Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  13/06/2017 14:02        

Hội thảo đào tạo nguồn nhân lực khoa học xã hội và nhân văn gắn với các vấn đề địa phương

  Sáng ngày 11/6/2017 tại phòng 206C, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn chủ trì tổ chức Hội thảo: “Đào tạo nguồn nhân lực Khoa học Xã hội và Nhân văn gắn với các vấn đề địa phương”.


        Ảnh: Các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa dự Hội thảo

Tham dự Hội thảo, về phía khách mời, Hội thảo vinh dự được đón tiếp các nhà nghiên cứu trên toàn quốc: PGS.TS. Nhà văn Ngô Văn Giá – Trưởng Khoa Viết văn và Báo chí - Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, nhà nghiên cứu Inrasara -Tp. Hồ Chí Minh, cô Võ Hồng Nôen - Học viên Cao học, Trường Đại học Quy Nhơn, ThS. Võ Nguyễn Như Hà – Sở Du lịch Khánh Hòa; Về phía Trường Đại học Khánh Hòa, sự tham dự Hội thảo của: TS. Chu Đình Lộc –  phó Hiệu trường Nhà trường, trưởng Ban tổ chức Hội thảo, ThS. Phan Quốc Thông – Trưởng phòng QLKH, Th.S. Phạm Thị Hương Giang – Trưởng Khoa QLVH & GD, ThS. Nguyễn Thị Hồng Cẩm – Trưởng Khoa Du lịch; Về phía Khoa KHXH & NV, có: TS. Trần Viết Thiện – Trưởng Khoa KHXH & NV, phó trưởng Ban tổ chức Hội thảo, toàn thể cán bộ giảng viên Khoa Khoa học xã hội và nhân văn cùng sự tham dự của giảng viên và sinh viên Nhà trường.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS. Chu Đình Lộc đã nhấn mạnh vai trò của các Trường Đại học, đặc biệt là các Trường Đại học địa phương trong việc đào tạo nguồn nhân lực gắn với địa phương, khu vực nơi trường đứng chân. Và đó cũng là sứ mệnh quan trọng của các Trường Đại học trong việc đào tạo nguồn nhân lực gắn với nhu cầu thực tiễn của xã hội.


Ảnh: TS. Chu Đình Lộc - Phó Hiệu trưởng nhà trường - Trưởng Ban tổ chức Hội thảo phát biểu khai mạc Hội thảo

Hội thảo: “Đào tạo nguồn nhân lực Khoa học Xã hội và Nhân văn gắn với các vấn đề địa phương” đã nhận được rất nhiều bài tham luận của các nhà nghiên cứu, giảng viên và sinh viên trong và ngoài trường gửi đến và 29 tham luận đã được in kỷ yếu. Trong đó có 12 tham luận được chọn báo cáo trực tiếp tại Hội thảo (4 báo cáo trong phiên toàn thể và 8 báo cáo trong phiên tiểu ban) và 15 báo cáo Poster tham dự tại Hội thảo, trong đó 3 báo cáo poster đoạt giải xuất sắc, 3 báo cáo poster đoạt giải khuyến khích.

Báo cáo đề dẫn của TS. Trần Viết Thiện đã chỉ rõ yêu cầu thực tế của xã hội đối với nguồn nhân lực nói chung và nhân lực tại địa phương nói riêng. Việc đào tạo nguồn nhân lực gắn với địa phương có thể xem là điểm mạnh, là lợi thế cạnh tranh quan trọng  nhằm thu hút nguồn tuyển sinh của các Trường Đại học. Sau báo cáo đề dẫn PGS.TS. Nhà văn Ngô Văn Giá đề cập đến việc nhận thức lại và sâu hơn về các tri thức địa – văn hóa, quan hệ giữa con người và không gian sống. Sau đó, Hội thảo tập trung vào 4 vấn đề: Thứ nhất tập trung nghiên cứu địa phương học để phục vụ cho việc dạy và học; Thứ hai, nhu cầu và yêu cầu từ các nhà tuyển dụng nguồn nhân lực tại Khánh Hòa. Ở vấn đề này, báo cáo: “ Thực trạng nguồn nhân lực Khánh Hòa” của ThS. Võ Nguyễn Như Hà – Sở Du lịch Khánh Hòa đã nêu bật thực trạng cung- cầu về nguồn nhân lực Du lịch tại Khánh Hòa, chất lượng nguồn nhân lực và nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp Du lịch tại Khánh Hòa; Thứ ba, từ phía người dạy, các tham luận đề xuất cách dạy bộ môn đáp ứng sự đòi hỏi thực tiễn, dạy gắn với các vấn đề địa phương Khánh Hòa, như các báo cáo: “Phương ngữ và dạy học phương ngữ” của TS. Ngô Thị Minh, báo cáo: “Sử dụng tư liệu địa phương trong dạy học một số học phần ngành Việt Nam học ở Trường Đại học Khánh Hòa” của TS. Nguyễn Thị Kim Hoa; Thứ tư, đến từ Thành phố Hồ Chí Minh, nhà nghiên cứu Văn hóa Chăm Inrasara đã nêu lên một số ví dụ về nhận thức lịch sử và Văn hóa Chăm tại Nha Trang. Tại các phiên của Hội thảo, các vấn đề trên được trao đổi và thảo luận rất sôi nổi giữa các nhà nghiên cứu với sinh viên và những người tham dự.


                       Ảnh: Tiểu ban 2 của Hội thảo làm việc tại phòng họp 1

Hội thảo: “Đào tạo nguồn nhân lực Khoa học Xã hội và Nhân văn gắn với các vấn đề địa phương” đã kết thúc thành công tốt đẹp. Đây là Hội thảo có ý nghĩa rất quan trọng đối với Khoa KHXH & NV và Trường Đại học Khánh Hòa. Hội thảo đã chốt lại được nhiều vấn đề, đồng thời cũng mở ra nhiều khía cạnh cần suy nghĩ cho các nhà nghiên cứu, giảng viên giảng dạy và Nhà trường nhằm mục đích đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu thực tiễn của địa phương Khánh Hòa.

 

                                                                                                                                                  ThS. Nguyễn Thị Bé

                                                                                             







 
Khoa Khoa học XH&NV