn.

- Áp dụng nguyên tắc 10 - 20 - 30:

+ Thời gian tùy thuộc vào chủ đề nhỏ hay lớn, nhưng không quá 20 phút vì người nghe đã dần mất tập trung, nghe không hiệu quả, nếu bài hơn 20 phút phải kết hợp với các thep tác như kể chuyện, tương tác...

+ Có thể sử dụng các phương tiện hỗ trợ như trình chiếu: chiếu chủ yếu kênh hình ảnh, âm thanh, dàn bài, các bảng biểu… (không nhiều kênh chữ, không chiếu hết tất cả các nội dung mình sẽ nói, vì sẽ không hấp dẫn người nghe nữa), bài thuyết trình 15 phút khoảng 10 slide là tối đa, nền slide thường nền trơn, không dùng nền có hoa văn sặc sỡ sẽ gây nhiễu thông tin, cỡ chữ từ 32-36 mới thấy được rõ, màu chữ chủ yếu là đen, xanh đen, đỏ.

2.2. Phương pháp học tập với nhóm

Học nhóm là một hình thức học hợp tác nâng cao chất lượng của mỗi thành viên nhờ học hỏi từ bạn bè thông qua quá trình trao đổi, đóng góp và chia sẻ các nhiệm vụ học tập cùng nhau, do đó có được những kết quả học tập tiến bộ về nhiều mặt.

Học nhóm có vai trò hình thành và nâng cao năng lực hợp tác, năng lực giao tiếp, năng lực giải quyết vấn đề, năng lực về công nghệ thông tin… cho mỗi thành viên trong nhóm.

Quy mô nhóm cần số lượng thành viên của mỗi nhóm thường 3 -7, đẹp nhất là 4 - 5 sẽ hoạt động đạt hiệu quả hơn vì trưởng nhóm dễ điều phối nhóm và các thành viên có lượt tương tác được nhiều hơn.

Nguồn lực nhóm phải đồng đều và có tinh thần tập thể. Nguồn lực mạnh quá mà không đều thì sẽ lãng phí, các thành viên không phát huy được sở trường của mình; yếu quá sẽ không đủ sức hoạt động tốt; yếu kém tinh thần tập thể dễ tan rã nhóm. Một nhóm hoạt động tốt yêu cầu thành viên cần có những vai trò và năng lực đa dạng sau:

STT

Vai trò

Năng lực cần đạt

1

Trưởng nhóm

Năng lực tổ chức, lãnh đạo, kết nối nhóm

2

Thư kí

Năng lực kết nối, tổng hợp thông tin để tạo lập được sản phẩm của nhóm

3

Thành viên

Năng lực tìm kiếm và xử lý thông tin

4

Thành viên

Năng lực về công nghệ thông tin

5

Thành viên

Năng lực trình bày thông tin

  Các thành viên có thể thay phiên nhau đảm nhiệm lần lượt các vai trò trong các nhiệm vụ học tập khác nhau để có cơ hội phát triển tất cả các năng lực của mình.

Xung đột nhóm là điều khó tránh khỏi. Hoạt động một nhóm sẽ trải qua 5 giai đoạn : hình thành, hỗn loạn, định hình, hoạt động, kết thúc. Nhóm mới thành lập chắc chắn chưa hiểu nhau, chưa quen cách làm việc với nhau nên có thể nảy sinh xung đột. Vậy ta xử lí các xung đột ra sao để nhóm hoạt động tốt mà không bị tan rã?

- Đối với xung đột, mâu thuẫn về các vấn đề trong học tập, đó là tiền đề để nhóm hoạt động tốt, vì vậy không được triệt tiêu, hãy cùng nhau tranh luận trên thái độ chân thành, mang tính xây dựng để đưa đến một kết quả tốt nhất cho nhóm.

- Đối với xung đột, mâu thuẫn cá nhân, mỗi SV phải tự ý thức được công tư phân minh để không làm ảnh hưởng đến kết quả và bầu không khí nhóm.

- Đối với những thành viên không tự giác, không chuyên cần, không có ý thức đóng góp và chia sẻ với nhóm thì nhóm nhắc nhở, chấn chỉnh, có bình xét kết quả xác đáng và báo cáo với GV khi đánh giá nhóm, nếu thành viên không cải thiện nhóm có quyền loại thành viên đó, không để trở thành gánh nặng với nhóm. 

Các nhóm cần xây dựng chuẩn mực nhóm để nhóm có những quy định thống nhất trong hoạt động. Chẳng hạn mỗi thành viên thay phiên nhau giữ một vai trò trong nhóm; thời gian quy định học nhóm là ….tại; các thành viên đi đúng giờ, trước khi đi phải chuẩn bị bài ở nhà; trong giờ thảo luận nhóm không được đùa giỡn, nói chuyện riêng, để chuông điện thoại...

Sản phẩm của nhóm là khâu quan trọng. Sản phẩm đầu tiên là sản phẩm viết (viết tay hoặc đánh máy) sau đó chuyển cho tất cả thành viên năm bắt; ngoài ra còn có sản phẩm khác như sản phẩm trình chiếu và sản phẩm nói của người trình bày.

Ngoài phần trình bày trên về các phương pháp học tập chủ động tích cực, các em muốn vận dụng hiệu quả cần chú ý đến những yếu tố sau:

- Cân bằng giữa việc học và chơi, ưu tiên cho việc học, việc chơi giúp việc học lấy lại được năng lượng.

- Cân bằng giữa học và làm thêm, ưu tiên cho việc học, làm thêm là để trải nghiệm việc học

- Cân bằng giữa việc học kiến thức và học kĩ năng sống

- Cân bằng giữa việc học việc yêu đương, hẹn hò.

- Tập cho mình thói quen biết tập trung khi học.

- Ngủ đủ giấc để có đủ năng lượng cho việc học.

- Để trạng thái tâm lí thoải mái và suy nghĩ tích cực để dễ tiếp thu bài.

3. Kết luận

Trên đây là về một số phương pháp học tập chủ động cho SV đại học. Mong rằng SV Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn sẽ vận dụng tốt để nâng cao chất lượng học tập cho mình./.

 

                                                                                                         Ths. Trần Thị Kim Thu
 
Khoa Khoa học XH&NV