Nằm trong chuỗi các hoạt động của Hội thảo quốc tế lần thứ hai về “Các vấn đề hệ nhiều hạt lượng tử trong vật lý hạt, hạt nhân, và nguyên tử” được tổ chức từ ngày 07 -11/03/2019 tại Trường Đại học Khánh Hoà; nhằm tăng cường sự hợp tác của Trường Đại học Khánh Hòa với các trường, Viện nghiên cứu có uy tín trong và ngoài nước đồng thời nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học của giảng viên và sinh viên, vào lúc 9h ngày 05/3/2019, tại phòng 206C, Trường Đại học Khánh Hòa đã tổ chức buổi tọa đàm về kinh nghiệm viết và đăng bài báo khoa học.
Tham dự buổi tọa đàm có PGS.TS Chu Đình Lộc – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khánh Hòa, Th.S Phan Quốc thông – Trưởng Phòng Quản lý khoa học, Th.S Thái Thị Phương Thảo – Trưởng Khoa Sư phạm, giảng viên các khoa và sinh viên Trường Đại học Khánh Hòa cùng các thành viên của Trường Đại học Duy Tân.
Hình 1. PGS.TS Chu Đình Lộc phát biểu khai mạc buổi tọa đàm của PGS.TS Nguyễn Quang Hưng
Buổi nói chuyện của PGS.TS Nguyễn Quang Hưng, Viện trưởng Viện NCKH Cơ bản và Ứng dụng Trường Đại học duy Tân và thành viên Hội đồng khoa học ngành Vật lý, Quỹ phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia (Nafosted) tập trung vào 3 vấn đề trọng tâm, gồm:
1. Giới thiệu viện NCKH cơ bản và ứng dụng, Trường Đại học Duy Tân.
2. Kinh nghiệm viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín.
3. Quy trình và một số lưu ý khi viết hồ sơ xin tài trợ của Quỹ Nafosted.
PGS.TS Nguyễn Quang Hưng tốt nghiệp TS ngành Vật lý lý thuyết và Vật lý toán năm 2009 theo chương trình Asian Program Associate giữa Viện Nghiên Cứu Vật Lý và Hoá Học, RIKEN, Nhật Bản và Viện Vật Lý, Viện Hàn Lâm KH và CN Quốc Gia (VAST), Việt Nam. Ông là tác giả và đồng tác giả của khoảng 30 bài báo ISI, trong đó có 1 bài trên tạp chí Reports on Progress in Physics (IF = 14.2); 1 bài trên tạp chí Physical Review Letters (IF = 8.8); 3 bài trên tạp chí Physics Letters B (IF = 4.2); 16 bài trên tạp chí Physical Review C (IF = 3.3),... PGS.TS Nguyễn Quang Hưng đã từng giành được rất nhiều giải thưởng uy tín trong nước, được bầu chọn là 1 trong 9 thành viên Hội đồng Khoa Học ngành Vật lý Quỹ Phát Triển KH và CN Quốc Gia NAFOSTED nhiệm kỳ 2017 – 2019.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng đã giới thiệu nhiều vấn đề thiết thực, đặc biệt phần chia sẻ kinh nghiệm viết bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế uy tín thu hút được sự quan tâm của rất nhiều giảng viên. Theo ông, bài báo khoa học không chỉ là một bản báo cáo về công trình nghiên cứu mà còn góp phần quan trọng cho kho tàng tri thức của thế giới, khoa học tiến bộ cũng phần lớn nhờ vào thông tin từ những bài báo khoa học. Một công trình nghiên cứu được tài trợ bởi nhà nước/tổ chức tư nhân đã được hoàn tất mà kết quả không được công bố/kiểm chứng độc lập bởi các chuyên gia quốc tế là có vấn đề về đạo đức khoa học và nhà nghiên cứu chưa hoàn thành nghĩa vụ của mình với sự đóng góp của xã hội. Đó chính là lí do cần phải công bố quốc tế qua các bài báo khoa học.
Hình 2. Những kinh nghiệm được chia sẻ trong buổi tọa đàm thu hút sự quan tâm của giảng viên và sinh viên
Những kinh nghiệm được PGS.TS Nguyễn Quang Hưng chia sẻ khi viết một bài báo khoa học bao gồm:
- Bài học số 1: làm nghiên cứu sinh chủ yếu là tự học dưới sự hướng dẫn của giáo sư. Năng lực tự học rất quan trọng.
- Bài học số 2: học từ những bài bào trước đã công bố trên tập san mà mình có ý định công bố.
- Bài học số 3: tiếng Anh mà chúng ta học từ trường hay qua các kỳ thi như TOEFL, IELTS tuy có ích trong giao tiếp nhưng giúp rất ít vào việc viết bài báo khoa học.
- Bài học số 4: viết văn khoa học phải kể một câu chuyện có đầu, có đuôi và giàu hình ảnh.
- Bài học số 5: nội dung và thông điệp bài báo rất quan trọng, nên cần đầu tư thời gian để viết cho thuyết phục.
- Bài học số 6: hình thức trình bày dữ liệu cũng rất quan trọng.
- Bài học số 7: chuẩn bị tinh thần bị từ chối. Mỗi lần bị từ chối là một cơ hội để cải thiện cho lần sau, tập san có uy tín càng cao thì yêu cầu về phẩm chất càng cao và họ từ chối càng nhiều.
- Bài học số 8: trả lời các ý kiến bình duyệt đầy đủ, lịch sự và có chứng cứ.
Về quy trình và một số lưu ý khi viết hồ sơ xin tài trợ của Quỹ Nafosted, PGS.TS Nguyễn Quang Hưng đã hướng dẫn những lưu ý khi viết thuyết minh; nêu trình tự và quy trình xét chọn của Hội đồng Quỹ cùng danh sách tạp chí ISI và tạp chí Quốc tế uy tín.
Buổi tọa đàm về kinh nghiệm viết và đăng bài báo khoa học thực sự là hoạt động có ý nghĩa đối với giảng viên và sinh viên trong những định hướng nghiên cứu trong tương lai.
Thu Hương