Tóm tắt: Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu hóa hiện nay, giáo dục cần phải đào tạo ra những con người vừa có tri thức khoa học, vừa có tri thức chuyên môn ngành nghề đáp ứng yêu cầu của công việc, đồng thời cũng phải vừa có những năng lực chung và năng lực cá nhân để đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Chính vì vậy, việc dạy học ngôn ngữ cho sinh viên không chỉ đơn thuần là để hiểu, để biết ngôn ngữ mà học là để dùng ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp một cách hiệu quả. Bài viết tập trung vào vấn đề tích hợp rèn luyện năng lực giao tiếp cho sinh viên thông qua việc dạy học học phần Ngữ dụng học.
1. Mở đầu
Điểm mấu chốt của chiến lược đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục nước nhà là chuyển từ cách tiếp cận kiến thức sang cách tiếp cận năng lực. Thực hiện quan điểm trên, quá trình giáo dục và đào tạo ở các trường đại học phải coi trọng nhiệm vụ rèn luyện và phát triển hệ thống những phẩm chất và năng lực chung và chuyên ngành cho sinh viên. Trong hệ thống những phẩm chất và năng lực đó, năng lực giao tiếp là một trong năng lực quan trọng nhất: vừa là năng lực chung của các chuyên ngành vừa là năng lực chuyên biệt của một số chuyên ngành. Đỉnh chóp của năng lực giao tiếp là việc thể hiện các chuẩn mực văn hóa trong giao tiếp hay còn gọi là văn hóa giao tiếp. Thực tế thì học sinh khi bước vào các trường chuyên nghiệp vẫn bị đánh giá thấp về năng lực giao tiếp, đặc biệt là văn hóa giao tiếp. Trách nhiệm này thuộc về nhiều người nhưng vai chính là giảng viên các ngành Văn hóa, Ngôn ngữ nói chung, Tiếng Việt nói riêng. Bài viết tập trung vào vấn đề tích hợp rèn luyện năng lực giao tiếp cho sinh viên thông qua việc dạy học học phần Ngữ dụng học.
2. Nội dung
2.1. Một số cơ sở lí thuyết
2.1.1. Văn hóa giao tiếp
Giao tiếp là quá trình tiếp xúc tâm lý giữa con người và con người nhằm mục đích trao đổi tư tưởng, tình cảm, vốn sống, kinh nghiệm, kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, hoàn thiện nhân cách bản thân. Giao tiếp là phương thức tồn tại của con người, là phương tiện cơ bản để hình thành nhân cách trẻ.
Văn hóa giao tiếp là sự phản ánh các nội dung, vấn đề có tính văn hóa mà một đối tượng chủ thể trao đổi, tiếp xúc với một hoặc nhiều đối tượng liên quan được thực hiện bằng lời nói, tức ngôn ngữ, với thái độ khác nhau của chủ thể giao tiếp và có sự đáp ứng lại của đối tượng được giao tiếp.
2.1.2. Về tích hợp trong dạy học
Trong lí luận dạy học hiện đại, tích hợp được hiểu là sự kết hợp một cách hữu cơ, có hệ thống, ở những mức độ khác nhau các kiến thức, kĩ năng thuộc các môn học khác nhau hoặc các hợp phần của bộ môn thành một nội dung thống nhất, dựa trên cơ sở các mối liên hệ về lí luận và thực tiễn được đề cập đến trong các môn học hoặc các hợp phần của bộ môn đó.
Tích hợp là một trong những xu thế dạy học hiện đại hiện đang được quan tâm nghiên cứu và áp dụng vào nhà trường ở nhiều nước trên thế giới. Ở nước ta, từ thập niên 90 của thế kỷ XX trở lại đây, vấn đề xây dựng môn học tích hợp với những mức độ khác nhau mới thực sự được tập trung nghiên cứu, thử nghiệm và áp dụng vào nhà trường phổ thông, chủ yếu ở bậc tiểu học và bậc THCS. Trước đó, tinh thần giảng dạy tích hợp chỉ mới được thực hiện ở những mức độ thấp như liên hệ, phối hợp các kiến thức, kĩ năng thuộc các môn học hay phân môn khác nhau để giải quyết một vấn đề giảng dạy.
Tích hợp theo phương pháp tiếp cận CDIO
Phương pháp tiếp cận “CDIO” (gọi tắt là tiếp cận “CDIO”) khởi thủy là cách thức tiếp cận một mô hình lí thuyết về đào tạo theo định hướng năng lực đầu ra trong các trường đại học kĩ thuật. Ưu điểm nổi bật của “CDIO” là không có một nguyên tắc cứng nhắc. Đây chỉ là những nguyên lí, ý tưởng nên các ngành đào tạo có thể điều chỉnh linh hoạt để phù hợp cho các chuyên ngành không nằm trong khối kĩ thuật và điều kiện của từng trường.
Phát triển chương trình đào tào theo phương pháp tiếp cận CDIO đề ra 12 tiêu chuẩn; trong đó, tiêu chuẩn thứ 7 đề cập trực tiếp đến vấn đề tích hợp – Các trải nghiệm học tập tích hợp.Tiêu chuẩn 7 được trình bày như sau: “Các trải nghiệm học tập tích hợp đưa đến việc tiếp thu các kiến thức chuyên ngành cũng như các kĩ năng cá nhân và giao tiếp, kĩ năng kiến tạo sản phẩm, quy trình và hệ thống. Việc thiết kế CTĐT và các chuẩn đầu ra, được quy định trong Tiêu chuẩn 2 và 3 tương ứng, chỉ có thể thành hiện thực nếu có được các phương pháp sư phạm tương ứng tận dụng kép được thời gian học tập của sinh viên.. Với các trải nghiệm học tập tích hợp, giảng viên có thể giúp sinh viên một cách hiệu quả hơn trong việc áp dụng kiến thức chuyên ngành vào thực hành kĩ thuật và chuẩn bị cho họ tốt hơn để đáp ứng các nhu cầu của nghề nghiệp kĩ thuật”[6].
2.2. Vận dụng vào việc dạy học học phần Ngữ dụng học
Ngữ dụng học là một bộ môn khá mới của Ngôn ngữ học, xuất hiện từ cuối thế kỉ XX, đến nay đã thâm nhập khá sâu sắc vào trong các lĩnh vực nghiên cứu của Việt ngữ học. Là một bộ môn có đối tượng nghiên cứu là ngôn ngữ và các sản phẩm của ngôn ngữ trong hoạt động giao tiếp bằng lời, Ngữ dụng học thực chất chính là một lí thuyết giao tiếp khá hoàn chỉnh với các mảng nghiên cứu chính là: Diễn ngôn, ngữ cảnh, chiếu vật – chỉ xuất, hành động ngôn ngữ, lập luận, hội thoại, nghĩa tường minh, nghĩa hàm ẩn. Mục tiêu cuối cùng của Ngữ dụng học là giúp người học sử dụng ngôn ngữ một cách hiệu quả, đạt được mục đích giao tiếp: xuất phát từ mục đích giao tiếp, người nói căn cứ vào những đặc điểm của ngữ cảnh (đặc biệt là đặc điểm của đối ngôn, của hoàn cảnh giao tiếp) để xác định nội dung, cách thức giao tiếp, xây dựng nên chiến lược giao tiếp với những hành động ở lời cụ thể; diễn ngôn được tạo ra có thể có nghĩa tường minh và nghĩa hàm ẩn với những biểu thức chiếu vật phù hợp, có lập luận chặt chẽ thuyết phục, phù hợp với các quy tắc hội thoại.
Như vậy, tích hợp rèn luyện năng lực giao tiếp thông qua giảng dạy học phần Ngữ dụng học cho sinh viên là vấn đề có nhiều cơ sở cả về giáo dục học lẫn ngôn ngữ học cho việc thực hiện. Tuy nhiên, cách dạy Ngữ dụng học lâu nay vẫn mang nặng tính chất khoa học hàn lâm, chưa thực sự dạy cách thức giao tiếp, rèn luyện kỹ năng giao tiếp cho sinh viên. Chính vì vậy, vai trò tổ chức, hướng dẫn của người giảng viên trong quá trình tích hợp rèn luyện năng lực giao tiếp là vô cùng quan trọng. Giảng viên phải nhận thức đúng và triển khai một cách chặt chẽ, hệ thống quá trình tích hợp rèn luyện kỹ năng giao tiếp thông qua dạy kiến thức Ngữ dụng học. Đồng thời giảng viên cần phối hợp nhịp nhàng với sinh viên trong quá trình vận dụng và đổi mới phương pháp dạy học cho phù hợp với đặc thù môn học.
2.2.1. Trong thiết kế đề cương học phần
Ngay trong đề cương chi tiết học phần Ngữ dụng học, giảng viên cần bám sát nội dung từng phần cụ thể ứng với phân phối chương trình để định hướng một kế hoạch rèn luyện năng lực giao tiếp cho sinh viên song song với việc tiếp thu kiến thức môn học. Cụ thể, trong từng chương, bài của học phần Ngữ dụng học, giảng viên cần chỉ rõ nội dung kiến thức cần đạt, kỹ năng giao tiếp cần rèn luyện, phương pháp, hình thức dạy học cụ thể. Điều này giúp các em hình dung và xác định rõ được mục tiêu cuối cùng của môn Ngữ dụng học là rèn luyện và phát triển năng lực giao tiếp. Từ đó, sinh viên chủ động rèn luyện từng kỹ năng giao tiếp trong quá trình tiếp thu kiến thức Ngữ dụng học nói chung.
2.2.2. Tổ chức dạy học học phần Ngữ dụng học bằng các trải nghiệm học tập tích hợp
Phương pháp tiếp cận “CDIO” đã giải thích cụ thể cơ sở lí luận và thực tiễn hình thành một chương trình đào tạo tích hợp là một chương trình đào tạo có thể tận dụng kép cả thời gian và nguồn lực trong các môn học chuyên ngành sẵn có, nghĩa là tận dụng sự tổng hợp của việc học cùng lúc các kĩ năng và kiến thức chuyên ngành. Người học chủ động trải nghiệm kiến thức môn học để rèn luyện kỹ năng; chủ động trong giải quyết các nhiệm vụ học tập và được thỏa sức sáng tạo thông qua các nhiệm vụ có tính mở, tích hợp các kĩ năng chuyên môn, nghề nghiệp liên ngành, đa ngành và những kĩ năng cá nhân.
Như vậy, trải nghiệm học tập tích hợp là hình thức học thông qua làm, học qua trải nghiệm giúp sinh viên không những có được năng lực thực hiện mà còn có những trải nghiệm về cảm xúc, ý chí và nhiều trạng thái tâm lý khác nhau. Trong mỗi giờ học Ngữ dụng học, giáo viên nên sử dụng kép thời gian để vừa cung cấp tri thức về lý thuyết Ngữ dụng học cho sinh viên, vừa rèn luyện và phát triển các năng lực giao tiếp cho các em.
Trải nghiệm học tập tích hợp bằng hoạt động trò chơi
Hoạt động trò chơi là phương tiện giáo dục tích cực giúp phát triển toàn diện những năng lực cho sinh viên, giúp các em nâng cao hiểu biết về thế giới hiện thực xung quanh, kích thích trí thông minh, lòng ham hiểu biết, học cách giải quyết vấn đề và nhiệm vụ. Trong quá trình diễn ra trò chơi, tất cả các thành viên của nhóm đều tham gia hết mình và từ đó giúp các em thêm sự hứng khởi, tạo động lực cho các em học tập và rèn luyện kỹ năng tốt hơn.
Chẳng hạn khi dạy bài “Hành động ngôn ngữ”, giảng viên có thể tổ chức trò chơi “Cách sử dụng hành động hỏi, khen, chê, cảm ơn, xin lỗi,… trong thực tiễn giao tiếp”. Với trò chơi này, lớp học có thể được chia thành các nhóm hoặc hoạt động cá nhân. Nhóm có nhiệm vụ thống kê các biểu thức ngôn ngữ thể hiện hành động hỏi, khen, chê,… Giảng viên có thể cùng tham gia trò chơi và kiêm nhiệm công tác trọng tài. Từ đó các cá nhân tự bản thân trải nghiệm về cách hỏi, khen, chê, cảm ơn, xin lỗi,… trong thực tiễn giao tiếp một cách đa dạng và sinh động. Giảng viên sẽ nhận xét, phân tích chốt lại vấn đề về cách sử dụng các hành động hỏi, khen, chê, cảm ơn, xin lỗi,… trong thực tiễn giao tiếp như thế nào cho phù hợp với văn hóa giao tiếp của người Việt. Thông qua hoạt động này, bản thân mỗi sinh viên sẽ vừa khắc sâu kiến thức về hành động ngôn ngữ, vừa được rèn luyện kỹ năng hỏi, khen, chê,… trong giao tiếp. Từ đó giúp các em biết cách giao tiếp - ứng xử lịch sự hơn, có văn hóa hơn.
Trải nghiệm học tập tích hợp thông qua hoạt động đóng vai
Đóng vai là hình thức mỗi sinh viên sẽ nhập vai một nhân vật cụ thể trong tình huống giao tiếp giả định. Với hoạt động này, sinh viên phải suy nghĩ để kiến tạo nên các phát ngôn, các lập luận cùng với cử chỉ, hành vi, thái độ để đạt được hiệu quả giao tiếp của vai diễn. Như vậy, thông qua hoạt động đóng vai này, sinh viên được trải nghiệm việc sử dụng ngôn ngữ và hành vi, cử chỉ để giao tiếp, từ đó giúp các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp một cách hiệu quả.
Chẳng hạn, khi dạy về bài “Lý thuyết hội thoại”, lớp học sẽ được chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm tự xây dựng cho mình một cuộc hội thoại, trong đó nhóm sẽ phân vai cho các thành viên trong nhóm. Cuộc hội thoại đạt được đích của giao tiếp là cuộc thoại phải đảm bảo các phương châm hội thoại: phương châm về lượng, phương châm về chất, phương châm quan hệ và phương châm cách thức. Mỗi sinh viên tự mình phải lựa chọn lượng tin, nội dung, cách thức giao tiếp để đạt được đích giao tiếp như mong muốn. Như vậy, thông qua hoạt động đóng vai, bản thân mỗi sinh viên vừa được tiếp thu kiến thức về các nguyên tắc hội thoại vừa được rèn luyện năng lực sử dụng ngôn ngữ cũng như năng lực ứng xử của bản thân trong tình huống giao tiếp cụ thể, tạo điều kiện phát triển năng lực giao tiếp và khích lệ sự thay đổi thái độ hành vi theo hướng tích cực trước một vấn đề hay đối tượng nào đó trong thực tiễn giao tiếp. Bằng những hoạt động giao tiếp, các em tự nhận ra được những điểm mạnh, điểm yếu của mình trong giao tiếp, giúp các em tự đánh giá về mình, biết đánh về người khác, từ đó sẽ giúp các em tự rèn luyện kỹ năng giao tiếp và nâng cao văn hóa giao tiếp cho bản thân.
Trải nghiệm học tập tích hợp thông qua hoạt động nhóm
Hoạt động nhóm là phương pháp giáo viên chia sinh viên trong lớp thành các nhóm học tập theo hướng tạo ra sự tương tác trực tiếp giữa các thành viên, từ đó sinh viên trong nhóm thảo luận, cùng nhau phối hợp để hoàn thành nhiệm vụ học tập. Hoạt động nhóm được xem là một phương pháp dạy học tích hợp hiệu quả. Hoạt động học tập này giúp sinh viên có được hiệu quả kép trong thời gian học tập, có nghĩa là các em vừa được tiếp thu kiến thức môn học thông qua thảo luận nhóm, đồng thời các em vừa phát triển năng lực cá nhân, năng lực giao tiếp thông qua hạt động nhóm.
Chẳng hạn, khi dạy về Phép lịch sự, lớp học sẽ được chia thành các nhóm nhỏ, mỗi nhóm thực hiện một nhiệm vụ khác nhau: cách sử dụng từ xưng hô trong tiếng Việt, các biểu thức rào đón thể hiện phép lịch sự trong hội thoại, các hành động ở lời đe dọa thể diện và tôn vinh thể diện,… Qua thời gian thảo luận, các em sẽ tương tác với nhau bằng sự trao đổi, tranh luận những hiểu biết về từ xưng hô, về cách nói lịch sự và về những cách nói khen, chê như thế nào cho phù hợp với vai, nội dung và hoàn cảnh giao tiếp. Như vậy, thông qua hoạt động nhóm, các em không những tự lĩnh hội kiến thức về phép lịch sự mà còn được rèn luyện cách dùng từ xưng hô, khen, chê,… như thế nào cho lịch sự trong giao tiếp.
Trải nghiệm học tập tích hợp thông qua hình thức thuyết trình
Thuyết trình là hình thức nói về một vấn đề nào đó trước nhiều người một cách có hệ thống. Vận dụng hình thức này trong việc dạy Ngữ dụng học nhằm đạt hiệu quả kép cho sinh viên: vừa học kiến thức ngữ dụng học vừa rèn luyện và phát triển năng lực giao tiếp của bản thân. Giảng viên cho trước các đề tài thuyết trình như: xây dựng lập luận để thuyết phục người khác, cách dùng từ xưng hô trong giao tiếp, các biểu thức cảm ơn, xin lỗi của người Việt,… Để thuyết trình tốt, sinh viên phải tìm hiểu và chuẩn bị những nội dung kiến thức về cách dùng từ xưng hô trong giao tiếp, thực tiễn văn hóa cảm ơn, xin lỗi của người Việt để thuyết trình, các em phải tự tập luyện thuyết trình (cách sử dụng ngôn ngữ, hành vi, cử chỉ) nhiều lần trước khi thuyết trình trên lớp. Như vậy, ở khâu chuẩn bị thuyết trình, bản thân sinh viên vừa nâng cao năng lực tự học để tiếp thu kiến thức về Ngữ dụng học, vừa tự rèn luyện kỹ năng sử dụng ngôn ngữ, lựa chọn hành vi cử chỉ cho hiệu quả trong giao tiếp. Thông qua hoạt động thuyết trình, sinh viên sẽ tự thể hiện những hiểu biết của mình về từ xưng hô, văn hóa cảm ơn, xin lỗi, đồng thời sinh viên cũng thể hiện năng lực sử dụng ngôn ngữ, cử chỉ, hành vi của mình trong giao tiếp. Từ đó, các em sẽ tự nhận thức, đánh giá được năng lực giao tiếp của mình để rồi tự điều chỉnh và ý thức về việc rèn luyện kỹ năng giao tiếp và văn hóa giao tiếp cho bản thân.
2.2.3. Dạy học Ngữ dụng học từ thực tiễn giao tiếp của sinh viên
Dạy học Ngữ dụng học cũng cần liên hệ chặt chẽ với thực tiễn giao tiếp của sinh viên. Tức là, từ thực tiễn giao tiếp cụ thể của sinh viên, giảng viên hướng họ chú ý vào bài, xác định những kiến thức quan trọng trong bài, rồi lại quay về vận dụng chính những kiến thức này vào thực tiễn giao tiếp sinh động xung quanh họ. Điều này sẽ giúp sinh viên vừa tiếp thu kiến thức ngữ dụng học một cách nhẹ nhàng, vừa rèn luyện kỹ năng giao tiếp một cách hiệu quả.
Chẳng hạn, dạy bài “Khái quát về Ngữ dụng học”, giảng viên sẽ bắt đầu bằng việc cho sinh viên tự liên hệ với hoạt động giao tiếp của bản thân trong thực tế để tự tìm ra các nhân tố giao tiếp và vai trò của chúng trong cuộc giao tiếp: người giao tiếp, không gian, thời gian của cuộc giao tiếp, nội dung giao tiếp, mục đích giao tiếp và phương tiện giao tiếp. Từ đó, giảng viên cho sinh viên làm bài tập tình huống, thí dụ: khi phải nói lời xin lỗi với thầy cô giáo và bạn bè thì phải nói năng khác nhau như thế nào, hoặc giả sử khi đi chợ, khi ở nhà với khi ở trường, trong những môi trường khác nhau đó thì tác phong, ngôn ngữ của em sẽ sử dụng như thế nào cho phù hợp,… Từ thực tiễn giao tiếp sinh động của chính bản thân mình, sinh viên sẽ tự điều chỉnh cách sử dụng ngôn ngữ và hành vi cho phù hợp với vai, nội dung và hoàn cảnh giao tiếp.
Hoặc khi dạy bài “Chiếu vật, chỉ xuất”, giảng viên cũng cần đi từ thực tiễn giao tiếp của sinh viên với những bài tập như: khi em muốn nói đến thầy giáo của mình thì em sẽ dùng những biểu thức chiếu vật nào cho phù hợp, khi giao tiếp với bạn bè em thường dùng những cách xưng hô như thế nào. Từ đó, giảng viên sẽ giúp sinh viên tự chốt lại kiến thức của bài về những phương thức chiếu vật (chiếu vật bằng tên riêng, chiếu vật bằng miêu tả xác định, chiếu vật bằng chỉ xuất). Như vậy, bằng việc thực hiện các bài tập về giao tiếp, sinh viên sẽ vừa tiếp thu kiến thức về chiếu vật, chỉ xuất một cách tự nhiên, vừa rèn luyện kỹ năng giao tiếp một cách hiệu quả.
3. Kết luận
Tích hợp rèn luyện năng lực giao tiếp cho sinh viên là một nhiệm vụ quan trọng đối với giảng viên trong quá trình giảng dạy, đặc biệt là các giảng viên dạy Ngôn ngữ. Mỗi môn học có những đặc trưng riêng, giảng viên có thể lựa chọn các phương pháp dạy học phù hợp nhằm sử dụng kép thời gian để vừa học kiến thức, vừa rèn luyện năng lực giao tiếp. Nhưng để có thể sử dụng công dụng kép của thời gian học tập, điều quan trọng là phải có được phương pháp giảng dạy và học tập mới, làm sao tận dụng được tối ưu thời gian nhưng không làm nặng thêm về mặt khối lượng kiến thức môn học. Giảng dạy và học tập dựa trên các phương pháp học chủ động (active learning) và trải nghiệm (experiential learning) (tiêu chuẩn “CDIO” 7) là một giải pháp cho vấn đề trên. Tùy thuộc vào nội dung từng bài học, môn học cụ thể, giáo viên có thể áp dụng hình thức trải nghiệm học tập tích hợp phù hợp, nhằm phát triển tốt nhất năng lực chuyên biệt, năng lực chung và năng lực cá nhân của người học.
Tài liệu tham khảo:
1. Lê A (Chủ biên) (1998), Phương pháp dạy học tiếng Việt, tập 1, Nxb GD.
2. Đỗ Hữu Châu (2003), Đại cương ngôn ngữ học ( tập 2- Ngữ dụng học), Nxb GD.
3. Nguyễn Khắc Hùng (chủ biên) (2011), Văn hóa và văn hóa học đường, Nxb Thanh Niên, Hà Nội.
4. Trần Ngọc Thêm (2000), Cơ sở văn hóa Việt Nam, Nxb GD.
5. Bộ GD & ĐT (2014), Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, (Tài liệu tập huấn).
6. Bộ GD & ĐT (2014), Kinh nghiệm quốc tế về phát triển chương trình giáo dục phổ thông, (Tài liệu tập huấn)
7. Bộ GD & ĐT (2015), Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý và giáo viên phổ thông của các cơ sở đào tạo giáo viên, (Tài liệu nội bộ).
ThS, Nguyễn Thị Bé