Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  10/12/2020 08:45        

Đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống trong các cơ sở giáo dục Đại học nhằm đảm bảo giáo dục toàn diện cho người học

Tóm tắt: 

Giáo dục đạo đức, lôi sống cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học là một nhiệm vụ rất quan trọng nhằm đảm bảo giáo dục toàn diện cho người học. Bởi bên cạnhnhững tấm gương sinh viên tiêu biểu về ý thức, kết quả học tập, rèn luyện và những đóng góp hữu ích cho cộng đồng, vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viênbộc lộ những lỗ hổng, lệch lạc về đạo đức,lối sống. Bài viết đề xuất một số giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh vên trong các cơ sở giáo dục đại học.

1. Đặt vấn đề

Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã đề ra mục tiêu đối với giáo dục đại học là: “Tập trung đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất và năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học. Hoàn thiện mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học, cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo phù hợp với quy hoạch phát triển nhân lực quốc gia; trong đó, có một số trường và ngành đào tạo ngang tầm khu vực và quốc tế. Đa dạng hóa các cơ sở đào tạo phù hợp với nhu cầu phát triển công nghệ và các lĩnh vực, ngành nghề; yêu cầu xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế”.

Mục tiêu này đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học không chỉ đào tạo người học thành những người có kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp mà còn phải giáo dục họ là những người có lập trường tư tưởng chính trị vững vàng, có đạo đức lối sống trong sáng, lành mạnh, có lòng yêu nước, có trách nhiệm nghề nghiệp và ý thức sáng tạo, cống hiến.

Sinh viên là chủ nhân tương lai của đất nước, có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển bền vững của quốc gia. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, bên cạnh những tấm gương sinh viên tiêu biểu về ý thức, kết quả học tập, rèn luyện và những đóng góp hữu ích cho cộng đồng, vẫn còn một bộ phận không nhỏ sinh viên rất thụ động trong quá trình học tập, sa đà vào các tệ nạn xã hội, có thái độ bàng quan với cuộc sống xunh quanh…

Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu về đào tạo nguồn lao động chất lượng cao trong giai đoạn công nghiệp hoá, hiện đại hoá, các cơ sở giáo dục đại học không chỉ dạy chữ, rèn nghề mà còn phải chú ý dạy người, tức là, cần tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên. Các trường phải đặt việc giáo dục đạo đức, lối sống cho người học song song với việc đào tạo, cung cấp tri thức và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp cho họ.

2. Nội dung

2.1. Khái lượcvề đạo đức, lối sống và giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên

Đạo đức là một hình thái ý thức xã hội, xuất hiện tương đối sớm và có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của xã hội. Đạo đức được hiểu “Là hệ thống các quy tắc, chuẩn mực xã hội mà nhờ đó con người tự giác điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, của xã hội” [2].

Theo Phạm Hồng Tung: “Lối sống bao gồm tất cả những hoạt động sống và phương thức tiến hành các hoạt động sống được một bộ phận lớn hoặc toàn thể nhóm hay cộng đồng người chấp nhận và thực hành trong một khoảng thời gian tương đối ổn định, đặt trong mối tương tác biện chứng của các điều kiện sống hiện hữu và trong các mối liên hệ lịch sử của chúng” [3]. Như vậy, lối sống là một thói quen có định hướng, là phương cách thể hiện tổng hợp tất cả các cấu trúc, nền văn hóa, đặc trưng văn hóa của con người hay cộng đồng. 

Giáo dục đạo đức, lối sốnglà quá trình biến các chuẩn mực đạo đức, lối sống từ những đòi hỏi bên ngoài của xã hội thành những đòi hỏi bên trong của mỗi cá nhân thành niềm tin, nhu cầu, thói quen của người được giáo dục. Giáo dục đạo đức, lối sống bao gồm giáo dục thế giới quan, nhân sinh quan, giáo dục tư tưởng chính trị và giáo dục các phẩm chất đạo đức cao đẹp của con người cho người học.

2.2. Những lỗ hổng, lệch lạc về đạo đức, lối sống của sinh viên hiện nay 

             Đất nước ta chuyển sang nền kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã tạo ra nhiều hệ giá trị mới. Nhưng cũng từ đây, cuộc đấu tranh giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa lối sống lành mạnh trung thực, có lý tưởng với lối sống ích kỉ, thực dụng đang diễn ra hàng ngày. Bên cạnh những hệ giá trị mới được hình thành thì những biểu hiện tiêu cực cũng đang xâm nhập vào đạo đức, lối sống của nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ sinh viên. Sau đây là một số biểu hiện lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ sinh viên hiện nay:

            - Sinh viên không tự tin vào năng lực, trình độ của mình, cho rằng mình không có khả năng tự học, khả năng nghiên cứu nên không thực sự hứng thú trong học tập. Vì vậy, trong các giờ lên lớp, những sinh viên này rất thụ động, không tập trung nghe giáo viên giảng bài, không tham gia các hoạt động nhóm, không đưa ra các ý kiến đóng góp vào hoạt động học tập.

            - Sinh viên sống ích kỷ, coi trọng đời sống vật chất, có thái độ thờ ơ, vô cảm. Sự phát triển của xã hội, công nghệ, kinh tế đã tạo nên một môi trường sống và học tập đảm bảo và đầy đủ cho các thế hệ học sinh, sinh viên. Tuy nhiên, mặt trái của nó là khiến cho thế hệ trẻ tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất, thiếu ý thức rèn luyện, không dám đấu tranh với cái sai, sống thờ ơ vô cảm với gia đình và những người xung quanh. 

- Sinh viên sống bê tha, buông thả, đua đòi, hoặc chìm đắm trong thế giới ảo.Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập diễn ra với tốc độ nhanh, phạm vi rộng tác động mạnh vào đời sống xã hội. Những luồng văn hóa, những giá trị khác lạ, trong đó, có những văn hóa đi ngược với thuần phong, mỹ tục của dân tộc cũng đã tràn vào và tác động không nhỏ đến lối sống của sinh viên. Rất nhiều sinh viên do lập trường tư tưởng không vững vàng, ý thức, bản lĩnh kém đã bị cuốn vào các trào lưu không tích cực như hát đồng dao xuyên tạc, chụp ảnh quái đản, chụp ảnh khoả thân… Bên cạnh đó, tình trạngsinh viên cólối “sống thử”và quan hệ tình dục trước hôn nhân ngày càng tăng. Tình trạng nàykhông chỉ ảnh hưởng của văn hóa phương tây mà còn do lối sống dễ dãi, buông thả, coi thường chuẩn mực đạo đức văn hoá dân tộc của một bộ phận sinh viên.

            - Sinh viên sa vào các tệ nạn xã hội. Những năm gần đây, theo thống kê, phản ánh của các cơ quan chức năng cũng như các phương tiện thông tin đại chúng, tình trạng sinh viên sa vào các tệ nạn xã hội ngày càng gia tăng. Đó là trình trạng sinh viên nghiện game, nhậu nhẹt, đánh bạc, chơi lô đề, nghiên ma túy… Có thể nói, các tệ ngày càng ăn sâu trong giới sinh viên và trở thành vấn nạn của xã hội. Đây là tiếng chuông báo động khẩn cấp tới gia đình, nhà trường và xã hội về việc cần có biện pháp cụ thể để ngăn chặn.

            - Sinh viên vi phạm pháp luật, trở thành tội phạm. Từ chỗ sa vào các tệ nạn xã hội, nhiều sinh viên đã trở thành bị cáo đứng trước vành móng ngựa. Nhiều vụ án trộm cướp, giết người do sinh viên gây ra là do bị ảnh hưởng từ những hình ảnh không lành mạnh của game. Có sinh viên không những nghiện ma tuý mà còn tham gia buôn bán ma tuý nên đã bị truy tố trước pháp luật. Nhiều vụ án sinh viên đâm giết người yêu do mâu thuẫn tình cảm, ghen tuông…

            - Sinh viên thiếu hiểu biết, nhận thức kém nên có những biểu hiện lệch lạc về thái độ chính trị.Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập dẫn đến sự xâm nhập của văn hoá ngoại lai đã khiến một bộ phận sinh viên mờ nhạt về lý tưởng, nhận thức chính trị kém, có những biểu hiện lệch lạc về đạo đức lối sống. Vì vậy, họ đã bị các tử phần xấu, phản động rủ rê, lôi kéo tham gia vào các diễn đàn trái phép, hội nhóm trái pháp luật, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước. Rất nhiều sinh viên bị một số tổ chức hoạt động tín ngưỡng trái phép như Hội thánh của Đức chúa trời, Pháp luân công… lôi kéo, dụ dỗ tham gia.

2.3. Một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên hiện nay

Rõ ràng những lỗ hổng, lệch lạc về đạo đức, lối sống của một bộ phân sinh viên hiện nay rất đáng báo động, đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên. Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi xin đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên hiện nay như sau:

Một là, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, nhân văn, trong đó mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng về đạo đức.

Môi trường giáo dục là một trong những yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến việc giáo dục hành vi đạo đức cho sinh viên. Môi trường giáo dục ở đây không chỉ là môi trường vật chất, môi trường thiên nhiên mà còn là môi trường tâm lý - xã hội. Nó thể hiện trong mối quan hệ thân thiện, tích cực giữa cán bộ, giáo viên với nhau, giữa người quản lý và nhân viên, giữa giáo viên với giáo viên, sinh viên với sinh viên. Và trong môi trường giáo dục đó, mỗi người giáo viên phải là tấm gương về lòng yêu nghề, tinh thần trách nhiệm, nhiệt huyết, say mê nghiên cứu và thái độ quan tâm tới sinh viên, đồng nghiệp và cộng đồng. Những bài học đạo đức chỉ thực sự có giá trị, có tính thuyết phục khi người thuyết giảng bài học đó là tấm gương mẫu mực. Người thầy, ngoài việc truyền đạt tri thức còn phải khơi gợi, truyền cảm hứng cho sinh viên về tinh thần, ý thức, niềm say mê học tập, nghiên cứu; đồng thời, phải định hướng và kịp thời uốn nắn hành vi, thái độ của sinh viên, tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống và tiếp thu một cách có chọn lọc những giá trị văn hóa mới.

Hai là, xây dựng, điều chỉnh chương trình đào tạo, đề cương chi tiết môn học theo hướng tích hợp, lồng ghép trong một số môn học nội dung giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên.

Các chương trình đào tạo của các trường đại học, cao đẳng được thiết kế, xây dựng theo hướng tăng cường rèn luyện kỹ năng nghề cho người học. Tuy nhiên để giáo dục toàn diện cho sinh viên, các trường cần có sự tích hợp nội dung về giáo dục đạo đức, lối sống trong một số môn học phù hợp. Mặt khác, phải đa dạng hoá hình thức, phương pháp dạy học để tạo cảm hứng tiếp thu tri thức chuyên môn và tiếp nhận những nội dung giáo dục về đạo đức, lối sống cho sinh viên.

Ba là, phát huy vai trò tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của sinh viên

            Giáo dục, phát huy vai trò tự học tập, tự tu dưỡng đạo đức, lối sống là biện pháp quan trọng giúp sinh viên tiến bộ và trưởng thành. Quá trình tự tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống sẽ hình thành ở sinh viên nhu cầu, động cơ phấn đấu, rèn luyện đúng đắn, có ý thức làm chủ, ham học hỏi, vươn lên tự khẳng định mình.

Các cơ sở giáo dục đại học cần chú trọng tạo dựng môi trường lành mạnh, thân thiện để sinh viên nhận thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, từ đó các em sẽ tự rèn luyện, tu dưỡng và học tập, hướng đên việc hình thành và phát triển những phẩm chất sống yêu thương, có trách nhiệm, khát khao sáng tạo, khát khao cống hiến.

Bốn là, phát huy vai của các tổ chức, đoàn thể thuộc nhà trường trong việc giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho sinh viên.

Các tổ chức, đoàn thể như Đoàn Thanh viên, Hội sinh viên, các Câu lạc bộ…đóng vai trò rất quan trọng trong việc giáo dục đạo đức và rèn luyện kỹ năng sống cho sinh viên. Các hoạt động như văn nghệ, thể thao, thiện nguyện và một số cuộc thi khác do các tổ chức, đoàn thể tổ chức với hình thức phong phú, đa dạng, thu hút sinh viên tham gia, giúp sinh viên tiếp cận các chủ trương, đường lối của Đảng và nhà nước; tiếp cận những tri thức mới; vun đắp lý tưởng sống; hình thành và hoàn thiện các kỹ năng sống cần thiết.

Năm là, giáo dục đạo đức cho sinh viên bằng cách nêu gương.

Để sinh viên không ngừng rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và phát triển năng lực bản thân, một mặt nhà trường phải quan tâm, tạo môi trường học tập, rèn luyện tích cực, mặt khác cần thường xuyên biểu dương những tấm gương sinh viên tiêu biểu trong học tập, nghiên cứu và thái độ, trách nhiệm đối với cộng đồng. Bởi sự ảnh hưởng, lây lan từ những tấm gương người tốt, việc tốt đối với sinh viên là rất quan trọng. Những thành tích học tập, rèn luyện tốt của sinh viên này sẽ là động lực để sinh viên khác phấn đấu.

Sáu là, coi trọng và phát huy mối quan hệ phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đinh và xã hội trong việc hình thành, giáo dục nhân cách và xây dựng lí tưởng sống cho sinh viên.

Gia đình là cái nôi văn hoá hình thành và nuôi dưỡng đạo đức cho sinh viên. Bởi gia đình là nơi lưu truyền các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của dân tộc như tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu thương đồng loại, tình cảm gia đình. Những giá trị đạo đức tốt đẹp đó sẽ nuôi dưỡng, hun đúc những tình cảm cao đẹp cho các thế hệ con cháu.

Xã hội văn minh cũng là môi trường tốt cho sinh viên phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành. Bởi vậy, rất cần ý thức trách nhiệm của các cá nhân, các cơ quan, tổ chức, đoàn thể trong việc xây dựng môi trường thân thiện, nhân văn để sinh viên rèn luyện và phát huy lý tưởng sống trong sáng, cao đẹp.

Vì vậy, ngoài việc dạy chữ, luyện nghề cho người học, các trường cần phải chú trọng việc đề cao trách nhiệm của gia đình, xã hội và sự phối hợp chặt chẽ với nhà trường trong giáo dục sinh viên.

3. Kết luận

Tóm lại, thực trạng một bộ phận sinh viên đang có những biểu hiện lệch chuẩn đạo đức về lý tưởng sống, ý thức, thái độ học tập, nghiên cứu, lối sống sa đà, vi phạm phạm pháp luật… đòi hỏi các cơ sở giáo dục đại học phải tăng cường công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên phải được triển khai theo nhiều phương thức khác nhau nhằm giúp sinh viên hình thành, vun đắp lý tưởng sống cao đẹp, có thái độ sống tích cực, không ngừng học tập, nghiên cứu, sáng tạo và có những đóng góp hữu ích cho cộng đồng./.

Th.S Chu Thị Lộc An 

Trường Đại học Khánh Hoà

Tài liệu tham khảo:

[1]Nghị quyết số 29-NQ/TW năm 2013 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế

 [2] Mai Văn Bính (Chủ biên), Lê Thanh Hà, Nguyễn Thị Thanh Mai, Lưu Thu Thủy. Giáo dục công dân 10, NXB Giáo dục Việt Nam (2014)

[3] Phạm Hồng Tung, Nghiên cứu về lối sống: một số vấn đề về khái niệm và cách tiếp cận. Tạp chí Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội, Khoa học Xã hội và Nhân văn số 23 (2007)

 [4] https://www.vnu.edu.vn

 

 

 

 
Khoa Khoa học XH&NV