Youtube Instagram Phản hồi E-office Lịch công tác
E-office Lịch công tác
Trang chủ ❯ Giới thiệu ❯ Khoa  ❯ Khoa Sư phạm ❯ Chi tiết
       
  21/04/2018 15:24        

Thực tế bộ môn Ngữ văn và những trải nghiệm hữu ích thắp lửa yêu nghề

Từ 23/3 – 29/3/2018 lớp Sư phạm Ngữ văn Khóa 1 Trường Đại học Khánh Hòa đã có một chuyến thực tế bộ môn đầy hứng thú và bổ ích với lịch trình đến các tỉnh thành của miền Trung như Phú Yên, Bình Định, Quảng Nam, Đà Nẵng, Huế.
Dừng chân tại Quảng Nam - mảnh đất sản sinh bao thế hệ anh hùng của cả dân tộc, cả đoàn được ghé thăm tượng đài mẹ Thứ. Đây là nơi ghi danh gần 50 ngàn bà mẹ Việt Nam anh hùng của cả nước và lưu giữ những hình ảnh tư liệu, hiện vật gắn liền với kỳ tích về những bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu qua 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Hình ảnh của những người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu cho 54 dân tộc Việt Nam được thể hiện qua các tác phẩm hội hoạ, phù điêu, ảnh nghệ thuật. Đặc biệt bức tượng của mẹ Nguyễn Thị Thứ sừng sững giữa không gian rộng lớn với nét mặt nhân hậu, hiền từ lại như chất chứa ngàn nỗi đau thương khi những đứa con của mình đã lần lượt hy sinh... Ghé thăm nơi này, cả đoàn không khỏi cảm giác lắng đọng, bâng khuâng và da diết với một tình yêu Mẹ. 




Hình 1. SV Lớp Ngữ văn K1 tập bên tượng đài mẹ Thứ - Quảng Nam


Đến thành phố Huế thơ mộng, đoàn thực tế được chiêm ngưỡng kiến trúc độc đáo của ba tòa thành lồng vào nhau bố trí đăng đối trên một trục dọc xuyên suốt từ mặt Nam ra mặt Bắc gồm Kinh thành, Hoàng thành, Tử cấm thành Huế. Mỗi kiến trúc Lăng Vua (Lăng Vua Nguyễn, Lăng Minh Mạng) phản ánh cuộc đời và tính cách của các vị chủ nhân. Tìm hiểu Kinh thành Phú Xuân (kinh thành Huế) tất cả mọi người không khỏi tự hào trước những công trình, kiến trúc uy nghi của các lăng tẩm, chùa chiền, hào… Đặc biệt khi dạo bước quanh Đại nội Huế cả đoàn như được sống lại những thời khắc huy hoàng nhưng cũng đầy bi tráng của triều đại nhà Nguyễn - triều đại cuối cùng trong lịch sử thời phong kiến Việt Nam.

 



Hình 2. Bình yên ngắm chùa Thiên mụ


Sau những giờ đi chung với đoàn thì buổi tối lớp Sư phạm Ngữ văn Khóa 1 được tự do khám phá, trải nghiệm những đặc sắc và đặc sản Huế theo cách riêng. Cả đoàn đã thưởng thức ẩm thực Huế: bún bò Huế, cơm hến, chè Huế. Nếu như Hà Nội có “36 phố phường” thì Huế cũng có “36 thứ chè”. Không ai biết chè hẻm có ở Huế từ bao giờ mà chỉ biết gọi là thế, bởi nó thường nằm sâu trong các ngõ ngách với rất nhiều loại chè khác nhau. Mỗi loại chè có một hương vị riêng, ngon bổ, tinh tế và cầu kỳ như chính con người nơi đây. Chè bắp ngọt mát tinh khiết, vừa thơm vừa bùi nấu từ bắp ngô non của cồn Hến, chè hạt sen với thứ hương trầm thật lạ của giống sen hồ Tịnh Tâm – loại sen “tiến vua”. Lại còn chè nhãn bọc hạt sen ngọt thanh, thơm bùi và nhiều loại chè như chè hạt lựu, chè trôi nước, chè khoai sọ, chè bột lọc…
Đoàn thực tế được ghé thăm sông Hương - linh hồn của xứ Huế, được bình yên ngắm nhìn chùa Thiên Mụ, thong thả theo thuyền rồng và bồi hồi nghe ca Huế trên sông. Ca Huế được chia thành hai điệu chính: điệu khách (hay còn gọi là điệu Bắc) và điệu Nam. Điệu Bắc thì trang trọng vui tươi, âm sắc trong sáng rộn rã như cổ bản, long ngâm, hành vân, long điệp... Điệu Nam thì trữ tình sâu lắng xen lẫn cái da diết bi thương thổn thức như nam ai, nam bình, tương tư khúc... Đến bến Vân Lâu, đoàn thực tế được người quản thuyền hướng dẫn thả đèn hoa đăng trên dòng sông Hương. Đây là một phong tục có từ lâu đời của người dân xứ Huế với mong muốn cầu sự an lành. Trong không gian tĩnh mịch, ánh trăng hòa nhịp sóng, tiếng nhạc hòa lòng người, dưới sắc nước lung linh ánh đèn tất cả các sinh viên đã có được một cảm giác lắng đọng tuyệt vời – những điều không thể có được nếu chỉ đọc trong sách vở. 




Hình 3. Nghe ca Huế và chụp hình lưu niệm với các nghệ nhân


Ghé thăm Bình Định với nhà lưu niệm Xuân Diệu, Tháp Đôi, Chùa Ông Núi, sinh viên Ngữ văn đặc biệt ấn tượng với trại phong Quy Hòa - nơi mà nhà thơ Hàn Mạc Tử chữa bệnh và qua đời ở đây. Cảnh vật Quy Hòa rất đẹp và yên tĩnh... Cây cối, hồ nước bài trí một cách hài hòa cùng với biển trời bao la. Cảnh đẹp thơ mộng, yên bình là thế nhưng nó đã từng đối nghịch cùng cực với nỗi đau mà những người bệnh nơi trại phong phải gánh chịu. Càng xót xa hơn khi được biết lúc trăng tròn nhất, đẹp nhất cũng là khi những người bệnh như Hàn Mặc Tử đau đớn nhất vì những gặm nhấm của bệnh tật ăn mòn trên nỗi đau thân xác. Nhà thơ đã từng phải thốt lên: “Ai mua trăng tôi bán trăng cho”. Hiện tại ở trại phong vẫn có một khu ở riêng dành cho người thân của người bệnh. Những người ở đây họ sống tách biệt với bên ngoài. Họ xây nhà san sát nhau và không hề có những hàng rào ngăn cách giữa các nhà… Ở đây họ sống với nhau bằng tình người, họ cười nói vui vẻ an yên sống trọn những ngày ý nghĩa… Những gì đoàn thực tế được chứng kiến đã giúp sinh viên Ngữ văn thấy hiểu đời, yêu đời và trọng tình người hơn.

 



Hình 4. Thực tế bộ môn giúp tập thể lớp xích lại gần nhau


Mặc dù chuyến đi chỉ vỏn vẹn trong một tuần nhưng đoàn thực tế lớp Sư phạm Ngữ văn K1 đã được khám phá nhiều vùng đất với bao danh thắng phủ dày lớp trầm tích của những giá trị văn hóa lịch sử, tận mắt chiêm ngưỡng những công trình kiến trúc kì vĩ hay những cảnh quan kì diệu của hóa công, tìm hiểu nhiều hơn về những tác giả văn học nổi tiếng, những trải nghiệm ẩm thực không thể nào quên… Tất cả đã mang đến cho sinh viên vô vàn kiến thức bổ ích, đặt những dấu ấn không thể phai mờ của một thời tuổi trẻ ngồi trên ghế giảng đường trường Đại học Khánh Hòa. Quan trọng hơn là qua chuyến đi, tập thể lớp đã biết quan tâm, giúp đỡ và nhường nhịn nhau hơn, thực sự xích lại bên nhau như một nhu cầu tự thân, như những thành viên ruột thịt trong một gia đình. Cũng là lần đầu tiên, cả tập thể lớp cùng chung mong ước sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị nữa khi được học tại Trường Đại học Khánh Hòa và chung một mong muốn chuyến đi sẽ dài thêm, dài thêm...



Khoa Sư phạm biên tập theo Báo cáo của SV Phạm Thị Son – Lớp SP Ngữ văn K1


 
Khoa Sư phạm