Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  15/12/2020 16:48        

Trích dẫn nguồn tin - Một giải pháp cho vấn nạn tin giả

TRÍCH DẪN NGUỒN TIN – MỘT GIẢI PHÁP CHO VẤN NẠN TIN GIẢ

 

1. GIỚI THIỆU CHUNG

         Trong thời đại ngày nay, thông tin trở thành nguồn lực của sự phát triển xã hội. Trong xã hội ấy, mọi ranh giới lãnh thổ gần như không còn ý nghĩa, thế giới trở nên “phẳng” và chỉ còn lại thông tin. Ở đó công việc truyền đưa tin không còn là sứ mệnh riêng của các nhà báo, nhà truyền thông mà trở thành hoạt động thường xuyên của mọi người dân. Hiện trạng này xóa nhòa mọi khoảng cách trong cuộc sống, con người xích lại gần nhau hơn và đời sống trở nên tiện ích hơn. Tuy nhiên vạn vật luôn có hai mặt của vấn đề. Khi công việc thông tin trở nên quá dễ dàng và phổ biến ắt sẽ dẫn đến tình trạng không kiểm soát và nhiễu thông tin. Điều này giải thích cho nguồn gốc dẫn tới vấn nạn “tin giả” đang ngày càng nghiêm trọng trên thực tế. Bởi lẽ khi mỗi người trong xã hội đều có thể trở thành người “làm tin” đồng thời cũng là người tiếp nhận thông tin một cách trực tiếp không qua kiểm duyệt thì tình trạng không phân định được mức độ thật – giả; xấu tốt là điều dễ hiểu. 

         Đứng trước thực trạng đó, những người làm báo chí, truyền thông chân chính cần vững vàng và tử tế hơn bao giờ hết. Lúc này các nhà báo cũng vừa là nguồn cung cấp tin nhưng cũng vừa là người thu nhận thông tin nên họ rất cần quyền bảo vệ nguồn tin. Vì lẽ đó, cuối năm 2016, Hội Nhà báo Việt Nam công bố 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo. Quy định này thực sự đã trở thành những quy tắc, chuẩn mực, kim chỉ nam cho thái độ và hành vi ứng xử của nhà báo trong các mối quan hệ nghề nghiệp cần thiết ở thời đại nay. Cụ thể tại điều 3 nêu rõ: nhà báo cần “Hành nghề trung thực, khách quan, công tâm, không vụ lợi. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không làm sai lệch, xuyên tạc, che giấu sự thật, gây chia rẽ, kích động xã hội, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tình đoàn kết, hữu nghị giữa các quốc gia, dân tộc”.

         Mặt khác có thể nói trong mọi hoàn cảnh thách thức và cơ hội luôn hiện hữu song hành. Tình trạng “hỗn chiến” thông tin tạo thành một cục diện “bấn loạn tin giả” gây nhiều khó khăn cả về chạy đua thời gian lẫn chất lượng nguồn tin cho người làm báo. Tuy nhiên đây cũng là cơ hội cho các nhà báo khẳng định vị thế và bản lĩnh của mình khi nhu cầu được tiếp nhận nguồn tin uy tín, chính xác và có kiểm chứng ở người dân đang ngày một cấp thiết. Bởi vì giữa bao la nguồn tin thật – giả lẫn lộn, người tiếp nhận vẫn mong muốn có được một nguồn tin đáng tin cậy từ những nhà báo có lương tâm và trách nhiệm. Muốn vậy những người làm báo hôm nay cần giữ vững “ngòi bút”, không cho phép bản thân cẩu thả, không dễ dàng thỏa hiệp với lợi ích…đặc biệt là cần nói không với tin giả. Để xứng đáng là “chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, tư tưởng”, nhà báo cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp hữu hiệu khác nhau phù hợp với vị trí và vài trò của bản thân. Trong đó thiết nghĩ kỹ năng trích dẫn nguồn tin là một giải pháp không thể thiếu trên mặt trận chống lại vấn nạn tin giả ngày nay. Đó cũng là nội dung chính bài viết này muốn hướng tới. Mong rằng qua bài viết này có thể góp thêm một tiếng nói vào công cuộc bài trừ tin giả nói chung. Qua đó góp phần khẳng định vai trò, vị thế và giá trị chân chính của báo chí, truyền thông trong cuộc sống. Góp phần củng cố và xác lập niềm tin của công chúng vào nguồn tin của báo chí, truyền thông nói riêng và đội ngũ làm báo nói chung. 

2. NỘI DUNG 

2.1. Về vấn nạn tin giả hiện nay

Theo nguồn wikipedia.org truy cập 15h30 ngày 28/8/2020, “Tin giả (tiếng Anh: fake news), còn được gọi là tin rác hoặc tin tức giả mạo, là một loại hình báo chí hoặc tuyên truyền bao gồm các thông tin cố ý hoặc trò lừa bịp lan truyền qua phương tiện truyền thông, tin tức truyền thống (in và phát sóng) hoặc phương tiện truyền thông xã hội trực tuyến”. Hiểu theo nghĩa thông thường, tin giả là những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng, kiểm duyệt, xuất hiện sai lệch về nội dung được lan truyền trên Internet và các phương tiện truyền thông. 

Trên thực tế, trong quá trình thông tin không thể nào có được sự chính xác tuyệt đối. Tình trạng thông tin sai lệch dù là cố tình hay vô ý vẫn luôn xảy ra xưa nay trong đời sống. Tuy nhiên trong những năm gần đây, với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và sự lên ngôi của mạng internet khiến Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung đang phải đối diện với tình trạng tràn lan tin giả, hỗn loạn tin giả hay còn gọi là vấn nạn tin giả một cách khó kiểm soát. Việt Nam là một đất nước tự do dân chủ. Ở đó người dân chúng ta được đảm bảo các quyền tự do cơ bản của con người, trong đó có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tiếp cận thông tin, tự do internet nói chung và mạng xã hội nói riêng. Thông qua các phương tiện truyền thông, mạng xã hội, người dân được bày tỏ chính kiến, tổ chức các diễn đàn thảo luận, phản biện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, gửi các góp ý, kiến nghị đến các cơ quan chức năng nếu có. Chính vì vậy số lượng và tốc độ người dân hội nhập, sử dụng internet ở Việt Nam đang không ngừng tăng cao trong những năm gần đây. “Theo số liệu thống kê sơ bộ, hiện có 68,17 triệu người đang sử dụng dịch vụ internet tại Việt Nam vào tháng 1/2020. Trong đó, tổng số người sử dụng các dịch vụ có liên quan tới internet tại Việt Nam đã chính thức tăng khoảng 6,2 triệu kể từ năm 2019 tính đến năm 2020. Đã có 65 triệu người Việt hiện đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội để giải trí, liên hệ bạn bè, chia sẻ khoảnh khắc, mẹo vặt cuộc sống và kể cả quảng cáo bán hàng”(12).Thực trạng này cho thấy vai trò và lợi ích vô cùng to lớn của internet đối với sự phát triển đất nước. Tuy nhiên nó cũng là vấn đề chính trong việc đưa ra thử thách lớn cho xã hội khi:“Theo thống kê của Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho thấy, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, trên không gian mạng Việt Nam đã có hơn 900.000 thông tin liên quan đến tình hình dịch bệnh. Theo Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, chỉ hơn hai tháng, công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đã xác minh, làm việc với gần 700 trường hợp đưa tin sai sự thật; đã có hơn 300 đối tượng trong nước tung tin giả về dịch Covid-19 trên không gian mạng bị cơ quan chức năng xử lý”. Hoặc“theo nghiên cứu gần đây của Viện Nghiên cứu Báo chí Reuters dựa trên 225 thông tin sai lệch liên quan đến dịch Covid-19, có đến 88% lượng thông tin trên xuất hiện ở các nền tảng mạng xã hội, trong khi con số này chỉ là 9% đối với truyền hình và 8% trên báo chí”(9). Có nghĩa là tin giả trên không gian mạng đang trở thành vấn đề rất phức tạp hiện nay.

Về tác hại của tin giả tin rằng không cần bàn luận thêm. Nó có thể gây ra những hệ quả nghiêm trọng về mọi mặt đời sống xã hội, chính trị; ảnh hưởng xấu đến đạo đức, lối sống, nhân cách của cá nhân, cộng đồng và văn hóa dân tộc cũng như thái độ, suy nghĩ và quyết định của người dân với các vấn đề của đất nước; Nó làm suy giảm niềm tin của công chúng vào truyền thông chân chính nói chung và báo chí nói riêng…Nhưng do đâu mà vấn nạn này ngày càng nghiêm trọng và trở thành vấn đề nhức nhối của xã hội thì nhất định cần nghiêm túc xem xét. Trước tiên cần thừa nhận một trong những nguyên nhân xuất phát từ việc thiếu trách nhiệm, thiếu chặt chẽ thậm chí là bỏ ngỏ quy trình xác minh thông tin của một số báo đài. Hơn nữa trước sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, báo chí truyền thông bị cuốn vào “cuộc đua” thông tin nên tình trạng nhà báo mải chạy đua về thời gian mà không kịp xác minh nguồn tin hoàn toàn dễ hiểu. Ngày nay, chỉ cần một thiết bị truyền thông nhỏ gọn và phổ biến như smat phone là mọi người dân đều có thể “làm tin” mọi nơi, mọi lúc, mọi hoàn cảnh (trực tiếp và không cần kiểm duyệt). Điều này gần như “hạ nock out” những người làm báo (phải qua kiểm duyệt) về mặt chạy đua thời gian. Do đó “muốn nhanh phải ẩu”, để trở thành đơn vị đầu tiên đưa tin về một sự kiện thì tình trạng “lọt lưới” những thông tin thiếu chính xác (tin giả) là hoàn toàn dễ hiểu. Một nguyên nhân nữa đến từ việc có nhiều phóng viên, nhà báo thiếu trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Không chịu lăn xả đi săn tin, họ ỷ vào những thông tin trôi nổi trên internet và mạng xã hội hoặc tin bài của đồng nghiệp, từ đó xào xáo, thêm bớt thành tác phẩm của mình vì vậy thông tin tất nhiên sẽ thiếu chính xác và trung thực. 

Mặt khác phần lớn thông tin sai lệch, tin giả hiện nay có nguồn gốc từ những người dân thường, những người không chịu sự quản lý của bất kỳ cơ quan báo chí, truyền thông chuyên nghiệp nào. Lợi dụng quyền tự do ngôn luận và tự do thông tin, đặc biệt là sự phổ biến và gần như miễn phí trong việc đăng tin từ các mạng xã hội và internet khiến mỗi người dân đều rất “hứng thú” và “nhiệt tình” trong việc đưa tin. Thậm chí có người còn cố tình bịa đặt, xuyên tạc những thông tin “giật gân” để tạo sự chú ý từ cộng đồng. Trong khi đó các cơ quan pháp luật và bộ phận an ninh mạng vẫn chưa thật sự có các chế tài hữu hiệu để kiểm soát tình trạng đưa tin giả, tạo tin giả hiện nay. Chưa kể việc lợi dụng mạng xã hội, internet của các thế lực thù địch nhằm chống phá Đảng và Nhà nước ta. Tất cả những nguyên nhân trên dẫn tới “vấn nạn tin giả” đang ngày càng nhức nhối, đòi hỏi sự nỗ lực của mọi thành phần xã hội, các cơ quan chức năng có thẩm quyền và đội ngũ nhà báo, truyền thông trong việc chung tay đẩy lùi vấn nạn này. 

2.2. Vai trò của trích dẫn nguồn tin

Đứng trước những tác hại to lớn của vấn nạn tin giả, dựa trên quá trình xác định các nguyên nhân để đưa ra những giải pháp hữu hiệu đẩy lùi vấn nạn là hết sức quan thiết. Trong đó chú trọng công tác trích dẫn nguồn tin được coi là một giải pháp tốt cho vấn đề đặt ra. 

Theo Từ điển Thuật ngữ báo chí – truyền thông: “Nguồn tin (Tiếng Anh: information source) là điểm xuất phát của thông tin. Nếu không được trực tiếp chứng kiến sự kiện, nhưng lại phải thông tin về sự kiện, nhà báo buộc phải tìm nguồn cung cấp tin tức từ những nhân chứng, những chuyên gia, những nhà quản lý, những người có quan hệ với sự kiện hoặc các cơ quan phát ngôn chính thức, cũng như các hãng thông tấn, các tổ chức báo chí truyền thông đồng nghiệp…Nguồn tin có thể được khai thác thẳng từ các tài liệu viết tay, băng ghi hình, ghi âm có tính thời sự, cũng có thể từ các tài liệu lưu trữ. Khái niệm nguồn bao hàm chủ thể cung cấp tin tức (nhân chứng, người hữu trách), tài liệu (thời sự hoặc lưu trữ) và thông tin của các cơ quan thông tấn, báo chí” (7). 

Nguồn tin đối với những người làm báo giữmộtvai trò quan trọng, là linh hồn của tác phẩm báo chí. Nguồn tin chính xác sẽ đem đến cho các nhà báo những thông tin có giá trị, hữu ích với xã hội. Ngược lại, nếu nguồn tin sailệchsẽ dẫn đến một bản tin không chính xác, một bài viết sai sự thật. Trên thực tế, khoảng cách giữa đúng và saithông tintrong một số sự kiện là hết sứcmong manh. Trong những trường hợp đó, sự thận trọng để kiểm chứng nguồn tin là điều các nhà báo cần làm, là “chiếc vé đảm bảo” cho chất lượng tin bài, cho uy tín, năng lực và phẩm chất của mỗi người làm báo chân chính. 

Nguồn tin ngày nay của báo chí không chỉ dừng ở thông tin mang tính phổ biến từ trên xuống, mà còn thông tin phản hồi từ đời sống thường ngày vọng lên. Nguồn tin có thể từ thế giới thực mà cũng có thể từ thế giới ảo. Thông tin đa chiều của sự việc, nhu cầu đa dạng của công chúng khiến mối quan hệ nhà báo với nguồn tin cũng đổi thay đáng kể.Mối quan hệ nhà báo với nguồn tin có thể ví như mối quan hệ cá - nước. Không có thông tin hữu ích cho công chúng thì không có lý do để báo chí truyền thông tồn tại. Khó khăn lớn nhất với nhà báo là tìm kiếm đề tài. Mà cốt lõi của đề tài báo chí nói chung là thông tin mới, được đông đảo công chúng quan tâm. Có được nguồn tin mới, hay, độc đáo, liên quan đến lợi ích của nhiều người, có tầm ảnh hưởng lớn là yếu tố quyết định giá trị tin bài. Ngược lại, nguồn tin phải đến với nhà báo, được họ thẩm định, rồi truyền qua các phương tiện thông tin đại chúng mới được phổ biến, lan tỏa rộng rãi.

Mối quan hệ giữa những người làm báo và công chúng tiếp nhận được tạo lập trên cơ sở lòng tin, trong đó tính minh bạch mang một vị trí hết sức to lớn. Tính minh bạch của thông tin lại được củng cố phần lớn từ việc trích dẫn cụ thể và rõ ràng nguồn tin. Bởi trong mối quan hệ giữa người làm tin và người tiếp nhận tin thì công chúng có quyền được biết thông tin của bài báo mình tiếp nhận được lấy từ đâu. Còn người làm báo lại có trách nhiệm cung cấp và đi đến cùng của sự thật, phải thông tin một cách khách quan, trung thực, không thiên vị và không bị chi phối bởi các lợi ích nhóm cũng như lợi ích bên ngoài hay bất cứ một áp lực hoặc thế lực nào. Tuy nhiên để đảm bảo việc đưa thông tin ra công luận một cách khách quan trung thực, tôn trọng sự thật là một việc không dễ dàng đối với các nhà báo. Bởi thực tế, công việc vất vả nhọc nhằn nhất của nhà báo chính là việc tìm kiếm và xử lý thông tin. Nắm được đầu mối thông tin cũng như ngư dân tìm được luồng cá giữa đại dương mênh mông. Có bột mới gột nên hồ, các kỹ năng, thủ pháp thể hiện chỉ hay khi bản thân câu chuyện đó hay. Để luôn tìm được tình tiết hay, câu chuyện mới, đề tài ý nghĩa, nói cách khác là phát hiện được vấn đề mà đông đảo nhân dân quan tâm, vì lợi ích thiết thân của công chúng, nhà báo phải dấn thân; phải trở thành những “chiếc ăng-ten” nhạy cảm với những rung động thầm kín nhất trong mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. Để xác định sự thật của thông tin, nhà báo phải tham gia vào quá trình tự điều tra, tự học tập để nâng tầm hiểu biết về lĩnh vực mình theo dõi nhằm gỡ bỏ các tín hiệu nhiễu lẫn trong thông tin. Bởi không phải nguồn cấp thông tin nào cũng chính xác, nhất là những thông tin mang tính tố cáo có khi sai sự thật hoặc bị trộn lẫn thông tin đúng, sai nhằm phục vụ cho một mục đích cá nhân nào đó.

Mỗi một cá nhân, một cơ quan làm báo khác nhau sẽ có những chính sách khác nhau trong việc dẫn nguồn và đưa tin. Tuy nhiên có một yêu cầu chung cho mọi trường hợp đó chính là phải cam kết với độc giả về tính trung thực của các thông tin đăng tải. Tuy nhiên ai cũng biết cuộc sống muôn màu và mọi vấn đề đều có nhiều phương diện khác nhau từ nhiều góc nhìn và vị trí tiếp cận. Bởi vậy người làm báo cần ý thức đúng vị trí và vai trò của mình trong quá trình đưa tin. Nhà báo không có nghĩa là người nhìn nhận và đánh giá mọi thứ. Nhà báo chỉ là người đại diện tường thuật lại những gì nghe và biết bao gồm cả trực tiếp và gián tiếp để thông tin lại cho người đọc. Nói cách khác nhà báo không đi cung cấp sự thật mà chỉ cung cấp các dữ kiện vốn là thông tin hoặc các khẳng định có thể chứng minh được. Nó có thể không nói lên toàn bộ sự thật nhưng phải là những tuyên bố có thật. Muốn vậy ngoài những thông tin nhà báo trực tiếp chứng kiến, việc trích dẫn rõ ràng nguồn tin là yêu cầu hàng đầu đảm bảo cho tính minh bạch cần có của tin bài.

Trích dẫn nguồn tin nói cho cùng chính là để bảo vệ nhà báo, bảo vệ tác phẩm của nhà báo và góp phần xác định mức độ chân thực, minh bạch và khách quan của thông tin. Theo lẽ thường các thông tin trong bài báo đều cần dẫn nguồn trừ các kiến thức phổ thông hoặc thông tin do nhà báo trực tiếp chứng kiến. Tuy nhiên cần lưu ý về những thông tin thuộc hiểu biết cá nhân trong tin bài. Đối với những thông tin bản thân nhà báo còn có sự nghi ngờ thì nhất định phải dẫn nguồn. Điều đó sẽ giúp nhà báo làm chủ được các thông tin trong tin bài mình phát hành, có được tâm thế sẵn sàng hồi đáp trước bất kỳ thắc mắc hay đặt vấn đề từ bất kỳ ai vào lúc nàovề xuất xứ của thông tin.

Việc dẫn nguỗn tin rõ ràng, cụ thể còn là một thao tác giúp cho công chúng tự đưa ra cái nhìn đánh giá về mức độ đáng tin cậy của thông tin lấy từ nguồn đó trong bài. Bởi nhà báo chỉ là người giúp truyền đạt thông tin, công chúng mới chính là người tiếp nhận và đánh giá nó. Vì vậy có những nguồn tin được nhà báo trích dẫn rõ ràng sẽ giúp công chúng đánh giá được mức độ chân thực của vấn đề. Ví dụ trong một vụ án đang được pháp luật xét xử, bài báo đưa tin rằng: luật sư bào chữa cho bị đơn cho biết đã có bằng chứng mới chứng minh cho người đó vô tội. Tất nhiên thông tin này là thông tin có lợi cho luật sư nhưng không có nghĩa là ông ta nói dối. Và đương nhiên khi nhà báo đưa tin như vậy lại càng không nói dối. Cái chính là thông tin về nguồn tin đó có thể giúp công chúng tự đưa ra được phán đoán và đánh giá chính xác hơn về vấn đề, sự kiện đang xảy ra. Từ đó công chúng hoàn toàn có thể tự đưa ra phán quyết của mình và quyết định tin hay không về giá trị mà thông tin đó mang lại.

2.3. Một số lưu ý trong trích dẫn nguồn tin hiệu quả

 Đối với công tác trích dẫn nguồn tin trên báo chí đã được quy định rõ trong Quy chế xác định nguồn tin ban hành kèm theo Quyết định số 52/2008/QĐ-BTTTT ngày 02/12/2008 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông rằng: trong phạm vi quyền hạn, nhiệm vụ của mình, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin đã cung cấp cho báo chí theo quy định tại Điều 7 Luật Báo chí. Tuy nhiên trên thực tế cho thấy việc trích dẫn nguồn trên báo chí hiện nay vì nhiều lý do mà vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu vốn có. Bởi vậy vấn nạn tin giả vẫn đang hoành hành ngày một nghiêm trọng, gây ảnh hưởng sâu rộng tới mọi mặt đời sống xã hội. Điều này thúc ép những người làm báo chân chính cần nghiêm túc và nỗ lực hơn trong quá trình thực hiện “sứ mệnh” của mình. Để góp phần đẩy lùi vấn nạn tin giả trước mắt, thực hiện tốt thao tác trích dẫn nguồn tin là một giải pháp tích cực cần được chú trọng phát triển. Trong đó cómột số vấn đề cần chú ý để có được những trích dẫn chính xác và hiệu quả, mang lại đúng lợi ích vốn có của công tác trích dẫn nguồn tin đối với hoạt động làm báonhư sau:

Trước tiên người làm báo cần xác định rõ việc dẫn nguồn tin không thể thay thế cho việc kiểm chứng thông tin. Dẫn nguồn chỉ góp phần làm minh bạch thông tin, giúp người tiếp nhận tự đưa ra những phán xét cá nhân...Nhưng không phải bất kỳ nguồn tin nào cũng đáng tin. Vì vậy trách nhiệm của người làm báo ngoài việc cố gắng tìm kiếm ý kiến thứ hai hoặc các quan điểm cân bằng khác, kiểm chứng thông tin, nguồn tinvẫn là thao tác không thể bỏ qua để đảm bảo cho mức độ chân xác của thông tin.

Mỗi nhà báo khi đưa tin cần đảm bảo nguồn tin của mình là đáng tin cậy và phải hiểu được vấn đề mình đang nói. Có một câu nói đại ý: nhà báo không phải là người biết tất cả nhưng phải biết tìm ở đâu, tìm ai khi cần. Khi thu nhận thông tin từ nguồn tin, bên cạnh việc tường thuật chân xác thông tin nhà báo còn cần đánh giá mức độ đáng tin cậy, đồng thời kiểm chứng nhanh nguồn tin trước khi sử dụng. Ví dụ đối với thông tin về biến đổi giống cây trồng do giám đốc ngân hàng cung cấp chắc chắn không có sức thuyết phục. Khi đó nhà báo phải nhận ra được là họ đã có thông tin đó từ một nguồn khác và buộc phải hỏi lại nguồn gốc của thông tin đó. Thao tác này sẽ giúp cho mức độ tin cậy của những thông tin trong tác phẩm được đảm bảo và giá trị nguồn tin cũng được thể hiện triệt để hơn. 

Đặc biệt trong bối cảnh thời đại công nghệ số hôm nay, việc thu nhận thông tin càng có nhiều vấn đề cần chú ý. Vì mức độ phổ biến quá nhanh và quá dễ dàng nên các thông tin thường lan truyền chóng mặt trên không gian mạng. Vì vậy đối với các nguồn tin khai thác từ môi trường truyền thông mạng cần phải xác định ai, cơ quan nào là nguồn tin và vì sao họ lại biết được thông tin này. Đồng thời phải đối chiếu với các nguồn có thông tin tương tự trước khi sử dụng. Phải đọc phần giới thiệu về trang web cung cấp thông tin đó (xem là báo điện tử được cấp phép hay trang blog, trang web cá nhân). Click vào các bài viết xung quanh trên trang web ấy, đọc kỹ tên miền của trang web để xác định xem có phải là trang giả mạo (thường các trang web giả sẽ có nhiều bài link liên kết không hoạt động). Đối với các thông tin trên mạng xã hội, mức độ chân xác của thông tin không nhất thiết tỷ lệ thuận hay phụ thuộc vào các tín hiệu như lượng người thích (like), số lượt chia sẻ (share) vì các con số đó hoàn toàn có thể mua bán một cách dễ dàng với giá cả rẻ mạt.

Đối với những trường hợp đặc biệt, nhà báo buộc phải sử dụng thông tin không có nguồn hoặc phải che dấu nguồn tin (nói chung là nguồn tin ẩn danh) cũng cần có những lưu ý nhất định. Thông thường một quan chức chính phủ, một nhân viên hữu quan hay một nhân chứng quan trọng…sẽ rất sẵn lòng cung cấp thông tin nhưng lại quan ngại việc dẫn nguồn vì sợ gặp phiền toái. Họ đồng ý cung cấp thông tin nhưng cũng yêu cầu được ẩn danh để tự bảo vệ mình. Lúc này nếu quyết định sử dụng thông tin đó thì nhà báo và tòa soạn sẽ là người chịu trách nhiệm đến cùng đối với những thông tin được công bố. Thậm chí phải tự trả giá nếu như thông tin có vấn đề để đảm bảo uy tín và đạo đức nghề nghiệp. Do đó các nhà báo cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi công bố những thông tin từ nguồn tin ẩn danh. Điều này giúp bảo vệ nhà báo và tòa soạn trước âm mưu lợi dụng của những người đưa tin ác ý. Trong trường hợp này nhà báo nên có những thỏa thuận riêng với người đưa tin. Không nêu đích danh nhưng cần cho độc giả thấy rõ ý niệm về xuất xứ của nguồn tin, càng cụ thể càng tốt. Ví dụ không nên nói “theo nguồn tin của một người cho biết…” mà cần cụ thể: “ một nhân viên tại cửa hàng cho biết”, “ một nhân chứng tại hiện trường cho biết”…Và nếu được nên chia sẻ về xuất xứ nguồn tin với ít nhất một biên tập để cùng nhau san sẻ và kiểm chứng mức độ rủi ro trong những hoàn cảnh đặc biệt của nghề nghiệp.  

Về mặt hình thức trình bày, trích dẫn nguồn tin là quan trọng nhưng không được để nó lấn át vị trí của các thông tin chính thức, thông tin thực tế. Thông thường xuất xứ nguồn tin nên đặt đầu hoặc cuối của thông tin và phải lưu ý: cần rõ ràng nhưng càng ngắn gọn càng tốt. Không nên viện dẫn dài dòng làm phân tán sự chú ý của độc giả về nguồn tin. Chỉ nên dùng những câu từ đơn giản nhất để dẫn nguồn: theo; nói; cho biết…Điều này giúp thông tin phát huy tối đa giá trị tự thân của nó đồng thời đảm bảo mức độ minh bạch, đáng tin của mình khi được kèm đủ các thông tin về xuất xứ. Làm tốt điều này uy tín lẫn năng lực nhà báo tự nhiên sẽ được khẳng định qua từng tác phẩm. 

3. KẾT LUẬN

Bước vào thời đại công nghệ số, cuộc sống mở ra trước mắt nhiều tiện ích nhưng cũng đi kèm không ít khó khăn. Vấn nạn tin giả đang ngày càng thách thức những nỗ lực của các cơ quan chức năng và bộ phận báo chí truyền thông. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng của “vấn nạn thời đại” này bao gồm cả chủ quan lẫn khách quan cũng như hệ quả của nền công nghệ 4.0. Đã có nhiều giải pháp, nhiều nỗ lực của nhiều tập thể, cá nhân được triển khai nhằm chung tay đẩy lùi “đại họa” này. Cần xác định rằng “cuộc chiến” này không của riêng ai và cũng không ai bị cô độc. Đó là cơ sở để nhiều công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng lọc trừ tin giả ra đời; nhiều hội nghị, hội thảo khoa học luận bàn phương pháp đối phó tin giả được tiến hành; các điều luật về an ninh mạng được thông qua và ban hành; các chính sách, điều lệ đối với công tác đăng tải, công bố thông tin được thiết lập…

Liên quan và ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường của báo chí truyền thông, hơn ai hết những người làm báo nói chung và nhà báo chân chính nói riêng cần hết sức bản lĩnh và tỉnh táo để tránh “sập bẫy tin giả”. Có nhiều giải pháp hữu hiệu cần được đồng thời triển khai để chống lại vấn nạn này. Trích dẫn nguồn tin hiệu quả là một trong số đó. Bởi rằng nguồn tin có vai trò then chốt trong đời sống báo chí. Việc trích dẫn nguồn tin sẽ tăng tính minh bạch và mức độ tin cậy cho thông tin. Đồng thời nó cũng là một biện pháp cần thiết để bảo vệ nhà báo, nguồn tin, tòa soạn và cũng là để bảo vệ công chúng độc giả, những người thụ hưởng và tiếp nhận thông tin. 

Ths. Tăng Thị Nguyệt Nga

Đại học Khánh Hoà

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. PGS.TS Nguyễn Văn Dững (2018), Cơ sở lý luận báo chí, nxb Thông tin và Truyền thông

2. Dương Xuân Sơn (2015), Giáo trình lý luận báo chí truyền thông, nxb Giáo dục Việt Nam

3. Đỗ Đình Tân (2017), Báo chí và mạng xã hội, nxb Trẻ

4. Phạm Thành Hưng(2007), Thuật ngữ báo chí truyền thông, nxb ĐHQG Hà Nội

5. Đỗ Đình Tấn (2016), Báo chí lương tâm, nxb Trẻ

6. Đỗ Chí Nghĩa - Đinh Thị Thu Hằng (2016), Báo chí và mạng xã hội, nxb Lý luận chính trị

7. Phạm Thành Hưng (2007), Thuật ngữ báo chí truyền thông, nxb ĐHQG Hà Nội

8. http://www.antv.gov.vn/tin-tuc/xa-hoi/vai-tro-cua-nha-bao-truoc-van-nan-tin-gia-313489.html, truy cập 15h ngày 21/8/2020

9. https://baoquocte.vn/mang-xa-hoi-va-van-nan-tin-gia-thoi-covid-19-cuoc-chien-chua-hoi-ket-114122.html, truy cập 14h ngày 22/8/2020 

10.http://baohagiang.vn/phap-luat/202004/tin-gia-va-can-benh-a-dua-theo-mang-xa-hoi-757802/, truy cập 14h10 phút ngày 22/8/2020

11. http://truyenhinhthanhhoa.vn/bao-chi-cuoc-song/201508/nha-bao-voi-nguon-tin-8065271/truy cập 15h ngày 27/8/2020

12. https://congannghean.vn/gia-dinh-xa-hoi/202008/mang-xa-hoi-va-trach-nhiem-moi-cong-dan-truy cập 15h ngày 9/9/2020  

 
Khoa Khoa học XH&NV