Trong thời gian 10 ngày (từ 21/11/2017 đến ngày 30/11/2017), tập thể lớp Sư phạm Ngữ văn K1 Trường Đại học Khánh Hòa đã được tiếp cận chuyên đề Hán Nôm cơ sở do tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận – giảng viên thỉnh giảng đến từ Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn trực tiếp giảng dạy.
Hán Nôm vốn là một môn học rất khó nên Khoa Sư phạm đã ưu tiên những giảng viên chuyên sâu từ các trường đại học lớn, có kinh nghiệm trong truyền đạt kiến thức để giảng dạy cho sinh viên ngữ văn. Môn học này không chỉ giúp sinh viên hiểu và dùng chuẩn xác tiếng Việt hiện đại, để tìm về cội nguồn, tiếp cận và thâm nhập lý giải nền văn hoá cổ truyền của dân tộc, mà còn giúp họ hiểu sâu thêm được các tác phẩm văn chương cổ cận đại trong chương trình mà nhiều chỗ dịch bản không thể hiểu hết được.
Việc học và nghiên cứu Hán Nôm có ảnh hưởng và tác động tích cực đến văn học nói chung, bởi vì, văn học là nghệ thuật ngôn từ, văn học Việt Nam cổ trung đại viết bằng chữ Hán, chữ Nôm. Nếu người học văn học Việt Nam cổ trung đại, văn học Trung Quốc mà không có một vốn tri thức Hán Nôm tối thiểu, họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, học Hán Nôm liên quan đến cả Văn học hiện đại bởi Văn học hiện đại viết bằng chữ Quốc ngữ, nếu biết chữ Hán, chữ Nôm ở những mức độ nào đó họ sẽ có cơ sở hơn, tự tin hơn trong việc nhận thức Văn học hiện đại…
Trong thời gian 10 ngày tập trung tìm hiểu những vấn đề cơ bản của chữ Hán và cách viết chữ Nôm với lịch học khá dày trên lớp tưởng rằng sẽ đem lại nhiều áp lực cho sinh viên nhưng với sự nhiệt tình, tận tâm, cách diễn giải ngắn gọn dễ hiểu của thầy Nguyễn Ngọc Quận, tập thể lớp Đại học Sư phạm Ngữ văn K1 đã có những tiết học bổ ích và lý thú. Sinh viên không chỉ viết được, hiểu được tên mình bằng tiếng Hán mà còn biết được nhiều kinh nghiệm sống qua môn học.
Sinh viên Ngữ văn thực sự hứng thú với môn học
Với mục tiêu đưa nội dung đào tạo gắn với thực tiễn, giúp sinh viên gắn việc học tập với thực hành, sau phần học lý thuyết tại lớp, sinh viên được đi tham quan thực tế tại văn miếu Diên Khánh. Đây là một quần thể kiến trúc được xây để thờ Đức Khổng Tử, người khai sáng đạo Nho ở Trung Quốc, và vẫn được người đời tụng xưng là “Vạn thế sư biểu”, đồng thời nhằm ghi nhận công lao của những người có tài, học giỏi, đã được đỗ đạt. Năm 1803, vua Gia Long ra chỉ dụ lập Văn Miếu tại xã Phú Lộc, huyện Hoà Châu – thị trấn Bình Hoà, nay thuộc khóm Phú Lộc Tây – thị trấn Diên Khánh – tỉnh Khánh Hoà.
Chuyến dã ngoại ghi dấu nhiều kỷ niệm của sinh viên ĐHSP Ngữ văn K1
Ở Văn Miếu có rất nhiều câu đối bằng tiếng Hán, thầy đã nhiệt tình chỉ dạy cho sinh viên cách đọc và dịch nghĩa các câu đối trên cổng và trên tường. Cụ thể như với một đôi câu đối gồm hai câu đi song nhau, mỗi câu là một vế đối, nếu câu đối đó do một người sáng tác thì hai vế được gọi là vế trên và vế dưới; nếu người đó nghĩ ra một vế để cho người khác nghĩ và làm ra vế kia và đối lại thì gọi là vế ra và vế đối. Vế trên - câu bên phải (khi treo) còn vế dưới - câu bên trái (khi treo). Khi một câu đối do một người làm ra cả hai vế thì chữ cuối của vế trên là thanh trắc còn chữ cuối của vế dưới là thanh bằng.
Tiếp cuộc hành trình trải nghiệm, sinh viên được đi tham quan và chụp ảnh tại Pháp Viện Thánh Sơn – Diên Lâm.
Qua chuyến tham quan thực tế, các sinh viên Sư phạm Ngữ văn có dịp hiểu hơn về di tích lịch sử, văn hóa địa phương, để bản thân mỗi người biết quý trọng và gìn giữ những gì thuộc về văn hóa, lịch sử dân tộc. Đồng thời giúp sinh viên có dịp giao lưu và chụp với nhau những bức ảnh lưu niệm đầy ý nghĩa, giúp tập thể lớp đoàn kết lại với nhau, hiểu nhau và thương yêu nhau hơn.
Tập thể lớp cùng thầy cô chụp ảnh lưu niệm tại Cổng Chính của Pháp Viện
Kết thúc hành trình vừa học tập vừa trải nghiệm thực tế, tiến sĩ Nguyễn Ngọc Quận đã giành tình cảm và sự tin yêu đối với lớp khi cho rằng: Cuộc gặp của lớp với thầy chính là cuộc gặp gỡ đầy duyên phận: “Hữu duyên thiên lí năng tương ngộ”. Hi vọng các sinh viên của lớp Sư phạm Ngữ văn nói riêng và sinh viên các ngành nói chung sẽ có nhiều môn học thực sự ý nghĩa khi ngồi trên giảng đường Trường Đại học Khánh Hòa.
Thu Hương