Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  26/06/2020 12:05        

Biến đổi trong nghi lễ cưới hỏi của tộc người Raglai ở Khánh Hòa

Tóm tắt:

                 Nghi lễ cưới hỏi là nghi lễ quan trọng bậc nhất trong nghi lễ vòng đời và cùng với lễ khai sinh đặt tên, lễ cải sanh, lễ mừng thọ, lễ tang, lễ bỏ mả đã đánh dấu sự kiện trọng đại trong cuộc đời mỗi người dân Raglai. Đồng thời cùng với các giá trị văn hóa vật chất, tinh thần khác được tích tụ qua ngàn năm lịch sử, nó góp phần dệt nên bức tranh văn hóa Raglai có đủ vị, sắc, thanh, hương, vừa tạo nên nét riêng của văn hóa tộc người trong tổng hòa bức tranh văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, bản thân văn hóa có tính động nên nghi lễ cưới hỏi cũng “ứng vạn biến” trước những đổi thay của xã hội. Vì vậy, như bao dân tộc anh em khác, nghi lễ cưới hỏi của đồng bào Raglai ở Khánh Hòa cũng đã và đang có những biến đổi nhất định vừa mang tính tích cực, phù hợp thời đại nhưng cũng phần nào làm mờ nhạt một số đặc trưng văn hóa riêng của dân tộc mình.

Từ khóa:Biến đổi, nghi lễ cưới hỏi, người Raglai

  1. Đặt vấn đề

                       Raglai là dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngữ hệ Malayo-Polynedi và theo thiết chế mẫu hệ. Hiện nay dân tộc Raglai phân bố chủ yếu ở vùng miền núi các tỉnh Nam Trung Bộ, trong đó tập trung nhiều nhất ở vùng núi hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2009 dân tộc Raglai ở Việt Nam có tổng dân số hơn 122.245 người chiếm 0,14% tổng dân số cả nước. Trong đó cư trú ở Khánh Hòa là 45.915 người chiếm 37,6% tổng số người Raglai tại Việt Nam, chiếm 3,97% dân số toàn tỉnh, là tộc người đông dân thứ hai sau người Việt ở Khánh Hòa. Với những giá trị văn hóa mang đặc trưng riêng, dân tộc Raglai ở Khánh Hòa đã và đang góp phần làm đa dạng màu sắc bức tranh văn hóa tộc người. Và một trong những giá trị văn hóa đó có nghi lễ cưới hỏi.

                   Nghi lễ cưới hỏi diễn ra trước sự chứng kiến của gia đình, dòng họ, cộng đồng và tuần tự diễn ra các bước lễ hỏi, lễ đưa bầu rượu, lễ trao đồ cho con dâu tương lai, lễ cưới, lễ đưa cử về nhà chồng. Nhưng trong bối cảnh giao lưu văn hóa diễn ra mạnh mẽ, điều kiện sống có sự biến đổi nhanh chóng, nhận thức của người dân cũng phần nào thay đổi đã làm cho quan niệm, phong tục, các nghi lễ cưới hỏi của tộc người Raglai có một số biến đổi. Và trong sự biến đổi này xuất hiện nhiều yếu tố mới thể hiện nhận thức, tư duy tiến bộ, nhiều giá trị mới phù hợp với xu thế phát triển của thời đại, loại bỏ được một số phong tục đã trở nên lỗi thời. Tuy nhiên cũng chính sự biến đổi đã làm cho nhiều giá trị văn hóa được xem là bản sắc riêng của tộc người Raglai đang dần mất đi và thay vào đó là các giá trị văn hóa của các tộc người khác, đặc biệt là văn hóa của tộc người Việt. Vì vậy, chúng ta phải thừa nhận, biến đổi văn hóa nói chung và biến đổi nghi lễ cưới hỏi nói riêng là xu thế tất yếu của thời gian. Nhưng trong sự vận động đó, mỗi người con dân tộc Raglai cần có ý thức tiếp nhận những giá trị văn hóa tích cực bên ngoài và giữ lại, phát huy bản sắc, tinh hoa văn hóa của tộc người đã được cha ông trao truyền qua bao thế hệ, làm cho văn hóa Raglai không bị trộn lẫn với sắc màu văn hóa của các tộc người khác trong bức tranh chung văn hóa Việt Nam.

  1. Nội dung
    1. Một số khái niệm

Khái niệm biến đổi

                    Biến đổi là thuộc tính, là phương thức tồn tại của mọi sự vật, hiện tượng trong tự nhiên, xã hội …  Tuy nhiên để dẫn sự biến đổi này là cả một quá trình có sự tác động bởi nhiều yếu tố khác nhau. Và theo từ điển tiếng Việt: “Biến đổi là thay đổi hay làm cho thay đổi so với trước” [4] . Ví như biến đổi văn hóa là một quá trình qua đó những hệ thống giá trị, chân lý, chuẩn mực và mục tiêu mà con người cùng thống nhất với nhau thay đổi theo thời gian. Điều này có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong xây dựng và phát triển nền văn hóa mới ở nước ta hiện nay giúp nền văn hóa mới Việt Nam không những có diện mạo mới mà còn mang một thể chất mới (cấu trúc mới).

Khái niệm nghi lễ cưới hỏi

                Trong tác phẩm Lời nói đầu phê phán triết học pháp luật của Heghen, Cac Mac đã viết: “Cưới xin là việc trăm năm của con người, do vậy tục lễ cưới xin rất hệ trọng. Trong các tục lễ liên quan tới cưới xin, mỗi động tác, mỗi việc làm không chỉ có nghĩa đen, nghĩa thực, mà còn có nghĩa bóng, có ẩn ý sự cầu mong ở tổ tiên một sự phù hộ nào đó. Tục lễ cưới xin thường trải qua nhiều nghi lễ phức tạp và nghiêm khắc. Lễ cưới là niềm vui tổng hợp vừa có vật chất, vừa có tinh thần” [2.tr.17]. như vậy, nghi lễ cưới hỏi luôn được xem là nghi lễ quan trọng, là bước ngoặt trong cuộc đời mỗi người, thể hiện sự chứng thực, thừa nhận của gia đình, dòng họ, cộng đồng, luật pháp về mối quan hệ của hai người về tình yêu, trách nhiệm hôn nhân và nguyện cầu về một tương lai hạnh phúc. Từ đây gia đình được thiết lập và thực hiện các chức năng vốn có của nó. Nghi lễ cưới hỏi bao gồm cả những nghi lễ trước, trong và sau đám cưới, nó mang đậm màu sắc văn hóa tộc người.

Khái niệm biến đổi nghi lễ cưới hỏi

                Từ hai khái niệm về biến đổi và nghi lễ cưới hỏi, chúng ta có thể hiểu rằng biến đổi nghi lễ cưới hỏi là sự thay đổi các nghi thức, cách thức thực hiện, phong tục đã diễn ra trong nghi lễ cưới hỏi từ ngàn xưa để lại. Tuy nhiên sự thay đổi này trên cơ sở lưu giữ, kế thừa bản sắc văn hóa của cha ông và được bổ sung bởi những giá trị văn hóa mới.

  1. Một số biến đổi trong nghi lễ cưới hỏi của người Raglai hiện nay

2.2.1. Sự thay đổi về quan niệm, phong tục trong hôn nhân

                       Một trong những điều làm nên sự khác nhau rõ nét giữa hôn nhân truyền thống và hiện nay đấy là tục “ngủ thảo”. Tục lễ này chỉ dành cho các chàng trai, cô gái chưa lập gia đình. Ngủ thảo không chỉ diễn ra một vài đêm mà nó có thể kéo dài từ khi đôi trai gái quyết định tìm hiểu nhau cho tới ngày cưới, giúp cho đôi bạn trẻ tâm tình để thấu hiểu nhau hơn, nuôi nấng cho tình yêu bền chặt để nếu tiến tới hôn nhân vợ chồng sẽ có cuộc sống hòa thuận hơn nhưng cả hai không được vượt qua giới hạn. Nếu chuyện “vượt rào” xẩy ra thì bị nộp phạt cho làng một con heo, một ché rượu (nếu giấu kín mà bị làng phát hiện thì phải nộp phạt gấp đôi), và hai gia đình phải làm lễ “cắt lúi, cúi đầu” tạ tội trước ông bà tổ tiên vì đã làm xấu mặt dòng họ, làng xóm và không được tổ chức cưới trang trọng. Như vậy, ngủ thảo được xem là nét đẹp, là một giá trị văn hóa đặc sắc trong hôn nhân truyền thống. Nó giúp hai người hiểu nhau hơn, là sự tôn trọng giành cho nhau, là điều kiện thử thách bản thân của đôi trai gái trong độ tuổi xuân thì. Tuy nhiên hiện nay tục ngủ thảo không còn bởi nhiều đôi trai gái ngày nay có những hành vi buông thả trước hôn nhân, làm cho tục ngủ thảo không còn giữ được những giá trị tốt đẹp vốn có.

                  Không chỉ có phong tục mà quan niệm trong hôn nhân cũng có nhiều thay đổi. Trước đây, khi chưa có hoặc khi Luật Hôn nhân và Gia đình chưa đi vào cuộc sống, nhận thức của đồng bào về độ tuổi hợp lý để kết hôn còn nhiều hạn chế nên thường các đôi trai gái thành lập gia đình khi tuổi đời còn quá trẻ. Theo Luật tục, nam và nữ đủ 14 tuổi có thể kết hôn vì thế khi 16 - 17 tuổi phụ nữ Raglai đã tay bế tay bồng. Nhưng hiện nay độ tuổi kết hôn đã được nâng lên do sự qui định của luật pháp (nữ 18 tuổi, nam 20 tuổi mới được đăng ký kết hôn nên cho dù hai bên gia đình thực thực hiện đầy đủ các nghi lễ cưới xin nhưng cô dâu chú rể chưa đến tuổi kết hôn thì vẫn chưa được công nhận về mặt luật pháp). Đồng thời nhận thức của thanh niên nói chung hiện nay là không muốn lập gia đình sớm nên độ tuổi kết hôn không chỉ là 18 - 20 mà trên 20 rất nhiều. 

             Đồng thời chúng ta cũng dễ nhận ra sự biến đổi trong quan niệm tìm hiểu tiền hôn nhân. Nếu trước đây người con gái Raglai không được phép tìm hiểu hay thổ lộ tình cảm của mình với người con trai trước bởi như thế sẽ bị đánh giá là hư thân, mất nết vì việc tìm hiểu nhau phải để chàng trai chủ động “Con trâu đi tìm sình lầy, không bao giờ sình lầy đi tìm trâu”. Nhưng hiên nay vấn đề này không còn quá quan trọng, nhiều cô gái mạnh bạo hơn có thể nói lời yêu thương trước với chàng trai mình yêu.

               Mặt khác, nếu như trong hôn nhân truyền thống quan niệm nổi bật của người Raglai là chỉ kết hôn với người cùng tộc. Họ cho rằng vợ chồng cùng tộc thì gia đình ấm êm, hạnh phúc hơn bởi cùng chung phong tục, tập quán, tiếng nói nên dễ thông cảm và hiểu nhau. Nhưng ngày nay, trong xu hướng mở cửa, tại những địa điểm sinh sống thuận lợi nhiều dân tộc Raglai tham gia buôn bán, kinh doanh. Đồng thời, ngày càng nhiều con em đồng bào đi làm việc, học tập ở xa đã tạo điều kiện để họ gặp gỡ, giao lưu với nhiều người thuộc các dân tộc khác nên xu hướng kết hôn với người khác tộc ngày càng nhiều. Đối với kết hôn khác tộc, thông thường các lễ vật và nghi lễ trong đám cưới sẽ có sự kết hợp phong tục của cả hai tộc người. Trường hợp cô dâu người Raglai lấy chú rể thuộc dân tộc phụ hệ, nếu chồng không ở rể thì sau đám cưới cô dâu phải về ở nhà chồng, sống theo phong tục nhà chồng. Ngược lại chú rể Raglai lấy vợ thuộc dân tộc phụ hệ thì cô dâu sẽ về ở nhà chú rể. Và hiện nay vấn đề kết hôn ngoại tộc ngày càng tăng nhanh do sự tác động của nhiều yếu tố cũng như môi trường sống có nhiều thay đổi

2.2.2. Sự biến đổi trong các nghi lễ cưới hỏi

               Trong hôn nhân truyền thống, các lễ từ lễ ăn hỏi, lễ đưa bầu rượu, lễ trao đồ cho cô dâu tương lai tới lễ cưới, lễ đưa cử về nhà chồng được thực hiện theo tuần tự các bước một cách trang nghiêm, cẩn trọng theo phong tục được trao truyền qua bao thế hệ. Tuy nhiên, hiện nay có xu hướng kết hợp các lễ, thường thì lễ ăn hỏi và lễ trao vòng nhiều nơi dồn làm một gọi là chạm ngõ trao vòng hay là việc dạm hỏi trao của làm chứng tình yêu (Vhỡn puaiq tinhã payơr vrơi caya va paya ngãq sanuãi). Việc gộp một số lễ làm một đã cắt giảm được phần nào thủ tục cưới xin rườm rà và đỡ tốn kém cho hai bên. Đồng thời việc gộp các lễ rất phù hợp đối với những gia đình trai, gái ở xa, đi lại rất khó khăn và tốn kém. Mặt khác, sự biến đổi lớn trong nghi lễ cưới hỏi hiện nay còn thể hiện ở sính lễ cưới hỏi. trong nghi lễ cưới hỏi truyền thống, sính lễ phải thực hiện theo luật tục.

                    Trong lễ trao đồ cho cô dâu tương lai (Patững ga huaq vu), chàng trai sẽ trao lễ vật, lễ vật lần này ngoài trầu câu, còn có thêm vòng tay (bằng đồng hay bạc) và cuộn dây cườm màu trắng, xanh hoặc đen (nhưng tuyệt đối không mang dây cườm đỏ). Lễ vật của nhà trai trong lễ trao đồ cho cô dâu tương lai được thể hiện rất rõ trong luật tục: Lá trầu tươi xanh một xấp/Cau nguyên trái một buồng/Cườm sợi chuỗi hoặc đầu cườm bện/Cườm màu xanh, màu trắng hay màu đen… không được đem dây cườm hay đầu cườm màu đỏ!Vòng đeo tay bằng bạc hay bằng đồng…

                  Đồng thời chàng trai còn trao cho người yêu cái túi đựng trầu, cô gái đón nhận và têm ba mươi bảy miếng trầu, bửa đủ ba mươi bảy miếng cau cho vào túi và trao lại cho chàng trai, đây là dịp để cô gái thể hiện sự khéo léo và tình cảm của mình. Tuy nhiên hiện nay, phong tục này đã không còn, sính lễ cũng không bắt buộc phải thực hiện đúng theo luật tục ngày trước.

                     Và trong ngày lễ cưới truyền thống, khi nhà trai sang nhà gái, họ mang theo lễ vật và tùy điều kiện kinh tế từng gia đình mà lễ vật nhiều hay ít. Tuy nhiên lễ vật bắt buộc trong đám cưới truyền thống bao gồm: một cây ná, một ống mũi tên, một mũi lao, một mũi giáo và bốn con dao – những hiện vật gắn liền với người đàn ông Raglai thì ngày nay ở nhiều địa bàn, trong lễ cưới chàng rể không còn mang lễ vật này.

                Và đặc biệt trong lễ cưới truyền thống, “trai còn lành, gái còn trắng” mới được tổ chức lễ cưới trang trọng (Huaq vu) - lễ cưới có sự chứng nhận của ông bà tổ tiên, gia đình, dòng họ, cộng đồng và nhận được sự chúc phúc của tất cả mọi người. Tuy nhiên nếu đôi trai gái đã “vượt rào” thì chỉ được tổ chức lễ cưới phạt (Cacah richo). Trong quan niệm truyền thống, người Raglai rất xem trọng trinh tiết vì thế rất kiêng kỵ việc đôi trẻ “ăn cơm trước kẻng”. Bởi theo quan niệm của người Raglai, đây là việc làm ô uế tới ông bà, tổ tiên “Trai gái làm cái việc nhơ nhuốc gớm ghiếc như nôn như ọe/ Làm dơ dáy đến Tổ tiên, ông bà, cha mẹ” và mang họa đến cho buôn làng vì đã xúc phạm tới ông chúa coi giữ sự trong trắng và bà chúa coi giữ sự trinh bạch đây cũng là thần hồn của bắp lúa, vì vậy thần sẽ bỏ đi nên mùa màng thất bát. Do đó để trừng phạt đôi trai gái, luật tục Raglai quy định đôi trai gái phải làm lễ tẩy rửa sạch mọi ô uế hay tắm gội sạch mọi dơ bẩn để cầu xin thần linh và tổ tiên ông bà không trừng phạt làm dịch bệnh, hạn hán, lũ lụt, làm chết bắp, cháy lúa… gây hiểm họa tai ướng tới gia đình và cộng đồng. Và nước để tẩy rửa mọi ô uế của đôi trai gái “vượt rào” là “nước mối thiêng” - ia mũa. Trước khi hành lễ, người chủ lễ sẽ lấy đất trong ổ mối hòa với nước sau đó gạn lấy nước trong cho vào chén đồng vừa làm nghi lễ cầu khấn vừa lấy nước vẩy lên đầu, xoa lên người có tội. Đồng thời đám cưới của họ chỉ được tổ chức trong phạm vi gia đình, dưới hình thức tạ tội tổ tiên, ông bà cha mẹ, họ hàng mà không được mời khách khứa, bạn bè, không tổ chức các cuộc vui. Nhưng ngày nay, luật tục đưa ra quy định này không còn hữu dụng trong đời sống văn hóa của dân tộc Raglai nên tất cả các lễ cưới đều được tổ chức trang trọng.

Mặt khác, trong các bước nghi lễ cưới hỏi trước đây không thể thiếu sự xuất hiện ông mai, bà mối thì hiện nay các chàng trai, cô gái tự gặp gỡ, tìm hiểu nhau là chủ yếu nên vai trò ông mai, bà mối dường như không còn.

Và một điều không thể không đề cập tới chính là quà mừng cưới cho đôi trẻ và hai bên gia đình từ bạn bè, bà con họ hàng, làng xóm. Trong lễ cưới truyền thống, quà mừng thường là hiện vật như rượu, gạo, trứng gà hoặc vật nuôi trong gia đình. Còn đám cưới ngày nay, mọi người tới chung vui đều có quà mừng nhưng được qui thành tiền mặt. Của hồi môn và việc sắm sửa cho con cái khi lập gia đình không còn là những vật dụng tự sản xuất hay những tặng phẩm đơn giản mà thay vào đó là vàng trao cho con ngày cưới, lo sắm tủ, giường gỗ…

Về thời gian tổ chức đám cưới, trước đây người Raglai chỉ tổ chức vào tháng một, tháng mười và tháng mười một âm lịch. Nhưng hiện nay, lễ cưới được tổ chức quanh năm miễn là không rơi vào những ngày kiêng cữ của gia đình, dòng họ. Và thời gian tổ chức đám cưới cũng được rút ngắn lại không kéo dài 2 - 3 ngày như trước.

Mặt khác, nếu như trong đám cưới trước đây, Mã la cùng những làn điệu dân ca Raglai được vang lên thâu đêm suốt sáng. Đó là màn tấu Mã la hòa nhịp cùng điệu Ru-wo rạo rực, vui nhộn để cầu chúc cho đôi bạn trẻ cuộc sống hạnh phúc, sung túc, đông con nhiều cháu; làn điệu Akhat - cadam là những bài hát của cha mẹ dặn dò con cái trong ngày cưới với nhịp điệu chậm rãi và đầy tình yêu thương; đồng thời không thể thiếu những giai điệu A-lơu - màn hát đối đáp của đôi trai gái trong cuộc vui để tỏ tình hay bày tỏ lòng thương nhớ… thì ngày nay đã giảm. Bởi nhiều bạn trẻ không biết chơi Mã la và cũng không mặn mà với những làn điệu dân ca ngọt ngào của dân tộc mà thay vào đó, họ thuê dàn nhạc sống, hát những bài hát thịnh hành của giới trẻ. Và do thời gian tổ chức đám cưới được rút ngắn lại nhằm giảm bớt khó khăn cho gia chủ vì vậy nếu có chơi Mã la và hát dân ca thì cũng gói gọn trong một buổi không kéo dài cả ngày, cả đêm như trước.

Đồng thời một yếu tố có sự biến đổi rõ nét giữa đám cưới truyền thống và đám cưới hiện nay của dân tộc Raglai chính là các món ăn trong ngày cưới. Nếu trước đây, mâm cỗ thường đơn giản, chủ yếu là các món ăn chế biến từ thịt heo và thịt gà như: Xương heo hầm với mít, canh xương heo nấu đu đủ, gan heo luộc và không thể thiếu món gà luộc, món thịt phai (thịt lợn có kích thước miếng dài tầm 7 - 8cm, dày khoảng 2 - 3cm được ninh nhừ) và cơm cùng với một số loại bánh truyền thống từ gạo, bắp. Nhưng mâm cỗ cưới ngày nay, các món ăn đa dạng hơn, thường có thêm thịt bò, tôm, mực… và được bày biện đẹp mắt. Mặt khác trong đám cưới truyền thống, chỉ có rượu cần (gia đình có thể chuẩn bị tới 20 - 30 ché rượu cần) và thêm ít rượu gạo, nhưng hiện nay không chỉ có rượu cần mà còn có bia, nước ngọt.

Trong hôn nhân truyền thống, vợ chồng cưới xong ở chung với bố mẹ vợ. Người con gái lấy chồng về để nhờ, người chồng trở thành trụ cột trong gia đình, thay bố vợ chăm sóc gia đình bên vợ. Điều này đã được thể hiện rất rõ trong luật tục: Bắt con rể như chặt cây trong rừng về làm nhà/Bắt người ta về làm người nhà mình/Nó bán mình đi ăn với con/Nó bán thân đi ở nhà vợ… Nó phải thay thế trông nom mọi thứ/Nó phải hầu hạ, chăm sóc cha mẹ vợ. Nhưng trong gia đình dân tộc Raglai hiện đại thường chỉ có hai thế hệ, con gái sau ngày cưới bố mẹ thường cho ra ở riêng bên cạnh nhà hoặc ở một khu đất mới.

Như vậy, giữa nghi lễ cưới hỏi truyền thống và nghi lễ cưới ngày nay đã có nhiều biến đổi cả về quan niệm, phong tục, nghi thức. Tuy nhiên so với nhiều tộc người anh em khác, nghi lễ cưới hỏi của người Raglai vẫn giữ được nhiều giá trị văn hóa truyền thống.

  1. Kết luận

               Trọng sự vận động không ngừng nghỉ của thời gian, nghi lễ cưới hỏi của dân tộc Raglai cũng như nhiều yếu tố văn hóa khác đã có nhiều biến đổi như là một xu hướng chung tất yếu phải diễn ra. Và trong đó có những yếu tố biến đổi thể hiện tính tính cực, phù hợp với điều kiện mới. Điều này được thể hiện trong quan niệm, nhận thức về hôn nhân có sự tiến bộ, việc cắt giảm hay gộp một số lễ để thủ tục cưới xin bớt rườm rà gây tốn kém cho hai bên gia đình. Và việc cởi trói quan niệm người con gái, phụ nữ không được chủ động thể hiện tình cảm thì hiện nay họ có thể chủ động hơn, điều này giúp họ có được người bạn đời phù hợp hơn, cưới được người mình yêu thương thực sự. Và vấn đề kết hôn với người ngoài tộc cũng cởi mở hơn làm cho xu hướng hôn nhân hỗn hợp dân tộc tăng lên, từ đây bức tranh hôn nhân, văn hóa gia đình thêm đa dạng. Hay việc tuân thủ độ tuổi kết hôn theo pháp luật qui định sẽ giúp cho đôi bạn trẻ có suy nghĩ chín chắn hơn, biết đối nhân xử thế hơn, vợ chồng biết làm ăn hơn nhờ đó gia đình êm ấm, thuận hòa, điều kiện kinh tế ổn định. Thời gian tổ chức lễ cưới quanh năm như vậy sẽ linh động hơn, đồng thời ngày cưới không kéo dài nhưng vẫn diễn ra vui vẻ đã giảm bớt được gánh nặng về kinh tế cho hai bên gia đình, đặc biệt là nhà gái và đôi vợ chồng trẻ sau cưới. Và một điều đặc biệt cần ghi nhận trong hôn nhân hiện đại là không còn vấn đề thách cưới, hai bên gia đình sẽ thuận theo điều kiện kinh tế mà thống nhất về sính lễ, cỗ cưới. Do đó, hiện nay không còn tình trạng hai vợ chồng ở với nhau hàng chục năm mới đủ điều kiện tổ chức đám cưới như ngày trước.

Tuy nhiên trong quá trình biến đổi, hôn nhân của người Raglai đã mất đi ít nhiều giá trị văn hóa đặc sắc riêng có của mình. Một số phong tục, quan niệm, giá trị văn hóa tốt đẹp đã mất đi hoặc bị mai một dần. Phong tục “ngủ thảo” trước hôn nhân không còn, những màn tấu Mã la, những làn điệu dân ca Raglai ngày càng thưa vắng trong đám cưới. Thẫm chí có cô dâu chú rể không còn mặc đồ dân tộc trong ngày cưới mà thay vào đó là bộ vest sang trọng, váy cưới điệu đà như đám cưới của dân tộc Kinh. Mặt khác, quan niệm giữ gìn trinh tiết trước hôn nhân không còn được các bạn trẻ lưu tâm như trước. Xuất hiện ngày càng nhiều thanh niên có lối sống trái với thuần phong mỹ tục, yêu đương thái quá dẫn đến có bầu trước khi cưới và tệ hơn nữa là nhiều cô gái phải làm mẹ đơn thân khi tuổi đời còn trẻ mới mười tám đôi mươi. Điều này thực sự đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho các bậc làm cha mẹ cần quan tâm, giáo dục con cái có lối sống lành mạnh trước hôn nhân, thực hiện lời khuyên răn của cha ông để lại.

Và ngày nay dưới sự tác động của nhiều yếu tố, sự đổi thay của điều kiện môi trường sống, nghi lễ cưới hỏi của dân tộc Raglai chắc chắn còn có những biến đổi. Nhưng bằng sự giáo dục của ông cha đi trước, bằng tình yêu, niềm tự hào văn hóa dân tộc, hy vọng các thế hệ con em Raglai sẽ biết tiếp thu những gì tích cực và biết giữ lại những nét đẹp, giá trị văn hóa tiêu biểu của mình.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Nguyễn Hữu Bài (chủ biên) (2014), Văn hóa dân gian Raglai ở Khánh Hòa, Nxb Văn hóa - Văn nghệ, Tp Hồ Chí Minh
  2. Nguyễn Công Hoan (2010), “Tiếp cận lý thuyết nghi lễ chuyển đổi trong nghiên cứu nhân học”, Tạp chí nghiên cứu tôn giáo (10), tr. 15-22
  3. Phan Đăng Nhật, Nguyễn Thế Sang (2012), Luật tục Chăm và luật tục Raglai, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội
  4. Hoàng Phê (cb) (2018), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Hồng Đức

 

                                                                               Th.S Nguyễn Thị Nga

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Khoa Khoa học XH&NV