Tóm tắt: Khánh Hòa là vùng đất được hình thành gắn liền với công cuộc khai hoang lập ấp của người Việt theo đoàn quân Nam tiến vào vùng đất Nam Bộ. Nguồn gốc hình thành cư dân Khánh Hòa là những tầng lớp cư dân Đàng Ngoài, vốn là nông dân bị khánh kiệt về ruộng đất, những người bị lưu đày, bị chính quyền phong kiến truy bức, những tù binh chiến tranh, những thương gia bị phá sản và những lưu dân người Hoa… về đây đứng chân, định cư.
Đối với người dân Khánh Hòa, tín ngưỡng dân gian lúc nào cũng như hình với bóng, ngự trị trong cuộc sống, từ lúc sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời. Hiện nay, có nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau ở Khánh Hòa, tuy nhiên qua quá trình tiếp biến và hội nhập của các dân tộc đã tạo nên những giá trị văn hóa đồng nhất nhưng chính trong sự đồng nhất đó đã khẳng định đặc tính tâm linh riêng của mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa.
Từ khóa: tín ngưỡng dân gian, thờ cúng, nét đẹp văn hóa
Là một cộng đồng cư dân có nhiều dân tộc sinh sống bằng nhiều loại hình kinh tế khác nhau nên đời sống tâm linh, tôn giáo của cư dân Khánh Hòa cũng rất phong phú và đa dạng. Ngoài sự tồn tại của các tôn giáo lớn, phần lớn nhân dân còn duy trì các tín ngưỡng dân gian, lễ nghi dân tộc. Tôn giáo, tín ngưỡng có một vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân nơi đây, nó ảnh hưởng và chi phối tập quán, cũng như lối sống của từng thành phần dân cư.
Trên vùng đất mới của buổi đầu lập ấp nơi rừng thiêng nước độc, thiếu cả công cụ, phương tiện lao động vì thế tôn giáo, tín ngưỡng như một nhu cầu lớn lao, là chỗ dựa về mặt tinh thần không thể thiếu để chống chọi lại bao tai ách, biến động của tự nhiên và xã hội. Con người luôn quan niệm rằng “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” vì vậy về mặt tâm linh có một ý nghĩa đặc biệt cho sự tồn tại và mở mang vùng đất mới. Để đáp ứng nhu cầu đó “không chỉ tin đến những tín ngưỡng tôn giáo vốn có mà họ còn tìm cách tự tạo cho mình những dạng thức tôn giáo mới”[1], từ đó hình thành nên những dạng thức tín ngưỡng dân gian với những nét riêng biệt.
Do quá trình tụ cư khác nhau, với nhiều thành phần dân tộc (Việt, Hoa, Chăm, Raglai, Gié T’riêng…) từ nhiều nguồn gốc khác nhau nên cư dân ở Khánh Hòa bên cạnh hệ thống tín ngưỡng truyền thống mang từ quê cũ vào thì họ cũng đã tự tạo cho mình một đời sống tâm linh mới hỗn dung giữa màu sắc bản địa và màu sắc ngoại lai “Văn hóa của cư dân vùng đất mới, dù là của dân tộc nào, cũng đều là sự kết hợp giữa truyền thống văn hóa trong tiềm thức, trong dòng máu và điều kiện tự nhiên, lịch sử của vùng đất mới. Nó phát triển trong điều kiện cách xa vùng đất cội nguồn cả về không gian và thời gian”[2].
Đối với người dân Khánh Hòa, tín ngưỡng dân gian lúc nào cũng như hình với bóng, ngự trị trong cuộc sống, từ lúc sinh ra cho đến khi từ giã cõi đời. Hiện nay, có nhiều loại hình tín ngưỡng khác nhau ở Khánh Hòa, tuy nhiên qua quá trình tiếp biến và hội nhập của các dân tộc đã tạo nên những giá trị văn hóa đồng nhất nhưng chính trong sự đồng nhất đó đã khẳng định đặc tính tâm linh riêng của mỗi dân tộc, mỗi nền văn hóa. Có thể thấy nhu cầu sinh hoạt tín ngưỡng dân gian ở Khánh Hòa gồm các loại hình sau:
1. Tín ngưỡng thờ cúng tại gia đình:
- Thờ cúng tổ tiên:
“Con người có tổ, có tông
Như cây có cội, như sông có nguồn”
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một tập tục truyền thống lâu đời, có vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của dân tộc Việt Nam, là một trong các thành tố tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Từ lâu, họ tin rằng người chết thể xác sẽ hóa thân vào vũ trụ nhưng linh hồn vẫn tồn tại nhớ về nơi ở cũ, vì vậy bổn phận con cháu phải luôn phụng sự, tưởng nhớ linh hồn, để ông bà phù trợ cho con cháu cuộc sống yên ổn, khỏe mạnh, làm ăn phát đạt.
Hiện nay ở Khánh Hòa, những gia đình theo đạo Phật hay không theo đạo thường đặt bàn thờ tổ tiên ở chính giữa, nơi trang trọng nhất của ngôi nhà. Tùy vào hoàn cảnh của mỗi gia đình, bàn thờ tổ tiên được bài trí khác nhau, thường là một bệ xi măng đúc, hoặc tủ gỗ, trên bàn thờ có chân dung người đã khuất, bát nhang, bình hoa, đèn, gia đình khá giả thì có thêm lư đồng. Ngày nay, việc thờ cúng ông bà, tổ tiên được phục hồi và phát triển mạnh, nhất là đối với những người càng lớn tuổi. Người trẻ hiện nay trọng ngày giỗ ông bà, xem như thước đo của lòng hiếu thảo, đoàn tụ, giữ gìn dòng họ. Ai cũng có thể đứng ra tổ chức cúng giỗ cho ông bà, không phân biệt trai hay gái, không nhất thiết chỉ có con trai trưởng. Có những gia đình, con trai không chỉ thờ cúng cha, mẹ đẻ mà còn thờ cúng cả cha, mẹ vợ. Bên cạnh bàn thờ tổ tiên, tùy thuộc vào đối tượng theo tôn giáo nào thì có bàn thờ tôn giáo riêng[3].
“Tu đâu cho bằng tu nhà
Thờ cha kính mẹ mới là chân tu”.
- Thờ các vị thần bảo gia được phối tự thờ cúng ở gia đình và cộng đồng. Đối với người Việt, thờ ông bà ở gia đình là việc chính, được đặt ở giữa nhà, giữa trang thờ, nói lên ước vọng chính của gia đình. Các thần phụ như thần Quan Công, Thiên Hậu, Cửu Thiên Huyền Nữ, Quan Âm, Linh Sơn Thánh Mẫu, thần Đất… sẽ bổ sung thêm những ước vọng khác của gia chủ. Thần Trời, thần Mặt Trăng, thần các Vì Sao, ông thần Sấm bà thần Sét, ông thần Bão bà thần Gió Lốc, thần Rẫy, thần Bắp Lúa, thần Tổ sinh Chăn nuôi… là những vị thần gia bảo trong tín ngưỡng của người Raglai và một số dân tộc thiểu số khác ở Khánh Hòa. Các thần bảo gia thường che chở cho gia chủ tránh khỏi sự phá rối của ma quỷ, ác thần, các rủi ro “có kiêng có lành, có cầu có ứng” và cầu điều tốt lành cho gia đình.
- Thờ cúng tổ nghề nghiệp là một truyền thống tốt đẹp của người Việt, thể hiện sự biết ơn những vị sáng lập, mở mang tri thức ngành nghề cho người dân, thể hiện tinh thần “tôn sư trọng đạo” đối với vị khai Sư.
Tổ nghề còn gọi là Tổ sư, Thánh sư, Nghệ sư, là người phát minh, sáng lập, gây dựng nên một nghề (thường là nghề thủ công mỹ nghệ) hoặc là người thứ nhất đem nghề từ nơi khác truyền lại cho dân chúng trong một làng hay một miền nào đó, được đời sau tôn thờ như bậc thánh. Các vị thần tổ nghiệp thường được nhân dân thờ cúng có nguồn gốc từ Trung Quốc như Bà Nữ Oa (Cửu Thiên Huyền Nữ), thần Lỗ Bang, Thái thượng Lão quân…; các vị tổ nghiệp Việt Nam như Phạm Thị Trân, Đào Tấn, Cao Văn Lầu… là các vị tổ của nghề sân khấu, Cao Đình Bộ – Cao Đình Hương là hai vị tổ sư nghề kim hoàn, Nguyễn Thị Sen – tổ nghề may, Nguyễn Diệu – tổ nghề dệt, Lê Công Hành – tổ nghề thêu, Nguyễn Minh Không (Dương Không Lộ) – tổ nghề đúc đồng, tổ nghề gốm xứ là Hứa Vĩnh Kiều, Đào Trí Tiến, Lưu Phong Phú, Lê Hữu Trác – tổ sư ngành y học dân tộc Việt Nam…
Hàng năm có một ngày giỗ Tổ sư là Tổ nghề nghiệp. Người cùng nghề thường tập trung ở đền thờ chung hay ở cơ sở sản xuất, gia đình… bày bàn làm giỗ rất trang trọng, như ngày 12/12 (Âm lịch) cúng tổ nghề may, ngày 20/12 (Âm lịch) là ngày cúng tổ thợ hồ… Việc thờ cúng mang ý nghĩa nhớ ơn người khai sáng ra nghề nghiệp, đồng thời cầu xin tổ nghiệp phù hộ tay nghề ngày càng dày dặn, công việc được suôn sẻ, đông khách hàng hoặc những lúc đi xa tránh được mọi rủi ro.
- Thờ các danh nhân, anh hùng lịch sử, liệt sỹ cách mạng là một nét đẹp văn hóa dân tộc, vừa là đạo lý truyền thống của người phương Đông “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”, nhớ công ơn của những người đã chiến đấu, hy sinh trong công cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng quê hương, đất nước qua các thời kỳ lịch sử, như: Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Đức Thánh Trần Hưng Đạo, Võ Thị Sáu.... Gần đây, việc thờ cúng Bác Hồ khá phổ biến nhiều nơi ở cơ sở thờ tự của các tôn giáo và riêng từng gia đình.
- Thờ cúng ông Địa – thần Tài. Hình ảnh ông Địa và ông thần Tài thường gắn liền với nhau, cả hai đều được thờ chung tại một trang thờ, đặt ở dưới đất. Tủ thờ thường làm bằng gỗ, đặt hướng thẳng ra phía cửa nhà, thường ở vị trí có vách dựa vào (để tạo sự vững chắc cho tủ thờ cũng như cho sự kinh doanh và cuộc sống gia đình của gia chủ). Hầu hết các gia đình buôn bán, kinh doanh ở Khánh Hòa đều thờ cúng ông Địa – thần Tài. Họ thờ phụng, nhang khói quanh năm, vì họ tin rằng chỉ khi nào lo cho các vị thần này chu đáo thì mới được các Thần phù hộ làm ăn thuận lợi “tiền vào như nước". Sáng sớm khi mở cửa hàng hoặc kinh doanh, họ thường thắp hương cầu khấn thần Tài "phù hộ” cho cửa hàng mua may bán đắt, cúng cho ông Địa một ly cà phê đen và một điếu thuốc để ông “độ” cho gia đình trong ấm ngoài êm.
- Thờ tượng Phúc – Lộc – Thọ: trong nhiều gia đình ở Khánh Hòa, bên cạnh bàn thờ Thần Phật, nhiều gia đình (đặc biệt là những gia đình buôn bán, kinh doanh) hay bày tượng thờ cúng ba ông Tam Đa, hay còn gọi là ba ông Phúc - Lộc - Thọ: ông Phúc mang đến sự may mắn, an lành. Ông Lộc tượng trưng cho sự giàu có, thịnh vượng. Ông Thọ tượng trưng cho sự trường thọ. Tuy ba ông sống ở ba thời kỳ khác nhau nhưng được sắp đặt cạnh nhau trong một trang thờ.
Người Khánh Hòa thờ ba ông Phúc – Lộc – Thọ thể hiện khát vọng, ước mơ của cá nhân với cuộc sống và thế giới chân - thiện - mỹ. Đồng thời, cũng là một nét đẹp có tính giáo dục đạo đức và hướng thiện rất cao.
- Thờ cúng ông Công – ông Táo: trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Táo Quân có nguồn gốc từ ba vị thần Thổ Công, Thổ Địa, Thổ Kỳ của Đạo giáo Trung Quốc nhưng được Việt hóa thành huyền tích “2 ông 1 bà” - vị thần Đất, vị thần Nhà, vị thần Bếp núc. Tuy vậy, người dân vẫn quen gọi chung là Táo Quân hoặc Ông Táo. Việc thờ thần Bếp ở mỗi gia đình là tín ngưỡng có từ xa xưa, ý mong muốn một cuộc sống luôn đầm ấm, hạnh phúc, mọi người luôn thương yêu, quý trọng nhau.
Bàn thờ Táo Quân thường đặt gần bếp, trên có bài vị thờ viết bằng chữ Hán. Hàng năm, vào ngày 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân lên chầu trời, báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế những điều tai nghe mắt thấy ở trần gian; tất cả những việc tốt, việc xấu, những gì đã làm được và chưa làm được của con người dưới hạ giới một cách khách quan, trung thực. Vì thế, các gia chủ thường tổ chức Lễ tiễn ông Công - ông Táo rất thịnh soạn với mong muốn những điều tốt đẹp nhất sẽ được thưa với Ngọc Hoàng, và những điều không may mắn hoặc không tốt sẽ được báo cáo nhẹ đi.
Tục thờ cúng ông Công – ông Táo mang nhiều ý nghĩa nhân văn, hướng con người tích cực làm việc tốt, sống lương thiện.
Thờ Quan Công: ở Khánh Hòa, những gia đình buôn bán, kinh doanh, nhà hàng, văn phòng làm việc… có lập bàn thờ Quan Công (là một nhân vật có thật trong tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung) tên thật là Quan Vũ, Quan Vân Trường - tượng trưng “Trung – Nghĩa – Tín – Trí – Nhân - Dũng”. Nếu thờ Ngài thì nhất định phải chọn chỗ thanh tịnh, sạch sẽ và trang nghiêm. Lấy một cái trang thờ rồi đặt tượng Quan Công đứng bên trong, mặt tượng hướng ra bên ngoài, phía cửa phòng hoặc cửa chính của ngôi nhà, và thường xuyên thắp nhang.
Người dân thờ Quan Công để cầu tài với mong muốn Ngài sẽ mang lại cho gia đình nhiều tài lộc, công việc làm ăn kinh doanh thuận lợi, dẹp trừ tiểu nhân.
Bàn Thiên (tín ngưỡng thờ trời đất) còn được gọi là bàn Ông Thiên hay bàn Thông Thiên, được thờ rất phổ biến ở Khánh Hòa, đặc biệt là ở vùng nông thôn, hầu như gia đình nào cũng có đặt bàn thờ Thiên ở trước nhà. Đây là dạng tín ngưỡng có từ thờ khai hoang lập ấp được các lưu dân từ miền Bắc, miền Trung mang vào.
Hình thức thờ bàn Thiên ở Khánh Hòa rất đơn giản, chỉ là một cây cột gỗ cắm xuống giữa sân, trên đó có đặt một tấm ván hình vuông hoặc hình chữ nhật. Trên tấm ván đó, người ta đặt một lư hương, vài chung rượu chén trà, một dĩa trái cây. Trụ cột thường cao khoảng 1,5m (bằng gỗ hoặc bằng gạch), trên có bệ thờ vuông, với thức cúng đơn giản: một lư nhang, một bình hoa, ba chun nước tinh khiết, có nơi thêm vào một lọ gạo và một lọ muối; những gia đình ở gần chợ, hoặc ở thị trấn, thị xã, thành phố, bàn Thiên có khi đặt trên sân thượng. Mỗi tối gia chủ thắp nhang khấn nguyện Trời Đất ban phước lành, sức khỏe, bình an… đến với cả gia đình. Họ hy vọng làn khói nhang tỏa lên Trời mang theo những lời cầu khẩn của gia chủ, để nguyện vọng của họ được Trời nghe thấy và phù hộ cho gia đình mình. Tuy đơn giản là thế, nhưng tín ngưỡng thờ Trời Đất ở Khánh Hòa đã bao hàm tình cảm thiêng liêng của con người đối với đấng bề trên; là nơi con người gởi gắm ước mơ cao đẹp của mình lên đấng trời xanh, ngõ mong muốn có được một cuộc sống bình an, hạnh phúc.
2. Tín ngưỡng thờ cúng tại đền, miếu, đình làng[4]
Theo bước chân của đoàn quân Nam tiến, những lưu dân người Việt đến vùng đất Khánh Hòa sớm nhất phải từ những năm nửa cuối thế kỉ XVII, tức sau năm 1653 khi chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần cùng Cai cơ Hùng Lộc hầu lập ra hai phủ Thái Khang và Diên Ninh. Khi cư dân Việt đến vùng đất mới này thì người Chămpa bản địa nơi đây đã có tín ngưỡng và có tôn giáo của riêng mình: Bàlamôn giáo mà biến thái của nó là đạo Chăm Bàni thờ ba vị thần Brahma, Visnu, Siva[5]. Cùng với quá trình khai hoang lập làng, quy dân lập ấp, những thiết chế văn hóa truyền thống của người Việt như đình, chùa cũng được xây dựng trên vùng đất mới. Trải qua hơn 350 năm với nhiều đổi thay, biến động, hiện nay Khánh Hòa còn khoảng trên 200 ngôi đình phân bố khắp nơi trong tỉnh. Những ngôi đình, miếu có thời gian xây dựng khác nhau, gắn liền với quá trình khai khẩn, mở mang bờ cõi và phát triển của cư dân người Việt khi đến vùng đất mới sinh sống. Quy mô và vật liệu xây dựng của các ngôi đình, miếu cũng khác nhau, nhưng hầu hết đều được xây dựng đơn giản, chủ yếu là chất liệu có sẵn trong vùng, được nhân dân đóng góp xây dựng.
Rất nhiều đình ở Khánh Hòa thờ những vị có công với nước được dân gian thần hóa, bao gồm: Tiền hiền (những vị có công qui tụ lưu dân khai hoang, biến đồng hoang, rừng rậm, bãi lầy thành ruộng đồng); Hậu hiền (những vị bỏ công, thời gian, tiền bạc để làm hồ sơ, thủ tục… xin lập làng, những vị hiến đất để xây dựng đình); anh hùng liệt sĩ, chiến sĩ trận vong (hầu hết các đình ở Khánh Hòa đều thờ các vị này nhằm thể hiện lòng tri ân đối với những người đã hy sinh trong chiến đấu bảo vệ độc lập của Tổ quốc như: Trịnh Phong, Trần Đường, Trần Quý Cáp, Nguyễn Chánh, Nguyễn Biểu, Phạm Long…). Đình Khánh Hòa còn thờ các vị tiên sư (- là các bậc thầy dạy nghề cho dân làng từ những ngày đầu lập làng đến nay như nghề mộc, nghề xây, nghề rèn, nghề làm muối, nghề chài lưới…). Bên ngoài sân một số đình còn thờ thần Nông, thần Tài, Thổ địa, Bạch hổ, Tứ vị Nam Hải…
Việc thờ thần trong các ngôi đình là việc quan trọng, thể hiện niềm tin của con người đối với các vị thần. Do vậy, về mặt tâm linh, để các thần luôn phù hộ giúp đỡ, người dân Khánh Hòa thường xuyên đến đình thắp nhang, dâng cúng lễ vật cho các vị thần. Vào các dịp lễ hội, mức độ tập trung của người dân đến các đình thường nhiều hơn, lễ vật dâng lên cũng phong phú hơn. Hàng năm vào mùa Xuân hay mùa Thu “Xuân Thu nhị kỳ”, lễ cúng đình ở Khánh Hòa cũng là ngày hội hè của các làng, xã với nghi thức cúng tế, rước lễ để tỏ rõ sự mong ước “quốc thái dân an – mưa thuận gió hòa – dân cư an lạc”, mong Thành hoàng che chở cho dân làng khỏe mạnh, bình an, kinh tế phát triển, đất nước phồn vinh, đồng thời còn nhắc nhở nhau không được quên nghề Tổ, nghĩa Tổ, các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa được nhân dân tôn kính như: Hùng Vương, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Đức Thánh Trần Hưng Đạo... Đây cũng là dịp để tổ chức các trò chơi dân gian, hát bội, hát cải lương với những tuồng tích xưa.
Lễ hội cúng thần Thành hoàng ở các đình làng Khánh Hòa là cầu nối tâm linh giữa con người với thần linh, thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục lòng yêu nước, nhân nghĩa, hướng tới những điều tốt đẹp, đồng thời cũng là hình thức trao truyền văn hóa truyền thống của dân tộc từ thế hệ trước sang thế hệ sau, là nét văn hóa đặc sắc của người dân Khánh Hòa nói riêng, người dân Việt Nam nói chung.
- Thờ Thành hoàng Nông nghiệp là tục thờ cúng của cư dân nông nghiệp ở Khánh Hòa. Thành hoàng có thể là nhiên thần hoặc nhân thần. Nhiên thần như thần Cao Các. Thần có nguồn gốc từ Thanh Hóa. Dưới thờ vua Trần Thánh Tông (1240 - 1290), thần Cao Các linh ứng giúp vua đánh tan giặc Nguyên tại sông Lục Đầu, được vua phong tặng “Đương cảnh Thành hoàng Hiển ứng Anh hộ Quốc huy Cao Các, Đại minh Linh ứng Thượng đẳng Phúc thần Đại vương”. Triều Trần ban sắc cho các nơi dựng miếu phụng thờ thần Cao Các ở các bến sông, cửa bể. Thánh Mẫu Thiên Y A Na là thần Mẹ thiêng liêng của các vị thần dân tộc Chăm. Dưới triều nhà Nguyễn, Bà được phong là “Hồng huệ Phổ tế Linh cảm Diệu thông thượng đẳng thần”. Thần Nông, có công dạy dân cày ruộng, trồng lúa, làm nhà mái bằng để tránh mưa nắng; Nhân thần là những người có công khai hoang, lập ấp, lập làng, hoặc một vị quan có công lao to lớn trong việc trông coi, xây dựng và phát triển một thôn, hoặc một xã “Tiền Hiền khai khẩn, Hậu Hiền khai cơ”; khi mất, dân lập đền thờ trong đình làng để thờ và gọi là Thành hoàng. Đối với nhân dân, thần Thành hoàng là vị thần bảo hộ chung cho cả làng “Thành hoàng Bổn cảnh”. Thần ngự trị tại đình làng phù hộ cho dân được mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, xóm làng thịnh vượng. Người ăn ở hiền lương được thần độ trì, kẻ gian ác hung dữ sẽ bị trừng trị. Xét về mặt này thì thần Thành hoàng mang giá trị nhân văn, là vị thần hiện thân của kỷ cương, thưởng phạt phân minh.
- Thờ Thành hoàng Ngư nghiệp. Cư dân các làng làm nghề chài lưới ở Khánh Hòa từ bao đời dấn thân trong môi trường nước, coi “biển khơi là mẹ, cánh buồm là cha”, phương thức sản xuất là: “lọc nước lấy cái”. Họ nhận thức được nguồn lợi lớn lao về nguồn thủy, hải sản do sông biển mang lại cho cuộc sống của mỗi gia đình làng chài, song họ cũng nhận ra sông nước, biển khơi vừa là vàng, là bạc nhưng cũng có lắm tai ương, hiểm họa khôn lường. Qua trải nghiệm, họ dần tích lũy được những kinh nghiệm quý giá trong cuộc mưu sinh và hành trình đầy thử thách cam go trong môi trường sông biển. Họ quan sát để rồi tìm ra quy luật của tự nhiên, biển trời, sông nước.
Tục thờ cá Ông (cá Voi) xuất phát từ chiều sâu tâm thức của những ngư dân từ các câu chuyện, giai thoại lưu truyền trong dân gian về việc cá Voi hay cứu giúp thuyền bè, người bị nạn ngoài biển khơi những khi sóng to gió lớn và giúp đỡ ngư dân đánh bắt tôm cá. Sách Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức có đoạn nói về việc cá Voi giúp ngư dân: “Thần là con cá nhân ngư... Ngư phủ giăng lưới đánh cá, thường hô là thần mà cầu khấn thì nhân ngư đuổi cả bầy cá chạy vào lưới, ngư phủ rất cảm ơn”... Niềm tin đó của ngư dân ngày càng được củng cố nhờ vào những kiểm chứng từ những hiện tượng có thật khi cá Voi giúp người đi biển gặp hoạn nạn hay giúp họ đánh bắt tôm cá. Trong quan niệm của ngư dân, cá Voi là biểu tượng của sức mạnh chống bão tố trên biển, là biểu tượng của lòng nhân ái bao la, là vị thần hộ mệnh, đem ấm no hạnh phúc cho ngư dân trong những chuyến ra khơi căng lưới. Vì thế, để tỏ lòng ngưỡng mộ cung kính của mình, họ gọi cá Voi là Ngài, là Đức Ông, Đức Ngư và xưng tụng bằng các tước hiệu tôn kính khác nhau là Nam Hải Đại Tướng Quân, Cự Tộc Ngọc Long Tôn Thần, Đại Càn Nam Hải Đại Tướng Quân, Đông Hải Ngọc Long Tôn Thần. Tuy nhiên, người ta vẫn gọi ông bằng một cái tên gần gũi là thần Nam Hải hay cá Ông.
Càng tin vào sự giúp đỡ của Ngài, ngư dân tổ chức việc thờ cúng hết sức thành kính. Lăng thờ cúng gọi là lăng Ông. Kiến trúc của lăng Ông cơ bản mang dáng dấp một ngôi đình, vừa mang chức năng tín ngưỡng vừa mang chức năng thế tục. Lăng thường được xây gần sông, biển và quay mặt ra hướng Đông. Hàng năm vào mùa Xuân hoặc mùa Thu, ngư dân Khánh Hòa tiến hành nghi thức cúng ông Nam Hải – còn gọi là Lễ hội Cầu ngư[6] rất trang trọng, luôn là những ngày lễ trọng đại của làng chài, cầu thần Biển phù hộ độ trì cho sóng yên biển lặng và cho một vụ đánh bắt cá mới đầy bội thu. Họ tin rằng, lễ tế càng chu đáo bao nhiêu thì ân đức của Ngài ban cho ngư dân (được mùa tôm cá, đời sống sung túc) càng nhiều bấy nhiêu.
Hiện nay, ở Khánh Hòa có 50 lăng Ông dọc theo các huyện, thị ven biển: huyện Vạn Ninh (13 lăng), thị xã Ninh Hòa (15 lăng), thành phố Nha Trang (11 lăng), thị xã Cam Ranh (11 lăng), trong đó có 12 lăng phân bố trên các đảo. Mỗi xã, phường ven biển trong tỉnh thường có một lăng, có nơi có đến 2 – 4 lăng (nhiều thôn trong một xã), đặc biệt phường Vĩnh Nguyên có đến 6 lăng. Lăng Ông Thủy Tú hiện đang giữ bộ xương cá Voi lớn nhất Đông Nam Á. Lăng Ông Cù Lao (phường Vĩnh Thọ) nằm trong cụm cơ sở tín ngưỡng dân gian gồm đình làng – ngôi tiền hiền – chùa làng – lăng Ông[7].
“… Tháng Hai lạch cúng Đức Ông
Ai đi đâu đó nhớ mong mà về…”
Thờ phụng cá Ông và tổ chức Lễ hội Cầu ngư được xem là một hiện tượng văn hóa – tín ngưỡng đặc trưng, phản ánh sự đặc sắc văn hóa miền biển xứ Trầm hương; đồng thời, hàm chứa nhiều giá trị nhân văn sâu sắc, hướng con người đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Tín ngưỡng ấy còn phản ánh một đạo lý sống của dân tộc Việt là “uống nước nhớ nguồn”, khi con người luôn ghi nhớ và biết ơn người giúp đỡ mình. Chính sự thiêng hóa một loài vật trong thực tế để thờ phụng từ thế hệ này sang thế hệ khác, không chỉ phản ánh khát vọng về cuộc sống bình yên, mà còn cho thấy mong mỏi hướng thiện của cư dân ven biển.
- Thờ cúng các nữ thần: là tín ngưỡng Mẫu hệ có từ xa xưa. Có thần được mang theo từ phương Bắc như Liễu Hạnh, Chúa Kho… Người Việt còn tiếp thu thần của các cư dân Khmer, Chăm, Hoa… làm cho việc thờ cúng phổ biến và phong phú hơn: Bà chúa Xứ, Thánh Mẫu Thiên Y A Na, Thiên Hậu, Thất Tinh nương nương, 12 bà Mụ, Ngũ Hành…
Trong số các mẫu thần được thờ phụng ở Khánh Hòa, thì Thiên Y A Na được coi là mẫu thần chủ đạo, được thờ phổ biến nhất. Mẫu thần Thiên Y A Na chính là kết quả của sự Việt hóa của nữ thần Pô Inư Nưgar (Nữ thần Mẹ xứ sở của người Chăm). Do sự khác biệt về tôn giáo, tín ngưỡng nên người Việt ở Khánh Hòa trải qua các thời kỳ lịch sử đã dần dần Việt hóa các yếu tố tôn giáo, đền tháp của người Chăm thành trung tâm tín ngưỡng thờ mẫu quan trọng của người Việt.
Người dân Khánh Hòa thường gọi danh xưng của Thiên Y A Na thánh mẫu là Bà chúa Ngọc, bà chúa Tiên, bà chúa Đảo. Bà là mẫu thần được thờ phụng phổ biến trong các làng quê, thành thị ở Khánh Hòa như miếu, am, đình, chùa, gia đình. Ngoài ra, ở Khánh Hòa còn có tín ngưỡng thờ mẫu tam phủ[8] và tứ phủ do người Việt ở đồng bằng Bắc Bộ mang theo trong những năm tháng đầu “đi khai hoang, lập ấp” để rồi dần dần tạo tính phong phú, đa dạng trong tín ngưỡng thờ mẫu ở Khánh Hòa.
- Thờ cúng cô hồn khá sớm và phổ biến, biểu thị lòng thương xót của người dân đối với những người chết trong cô quạnh, tha phương, chết bất đắc kỳ tử. Người ta tin rằng cô hồn thường phá khách, quấy phá nên phải thờ cúng. Gần đây, tình trạng tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng, người chết thường nhiều, nơi thường hay xảy ra chết người như ở ngã ba, ngã tư, những đoạn đèo, khúc cua quẹo… Tuy là trang thờ nhỏ bên đường nhưng người dân trong ven đường, khách bộ hành, các lái xe, hành khách có dịp đi ngang qua thường nhang khói, cúng vái, cầu an toàn.
* * *
Tín ngưỡng dân gian là một trong những thành phần tạo nên bản sắc văn hóa của các dân tộc ở Khánh Hòa. Những lễ nghi, phong tục, tâm linh, tín ngưỡng ảnh hưởng mật thiết đến đời sống hàng ngày của cộng đồng cư dân, nó phản ánh “niềm tin của con người vào một hiện tượng, sự vật ấy có tác động trở lại đối với cuộc sống của mỗi người và cộng đồng”[9]. Bằng lòng tin tín ngưỡng, con người luôn hướng đến cái thiện, thể hiện lòng biết ơn, tôn kính của con cháu đối với ông bà tổ tiên, vị thành hoàng, tổ nghiệp, đồng thời đề cao chủ nghĩa nhân đạo làm phong phú thêm đời sống tinh thần của mình. Tín ngưỡng dân gian đã góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, là thành tố kết dính với truyền thống văn hóa của cộng đồng cư dân lại với nhau, góp phần làm cho nền văn hóa dân tộc thêm phong phú, đa dạng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Công Bằng (2000), Tìm hiểu giá trị lịch sử và văn hóa Khánh Hòa, Sở Văn hóa Thông tin Khánh Hòa.
2. Nguyễn Công Bằng (2005), Tháp Bà Nha Trang, Nhà xuất bản Khoa học xã hội, Hà Nội.
3. Đặng Việt Bích (2005), Thờ Mẫu – tín ngưỡng truyền thống bản địa Việt Nam, Tạp chí Dân tộc học số 1/2005.
4. Nguyễn Văn Bốn, Tín ngưỡng thờ Mẫu ở Khánh Hòa, Tạp chí Văn hóa nghệ thuật số 338, tháng 8/2012.
5. Nguyễn Đức Lữ (chủ biên, 2005), Góp phần tìm hiểu tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam, Nhà xuất bản Tôn giáo, Hà Nội.
6. Nhiều tác giả (2014), Văn hóa dân gian ở Khánh Hòa, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội.[i]
Th.s. Nguyễn Duy Trường