Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  24/06/2020 15:41        

Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa trong thời gian tới

                    Trường ĐH Khánh Hòa – là trường trực thuộc UBND tỉnh Khánh Hòa, với nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng và chất lượng cho tỉnh, trong đó có nguồn nhân lực công tác xã hội. Do vậy, hơn ai hết trường cần có những giải pháp kịp thời, phù hợp với tình hình, với đặc điểm địa bàn nhằm đào tạo được đội ngũ nhân lực về công tác xã hội có chất lượng.

        Thứ nhất: Xây dựng khung chương trình đào tạo CTXH hợp lý

         Mặc dù, hiện nay cả nước đã có hơn 50 cơ sở  đào tạo ngành công tác xã hội, song để có được một đội ngũ nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp, làm việc có hiệu quả, ngoài chương trình đào tạo công tác xã hội tổng quan, cần phát triển một mạng lưới các chuyên ngành trên cơ sở nhu cầu xã hội. Trường Đại học Khánh Hoà cần xây dựng nội dung học phần Công tác xã hội phù hợp với khoa học chuyên ngành công tác xã hội và đặc thù văn hoá của khu vực Nam trung Bộ trong đó có tỉnh Khánh Hoà.

     Thứ hai: Tăng cường các hoạt động đào tạo (ngắn – dài hạn, chính quy – không chính quy) đối với ngành công tác xã hội nói chung và công tác xã hội trường học nói riêng.

          Tại các cơ sở giáo dục có chương trình đào tạo cử nhân công tác xã hội trong tỉnh như Trường Đại học Khánh Hoà cần mở thêm nhiều khoá học ngắn hạn đặc biệt dành cho những người chuyên và không chuyên đang hoạt động trong lĩnh vực này. Nội dung của các khóa tập huấn nhằm giúp các đối tượng tham gia củng cố kiến thức về mặt lý thuyết và thực hành, nâng cao các kỹ năng hoạt động xã hội.

    Thứ ba: Thực hành ở các cơ sở xã hội và sự tăng cường kết nối

           Công tác xã hội là một ngành mang nặng tính thực hành hơn là lý luận. Sau khi tốt nghiệp ra trường, sinh viên được tuyển dụng vào làm việc ở các cơ sở xã hội là lúc sinh viên bắt đầu thực hành nghề nghiệp hay nói cách khác là hành nghề với chức danh là nhân viên xã hội. Nhân viên xã hội làm việc trong các lĩnh vực khác nhau như: trường học, bệnh viện, cộng đồng, khu công nghiệp, người cao tuổi, người khuyết tật, sức khỏe tâm thần…nhưng đều phải thực thi những quy định về đạo đức nghề nghiệp và các tiêu chuẩn thực hành của lĩnh vực đó. Do vậy, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, ngoài việc học lý thuyết trên lớp, các em cũng cần được tăng cường thời lượng thực hành ở các cơ sở xã hội. Muốn nâng cao chất lượng thực hành, nhà trường cần có sự kết nối với các cơ sở xã hội trên địa bàn tỉnh và khu vực, quốc tế để giảng viên và sinh viên thuận lợi trong quá trình liên hệ cũng như thực hành tại các cơ sở. Kết nối với mạng lưới công tác xã hội là chuyện sống còn của người làm công tác xã hội cũng như của ngành công tác xã hội, không những kết nối trong nước mà cả với quốc tế. Hiện nay ở nước ta có hàng chục trường đào tạo CTXH, hàng trăm cơ sở chuyên hoạt động trong lĩnh vực phát triển xã hội và công tác xã hội dưới hình thức các tổ chức xã hội phi chính phủ (NGOs), tổ chức phi lợi nhuận (NPOs), tổ chức xã hội tôn giáo (FBOs), tổ chức chính trị xã hội… Ở địa bàn tỉnh Khánh Hòa, trường có thể kết nối với các cơ sở xã hội như Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh, Trung tâm công tác xã hộimột số cơ sở xã hội tôn giáo, tư nhân nhằm xây dựng cơ sở thực tập cho sinh viên công tác xã hội và hình thành đội ngũ kiểm huấn viên. Trên bình diện quốc tế, ngành CTXH có các tổ chức như Liên đoàn Quốc tế Nhân viên Xã hội (IFSW), Hiệp hội Quốc tế các trường CTXH (IASSW), Hiệp hội Giáo dục CTXH châu Á-Thái Bình Dương (APASWE); sắp tới chúng ta có AEC (Cộng đồng kinh tế ASEAN). Ngoài ra chúng ta cũng có thể kết nối với hàng trăm hiệp hội nhân viên xã hội của các nước trên thế giới và hợp tác với các trường đại học trong khu vực ASEAN cũng như của các quốc gia khác. Gần nhất là trường ta có thể liên kết với Câu lạc bộ CTXH chuyên nghiệp TP. Hồ Chí Minh, một tổ chức quy tụ hơn một trăm nhân viên xã hội chuyên nghiệp đủ trình độ, hoạt động từ năm 2010 đến nay.

       Thứ tư: Phát triển đội ngũ kiểm huấn viên cấp cơ sở

      Đội ngũ Kiểm huấn viên tại cơ sở có vai trò quan trọng trong hướng dẫn và đánh giá hoạt động thực hành của sinh viên. Như chúng ta đã biết, kiểm huấn viên là người có chức năng truyền đạt kiến thức liên quan đến thực tiễn và huấn luyện những nhân viên, sinh viên công tác xã hội thực tập mà họ giám sát giúp đỡ, họ là người hướng dẫn giúp đỡ các nhân viên mới và các sinh viên thực tập sử dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng, thái độ nghề nghiệp vào công việc của nhân viên xã hội chuyên nghiệp. Hiện tại trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở nào có kiểm huấn viên được đào tạo một cách chuyên nghiệp, chức danh kiểm huấn viên cơ sở cũng chưa được công nhận. Hầu hết các công việc liên quan đến thực hành của sinh viên công tác xã hội đều do giảng viên trên lớp kiêm nhiệm. Do vậy, việc đào tạo, phát triển đội ngũ kiểm huấn viên cơ sở là cần và nên làm, để  từ đó góp phần vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực công tác xã hội trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

    

                                                                                                     Th.S Lê Thị Phương

 
Khoa Khoa học XH&NV