1. Mở đầu
Đầu những năm 1960, phong trào cách mạng miền Nam chuyển sang giai đoạn tấn công. Chính quyền Ngô Đình Diệm nguy kịch. Tổng thống Johnson quyết định leo thang trong chiến tranh Việt Nam. Ngày 9/5/1964, Mỹ gửi công hàm cho các nước đồng minh, yêu cầu cùng chia sẻ trách nhiệm với Mỹ ở Việt Nam. Ngày 15/7/1964, Thủ tướng Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Khánh gửi công hàm đề nghị 34 nước chi viện quân sự: “Sự uy hiếp xâm lược của chủ nghĩa cộng sản không chỉ tạo nên tình trạng nguy hiểm cho riêng Nam Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến việc bảo vệ an ninh các nước Đông Nam Á, thậm chí uy hiếp trực tiếp đến việc bảo đảm an ninh và hòa bình toàn thế giới tự do”(Ku Su Jeong, 2008). Có 39 nước và vùng lãnh thổ hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ, trong đó 5 nước gửi quân tham chiến là Australia, Hàn Quốc, New Zealand, Thái Lan và Philipines, cùng sự hỗ trợ kỹ thuật và hậu cần của 34 nước và vùng lãnh thổ khác, như Nhật Bản, Singapore, Đài Loan, Iran, Malaysia, Tuynidi… nhưng, chúng vẫn không lật ngược thế trận theo hướng có lợi cho chính phủ Sài Gòn.
2. Nội dung
2.1. Các nước hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ
2.1.1.Australia
Trong các năm 1961, 1962, Đội Hướng dẫn Quân sự Australia, gồm 30 người là chuyên viên kỹ thuật, cố vấn quân sự… chuyên trách về tác chiến rừng rậm, đến Sài Gòn. Đầu năm 1964, 1 đội bay gồm 6 chiếc máy bay vận tải Caribou với 74 binh sĩ đến hỗ trợ công tác hậu cần, vận chuyển và đơn vị này đóng ở Vũng Tàu. Tháng 7/1964, đội cố vấn 12 người là các kỹ sư dân sự đến miền Nam hỗ trợ công tác phát triển nông thôn. Cuối năm 1964, một đội y tế Hoàng gia Úc đến Long Xuyên và một đội khác đến Biên Hòa vào tháng 1/1965.
Ngày 26/5/1965, 1.400 quân Úc đến Việt Nam, đóng quân tại Biên Hòa, bao gồm: Đơn vị Chỉ huy của Quân đoàn Viễn Đông, Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn Hoàng gia Úc (RAR), 1 đội Truyền tin số 79, 1 đại đội hỗ trợ hậu cần. Ngày 30/9, 1 pháo đội 105mm, 1 đội công binh dã chiến, 1 đội thiết giáp chở quân, 1 đội truyền tin và 1 phi đội trinh sát được điều sang Việt Nam.
Tháng 3/1966, một lực lượng đặc biệt thay cho RAR, gồm 2 tiểu đoàn và các thiết bị hỗ trợ (Phi đội RAAF) đóng tại núi Đất, Phước Tuy. Sau đó, Úc gửi thêm những đơn vị Hải quân và các đơn vị Không quân, gồm 1 Khu trục hạm H.M.A.S Hobart, các toán người nhái, 1 phi đội 8 chiếc máy bay ném bom B-57 Canberra, đội hỗ trợ dân sự gồm 80 người, và các đơn vị phụ trợ khác, sang miền Nam.
Tháng 10/1967, Úc gửi thêm 1.978 quân, gồm: Tiểu đoàn 3 Bộ binh được biên chế vào Lực lượng Đặc nhiệm số 1, 1 Chi đoàn 15 xe tăng Centurion với quân số 250 người (có mặt tại Nam Việt Nam vào từ tháng 2 – 3/1968), 1 đội Công binh 45 người và 125 sĩ quan để tăng viện cho các bộ chỉ huy. Phi đoàn Không quân số 3 được tăng viện thêm 8 chiếc trực thăng Iroquois, 10 phi công, 20 phi công phụ và 100 nhân viên bảo dưỡng. Số lượng lính Australia đông nhất tại miền Nam được ghi nhận vào năm 1969 là 7.672 người(Phan Bá, 2017).
Tại Việt Nam, quân Úc tiếp quản 8 chiếc trực thăng Huey UH-1B và được hỗ trợ pháo binh từ Lực lượng Dã chiến số 2 của Mỹ. Nhiệm vụ của quân Úc là kiểm soát tình hình ở tỉnh Phước Tuy, Quốc lộ 15 và các khu vực phía Đông rừng Sác (Sài Gòn). Bộ Tư lệnh đóng tại 12 Trần Quốc Toản, Sài Gòn. Tư lệnh là Chuẩn tướng Oliver David Jackson.
Ngày 11/1/1973, Toàn quyền Paul Hasluck tuyên bố chấm dứt sự tham chiến của quân Úc tại Việt Nam.
2.1.2. Đại Hàn Dân Quốc
Đợt 1: Đoàn chi viện với 200 quân được biên chế vào Đoàn Huấn luyện viên Taekwondo và Đơn vị Phẫu thuật Quân y Lưu động đến Vũng Tàu vào ngày 22/9/1964.
Đợt 2: Ngày 5/2/1965, Đạo quân Bồ câu với hơn 2.000 lính đến Sài Gòn trong 2 đợt (đợt 1 vào ngày 25/2 và đợt 2 là ngày 16/3), gồm công binh, nhân viên y tế, nhân viên liên lạc, quân cảnh… được triển khai đến Biên Hòa để tham gia các hoạt động chống nổi dậy, xây cầu, đường sá, khám chữa bệnh cho quân nhân và quần chúng.
Đợt 3: Ngày 2/11/1965, 18.500 quân, gồm 1 Lữ đoàn Lính thủy đánh bộ (4.480 quân), 1 Sư đoàn Lục quân và Bộ Tư lệnh Chi viện Quân nhu (13.830 người), sang miền Nam.
Đợt 4: Ngày 16/4/1966, Đơn vị Eun San Jin cập cảng Quy Nhơn (Bình Định). Ngày 9/8/1966, Đội tiền trạm của Sư đoàn Bạch Mã cập cảng Cầu Đá (Nha Trang – Khánh Hòa). Đoàn chi viện đợt 1 có mặt tại miền Nam vào ngày 3/10/1966.
Ngoài ra, các đơn vị khác của Hàn Quốc cũng đóng chốt tại các vị trí quan trọng như: Tư lệnh 100 tiếp vận (8.800 quân) đến Việt Nam vào ngày 1/9/1966, đóng tại Nha Trang;Đoàn phẫu thuật Quân y Lưu động (130 quân) đến Việt Nam vào ngày 22/9/1964, đóng tại Vũng Tàu; Đoàn Công binh (2.200 quân) đến Việt Nam vào ngày 15/2/1965, đóng tại Dĩ An (Biên Hòa); Đoàn Hải vận (580 quân) đến Việt Nam vào ngày 15/2/1965, đóng tại Sài Gòn; Đoàn Không vận (60 quân) đóng tại Sài Gòn và một số đơn vị khác (khoảng 2.000 quân)(Ku Su Jeong, 2008).Tổng Tư lệnh là Trung tướng Chae Myung Shin. Trụ sở Tổng Tư lệnh đặt tại 606 Trần Hưng Đạo, Sài Gòn. Tư lệnh Lực lượng Dã chiến đặt tại Nha Trang.
Hàn Quốc rút quân về nước trong khoảng thời gian từ tháng 12/1971 – 29/3/1973.
2.1.3.New Zealand
Ngày 20/7/1964, một Trung đội Công binh và Tổ Phẫu thuật thuộc quân đội New Zealand đến Nam Việt Nam, đóng quân ở Thủ Dầu Một. Ngày 21/7/1965, đơn vị pháo 105mm, gồm 4 khẩu pháo với 120 quân nhân (Đại đội Pháo 161) thuộc Lực lượng Pháo binh Hoàng gia New Zealand được điều sang miền Nam. Sang năm 1967, 2 Đại đội súng trường từ Trung đoàn Bộ binh Hoàng gia New Zealand và 1 trung đội của Lực lượng Đặc nhiệm New Zealand, Lực lượng Không quân Đặc biệt có mặt tại Việt Nam(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, 2009). Lực lượng New Zealand được lồng ghép với lực lượng của Nhóm Đặc nhiệm Australia và cùng hoạt động tại tỉnh Phước Tuy. Bộ Tư lệnh đóng tại 12 Trần Quốc Toản, Sài Gòn.
Ngày 31/12/1972, New Zealand rút quân về nước.
2.1.4.Philippines
Theo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2009): ngày 20/7/1964, Cộng hòa Philippines gửi 34 quân nhân (gồm bác sĩ, y tá, chuyên gia phát triển nông thôn) dưới danh nghĩa là nhân viên dân sự đến Sài Gòn, chính thức tham gia vào cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Một tháng sau, ngày 16/8/1964, 16 sĩ quan quân đội Philippines có mặt tại Sài Gòn, làm cố vấn về chiến tranh tâm lý và dân vận cho Quân đoàn III quân đội Sài Gòn.
Ngày 20/7/1965, tướng Eneto Mata – Tham mưu trưởng quân đội Philippines và 9 sĩ quan khác đến Sài Gòn, để kiểm tra thực địa những khu vực dự kiến Lực lượng Đặc nhiệm Philipnes sẽ hoạt động. Mãi đến ngày 28/6/1966, bộ phận đầu tiên của Phái bộ Dân sự vụ Philippines đến Tây Ninh để khảo sát thực địa và tiến hành lập căn cứ tại đây. Bộ phận thứ hai - nhóm Kế hoạch tiền trạm, gồm 100 sĩ quan và binh sĩ đến Sài Gòn vào ngày 16/8. Bộ phận thứ ba, gồm 60 lái xe, chuyên viên bảo dưỡng và nấu ăn đến miền Nam vào ngày 9/9. Bộ phận cuối cùng của Phái bộ Dân sự vụ đến Sài Gòn vào ngày 11/9/1966. Đến giữa tháng 10/1966, toàn bộ Phái bộ Dân sự vụ Philippines có mặt đầy đủ ở miền Nam Việt Nam, với tổng quân số là 2.068 người. Các đơn vị trực thuộc của Phái bộ Dân sự vụ Philippines (PHILCAG), gồm: Tiểu đoàn An ninh Philippines, Tiểu đoàn pháo Dã chiến 105mm, Tiểu đoàn Công binh Xây dựng, Tiểu đoàn Quân y và Nha khoa, Đại đội yểm trợ hậu cần, Đại đội phục vụ và Sở chỉ huy(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, 2009, tr. 105-106). Bộ Tư lệnh đóng tại 12 Trần Quốc Toản, Sài Gòn.
Philippines hoàn tất việc rút quân về nước vào ngày 29/3/1973.
2.1.5.Thái Lan
Tháng 9/1964, 16 người thuộc Không lực Hoàng gia Thái Lan đến Sài Gòn để hỗ trợ vận hành và bảo dưỡng một số máy bay chở hàng của Không lực Việt Nam Cộnghòa. Tiếp đến, tháng 8/1965, Thái Lan đưa thêm một số quân nhân thuộc lực lượng hải quân sang Sài Gòn, giúp lực lượng hải quân Nam Việt Nam sử dụng một số tàu tuần tiễu và tàu đổ bộ do Mỹ trang bị. Ngày 11/7/1967, các lực lượng đầu tiên của Trung đoàn Tình nguyện Hoàng gia Thái Lan “Queen’s Cobras” (Hổ mang của Nữ hoàng), đến Việt Nam, đóng tại Bến Cát và bắt đầu các hoạt động chiến đấu từ tháng 10/1967(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, 2009). Theo Phan Bá (bản dịch tiếng Việt, 2018): vào tháng 7/1968, lực lượng Queen’s Cobras được thay thế bởi Sư đoàn Viễn chinh quân đội Hoàng gia Thái Lan “Black Panthers” – “Báo đen”, bao gồm 2 Lữ đoàn Bộ binh, 3 Tiểu đoàn Pháo 105 ly, và 1 đơn vị Kỵ binh, đóng ở Bearcat Base – một căn cứ quân sự ở thị trấn Long Thành, tỉnh Biên Hòa. Đến năm 1970, quân số Thái Lan tại Việt Nam là 6 tiểu đoàn với 11.586 quân. Đại bản doanh đóng tại Biên Hòa - Đồng Nai. Bộ Tư lệnh đóng tại 12 Trần Quốc Toản, Sài Gòn.
Quân Thái rời khỏi Việt Nam vào tháng 3/1971 và hoàn tất cuộc rút quân vào giữa năm 1972.
Ngoài các nước kể trên, Đài Loan, Brazil, Tây Ban Nha, Canada, Nhật Bản, Iran… gửi chuyên viên kỹ thuật, y tế và hậu cần sang miền Nam với những vai trò và nhiệm vụ khác nhau.
Như vậy, với danh nghĩa là đồng minh của Mỹ, nhằm ngăn ngừa sự xâm lấn của chủ nghĩa cộng sản theo học thuyết Domino tại Đông Á, ngăn chặn sự bành trướng trước ảnh hướng của cộng sản từ Bắc Việt Nam vào Nam Việt Nam, chính phủ các nước tích cực hưởng ứng lời kêu gọi của Mỹ và ồ ạt gửi quân tham chiến nhằm giúp Việt Nam Cộng hòa giành thắng lợi, vì “đây là một vấn đề liên hệ tới cả tương lai các quốc gia châu Á”.
2.2. Hoạt động quân sự của đồng minh Mỹ tại Nam Việt Nam
2.2.1. Kỹ năng và hiệu quả chiến đấu của quân đội các nước đồng minh
Đa số quân đội các nước đồng minh được huấn luyện có hệ thống, thiện chiến, giỏi võ. Về chiến thuật, họ có phương thức tác chiến phù hợp với Học thuyết Quân sự Mỹ; linh hoạt, nhuần nhuyễn trong chiến thuật đánh du kích và phục kích; tác chiến độc lập và tự tìm cách duy trì sự sống trong một thời gian tương đối lâu;am hiểu về địa thế chiến trường, về lối sống, thói quen và cách sinh hoạt của người châu Á. Đó là những kinh nghiệm mà họ tích lũy được trong các cuộc chiến tranh chống cộng sản trước đó, như cuộc chiến tranh giữa Hàn Quốc và Triều Tiên, giữa Úc và Malaysia, Nhật ở quần đảo Borneo…
Nhìn chung, chiến thuật của quân đồng minh thiên về du kích và phản du kích chiến – điều mà quân Mỹ ít nắm vững hơn. Chiến thuật này chậm nhưng an toàn, gây tổn thất cho đối phương, giảm thương vong cho mình. Nếu chiến thuật của quân Mỹ chủ yếu là tung ra các đợt truy lùng, càn quét bất ngờ vào các vùng căn cứ hòng lùa đối phương ra rồi dùng hỏa lực tiêu diệt, thì chiến thuật của quân Úc khá đối lập. Các trinh sát Úc âm thầm dò theo các dấu vết trong rừng, ngụy trang và yên lặng nằm quan sát, tiến vài bước, dừng, nghe ngóng rồi lại tiếp tục như vậy... trong nhiều giờ để quét một dặm địa hình, trong khi đó, đơn vị Tâm lý chiến sử dụng “Những linh hồn lang thang”, phát lại các bản ghi âm giọng nói – vào vai người Việt Nam đã chết – trên khắp các chiến trường vào ban đêm, với nội dung “Ba ơi, ba ở đâu? Con bị thương và con đang lang thang”(SBS Tiếng Việt, 2019) đem lại hiệu quả cao.
Quân Hàn Quốc áp dụng chiến lược “Căn cứ chiến thuật đại đội” – hệ thống căn cứ phòng thủ cấp đại đội ở nhiều nơi, nhằm ngăn chặn sự tấn công của Quân Giải phóng. Đêm đêm, các sư đoàn luân phiên phục kích các vị trí nghi ngờ với sự hung hãn, tàn bạo. Khi đi càn, chúng luôn đi đầu và được yểm trợ bởi trực thăng, pháo binh và bộ binh Mỹ. Tướng William Westmoreland đánh giá “họ có tinh thần chiến đấu và năng lực chuyên môn cao, có quyết định táo bạo”(Ku Su Jeong, 2008), “xét về tính chuyên nghiệp, quân nhân Hàn Quốc có ưu thế vượt trội so với tất cả các lực lượng đồng minh của chúng tôi ở miền Nam Việt Nam” – là lời nhận xét của tướng Creigton Abrams(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, 2009). Họ là nỗi khiếp đảm của người dân Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam… Chỉ cần một lính Hàn bị giết, họ sẽ đem cả làng bị nghi ngờ ra xử bắn. Xả súng, phóng lửa đốt nhà, hãm hiếp phụ nữ đến chết, xé đôi trẻ con… đều có thể tìm thấy ở những nơi lính Hàn càn quét.
Chỗ nào lính Đại Hàn qua
Giếng sâu thuốc độc đã hòa nước trong
(Đốt vườn ở Kim Sơn, Luân Hoán)
2.2.2. Những chiến dịch quân sự tiêu biểu
Nhiệm vụ chính của quân đội các nước đồng minh là bình định, hành quân càn quét, bảo vệ căn cứ quân sự của Mỹ và các tuyến đường giao thông chiến lược trên toàn miền Nam. Theo ước tính, từ tháng 10/1965 - 3/1973, họ đã trực tiếp hoặc phối hợp tiến hành hàng ngàn cuộc hành quân cấp đại đội trở lên, hơn 1 triệu cuộc hành quân cấp trung đội trở xuống, càn quét, tìm diệt vào những khu vực, địa điểm nghi ngờ có Quân Giải phóng hoạt động.
Bảng 1.Một số cuộc hành quân do quân đồng minh Hoa Kỳ
trực tiếp hoặc phối hợp tiến hành trong chiến tranh Việt Nam
Chiến dịch
|
Thời gian
|
Địa điểm
|
Lực lượng
|
Hoạt động
|
|
6 – 10/7/1965
|
Long Khánh
|
Tiểu đoàn 1, Trung đoàn Hoàng gia Úc (phối hợp)
|
Không kích vào Chiến khu D – phía Bắc sông Đồng Nai.
|
Rolling Stone
|
11/2 – 2/3/1966
|
Km30 phía Tây Bắc sân bay Biên Hòa, Bình Dương
|
Pháo binh New Zealand (phối hợp)
|
Bình định
|
Sea Dragon
|
25 – 31/10/1966
|
|
Hải quân Hoàng gia Úc (phối hợp)
|
Chặn đường chi viện trên biển, từ miền Bắc vào Nam.
|
Don Ched I
|
17 – 20/10/1967
|
Vùng 3
|
Trung đoàn Tình nguyện Hoàng gia Thái Lan (phối hợp)
|
Tìm – Diệt
|
Toàn Thắng II
|
1/6/1968 – 16/2/1969
|
Sài Gòn và các tỉnh lân cận
|
Tiểu đoàn 1, 3, Trung đoàn Hoàng gia Úc + Tiểu đoàn 4, Trung đoàn Bộ binh Hoàng gia Úc/ New Zealand (phối hợp)
|
Bảo vệ các khu vực chỉ huy chiến thuật và hoạt động trinh sát.
|
Hoàng Diệu 101
|
17/12/1970 – 19/1/1971
|
Quảng Nam
|
Sư đoàn 2, Lữ đoàn Rồng Xanh (phối hợp)
|
Tìm – diệt trên biển
|
An Khê
|
10 – 26/4/1972
|
Bình Định
|
Trung đội 2, Tiểu đoàn 25 + Trung đội 8 và Trung đội Tìm diệt thuộc Tiểu đoàn 1 + Tiểu đoàn Kỵ binh Thiết giáp, Sư đoàn Mãnh Hổ
|
Đối phó với Tiểu đoàn 12 + Đại đội 63, Tiểu đoàn 95B + Đại đội Đặc công 450 Bắc Việt Nam + các lực lượng du kích Bình Định.
|
Vũng Rô
|
28 – 29/1/1973
|
Phú Yên
|
Đại đội 1, Tiểu đoàn 29, Sư đoàn Bạch Mã
|
Đối phó với các lực lượng du kích Phú Yên.
|
(Nguồn: Tác giả tổng hợp, 2020)
Ở miền Nam, quân Úc đã trực tiếp hoặc phối hợp với các đơn vị bạn tiến hành hơn 6.000 trận(SBS Tiếng Việt, 2019), trong đó trận Long Tân diễn ra vào ngày 18, 19/8/1966 là trận đánh nổi tiếng nhất. Đại đội Delta thuộc Tiểu đoàn 6, Trung đoàn Hoàng gia Úc đã đụng trận với khoảng 1.500 Quân Giải phóngtại một khu rừng cao su gần xã Long Tân, tỉnh Phước Tuy (nay là xã Long Tân, Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu). Đây là lần duy nhất quân đội Úc đơn phương đối đầu với Quân Giải phóng. Trận chiến này, quân Úc sử dụng hỏa lực và được xe tăng, máy bay yểm trợ, nên họ có ưu thế về chiến thuật;Trận Bình Ba diễn ra ở miền Trung Tuy Phước vào tháng 6/1969 là một trong số ít trận đánh của quân Úc diễn ra ở đô thị, điều mà lính Úc đặc biệt tránh vì thế mạnh của họ là chiến đấu ở địa hình rừng núi hiểm trở. Nhưng, kết quả là quân Úc thắng lợi(Vi.wikipedia.org, 2020).
Theo thỏa thuận, quân Hàn Quốc đóng giữ ở các tỉnh từ Bình Thuận - Quảng Nam, là những chiến trường trọng điểm của Quân khu 5 – nơi được Mỹ và chính quyền Sài Gòn gọi là Vùng 2 Chiến thuật. Họ nhanh chóng nổi lên như một lực lượng chiến đấu hung dữ trong các cuộc hành quân bình định và tìm diệt ở Duyên hải miền Trung, chia sẻ gần 40% nhân lực và sinh mạng chiến tranh cho nước Mỹ. Trong chiến tranh Việt Nam, số lượng hành quân của các lực lượng quân Hàn Quốc là nhiều nhất, với 1.170 cuộc hành quân cấp đại đội trở lên, hơn 556.000 cuộc hành quân cấp trung đội trở xuống(Choi Yong Ho, 2004)và 264.335 cuộc hành quân thông thường, diễn ra trong khoảng thời gian cuối năm 1965 – 31/8/1969(FONT Đệ nhị Cộng hòa, 1969), trong đó có trận Đức Cơ diễn ra từ ngày 9 – 10/8/1966, tại phía Tây Quốc lộ 19 thuộc địa phận tỉnh Gia Lai, giữa Đại đội 9 thuộc Trung đoàn Kỵ binh Thiết giáp, Sư đoàn Mãnh Hổ với Tiểu đoàn 5 thuộc Trung đoàn 33, Sư đoàn 308 của Quân Giải phóng. Kết quả, quân Hàn Quốc dành ưu thế;Chiến dịch Hong Kil Dong – là chiến dịch lớn nhất của quân Hàn Quốc, do Trung tướng Chae Myung Shin chỉ huy, diễn ra trong 48 ngày từ ngày 9/7 – 26/8/1967, tại khu vực gần Tuy Hòa, Phú Yên. Kết quả, quân Nam Hàn chiếm ưu thế về chiến thuật. Ngoài ra, quân Hàn Quốc còn trực tiếp hoặc phối hợp tiến hành một số chiến dịch khác, như chiến dịch Jefferson (1 – 18/1/1966, tại Phú Yên), chiến dịch Paul Revere/Thần Phong 14 (10/5 – 31/7/1966, tại Đắc Lắc và Gia Lai), chiến dịch Eagle’s Claw 800/Đại Bàng 800 (2/1967, tại Bình Định), chiến dịch Thăng Long 15 (5 – 28/9/1969, tại Quảng Nam), chiến dịch An Khê (10 – 26/4/1972, tại Bình Định)… Chiến dịch Vũng Rô (28 – 29/1/1973, tại Phú Yên) là chiến dịch quân sự cuối cùng của quân đội Hàn Quốc tại Việt Nam.
Quy mô chiến dịch của quân Thái Lan là vừa và nhỏ, vì họ ít đụng độ với các đơn vị chủ lực Quân Giải phóng, chủ yếu trạm chán với du kích và các đơn vị bộ đội địa phương trong các nhiệm vụ bình định vùng Đông Nam Bộ.Quân Thái giết chết 1.00.000 người/150 trận đánh trong chiến tranh Việt Nam(Richard A. Ruth, 2017).
Ban đầu, quân Mỹ và đồng minh mở các chiến dịch “tìm - diệt” để truy lùng, tiêu diệt các đơn vị Quân Giải phóng, nhưng càng về sau những chiến dịch ấy bị sa lầy trong thế trận chiến tranh nhân dân. Và, nó đã thất bại khi thương vong quá lớn, gây phẫn nộ trong dư luận Hoa Kỳ và quốc tế, bởi nó là “cuộc chiến tồi tệ” và Hoa Kỳ không nên tham gia – là lời của Tổng thống Mỹ Donald Trump trả lời nhà báo Anh Piers Morgan trên kênh truyền hình ITV, phát sóng ngày 5/6/2019. Trước đó, tướng John Wilton - cựu Tổng tham mưu trưởng quân đội Úc tại Việt Nam, nói: “Người Mỹ đã đánh giá quá thấp cái giá của cuộc chiến ở Việt Nam ngay từ đầu. Họ hoàn toàn không hiểu tính chất của cuộc chiến mà vẫn lao vào, kết quả là thất bại”(Người lao động, 2012).
2.3. Tác động của chiến tranh Việt Nam đối với các đồng minh Hoa Kỳ
2.3.1. Hưởng lợi từ cuộc chiến
Góp phần ổn định an ninh quốc gia. Đầu những năm 1960, tình hình chính trị, xã hội ở một số nước, như Hàn Quốc, Thái Lan, Philippines, Australia tiềm ẩn nhiều bất ổn. Đó là những hành động khiêu khích của Bắc Triều Tiên gây ra những bất ổn trên bán đảo Triều Tiên, các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực của các đảng phái, sự trỗi dậy của các tổ chức, nhóm, phần tử Hồi giáo ly khai, như người Moro Hồi giáo ở Nam Philippines, các tổ chức Hồi giáo ở miền Nam Thái Lan và những người ủng hộ chủ nghĩa cộng sản ngày càng gia tăng trong xã hội – là những mối đe dọa nghiêm trọng cho sự tồn vong của chính phủ các nước. Do những bất ổn này buộc chính phủ các nước chọn giải pháp gửi quân đội sang Việt Nam, để đổi lấy sự “bảo hộ” của Hoa Kỳ, thông qua việc cho Mỹ xây dựng các căn cứ và công trình quân sự.
Bảng 2.Một số căn cứ và công trình
quân sự của Mỹ tại các nước đồng minh châu Á
Tên gọi
|
Địa điểm
|
Mục đích
|
Ghi chú
|
Sân bay U-Tapao
|
Quận Ban Chang, tỉnh Rayong
|
Thái Lan
|
Các máy bay B-52 xuất phát từ căn cứ này, thực hiện các cuộc oanh tạc ở miền Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia
|
Là nước có nhiều căn cứ và công trình quân sự của Mỹ, với tổng kinh phí xây dựng là 500 triệu USD.
|
Sân bay Nakhom Phanom
|
Tỉnh Nakhom Phanom
|
Sân bay Ubon
|
Quận Mueang Ubon Ratchathani, tỉnh Ubon Ratchathani
|
Căn cứ Sattahip
|
Huyện Sattahip, tỉnh Chonburi
|
Căn cứ hải quân
|
Trung tâm Ramasun
|
Huyện Muang, tỉnh Udon Thani
|
Thu phát tín hiệu tình báo
|
Căn cứ vịnh Subic
|
Thành phố Iba, tỉnh Zambales
|
Philippines
|
Là cơ sở giải trí, nghỉ dưỡng, tiếp liệu và sửa chữa tàu cho Hải quân Hoa Kỳ
|
Ngoài ra, ở Philippines còn có 14 căn cứ và công trình quân sự khác của Mỹ để huấn luyện gián điệp và biệt kích.
|
Căn cứ Clark
|
Trên đảo Luzon
|
Hỗ trợ hậu cần cho lực lượng không quân
|
Căn cứ Eagle
|
Thành phố Wonju, tỉnh Gangwon
|
Hàn Quốc
|
Nơi đồn trú của lực lượng bộ binh
|
Mỹ đã xây dựng 40 căn cứ và công trình quân sự các loại ở Hàn Quốc.
|
Căn cứ Market
|
Quận Bupyeong, thành phố Incheon
|
Căn cứ Hovey
|
Thành phố Dongducheon, tỉnh Gyeonggi
|
Căn cứ Paya Lebar
|
Paya Lebar
|
Singapore
|
Căn cứ không quân
|
Được chuyển thành căn cứ không quân vào năm 1967.
|
Trạm Iwakuni
|
Thành phố Iwakuni, tỉnh Yamaguchi
|
Nhật Bản
|
Căn cứ thủy quân lục chiến
|
Được Mỹ tiếp quản vào năm 1958.
|
Trại Gonsalves
|
Thành phố Okinawa, tỉnh Okinawa
|
Trung tâm Huấn luyện, Đào tạo tác chiến rừng rậm
|
Hoạt động vào năm 1958, có khoảng 70km2rừng nhiệt đới.
|
(Nguồn: Tác giả tổng hợp, 2020)
Các căn cứ quân sự là biểu tượng cho sức mạnh và sự “thống trị”của Mỹ trên thế giới. Sự tồn tại của các căn cứ và công trình quân sự của Mỹ ở các quốc gia châu Á ngầm thông báo: họ là đồng minh quân sự của Hoa Kỳ, hoặc ít nhất người Mỹ có những lợi ích gắn chặt với chính phủ đương quyền. Nếu nền an ninh của các quốc gia ấy bị đe dọa hoặc bị tấn công, Mỹ sẽ can thiệp quân sự để bảo vệ đồng minh. Và, nó đã giải quyết được những khó khăn, bất ổn tồn đọng mà chính phủ các nước đang đối mặt, góp phần làm tăng khả năng phòng thủ quốc gia, ổn định an ninh chính trị, quân sự tại các nước.
Nguồn lợi kinh tế. Trước và sau mỗi lượt gửi quân sang miền Nam, chính phủ các nước đều nhận được những khoản viện trợ rất lớn về kinh tế, khoa học - kỹ thuật từ Hoa Kỳ, như là một hoạt động mua bán, trao đổi giữa Mỹ - bên mua và 01 nước khác – bên bán. Trong hoạt động này, Thái Lan là nước hưởng lợi nhiều nhất từ Mỹ. Trong 10 năm (1960 – 1970), Thái Lan nhận được 1,1 tỷ USD cho phát triển kinh tế, từ nguồn ngân sách của chính phủ Hoa Kỳ, 530 triệu USD từ Cơ quan Phát triển Thế giới của Mỹ, 110 triệu USD được thu về từ các ngành du lịch và dịch vụ. Sau khi chiến tranh kết thúc, Thái Lan được thừa hưởng những di sản do Mỹ xây dựng trước đó, như hệ thống đường sá, cầu cống, mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại, các tổ hợp công nghiệp quốc phòng, các công trình dân sinh … tạo tiền đề giúp nước Thái phát triển mạnh trong những năm sau(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, 2009).
Từ năm 1965 - 1970, Hàn Quốc đã nhận từ Mỹ 1 tỷ USD viện trợ, 150 triệu USD vốn vay phát triển, hàng hóa xứ Kim chi được xuất khẩu sang thị trường Mỹ, những hợp đồng thầu xây dựng, hợp đồng xuất khẩu lao động, các điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Hoa Kỳ… đóng góp rất lớn trong việc dự trữ ngoại tệ(Ku Su Jeong, 2008). Những khoản viện trợ đó là yếu tố quan trọng tạo ra sự phát triển ngoạn mục của kinh tế Hàn Quốc trong thập niên 60, 70 thế kỷ XX “Sự cất cánh của nền kinh tế Hàn Quốc một phần là nhờ sự cống hiến và hy sinh của những người lính tại Việt Nam” – lời phát biểu của Tổng thống Moon Jae In(Quỳnh Trung, 2017).
Singapore tuyên bố độc lập vào năm 1965, nhưng quốc đảo này phải đối mặt với nhiều khó khăn, như nạn thất nghiệp, thiếu nhà ở, đất đai, nước sinh hoạt và tài nguyên, khoảng 70% dân sống trong cảnh thiếu thốn, tồi tàn, hơn 50% dân không biết đọc, biết viết(Vi.wikipedia.org, 2020), nhưng đến đầu năm 1970, Singapore được hưởng lợi từ cuộc chiến tại Việt Nam, bằng việc cung ứng nhu yếu phẩm, nhiên liệu, vũ khí và phương tiện chiến tranh cho quân viễn chinh Mỹ, trong đó xăng dầu và nhiên liệu đã mang về cho Singapore 600 triệu USD/tháng. Và, họ đã sử dụng hiệu quả nguồn thu đó để phát triển đất nước(Thục Minh, 2015), từ một làng chài nhỏ, thiếu thốn, nghèo nàn, dân cư thưa thớt hóa thành con rồng châu Á vào cuối thế kỷ XX.
Thực tế cho ta thấy, chiến tranh Việt Nam giai đoạn 1965 – 1973 đã mang về cho chính phủ các nước đồng minh Hoa Kỳ nhiều khoản lợi kếch xù, góp phần làm thay đổi diện mạo của đời sống kinh tế, xã hội các nước, đồng thời là yếu tố quan trọng tạo ra sự phát triển ngoạn mục của kinh tế các nước trong thập niên 60, 70. Sẽ không quá khi nói: kinh tế Thái Lan, Hàn Quốc, Singapore, Philippines được tạo dựng trên những lợi ích kinh tế sinh ra từ chiến tranh Việt Nam.
2.3.2. Những hệ lụy
Nạn thất nghiệp, đói kém, nghiện ngập tràn lan. Việc Mỹ xây dựng các căn cứ và công trình quân sự tại các nước đồng minh đã chiếm dụng nhiều diện tích ruộng đất – tư liệu sản xuất chính cho ngành kinh tế nông nghiệp ở châu Á. Hậu quả là tình trạng thiếu lương thực xảy ra ở Hàn Quốc, Thái Lan và Philippines. Theo Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2009), chobiết:Hàng triệu nông dân Hàn Quốc bị đói, vì thiếu lương thực; mỗi năm có khoảng 25 vạn nông dân rời bỏ nông thôn lên thành phố tìm việc làm. Nhiều người tự sát vì nợ nần. Ngoài ra, sự hiện diện ngày càng nhiều lính Mỹ đến đóng tại các căn cứ, công trình quân sự và số lượng lính Mỹ đến nghỉ dưỡng đã gieo mầm móng nhiều tệ nạn xã hội ở các nước. Nhiều thiếu nữ đã trở thành gái bán hoa, những khu phố đèn đỏ “dã chiến” mọc xung quanh các căn cứ, những đứa con lai do những cuộc tình choáng váng giữa những người phụ nữ và lính Mỹ dấy lên sự căm phẫn trong xã hội. Tình trạng nghiện ngập, hút chích ma túy xâm nhập vào đời sống của người dân ở thành thị và nông thôn. Nhiều thanh thiếu niên trở thành con nghiện, trong khi trước đó họ là những người nông dân chất phác “tại Olongapo – một địa phương gần căn cứ vịnh Subic, có hơn 4.000 dân địa phương trở thành con nghiện”(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, 2009).
Phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam phát triển mạnh mẽ. Mặc dù, chính quyền và bộ máy tuyên truyền của Mỹ và các nước đồng minh tìm mọi cách để biện minh cho hành động xâm lược của mình, với những kịch bản hoàn hảo về việc “miền Bắc xâm lược miền Nam”, “đe dọa hòa bình và an ninh khu vực”;bịa đặt, vu khống, xuyên tạc và hạ thấp tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân Việt Nam, như lời biện hộ cho quyết định gửi quân của chính phủ Thái Lan là một minh chứng:Do nằm cạnh Việt Nam và sẽ là mục tiêu tiến công tiếp theo của cộng sản. Vì vậy, Thái Lan cần phải gửi quân đội đi giúp Sài Gòn chống lại sự xâm lược của cộng sản, khi nó còn cách xa chúng ta. Nếu chúng ta đợi cho đến khi hỏa hoạn tới tận cửa nhà mới tìm biện pháp để dập tắt thì lúc đó đã quá muộn(Richard A, Ruth, 2017). Song, dù tinh vi, xảo quyệt đến đâu, họ vẫn không thể lừa được dư luận trong và ngoài nước, không ngăn được những cuộc biểu tình của các lực lượng dân chủ, tiến bộ thế giới lên án cuộc chiến do Mỹ tiến hành tại Việt Nam “là cuộc chiến tranh ghê tởm và hết sức vô nhân đạo”(Trần Đăng Trung, 2017). Nhiều cuộc biểu tình, bãi công của công nhân và nhân dân lao động Thái Lan diễn ra mạnh mẽ. Trong 9 tháng đầu năm 1966, số công nhân tham gia bãi công bằng cả hai năm trước đó cộng lại, và hơn 100 cuộc đấu tranh của nông dân chống Mỹ và chính quyền quân sự thân Mỹ, phản đối chính quyền cướp ruộng đất để xây dựng các căn cứ và công trình quân sự(Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, 2009).
Đối với New Zealand, cuộc chiến tranh Việt Nam không mang lại nhiều quyền lợi cho đất nước, nhưng với tư cách là một đồng minh của Mỹ, họ không thể đứng ngoài cuộc cuộc chiến mà Mỹ và các đồng minh khác đang tiến hành tại Nam Việt Nam. Chính vì vậy, việc đưa quân sang Việt Nam của chính phủ New Zealand gây ra hàng loạt vấn đề, làm xáo trộn toàn bộ hệ thống chính trị, xã hội của đất nước lúc bấy giờ. Phong trào phản đối chiến tranh bùng nổ ngay trong thập niên 60, vì cho rằng việc Mỹ và đồng minh đưa quân đội vào miền Nam là can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam, đi ngược lại tinh thần Hiệp định Geneve và nguyện vọng hợp pháp của nhân dân Việt Nam là thống nhất đất nước và chủ nghĩa xã hội. Phong trào phản chiến đã làm phân hóa quan điểm của giới lãnh đạo New Zealand về chính sách đồng minh của chính phủ, bước đầu xúc tiến buộc chính phủ chính thức triển khai kế hoạch rút quân.
Tổn thất nhân mạng. Để xứng đáng với truyền thống anh dũng của quân đội và những tờ USD đã nhận, quân đội các nước đã dùng đến những biện pháp quân sự tàn bạo, những đòn chiến tranh tâm lý tinh vi và xảo quyệt trong các cuộc hành quân bình định, tìm – diệt… Và, chúng đã trả giá rất đắt cho hành động liều lĩnh đưa quân sang Việt Nam, với sự hy sinh tính mạng của hàng vạn người lính, sự xói mòn những thuần phong, mỹ tục – nét đẹp văn hóa Á Đông và sự phụ thuộc dai dẳng về chính trị, quân sự, kinh tế của các nước với Mỹ đến tận ngày nay.
Bảng 4. Những tổn thất về người của quân đồng minh Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam
Quốc gia
|
Số lính chết
|
Số lính bị thương
|
Nhiễm chất độc màu da cam
|
Hàn Quốc
|
5.099
|
11.232
(bị thương tật vĩnh viễn)
|
100.000
|
Philippines
|
552
|
|
|
Australia
|
502
|
3.000
|
x
|
Thái Lan
|
351
|
1.351
|
|
New Zealand
|
57
|
212
|
x
|
(Nguồn:Tác giả tổng hợp, 2020)
Chiến tranh đã đi qua 45 năm, nhưng những đau thương, mất mát vẫn còn in dấu trên mảnh đất hình chữ S. Có một điều ai cũng nhận thấy rằng, trách nhiệm này trước hết thuộc về Mỹ, nhưng trong đó cũng có một phần không nhỏ thuộc về quân đội các nước đồng minh của Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam.
2.4. Quan hệ giữa Việt Nam với các đồng minh Hoa Kỳ sau chiến tranh
Chính quyền Sài Gòn sụp đổ, hai miền Nam – Bắc thống nhất, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chủ trương khép lại quá khứ, chung tay hợp tác, phát triển vì tương lai; sẵn sàng thiết lập và bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa các nước.Theo Vi.wikipedia (2020), việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với các nước từng tham chiến tại Việt Nam diễn ra ngay sau khi Hiệp định Paris được ký: Australia (6/2/1973), New Zealand (19/6/1975), Philippines (12/7/1976), Thái Lan (6/8/1976), Hàn Quốc (22/12/1992) và Hoa Kỳ (11/7/1995), mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử phát triển của mỗi nước. Trong các mối quan hệ này, Nhật Bản (2006), Hàn Quốc (2009), Thái Lan, Singapore (2013), Philippines (2015), Úc (2018) là Đối tác Chiến lược; New Zealand (2009) và Hoa Kỳ (2013) là Đối tác Toàn diện của Việt Nam.
Trong thời gian qua, các nước thực hiện những cuộc viếng thăm lẫn nhau giữa các đoàn đại biểu cấp Đảng, Quốc hội, Nhà nước, Chính phủ, Bộ… Trong những cuộc viếng thăm ấy, những cam kết, ký kết hợp tác lần lượt ra đời. Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam), lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/4/2021, có 140 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singgapore), Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), Dự án Công nghệ tế bào quang điện Jinko Solar PV Việt Nam (Hồng Kông) là những dự án lớn trong 4 tháng đầu năm 2021. Hàn Quốc có 9.049/33.463 dự án với tổng vốn đăng ký là 71,578.13 triệu USD/394,9 tỷ USD – xếp vị trí 1, Nhật Bản có 4.690 dự án với tổng vốn đăng ký là 62,911.19 triệu USD, đứng vị trí 2, Singapore, Đài Loan, Hồng Kông lần lượt xếp vị trí 3, 4, 5, Thái Lan đứng vị trí 9(mpi.gov.vn, 2021).
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa, trong 4 tháng đầu năm 2021, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 30,3 tỷ USD, vị trí 5, 6 lần lượt là Hàn Quốc (2,39 tỷ USD) và Nhật Bản (6,5 tỷ USD). Về thị trường nhập khẩu, vị trí 1 thuộc về Trung Quốc, Hàn Quốc (16,9 tỷ USD) đứng vị trí 2, Nhật Bản (7,2 tỷ USD) – vị trí 4, Hoa Kỳ (5,1 tỷ USD) – vị trí 6(Tổng cục Thống kê, 2021).
Những số liệu trên đã chứng minh rằng, mối quan hệ giữa Việt Nam và các nước đồng minh của Mỹ đã từng tham gia trong chiến tranh Việt Nam, phát triển sâu rộng trên tất cả lĩnh vực. Mối quan hệ đó không chỉ phù hợp với lợi ích của mỗi quốc gia mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng khu vực châu Á – Thái Bình Dương hòa bình, tự do và phát triển trong sự thịnh vượng chung trên toàn thế giới.
Kết luận
Ngoài nguyên nhân về ý thức hệ và do sức ép của Mỹ, còn có một phần do tính toán vụ lợi của chính quyền đương nhiệm các nước. Bất chấp dư luận quốc tế và sự phản đối của nhân dân trong nước, các nước gửi hàng nghìn lượt lính, hàng vạn binh sĩ sang Việt Nam, và họ trở thành lính đánh thuê, làm bia đỡ đạn thay cho quân Mỹ tại chiến trường miền Nam. Đổi lại, họ sẽ nhận được những khoản viện trợ rất lớn về kinh tế, khoa học - kỹ thuật từ Hoa Kỳ.
Mặc dùđã dùng đến những biện pháp quân sự tàn bạo, vũ khí hiện đại, những đòn chiến tranh tâm lý tinh vi, xảo quyệt, song chúng vẫn thất bại. Quân Mỹ và quân đồng minh đã bị các Lực lượng vũ trang Giải phóng miền Nam đánh trả quyết liệt, buộc chúng phải thu hẹp địa bàn hoạt động. Cuối cùng, toàn bộ quân Mỹ và quân đội các nước đồng minh phải rút về nước.
Hiện nay, Việt Nam đã thiết lập và duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các nước từng là đồng minh của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam, vì lợi ích của mỗi nước, vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới. Và câu chuyện đầy bi tráng nhưng oai hùng về chiến tranh Việt Nam đã khép lại, nhưng không có nghĩa là nó sẽ bị lãng quên. Các thế hệ sau cần ghi nhớ khoảng tối lịch sử này như một bài học đắt giá để thấy độc lập mà ông cha ta đổ bao xương máu giành lại nó khó khăn như thế nào, từ đó chúng ta trân trọng những mối quan hệ đang có, cũng như để những câu chuyện đau buồn không còn có cơ hội xảy ra trong tương lai.
Th.S Nguyễn Duy Trường
Trường Đại học Khánh Hòa
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Hồ sơ v/v ngoại giao– FONT Đệ nhị Cộng hòa (1969), “Những hoạt động của quân lực Đại Hàn tại Việt Nam Cộng hòa trong 4 năm qua”, Hồ sơ 532, Hộp số 57, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia II.
Cục Đầu tư nước ngoài (2020), Đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam theo đối tác lũy kế các dự án còn hiệu lực đến ngày 20/4/2021. Truy cập ngày 10/5/2021 tại địa chỉ https://mpi.gov.vn.
Báo Người lao động (2012), Từ những bài học của Úc trong chiến tranh Việt Nam. Truy cập ngày 9/8/2020 tại địa chỉ https://nld.com.vn.
Chientranh (2020), Quân đội Úc trong chiến tranh Việt Nam – Royal Australian regiment in Vietnam war– P3 Truy cập ngày 10/5/2020 tại địa chỉ http://chientranhvietnam.com
Choi Yong Ho (2004), Chiến tranh Việt Nam và Quân đội Hàn Quốc, Viện Nghiên cứu Biên soạn Quân sự Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, Seoul.
Ku Su Jeong, Mối quan hệ Việt – Hàn trong và sau chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam (1955 - 2005), Luận án Tiến sĩ Lịch sử, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, 2008.
Phan Bá (2017), Ngày 26/5/1965: Quân đội Úc khởi hành đến Việt Nam. Truy cập ngày 18/6/2020 tại địa chỉ https://phanba.wordpress.com
Quỳnh Trung (2017), Dư luận Việt Nam quan tâm đến phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc. Truy cập ngày 5/5/2020 tại địa chỉ https://www.tuoitre.vn.
Richard A, Ruth (2017), Why Thailand takes pride in the Vietnam war. Truy cập ngày 9/8/2020 tại địa chỉ https://www.nytimes.com. Bản dịch tiếng Việt của Phan Bá (2018), Tại sao Thái Lan lại tự hào trong chiến tranh Việt Nam. Truy cập ngày 9/5/2021 tại địa chỉ https://phanba.wordpress.
SBS Tiếng Việt (2019), Người thiết tha đưa những linh hồn lang thang trong cuộc chiến Việt Nam về nhà. Truy cập ngày 25/7/2020 tại địa chỉ https://www.sbs.com.au
Thục Minh (2015), Ông Lý Quang Diệu, Singapore và Việt Nam. Truy cập ngày 15/12/2020 tại địa chỉ https://thanhnien.vn
Tổng cục Thống kê (2021), Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2021. Truy cập ngày 10/5/2021 tại địa chỉ https://www.gso.gov.vn
Trần Đăng Trung (2017), Chiến tranh Việt Nam: Trải nghiệm và tái hiện trong tiểu thuyết Mỹ thời hậu chiến, Tạp chí Nghiên cứu Văn học, số 6.
Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam (2009), Quân đồng minh Mỹ trên chiến trường miền Nam Việt Nam 1964 – 1973, Quân đội Nhân dân, Hà Nội.