Vào lúc 19h ngày 17/8/2018, tại Giảng đường 1 Trường Đại học Khánh Hòa, Giảng viên và sinh viên Khoa Sư phạm đã vinh dự được đón tiếp và giao lưu với nhà thơ Nguyễn Duy – một nhà thơ hiện đại với nhiều tác phẩm nổi tiếng được đưa vào giảng dạy ở chương trình phổ thông: Tre Việt Nam, Ánh trăng, Đò lèn...và gần đây nhất là một bài thơ được đưa vào đề thi THPT Quốc gia 2018, bài “Đánh thức tiềm lực”.
Hình 1. GV & SV Khoa Sư phạm giao lưu cùng nhà thơ Nguyễn Duy
Tham dự buổi giao lưu còn có sự góp mặt của nhà thơ Trần Chấn Uy – Hội Văn học nghệ thuật Khánh Hòa; nhà thơ Phạm Đương; các giảng viên Khoa Khoa học Xã hội và Nhân văn cùng toàn thể sinh viên ngành Ngữ văn, ngành Tiểu học thuộc Khoa Sư phạm.
Hình 2. Nhà thơ Trần Chấn Uy - Người đã kết nối để có buổi giao lưu ý nghĩa
Mặc dù tuổi đã cao nhưng khi giao lưu với giảng viên và sinh viên Khoa Sư phạm, trường Đại học Khánh Hòa, nhà thơ vẫn tràn đầy nhiệt huyết. Tiếng thơ Nguyễn Duy vừa hào sảng vừa da diết tình đời, tình người đã chạm vào chiều sâu cảm xúc và bừng thức tâm trí người nghe. Ông chia sẻ và tâm sự về chuyện đời, chuyện nghề, về những kỷ niệm của một thời chiến trận. Những mảng thơ về quê hương, về đời lính, tình yêu và thế sự cứ lôi cuốn không ngừng.
Hình 3. Sinh viên Khoa Sư phạm đọc thơ và trao đổi cùng nhà thơ về những vấn đề quan tâm
Chặng đường thơ Nguyễn Duy đã mở ra từ những âm vang trữ tình sâu sắc, chân thành, da diết: Tre Việt Nam, Ánh trăng, Đò Lèn, Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa, Ca dao vọng về, Lời ru đồng đội, Sông Thao, Em ơi gió....... đến lời thức nhận đầy gai góc, bản lĩnh: Nhìn từ xa...Tổ quốc, Đá ơi, Đánh thức tiềm lực, Bán vàng, Kim mộc thủy hỏa thổ...
Thơ lục bát của Nguyễn Duy có phong cách hiện đại, câu thơ vừa phóng túng lại vừa uyển chuyển chặt chẽ. Ngôn ngữ thơ vừa bình dân, hiện đại lại mang tính cách tân đổi mới. Ông nói: “Thơ tôi là máu thịt, là gan ruột, không phải là miệng lưỡi”. Với một con người đã từng một thời bền gan chiến trận thì ý thức về cái giá phải trả cho cuộc sống hòa bình hôm nay càng đau đáu đến khôn nguôi khi những gì thời hậu chiến không như mình mong ước. Có lúc nhà thơ viết những câu thơ rất thật phê phán về những trì trệ, bất cập mà mình mắt thấy tai nghe trong thời kì bao cấp:
“Có một thời ta mê hát đồng ca
Chân thành và say đắm
Ta là ta mà ta cứ mê ta”
(Tổ quốc…nhìn từ xa – 1988)
Mượn triết lý phương Đông “Âm dương - Ngũ hành” để nói về cái cụ thể của cuộc đời, của đất nước, của dân tộc từng ngày xáo trộn đổi thay, Nguyễn Duy đã viết những vần thơ đầy suy tư triết lý về thiên nhiên, không gian và tương lai con người:
Quả đất nóng dần lên
Tầng ôzôn có vấn đề gì đó
Sọ dừa gặp vấn đề trì trệ
Tri thức nhồi vào tri thức cứ phòi ra…
(Kim mộc thủy hỏa thổ - 1990)
Trong buổi giao lưu, sinh viên Khoa Sư phạm còn bày tỏ sự quan tâm và mong muốn nhà thơ chia sẻ về bài thơ “Đánh thức tiềm lực” – một bài thơ có trích đoạn được đưa vào chương trình thi THPT Quốc gia năm nay. Nhà thơ đã đọc hết bài thơ dài như một bài trường ca với nhiều cung bậc cảm xúc, ý nghĩa nhân sinh và trái tim nặng lòng cùng thế sự. Nhà thơ cho rằng đây là đề tài khá mới, chính ông cũng bất ngờ khi nó được đưa vào chương trình thi vì trước đây, các đề thi thường lấy nội dung chủ nghĩa anh hùng cách mạng hoặc vẻ đẹp của thiên nhiên, tuy nhiên cũng theo nhà thơ việc ra đề thi theo hướng mở thế này là rất nên làm. Bởi “Chúng ta không "nhồi sọ" nhưng chắc chắn phải nhắc đi nhắc lại với giới trẻ về trách nhiệm với tổ quốc và trong chừng mực nào đó, không nên né tránh nữa mà đặt thẳng trách nhiệm công dân với cộng đồng và xã hội, nhất là giới trẻ”
"Khoáng sản tiềm tàng trong ruột núi non
châu báu vô biên dưới thềm lục địa
rừng đại ngàn bạc vàng là thế
phù sa muôn đời như sữa mẹ
sông giàu đằng sông và bể giàu đằng bể
còn mặt đất hôm nay thì em nghĩ thế nào?
lòng đất rất giàu, mặt đất cứ nghèo sao?"
Theo ông: "Tiềm lực tài nguyên không còn như thời tôi làm bài thơ này nữa, nhưng việc đánh thức tiềm lực trong con người là điều quan trọng hơn cả. Tôi nghĩ đánh thức tiềm lực để xây dựng một đất nước, một quốc gia, một dân tộc là công việc mang tính chất vĩnh cửu liên tục chứ không phải công việc nhất thời của một giai đoạn nào".
Chia tay nhà thơ Nguyễn Duy, toàn thể giảng viên và sinh viên Khoa Sư phạm thêm hiểu, thêm yêu hơn về một hồn thơ sâu nặng tình đời, tình người, luôn đau đáu tình yêu, trách nhiệm với Nhân dân, Tổ quốc.
Hình 4. GV, SV và khách mời chụp hình lưu niệm cùng nhà thơ Nguyễn Duy
Thu Hương