Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  24/04/2020 10:13        

Giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thanh niên, học sinh, sinh viên Khánh Hòa thông qua hoạt động tham quan di tích lịch sử cách mạng

Tóm tắt: Thế hệ trẻ hôm nay được sinh ra và lớn lên trong hòa bình, được thụ hưởng những điều kiện thuận lợi trong học tập, sinh hoạt và có nhiều cơ hội phát triển bản thân. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều thanh - thiếu niên chưa nhận thức đầy đủ những giá trị thiêng liêng của cuộc sống hiện tại mà các thế hệ cha anh đi trước đã phải đánh đổi bằng xương máu mới có được. Bên cạnh đó, dưới sự tác động của nền kinh tế thị trường khiến một bộ phận thanh thiếu niên không xác định được mục tiêu, lý tưởng sống... Vì vậy, việc giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thanh niên, học sinh – sinh viên, giúp họ có thái độ đúng đắn hơn trong việc đánh giá, nhận thức những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc là vấn đề được quan tâm hàng đầu.

              Từ khóa: di tích, cách mạng, hiện vật, thanh niên, học sinh, giáo dục tinh thần yêu nước…                                                                                                                        

Mở đầu

Giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thanh niên, học sinh – sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong quá trình đào tạo họ thành những người kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Tiến hành tốt công tác giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng còn có ý nghĩa và tác dụng to lớn trong việc đào tạo, bồi dưỡng con người mới – con người xã hội chủ nghĩa.

Với chức năng lấy hiện vật gốc, các sự kiện lịch sử làm cơ sở hoạt động, các di tích lịch sử cách mạng có thể cung cấp, bổ sung, cụ thể hoá kiến thức, tạo những biểu tượng lịch sử sinh động, chính xác cho học sinh, sinh viên và thanh niên tham quan, học tập. Nếu được sử dụng đúng phương pháp, các di tích lịch sử cách mạng sẽ phát huy hết vài trò, ý nghĩa và tác dụng giáo dục của mình, góp phần không nhỏ vào việc rèn luyện tư tưởng, đạo đức cho thanh niên, học sinh – sinh viên.

Nội dung

1. Vai trò của di tích lịch sử cách mạng ở Khánh Hoà trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thanh niên, học sinh, sinh viên

1.1. Giới thiệu các di tích lịch sử cách mạng ở Khánh Hoà

Theo thống kê của Trung tâm Quản lý di tích và danh lam thắng cảnh ở Khánh Hòa, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.098 di tích và địa chỉ có dấu hiệu di tích, được phân bố đều khắp. Cụ thể: thành phố Nha Trang: 227; thị xã Ninh Hòa: 281; huyện Vạn Ninh: 149; huyện Khánh Vĩnh: 20; huyện Khánh Sơn: 07; huyện Diên Khánh: 296; huyện Cam Ranh: 69; huyện Cam Lâm: 49. Trong số các di tích đã được công bố, có 13 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và 96 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Di tích ở Khánh Hòa có nhiều thể loại: di tích khảo cổ học; di tích lịch sử cách mạng – kháng chiến; di tích kiến trúc – văn hoá - nghệ thuật; di tích tôn giáo; di tích danh lam thắng cảnh...

Di tích lịch sử cách mạng – kháng chiến là những địa điểm cụ thể, công trình kiến trúc có sẵn (nhà ở, đường phố…), là những công trình được con người tạo nên phù hợp với mục đích sử dụng (địa đạo, hầm bí mật…) đã gắn liền với những sự kiện cụ thể, nhân vật lịch sử cụ thể mà trở thành di tích lưu niệm. Chính vì vậy loại hình di tích này rất đa dạng, phong phú, có mặt ở khắp mọi nơi, khó nhận biết, đồng thời cũng rất dễ bị lãng quên và dễ biến dạng theo mục đích sử dụng, theo thời tiết và theo thời gian. Bởi vậy nó vừa khó bảo tồn vừa khó phát huy tác dụng nếu không được quan tâm một cách đặc biệt.

Cùng với các di tích lịch sử văn hoá, tín ngưỡng, danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà chiếm một số lượng khá lớn đã góp phần tô điểm, làm sáng lên truyền thống yêu chuộng hoà bình, tự do, ham học hỏi của nhân dân Khánh Hoà.

Hầu như ở khắp các địa phương trong tinh đều có những di tích và địa danh gắn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ quê hương của nhân dân Khánh Hoà dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ kính yêu trong kháng chiến chống Pháp, chống đế quốc Mỹ và bảo vệ hoà bình thống nhất đất nước, xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Các di tích lịch sử cách mạng - kháng chiến ở Khánh Hoà có thể chia thành các nhóm như sau:

Các di tích liên quan đến việc thành lập Đảng bộ Khánh Hoà: trường Pháp Việt Nha Trang (nay là trường phổ thông trung học Nguyễn Văn Trỗi Nha Trang), trường Pháp Việt Ninh Hoà (nay là trường Tiểu học Ninh Hoà).

Các di tích liên quan đến thời kỳ cách mạng tháng Tám năm 1945: Sân vận động Nha Trang (nay là Sân vận động 19/8 Nha Trang), Phủ đường Ninh Hoả - là nơi diễn ra cuộc biểu tình vào ngày 16/7/1930 của trên 1.000 người dân huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa) - là cuộc đấu tranh có quy mô lớn đầu tiên ở Khánh Hoà và cũng là cuộc biểu tình đầu tiên ở Nam Trung Bộ giành được thắng lợi sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập; góp phần châm ngòi nổ cho Cao trào cách mạng nước ta trong những năm 1930 - 1931.

Các di tích liên quan đến sự kiện 101 ngày đêm bao vây quân Pháp tại Nha Trang (23/10/1945 – 1/2/1946): Phòng tuyến 1: phòng tuyến Chợ Mới – Brờten, phòng tuyến 2: Cây Da – Quán Giếng (thôn Vĩnh Điềm Thượng, xã Vĩnh Hiệp), phòng tuyến 3: khu vực cây Dầu Đôi và thành Diên Khánh.

Các căn cứ cách mạng trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược: Thành cổ Diên Khánh, căn cứ cách mạng Hòn Dù, Tô Hạp, Hòn Hèo, Đá Bàn, Đồng Bò. Nhờ có vị trí thuận lợi, các địa điểm trên trở thành căn cứ địa cách mạng lớn nhất của tỉnh Khánh Hoà, nơi đặt trụ sở làm việc của Đảng bộ và chính quyền cách mạng tỉnh Khánh Hoà trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược (1945 – 1975). Các khu căn cứ ấy không chỉ góp phần vào thắng lợi chung của tỉnh nhà, mà còn là bàn đạp chống Pháp, Mỹ - Ngụy ở khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Có thể nói, sự tồn tại và đứng vững của các khu căn cứ cách mạng trong suốt 30 năm kháng chiến là một kỳ tích, là niềm tự hào sâu sắc của Đảng bộ và nhân dân Khánh Hòa.

            Các căn hầm bí mật trong kháng chiến ở Khánh Hoà: có nhiều gia đình cơ sở đào hầm nuôi giấu cán bộ, chiến sỹ ngay trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, nhưng xuất hiện nhiều vào cuối năm 1960, gắn liền với chủ trương tiến về đồng bằng khi miền núi được giải phóng của Đảng bộ Khánh Hoà. Điển hình như: căn hầm bí mật ở gia đình ông Trần Châu, Từ Quang Vỹ (thôn Phú Cang 1, xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh), bà Nguyễn Thị Mực (Tổ 7, thị xã Ninh Hòa), bà Nguyễn Thị Kiểm, Nguyễn Thị Rùm (thôn Xuân Lạc 1, xã Vĩnh Ngọc, Nha Trang), ông Nguyễn Phùng Thạnh (thôn Phú Vinh, xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang)… Do thời gian, hiện nay toàn tỉnh Khánh Hòa còn 5 hầm bí mật có quyết định bảo vệ di tích lịch sử của Uỷ ban Nhân dân tỉnh, gồm: Hầm của nhà ông Nguyễn Kiến Đường, bà Nguyễn Thị Mực (thị xã Ninh Hòa), bà Nguyễn Thị Ngâm (xã Vĩnh Ngọc - Nha Trang), bà Nguyễn Thị Sang, ông Trần Châu (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh).

            1.2. Vai trò của di tích lịch sử cách mạng ở Khánh Hoà trong việc giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thanh niên, học sinh, sinh viên

            Di tích lịch sử cách mạng là nơi tập trung gìn giữ vả toả sáng các giá trị thật lịch sử đương đại của đất nước, của dân tộc, là những tài sản vô giá góp phần khẳng định các truyền thống văn hoá tốt đep của dân tộc về chủ nghĩa yêu nước, anh hùng, bất khuất, về tinh thần đoàn kết chống ngoại xâm và cả những hy sinh mất mát lớn lao của dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thế hệ ngày nay khi tìm hiểu về những trang sử hào hùng của cha ông thì ngoài qua những bài học trên lớp, đọc sách, tra cứu thông tin… còn đến với những di tích, những hiện vật lịch sử cách mạng để tự mình tìm hiểu, đánh giá những sự kiện lịch sử bằng cảm nhận trực quan của mình, từ đó sẽ có những suy nghĩ, tâm tư tình cảm riêng về một giai đoạn lịch sử hào hùng, về những sự kiện hoặc về một con người cụ thể. Những di tích, những hiện vật ấy là những bằng chứng trung thực nhất, sống động nhất để khách tham quan có thể nghiên cứu, tìm hiểu, học tập và làm cơ sở để chứng minh cho nhiều vấn đề của lịch sử.

            Mỗi di tích đều mang trong nó những giá trị khác nhau như giá trị lịch sử, văn hóa, giáo dục truyền thống… Muốn tìm hiểu toàn cảnh cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ của nhân dân Khánh Hoà, các di tích lịch sử cách mạng trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà là minh chứng trung thực nhất.

            Tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc: những di tích lịch sử cách mạng không chỉ giúp thế hệ trẻ có nhận thức đúng đắn về lịch sử dân tộc mà còn góp phần làm tăng thêm lòng yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, từ đó, họ tiếp tục phát huy truyền thống, đạo lý tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ ngưởi trồng cây”, đồng thời nhận thức được vai trò, trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa hiện nay. Đến với những di tích lịch sử cách mạng, mỗi người đều mang lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đi trước - những người đã anh dũng, kiên cường chiến đấu hy sinh để giữ gìn độc lập của đất nước, tự do cho dân tộc. Chính điều này đã có tác dụng giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho nhiều thế hệ sau.

Với mục đích giáo dục thế hệ trẻ Khánh Hoà nhớ đến những năm tháng đầu thành lập Đảng bộ Khánh Hoà – người lãnh đạo trực tiếp cuộc kháng chiến ở Khánh Hoà, và tinh thần bất diệt ngày 16/7 thì di tích 2 ngôi trường Pháp Việt và Phủ đường Ninh Hoà là chứng nhân hùng hồn nhất:

 Trường Pháp Việt Nha Trang (nay là trường phổ thông trung học Nguyễn Văn Trỗi Nha Trang) – nơi dạy học, đồng thời cũng là nơi đồng chí Hà Huy Tập truyền bá tinh thần yêu nước cho thanh niên, học sinh trong những năm 1923 – 1926. Trường Pháp Việt Ninh Hoà (nay là trường Tiểu học Ninh Hoà toạ lạc tại số 166 Trần Quý Cáp, phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hoà). Trường được xây vào năm 1922, được thiết kế theo lối kiến trúc phương Tây, có tầng lầu. Trong khoảng thời gian từ năm 1923 – 1926, đồng chí Ngô Đức Diễn vừa dạy học vừa tổ chức nhiều hoạt động yêu nước tại đây, chuẩn bị tiền đề về tư tưởng, lý luận, tổ chức thành lập Đảng bộ Khánh Hoà. Từ những hoạt động yêu nước của Hà Huy Tập, Ngô Đức Diễn… những cơ sở cộng sản đầu tiên ở Khánh Hoà được hình thành, dẫn đến việc chuyển những cơ sở của Đảng Tân Việt sang các chi bộ và thành lập Tỉnh uỷ lâm thời Đông Dương Cộng sản Liên đoàn, và sau đó gia nhập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 24/2/1930.

Phủ Đường Ninh Hòa (thôn 1, thị xã Ninh Hoà) - khu nhà một gian hai chái được xây dựng vào năm 1820, dưới thời vua Gia Long. Nơi đây diễn ra cuộc biểu tình vào ngày 16/7/1930 của hơn 1.000 người dân huyện Tân Định (nay là thị xã Ninh Hòa) bắt Tri phủ Đinh Bá Cẩn ký vào bản bãi bỏ các sắc thuế cho nhân dân Tân Định. Đây là cuộc đấu tranh có quy mô lớn đầu tiên của Khánh Hoà và cũng là cuộc biểu tình đầu tiên ở các tỉnh Nam Trung Bộ sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập; nối tiếp cuộc đấu tranh nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5 của công nhân Trường Thi, Bến Thuỷ (Nghệ An), góp phần châm ngòi nổ cho Cao trào cách mạng trong những năm 1930 - 1931. Với ý nghĩa to lớn đó, tại kỳ họp lần thứ 7 Hội đồng Nhân dân tỉnh Khánh Hoà, khoá III (27/12/2002) ra Nghị quyết lấy ngày 16/7/1930 là Ngày truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Khánh Hoà.

Trong mỗi di tích lịch sử cách mạng đều chứa đựng giá trị lưu niệm. Những di tích này phản ánh rất cụ thể về từng sự kiện lịch sử quan trọng đã diễn ra hay cuộc đời và sự nghiệp hoạt động của các anh hùng dân tộc. Ví dụ như di tích Đền thờ Trần Quý Cáp (thị trấn Diên Khánh, huyện Diên Khánh) – chí sĩ yêu nước, anh hùng dân tộc lãnh đạo phong trào Duy Tân ở Trung kỳ. Di tích Miếu thờ Trịnh Phong - vị tướng quân lãnh đạo phong trào Cần vương ở Khánh Hoà, nhân dân địa phương đã lập Miếu thờ “Bình Tây Đại tướng Trịnh Phong” tại xóm 1, thôn Phú Ân Nam 4, xã Diên An, huyện Diên Khánh vào năm 1886.

Thông qua những di vật, công trình, hiện vật như các đồ dùng sinh hoạt, những kỉ vật riêng gắn bó với cuộc sống, sự nghiệp của các anh hùng dân tộc trong từng di tích, các nhà nghiên cứu, khách tham quan có thể hiểu được đặc điểm, tính cách, thói quen, lối sống của các danh nhân, anh hùng dân tộc, hiểu được tầm trí tuệ, kiến thức, tinh thần cách mạng của các vị ấy trong tiến trình lịch sử, đồng thời nắm được giá trị và ý nghĩa của di tích đó trong lịch sử địa phương và lịch sử dân tộc.

Hầm bí mật – nơi thể hiện lòng dũng cảm, kiên trung với Đảng, với cách mạng, đồng thời cũng là nơi minh chứng cho tình đồng chí, đồng bào sâu nặng. Không thể thống kê chính xác số lượng hầm bí mật mà quân và dân Khánh Hoà đã đào trong giai đoạn 1945 – 1975. Các căn hầm được đào với nhiều kiểu dáng khác nhau, như chữ L, chữ V.., diện tích đủ rộng để che giấu từ 1 – 3 người, đặc biệt phải đảm bảo yếu tố “tuyệt đối bí mật”. Trong những căn hầm ấy, nhiều cán bộ, chiến sỹ như đồng chí Tám Nhiên (Đặng Nhiên), anh Chín (Đinh Hoà Khánh), Bùi Hồng Thái, Lưu Văn Trọng, Phan Thị Hạnh, Huỳnh Nhân, Nguyễn Văn Tự, Nguyễn Văn Hạnh, Lương Duy Ánh, Võ Nghiệp, Nguyễn Đình Tòng, Võ Đức Thành… đã được người dân nuôi giấu, chở che trong những ngày tháng “nếm mật, nằm gai”. Ngày nay, khi trực tiếp tham quan và nghe những lời kể, tâm sự của những người trong cuộc, chúng ta càng tự hào thêm về tinh thần chiến đấu không khoan nhượng, những tấm gương hy sinh cao cả, oanh liệt của cán bộ, chiến sỹ, những ngày “chong đèn, đào hầm, nuôi giấu cán bộ” của những người dân chân lấm tay bùn… Chính những “mảnh ghép” ấy tạo nên một kỳ tích Việt Nam.

Bên cạnh giá trị về lịch sử, giáo dục truyền thống, lưu niệm thì các di tích lịch sử cách mạng còn có tác dụng lưu truyền những giá trị văn hóa. Các di tích không chỉ đơn thuần là di tích lịch sử cách mạng, mà còn là nơi bảo tồn và tái hiện những nét sinh hoạt văn hoá tâm linh, tín ngưỡng đặc trưng của người dân Khánh Hoà. Toàn bộ khuôn viên của di tích tạo thành một quần thể, gồm: di tích và công trình văn hoá, mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cách mạng và tư tưởng nhân văn cao đẹp cho nhân dân. Ví dụ: di tích đền thờ Trần Quý Cáp được xây dựng trong khuôn viên Trung tâm Văn hoá – Thể thao và Sân vận động Trần Quý Cáp huyện Diên Khánh, nhằm nâng cao giá trị di tích, tôn vinh truyền thống văn hóa, gắn kết các hoạt động văn hóa truyền thống với hoạt động văn hóa, thể thao; thông qua đó giáo dục truyền thống và tư tưởng nhân văn cao đẹp cho các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

2. Một số hình thức thực hiện nhằm mang các giá trị của di tích lịch sử cách mạng ở Khánh Hoà đến với thanh niên, học sinh, sinh viên

Công tác giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho tohanh niên, học sinh thông qua hoạt động tham quan di tích lịch sử cách mạng ở Khánh Hoà được thực hiện dưới các hình thức chủ yếu sau:

2.1. Trưng bày, triển lãm lưu động

Đây là hoạt động chủ yếu của bảo tàng, di tích lịch sử cách mạng. Trưng bày được xem là dấu hiệu quan trọng nhất để phân biệt bảo tàng với các hình thức giáo dục văn hoá khác. Dấu hiệu đặc trưng của bảo tàng là trưng bày hiện vật gốc của bào tàng – nguồn sử liệu đầu tiên của kiến thức và qua trưng bày, khách tham quan có thể nhận biết được quy luật phát triển của thiên nhiên và xã hội. Công tác giáo dục của bảo tàng phần lớn dựa trên các cuộc trưng bày, triển lãm.

Vào những ngày lễ lớn của dân tộc hoặc của địa phương, chúng ta có thể tổ chức triển lãm, trưng bày lưu động tại bảo tàng, nhà truyền thống, các khu căn cứ địa cách mạng – kháng chiến. Chẳng hạn như nhằm kỷ niệm Ngày Giải phóng Khánh Hoà (2/4/1975), chúng ta có thể tổ chức hoạt động triển lãm, trưng bày tại Bảo tàng Khánh Hoà. Bên cạnh đó, chúng ta có thể kết hợp biểu diễn chương trình ca nhạc, giao lưu, gặp gỡ các nhân vật lịch sử, biểu diễn nhạc cụ, trưng bày, triển lãm tranh ảnh dọc theo hai bên đường Trần Phú. Tại các thị xã, huyện trong tỉnh, có thể tổ chức triển lãm tranh ảnh về vùng đất Khánh Hoà từ thời nguyên thuỷ đến nay… Ông Lê Chí Hướng - Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hoà cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng cung cấp tất cả các tư liệu, hình ảnh về khảo cổ học trên địa bàn tỉnh để các giáo viên giảng dạy về lịch sử. Đồng thời, rất mong nhiều trường sẽ đưa học sinh đến tham quan bảo tàng, để các em hiểu biết nhiều hơn về lịch sử văn hóa của xứ Trầm Hương”.

Kết quả của công tác giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thanh niên, học sinh – sinh viên của bảo tàng, di tích lịch sử cách mạng là rất lớn. Đây là suy nghĩ của một em học sinh giỏi Văn ký tên Người Đồng bào Khánh Sơn khi đến tham quan Bảo tàng Khánh Hoà: “Đến thăm bảo tàng mới thấy hết lớp người đã đi qua không kể máu xương, hy sinh cho dân tộc để có ngày hôm nay… Hãy xứng đáng và nhớ đến công lao của những người đi trước, đừng vội quên”. Bạn Minh Hiếu – học sinh trường Lê Quí Đôn – Nha Trang, đã cảm nhận như sau: “Tất cả những hình ảnh ở đây đã giúp tôi có được những giây phút sống lại với những ký ức đẹp của con người Việt Nam chúng ta qua bao thế hệ đã từng đem mồ hôi, xương máu của mình để bảo vệ đất nước – giúp cho bản thân tôi nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung”.

2.2. Tổ chức những ngày hội truyền thống của dân tộc

Bảo tàng, di tích lịch sử cách mạng ở Khánh Hoà đã được bảo tồn và phát huy tác dụng trong việc giáo dục truyền thống yêu nước và tự hào dân tộc cho nhân dân, đồng thời còn sử dụng để tuyên truyền, giới thiệu với bạn bè, khách tham quan trong nước và ngoài nước thông qua những đoàn khách du lịch đến thăm và làm việc tại Nha Trang – Khánh Hoà. Bên cạnh đó, bào tàng, các di tích lịch sử cách mạng còn thu hút khá nhiều thanh niên, học sinh, sinh viên đến tham quan, sinh hoạt giáo dục truyền thống. Khi đến tham quan bảo tàng, di tích, họ sẽ hiểu sâu sắc hơn về tinh thần anh dũng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa vì độc lập cho đất nước, tự do cho nhân dân.

Trong những năm qua, ở Khánh Hoà, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống, lịch sử Đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy Đảng, sở, ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chú trọng; nhiều địa phương, đơn vị đã có những hoạt động, phương pháp, hình thức tuyên truyền đa dạng, thiết thực, cụ thể, như: Tổ chức thi viết tìm hiểu lịch sử, thi kể chuyện, sân khấu hóa, hoạt cảnh tái hiện, vẽ tranh cổ động, tọa đàm, nói chuyện truyền thống, về nguồn, chăm sóc các di tích lịch sử, trưng bày, giới thiệu những hình ảnh, hiện vật, tư liệu lịch sử... tại bảo tàng, các khu căn cứ địa cách mạng, các di tích lịch sử - văn hoá trong tỉnh, nhằm mục đích giáo dục tư tưởng cách mạng, tinh thần yêu nước, yêu quê hương trong thanh niên, đặc biệt là trong thế hệ học sinh – sinh viên.

Qua các hoạt động ấy, các bạn thanh niên phần nào hiểu được sự quyết tâm, đoàn kết của nhân dân Khánh Hoà nói riêng, dân tộc Việt Nam nói chung trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, qua đó họ sẽ sống có trách nhiệm hơn, phấn đấu rèn luyện, phát huy nội lực của chính mình để góp phần xây dựng đất nước Việt Nam, quê hương Khánh Hoà.

2.3. Tổ chức các lớp học ngoại khoá

Đây là một hình thức tổ chức dạy học ở trường phổ thông, có vai trò quan trọng trong việc góp phần thực hiện mục tiêu môn học. Trong dạy học lịch sử, nếu học sinh chỉ thuộc, ghi nhớ các sự kiện, những số liệu, ngày tháng, tên đất, tên người… bằng cách thầy “đọc”, trò “chép” hay thầy “trình chiếu”, trò “nhìn, chép” thì kết quả đạt được sẽ không cao. Vì vậy, việc dạy và học lịch sử thông qua hoạt động ngoại khoá tại bảo tàng, các khu di tích lịch sử cách mạng là một trong những hình thức truyền tải thông tin, kiến thức hiệu quả nhất.

Thay đổi không gian học tập trong các giờ học lịch sử là một điều cần thiết, bổ ích. Giáo viên trực tiếp dạy, học sinh trực tiếp học tại các di tích – nơi ghi dấu ấn đậm nét về những chiến tích năm xưa sẽ tạo một ấn tượng mạnh mẽ nâng cao hứng thú học tập và rèn luyện khả năng quan sát, phân tích của học sinh. Tại đây, nhiều câu chuyện lịch sử được tái hiện lại. Các em học lịch sử từ chính những con người, sự kiện, hình ảnh xâu chuỗi cụ thể ở từng di tích nên dễ nhớ, dễ học. Từ đó, các em hiểu được truyền thống đấu tranh cách mạng của cha anh, kiến thức lịch sử được củng cố và bài học lịch sử ở trường đã được nâng lên. Bạn Nguyễn Ngọc Anh, học sinh lớp 12A5 Trường Phổ thông trung học Nguyễn Trãi (Ninh Hoà) đã nhận xét khi nhà trường tổ chức học tập tại Phủ đường Ninh Hoà: “Được học theo cách trực quan sinh động, khi cô giáo giảng đến một chiến dịch, một sự kiện lịch sử thì em được quan sát những hình ảnh, hiện vật trong sự kiện đó nên em dễ dàng hệ thống và nhớ lại bài đã học, giúp em nhớ bài lâu hơn. Từ đó, em nhận thấy môn Sử không khô khan, không khó nhớ lắm”.

Trong các hình thức tổ chức giảng dạy thông qua các hoạt động ngoại khoá thì hình thức ngoại khoá Dạ hội lịch sử là hấp dẫn nhất. Dạ hội lịch sử là một hoạt động ngoại khoá có tính chất tổng hợp, thu hút số lượng lớn học sinh tham gia. Hoạt động này có tác dụng củng cố, làm sâu sắc, phong phú thêm nhiều tri thức khoa học và nghệ thuật, khơi dậy những cảm xúc làm cơ sở để giáo dục tình cảm, bồi dưỡng óc thẩm mĩ, gây hứng thú học tập bộ môn. Sân khấu hoá bài học lịch sử không chỉ làm phong phú kiến thức mà còn rèn luyện năng lực làm việc độc lập, bồi dưỡng năng khiếu biểu diễn và cảm thụ nghệ thuật cho học sinh. Nhưng, không phải lúc nào cũng có thể tổ chức hoạt động này, chúng ta chỉ tổ chức vào những ngày lễ lớn của dân tộc hoặc của địa phương. Chẳng hạn, nhằm kỷ niệm ngày giải phóng Nha Trang – Khánh Hoà (2/4/1975), chúng ta có thể tổ chức dạ hội lịch sử với chủ đề “Kỷ niệm Ngày giải phóng Nha Trang – Khánh Hoà” cho học sinh một khối lớp hoặc toàn trường cùng tham gia tại căn cứ cách mạng Đồng Bò. Trong buổi dạ hội, chúng ta có thể mời các “nhân chứng” lịch sử (cán bộ, chiến sỹ cách mạng, nhân vật lịch sử…) tham gia. Những câu chuyện của các nhân chứng sẽ làm cho học sinh cảm thấy hứng thú hơn, nhớ nhiều hơn khi trực tiếp nghe những lời kể, tâm sự về cuộc sống và quá trình hoạt động của chính “tác giả” và đồng đội trong những năm tháng chiến tranh. Họ chính là những bằng chứng trung thực nhất, sống động nhất về những năm tháng đau thương nhưng oai hùng của dân tộc Việt. Ngoài các tiết mục văn nghệ, thiết kế slide, sự tham gia của các nhân chứng, thiết kế và trang trí sân khấu, chúng ta nên kết hợp triển lãm, trưng bày tranh ảnh, sách, báo, di vật, hiện vật lịch sử… nhằm gây hứng thú cho người dự, làm cho họ cảm thấy như mình đang sống, hay tham gia, chứng kiến sự kiện đang xảy ra.

Kết luận

            Giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho thanh niên là một nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong quá trình đào tạo thanh niên thành những người kế thừa sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc. Tiến hành tốt công tác giáo dục truyền thống cách mạng còn có ý nghĩa và tác dụng to lớn trong việc đào tạo, bồi dưỡng con người mới – con người xã hội chủ nghĩa để xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, như lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: “Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội thì phải có những con người xã hội chủ nghĩa”.

            Công tác giáo dục truyền thống cho thanh niên không chỉ dành riêng cho ngành giáo dục, ngành văn hoá, cho gia đình, nhà trường và các đoàn thể mà cần có sự tham gia của toàn xã hội, sự đồng lòng của mọi người dân. Với chức năng lấy hiện vật gốc, các sự kiện lịch sử làm cơ sở hoạt động, bảo tàng, các di tích lịch sử cách mạng có thể cung cấp, bổ sung, cụ thể hoá kiến thức, tạo những biểu tượng lịch sử sinh động, chính xác cho học sinh, sinh viên và thanh niên tham quan, học tập. Nếu được sử dụng đúng phương pháp, bảo tàng, các di tích lịch sử cách mạng sẽ phát huy hết vài trò, ý nghĩa và tác dụng giáo dục của mình, góp phần không nhỏ vào việc rèn luyện tư tưởng, đạo đức cho thanh niên. Đồng thời cũng giúp cho thanh niên, học sinh – sinh viên nhận thức đúng mối quan hệ giữa truyền thống dân tộc và truyền thống cách mạng. Truyền thống cách mạng tiếp thu, bảo vệ và phát huy những tinh hoa của truyền thống dân tộc, mặt khác bổ sung nhựng truyền thống cách mạng: truyền thống quốc tế vô sản, truyền thống yêu chủ nghĩa xã hội để cho truyền thống dân tộc càng thêm phong phú.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                  Bảo vệ Di tích Lịch sử và Cách mạng (1958), Cơ quan Bảo tồn Bảo tàng, Hà Nội.

2.                  Văn kiện của Đảng về công tác thanh niên (1975), Nxb. Thanh niên, Hà Nội.

3.                  Báo Nam Định, Giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ qua các di tích lịch sử văn hoá, được đăng tại http://skycare.unetedu.vn/vi/bai-viet/giao-duc-truyen-thong-cho-he-tre-qua-cac-di-tich-lsvh, truy cập ngày 15/12/2016.

4.                  Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà (2010), Lịch sử Đảng bộ tỉnh Khánh Hoà (1930 – 1975), Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Khánh Hoà.

5.                  Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Nghị quyết Hội nghị lần thứ Ba Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh khoá X về “Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lý tưởng cách mạng cho thanh thiếu niên giai đoạn 2013 – 2017”, Hà Nội, tháng 6/2013.

6.                  Thanh Hiếu, Giáo dục lịch sử, truyền thống cách mạng góp phần bồi dưỡng tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, được đăng tại http://www.tuyengiao.vn/Home/giaoduc/82488/Giao-duc-lich-su-truyen-thong-cach-mang-gop-phan-boi-duong-tinh-than-yeu-nuoc-cho-the-he-tre, truy cập ngày 15/12/2016.

7.                  Nguyễn Hoa, Phát huy giá trị các di tích cách mạng, được đăng tại http://baobacninh.com.vn/news_detail/84396/phat-huy-gia-tri-cac-di-tich-cach-mang.html, truy cập ngày 15/12/2016.

8.                  http://www.khanhhoa.gov.vn, truy cập ngày 28/3/2017.

 

                                        

                                                                      

                                                                           Th.S Nguyễn Duy Trường

 

 

 

 
Khoa Khoa học XH&NV