Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  08/06/2021 11:39        

Đánh giá kiến thức thông tin của sinh viên ngành Văn học (Văn học - Báo chí, truyền thông) và ngành Văn hoá học (Văn hoá - Truyền thông) tại Đại học Khánh Hoà

Tóm tắt: Bài viết tập trung làm sáng tỏ một số vấn đề lý thuyết về kiến thức thông tin. Trong phạm vi bài viết, tác giả sử dụng các số liệu thống kê về chương trình đào tạo, đồng thời sử dụng phương pháp quan sát lớp học, khảo sát bằng phiếu hỏi đối sinh viên để phân tích, đánh giá thực trạng năng lực thông tin của sinh viên ngành Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông) và ngành Văn hoá học (Văn hoá – Truyền thông). Dựa trên kết quả nghiên cứu này, bài viết đưa ra các giải pháp về phát triển năng lực thông tin cho sinh viên ngành Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông) và ngành Văn hoá học (Văn hoá – Truyền thông) tại Đại học Khánh Hoà.

Từ khoá: Kiến thức thông tin; Văn học; Văn hoá học; Đại học Khánh Hoà

MỞ ĐẦU

Trong xã hội thông tin với nền kinh tế tri thức, thông tin được xem như là nguồn năng lượng trực tiếp để duy trì và phát triển xã hội. Để quá trình học tập, nghiên cứucó hiệu quả cao và chất lượng, sinhviên trong các trường đại học cần được trang bịkiến thức, sự hiểu biết về việc xác định nhu cầu, yêu cầu tin, có kỹ năng và khả năng trong việc định vị, đánh giá, sáng tạo và sử dụng có hiệu quả nguồn tin. Trong thời đại công nghệ số, con người có hiểu biết, kiến thức về các công nghệ, kỹ thuật thôi chưa đủ mà cần phải học cách tìm kiếm, truy cập, tổ chức, phân tích và đánh giá thông tin nhằm sử dụng vào việc ra quyết định và giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất. Đócũng là lý do mà trong thời gian vừa qua việc phát triển kiến thức thông tin (KTTT) luông được các trường Đại học trong cả nước chú trọng.

NỘI DUNG

1. Tìm hiểu về khái niệm và vai trò kiến thức thông tin trong giáo dục Đại học

            - Khái niệm “Kiến thức thông tin”

Thuậtngữ“Kiến thức thông tin” xuất phát từ thuật ngữ tiếng Anh là “Information Literacy” và được dịch trong  tiếng Việt với nhiều nghĩa khác nhau như: “Năng lực thông tin”, “Kỹ năng thông tin”, “Kiến thức thông tin”. Thuật ngữ nàyhiện nay đã khá phổ biến trong nhiềulĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vựcgiáodục, tuy nhiên sự tranh luận về cáchdịch chính xác nhấtvẫn đang còn tiếp tục. 

Theo UNESCO: “KTTTlà sự kết hợp của kiến thức, sự hiểu biết, các kỹ năng và thái độ mà mỗi thành viên cần hội tụ đầy đủ trong xã hội thông tin. Khi mỗi cá nhân có KTTT thì họ sẽ phát triển khả năng lựa chọn, đánh giá, sử dụng và trình bày thông tin một cách hiệu quả” [UNESCO, 2005, tr.10]. Như vậy, Phát triển KTTT trong môi trường giáo dục đại học là quá trình nâng cao chất lượng và có hệ thống kiến thức và kỹ năng thông tin (khả năng nhận dạng thông tin, tìm kiếm thông tin, đánh giá thông tin, khai thác thông tin, sử dụng và trao đổi thông tin, tư duy phản biện, kỹ năng giải quyết vấn đề). Mục tiêu của phát triển KTTT là hình thành  khả năng học tập suốt đời và phát triển tư duy độc lập, đồng thời tạo cho những sinh viên năm cuối có kiến thức và kỹ năng cơ bản về xử lý, phân tích, tổng hợp thông tin, tạo ra các kết quả nghiên cứu bước đầu của mỗi cá nhân và phổ biến chúng cho người dùng tin khác trong xã hội. 

Cónhiều tiêu chí về đánh giá KTTT của sinh viên trong các trường đại học, trong đó, Hiệphội các thư viện đại học và nghiên cứu [ACRL, 2000, tr.3]đã tổng hợp và phát triển cáctiêu chí đánh giá về KTTT của sinh viên:

            1. Xác định tính chất và mức độ của thông tin cần thiết;

            2. Truy cập thông tin cần thiết một cách hiệu quả và hiệu quả;

            3. Đánh giá thông tin và các nguồn của nó một cách nghiêm túc và kết hợp thông tin được lựa chọn vào cơ sở tri thức và hệ thống giá trị của mình;

            4. Sử dụng thông tin hiệu quả để thực hiện một mục đích cụ thể;

            5. Hiểu nhiều vấn đề kinh tế, pháp lý và xã hội xung quanh việc sử dụng thông tin và truy cập và sử dụng thông tin về mặt đạo đức và pháp lý.

            Trongphạm vi bài viết này, tác giả thống nhất với các tiêu chí đánh giá KTTT của sinh viên dựa trên: đánh giá về nhu cầu tin của sinh viên; kỹ năng nhận diện thông tin; kỹ năng khai thác/tìm kiếm thông tin; kỹ năng đánh giá thông tin; kỹ năng sử dụng thông tin và một sốt hiểu biết về mặt đạo đức, pháp lý khi sử dụng thông tin. Dựa trên nội dung các tiêu chí đánh giá này tổ chức có thể thấy được sự phát triển của KTTT của sinh viên trong môi trường giáo dục của mình.

- Vai trò của phát triển KTTT đối với môi trường giáo dục Đại học

KTTT có vai trò quan trọng trong việc nâng cao chất lượng giáo dục, đặc biệt là giáo dục Đại học. Điều này được thể hiện qua hai nội dung chính: Thứ nhất, đó là công cụ đắc lực hỗ trợ tích cực cho quá trình đổi mới giáo dục đại học; Thứhai, KTTT giúp nâng cao chất lượng hoạt động nghiên cứu khoa học. [Bùi Thị Thanh Diệu, 2018, tr. 5]

Đốivới hoạt động giảng dạy và học tập, KTTT là một trong những yếu tố tạo nên nền tảng vững chắc cho việc học tập của sinh viên, hoạt động này cung cấp các kỹ năng cần thiết trong việc tìm kiếm, đánh giá và sử dụng thông tin một cách hiệu quả và hợp lý và là cơ sở căn bản giúp sinh viên có khả năng học tập suốt đời, giúp sinh viên làm chủ được thế giới thông tin và tự định hướng, hoàn thiện bản thân. 

Đốivới hoạt động nghiên cứu khoa học, để có được những sản phẩm khoa học chất lượng cao, phục vụ cho xã hội, đòi hỏi các nhà nghiên cứu phải thực hiện quá trình nghiên cứu một cách nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao. KTTT là một trong những công cụ hỗ trợ đắc lực và hiệu quả giúp hoạt động nghiên cứu khoa học diễn ra một cách thường xuyên và thuận lợi, góp phần nâng cao chất lượng nghiên cứu, rút ngắn quá trình ứng dụng khoa học vào thực tiễn. 

Có thể nói việc đào tạo và phát triển KTTT trong môi trường giáo dục đại học là một giải pháp tổng thể nhằm thúc đẩy quá trình phát triển bền vững của cộng đồng người học cũng như xây dựng một xã hội học tập. Chính vì thế, việc triển khai các chương trình KTTT sẽ cần có sự phối hợp tác của nhiều bộ phận, tổ chức, tập thể và cá nhân trong nhà trường.Đây vừa là thách thức, nhưng cũng vừa là thời cơ để ngành giáo dục nâng cao chất lượng giáo dục và tăng cường khả năng nhận thức của sinh viên trước bối cảnh của cuộc cách mạng thông tin và truyền thông ngày nay.

3.Khảosát đánh giá kiến thứcthông tin của sinh viên ngànhVăn học và Văn hoá học, Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Khánh Hoà

- Tổng quan về các ngành học và mẫu khảo sát 

Ngành Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông) (VH) và ngành Văn hoá học (Văn hoá - Truyền thông) (VHH)thuộc khốingànhKhoa họcXãhội và Nhân văn (KHXH&NV), Đại học Khánh Hoà. Chương trình đào tạo trình độ đại học 02 ngành này cung cấp những kiến thức đại cương cũng như kiến thứcchuyên ngànhvề lĩnhvực Văn học, Văn hoá học, Báo chí và Truyền thông. Bên cạnh đó, chương trình cònhướng tớiđào tạo và phát triển các kỹ năngnhư: kỹ năng nghiên cứu;kỹnăng viết báo, biên tập báo chí, xuất bản; kỹnăng tổ chức các sự kiện truyền thông; kỹ năng xây dựng, tổ chức, quản lý các hoạt động văn hoá, báo chí, truyền thông; kỹ năng thông tin,…Vớihướng đào tạo thiên về ứng dụng và áp dụng hình thức đào tạo theotín chỉnên các hình thức học tập củasinh viên tương đối đa dạng. Sinh viên thườngtham gia giờ học lý thuyết trên giảng đường; tham gia làm thực hành môn học ở các phòng thực hành;thựctế, thực tập môn học; tham gia nghiên cứu khoa học; tham gia các diễn đàn, hội thảo khoa học;tự học ở thư viện;...Các hình thức này đảm bảo cung cấp hệ thống kiến thức cơ bản, giúp sinh viên làm quen với những phương pháp họctập và cáckỹ năngmới trong môi trường giáo dục đại học. Có thể thấy hệ thống kiến thức và kỹ năng đối với 2 chuyên ngành đạo tạo này đòi hỏi sinh viên phải luôn nỗ lực, phấn đấu để hoàn thiện và phát triển bản thân trong suốt quá trình học tập. Vìvậy việc phát triển KTTT đối với 2 chuyên ngành VH và ngành VHH tại Khoa KHXH&NV, Đại học Khánh Hoà là vô cùng cần thiết, giúp sinh viên có những kỹ năng bổ trợ hữu ích trong quá trình nhận diện, khai thác và sử dụng thông tin phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của mình.

Việc khảo sát, phân tích thực trạng KTTT của sinh viên ngànhVHvàsinh viên ngành VHH được thực hiện thông qua điều tra bằng bảng hỏitrực tuyến. Liên kết khảo sát được gửi tới 75sinhviên, thu về 56phiếuphản hồi (đạt75%tỉ lệ khảo sát). Dođặc thù 2 ngành đào tạo này mới được bắt đầu từ năm học 2019 và 2020 nên 75phiếu được phátnhiềucho sinh viên năm nhất(67,9%) thuộc cả 2 chuyên ngành và số phiếu ít hơn thuộc về sinh viênnăm hai(32,1%). Số phiếu khảo sát phần lớn tập trung vào các em sinh viênthuộc chuyên ngành VH bởi chuyên ngành này đã tuyển sinh được 2 khoá và đa số các em đã được tham gia vào các hoạtđộng học tập, bước đầu làm quen với nghiên cứu khoa học.Phầnlớn sinh viên tham gia khảo sát là nữ (71.4%), điều này phù hợp với hiện trạng giới tính của sinh viên đang theo học thuộc 2 chuyên ngành. 

 

 

Hình 1: Biểu đồ tỉ lệ khảo sát theo năm học và giới tính của sinh viên

·     Kết quả đánh giá nhu cầu tin của sinh viên

- Mục đích tìm kiếm thông tin:Bởi nhiệm vụ của sinh viên gắn liền với các hoạt động học tập và phát triển các kỹ năng cũng như tìm tòi nghiên cứu để tiếp cận, sáng tạo ra nguồn thông tin, tri thức mới nên điều này cũng thể hiện rõ trong mục đích tìm kiếm thông tin của sinh viên. Có tới 94.6% sinh viên tìm kiếm thông tin cho mục đích “học tập nghiên cứu”. Đây là một tỉ lệ lớn, thể hiện thái độ tốt trong việc học tập của sinh viên. Bên cạnh đó việc tìm kiếm thông tin cho mục đích “giải trí” và “tiếp cận thông tin mới” cũng chiếm tỉ lệ khá cao với trên 50%, điều đó cho thấy nhu cầu tin phù hợp với lứa tuổi và tính chất chuyên ngành VH và VHH mang tính ứng dụng.

Hình 2: Biểu đồ thể hiện tỉ lệ về mục đích tìm kiếm thông tin của sinh viên

            Chỉ 7.1% sinh viên chọn đáp án “mục đích khác” và không nêu rõ lý do. Việc thu thập và đánh giá mục đích tìm kiếm thông tin của sinh viên 2 chuyên ngành này giúp cho Khoa, Thư viện và nhà trường có kế hoạch định hướng thông tin/ tài liệu cho sinh viên một cách phù hợp nhất.

- Mức độ tìm kiếm thông tin:Kết quả khảo sát cho thấy tần suất tìm kiếm thông tin phục vụ quá trình học tập, nghiên cứu của sinh viên nằm ở ngưỡng trung bình với 55,4% số sinh viên được khảo sát trả lời “thường xuyên” tìm kiếm thông tin, số còn lại có nhu cầu thông tin với tần suất “thỉnh thoảng” chiếm tới 44.6%, không có sinh viên “không tìm kiếm thông tin”. Với 55.4% sinh viên thường xuyên tìm kiếm thông tin, có thể thấy rằng tinh thần chủ động trong việc học tập của sinh viên là rất cao. Thóiquen này tạo rasựchủ độngkhitìm kiếm thông tin, tài liệu từ các nguồn khác nhau phục vụ cho quá trình học tập và nghiên cứu. Tuy vậy, vẫn có tới 44.6% sinh viên ít khi tìm kiếm thông tin, tài liệu. Điều này cho thấy nhu cầu tin của sinh viên ngành VH và VHH trong 2 năm học đầu tiên không diễn ra thường xuyên còn chiếm tỉ lệ khá lớn. Có thể sinhviêncho rằng những tài liệu giáo viên cung cấp là đã đủ nên họ không có nhu cầu tìm kiếm thêm thông tin hoặc cũng có thể họ chưa biết cách tìm kiếm.

Hình 3: Biểu đồ về tỉ lệ tần suất tìm kiếm thông tin của sinh viên

Quan sát lớp học trong quá trình dạy và học tại 2 chuyên ngành này cho thấy sinh viên chỉ tìm thông tin khi giáo viên bộ môn yêu cầu và tìm kiếm thông tin trong giai đoạn chuẩn bị ôn tập kiểm tra hoặc thi kết thúc học phần. Điều này đặt ra yêu cầu cần gia tăng các biện pháp để thúc đẩy hoạt động tìm kiếm thông tin của sinh viên diễn ra liên tục hơn trong suốt quá trình học tập tại trường.Cầntìm hiểu rõ nguyên nhân và quan tâm hơn tới những nhóm sinh viên này nhằm có biện pháp hữu hiệu để phát triển kỹ năng tìm kiếm thôngtin cho họ. 

-Về hình thức thông tin:Trước yêu cầu của học chế tín chỉ vàthời gian học tập được tổ chức linh động giữa học trực tiếp và học trực tuyến nên sinh viên phải tìm kiếm tài liệu trênthư viện và cảcác trang web, các CSDL online. Ngoài ra, họ luôn tìm kiếm các bài giảng điện tử, tài liệu tham khảo do giảng viên yêu cầu thu thập và cập nhật. Do đó, sinh viên có nhu cầu cao đối với các CSDL online, ebook và bài giảng điện tử... Sinh viên quan tâm chủ yếu tới các loại giáo trình, sách tham khảo, tạp chí chuyên ngành. Do khả năng sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế nên tài liệu mà nhóm đối tượng này quan tâm chủ yếu là các tài liệu tiếng Việt. Nhu cầu tin của họ tương đối đa dạng, phong phú. 

- Về nội dung thông tin: Với đặc thù chuyên ngành VH và VHH được đào tạo theo hướng ứng dụng nên nhu cầu tin của sinh viên thuộc 2 chuyên ngành này cũng thường quan tâm tới các tin tức thời sự tổng hợp (51.8%) và thông tin giải trí (62.5%), ngoài ra các nội dung thông tin khác cũng chiếm 17.9% sự quan tâm của sinh viên. Đối với sinh viên những năm đầu, nhu cầu về nội dung thông tin rất đa dạng, phong phú nhưng không mang tính chuyên sâu, chủ yếu gắn với chương trình học tập của họ, thôngtin/tài liệu về cácmôn học cơ sở ngành thu hút được sự quan tâm lớn (75%). Ngoài ra, sinh viêncòn quan tâm đến giáo trình, tài liệu tham khảo của các môn học cơ bản thuộc học phần bắt buộc như: Triết học, Tâm lí học, Tư tưởng Hồ Chí Minh,…

Hình 4: Tỉ lệ tiếp cận nội dung thông tin của sinh viên 

Đối với sinh viên năm haithuộc chuyên ngành VH, khibắt đầutham gia nghiên cứu khoa học, làm tiểuluận môn họcvà cácbài tập tácnghiệp chuyênmôn nên nhu cầu thông tin của họ có phần chuyên sâu hơn.Hơn nữa đây là thời điểmsinh viên bắt đầu học các môn cơsở ngành và chuyên ngành nên nhu cầu về thông tin thuộc các lĩnh vực chuyên ngành cũng bắt đầu được hình thành.Nhìn chung, nội dung về nhu cầu tin của sinh viên thuộc 2 chuyên ngành Văn hoạc và Văn hoá học khá phong phú và đa dạng, tập trung vào các thông tin phục vụ học tập, nghiên cứu và các thông tin thời sự, tin tức, giải trí tổng hợp. Kết quả này cho thấy sự phù hợp trong nội dung nhu cầu tin của sinh viên với tính chất chuyên ngành được đào tạo của Khoa KHXH&NV.       

- Về khả năng đáp ứng của thông tin: Mức độ đáp ứng của kết quả thông tin tìm được của sinh viên thường không cao (xem hình 5). Chưa đến một nửa sinh viên hài lòng thường xuyên với kết quả tìm kiếm của mình. Kết quả thông tin sinh viên tìm kiếm chỉ “thỉnh thoảng” đáp ứng nhu cầu tin chiếm tới 51,8%.Với mức độ đáp ứng nhu cầu tin còn ở tỉ lệ thấp như thế này, đòi hỏi cần phải có một kế hoạch đào tạo nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng về thông tin cho sinh viên, hướng tới mục tiêu tiếp cận, khai thác và sử dụng thông tin một cách hiệu quả hơn.

  • Kết quả đánh giá kiến thức thông tincủa sinh viên

Kỹ năng nhận dạng nhu cầu tin:Kỹ năng nhận dạng nhucầu tinlà điều kiện quan trọng để sinh viên có thể hướng tới việc tìm kiếm và sử dụng thông tin. Qua theo dõi sinh viên khi họctrên lớp và khi đến thư viện mượn sách, cóthểnhận thấy nhiều sinh viên đãcó khả năng nhận dạng nhucầu tincủa mình. Bên cạnh việc mượn giáo trình, tài liệu bám sát chương trình môn học, nhiều sinh viên đã mở rộng phạm vi tham khảo tài liệu bằng cách tìm theo chủ đề, từ khóa phù hợp với các khía cạnh liên quan đến vấn đề mình quan tâm. Ví dụ khi sinh viên tìm tài liệu theo chuyên ngành của mình như: Nghiệpvụ báo chí, truyềnthông đa phương tiện; Lịch sử tư tưởng văn hoá phương Đông,... họ sẽ tìm theo thuật ngữ từ khóa cần tìm, nhận dạng ký hiệu xếp giá được định dạng trong thư viện, nhận dạng theo sơ đồ bố trí, sắp xếp kho sách. Như vậy có thể thấy rằng sinh viênchuyên ngành VH và VHH đã biết nhận dạng nhucầu tinở mức độ nhất định.

-Kỹ năng tìm kiếm thông tinKhi đã nhận dạng được nhucầu tin, điều quan trọng là sinh viên phải xác định xem thông tin, tài liệu cần tìm sẽ có ở đâu để từ đó tiến hành tìm kiếm thông tin. Sau khi sinh viên đã xác định được yêu cầu tin của mình và xác định được nguồn tra cứu thì lựa chọn một công cụ tra cứu phù hợp là quan trọng và cần thiết. 

+ Xác định nguồn thông tin và chọn công cụ tra cứu:Trong thực tế, sinh viên ngànhVH và VHHcó xu hướng ưu tiên các phương tiện tìm tin hiện đại. Có tới 96.4%sinhviên  được hỏi cho rằng họ tìm kiếm thông tin, tư liệu từ Internet và các CSDL, ngược lại chỉ có 33.9% trả lời thư viện là nơi họ tìm kiếm thông tin. Kết quả này chứng minh rằng, thư viện chưa đáp ứng được nhu cầu tin của sinh viên hoặc khả năng marketing của Thư viện còn kém nên sinh viên chưa nhận biết được nguồn tài liệu giá trị có trong Thư viện. Thực tế đó cũng cho thấy, nhu cầu sử dụng thông tin từ các CSDL, từ Internet của sinh viên là rất lớn. Đây chính là vấn đề thư viện cần nghiên cứu và đưa ra giải pháp phù hợp với thói quen sử dụng tài liệu điện tử, tài liệu số. Tuy nhiên, cùng với việc phát triển nguồn tài liệu điện tử, cũng cần tính đến việc phát triển hài hòa nguồn tin trên giấy một cách có trọng tâm, với chất lượng cao nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng tin.

Hình 5: Biểu đồ thể hiện tỉ lệ sử dụng các kênh tìm kiếm thông tin của sinh viên

Với nhữngsinh viênthực hiện quá trình tìm kiếm thông tin trên Internet, có tới 96,4% sử dụng công cụ tìm kiếm là Google, Facebook, Tiktok,…. Tuy vậy, cũng có 55,4% sinh viên khi được hỏi thì trả lời rằng họ tiếpcận thông tin qua kênh Bạn bè, Thầy/Cô và chỉ 33,9% sinh viên tìm tới thư viện để tìm kiếm thông tin, tài liệu. 

+ Cách thức tìm kiếm thông tin:Tìm kiếm đơn giản là quá trình tìm kiếm sử dụng từng trường tìm kiếm đơn giản như: tìm theo nhan đề hoặc tìm theo tác giả, tìm theo từ khóa... Tìm kiếm nâng cao là quá trình tìm kiếm sử dụng các trường nhan đề, tác giả, chỉ số phân loại, từ khóa kết hợp với việc sử dụng các toán tử để thu hẹp hoặc mở rộng các kết quả tìm. Mức độ chênh lệch giữa khả năng tìm kiếm đơn giản và nâng cao khi sử dụng các công cụ tìm tin của sinh viên là khá lớn(94.6% so với 23.2%). Những sinh viên biết sử dụng các chiến lược tìm kiếm thông tin linh hoạt sẽ mang lại kết quả tìm như mong muốn, họ biết cách chọn lọc thông tin và đưa ra giới hạn tìm chính xác, hiệu quả nhất. 

Kỹ năng đánh giá thông tin: Bên cạnh các kỹ năng về tra cứu/tìm kiếm thông tin thì sinh viên cần phải có kỹ năng đánh giá các thông tin. Đánh giá và so sánh thông tin từ các nguồn khác nhau theo phương diện: chất lượng; mức độ phù hợp, giá trị thông tin, độ chính xác, bản quyền, mức độ cập nhật...Ví dụ, để đánh giá theo phương diện giá trị thông tin, cần bám vào các tiêu chí như: tác giả, nội dung tài liệu. Để đánh giá độ tin cậy của thông tin cần dựa trên tiêu chí nhà xuất bản, người cung cấp thông tin; hay để đánh giá mức độ cập nhật của thông tin cần bám vào tiêu chí năm xuất bản của tài liệu... 

Hình 6: Biểu đồ thể hiện tỉ lệ tiêu chí đánh giá thông tin của sinh viên

Kỹ năng sử dụng và trao đổi thông tin trong học tập và nghiên cứu:Như chúng ta đã biết, thông tin chỉ có giá trị khi nó được khai thác, sử dụng và trao đổi.Sau khi đã tìm được các thông tin phù hợp với yêu cầu tin của mình, sinh viên sẽ sử dụng thông tin tìm được phục vụ cho việc học tập và nghiên cứu của mình. Hơn nữa, với sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin và truyền thông, thì ngày nay ai cũng có thể đưa thông tin lên mạng. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra là làm sao để họ có thể sử dụng các thông tin tìm được một cách hiệu quả và hợp pháp. Để làm được điều này đòi hỏi sinh viên phải có sự hiểu biết về vấn đề bản quyền và có kỹ năng trích dẫn tài liệu, lập danh mục tài liệu tham khảo. Ở nước ta hiện nay, vấn đề bản quyền và quyền tác giả còn chưa được coi trọng. Đặc biệt trong các thư viện đại học, quyền sở hữu trí tuệ, quyền tác giả thường xuyên bị xâm phạm. 

Sinh viên ngànhVH và VHHvề cơ bản có hiểu biết về bản quyền và sở hữu trí tuệ (80,4%) song tỷ lệ thực hiện theo quy định bản quyền – sở hữu trí tuệ khi sử dụng thông tin tìm được nói chung chưa cao. Thực tế này có thể lí giải vì sinh viên có biết đến quy định về bản quyền, về sở hữu trí tuệ, nhưng chưa biết cách áp dụng cụ thể từng trường hợp vào thực tế nên các em đã không thực hiện theo quy định. Một số sinh viên đã có nhận thức, tìm hiểu thông tin về vấn đề này tuy nhiên vẫn vi phạm do không có cơ chế xử phạt thích đáng. 

Hình 7: Biểu đồ thể hiện tỉ lệ tần suất trích dẫn thông tin/tài liệu của sinh viên

Kết quả điều tra cho thấy có 60.7% sinh viên thực hiện việc trích dẫn tài liệu tham khảo. Với trên một nửa trong tổng số sinh viên được điều tra thực hiện việc trích dẫn tài liệu tham khảo, có thể thấy rằng đa số các em đã nhận thức được sự cần thiết của việc trích dẫn tài liệu khi làm bài tập hoặc nghiên cứu khoa học. Tuy nhiên, vẫn tồntại một sốsinh viên “hiếm khi trích dẫn” và “không bao giờ trích dẫn tài liệu”. 

- Đánh giá chung về KTTT của sinh viên

Nhìn chung, sinh viên ngànhVH và VHH về cơ bản đã biết cách nhận biết được nhu cầu tin của mình, biết cách tìm kiếm, đánh giá và sử dụng thông tin tuy nhiên ở mức độ chưa cao.Qua kết quả điều tra cho thấy, hơn 80% sinh viên 2 ngành được khảo sátđã từng nghe nói hoặc đã biết đến khái niệm KTTT. Như vậy, đây là thuận lợi bước đầu trong việc triển khai các chương trình đào tạo, phát triển KTTT cho sinh viên. Hiểu biết của sinh viên về luật sở hữu trí tuệ chưa được đầy đủ. Kỹ năng trích dẫn và việc thực hiện trích dẫn tài liệu, ý tưởng của người khác trong quá trình học tập, nghiên cứu, làm bàitập,... vẫn chưa được sinh viên chú trọng. Đây là nguyên nhân dẫn đến việc sử dụng các nguồn thông tin tùy tiện, không tôn trọng bản quyền và xa hơn nữa là hình thành nạn “đạo văn” trong môi trường học tập, nghiên cứu. 

Cóthể thấy hoạt độngphát triển KTTT cho sinh viên Việt Nam nói chung và sinh viên ngànhVH và VHHnói riêng vẫn còn khá mới mẻ, nhận thức về nội dung KTTT và vai trò của nó trong cuộc sống của ngay cả các cấp lãnh đạo cũng chưa rõ ràng và nhất quán. Chính vì vậy nhà trường chưa xây dựng một chương trình, kế hoạch phát triển KTTT hoàn chỉnh gồm các tiêu chuẩn cần đạt được và cách thực hiện để các bộ phận liên quan trong toàn trường phối hợp thực hiện.Đội ngũ cán bộ giảng dạy và nghiên cứu khoa học của trường cũng chưa hiểu đầy đủ về KTTT để có thể vận dụng lồng ghép giáo dục kiến thức thông tin trong bài giảng và hướng dẫn thực hành của mình. Những điểm yếu đó sẽ là những cản trở khá lớn cho quá trình học tập và lĩnh hội tri thức của sinh viên trong môi trường hội nhập quốc tế và xã hội thông tin phát triển. Những điểm yếu đó đòi hỏi phải được nhìn nhận và khắc phục kịp thời bằng một hệ thống các giải pháp đồng bộ. 

3. Một số giải pháp phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên ngành Văn học (Văn học – Báo chí, truyền thông) – Đại học Khánh Hoà

Tăng cường nội dung và thời lượng các chương trình phát triển KTTT:Lồng ghép kiến thức thông tin vào chương trình đào tạo là việc cung cấp các kỹ năng về thông tin thông qua nội dung, cấu trúc bài giảng, các phương pháp dạy học, hệ thống kiểm tra, đánh giá kết quả học tập và nguồn thông tin phong phú, dồi dào và nó được xem như là cốt lõi của bất kỳ chương trình kiến thức thông tin nào ở đại học. Khi chưa đủ điều kiện để triển khai nó như một môn học, chúng ta có thể lồng ghép KTTT vào ngay trong các môn học, hoặc triển khai vào đầu mỗi năm học hoặc học kỳ. Chỉ như vậy, sinh viên mới có khả năng cơ bản để biến quá trình đào tạo thành quá trình tự đào tạo ở môi trường đại học, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng học tập của mình. 

Xây dựng phong cách học tập chủ động tích cực cho sinh viên:Để có thể xây dựng phong cách học tập chủ động cho sinh viên, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương pháp và chương trình đào tạo bằng cách: Chương trình đào tạo cần bảo đảm tính hợp lý, cân đối trong cơ cấu, nội dung các môn học, thời gian đào tạo các môn học cơ bản và chuyên ngành giữa lý thuyết, thực hành, thực tập; Khuyến khích và tạo điều kiện cho sinh viên nghiên cứu khoa học. Ban giám hiệu nhà trường cần đánh giá và nâng cao vai trò của thư viện thông qua việc chủ động tổ chức nhiều hội thảo và các lớp học về kỹ năng thông tin, kỹ năng thư viện theo từng cấp độ khác nhau. Chương trình KTTT cầnđược triển khaicho sinh viên năm thứ nhất. Cầnthường xuyên tổ chức hội thảo, thảo luận để sinh viên và giảng viên cùng trao đổi vấn đề này, đồng thời qua đó truyền đạt kiến thức về pháp luật liên quan đến sở hữu trí tuệ cho sinh viên.

- Nâng cao nhận thức cho sinh viên về các vấn đề đạo đức và pháp luật trong sử dụng thông tin: Trong xã hội thông tin ngày nay, sinh viên phải đối mặt với nhiều vấn đề về thông tin và sử dụng, chia sẻ thông tin như: Vấn nạn tin giả, vi phạm bản quyền tác giả, vi phạm luật sở hữu trí tuệ,… Để có thể nâng cao nhận thức cho sinh viên về các vấn đề này, cần tăng cường các biện pháp về tuyên truyền, vận động và phổ biến các quy định pháp luật về luật thông tin và an toàn thông tin tới sinh viên. Khuyến khích sinh viên tham gia các cuộc thi tìm hiểu về các vấn đề bản quyền tác giả, xây dựng quy chế và quy định trong việc trích dẫn, tham khảo tài liệu trong quá trình học tập và nghiên cứu,… 

Nâng cao nhận thức và phối hợp chặt chẽ giữa các bộ phận trong trường để phát triển kiến thức thông tin cho sinh viên:Để có thể tích hợp việc phát triển KTTT cho sinh viên trong toàn bộ chương trình học tập, cần có sự phối hợp hành động của các phòng, ban, khoa trong nhà trường dưới sự điều phối của Ban Giám hiệu, đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cán bộ thư viên và đội ngũ giảng viên. Cán bộ thư viện có trách nhiệm cung cấp cho sinhviênnhững nguồn thông tin và các khóa học về kỹ năng thông tin phù hợp, trong khi đó cán bộ giảng dạy và bộ phận tư vấn học tập lại đóng vai trò là những người khuyến khích và hướng dẫn sinhviênđạt được mục tiêu học tập độc lập và lối tư duy tích cực. 

KẾT LUẬN 

Qua kết quả điều tra khảo sát thực trạng KTTT của sinh viên cho thấy đa phần sinh viên có đầy đủ các kỹ năng cần thiết của KTTT tuy ở mức độ chưa cao. Phần lớn sinh viên cũng đã nhận thức được tính hữu ích của KTTT đối với việc học tập và cho công việc sau này của mình. Như vậy, có thể thấy chương trình đào tạo, phát triển KTTT cho sinh viên của KhoaKHXH&NV – Đại học Khánh Hoàphần nào đã đạt được những kết quả tích cực. Hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ đã tác động rất lớn tới nhu cầu tin của sinh viên. Chính vì vậy, cần chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng các chương trình đào tạo, phát triển KTTT cho sinh viên để sinh viên có thể nhận biết được nhu cầu tin của mình, từ đó biết cách tìm kiếm, đánh giá và sử dụng thông tin sao cho phù hợp, đáp ứng được nhu cầu học tập và nghiên cứu của mình. Vai trò của KTTT và yêu cầu phát triển KTTT trong xu thế tự học hiện nay đòi hỏi cầncóchương trình phát triển KTTTphù hợpcho sinh viênđểmang lại hiệu quả cao nhất, giúp sinh viên có thể làm chủ tri thức trong xã hội thông tin. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. ACRL, 2000 Information Literacy Competency Standards for Higher Education, Chicago, Association of College and Research Libraries.
  2. Bùi Thị Thanh Diệu, 2018, Tài nguyên giáo dục mở và vấn đề phát triển kiến thức thông tin ở các trường đại học Việt Nam, Hội thảo Giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ giáo dục, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội
  3. Huỳnh Thị Trúc Phương, 2010, Công tác đào tạo kỹ năng thông tin tại Trung tâm học liệu Đại học Cần Thơ, Tạp chí Thư viện, số 3(23), tr. 19-22. 
  4. UNESCO, 2005, Development of Information Literacy through School Libraries in South-East Asian Countries, (IFAP Project 461RAS5027), Bangkok, 12p.
  5. Vũ Dương Thúy Ngà, 2012, Thư viện đại học với việc trang bị kiến thức thông tin cho sinh viên: Thực trạng và một số vấn đề đặt ra, Tạp chí Thư viện, số 5 (37), tr. 7-1

TS. Bùi Thị Thanh Diệu

Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn

 

 
Khoa Khoa học XH&NV