Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn ❯ Chi tiết
       
  21/12/2022 14:05        

CHUYỂN ĐỔI SỐ TRONG DU LỊCH: THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN Ở KHÁNH HÒA

Tóm tắt: Trên cơ sở tìm kiếm, chọn lọc, đánh giá tài liệu thứ cấp trên các trang mạng xã hội kết hợp tài liệu gốc, bài viết đã “hệ thống hóa” những thành tựu và thách thức, trở ngại trong hành trình Chuyển đổi số du lịch Khánh Hòa, qua đó đề xuất một số giải pháp trọng tâm để “số hóa” du lịch. Hy vọng sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích để những người hoạt động trong lĩnh vực du lịch đúc rút, vận dụng sáng tạo vào cuộc chuyển đổi số ngành Du lịch Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Ngành Du lịch Khánh Hòa, ứng dụng thông minh, công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

1. Đặt vấn đề

Cơn bão đại dịch thế kỷ Covid-19 đã làm thay đổi hành vi và xu hướng du lịch của con người. Nhu cầu đặt tour du lịch online, phương thức tiếp cận khách hàng, quảng bá điểm đến, giao dịch, thanh toán dịch vụ đang chuyển dần sang môi trường số; vì thế, xu hướng ứng dụng công nghệ trong kinh doanh và trải nghiệm du lịch, dịch vụ trực tuyến với những giải pháp không chạm của du khách và du lịch thông minh ngày càng phổ biến, đang dần thay thế cách thức hoạt động kinh doanh du lịch truyền thống.

Ngành Du lịch Khánh Hòa và các doanh nghiệp, công ty du lịch nắm bắt được xu thế Chuyển đổi số và đã số hóa mạnh mẽ nhằm bắt kịp nhịp độ phát triển của du lịch Việt Nam và thế giới.

2. Nội dung

2.1. Du lịch Khánh Hòa trong cơn đại dịch Covid-19 và yêu cầu đặt ra

Trước khi đại dịch xảy ra, du lịch Khánh Hòa sở hữu những con số tăng trưởng ấn tượng. Năm 2019, lượng khách đạt 7,2 triệu lượt (tăng 12,6% so với năm 2018), ngày lưu trú đạt 21.000 (tăng 23,4%); doanh thu đạt 27,1 tỷ đồng (120,44% kế hoạch, tăng 24,2%); góp 12,3% GRDP tỉnh (Sở Du lịch Khánh Hòa, 2019, tr. 1). Điều này chứng tỏ, Khánh Hòa ngày càng có sức hút mạnh mẽ dựa trên thế mạnh du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng và môi trường du lịch thân thiện. Lượng khách tăng góp phần vào sự phát triển chung của ngành Du lịch xứ Trầm hương.

Từ ngày dịch bệnh bùng phát tại Việt Nam đến cuối năm 2020, khi số ca nhiễm còn ít và được kiểm soát khá tốt, khách quốc tế vẫn chọn Nha Trang là điểm đến, nhưng doanh thu chỉ đạt 6.946 tỷ đồng (giảm 82,7% so với năm 2019) với hơn 1,2 triệu lượt khách (16,8% kế hoạch, giảm gần 82,3%) (Sở Du lịch Khánh Hòa, 2020, tr. 1-2). Sang năm 2021, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và trầm trọng hơn, khiến “bức tranh” du lịch tỉnh thêm nhiều chấm đen ảm đạm. Khách du lịch thưa vắng dần. Những điểm đến vắng bóng người. Lượng khách lưu trú chỉ đạt 600.103 lượt (12% kế hoạch, giảm 51,9% so với năm 2020); ngày lưu trú là 1.690.120 (giảm 54,94%); doanh thu đạt 2.407,3 tỷ đồng (13,73% kế hoạch, giảm 47,32%) (Sở Du lịch Khánh Hòa, 2021b, tr. 1-2).

Các doanh nghiệp du lịch đang gặp rất nhiều khó khăn. Một số doanh nghiệp loay hoay tìm nguồn vốn để duy trì hoạt động, nhưng lượng khách chưa đạt tới 1% công suất; nhiều doanh nghiệp phải chuyển đổi lĩnh vực kinh doanh. Đến cuối tháng 9/2021, trên địa bàn tỉnh chỉ còn 400/1.113 cơ sở lưu trú đang hoạt động; 80/141 doanh nghiệp lữ hành còn duy trì hoạt động (Sở Du lịch Khánh Hòa, 2021a, tr. 1-2); 1.526 hướng dẫn viên nghỉ việc hoặc chuyển nghề, các cơ sở mua sắm, ăn uống phục vụ du lịch đóng cửa (Anh Vũ, 2021); 17.100 lao động mất việc, trong đó lĩnh vực lưu trú giảm 15.000 người (chiếm 30% tổng số lao động lĩnh vực lưu trú), lĩnh vực lữ hành giảm 2.100 người (60%), 1.780 xe kinh doanh vận tải du lịch ngưng hoạt động (Xuân Hương, 2021).

Là ngành bị thiệt hại nặng nề nhất trong 4 lần dịch bùng phát, du lịch – ngành kinh tế chủ đạo của Khánh Hòa phải “số hóa” không chỉ giúp phục hồi nhanh chóng, còn tạo ra những tăng trưởng đột phá cho phát triển bền vững. Tương tự, các doanh nghiệp, công ty du lịch cũng phải tự chuyển đổi chính mình bằng các giải pháp công nghệ số, nếu không sẽ bị loại ra khỏi cuộc chơi là điều tất yếu.

2.2. Thực trạng chuyển đổi số trong hoạt động du lịch ở Khánh Hòa

2.2.1. Những kết quả đạt được

2.2.1.1. Sự quan tâm chỉ đạo của chính quyền

Bắt đầu từ năm 2019, chuyển đổi số trong du lịch được chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm, coi đây là một nội dung quan trọng của Kinh tế số; đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn ngành Du lịch thực hiện 5 nội dung chuyển đổi số gồm: (1), Tăng cường ứng dụng công nghệ trong tiếp thị du lịch; (2), Phát triển điểm đến thông minh; (3), Phát triển hệ thống thông tin số và các nền tảng số kết nối cung cầu; (4), Hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; (5), Tuyên truyền, đào tạo nâng cao nhận thức về ứng dụng công nghệ trong du lịch (Thanh Loan, 2021).

Việc ban hành các văn bản thể hiện sự quyết tâm của tỉnh trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong phát triển du lịch, qua đó tạo sự đồng bộ, thống nhất trong phát triển du lịch tại địa phương.

2.2.1.2. Ngành Du lịch ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, xúc tiến quảng bá điểm đến

Bên cạnh 156 cổng/trang thông tin điện tử, các trang thông tin xúc tiến quảng bá điểm đến “mọc lên” như nấm sau mưa trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, Zalo, Facebook…, nổi bật là Cổng thông tin điện tử dành cho du khách và ứng dụng “Hệ sinh thái du lịch thông minh” tại Cổng thông tin Du lịch được đầu tư bài bản, luôn cập nhật thông tin mới nhất về điểm đến, ẩm thực, khách sạn…, hình ảnh 360o sống động sẽ mang đến những trải nghiệm thú vị cho khách. Ngoài ra, tỉnh và ngành Du lịch còn hợp tác với các tập đoàn viễn thông xây dựng dự án du lịch thông minh, sản xuất các phần mềm, tiện ích như: Hệ thống GIS; hệ thống thẻ du lịch thông minh; hệ thống SMS Welcome; ứng dụng Marketing điện tử… là những trợ thủ đắc lực hỗ trợ việc quản lý, quảng bá du lịch xứ Trầm.

Khánh Hòa là một trong những địa phương đầu tiên thực hiện thành công số hóa 3D các di vật, di tích và hơn 50% khu vực du lịch, khu di tích lịch sử văn hóa, danh thắng trọng điểm của tỉnh được lắp đặt hệ thống mạng Internet không dây công cộng phục vụ cộng đồng và du khách truy cập internet miễn phí.

Một trong những thành tựu quan trọng nhất của ngành là đạt hạng 3/15 tỉnh, thành phố có thế mạnh về năng lực cạnh tranh điểm đến du lịch Việt Nam 2021. Trong đó, các chỉ số có chuyển biến tích cực là: Môi trường kinh doanh ngày càng bình đẳng; nhân lực và lao động du lịch đạt chất lượng; chính sách - điều kiện và hạ tầng du lịch được ưu tiên quan tâm giải quyết (Hiếu Phương, 2022).

Có thể nói, ưu điểm của chính sách ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch Khánh Hòa là cho phép các doanh nghiệp đẩy mạnh chiến lược quảng bá điểm đến, giới thiệu sản phẩm trên Internet để tiếp cận nhiều khách hàng hơn; còn cho phép khách lựa chọn và kiểm soát lịch trình của mình, giúp xây dựng niềm tin và sự tin tưởng lâu dài – là điều kiện cần thiết để kéo khách trở lại “xứ biển đảo yến”.

2.2.1.3. Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin nâng cao hiệu quả quản lý, kinh doanh

Hiện nay ở Khánh Hòa, các doanh nghiệp, công ty du lịch đã số hóa trong hoạt động quản lý, điều hành kinh doanh để mang đến trải nghiệm mới, thú vị cho khách hàng. Tại Thủ phủ du lịch Nha Trang, “số hóa” đã len lỏi vào mọi “ngõ ngách” trong hoạt động du lich. Chỉ với chiếc điện thoại thông minh kết nối Internet, khách tự thiết kế tour cho mình từ đặt vé, đặt dịch vụ, chọn điểm đến…, thậm chí có cả một “hướng dẫn viên” thông minh thực hiện tour mà không cần tương tác trực tiếp với bất kỳ người nào thông qua các ứng dụng như: My NhaTrang (Công ty Smart Travel Solution); Face ID (Công ty Cổ phần Vinpearl); App Vietravel (Vietravel Nha Trang); hệ thống bán vé tự động được cài đặt 6 ngôn ngữ (Việt, Anh, Nga, Trung, Hàn, Nhật) của I-resort Nha Trang; đặc biệt, ứng dụng di động Alma Resort (Alma Resort Cam Ranh) không chỉ cung cấp thông tin thực đơn nhà hàng, bar; đặt dịch vụ ăn uống tại phòng; chương trình khuyến mãi; còn tích hợp dịch vụ di chuyển và tiện ích phản ánh về chất lượng dịch vụ của khu nghỉ dưỡng.

Trong lĩnh vực lưu trú, 100% khách sạn 3-5 sao sử dụng Hệ thống Quản lý thông tin lưu trú và Hệ thống Quản lý thông tin báo cáo của doanh nghiệp du lịch. Các app này đã giải quyết 80% bất cập trong việc khai báo, quản lý thông tin giữa cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở lưu trú trong việc quản lý thông tin khách đến và đi. Ông Nguyễn Anh Tuấn – chủ khách sạn Manchester cho biết, việc sử dụng phần mềm Quản lý thông tin lưu trú khá thuận lợi, dễ quản lý, nó rút ngắn thời gian khai báo thông tin khách hàng với các cơ quan quản lý nhà nước, giảm nhiều thủ tục hành chính trùng lắp (Khánh Hà, 2020).

Về kinh doanh dịch vụ du lịch trực tuyến, năm 2018 sàn du lịch trực tuyến hoạt động, giúp khách tìm kiếm thông tin du lịch, so sánh giá cả, lựa chọn điểm đến và thực hiện các giao dịch như đặt tour, đặt phòng, mua vé máy bay… rất thuận tiện. Năm 2019, tỉnh triển khai ứng dụng Kinh doanh trực tuyến trên Sàn giao dịch thương mại điện tử Khánh Hòa, thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia quảng bá sản phẩm; giúp khách hàng, nhất là khách du lịch dễ dàng tiếp cận sản phẩm OCOP Khánh Hòa. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 100% doanh nghiệp du lịch sử dụng website để giới thiệu sản phẩm; hơn 50% doanh nghiệp thực hiện phương thức bán hàng và thanh toán trực tuyến; gần 100% doanh nghiệp sử dụng chữ ký số; 99,2% tổ chức, doanh nghiệp và 100% hộ kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử (An Nhiên, 2022). Điều này cho thấy, các doanh nghiệp đang cố gắng làm mới mình để trở thành doanh nghiệp thông minh với các hoạt động kinh doanh được triển khai trực tuyến.

2.2.2. Những vấn đề còn đặt ra

2.2.2.1. Công tác chỉ đạo, hướng dẫn còn nhiều bất cập

Quá trình chuyển đổi số du lịch được chính quyền tỉnh đặc biệt quan tâm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện, nhưng cơ chế đặc thù để số hóa điểm đến, cơ chế quản lý còn thiếu; quá trình triển khai thực hiện “số hóa”, “thông minh hóa” điểm đến còn nhiều bất cập. Công tác chỉ đạo điều hành chưa nhất quán, đồng bộ bởi chính sách còn yếu và thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể. Các hoạt động số hóa còn rời rạc, chưa phát huy tối đa hiệu quả do cơ sở dữ liệu chưa được chia sẻ, kết nối đồng nhất, dẫn đến quá trình quản lý, kiểm soát, báo cáo thống kê dữ liệu ngành để đưa ra nhận định về xu hướng phát triển gặp khó khăn.

   Công tác tuyên truyền vận động cộng đồng, doanh nghiệp sử dụng các ứng dụng, dịch vụ công nghệ chưa mang lại hiệu quả cao. Tại một số địa phương, cơ quan, đơn vị vẫn chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò ứng dụng công nghệ trong quản lý và cung cấp dịch vụ du lịch, do đó công tác triển khai thực hiện còn dàn trải; một số quy định, quy chế, văn bản hướng dẫn hệ thống thông tin dùng chung đã được ban hành nhưng hiệu quả thực hiện thấp.

Nguồn vốn đầu tư cho công nghệ thông tin chủ yếu là ngân sách địa phương, chưa thu hút được các nguồn vốn khác; hình thức thuê dịch vụ công nghệ còn hạn chế; kinh phí đầu tư trang bị hạ tầng công nghệ còn thiếu, nhất là cấp xã/phường.

2.2.2.2. Chỉ số mức độ sẵn sàng và chỉ số năng lực cạnh tranh còn thấp

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (2020, tr. 50), chỉ số ICT Khánh Hòa đạt 0,4694 điểm, xếp hạng 18/63 tỉnh, thành phố Việt Nam; giảm một bậc so với năm 2019. Trong đó, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin liên tục giảm mạnh trong 3 năm từ 0,39 (2018) giảm còn 0,28 (2020); chỉ số hạ tầng nhân lực giảm nhẹ từ 0,69 (2019) giảm xuống 0,59 (2020); chỉ số hạ tầng kỹ thuật tăng từ 0,40 (2019) lên 0,54 (2020).

Trong khi đó, điểm PCI Khánh Hòa năm 2021 đạt 63.11, xếp hạng 44/63 tỉnh, thành phố Việt Nam; giảm 18 bậc so với năm 2020, thấp hơn điểm trung bình cả nước là 1,63 điểm, xếp loại Trung bình (Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, 2021, tr. 69).

Nhìn chung những năm qua, chỉ số ICT, PCI của Khánh Hòa đều đạt ở mức khá, nhưng trong năm 2021 đã giảm mạnh, dẫn đến giá trị DTI 2021 của tỉnh thấp, chỉ đạt 0,4080, xếp hạng 30/63 tỉnh, thành phố Việt Nam, tăng 12 bậc so với năm 2020. Trong đó, trụ cột An toàn thông tin mạng xếp hạng 45; Nhân lực số (40); Hạ tầng số (38); Kinh tế số (15)… vẫn còn khá cao so với các địa phương khác (Bộ Thông tin và Truyền thông, 2021, tr. 35).

2.2.2.3. Doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn lực và tài lực

Chuyển đổi số là xu thế tất yếu, song không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được những nền tảng số để chuyển đổi một cách thuận lợi, mà có chênh lệch giữa các doanh nghiệp. Ở Khánh Hòa, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế như Pegas Việt Nam, Hải Vân Cát…; các doanh nghiệp vận tải hàng không như công ty Quang Phát, An Dân…; các cơ sở lưu trú và chuỗi nhà hàng cao cấp như Ana Mandara Cam Ranh, Vipearl Golf Land and Villas, khách sạn Sheraton… có đủ/thừa khả năng tiếp nhận công nghệ để số hóa hoạt động kinh doanh, dù vậy các doanh nghiệp này cũng gặp khó khăn trong quá trình triển khai; ngược lại, các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ hoặc siêu nhỏ (SMEs) gặp nhiều khó khăn bởi công nghệ còn yếu, vốn ít, chất lượng nhân lực thấp, kinh doanh nhỏ lẻ nên khả năng tài chính chi trả cho đầu tư ứng dụng công nghệ không cao. Báo cáo của Sở Du lịch cho biết, đến tháng 7/2021 có 20% doanh nghiệp thuộc tỉnh và trên 10% doanh nghiệp SMEs đã chuyển dịch lên nền tảng số, thực chất chỉ ở mức cơ bản nên chưa khai thác hết các lợi thế của công nghệ trong cạnh tranh và thu hút khách hàng cũng như trong quản lý và điều hành doanh nghiệp.

Một khó khăn chung của doanh nghiệp nữa là chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ số quá cao, ảnh hưởng lớn đến lộ trình chuyển đổi số của doanh nghiệp. Thêm vào đó, các doanh nghiệp du lịch khó khăn trong quá trình lựa chọn phần mềm phù hợp với quy mô vận hành, thậm chí khi đã có công nghệ, họ vẫn chưa tạo được nền tảng kiến thức về chuyển đổi số cho đội ngũ nhân lực, nên việc quản lý và sử dụng chưa mang lại hiệu quả cao nhất.

2.2.2.4. Thị trường du lịch trực tuyến chậm phát triển

Chuyển đổi số du lịch ở Khánh Hòa hiện đang được triển khai chủ yếu trong hoạt động xúc tiến quảng bá điểm đến, đặt dịch vụ; hỗ trợ khách khám phá trải nghiệm…, còn những lĩnh vực khác như bán sản phẩm, quản lý du lịch… chưa được quan tâm và đầu tư đúng mức. Hiện tại, các điểm đến đã bán sản phẩm trực tiếp đến khách hàng qua các ứng dụng thông minh, nhưng hoạt động này còn nhỏ lẻ, do đó sự lan tỏa còn nhiều hạn chế. Như trường hợp hoạt động của Sàn giao dịch Thương mại điện tử Khánh Hòa là một ví dụ điển hình.

2.3. Định hướng phát triển chuyển đổi số du lịch Khánh Hòa – một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Khánh Hòa định hướng phát triển Kinh tế số gắn liền với phát triển kinh tế du lịch đến năm 2025 là ngành kinh tế mũi nhọn và nằm trong nhóm 25/63 tỉnh, thành phố đứng đầu về chuyển đổi số. Đến năm 2030 được xếp hạng trong top 20, tạo ra 160.000 việc làm và đóng góp 52,6% vào tỷ trọng GDRP ngành Dịch vụ tỉnh (Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, 2021a, 2021b). Để đạt được mục tiêu đề ra, ngành Du lịch tỉnh cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp sau:

2.3.1. Chuyển đổi nhận thức

Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số, muốn chuyển đổi số thì trước hết phải chuyển đổi nhận thức của cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, chuyên viên, người đứng đầu doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch cần nhận thức rõ về vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của chuyển đổi số; về khai thác, sử dụng các hệ thống nền tảng số và ứng dụng công nghệ trước khi có hành động cụ thể để thực hiện.

2.3.2. Hoàn thiện hệ thống chính sách chuyển đổi số

Trên cơ sở chủ trương của Trung ương, kết hợp rà soát điều kiện của tỉnh để xây dựng bổ sung hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong du lịch, đặc biệt hoàn thiện các văn bản hướng dẫn triển khai phát triển du lịch thông minh và chuyển đổi số du lịch, tạo hành lang pháp lý thúc đẩy chuyển đổi số toàn ngành.

2.3.3. Phát triển hạ tầng số

Đây là nhiệm vụ hàng đầu, là giải pháp thúc đẩy phát triển du lịch, đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi số trong ngành. Vì vậy, cần được quan tâm ưu tiên đầu tư sớm để đảm bảo sự đồng bộ, hiện đại và phải đảm bảo an toàn cho các hệ thống dữ liệu. Trước tiên, cần đầu tư nâng cấp hạ tầng thiết bị tại Trung tâm dữ liệu tỉnh theo hướng hiện đại; từ đó, từng bước thực hiện chuyển đổi IPv6, 5G và hạ tầng băng thông rộng, IoT đáp ứng yêu cầu kỹ thuật cho việc triển khai Chương trình Chuyển đổi số của tỉnh và của ngành.

2.3.4. Phát triển dữ liệu số

Để số hóa thành công, ngành Du lịch Khánh Hòa phải xây dựng được một hệ thống dữ liệu chất lượng, hiện đại và phải phù hợp với cơ sở dữ liệu du lịch quốc gia. Trong đó, yếu tố khoa học công nghệ giữ vai trò quan trọng trong việc hình thành và phát triển các sản phẩm du lịch cũng như phát triển điểm đến; kết nối cơ quan quản lý nhà nước với hệ sinh thái du lịch của tỉnh như: Kho tích hợp dữ liệu du lịch; cổng thông tin du lịch; ứng dụng du lịch trên di động; bản đồ số các khu, điểm du lịch; hệ thống quản lý lưu trú; hệ thống phân tích số liệu và dự báo du lịch thông minh; phương tiện hỗ trợ thông tin du lịch.

2.3.5. Phát triển nền tảng số du lịch kết nối với các kênh bán hàng trực tuyến

Nâng cấp các ứng dụng hiện có, đồng thời phát triển ứng dụng cung cấp dịch vụ du lịch trên sàn giao dịch du lịch điện tử và các nền tảng số về sàn thương mại điện tử du lịch; ứng dụng thanh toán trực tuyến qua smartphone; các mô hình du lịch ảo thông qua ứng dụng công nghệ thực tế ảo, thực tế tăng cường; các ứng dụng giám sát, cảnh báo an toàn, hỗ trợ du khách trong những trường hợp cần sự trợ giúp.

Phát triển các ứng dụng báo cáo, thống kê tự động kết nối tích hợp, liên thông với các hệ thống dữ liệu liên quan; trước tiên là Phòng Quản lý xuất nhập cảnh Khánh Hòa, Cảng Hàng không Quốc tế Cam Ranh, Trung tâm khuyến công và Xúc tiến thương mại Khánh Hòa và chi nhánh các ngân hàng trên địa bàn.

Phát triển nâng cấp hoàn thiện các nền tảng dùng chung như: Trung tâm dữ liệu, điều hành số ngành du lịch, IOC, SOC; trục tích hợp LGSP; kho dữ liệu dùng chung; hệ thống quản lý thông tin du lịch; hệ thống phân tích dữ liệu ngành, dự báo thị trường khách du lịch… đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch thông minh.

2.3.6. Hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo

Hỗ trợ đào tạo nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực và dịch vụ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; kỹ năng sử dụng và khai thác hiệu quả các nền tảng số… Tổ chức hội thảo, diễn đàn trao đổi, hợp tác giữa doanh nghiệp, cộng đồng với doanh nghiệp công nghệ, cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch, qua đó trao đổi thông tin, giải quyết các vấn đề nảy sinh trong quá trình ứng dụng công nghệ trong du lịch và phát triển du lịch thông minh; tìm kiếm đối tác kinh doanh.

Hỗ trợ doanh nghiệp, cộng đồng tham gia các cuộc thi khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, quốc tế. Khen thưởng, vinh danh các ý tưởng mới về phát triển du lịch thông minh; sau đó, hỗ trợ kết nối các dự án đó với nhà đầu tư trong và ngoài nước.

2.3.7. Phát triển nhân lực có kiến thức công nghệ thông tin

Đầu tư phát triển nhân lực du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch gắn với khoa học và công nghệ. Đảm bảo trình độ chuyên môn và kỹ năng cần thiết nhằm phát huy tối đa tính sáng tạo, linh hoạt và khả năng thích ứng của họ. Có hai phương án phát triển nhân lực du lịch có kiến thức công nghệ thông tin phù hợp thực tế Khánh Hòa hiện nay, đó là:

Thứ nhất, liên kết với các trường đại học và chuẩn hóa những kỹ năng cần thiết cho nhân lực du lịch thông minh. Cụ thể: Mở mã đào tạo ngành du lịch thông minh, chuyển đổi số trong lĩnh vực du lịch tại các cơ sở đào tạo về du lịch; Tăng chỉ tiêu đào tạo ngành Công nghệ thông tin và Hệ thống thông tin quản lý tại Trường Đại học Nha Trang.

Thứ hai, tái cơ cấu về kỹ năng, chuyên môn cho nhân lực hiện có và thu hút nhân lực mới. Cụ thể: Triển khai các cơ chế khuyến khích, chính sách ưu đãi để thu hút nhân lực công nghệ thông tin, công nghệ số; Khuyến khích chuyên viên, người đứng đầu doanh nghiệp tham gia thi tuyển chương trình đào tạo cử nhân, thạc sỹ công nghệ thông tin, công nghệ số.

3. Kết luận

Có thể thấy, chuyển đổi số có vai trò quan trọng quyết định tương lai của ngành “công nghiệp không khói”, đặc biệt sau thời gian dài chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh. Chuyển đổi số giúp du khách khám phá, tận hưởng những trải nghiệm thú vị thông qua công nghệ hiện đại như: AI, Chatbot, công cụ chia sẻ, đánh giá dịch vụ…; giúp doanh nghiệp du lịch nâng cao hiệu quả vận hành qua việc ứng dụng công nghệ trong hoạt động marketing, quản lý booking, quản lý khách hàng…; giúp cơ quan quản lý nhà nước đổi mới mô hình, phương thức quản lý, tăng cường tính kết nối liên thông với doanh nghiệp trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ.

Trên cơ sở nhận diện rõ những vấn đề tác động đến quá trình “số hóa” ngành Du lịch Khánh Hòa, các đơn vị, tổ chức, cộng đồng và doanh nghiệp cần nhanh chóng hoạch định kế hoạch chuyển đổi phù hợp, từng bước triển khai thực hiện chuyển đổi số dưới nhiều hình thức và quy mô khác nhau theo phương châm “nhận thức” là quyết định, “người dân, doanh nghiệp” là trung tâm, “chính quyền” là tiên phong trong hành động chuyển đổi số.

Tài liệu tham khảo

1. An Nhiên (2022), Khánh Hòa “về đích” thực hiện hóa đơn điện tử, https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/khanh-hoa-ve-dich-thuc-hien-hoa-don-dien-tu-d30643.html, truy cập ngày 16/5/2022.

2. Anh Vũ (2021), Khánh Hòa: Triển khai chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch tháo gỡ khó khăn. Truy cập tại https://bvhttdl.gov.vn/khanh-hoa-trien-khai-chinh-sach-ho-tro-doanh-nghiep-du-lich-thao-go-kho-khan-20211008145624094.htm, ngảy 16/5/2022.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông (2020), Báo cáo Chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông Việt Nam năm 2020, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

4. Bộ Thông tin và Truyền thông (2021), DTI 2021 Chỉ số đánh giá chuyển đổi số của các Bộ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Nxb. Thông tin và Truyền thông, Hà Nội.

5. Hiếu Phương (2022), Công bố Bộ Chỉ số năng lực cạnh tranh du lịch Việt Nam (VTCI) 2021, https://kinhtevadubao.vn/cong-bo-bo-chi-so-nang-luc-canh-tranh-du-lich-viet-nam-vtci-2021-21057.html, truy cập ngày 20/7/2022.

6. Khánh Hà (2020), Hệ thống quản lý thông tin lưu trú ở Khánh Hòa: Hiệu quả bước đầu, https://baokhanhhoa.vn/du-lich/202003/he-thong-quan-ly-thong-tin-luu-tru-hieu-qua-buoc-dau-8153504/, truy cập ngày 20/7/2022.

7. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (2021), Báo cáo PCI 2021 – Hồ sơ 63 tỉnh, thành phố Việt Nam.

8. Sở Du lịch Khánh Hòa (2019), Báo cáo số 1917/BC-SDL ngày 31/12/2019 v/v Tổng kết công tác du lịch năm 2019 và phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2020.

9. Sở Du lịch Khánh Hòa (2020), Phục lục Số liệu kết quả hoạt động kinh doanh du lịch năm 2020.

10. Sở Du lịch Khánh Hòa (2021a), Phục lục Số liệu kết quả hoạt động kinh doanh du lịch tháng 9 năm 2021.

11. Sở Du lịch Khánh Hòa (2021b), Phục lục Số liệu kết quả hoạt động kinh doanh du lịch năm 2021.

12. Thanh Loan (2021), Chuyển đổi số ngành du lịch: Hướng đi mới sau Covid-19, https://dangcongsan.vn/kinh-te/chuyen-doi-so-nganh-du-lich-huong-di-moi-sau-covid-19-574474.html, truy cập ngày 20/7/2022.

13. Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa (2021a), Quyết định số 4607/QĐ-UBND ngày 14/12/2021 của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc Ban hành Kế hoạch Chuyển đổi số tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

14. Ủy ban Nhân dân tỉnh Khánh Hòa (2021b), Kế hoạch số 12148KH-UNND ngày 29/11/2021 về việc Triển khai thực hiện Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

15. Xuân Hương (2021), Khánh Hòa: Ngành Du lịch đối diện nhiều khó khăn, thách thức trước dịch Covid-19. Truy cập tại http://baovanhoa.vn/%C4%91oi-song/artmid/2070/articleid/37575/khanh-hoa-nganh-du-lich-doi-dien-nhieu-kho-khan-thach-thuc-truoc-dich-covid-19, ngày 15/6/2022.

Th.S Nguyễn Duy Trường

Nguồn: Kỷ yếu Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số và quản lý tri thức trong các tổ chức”, trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG-HCM, năm 2022

 
Khoa Khoa học XH&NV