Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  08/06/2021 11:14        

Sinh hoạt văn hóa của cư dân Đồng Tháp trong mùa nước nổi

Sinh hoạt văn hóa của cư dân Đồng Tháp trong mùa nước nổi

Th.S Nguyễn Duy Trường

Tóm tắt: Không giống như những cơn lũ đem về những thiệt hại cùng nỗi kinh hoàng cho người dân miền Trung hay miền Bắc mà mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long – hay còn gọi là mùa nước nổi - là hình ảnh rất đỗi quen thuộc, thân thương trong cuộc đời của người dân nơi đây.

Từ tháng 7 đến tháng 9 (Âm lịch) hàng năm, dòng nước đỏ ngầu từ thượng nguồn sông Mekong đổ về sông Sở Thượng (huyện Hồng Ngự), Đồng Tháp Mười chìm trong trạng thái “nước nhảy khỏi bờ”. Mùa nước nổi ở Đồng Tháp cũng là mùa sôi động nhất trong năm, mùa của cá nước chim trời cùng những sinh hoạt sông nước của người dân tạo thành nét đặc trưng.

Từ khóa: Mùa nước nổi, sen.

Quê em Đồng Tháp mênh mông

Xanh tươi bát ngát, ruộng đồng bao la

Quê em óng ánh tơ vàng

Ruộng nương thẳng tấp, ngút ngàn dâu xanh.

Đồng Tháp là tỉnh nằm kẹp giữa sông Tiền và sông Hậu, lãnh thổ của tỉnh Đồng Tháp nằm trong giới hạn tọa độ 10°07’ - 10°58’ vĩ độ Bắc và 105°12’ - 105°56’ kinh độ Đông. Phía Bắc giáp với tỉnh Prey Veng (Campuchia), phía Nam giáp với tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ, phía Tây giáp với tỉnh An Giang, phía Đông giáp với tỉnh Long An và tỉnh Tiền Giang.

Do nằm trong vùng trũng của lưu vực sông Cửu Long nên Đồng Tháp trực tiếp chịu ảnh hưởng lũ, lụt, mà dân gian quen gọi là “mùa nước nổi” - bắt đầu từ tháng 9 (Âm lịch) và kết thúc vào tháng 11 (Âm lịch) hàng năm. Trong những tháng này, toàn vùng biến thành một biển nước trắng xóa mênh mông kéo dài đến tận chân trời. Tuy nhiên, trạng thái ngập lụt ở từng vùng có những đặc điểm và mức độ khác nhau, có thể chia thành các vùng như: vùng ngập sâu bao gồm các huyện Hồng Ngự, Tam Nông, Tháp Mười và một số nơi khác. Đây là vùng đất trũng và thường bị ngập lụt sớm hơn những nơi khác thuộc đồng bằng sông Cửu Long, thường xuất hiện vào giữa tháng 8 (Âm lịch) và kéo dài trung bình khoảng 115 ngày, độ sâu so với mặt ruộng trên 2m; Vùng ngập vừa gồm phần còn lại của huyện Tam Nông và huyện Cao Lãnh. Nước bắt đầu ngập lụt vào thượng tuần tháng 9 (Âm lịch) và kéo dài đến cuối tháng 11 (Âm lịch), thời gian ngập lụt trên 80 ngày, độ sâu so với mặt ruộng từ 1 - 2m; Và các vùng khác cũng chịu ảnh hưởng ngập nông, ngập không thường xuyên, với độ sâu so với mặt ruộng dưới 1m, thời gian ngập lụt dưới 50 ngày.

Sự vận hành của trái đất theo quỹ đạo đã tạo nên các mùa trong năm, thế nhưng đối với người dân vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Đồng Tháp nói riêng, họ chỉ gọi theo thói quen là mùa “nước nổi” và mùa “nước ròng”. Cách gọi như vậy đã cho thấy rằng trong ý thức của người dân, hiện tượng thiên nhiên này hoàn toàn bình thường như sự tuần hoàn của tự nhiên.

Tháp Mười nước ngập đồng chua

Nửa mùa nắng cháy, nửa mùa nước dâng.

(Đồng Tháp Mười – Nguyễn Bính)

Khi những cơn mưa dày và nặng hạt trên những cánh đồng, cùng lúc nước ở thượng nguồn sông Cửu Long đổ về nhánh sông Tiền ngày càng nhiều hơn, tràn trên các con rạch, vượt qua mặt đê, đổ vào đầy đồng thì người dân Đồng Tháp lại chuẩn bị “sống chung với lũ” và bắt tay vào khai thác nguồn lợi thủy sản vô cùng dồi dào mà thiên nhiên đã ban tặng. Trong mùa nước nổi, nhà cửa, làng xóm, trường học, đường sá đều ngập chìm trong biển nước, sinh hoạt đời sống của cư dân gặp nhiều khó khăn, thế nhưng đây cũng được xem là một trong những loại hình sinh hoạt văn hóa đặc sắc mà chỉ có ở vùng sông nước đồng bằng sông Cửu Long.

Cuộc sống, sinh hoạt của người Đồng Tháp rất đơn giản, cơ động, phù hợp với miền đồng bằng sông nước. Văn hóa ăn, mặc, ở, đi lại mang đặc thù riêng, phù hợp với môi trường sinh thái tự nhiên. Đối với những vùng trũng, thường bị ảnh hưởng ngập lụt thì loại hình cư trú chủ yếu của người dân là nhà sàn, lợp lá (thường là lá dừa nước được trồng tại địa phương). Phương tiện đi lại thông dụng nhất là ghe (ghe chài, ghe cà dom, ghe lườn, ghe bầu…) và xuồng (xuồng cui, xuồng be, xuồng ba lá…).

Cảnh tượng thuyền bè tấp nập ngược xuôi trên các con sông, con rạch, ruộng lúa trong mùa nước nổi, tạo nên một nét đặc trưng riêng biệt cho vùng Đồng Tháp Mười. Xuồng, ghe là phương tiện hữu hiệu và tiện lợi dùng để vận chuyển hàng hóa, đi thăm viếng bạn bè, bà con và được dùng trong việc cưới hỏi, tang ma... mùa nước nổi. Nhà nào không có ghe, thuyền thì chặt những cây chuối đóng bè, đóng mảng để đi lại và kê làm “bếp tạm”. Do tính đặc thù nên chợ được hình thành trên những khúc sông và mang đậm dấu ấn của “văn hóa sông rạch”. Chợ được đặt ở những nơi đông dân cư, tại các ngã ba hoặc ngã tư sông, với đủ loại hàng hóa được bày bán.

Người dân chất phát thật thà

Tình làng nghĩa xóm đậm đà làm sao.

(Về thăm Đồng Tháp – Trang Si)

Sự ngăn trở bởi con nước nổi làm cản trở những cuộc hò hẹn lứa đôi, vì thế các đôi trai gái thường chọn chiếc xuồng ba lá để đến thăm nhau, hò hẹn, gặp gỡ, rồi nên nghĩa vợ chồng. Vì thế ở xứ sở này mới có “thuyền dâu”, là thuyền của họ nhà trai đến nhà gái làm lễ rước dâu (đối với những đám cưới trong mùa nước nổi, hay ở những nơi dân cư sống trong vùng miệt vườn, vùng có nhiều sông rạch).

Nước rong nước chảy tràn đồng

Tơ duyên sẵn có chỉ hồng chưa se.

Hay:

Bớ chiếc ghe sau chèo mau anh đợi

Kẻo khúc sông này bờ bụi tối tăm.

Tháng Sáu, tháng Bảy (Âm lịch) khi những trận mưa đầu mùa trút nước không ngớt, nước chảy không kịp, từ từ dâng tràn ngập đôi bờ cướp đi hoa màu và sự thanh bình, yên ả của làng quê. Những căn nhà nổi lên như một ốc đảo xanh bập bềnh trên biển nước màu nâu đỏ. Người lớn thì phập phồng lo âu cho vụ mùa, dọp dẹp nhà cửa, mua lương thực, thực phẩm dự trữ cho những ngày nước lên. Trẻ em được nghỉ học, háo hức, reo hò vui sướng rủ nhau đi sắm cần câu, sắm vó, tha hồ bơi lội, vùng vẫy trong biển nước. Lũ trẻ hớn hở đi xúc cua, bắt ốc, đâm chuột, đuổi rắn, đua thuyền, ghe các kiểu, chơi trò rượt bắt, thi bơi. Lũ con gái thì hái bông gáo kết rạp chơi trò đám cưới, bứt hạt đế, hạt nga luồn chỉ làm dây chuyền, lắc tay...

Mùa nước nổi cũng là mùa đơm hoa, kết trái của rất nhiều loại hoa, quả. Những trái roi đỏ hồng, ổi vàng ươm, trắng ngà thơm lừng soi bóng trên mặt nước; chanh, cam xanh bóng căn tròn đu đưa trong gió; hoa ngâu, hoa hòe rụng vàng cả mặt nước. Nhưng nổi bật nhất là những cánh đồng sen trắng tinh khôi xen lẫn những cánh sen màu phơn phớt hồng tỏa hương thơm ngát cả một vùng.

Mùa nở rộ tỏa mùi thơm ngát

Những cánh đồng ngào ngạt hương sen

Tên hoa, tên cả một miền

Sắc hồng cùng trắng, đan xen nhị vàng.

(Đất Sen hồng – Yến Vân)

Mùa nước nổi cũng là mùa bông điên điển nở rộ. Dọc theo hai bên bờ của các tuyến kênh Đồng Tiến, Cà Dăm (thuộc huyện Tam Nông), kênh Nguyễn Văn Tiếp, Đường Thép (thành phố Cao Lãnh), kênh Trà Đư và trên những cánh đồng ở Thường Thới Hậu A, Thường Thới Hậu B, Thường Lạc (huyện Hồng Ngự)... đâu đâu cũng thấy điên điển trổ bông vàng rực.

Quê em mùa nước nổi

Điên điển nở vàng đồng

Chiếc xuồng con chèo chóng

Trắng trời nước mênh mông.

(Mênh mông mùa nước nổi – Xuân Vy)

Mùa lũ ở đồng bằng sông Cửu Long là mùa lũ hiền hòa nên khi lũ về sẽ mang lại nhiều sinh kế cho người dân. Lũ về cũng đồng nghĩa với việc hàng trăm gia đình ở các xã của huyện đầu nguồn Hồng Ngự và thị xã Hồng Ngự bám theo con nước mưu sinh đặt lờ, lợp, dớn, giăng câu, lưới... trên các dòng kênh và cánh đồng. Buổi sáng, những “ngư dân” đứng ở đầu chiếc xuồng chồng chành xuôi theo dòng nước, căng ngực mở rộng miệng chài nở tròn để lùa những đàn cá đang say sưa chạy theo con nước lớn. Từng đàn cá linh, cá rô, cá lóc no tròn, với số lượng lớn từ vùng Biển Hồ (Campuchia) theo dòng nước bạc về sinh sống trên những cánh đồng. Thanh niên tranh thủ với hoạt động săn bắt chuột đồng, bẩy rắn. Từng nhóm từ 3 - 4 người với tay chài, tay lưới, tay rọng (một loại dụng cụ để đựng) rủ nhau đi bắt chuột. Sau khi lưới được giăng, họ men theo các rãnh thủy lợi, chân vừa đạp cỏ, vừa tiến dần đến đoạn có bao lưới. Chuột từ trong hang, trong bụi rậm khi nghe tiếng động thi nhau chạy và nhanh chóng bị mắc lưới. Phút chốc, chiếc rọng đã đầy cứng những chú chuột đồng mập tròn.

Ai ơi về miệt Tháp Mười

Cá tôm sẵn bắt, lúa trời sẵn ăn.

Các thiếu nữ bận rộn với việc hái bông điên điển. Trên chiếc xuồng ba lá, họ thướt tha trong chiếc áo bà ba, cổ quấn khăn rằn, tay khua theo mái chèo tìm ngắt những bông điên điển non nhất, tốt nhất để về nấu nồi canh chua, hoặc mang ra chợ bán. Những đóa hoa vàng rực mang đậm màu nắng phương Nam, phất phơ trong ngọn gió, hay đang rũ oằn trong những cơn mưa. Bông điên điển với từng chùm vàng ửng, chen lẫn sắc xanh của lá giờ đây đã trở thành món đặc sản không chỉ của “nhà vườn” mà còn là món ăn được ưa thích trong các nhà hàng ở đô thị.

Đối với bông điên điển có nhiều cách để chế biến thành món ăn. Món ăn giản dị nhất là cá kho bông súng, mắm kho nhúng bông điên điển, hoặc dùng làm dưa.

Muốn ăn bông súng cá kho

Thì vô Đồng Tháp ăn cho đã thèm.

Và:

Anh đi anh nhớ Tháp Mười

Nhớ canh bông súng, nhớ nụ cười Mỹ An.

 Thế nhưng món quen thuộc nhất là canh chua bông điên điển nấu với cá linh hay cá rô đồng, thêm vào một ít bứa hoặc cơm mẻ lại càng ngon hơn. Bông điên điển còn được dùng để xào tép, làm nhân bánh xèo... Đây là những món ăn dân dã, đơn giản nhưng hương vị đậm đà, chất chứa bao nỗi niềm, tình cảm của người Tháp Mười.

Nhớ nồi canh điên điển

Cá bông lau mỡ, hành

Ngậm màu bông chín nõn

Thẹn thùng quên cả ăn.

(Bông điên điển – Tử Nhi)

Ngoài những món ăn được chế biến từ bông điên điển, Đồng Tháp còn nhiều món ăn đặc trưng khác như chuột xào xả ớt, cháo đậu xanh nấu với rắn hổ đất, cháo cò, dồi lươn rim cốt dừa, tắc kè xào lăn, cá lóc nướng trui, cá lóc đắp bùn, cá lóc hấp bông so đũa, cá lóc nướng lá sen, canh chua cá lóc, cá rô kho tộ, chuột hấp cơm… và nhiều loại đặc sản khác như khô cá sặc, khô cá lóc, nước mắm cá linh...

Đất Tháp Mười cò bay thẳng cánh

Nước Tháp Mười lấp lánh cá tôm.

Khi ểnh ương ngoài đồng không còn cất tiếng kêu thì nước bắt đầu rút dần. Nước rút, những bờ đê dần dần trơ ra, những hạt phù sa với màu đỏ quạnh lắng lại trong đất sau lũ, đem lại sự sống cho đồng ruộng, cho cây trái vùng châu thổ. Đất khoan khoái trải mình đợi mùa lũ năm sau, còn người dân thì đang tất bật dọn dẹp lại nhà cửa, chuẩn bị nông cụ, thóc giống để kịp cho vụ mùa tới. Mùa lũ đi qua, đời sống sinh hoạt của người dân trở lại bình thường, trẻ em cắp sách đến trường, người lớn ra đồng trồng trỉa và chờ một mùa bội thu sắp tới. Những con nước hiền hòa lại miệt mải chảy về biển Đông.

Thương quê hương qua mùa nước nổi

Mái tranh nghèo đời khốn khó gieo neo

Gập ghềnh cầu tre nước dâng sau ao bèo

Khói lam chiều hòa tiếng gió mưa dông.

(Nhớ mùa nước nổi – Nguyễn Tâm)

Có thể nói, hiện tượng lũ, lụt (mùa nước nổi) là hình ảnh rất đỗi quen thuộc, thân thương trong cuộc đời của mỗi người dân Đồng Tháp nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung - là một nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của cư dân vùng sông nước. Trong những năm gần đây, nhân dân Đồng Tháp đã biết tận dụng mùa nước nổi để phát triển kinh tế. Ngoài việc khai thác nguồn lợi hải sản, đặc sản từ thiên nhiên, người dân đã biết nuôi, trồng các loại hải sản, cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao. Tại huyện Tam Nông, Lấp Vò, Lai Vung, Cao Lãnh, Thanh Bình, nông dân đã bước đầu triển khai nuôi cá tra, tôm càng xanh, trồng ấu, rau nhút, điên điển... hình thành các làng nghề truyền thống như: chiếu Định Yên, làng đóng xuồng, ghe Rạch Bà Đài, làng dệt khăn choàng tắm Long Thuận, làng nuôi cá bè Hồng Ngự... Các chương trình tour du lịch với chủ đề “Mùa nước nổi” được hình thành, thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, khám phá vùng đất giàu truyền thống lịch sử, văn hóa. Đặc biệt, du khách được trải nghiệm mùa nước nổi với các hoạt động như đi cầu khỉ, bơi xuồng, chèo ghe, đánh bắt cá, thu hái rau dại... Khách có thể ngồi ghe máy ngao du trên sông nước, thưởng thức các món ăn đặc sản, tham quan những điểm du lịch “mùa nước nổi” nổi tiếng của Đồng Tháp như: Vườn quốc gia Tràm Chim, Làng hoa kiểng Sa Đéc, Vườn cò Mỹ An, Vườn quýt Lai Vung, Khu di tích Xứ ủy Nam Bộ, Gò Tháp, Xẻo Quýt... hoặc lênh đênh trên chiếc xuồng ba lá để nghe các thiếu nữ trong chiếc áo bà ba đen, chiếc nón lá và khăn rằn quấn cổ, ngân nga những câu hò Đồng Tháp - được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2018.

Ngó lên trời trời trong mây trắng

Dòm xuống nước nước trắng lại trong

Nhỏ nhỏ như ai chứ nhỏ nhỏ như em chắc dạ bền lòng

Lỡ duyên thời em chịu lỡ

Đóng cửa loan phòng em chờ anh.

Về thăm Đồng Tháp Mười mùa nước nổi, để được ngắm sen hồng, lúa chín, để được rộn ràng thả lưới giăng câu, hái bông súng, bông điên điển, để được ăn bữa cơm quê dân dã miền sông nước và cuộc sống yên bình, dung dị. Vẻ đẹp của vùng đất Sen hồng trong mùa nước lũ chắc chắn sẽ là những kỷ niệm đẹp cho những ai đã, đang và sẽ đến nơi này.

Đồng Tháp sẽ hoài ôm chờ đợi

Đất Sen hồng nhắn gởi khắp phương

Ngày nao sẽ bước chung đường

Dẫn người đi khắp quê hương chốn này.

(Đất Sen hồng – Yến Vân)

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  •          Ca dao Đồng Tháp Mười, Sở Văn hóa Thông tin Đồng Tháp, 1984.

          [2] Nguyễn Công Bình, Văn hóa và cư dân đồng bằng sông Cửu Long, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1990.

         [3] Nguyễn Hữu Hiếu, Văn hóa dân gian vùng Đồng Tháp Mười, Nxb. Văn nghệ, 2007.

          [4] Huỳnh Lứa, Lịch sử khai phá vùng đất Nam Bộ, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 1987.

         [5] Nguyễn Quới, Phan Văn Dốp, Đồng Tháp Mười nghiên cứu phát triển, Nxb. Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1999.

 

 
Khoa Khoa học XH&NV