Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Sư phạm ❯ Chi tiết
       
  07/05/2020 10:34        

Cựu sinh viên xuất sắc ngành Sư phạm Vật lý với những chia sẻ về ngành học và nghề nghiệp mà mình đã chọn

Trước những băn khoăn của các bạn học sinh THPT trên con đường lựa chọn ngành học và nghề nghiệp của mình trong tương lai, Bộ phận truyền thông của Khoa Sư Phạm, trường Đại học Khánh Hòa đã có buổi gặp gỡ và phỏng vấn trực tiếp với thầy Nguyễn Trung Tĩnh – cựu sinh viên xuất sắc ngành Sư phạm Vật lý. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn:
1. Chào Tĩnh, trước hết cảm ơn em vì đã nhận lời phỏng vấn của Bộ phận truyền thông - Khoa Sư Phạm – trường Đại học Khánh Hòa. Em có thể giới thiệu một chút về bản thân, đặc biệt về công việc hiện tại của em?
Em tên là Nguyễn Trung Tĩnh, quê ở xã Cam Hòa, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Em là cựu SV lớp SP Vật lý – KTCN, trường CĐSP Nha Trang (nay là trường Đại học Khánh Hòa), khóa 37 (2011-2014). Em đã ra trường được 6 năm.
Hiện tại em đang giảng dạy Vật lý và là Lead teacher (giáo viên trưởng) tại trường Liên cấp Quốc tế Việt Nam Singapore tại Khu đô thị Vĩnh Điềm Trung, Nha Trang, Khánh Hòa. Em đã làm việc tại trường này ngay khi vừa tốt nghiệp ra trường và công tác tại trường đến nay được 6 năm.

Hình 1. Thầy Nguyễn Trung Tĩnh - Cựu sinh viên ngành Sư phạm Vật lý Trường Đại học Khánh Hòa (phải)


2. Được biết trường Liên Cấp Quốc Tế Việt Nam Singapore có quy trình xét tuyển giáo viên rất khắt khe. Em có thể giới thiệu một về chút quy trình đó và tại sao một sinh viên vừa ra trường như em lại nhận được ngay công việc tốt như vậy?
Đúng như vậy, việc xét tuyển của trường này rất khắt khe. Thời điểm em xin vào trường, quy trình có 4 vòng. Vòng 1 là xét hồ sơ xin việc của các ứng cử viên và chọn ra hồ sơ đẹp, nghĩa là người ứng tuyển có thành tích học tập tốt và thành tích hoạt động ngoại khóa nổi bật.
Vòng 2 là phỏng vấn trực tiếp (ứng viên sẽ được đánh giá về khả năng giao tiếp, khả năng xử lý tình huống, sự nhiệt tình, hoạt bát, nhanh nhẹn,...)
Vòng 3 là kiểm tra trình độ tiếng Anh của ứng viên.
Vòng 4 là dạy thử 2 tiết ở 2 lớp bất kì với thời gian chuẩn bị tương đối ngắn. Trường sẽ dự giờ, đánh giá tiết dạy và đánh giá năng lực của ứng viên.
Qua 4 vòng đó thì em được đánh giá là người tốt nhất, phù hợp nhất với các tiêu chí chọn giáo viên của của trường và đã được nhận công tác tại trường ngay tháng 8 sau khi vừa ra trường vào tháng 7.
Điều thú vị là nhà tuyển dụng đã trực tiếp đến trường CĐSP lúc bấy giờ và giao lưu một buổi với các sinh viên nhằm cung cấp thông tin và trả lời các thắc mắc, em chẳng phải tìm kiếm hay đi đâu xa. Em cũng cảm thấy rất may mắn vì những kỹ năng cần thiết cho việc tuyển dụng như giảng dạy đã được các thầy cô rèn luyện cho em rất kỹ trước đó.
Em nghĩ ưu thế của mình so với các bạn khác đó chính là danh sách thành tích các hoạt động ngoại khóa, hoạt động thanh niên. Em luôn cố gắng học hỏi từ thầy cô và các anh chị khóa trước các kỹ năng mềm. Từ đó, em không chỉ còn là người tham gia hoạt động mà còn có thể tổ chức, quán xuyến được cả công tác tổ chức. Có lẽ nhà tuyển dụng thấy được điều này nên đã quyết định nhận em.

Hình 2. Thầy Tĩnh hướng dẫn học sinh đo trọng lượng của vật trong tiết Vật Lý tại trường  liên cấp Quốc tế Việt Nam Singapore


3. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, lý do gì khiến em lựa chọn thi vào ngành Sư Phạm Vật Lý tại trường CĐSP Nha Trang, nay là trường Đại học Khánh Hòa?
Bản thân em có ước muốn được làm một giáo viên, được đứng trên bục giảng và mẹ cũng mong vậy (cười).
Một lý do nữa là do gia cảnh em lúc bấy giờ khá khó khăn mà học sư phạm lại không phải đóng học phí (cười).
Một lý do khác nghe hơi buồn cười đó là vì trường ở vị trí địa lý tuyệt vời, ngay trung tâm thành phố và trước mặt là bờ biển Nha Trang thơ mộng. Em rất muốn hàng ngày được đến đó học (cười). Trường cũng gần quê em. Vì vậy em đã chọn thi vào sư phạm ở Nha Trang mà không phải là một thành phố khác.
4. Suốt ba năm học tại trường, em thấy môi trường học tập của mình thế nào?
Môi trường học tập rất tốt. Nhìn bên ngoài, trường có hơi “cũ kĩ” nhưng cơ sở vật chất rất tốt. Điều kiện để sinh viên thực hành theo các chuyên ngành đều đầy đủ và tốt.
Ngoài việc trang bị kiến thức chuyên ngành, em thường xuyên được rèn nghiệp vụ sư phạm thông qua tập giảng, dự giờ trường phổ thông và hội giảng. Điều đó giúp em rất tự tin khi đứng lớp mặc dù mới chỉ là sinh viên.
Đặc biệt, trường tổ chức rất nhiều các hoạt động ngoại khóa thú vị liên quan đến chuyên ngành và cả ngoài chuyên ngành. Em từng tham gia thi tự làm đồ dùng dạy học, làm ảo thuật gia trong “Dạ hội Khoa học và cuộc sống”. Em đã từng được đi Đà Lạt và vào thăm lò phản ứng hạt nhân. Có lẽ em sẽ không có cơ hội thứ 2 vào đây. Ưu ái này chỉ dành cho sinh viên ngành Vật Lý. Trường cũng tổ chức rất nhiều hoạt động thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ,.. Sinh viên có thể lựa chọn tham gia tùy vào thế mạnh của mỗi bạn. Ba năm sinh viên của em đầy ắp những kỷ niệm của những hoạt động tình nguyện, của mùa hè xanh. Nhờ đó em có rất nhiều bạn bè ngoài lớp Lý. Em thấy mình như chú chim được sổ lồng vậy, vì em được học hỏi, được trải nghiệm, được đi đây đi đó. Thời sinh viên ở trường quả thật là quãng thời gian rất hạnh phúc đối với em.
5. Được biết em không những có thành tích tốt trong học tập mà còn có những thành tích rất đáng nể trong các hoạt động thanh niên? Em có thể nói một chút về các kết quả mình đã đạt được không?
Ngoài học tập thì em tham gia hầu hết các hoạt động thanh niên của lớp, khoa, trường và của địa phương nơi em sinh sống nữa. Có hoạt động em tham gia với tư cách thành viên, nhiều hoạt động em còn tham gia vào ban tổ chức. Có rất nhiều hoạt động ý nghĩa như: mùa hè xanh tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, thi huấn luyện viên cấp 1,...
Em đã đạt được một số thành tích nổi bật như: Sinh viên 5 tốt cấp trường 2013, sinh viên 5 tốt cấp Trung Ương 2014, Á khoa 1 huấn luyện viên cấp 1 tỉnh Khánh Hòa 2012, huấn luyện viên cấp 1 Trung Ương 2013, và nhiều giải thưởng thanh niên, sinh viên có thành tích xuất sắc cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh,....
6. Điều gì đã tạo động lực giúp em có thể đạt được những thành tích đáng nể như vậy?
Khi em đậu ngành Sư phạm Vật lý, mẹ em có hỏi: “Học có nổi không con?”. Ý của mẹ em lúc đó là “Mẹ không lo nổi cho con ăn học”. Vì vậy tự bản thân em đã xác định mình phải cố gắng thật nhiều, nhiều hơn những người bạn khác. Em cũng đã phải đi làm thêm để có thu nhập trang trải chi phí sinh hoạt, học tập,...
Bên cạnh đó, em vốn dĩ rất yêu thích các hoạt động tình nguyện, các hoạt động tập thể, cộng đồng. Trường lại luôn tạo điều kiện cho em được thỏa mãn niềm đam mê đặc biệt đó. Vì vậy mặc dù vừa học vừa tham gia công tác xã hội vừa đi làm thêm nhưng em luôn cố gắng thu xếp thời gian, luôn vui vẻ và nhiệt tình.
Môi trường học tập ở trường đã giúp em có cơ hội rèn luyện được nhiều kĩ năng mềm từ các hoạt động ngoại khóa, học tập nhiều điều bổ ích từ bạn bè và những người đi trước. Nó giúp em thấy mình luôn tràn đầy năng lượng và muốn mình không ngừng cố gắng.

Hình 3. Với cựu sinh viên ngành Sư phạm Vật lý: học tập và trải nghiệm, tham gia các hoạt động vì cộng đồng là một trong những chất xúc tác tạo nên thành công


7. Nếu được chọn lại, em có chọn ngành Sư Phạm Vật Lý nữa không?
Nếu được chọn lại, em vẫn chọn học Sư phạm Vật Lý ạ. Vì Lý là môn học em yêu thích. Em luôn mong muốn biến nó thành môn học thú vị chứ không khô khan như mọi người vẫn nghĩ (cười).
8. Từ trải nghiệm của bản thân, em có thể chia sẻ một chút kinh nghiệm với các bạn học sinh còn đang phân vân trong lựa chọn nghề nghiệp tương lai của mình?
Vâng, thực tế hiện nay thì ngành nào cũng có cơ hội làm việc, ngành nào cũng có nguy cơ thất nghiệp. Quan trọng là các bạn chọn đúng ngành mà mình yêu thích và môn thi mà mình giỏi nhất trong số tất cả.
Khi học, bạn nên ưu tiên nhất là việc học, sau đó mới đến việc tham gia các hoạt động, hoặc làm thêm,..Tuy nhiên, nhất định phải tham gia hoạt động thanh niên và hoạt động cộng đồng, đừng chỉ học và học không.
Đừng nghĩ nhiều đến việc ra trường sẽ thất nghiệp, hãy học tập thật tốt và trở thành một sinh viên năng động, nhiệt tình, được rèn luyện tốt,... Như vậy khi ra trường bạn mới được đánh giá cao và có cơ hội nhiều.
Xin cảm ơn Tĩnh về cuộc trò chuyện này! Chúc em sẽ gặt hái nhiều thành công hơn nữa trong công việc và cuộc sống!

 

 

Người thực hiện cuộc phỏng vấn: TS. Lê Thị Quỳnh Hương - Trưởng Bộ môn Vật lý, 

Khoa Sư phạm, Trường ĐH Khánh Hòa

 
Khoa Sư phạm