THỰC TẾ BỘ MÔN ĐỊA – SỬ
Chương trình đào đạo ngành sư phạm Địa – Sử, học kỳ 4 sẽ thực hiện học phần Thực tế bộ môn Địa – Sử 1. Học phần giúp sinh viên nắm bắt thực tiễn, vận dụng lý thuyết để giải thích những hiện tượng trong thực tiễn. Với mục tiêu đó, sinh viên lớp Sư phạm Địa – Sử K42 đã được thực tế trải nghiệm với lộ trình từ Nha Trang đi Quy Nhơn, Quảng Nam, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Quảng Trị, Quảng Bình và trở về Nha Trang trong thời gian 7 ngày từ ngày 23/3 đến ngày 29/3/2018.
1. Mục đích
- Tạo điều kiện để sinh viên vận dụng các kiến thức lý thuyết vào thực tiễn đời sống và khắc sâu một số kiến thức Địa lý, Lịch sử;
- Sinh viên có cơ hội tiếp cận các kiến thức Địa lý, Lịch sử thực tiễn, qua đó nâng cao hiệu quả học tập bộ môn;
- Hình thành một số kỹ năng thực địa như quan sát các đối tượng địa lý, giải thích một số hiện tượng tự nhiên, kinh tế đang diễn ra ở các địa phương, tiếp cận với di tích nơi diễn ra các sự kiện lịch sử của dân tộc để từ đó hình thành tình yêu quê hương, lòng tự hào dân tộc...
2. Kết quả thực tế
Phần 1: Thành phần tự nhiên
Sinh viên mô tả được các thành phần tự nhiên tại điểm đến, phân tích được mối quan hệ của chúng (Phong Nha – Kẻ Bàng, Non nước- Ngũ Hành Sơn, Ghềnh Đá đĩa, Quần thể đồi núi phía tây Thành phố Huế); Thu thập được một số số liệu cũng như mẫu vật đá, thực vật, đất,…Phân tích được tác động của sự biến đổi khí hậu đến môi trường tự nhiên.
Ảnh 1: Ghềnh Đá đĩa Phú Yên
Phần 2: Kinh tế xã hội, dân cư
Sinh viên nhận thức được sự phát triển kinh tế và tổng thể kinh tế các tỉnh nằm trong chuyến thực tế (các tỉnh Quy Nhơn, Quảng Nam, Bình Định, Đà Nẵng, Huế - Thừa Thiên, Quảng Bình); Thu thập số liệu dân cư, các ngành công nghiệp, nông nghiệp; cơ cấu ngành tại các địa phương đoàn cư trú,…
Ảnh 2: Tượng đài Mẹ Thứ - Quảng Nam
Phần 3: Các di tích, sự kiện, danh nhân lịch sử
Sinh viên nắm được một cách rõ ràng lịch sử hình thành, nguồn gốc, chiến tích của các di tích, sự kiện, danh nhân lịch sử (Đại Tướng Võ Nguyên Giáp, Khu Di tích Đôi bờ Hiền Lương, Địa đạo Vịnh Mốc, Thành cổ Quảng Trị, thành phố cổ Hội An, Bà mẹ Thứ, Đền thờ Quang Trung,…);
Ảnh 3: Địa đạo Vịnh Mốc
Thông qua chuyến thực tế, sinh viên bước đầu vận dụng kiến thức đã học để lý giải quy luật phát sinh, phát triển và biến đổi cũng như tác động qua lại giữa các thành phần tự nhiên ở nơi thực tế; nhận định và đánh giá tiến trình lịch sử, danh nhân lịch sử, sự kiện lịch sử,… thông qua đó giáo dục lòng yêu quê hương đất nước và nhận thức rõ vai trò của mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Th.S Trương Đình Dũng