Nhằm trau dồi kiến thức chuyên môn và rèn luyện kĩ năng nghề nghiệp cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học, ngày 19/10/2018, Tổ Tiểu học, khoa Sư phạm đã tổ chức cuộc thi Thiết kế đồ dùng dạy học Toán cho sinh viên K43 tại Cơ sở 1, Trường Đại học Khánh Hòa.
Trong chương trình Tiểu học, Toán là một môn học có vị trí quan trọng và chiếm thời lượng dạy học khá cao. Vốn được xem là môn học khó và khô khan nên việc áp dụng các PPDH tích cực, sử dụng các đồ dùng dạy học sinh động, lí thú nhằm tạo hứng thú và khơi gợi khả năng tư duy tích cực, sáng tạo cho học sinh được xem là yêu cầu cần thiết trong tổ chức dạy học. Chính vì thế, Hội thi NGHIỆP VỤ SƯ PHẠM TOÁN được Khoa Sư phạm tổ chức hàng năm cho sinh viên ngành Giáo dục Tiểu học nhằm gúp sinh viên trao đổi, chia sẻ về phương pháp giảng dạy; bước đầu được làm quen và có kĩ năng, kinh nghiệm thiết kế các đồ dùng dạy học toán, thiết kế giáo án điện tử khoa học, hiệu quả, có tính thẩm mỹ... Đây chính là cơ sở để tổ chức các tiết học sinh động, hiệu quả theo tinh thần Học mà chơi - Chơi mà học vốn rất phù hợp với tâm lí lứa tuổi tiểu học.
Cuộc thi gồm 3 nội dung chính là Thiết kế đồ dùng dạy học Toán (theo mô hình truyền thống), Thiết kế đồ dùng dạy học Toán (theo mô hình VNEN) và Thiết kế giáo án điện tử. Sinh viên được chia làm 2 đội thi, mỗi đội sẽ thuyết trình trong vòng từ 5 đến 7 phút các sản phẩm của đội mình. Sau đó là phần chất vấn của đội bạn và phần nhận xét, đánh giá của BGK.
Cuộc thi diễn ra vô cùng hào hứng, sôi nổi. Phần thi Thiết kế đồ dùng dạy học truyền thống và Phần thi Thiết kế đồ dùng dạy học theo mô hình VNEN thể hiện rất rõ tính sáng tạo và tính ứng dụng cao. Sản phẩm của cả hai đội đa phần được tạo ra từ các vật dụng tái chế. Qua bàn tay khéo léo và sự sáng tạo tuyệt vời của các sinh viên, chúng trở thành đồ dùng dạy học có hình thức đẹp mắt, sinh động, phù hợp với lứa tuổi học sinh tiểu học. Về nội dung, các sản phẩm mang tính ứng dụng cao vì có thể áp dụng được cho nhiều nội dung dạy học và tích hợp được cho các khối lớp khác nhau. Đặc biệt, các đồ dùng dạy học này sau giờ học có thể trở thành các đồ chơi hấp dẫn cho học sinh, như các khối hình học có thể biến thành mô hình lắp ghép sáng tạo.
Hình 1. SV thể hiện phần thi Thuyết trình giáo án điện tử
Phần thi Thiết kế giáo án điện tử thể hiện khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy của sinh viên. Sản phẩm giáo án điện tử của cả 2 đội đều được thiết kế khoa học, sinh động, hấp dẫn, để lại ấn tượng cho sinh viên tham dự và ban giám khảo. Đặc biệt, sinh viên thể hiện sự thông minh, sáng tạo qua việc dùng các phần mềm, các hiệu ứng phù hợp ứng dụng vào bài học.
Hình 2. Phần thi Thuyết trình đồ dùng dạy học truyền thống và VNEN
Kết quả hội thi Đội A chiến thắng trong phần thi thiết kế đồ dùng dạy học truyền thống và VNEN. Đội B chiến thắng trong phần thi Thiết kế giáo án điện tử.
Hình 3. Các đội thi được BTC trao giải và nhận thưởng
Hội thi đã đem đến một sân chơi thú vị, bổ ích để các em trau dồi chuyên môn và thỏa sức phát huy sự sáng tạo trong tổ chức dạy học, nhất là khơi gợi được trong các em tình yêu và đam mê với nghề nghiệp mà các em theo đuổi. Đây thực sự là hành trang hữu ích giúp các em tự tin khẳng định bản thân trong công việc tương lai.
Hoàng Thị Nguyệt – Khoa Sư phạm