Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  16/11/2020 02:22        

Vẻ đẹp của những điệu hò dân gian Việt Nam

 

ThS.Tăng Thị Nguyệt Nga

Khoa KHXH&NV - Trường ĐH Khánh Hoà

Tóm tắt

Trong kho tàng văn hóa Việt Nam, những câu hò điệu ví luôn là một bộ phận quan trọng kiến tạo nên vùng văn hóa và bản sắc văn hóa Việt. Bài viết này đặt Hò Nam Bộ trong cái nhìn tương quan với Hò Ví Giặm (di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam) trên 2 phương diện: ngôn ngữ và hình thức diễn xướng. Qua đó nêu bật được nét đặc trưng loại thể và giá trị văn hóa của Hò Nam Bộ và Hò Ví Giặm.

1. Giới thiệu chung 

Theo Từ điển Tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên), “Hò một loại dân ca trong lao động có đoạn nhiều người cùng họa theo để hưởng ứng”. Đây là loại hình nghệ thuật ca hát dân gian rất được mọi người ưa chuộng ở nhiều vùng miền nước ta. Tuy nhiên mỗi vùng miền đều hình thành nên được một loại hình Hò riêng biệt gắn liền với đặc điểm đời sống của nơi ấy.

Hò Ví Giặm hay còn gọi là hát Ví Giặm là lối hát dân gian ở Nghệ Tĩnh bao gồm hát Ví và hát Giặm. Hát Ví là “lối hát đối đáp, trữ tình đối đáp giữa trai và gái trong lao động”. Khi hát đôi bên thường sử dụng cách nói ví von, hát một cách tự do phóng khoáng từ thể thơ lục bát và lục bát biến thể (chủ yếu lấy chất liệu từ ca dao). Còn hát Giặm là “lối hát nhịp điệu dồn dập, lời là thơ năm chữ”. Từ “Giặm” với ý nghĩa là chêm vào chỗ trống mang đến cho thể hát dân gian này một đặc trưng rất riêng. Lời hát bao gồm nhiều khổ thơ 5 chữ ghép lại với nhau, mỗi khổ bao gồm 5 câu, trong đó câu 5 được lặp lại, giặm thêm theo câu 4 làm cho ý của câu hát được nổi lên đậm nét.

Hò Nam Bộ dù đúng như nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Hầu trong quyển“Văn học miền Nam Lục tỉnh”(tập 1) cho rằng:“Hò không phải là một sản phẩm sáng tạo tại miền Nam” (mà có cội nguồn từ miền Trung) thì khi theo chân những lưu dânvào Nam, được “thả trôi trên sông” thì tự thân nó đã có những biến đổi để phù hợp với môi trường mới, đồng thời tạo được những nét riêng không pha lẫn. Cũng như Hò ở các vùng miền khác, Hò Nam Bộ có cấu trúc gồm 2 phần: xướng và xô cho cả 2 hình thức hò trên cạn và hò trên sông nước. Hò trên cạn như hò cấy lúa, hò giã gạo, hò xay lúa… Tuy nhiên do đặc điểm của vùng sông nước nên ở Nam Bộ đặc biệt phát triển các thể hò trên sông nước như: hò đối đáp trên sông, hò chèo ghe, hò mái đoản, hò mái trường, hò chèo thuyền đêm, hò chèo thuyền ngày… Các thể hò này lại có nhiều điểm khác nhau khá rõ nét giữa các địa phương như: Hò Đồng Tháp, Hò Bến Tre, Hò Bạc Liêu, Hò Long An… Mặc dù vậy, tất cả các thể hò này vẫn có những đặc điểm chung đặc sắc làm nên nét duyên riêng cho Hò Nam Bộ nói chung. Đó là chất hào sảng gợi lên từ mênh mông sông nước, từ tâm hồn hiền hậu thủy chung cũng như lối sống phóng khoáng, nồng hậu của con người miền Tây.

Có thể thấy Hò Ví Giặm hay Hò Nam Bộ đều là những hình thức diễn xướng dân gian rất độc đáo và mang nhiều giá trị văn hóa. Bên cạnh những phương diện cơ bản của thể hò, mỗi loại hình đều có những đặc trưng riêng để làm nên tên tuổi cho quê hương mình. Trong quá trình thưởng thức và nghiên cứu, việc đặt các kiểu hò cạnh nhau để nhận chân sức hấp dẫn, nétđộc đáo của từng loại hình là rất cần thiết. Mặc dù không có tham vọng phân biệt rạch ròi hai loại hình Hò Ví Giặm và Hò Nam Bộ vì suy cho cùng chúng đều là tinh hoa văn hóa Việt. Song đặt trong mối tương quan về ca từ nội dung cũng như không gian diễn xướng sẽ phần nào giúp chúngta có cái nhìn tường tận hơn giá trị của từng loại hình tưởng chừng giống nhau nhưnglại có sự khác biệtkhá rõ nét khi diễn tả tâm tư tình cảm của nhân dân hai miền đất nước. Cũng càng thấy rõ hơn sự phong phú, đa dạng của kho tàng dân ca - dân nhạc Việt Nam. Vượt trên ý nghĩa phân chia, ta vươn tới cái mục đích nhận chân, khẳng định giá trị các loại hình dân ca Hò trên mọi vùng miền Tổquốc nói chung và Hò Ví Giặm, Hò Nam Bộ nói riêng. Đây chính là mục đích mà bài viết mong muốn đạt được.

2. Nội dung

2.1.  Vẻ đẹp trong ca từ - nội dung

Xét về mặt ca từ, nội dung của hò có một sự gần gũi, thân thuộcđặc biệt với ca dao, tục ngữ. Trên thực tế chúngta vẫn thường thấy cách nói thơ đi liền với ca thành thơ ca. Bởi đây là hai hình thức trữ tình hữu hiệu nhất trong việc kết nối trái tim đến trái tim. Vì vậy bên cạnh những câu ca dao, nhân dân lao động còn nâng lên thành diễn xướng dân ca bằng cách kết hợp các câu ca dao với những điệu nhạc nhất định.Thông qua mối quan hệ của ca dao với dân ca, mối quan hệ của hò với ca dao được xác lập. Hò cũng lấy chất liệu từ những câu ca dao, kết hợp với âm hưởng riêng của mình mà tạo thành. Vì thế những đặc điểm nội dung ca dao có cũng là những đặc điểm nội dung Hò thể hiệnNói cách khác, “Hò là một biến cách của ca dao. Có những câu ca dao được đem nguyên vẹn để hò dưới ánh trăng. Có những câu ca dao được thêm thắt, cắt xén dùng đối đáp, thi đua lời ý trong các hội hò”. Có nghĩa là về phương diện nội dung, Hò Ví Giặm và Hò Nam Bộ có những nét tương đồng cơ bản: đều thể hiện những tâm tư, tình cảm của người dân lao động. Hò có thể chia thành 3 loại chính: Hò nghi lễ; Hò sinh hoạt và Hò trữ tình. Tuy nhiên do hoàn cảnh xã hội 2 miền khác nhau nên cách thể hiện các nội dung này ở 2 thể Hò có phần khác nhau về sắc thái ý nghĩa lẫn hình thức thể hiện. Ở phạm vi bài viết này chỉ xin đề cập đến những nét tương quan về ngôn ngữ và sắc thái nội dung của 2 loại Hò sinh hoạt và Hò trữ tình. 

Ví Giặm là một loại hình dân ca đặc sắc được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, gắn liền với người dân 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Người Nghệ Tĩnh nói tiếng Nghệ, tức là dạng tồn tại của tiếng Việt trên địa bàn Nghệ Tĩnh. Vì vậy, ngôn ngữ Ví Giặm mang đầy đủ những đặc điểm nghệ thuật của tiếng Việt cộng thêm những nét đẹp trong tiếng Nghệ. Người Nghệ nặng tình,tiếng Nghệ giàu biểu cảm. Trong Ví Giặm, ta không chỉ bắt gặp những cách nói trau chuốt, mượt mà, ý nhị mà còn có cả những giãi bày mộc mạc, trọ trẹ, những kiểu nói khẩu ngữ địa phương. Trong 25 câu Ví được nhắc đến trong cuốn sách “ Hát Ví Nghệ Tĩnh” có đến 17 câu sử dụng khẩu ngữ địa phương (chiếm 68%).

Cơm mô mà bát ăn bát để

Đũa mô mà đôi đứng đôi nằm

Dù thầy mẹ có đánh đập chín chục một trăm

Đập rồi em đứng dậy vẫn nhất tâm thương chàng

Chính sự kết hợp đan chéo các hình thức ngôn từ này và sự góp công của các phụ tố: chứ, à, ờ, mà, thì… cùng với cách ngắt nhịp theo làn điệu đã làm nên đặc điểm độc đáo không trộn lẫn của Ví Giặm. Điều này đã góp phần thể hiện một cách sát thực mà không kém phần sâu sắc các cung bậc cảm xúc, những triết lý thâm tình của con người xứ Nghệ. 

Vốn là vùng đất khắc nghiệt “mưa úng đất, nắng nẻ trời”, cuộc sống của người dân xứ Nghệ không hề dễ dàng, thuận lợi. Họ thường xuyên phải đối đầu với thiên tai, lũ lụt cộng thêm điều kiện khan hiếm tài nguyên. Bởi vậy, những câu ca cất lên trong quá trình lao động cũng vì thế có sự trúc trắc, nhặt khoan theo đúng nhịp lao động của con người

Trước (thì) thăm nghề(ờ) làm nón

Sau (thì) gặp bạn(ờ) gặp phường

Ví Giặm tìm(ờ) người thương

Ta chung phường(ờ) làm nón

Bạn với phường(ờ) làm nón

Điều này hoàn toàn trái ngược với sự vang vọng, mềm mại trong Hò Nam Bộ. Không đậm đặc như trong Ví Giặm nhưng phương ngữ Nam Bộ cũng xuất hiện khá nhiều trong các câu Hò cùng với sự kết hợp của giọng ngân rất dài đã góp phần gợi lên được cái đặc trưng mênh mang, trù phú của vùng sông nước miền Tây. 

Hò… ơ ơ ơ đất miền Nam thênh thang sông nước

Đồng lúa xanh rợp cánh cò bay

Em là con gái miền Tây

Ân tình mộc mạc... ơ hò...

Hò ơ ơ ơ ân tình mộc mạc, đậm đà thủy chung.

Sinh sống trên vùng đồng bằng rộng lớn và trù phú bậc nhất cả nước, người dân miền Nam có bản tính hào sảng, sống chân thành cởi mở ít khi rào trước đón sau, ăn nói ví von ẩn dụ như người miền Bắc và bắc miền Trung. Bởi vậy, nghĩ sao hò thế, đối với nhau xuề xòa ít câu nệ. Rõ nhất là qua cách xưng hô ngôi thứ giữa các bên hát hò được diễn tả hết sức phóng khoáng, tự nhiên nếu không muốn nói có phần “sỗ sàng”. Điều này chúng ta sẽ không bắt gặp trong lối xưng hô tế nhị đậm chất địa phương: đó với đây; chàng với thiếp; bạn với mình; tui với mự; ta với người...như trong Hò Ví Giặm. Con người Nam Bộ sống giản đơn, không ai bắt lỗi nhau bởi lối xưng hô: mình ơi; đôi ta; bậu - qua... tưởng chừng như quá thân mật, vi phạm lề lối ý nhị trong các mối quan hệ.

Hò… ơ… ơ… ơ… ơ…
Thân anh như tấm da trời… ơ… ơ… ơ…
Ơ… mình ơi, bốn mùa sương lạnh… ơ… ơ…

Anh không rời vì sao… ơ… ơ… ơ…

Đặc biệt, vì gắn với đời sống sông nước nên trong Hò Nam Bộ tần số các từ ngữ liên quan đến sông nước xuất hiện rất dày đặc. Trong 160 câu ca dao – dân ca về quê hương đất nước trong cuốn “ Ca dao - dân ca Nam Bộ”có 72 câu (chiếm 45%) có các từ ngữ liên quan đến sông nước như: sông, vàm, vịnh, doi, kinh, ao, đìa, lạch, cầu... hoặc các nông cụ vùng sông nước: câu,  lờ, trúm, lộp, đó, rọ, bung, xà di, xệp, te, đáy, càng chông, vó gặt, vó càng, lưới rùng, lưới chụp… Và hiển nhiên là còn nhiều loại tôm cá, thuyền bè...

Hò... ơ... ơ... Rạch gầm soài mút tăm tăm
Xê xuống chút nữa... ờ... ờ... tới vàm Mỹ Tho...

         Hai thể Hò đều sử dụng nhiều phương ngữ cùng với điệu thức khác nhau trong việc thể hiện nội dung, do đó cũng mang đến nhiều sự khác biệt về sắc thái trữ tình trong các câu Hò. Cùng là những câu ca gợi tả khung cảnh thiên nhiên nhưng ở Nghệ Tĩnh là sự kỳ vĩ diễn tả sự khắc nghiệt, khó khắn đầy thách thức con người

Người ơi... non Hồng ai đắp mà cao

Sông Lam ai bới, ai đào mà sâu

Trong khi đó thiên nhiên nghệ thuật trong Hò Nam Bộ lại hoàn toàn không có đặc điểm ấy. Từ thời kỳ khai đất mở cõi, nơi đây chỉ là vùng địa đầu, nơi sơn cùng thủy tận nên những người khẩn hoang đã phải đối mặt với không ít hểm nguy như: rừng rậm, thú giữ, sông sâu... Tuy nhiên với bản lĩnh can trường, mạo hiểm của những con người dẫn thân tìm vùng đất mới, họ đã luôn giữ được tinh thần sẵn sàng vượt lên thiên nhiên, dí dỏm trước hiểm nguy. 

 Hò ơ... ơ... xứ đâu hơn xứ Cạnh Đền

 Muỗi kêu như sáo thổi, đỉalội lềnhnhư bánh canh

Hơn thế, vượt trên những câu ca về thiên nhiên chính là tình yêu quê hương xứ sở. Với người miền Trung quê hương luôn gắn với làng xóm, với những giá trị văn hóa lâu bền nơi làng quê. Còn người Nam Bộ, quê hương gắn với kênh rạch,  không gian văn hóa chính là không gian sông nước.

Người Nghệ Tĩnh thường tự hào khi nhắc đến 2 chữ “làng tôi”, nơi đó có những truyền thống văn hóa riêng, những nghề nghiệp riêng gắn bó chặt chẽ với từng cá nhân, từng đứa con quê hương. Tình yêu quê hương đồng nhất với niềm tự hào về cái riêng của làng mình. Ở Nam Bộ con người cũng được sinh thành và lớn lên trong các làng ấp nhưng làng ở đây không mang những đặc điểm như làng miền Trung mà có những đặc trưng riêng. Làng ấp Nam Bộ thường trải dọc các sông rạch và các trục đường giao thông. Thêm vào đó là địa hình đồng bằng rộng lớn, làng ấp không bị giới hạn bởi “lũy tre làng”. Những điều này góp phần không tạo ra sự cách biệt giữa các làng vì thế làng Nam Bộ không trở thành đơn vị văn hóa và hành chính chặt chẽ như ở miền Bắc và miền Trung. Bởi vậy không gian nghệ thuật trong Hò Nam Bộ không phải là không gian “làng quê” mà là không gian sông nước. Tình yêu làng quê của người Nghệ đậu lại nơi “lũy tre làng” còn người Nam Bộ lại bung ra từng vùng rộng lớn, từng cánh đồng thẳng cánh cò bay, từng dòng sông chở nặng phù sa và tôm cá...

Đồng Tháp Mười cò bay thẳng cánh

Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm

Và có thể nói không gian nghệ thuật sông rạch đã trở thành dấu ấn sâu đậm nhất trong Hò Nam Bộ. Hò chèo thuyền, hò kéo lưới, hò quăng chài... không phải hiếm gặp ở những vùng miền khác. Dân ca Ví Giặm cũng gắn bó với dòng sông Lam hiền hòa, cũng có những điệu Hò trên sông neo đậu lòng người. Tuy nhiên để cái hồn sông nước đi vào tâm thức, quyện hòa như máu với thịt thì chỉ gặp ở Hò Nam Bộ. Vì vậy trong văn hóa dân gian Nam bộ, sông rạch được xem như một yếu tố đặc trưng rất đáng tự hào. 

         Một điểm khác biệt giữa Hò Ví Giặm và Hò Nam Bộ nữa chính là ở cách thể hiện cảm xúc, tình cảm giữa người với người. Đặc điểm này tạo bởi sự khác biệt trong tính cách giữa người miền Trung và miền Nam. 

        Xứ Nghệ là đất anh hùng với những con người cần cù hiếu học, sâu sắc và tài hoa. Thường xuyên phải đối diện với môi trường thiên nhiên kém ưu đãi, với ý chí và quyết tâm cao, con người nơi đây luôn thể hiện tinh thần vươn lên không biết mệt mỏi bằng con đường học vấn. Ví Giặm Nghệ Tĩnh vì vậy có được sự kết tinh giữa trí tuệ và cảm xúc làm nên sức cuốn hút riêng của nó. Là những bài ca lao động nhưng Hò Ví Giặm thường được diễn đạt bằng lớp ngôn từ mượt mà, trau chuốt giàu sức biểu đạt. Đặc biệt,trong Ví Giặm, ẩn dụ tu từ là thủ pháp được sử dụng nhiều nhất. Tác giả dân gian dùng lối ẩn dụ để gửi gắm tình ý sâu kín, làm thành cách nói bỏng bẩy, ý nhị về những điều khó nói, không dễ giãi bày. Chính bởi những lẽ đó, Ví Giặm đối với người dân Nghệ Tĩnh mà nói vẫn là một công cụ hữu hiệu góp phần giữ gìn, trao truyền những thuần phong mỹ tục, lối ứng xử tốt đẹp, các giá trị văn hóa truyền thống. Với những giá trị nhân văn sâu sắc ấy, dân ca Ví, Giặm đã có những đóng góp không nhỏ trong việc hình thành nhân cách con người Nghệ Tĩnh, trong việc tạo dựng những đặc trưng văn hóa của một vùng đất nổi tiếng là hiếu học và khoa bảng. Để các thế hệ cháu con, dù có đi xa cũng không bao giờ nguôi ngoai một nỗi niềm khắc hoải nhớ quê

Ơ... con đi muôn dặm đất trời

Theo chân con bước ơ ơ ơ dặm dài mẹ ru… ơ… ơ

Hò Nam Bộ lại chinh phục lòng người bởi tinh thần sảng khoái, dạt dào tình nghĩa cất lên từ tâm hồn của những con người nơi đây. Người Nam Bộ xa xưa đi khai hoang chủ yếu là người không có đất sống ở xứ cũ, buộc lòng phải Nam tiến, đối đầu với sông sâu nước cả, beo um, sấu giữ… Bởi vậy họ hiểu hơn ai hết muốn sống, muốn chiến thắng thiên nhiên còn đầy sức mạnh bí ẩn đó không gì khác là họ phải đoàn kết, phải dựa vào nhau cùng nhau tạo dựng vùng đất mới. Đó chính là cái gốc để hình thành bản tính hiên ngang, trọng nghĩa khinh tài, yêu thương đùm bọc lẫn nhau của người Nam Bộ. Con người sống dựa vào nhau nên cũng bớt đi phần hà khắc, đề phòng và cạnh tranh như ở miền Trung. Thay vào đó là tinh thần bác ái, hào sảng, dễ gần và hết lòng vì chữ nghĩa. Trong lời ăn tiếng nói hàng ngày người miềm Tây cũng ưa thẳng thắn, không thích văn chương rào đón. Giữa người với người chung sống chân tình cởi mở, không quen úp mở vòng vo, không trau chuốt ngôn từ, ít ví von hàm ẩn như người xứ Nghệ. Cùng là sử dụng ca dao, thơ lục bát hay lục bát biến thể làm phần xướng chính cho làn điệu nhưng Hò Nam Bộ vẫn ít đạt đến sự tinh gọn, sắc sảo, ý tại ngôn ngoại như Hò Ví Giặm. Ngược lại nó lại mang được vẻ đẹp bình dị, trong sáng gần gũi với đời thường ở con người Nam Bộ. Bởi lẽ dù lấy chất liệu từ ca dao, tục ngữ nhưng thuận theo phong cách phóng khoáng của người miền Tây, họ thường xuyên phóng tác, thêm bớt, sáng tạo thêm những tiếng đệm, cách luyến láy cho phù hợp với hoàn cảnh và mức độ nội dung thể hiện. Do đó Hò Nam Bộ đã đạt được tầm suất thể hiện bao quát trong đời sống nhân dân. Hò đã trở thành một phong trào dân chúng ở thôn quê. Càng có nhiều người tham gia thì cuộc hò càng thêm phần rộn ràng

Hò ... ơ... ơ... ò chơi phỉ dạ đôi đường

 Công anh ở trển băng rừng xuống đây

Tới đây không lẽ ngồi không

Cầm chày giã gạo...hò ơ...

Cầm chày giã gạo cho đông miệng hò

Có thể thấy sự khác biệt rõ nhất chính là ở cách thể hiện tình yêu trai gái. Hò Nam Bộ cũng như Hò Ví Giặm đều tập trung phản ánh được tất cả các cung bậc trong tình yêu từ giai đoạn tỏ tình đến hôn nhân. Tuy nhiên, người Nam Bộ “nghĩ sao nói vậy”, ít sự dụng tâm, rào đón, ý tứ như người miền Trung. Trong khi chàng trai miền Trung cẩn trọng, tế nhị ướm dò khi tỏ tình:

Này là người ơi...thấy em là gái má đào

Lòng anh chỉ muốn...(chứ) ra vào kết ...(ơ) duyên

Thì anh chàng miền Nam lại thẳng thắn bộc lộ:

Hò...ơ...thấy em nhỏ thó lại có duyên ngầm

Anh phải lòng thầm ba bốn tháng nay

Hoặc là:

Bên dưới có sông, bên trên có chợ

Hai đứa mình kết vợ chồng nghen

Thậm chí có lúc sự tự nhiên, thẳng thắn đó còn dễ khiến cho con người ta đỏ mặt nếu không muốn nói là “sỗ sàng”. 

“Hò… ơ… i… i… i… Thấy em có cái gò má hồng hồng

Phải chi em đừng mắc cỡ...Hò hơ… ơ… ơ 

Đừng mắc cỡ, thì anh xin bồng… em hun…i… i… i…”

Mới tỏ tình đã vậy thì chắc chắn sự nhớ thương, thương nhớ lại càng thắm thiết khó dời.

Hò...ơ...Dao phay cặp cổ, máu đổ ào ào

Chết thì anh chịu...ờ...Hò hơ… ơ… ơ 

Chết thì anh chịu... buông nàng...anh hổng buông...

Không chỉ các chàng trai, các cô gái Nam Bộ cũng “mạnh bạo” không kém trong tình yêu. Có thể dễ dàng nhận thấy, khi yêu nhau người Nam Bộ khó lòng giữ được nhịp rung của trái tim mình

Hò...ơ...Anh về em nắm vạt áo em la làng

Phải bỏ chữ thương chứ nhớ ...ờ...giữa đàng cho... em

Tình yêu lúc mặn nồng, quấn quýt phải có khi hờn giận, oán trách. Đâu phải ai cũng gặp được may mắn trong tình yêu, bên cạnh những đôi bạn “tình đầu ý hợp”  còn rất nhiều chàng trai cô gái lận đận đường tình duyên. 

Ơ... anh đến giàn hoa, (thì) hoa kia đã nở

Anh đến bến đò (thì) đò đã sang sông

Đến tìm em (thì) em đã lấy chồng

Em yêu anh như rứa, hỏi mặn nồng thì lấy chi?

         Dù lỡ làng duyên phận nhưng lời trách móc của chàng trai xứ Nghệ đối với cô gái vẫn rất ý nhị, nhẹ nhàng thể hiện sự sâu sắc, cảm thông. Điều này hoàn toàn khác với chàng trai Nam Bộ. Không vòng vo che đậy cảm xúc, không cần biết lý do, chàng trai thể hiện sự đau đớn, mất mát của mình khi bị cô gái phụ tình:

Hò ơi...Tay cắt tay sao nỡ...ruột cắt ruột sao đành

Một lời thề biển cạn non xanh

Chim kêu dưới suối, vượn hú trên nhành

Qua không bỏ bậu ơ ơ...mà sao bậu đành bỏ qua ơ ơ...

         Tình yêu luôn muôn màu, có ngọt bùi, đắng cay, có niềm vui và tất nhiên cũng có cả giận hờn, ly biệt...Dù là ở trạng thái nào thì những người đang yêu cũng có chung một tâm lý đó là niềm khao khát gìn giữ cho tình yêu trọn vẹn, bất tử. Đó là lý do cho sự ra đời của các bài ca thề nguyền. Các chàng trai cô gái xứ Nghệ có lối thề nguyền viện theo các quan niệm đạo đức mang tính sâu xa, có phần công thức, sáo mòn với những minh chứng tình yêu như: non nước, trăng vàng, gừng cay muối mặn, đá vàng...

Hỡi là người ơi...Muối ba năm muối đang còn (ơ) mặn

(Chừ) Gừng chín tháng (thì) gừng hãy còn cay

(Chứ) đôi ta tình nặng nghĩa (ơ) dày

Dù có xa nhau đi chăng (ơ) nựa (thì) ba vạn sáu ngàn ngày (thì) nỏ xa

Hỡi là người ơi...Bao giờ Hồng Lĩnh hết cây

(Chứ) sông Lam hết (ơ) nước (thì) đó với đây... mới hết tình

         Còn các chàng trai cô gái Nam Bộ lại có kiểu thề nguyền thực tế hơn với các minh chứng tình yêu gần gũi, quen thuộc thậm chí còn có phần “thô kệch”: con  lạch, cá thia lia, hòn đá, cù lao...

Hò...ơ...Bao giờ cạn lạch Đồng Nai

Nát chùa thiên mụ mới phai lời nguyền

Có thể thấy Hò đối đáp cả 2 miền đều thể hiện sự chân thành, nồng nhiệt trong tình yêu nhưng cái khác nhau làm nên bản sắc riêng không phải ở độ đậm nhạt của tình cảm mà chính là ở cách nói, cách bày tỏ. Người xứ Nghệ có cách thể hiện tình cảm vòng vo, bóng gió, ưa triết lý với cách dùng từ trau chuốt thì người Nam Bộ lại bộc trực, thẳng thắn, hóm hỉnh với lớp ngôn từ chân thực, sinh động. Mặc dù vậy, điều này hoàn toàn không làm nên sự phân tách giữa hai vùng miền mà chỉ góp phần khẳng định sự phong phú, giàu có của kho tàng các làn điệu dân ca nói riêng và các giá trị dân gian Việt Nam nói chung. Bởi suy cho cùng dù là Hò Nam Bộ hay Ví Giặm cũng đều là những câu hát chất chứa tình cảm cất lên từ tâm hồn của những người lao động chân chính đáng yêu và đáng trọng       

2.2.  Vẻ đẹp trong không gian diễn xướng 

Một vấn đề đặt ra cho các loại hình dân ca về sự lưu tồn hay tiêu biến, coi nặng hay đặt nhẹ chính là được sống trong môi trường diễn xướng nào? Dân ca vốn là những câu hát dân gian kết hợp giữa phần thơ (ca dao) với một điệu nhạc nhất định. Phần nội dung trọng yếu thể hiện tâm tư tình cảm của người dân nên phương thức thể hiện dân ca cũng không thể tách xa mảng sinh hoạt đời sống dân dã. Hình thức tồn tại đó chính là diễn xướng dân gian. Diễn xướng dân gian hoàn toàn khác với biểu diễn. Biểu diễn là phương cách trình bày các loại hình nghệ thuật du nhập từ phương Tây bao gồm những quy định về cách bài trí sân khấu, chỗ ngồi khán giả, chương trình biểu diễn… Còn diễn xướng chính do người Việt sáng tạo ra trong quá trình lao động nên phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống ở Việt Nam. “Xuất phát từ quan niệm cộng sinh, tư tưởng đoàn kết trọng tình của nền văn hóa gốc nông nghiệp, diễn xướng là sự liên kết, gắn bó tất cả mọi người tham gia, hình thành nên cộng đồng bền vững với ý thức cùng chung sống. Như vậy, diễn xướng mang tính nguyên hợp không phân tách, gồm hai thành tố cơ bản đặc hữu cùng tham gia theo dẫn giải:

- Diễn: Hành động xảy ra

- Xướng: Hát lên, ca lên.

Như vậy có thể hiểu diễn xướng là tổng thể các phương thức nghệ thuật, cùng thể hiện đồng nhất giữa ca hát và hành động của con người theo chiều thẩm mỹ”.

Diễn xướng cũng có thể hiểu “là một hình thức sinh hoạt văn nghệ của người dân sáng tạo ra trong quá trình lao động. Bằng lối: nói, kể, ví, vè, hát, hò, trò, múa, ca, vũ, lễ, nhạc, họa… để thể hiện tất cả tâm tư tình cảm buồn vui trong cuộc sống hàng ngày”. Bởi vậy có thể nói diễn xướng dân gian không chịu sự quy định khắt khe của một rào khuôn luật lệ nhất định. Nó được nhân dân biến tấu sao cho phù hợp và đáp ứng cao nhất nhu cầu thẩm mỹ của từng địa phương. Cùng là hát Ví nhưng Ví phường Vải khác Ví phường Cấy. Tương tự hò Nam Bộ cũng khác xa Hò Ví Giặm, Hò Sông Mã hay Hò Huế…Đấy chính là điểm thú vị, hấp dẫn riêng của từng loại hình diễn xướng dân gian Việt Nam.

Diễn xướng hò có cấu trúc không gian chia thành 2 lớp rõ rệt, một lớp gọi là xướng (cái xướng - do một người hát), lớp còn lại gọi là xô (con xô - do vài người hoặc cả một nhóm đồng thanh phụ họa đáp lại), tất cả được kết nối liên tục. Trong đó, lớp xướnglà phần lời ca - nội dung chính của điệu hò, thường lấy chất liệu từthơ lục bát và lục bát biến thể. Khi hò những câu thơ thường được phân ngắt thành nhiều dạng khác nhau tùy vào sở thích nghệ thuật vùng miền với phương pháp điệp từ, đảo từ và thêm những hư từ chen giữa. Tiếp đến là phần xô, tức đám đông hát phân đoạn phụ họa. Đây là những nét giai điệu định hình với những hư từ cố định, mang tính đặc trưng cho thể loại. 

Về mặt cấu trúc thời gian hò thường được chia làm 3 giai đoạn: Hò chào hỏi (hò đố) – Hò đối đáp xe kết (hò huê tình) – Hò tiễn (hò chia tay). Trong từng câu hò lại phân ra 3 phân đoạn: Mở đầu là hò lấy hơi (hò…ơ…đoạn này dài hay ngắn là do khả năng của từng người). Tiếp theo là hò lời chính ( trình bày nội dung vấn đề. Nếu lời văn dài có thể tự ý phân ngắt để nghỉ hơi…Sau đó khi hò tiếp thường người ta sẽ lặp lại một câu trước lúc nghỉ). Cuối cùng là giọng ngân (ngân dài theo âm của tiếng cuối nhưng dài hơn lúc nghỉ hơi)

Hò Nam Bộ nói riêng và hò nói chung thường rất phong phú về dạng thể. Xét theo địa hình hoạt động có hò trên cạn và hò sông nước. Xét về mặt số lượng người hò lại phân ra: hò lẻ, hò đối đáp, hội hò. Xét về mặt nội dung lại có hò văn, hò mép, hò truyện…

Vậy đâu là đặc trưng làm nên nét độc đáo riêng trong diễn xướng cho từng loại hò? Đó chính là không gian diễn xướng cụ thể của từng vùng miền, từng địa phương. Hò chỉ thực sự sống trong dạng tồn tại đó và cũng chỉ trong không gian diễn xướng của mình, hò mới bộc lộ hết vẻ đẹp và những tác động thẩm mỹ của nó.

Không gian diễn xướng của hò Ví Giặm gắn bó với đời sống người dân Nghệ Tĩnh trên mảnh đất Lam Hồng. Ở đây có 2 không gian diễn xướng chính là hò trên cạn và hò trên sông. Vì là vùng đất hẹp, khan hiếm tài nguyên lại thường xuyên phải đương đầu với khí hậu khắc nghiệt, thiên tai rình rập. Địa hình chủ yếu là đồi núi, người dân sinh sống tập trung tại các vùng đồng bằng nhỏ hẹp chạy dọc dòng sông Lam, sông La. Bởi vậy ở đây các thể hò trên cạn phát triển rất phong phú: Ví phường vải, Ví phường đan, Ví phường nón, Ví phường củi, Ví phường cấy, Ví phường gặt, Ví xay lúa, Ví làm bánh, Ví phường vàng, Ví phường đan, Ví trèo non, Ví đò đưa, Giặm ru, Giặm kể, Giặm khuyên…Còn hò trên sông có 4 loại: Ví đò đưa sông La; Ví đò đưa sông Lam; Ví đò đưa nước ngược; Ví đò đưa chuyển phường vải. 

Không gian diễn xướng của hò Nam Bộ lại hoàn toàn ngược lại. Cuộc sống người dân nơi đây gắn với vùng đồng bằng rộng lớn và một hệ thống sông ngòi, kênh rạch đặc kín nên rất phát triển các điệu hò trên sông nước. Ngoại trừ bộ phận các bài hò nghi lễ trong dịp lễ hội tại các địa phương không có điều kiện bàn sâu hơn ở đây, cả hò sinh hoạt lẫn hò đối đáp giữa 2 vùng đều có những khác biệt về hình thức diễn xướng rất rõ nét.

         Ở Nghệ Tĩnh thịnh hành hò trên cạn nên rất phát triển hình thức hò sinh hoạt. Ngay cả cái tên hát ví, hát giặm cũng nói lên cái gốc gác ấy. Ví Giặm được cất lên trong quá trình lao động, nhịp của hò trùng với nhịp của thao tác công việc. Người nông dân vừa quay sợi vừa hò; vừa giặt vừa hò; vừa hái củi vừa hò…Có thể nói các làng nghề, các hình thức lao động cụ thể ở Nghệ Tĩnh đều có phường hát của mình. Hình thức diễn xướng Ví Giặm giữa các phường nghề thường có những nét riêng biệt làm nên tính độc đáo ứng với phương thức sinh hoạt của nghề lao động chính. Tuy nhiên có thể nhận thấy một đặc điểm khác biệt khá rõ nét với hò Nam Bộ là bởi hò Ví Giặm gắn với môi trường sinh hoạt của người dân miền Trung. Ở đây các nghề chính thường gắn với núi đồi hoặc trung du như: phường củi, phường nón, phường cà kiu, phường vải, phường đan, phường võng, phường chè … Hơn nữa, những phường hát này lại gắn với những làng xóm nhất định, cụ thể, ổn định với bề dày lịch sử lâu đời: cày cấy, gặt hái, đào mương, chăn trâu (gắn với đồng quê); tung chài, kéo lưới (sông nước); hái củi, đốt than, kéo gỗ, bóc măng (núi non); quay tơ dệt vải, đan lát, chợ búa (làng xóm). Vì vậy không gian diễn xướng ở đây là không gian truyền thống, cố định với những đặc trưng nghề nghiệp trong từng làng xóm lâu đời đã tạo được giá trị truyền thống đặc trưng. 

Với đặc điểm địa hình sông nước kênh rạch chằng chịt, đời sống sinh hoạt của người dân Nam Bộ lại luôn gắn liền với môi trường sông nước. Bởi vậy không gian diễn xướng ở đây gắn với các đặc trưng lao động sông nước: hò giật chì, hò kéo chài, hò kéo lưới, hò mái nhì, hò mái đẩy, hò mái chè, hò mái nện, hò chèo đò, hò chèo thuyền…đặc biệt ở Nam Bộ rất thịnh hành điệu hò chèo ghe. Cũng tương tự như cách đặt tên các điệu Ví Giặm theo hình thức sinh hoạt như đã nói ở trên, người Nam Bộ cũng có các điệu hò gắn với các hình thức hoạt động của ghe: Ghe chở gạo, ghe chở cá, ghe bán buôn, ghe đi câu, ghe chở người đi làm thuê… đều trở thành ghe hò. Và hầu hết các địa phương của vùng đồng bằng sông Cửu Long đều có hò chèo ghe đặc biệt nhất là ở Minh Hải, Đồng Tháp, Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long. Hò chèo ghe có nhiều làn điệu gồm: hò mái một, hò mái ba, hò mái đoán (cụt) và hò mái trường(dài). Có thể thấy với các loại hò này thì không gian diễn xướng không thể cố định, bền lâu và cụ thể như ở hò Ví Giặm. Do đó tính chất kế thừa, bề dạy truyền thống, mức độ ổn định, cụ thể trong sinh hoạt hát hò cũng không thể được như ở Nghệ Tĩnh. Hoặc nữa, đối với hò sinh hoạt trên cạn ở Nam Bộ như: hò đạp lúa, hò cấy, hò lỉa trâu, hò giọng đồng, hò tát nước, hò nậu xăm…cũng chỉ là hò theo hình thức lao động đặc trưng của miền Nam, không gắn với các phường nghề, làng quê cụ thể, lâu đời như ở miền Trung. Do đó nó thiếu hẳn tính tổ chức so với Ví Giặm.

Điểm khác biệt thứ hai là không gian diễn xướng của hò đối đáp. Nhắc đến hò là người ta nghĩ ngay đến những cuộc hát đối đáp giữa các bên nam nữ trong quá trình lao động. Vừa là phương thức giao duyên vừa là để giảm thiểu sự nhọc nhằn trong lao động, hò đối đáp vì thế luôn là bộ phận phong phú và đi đầu trong mọi cuộc đàm đạo về hò. 

Không gian diễn xướng của hò đối đáp Ví Giặm có những đặc điểm khác hò Nam Bộ. Ở Nghệ Tĩnh, mỗi một làng quê, một phường hội là một địa chỉ hò, cụ thể và có tổ chức. Ví Giặm Nghệ Tĩnh được bắt nguồn một cách trực tiếp và diễn xướng trong chính môi trường lao động sản xuất của những thợ rừng, thợ gặt, thợ cấy, của những người chăn tằm, dệt vải; những người ngược nguồn xuôi bè trên sông Lam, sông La. Nếu không kể đến một bộ phận hò lẻ, hò ngẫu hững trong lúc lao động thì ở hò Ví Giặm, bên khách (bên nam) thường lần theo “tiếng lành đồn xa” tìm đến những phường, những làng có các cô gái hò giỏi để vấn danh, thi thố tài năng một cách có ý thức. 

Người…ơi… đồn đây có gái hát tài

Để ta đối địch một vài trống canh

Dẫu thua, dẫu được cũng đành

Bõ công đèn sách học hành bấy lâu

Đặc biệt, các cuộc hát đối đáp Ví Giặm thường có sự góp mặt của các nhà Nho (tương truyền các cụ: Phan Đăng Lưu, Phan Bội Châu, Nguyễn Du và cả Bác Hồ thời trai trẻ cũng đã từng rất say mê đi hát Ví Phường Vải). Đến nay ở các vùng quê Nghệ Tĩnh vẫn còn lưu truyền nhiều giai thoại về các cá nhân, các cuộc hò đối đáp nổi tiếng như: Nghệ sĩ Nguyễn Trung Phong (Diễn Châu – Nghệ An); O Nguyệt, O Nhẫn, Nghệ sĩ ưu tú Trần Đức Duy (ở Can Lộc – Hà Tĩnh); nghệ nhân Trần Phương (Anh Sơn – Nghệ An); cụ Nguyễn Thị Đồng (Thanh Chương – Nghệ An)… Hễ biết tin làng nào, phường nào có cô gái hò giỏi, đối đáp hay là dù cho xa xôi cách trở bằng mấy thì các chàng trai cũng phải lặn lội tìm tới so tài cho bằng được. Tức là trong các cuộc đối đáp này, đối tượng hò, thử tài, tìm hiểu thường đã được cụ thể, xác định rõ ràng. Điều này hoàn toàn trái ngược với hò đối đáp ở Nam Bộ.

Cùng là lối hát đối đáp giao duyên nhưng ở Nam Bộ không gian diễn xướng lại diễn ra trên các mặt sông, mặt kênh. Với địa hình sông nước thường xuyên phải di chuyển trên ghe thuyền, con người nơi đây ít để tâm đến vị trí cư trú theo kiểu “thuận theo con nước”. Vì vậy hò Nam Bộ chủ yếu là hò ngẫu hứng bao gồm cả hò lẻ và hò đối đáp. Thời điểm nên thơ nhất cho diễn xướng hò là khi chiều xuống hoặc trăng lên. Giữa mặt sông vắng lặng, một người tức cảnh sinh tình cất tiếng hò giãi bày tâm sự. Có hay không đối phương đáp/bắt là điều hoàn toàn tự nhiên và trùng khớp. 

Hò...ơ...ơ...Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi
Kẻo khúc sông này ơ...ơ... bờ bụi tối tăm.

Ngoại trừ điệu Hò Cấy là đối tượng hò có sự xác định trước. Tuy nhiên việc hình thành các vạn cấy lại mang tính mùa vụ và cũng rất ngẫu nhiên (tập hợp các thợ cấy ở nhiều nơi đến, không xác định được tên tuổi, quê quán. Khi vụ cấy kết thúc vạn cấy tự tan rã, ai về nhà nấy không còn bất kỳ mối quan hệ nào). Điều này cũng không khó lý giải theo phong cách phóng khoáng và phương thức sinh hoạt của người miền Tây.

Có thể thấy ở đây giá trị độc đáo riêng biệt của hò Nam Bộ chính là ở khả năng ứng biến, là sân chơi phóng khoáng để người dân Lục tỉnh thể hiện khả năng ngẫu hứng, ứng tác của mình. Qua đó họ có thể thỏa sức sáng tạo, đặt lời mới, góp phần làm giàu cho kho tàng dân ca địa phương ngày thêm phong phú, đa dạng. Từ lợi thế của hò là hình thức diễn xướng không cần sân khấu, nhạc đệm, phục trang hay kịch bản. Người lao động tùy hứng và khả năng của mỗi người để biến chế nên câu hò cho ứng với từng không gian, thời gian cụ thể. Cộng thêm cả tính chất sảng khoái trong tính cách con người miền Nam đã tạo ra một biểu trưng văn hóa đặc sắc rất đáng tự hào cho nền văn hóa Việt

3. Kết luận

Hò đã trở thành bộ phận chủ đạo trong kho tàng thơ ca trữ tình dân gian. Nó bắt nguồn từ cuộc sống người dân lao động, gắn bó mật thiết với đời sống sinh hoạt sản xuất của bà con từng địa phương. Người dân lao động hò mọi lúc mọi nơi: khi ru con, lúc buôn bán, khi làm đồng, khi chèo thuyền… và nội dung thể hiện, tình cảm gửi gắm trong từng câu hò cũng thật muôn hình vạn trạng. Khi lao động mệt mỏi; lúc đêm hôm cô quạnh có thể cất lên một tiếng hò vang vọng khắp mọi mặt sông hoặc nghe được một giọng hò đằng xa vọng lại, đó chính là cái thú vị của cuộc sống. Chính vậy mà hò đã trở thành một nhu cầu tinh thần hòa lẫn trong cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây đến mức khó phân định lằn ranh. Sinh ra cùng những câu hò, lớn lên, từng người một trở thành người “nghệ sĩ” dân gian giữa chính cuộc đời mình mà chẳng ai hay. Đây cũng là lý do hò có được đặc tính địa phương mà ít có loại hình nghệ thuật nào có được. Nói cách khác, hò vì thế có được một sức cuốn hút, cái duyên rất riêng để thu hút lòng người với những ai đã một lần được trải nghiệm.

Tuy nhiên cũng cần nhìn nhận lại một thực trạng đáng buồn cho sự phát triển  hò dân gian Việt Nam. Ngày nay, với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các phường nghề, các ghe xuồng đã bị công nghiệp hóa, hiện đại hóa đẩy lùi kéo theo sự mai một nếu không muốn nói là “cái chết cận kề” cho các loại hình diễn xướng dân gian. Bên cạnh đó, xu hướng phát triển thị hiếu thẩm mỹ văn học, âm nhạc của giới trẻ cũng có nhiều chuyển biến đáng báo động theo hướng xa dần những giá trị truyền thống. Do đó vấn đề đặt ra cần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tinh thần quý giá như diễn xướng hò dân gian là điều hết sức quan thiết rất cần được lưu tâm. Ngày 27/11/2014 Việt Nam nói chung, nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng đón nhận niềm vui lớn khi dân ca Ví Giặm được UNESCO công nhận trở thành di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thiết nghĩ hò Nam Bộ cũng cần có sự quan tâm xứng tầm, khẳng định giá trị vốn có để sớm được cả nhân loại tri nhận, giữ gìn. Muốn vậy, trước hết rất cần sự chung tay gìn giữ và phát triển của tất cả cộng đồng Việt Nam chung. Trong đó đặc biệt nhấn mạnh vai trò tiên phong của ngành giáo dục trong việc truyền tải niềm yêu thích, tinh thần tự hào cho lớp trẻ về những giá trị văn hóa truyền thống. Việc này không phải chuyện dễ và cũng vượt quá phạm vi bài viết này. Tuy nhiên vẫn tin tưởng rằng trong một bài viết gần nhất chúng tôi sẽ tiếp tục để cập đến các giải pháp để lưu tồn và phát triển các loại hình diễn xướng dân gian nói chung và hò nói riêng để tiếp tục góp phần vào việc phát triển văn hóa Việt Nam ta.

Tài liệu tham khảo

1.Bảo Định Giang (chủ biên) (1984), Ca dao – dân ca Nam Bộ, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

2. Nguyễn Văn Hầu (2012), Văn học miền Nam Lục tỉnh - Tập 1, Nxb. Trẻ, TP.Hồ Chí Minh.

3. Đào Việt Hưng (1998), Hát Ví Nghệ Tĩnh, Nxb. Âm nhạc, Hà Nội.

4. Đinh Gia Khánh (chủ biên) (1998), Văn học dân gian Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội.

5. Xuân Khải (2001), Dân ca Việt Nam, Nxb. Thanh niên, Hà Nội.

6. Vũ Ngọc Phan (2003), Tục ngữ - Ca dao – Dân ca Việt Nam, Nxb. Văn học, Hà Nội.

7. Vũ Thái (biên soạn) (2015), Văn hóa làng Việt Nam – diễn xướng dân gian, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

7. Nguyễn Phương Thảo (1997), Văn hóa dân gian Nam Bộ, Nxb. Giáo dục

8. Bùi Đức Tịnh (2004), Từ điển Tiếng Việt, Nxb. Văn hóa thông tin, Hà Nội.

9. Lư Nhất Vũ – Lê Giang (1983),Tìm hiểu dân ca Nam Bộ, Nxb. TP. Hồ Chí Minh.

10. Hoàng Phê (chủ biên) (1992), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển ngôn ngữ Hà Nội Việt Nam xuất bản, tr.444.

11. http://text.123doc.org/document/2591129-dien-xuong-van-hoc-dan-gian-nghien-cuu-truong-hop-hat-do-quoc-oai-ha-noi.htm, ngày truy cập: 12-8-2020

 

 
Khoa Khoa học XH&NV